-Thật là hài hước! Maxime phá lên cười.
Từ hai tuần nay, ngày nào Omar-Jo cũng phải nghĩ ra một kiểu ăn mặc lố lăng nào đó. Lần này nó mặc một bộ cánh bằng giấy, bằng vải và cả bằng nhựa. Trên đó, nó vẽ những bộ mặt lòe loẹt lố bịch. Cái mũi khổng lồ và đỏ như gấc là một con ong bò vẽ, còn đôi lông mày là hai nốt giáng lộn ngược. Nó được chú Antoine tặng cho chiếc kèn amônica còn khá tốt. Nó thổi cũng khá cừ. Những giai điệu khi du dương lúc trầm bổng nhưng lại có lúc nghe rất chói tai làm mọi người phải giương mắt nhìn nó.
Cứ người này truyền miệng đến tai người kia, và nhờ những tấm áp phích dán đầy quảng trường, mọi người bắt đầu kéo đến rất đông.
- Tao cũng thấy mày đến, Maxime gắt. Nhưng là để xin tao tiền công.
- Ông cứ cho cháu thứ việc đi. Cháu chỉ cần cơm ăn hai bữa và cháu sẽ không lấy tiền công như đã nói.
- Hãy cút đi với vẻ hào phóng của mày.
Trước khi đi, Rosie rất lo lắng về đứa cháu cô gửi Maxime. Dẫu sao, ông cũng để lại ấn tượng tốt cho vợ chồng cô. Antoine thì luôn an ủi cô rằng mọi việc rồi sẽ tốt đẹp. Đó là cô quá lo xa, chứ thằng bé đã nhanh chóng thích nghi ngay với hoàn cảnh mới. Với cá tính của nó thì nó có thể hợp với tất cả mọi người.
- Anh có tin là nó sẽ được nuôi dạy tử tế không? Cô lo lắng hỏi.
ấn tượng đầu tiên của những người đi xa khi nhớ về Tổ quốc là những món ăn đậm đà hương vị quê hương. Rosie thầm nghĩ, không biết khi mình vắng mặt, liệu nó còn nhớ đến những món ăn của quê hương không? Omar-Jo ngạc nhiên khi thấy cô Rosie hỏi mình như vậy; nó rất thích những món ăn đó, nhưng với tính cách ưa phưu lưu thì nó không thể cứ ngồi bó gối một chỗ được. Điều duy nhất khiến nó nhớ đến là nỗi đau mất người thân mà nó yêu quý nhất.
- Cô có sáng kiến thế này, Rosie gợi ý. Cô sẽ làm một chiếc bánh để cháu mang đến biếu ông Maxime. Thế có được không?
- Nhưng cháu không chắc là ông ta sẽ thích đâu.
- Chưa có ai chê tài nấu nướng của cô đâu cậu bé ạ.
Cô bắt tay vào làm một chiếc bánh thịt trộn lúa mì nhồi thịt bò băm, hành tây và đậu mỏ. Chiếc bánh vàng ươm bởi lớp dầu ô liu được rưới lên trên.
- Cháu có tin không, ông ta sẽ rất hài lòng với chiếc bánh này.
Nhưng Omar-Jo thì lại nghi ngờ điều đó.
Thằng bé đang đứng trước Maxime với chiếc đĩa phủ tờ giấy nhôm trên tay.
- Mày cầm cái gì thế?
- Một món ăn của quê hương cháu. Cháu mang đến biếu ông. Tự tay cháu làm đấy.
Maxime lật tờ giấy bằng ngón tay cái.
- Bánh gì toàn dầu với thịt mỡ thế này! Chưa ăn tao đã thấy rùng mình rồi. Mày mang đi đi!
Đã đoán trước điều gì sẽ xảy ra, nhưng thằng bé vẫn không nói được gì đành quay trở về. Trên đường đi nó tự hỏi không biết sẽ phải nói với dì Rosie thế nào để dì không cảm thấy vị xúc phạm đây? Nó chợt nhớ đến con bé ăn xin sáng nào nó cũng gặp trên đường.
Con bé hay ngồi dựa vào góc tường ở những cửa hàng lớn. Mùa đông cũng như mùa hè, nó thường đội một chiếc mũ len đủ màu được chắp lại bằng ba chiếc mũ khác và đi đôi ủng ngắn màu xanh lá cây nhạt bằng cao su. Xung quanh nó phải đến nửa tá túi nhựa màu xanh da trời nó lượm được ngoài bờ hồ. Trông chúng như một hàng rào bảo vệ. Ngày này qua ngày khác, nó làm phong phú thêm tài sản khốn khổ của nó bằng những thứ nó nhặt được hàng sáng trong thùng rác của thành phố. Người ta không biết chính xác chỗ ở của nó. Con bé chính là một phần thu nhỏ của số phận con người lúc bấy giờ. Không ai nghĩ đến chuyện sẽ đuổi nó đi nơi khác.
