Đột nhiên có một tiếng cười rất lạnh lùng rót vào tai các người, tiếp theo đó có tiếng cười nói rằng :
- Những quân vô sĩ, có lẽ các ngươi chưa bị dìm xuống dưới sông Hoàng Hà thì chư biết chết là gì?
Tiếng nói ấy vừa dứt thì Trung Điền tứ lang cảm thấy cổ tay phải nặng như nghìn cân đè xuống, xương đau nhức như bị gảy, tiếp theo đó có một kình lực rất mạnh lấn át tới, khi đến gần, kình lực ấy lại biến thành một sức hút rất mạnh nên bốn môn khí giới của chúng đều bị rời khỏi tay bay đi mất.
Chỉ nghe thấy mấy tiếng kêu “coong coong”, bốn thanh trường kiếm của chúng đều cắm cả vào mặt bàn của thư sinh nọ.
Lúc bây giờ Tứ lang với Song nghĩa mới vỡ lẽ và cùng giật mình hoảng sợ khôn tả vì bọn họ đều là cao thủ hạng nhất trong võ lâm mà bây giờ người ta ra tay như thế nào cũng không thấy rõ. Tất nhiên không thể nào biết được đó là công lực gì?
Trong sáu người đó, riêng chỉ có Chung Dật là để ý nhìn rồi y thấy thư sinh giơ tay phải lên khẽ phất một cái rất nhẹ nhàng, có thế thôi.
Lúc ấy Trung Điền tứ lang mặt nhăn nhó, tay trái ôm khuỷu tay phải kêu đau luôn mồm.
Còn anh em Song nghĩa đứng ngẩn người ra nhìn và buông tay xuống.
Ngoài sáu người ấy ra còn một số tửu khách khác đều nhìn cả vào mặt của thư sinh, nhưng thư sinh ấy vẫn ung dung cầm chén lên uống, làm như không có chuyện gì xảy ra vậy. Càng thế, những người nọ lại càng kinh ngạc thêm.
Thư sinh áo trắng uống cạn chén rượu mới ngửng đầu lên nhìn các người, cười khì một tiếng và khẽ đặt chén rượu xuống bàn. Thanh kiếm thứ nhất ở trước mặt chàng ta đột nhiên bắn tung lên, chàng giơ hữu chưởng lên hất thẳng một cái, trường kiếm đã bắn thẳng lên nóc nhà kêu phập một tiếng, thanh kiếm đã cắm ngập cán vào sà nhà rồi.
Tiếp theo đó lại có ba tiếng kêu như thế nữa, ba thanh kiếm sau cũng lần lượt bắn cả lên và cũng cắm sâu vào trong sà nhà hết.
Mọi người thấy thế càng kinh hãi thêm. Thư sinh đưa mắt nhìn Trung Điền tứ lang cười khẩy và nói :
- Đây chỉ là trừng trị qua loa cho các ngươi biết để khỏi còn có tính kiêu ngạo và hung ác như thế nữa. Đối với các ngươi bọn tiểu xúc, ta không muốn nhơ bẩn bàn tay. Nếu các ngươi muốn lấy lại khí giới thì cứ việc lấy đi, nhưng ta phải nói cho các ngươi biết trước, mấy thanh kiếm ở trên đó đã biến thành những khúc sắt vụn. Nếu không tin các ngươi cứ thử lấy xuống xem.
Trung Điền tứ lang đâu dám nhảy lên lấy kiếm xuống nữa, chỉ hoảng sợ đến biến sắc mặt và ngơ ngác nhìn nhau thôi.
Thư sinh áo trắng tủm tỉm cười và nói tiếp :
- Nếu các ngươi khôn ngoan biết điều thì mau lên đường ngay đi.
Bản tính của Tứ lang vẫn hung tàn kiêu ngạo, nên chúng chỉ hơi trần trừ một chút, rồi Thiên Phong đã đột nhiên chắp tay chào và nói :
- Anh em Quân Thiên Phong này có mắt mà không có ngươi, không biết các hạ là cao nhân và thần công rất cái thế, khiến ai cũng phải kính phục. cổ nhân vẫn thường nói: “Không đánh nhau thì không sao quen biết nhau được”. Vậy chẳng hay quý tính đại danh của các hạ là gì?
Thư sinh áo trắng bỗng trợn tròn xoe đôi mắt lên, lạnh lùng đáp :
- Mỗ đã không sao chịu nhịn được nữa. Với Trung Điền tứ lang các ngươi còn chưa xứng hỏi tên họ của mỗ. Nhân lúc mỗ hãy còn dịu tính, biết điều thì mau bước ngay đi.
Trung Điền tứ lang thấy đôi mắt rất lạnh lùng của đối phương đã giật mình đến thót một cái rồi đâu còn dám nói thêm nữa, nên vừa nghe thấy câu cuối cùng của đối phương chúng đã chạy mất dạng ngay.
Bạch y thư sinh cười khẩy một tiếng rồi lại nâng chén uống như thường, hình như không có chuyện gì xảy ra vậy.
Hoàng Sơn Song Nghĩa vội tiến lên, chắp tay vái chào và đồng thanh nói :
- Hoàng Sơn Chung Dật với Tôn Lăng đa tạ thiếu hiệp đã ra tay trợ giúp cho.
Thư sinh áo trắng vội đứng dậy đáp lễ và trả lời rằng :
- Đi đường thấy sự bất bình rút đao tương trợ đó là thiên chức của người võ lâm chúng ta. Bọn tà ác gian giảo ai ai cũng có quyền diệt trừ, hai vị hà tất phải nhắc nhở đến hai chữ cảm ơn như thế làm chi. Hai vị đã vì bạn mà sốt sắng, không quản ngại đường xá xa xôi đến đây trợ giúp, không nghĩ đến sự an nguy của bổn thân, đó mới là sự đáng quý đáng mến.
Chung Dật lại hỏi :
- Xin thiếu hiệp cho biết quý tính đại danh để tiện xưng hô?
Thư sinh áo trắng hơi trầm ngâm giây lát rồi đáp :
- Tại hạ là Phạm Tĩnh Nhân.
Chung Dật hơi ngạc nhiên và nghĩ bụng :
Người này có công lực cái thế như vậy, tại sao tên tuổi của y lại không nghe thấy ai nói tới?
Nghĩ tới đó, y bỗng thở dài một tiếng, nghiêm nét mặt lại nói tiếp :
- Thì ra là Phạm thiếu hiệp. Nói ra thì anh em lão phu rất lấy làm hổ thẹn và lo âu. Có ngờ đâu lão đại ca của chúng tôi Gia Cát Ngọc Anh, Trại chủ của 28 trại ở Động Đình này đã nổi danh mấy chục năm như thế mà bây giờ tên tuổi lại bị hủy ở trong tay người con gái cưng. Bùi Thiên Vân, Bảo chủ của Long Hổ bảo ở Mân Đông thèm thuồng cơ nghiệp ở Động Đình này đã lâu, lần này nhân cớ hiền điệt nữ của lão phu thoái hôn mà gửi thiếp đi mời các cao thủ của hắc đạo, tổ chức Động Đình đại hội, định cướp giật cơ nghiệp của Gia Cát lão ca đã xây dựng mấy chục năm nay và y còn định uy hiệp hiền điệt nữ của Gia Cát lão ca. nhưng tiếc thay anh em lão phu bất tài, chỉ e không đủ sức giúp được Gc lão ca. tuy vậy, anh em lão phu vẫn phải liều thân thí mạng, mong giúp được lão ca chút nào hay chút ấy, dù có phải hy sinh hai cái mạng già này cũng chấp nhận.
Phạm Tĩnh Nhân ngẫm nghĩ giây lát, hỏi tiếp :
- Hai cụ có biết Bùi Thiên Vân đã mời những cao thủ nào của hắc đạo không?
Tôn Lăng đáp :
- Anh em lão phu cũng không biết rõ, chỉ biết Âm Sơn Nhân Đồ Hoạt Cương Thi Lê Hạo với mấy nhân vật thần bí đã sắp tới hồ Động Đình này rồi.
Tĩnh Nhân kêu ồ một tiếng, hỏi tiếp :
- Thế ra Thiên Vân có mời cả Lê Hạo đấy! Thế còn bên Gia Cát trại chủ có những ai?
Tôn Lăng gượng cười đáp :
- Gia Cát lão gia không muốn các bạn vì mình mà mạo hiểm cho nên không hề mời một ai hết. Nhưng bọn anh em chúng tôi hay biết chuyện này khi nào lại ngồi yên mà không chạy đến tận chút hơi sức mọn? Không phải lão phu khen ngợi mà làm giảm mất oai phong của mình, đối phương chỉ có một Âm Sơn Nhân Đồ cũng đủ làm cho người khó đối phó rồi.