Omar-Jo đã bị cái dáng vẻ rất nghệ sỹ của con bé cuốn hút ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nó cũng thấy thương con bé khi nhìn thấy khuôn mặt tuy còn trẻ nhưng đã phị xuống một cách khủng khiếp. Đôi môi con bé tái nhợt, sưng vù lên, chiếc cổ bám đầy ghét, những ngón tay, ngón chân gồ lên cáu bẩn. Chắc con bé đã phải chịu biết bao bất hạnh trước khi lưu lạc tới đây. Bất hạnh ư, liệu có ai biết rõ bằng nó...
Về phía mình, con bé ăn xin cũng bị cái tay cụt và một bên má lõm của nó thu hút. Không hiểu cậu ta đã thoát chết trong vụ tai nạn khủng khiếp nào nhỉ? Cả hai đứa đều không nói gì với nhau, nhưng chúng hiểu giữa chúng đã có sự giao cảm.
Cứ mỗi buổi sáng, khi đi ngang qua chỗ con bé, nó lại cất tiếng chào:
- Chúc bà một buổi sáng tốt lành!
Con bé cũng đáp lại bằng giọng bông đùa:
- Chúc ông một ngày tốt lành!
Khi Omar-Jo mang chiếc bánh đến, con bé sung sướng vỗ tay đôm đốp. Ngay lập tức, con bé lôi ra một chiếc chậu đã vẹt đít gói cẩn thận trong một cái túi và đề nghị nó bỏ chiếc bánh vào đó.
- Chắc là ngon phải biết, tôi sẽ có một bữa thỏa thích đây!
Con bé vét chiếc chậu quèn quẹt hi vọng còn sót lại một chút gì đó. Nhìn con bé ăn ngấu nghiến, Omar-Jo thấy hạnh phúc và được an ủi phần nào. Tối nay, nó có thể kể cho dì Rosie nghe ông Maxime đã khen tấm tắc sản phẩm của dì thế nào. Ông đã ăn đến mẩu bánh cuối cùng.
Trước khi đi, nó còn rỉ tai con bé mấy lời.
- Một ngày nào đó, tôi sẽ mời bạn đến đua ngựa nhé.
- Chắc chắn tôi sẽ đến, con bé đáp vui vẻ.
Nó tượng tượng lúc ấy con bé chắc phải giống như một bà phù thủy hay một nàng tiên nào đó ngồi trên cỗ xe vừa nhảy vừa hát với những con tuấn mã chạy vòng tròn.
Omar-Jo đến cửa hàng vào đầu giờ trưa. Nó nhìn thấy dòng chữ viết trên cửa kính của babin. Ông Maxime dặn nó sang tìm ông ở quán rượu bên cạnh.
Nó nhìn thấy ông chủ đang ngồi trước chai rượụ bôjola cùng với đĩa dồi và khoai tây chiên.
- Ê, lại đây ăn, thằng nhóc!
- Ông không còn rùng mình nữa ạ? Nó hỏi và cười tinh quái. Ông quên cảm giác đó nhanh thật đấy!
Omar-Jo có thể đứng trên lưng ngựa mà nhảy nhót như một con quỷ nhỏ và làm hàng trăm trò hấp dẫn khác nhau. Mỗi khi nó bắt đầu trình diễn, không chỉ lũ trẻ con lại kéo đến rất đông, ngay cả các bậc phụ huynh cũng bắt đầu trả tiền mà không hề phàn nàn.
Công việc làm ăn cứ thế phát đạt. Maxime bắt đầu mua những đĩa hát mới và thắp đèn suốt ngày. Ông từ chối không về thăm gia đình. Họ thất vọng khi biết tin ông không bán cửa hàng nữa. Ngược lại, tìm được cảm hứng mới, ông dành phần lớn thời gian của mình cho công việc ông yêu thích.
- Làm thế nào anh có thể thoát ra khỏi tình cảnh khó khăn như thế? Chính anh đã nói là...
- Bây giờ tôi không còn khó khăn nữa, mà thậm chí còn đàng hoàng là đằng khác.
Họ không hiểu gì cả. Giọng nói của ông rất vui vẻ, hồ hởi. Hay do men rượu? Thứ men vẫn là sức mạnh giúp ông còn cô đơn đến bây giờ!... Họ cử một người thân ra thành phố để thuyết phục ông. Nhưng cũng chẳng ăn thua gì.