Tĩnh Nhân tủm tỉm cười hỏi tiếp :
- Tại hạ có quen Gia Cát thiếu trại chủ, nay lại nhận thấy cao nghĩa của hai cụ nên đến lúc đó cũng muốn tới giúp một tay. Nhưng không biết Động Đình đại hội cử hành vào ngày nào?
Hoàng Sơn Song Nghĩa nghe cả mừng, nghiêm nghị đáp :
- Thật là Động Đình nhị thập bát trại rất có phước. Anh em lão phu rất lấy làm hân hạnh. Còn năm ngày nữa mới tới ngày đại hội ở Động Đình. Ơn lớn không dám nói tạ, xin thiếu hiệp hãy nhận một lạy của anh em lão phu trước.
Nói xong hai người định quỳ xuống vái lạy, Tĩnh Nhân thấy thế vội xua tay và nói :
- So sánh với cao nghĩa của hai cụ thì tại hạ rất lấy làm hổ thẹn. Xin hai cụ đừng làm cho tại hạ giảm phước nữa.
Nói xong chàng ta chỉ khẽ phẩy tay một cái, Hoàng Sơn Song Nghĩa đã cảm thấy một nhu kình dồn tới khiến hai người không sao vái lạy được. Hai người đành phải thôi và nhìn Tĩnh Nhân với giọng cảm động nói tiếp :
- Tài ba của thiếu hiệp thật không kém gì người trời. Anh em lão phu từ nhỏ đến giờ chưa thấy ai lại có công lực cao siêu đến như thế. Bốn ngày sau xin thiếu hiệp thể nào cũng giáng lâm Động Đình. Bằng không các anh hào của bạch đạo...
Tĩnh Nhân đột nhiên cười và đỡ lời :
- Xin hai cụ cứ yên tâm. Tĩnh Nhân tôi đã nói là phải thi hành. Nhưng hiện giờ còn có việc cần, không tiện đi theo hai vị, mong hai vị chuyển cáo với Gia Cát thiếu trại chủ cứ yên tâm nghênh chiến, nếu đến ngày hôm đó tại hạ không tới được thể nào cũng nhờ người khác đến giúp. Thôi, xin cáo từ.
Nói xong, chàng chắp tay vái một vái và thuận tay vứt một hạt châu xuống mặt bàn rồi quay người đi ra khỏi khách điếm luôn.
Hoàng Sơn Song Nghĩa thở dài một tiếng nữa mới hân hoan đi hồ Động Đình ngay.
Động Đình đại hội không những chấn động võ lâm mà còn chấn động cả các nơi hẻo lánh. Tuy có rất nhiều nhân vật trong võ lâm lần lượt tới Động Đình nhưng mục đích không chắc đã giống nhau.
Hãy nói hai mỹ nhân tuyệt sắc ẩn cư trên đỉnh núi Võ Di, hôm đó nàng áo trắng bỗng lên tiếng nói :
- Câu chuyện của chúng ta đoán sắp tới nơi rồi, nhưng nó tới hơi sớm một chút khiến võ lâm đang bình tĩnh lại nổi sóng, thực là ý trời có khác. Sương muội bảo chúng ta có nên đi ngay không?
Mỹ nữ áo đen đáp :
- Nên lắm, nhưng tiểu muội vẫn còn e dè một chút.
- Ngu tỷ biết rồi, nếu ngu tỷ đoán không sai thì phen này các đại môn phái thể nào cũng phái rất nhiều cao thủ đi dự, vì họ đoán chắc trong đại hội Động Đình thể nào cũng tìm kiếm được đôi chút manh mối, chưa biết chừng còn thâu hoạch rất nhiều kết quả là khác. Đồng thời thể nào họ cũng nhận định chị em chúng ta sẽ có mặt tại đó, như vậy có phải họ lại còn tìm thấy cả nhân chứng là hiền muội đấy không? Ngoài những vấn đề đó, hiền muội còn ngại không biết anh em họ Gia Cát có chịu nhận sự giúp đỡ của chúng ta không phải không?
Nàng áo đen gật đầu đáp :
- Vâng, tiểu muội có ngại như thế thực!
- Hai vấn đề ấy Sương muội khỏi cần phải lo ngại một vấn đề nào hết. Thứ nhất chúng ta có thể tùy cơ ứng biến, ngu tỷ không tin chị em mình địch không nổi chúng.
Thứ hai nhân lúc này chúng ta có thể gần gủi được người mà được mọi người cùng kính mến nhất. Hơn nữa, dù sao chúng ta cũng phải đi vì chúng ta còn muốn cứu vãn hậu quả của việc này với cục diện của Đái Vân sơn trang. Đồng thời chúng ta có thể giúp các đại môn phái một tay. Nếu ngu tỷ đoán không sai thì mấy tên già đáng chết kia với bọn Nam Hoang lục hung thể nào cũng có xen lẫn ở trong đám đông.
- Thế chúng ta bao giờ mới bắt đầu lên đường?
- Còn bốn ngày nữa, chúng ta phải nên chuẩn bị sẵn sàng đi.
Thế rồi hai nàng phi thân vào trong đám sương mù đi mất dạng.
* * * * *
Trong một sơn cốc rất kín đáo ở trên một dãy núi không mấy người dám lui tới, trên một tảng đá lớn ở giữa sơn cốc đang có bốn ông già mặc áo bào đang ngồi chuyện trò với nhau.
- Lão Tứ, trò vui đã sắp tới rồi, chả hay lão nghĩ sao?
- Khỏi cần phải hỏi, việc này là do chúng ta mong muốn mãi mà cũng không có, bây giờ mới có dịp may tới, chúng ta phải cảm ơn Bùi Thiên Vân mới phải.
- Vết thương của lão tứ với lão nhị...
- Hừ, chữa đúng một năm, bây giờ mới khỏi...
- Lão tứ, đừng có coi thường một việc như thế, phải biết chúng ta đi sai một nước cờ cũng không được. Pho Lan Hoa chỉ của con nhãi đã được hết chân truyền của mụ tú bà rồi, nếu...
- Còn nếu gì nữa, nếu đệ đoán không sai thì đại hội Động Đình này không riêng gì hai con nhãi tới dự mà cả các đại môn phái thể nào cũng phái rất nhiều cao thủ tới đó, chẳng hay các vị có dám đi không?
- Lão tứ đừng có nói khích lối này nữa, chúng ta kết nghĩa với nhau mấy chục năm rồi, có bao giờ lão tứ thấy mỗ sợ sệt ai không? Nay chỉ vì đối thủ quá mạnh, bắt buộc chúng ta phải cẩn thận đấy thôi.
- Tư Đồ Sương lánh mặt các đại môn phái còn không kịp nên mỗ không tin...
- Lão nhị càng nói càng tỏ ra nhút nhát. Lão nói rất phải, người ta đã sớm xếp đặt cả rồi mà chúng ta cũng phải đi ngay, không nên nghĩ gì đến chuyện đối thủ mạnh như thế nào.
- Lão tứ cứ nhất định đòi đi dự cuộc vui phải không?
- Các người không đi thì một mình mỗ đi, đây là dịp may hiếm có của trời ban cho, khi nào chúng ta lại chịu bỏ lỡ.
- Hừ! Lão tứ hà tất phải thế. Lão không muốn bỏ lỡ dịp may này chả lẽ các anh em lại muốn bỏ lỡ hay sao? Chúng ta định lên đường lúc nào?
- Ngay bây giờ!
- Ngay bây giờ ư?
- Hà tất phải nói nhiều, không đi bây giờ chẳng lẽ lại chờ lúc khác hay sao?
Thế rồi bốn người cười ha hả cùng đứng dậy đi mất dạng ngay.
* * * * *
Trên núi Tung Sơn đang có mấy người phi xuống, đó là chủ trì của Đạt Ma viện, hai vị Tiếp dẫn với bốn Tôn giả.
Trên núi Võ Đang người ta cũng thấy có mấy đạo sĩ đang xuống núi. Đó là chủ trì của Tổ Sư điện, Thất tử và Song thần kiếm.
Núi Nga Mi cũng có ba ông già đi xuống.
Núi Hoa Sơn có ba đạo sĩ là Tam chân xuống núi.
Núi Cống Lai thì có Tam hạt, Ngũ ưng được lệnh hạ sơn.
Người mà lên đường chậm nhất là Vi Hiểu Lam với Tuyết Sơn nhị lão của Đái Vân sơn trang.
* * * * *
Tổng trại của Động Đình nhị thập bát trại xây ở trước Quân Sơn, mặt hướng ra hồ, lưng tựa núi, nhà lớn nhà nhỏ có tới mấy trăm nóc, khí thế rất hùng vĩ.
Trong Tổng trại có đình đài lầu các, vườn hoa núi giả, ao sen chiếm một mảnh đất rất lớn, từ chân núi ở phía Tây cho tới chân núi bên phía Đông.
Ban ngày ở trong những bụi cây rậm rạp như rừng thỉnh thoảng người ta vẫn có thể trông thấy hình bóng của những lầu các nguy nga như ẩn hiện nhưng đến đêm, nhất là những đêm trăng ở đằng xa nhìn vào tổng trại người ta cứ tưởng tượng đó là Ngân Hà của trần gian.
Đêm hôm đó, ánh sáng đèn vẫn chói lọi như cũ, nhưng không bằng mọi ngày.
Chỉ có nơi chính giữa thì lại đặc biệt sáng hơn ngày thường thôi. Nơi đó chính là đại sảnh của tổng trại, trên trần có treo mười sáu ngọn đèn cung đăng thực lớn làm bằng pha lê nên ánh sáng của những ngọn đèn ấy chiếu ra làm lóe mắt mọi người và chiếu đi thực xa.
Dưới mười sáu ngọn cung đăng bằng pha lê đó ánh sáng tỏ như ban ngày vậy và đang có một già và hai nam hai nữ ngồi chuyện trò với nhau, người nào người nấy đều cau mày rầu rĩ.
Người ngồi trên ghế Thái Sư ở nơi chính giữa là một ông già râu tóc bạc phơ, mặt mũi rất phương phi, hai mắt như hai ngọn đèn tỏ, không giận mà oai, trông vẻ mặt hiền từ có xen lẫn vẻ oai nghiêm. Ông ấy chính là Gia Cát Ngọc, Lão trại chủ của Động Đình nhị thập bát trại, người đã oai trấn võ lâm lâu năm.
Tả hữu hai bên của Gia Cát Ngọc cũng có hai cái ghế Thái Sư, hai người ngồi ở hai cái ghế đó là một nam một nữ. Người nam là Thần Mục Kim Cương Gia Cát Đởm, Thiếu trại chủ của Động Đình nhị thập bát trại. Nữ chính là Ngọc Diện La Sát Gia Cát Quỳnh Anh, con gái của Gia Cát Ngọc.
Không khí trong đại sảnh rất nặng nề, không kém gì tâm sự của cha con vị Trại chủ ấy.
Một lát sau Gia Cát Ngọc bỗng thở dài một tiếng, đưa mắt nhìn con gái định trách mắng nhưng lại không nở, chỉ khẽ lắc đầu một cái rồi lại ngồi yên.
Gia Cát Đởm từ từ ngửng đầu lên nhìn cha mình, cũng có vẻ không yên :
- Thưa cha, việc đã như vậy cha cũng đừng có trách nhị muội nữa, nhị muội có nỗi khổ tâm riêng và tính nết của Vân biểu đệ như thế nào cha cũng biết rõ. Cha thử nghĩ xem, nếu nhị muội mà lấy Vân biểu đệ thì cuộc đời sung sướng làm sao được.
Theo sự nhận xét của con thì biểu đệ thực không xứng làm em rể của con.
Gia Cát Quỳnh Anh thấy Gia Cát Đởm nói như thế ngửng đầu lên nhìn người anh tỏ vẻ rất cảm ơn rồi lại cúi đầu xuống. Gia Cát Ngọc lắc đầu thở dài đáp :
- Việc này cha đã biết rõ hết. Phải, Quỳnh Anh có nỗi khổ tâm riêng, nhưng các con cũng nên biết cha cũng có nỗi khổ tâm của cha. Nói tóm lại, mọi sự đều do xưa kia không nên đính hôn ngay từ lúc hai đứa nhỏ chưa ra đời. Vì có sự ràng buộc ấy mới có chuyện ngày nay. Hai con bảo cha biết nói năng làm sao với thiên hạ võ lâm.
Cha không tiếc gì cơ nghiệp đã xây dựng hàng trăm năm này, nhưng hai con phải biết vì việc này không sao tránh khỏi một trận mưa máu gió tanh, và sẽ có rất nhiều người vô tội bị toi mạng. Tuy các người đó không phải do tay chúng ta giết chết nhưng cũng vì chúng ta mà nên. Các con thử nghĩ xem có thể nhẫn tâm trông thấy họ chết như thế không?
Gia Cát Đởm cúi đầu không dám nói gì.
Quỳnh Anh bỗng ngửng đầu lên, mắt đã đẫm lệ, xếch ngược đôi lông mày liễu lên đỡ lời :
- Xin cha đừng nói nữa, việc này do con mà nên hết, trăm tội đều tập trung vào người con. Nếu việc này không giải quyết nổi con đành nhận lời anh ấy, nhưng con nói trước, trong ngày thành hôn thể nào con cũng giết chết anh ấy rồi con sẽ tự tử sau.
Gia Cát Ngọc thấy con gái cưng nói như vậy ông ta biết con gái mình ương ngạnh lắm, xưa nay vì nuông chiều quen đi rồi nên đối xử với ai cũng vậy, bất chấp hậu quả, vì thế mà ông ta vừa nghe xong lời nói chiêu Quỳnh Anh đã giật mình đến thót một cái, định trách mắng nhưng lại không nở nên chỉ trợn trừng mắt lên nhìn thẳng vào mặt con gái cưng lộ vẻ bất đắc dĩ mà khuyên bảo rằng :
- Tính nết của con vẫn không sao sửa đổi được tí nào. Đến giờ phút này mà con vẫn còn nói bướng như thế. Cha chả nói rồi là gì, tất cả mọi sự đều do cha không nên nhận lời đính hôn từ lúc con còn chưa lọt lòng! Cha thương con còn hơn cả tính mạng của bổn thân, khi nào cha lại chịu để cho con phải khổ sở điêu đứng. Bây giờ cha đã biết rõ việc gì cũng vậy, không thể nào cưỡng ép được. Việc đã trót rồi, cha cũng không buồn lòng nữa, chỉ trách Thiên Vân nó quá đáng, không nghĩ gì đến tình họ hàng bà con. Hà!
Gia Cát Quỳnh Anh nghe thấy người cha nói như vậy không sao cầm lòng được, chỉ gục đầu xuống khóc sướt mướt thôi. Có ai ngờ Ngọc Diện La Sát giết người không gớm tay ở trước mặt cha già lại mềm yếu và ngoan ngoãn như một con cừu non vậy.
Thấy con khóc như thế, Gia Cát Ngọc cũng phải mủi lòng, ứa hai hàng lệ ra lắc đầu thở dài nói tiếp :
- Việc của những người tuổi trẻ các con khiến cha thực không hiểu tí nào. Không biết thư sinh họ Đỗ hơn người thế nào mà sao con lại say mê nó đến như thế. Được, sau này thể nào cha cũng có dịp được trông thấy mặt thanh niên ấy.
Gia Cát Đởm bỗng ngửng đầu lên đỡ lời :
- Thưa cha, không phải là con nói đỡ cho nhị muội đâu. Đỗ hiền đệ tuy võ học hãy còn rất kém nhưng văn tài, nhân phẩm, phong độ, khí chất không có một điểm nào là không hơn người, phải nói là một nhân vật hiếm có trên trần gian này. Có thể nói trăm năm chưa chắc đã kiếm ra được một người như thế, ví y là kỳ lân trong đám người thực không ngoa chút nào. Con cũng không biết dùng lời lẽ nào để hình dung Đỗ hiền đệ mà chỉ có thể nói y không phải là người thường...
Nghĩ tới đó chàng gượng cười một tiếng mới nói tiếp :
- Nay mai cha gặp mặt Đỗ hiền đệ sẽ thấy con không tán dương lầm nửa câu.
Gia Cát Ngọc hơi cau mày lại có vẻ bán tính bán nghi, đưa mắt nhìn con trai chưa kịp lên tiếng nói thì bỗng đằng xa, không hiểu ở phía nào có tiếng nói rất nhỏ nhưng mấy người có mặt tại đó đều nghe thấy rõ mồn một. Tiếng nói đó vọng tới rằng :
- Phải, tai nghe không bằng mắt thấy, mắt thấy còn hơn là lời đồn. Thằng nhỏ này nói đúng lắm.
Ba cha con đều biến sắc mặt vội đứng dậy và đồng thanh hỏi :
- Ai đó?
Ánh sáng đèn hơi lu một cái, trong đại sảnh đã như có u linh xuất hiện, chỉ trong chớp mắt ba cha con đã thấy trước mặt có hai quái nhân mặc áo bào trắng, mặt mũi trông rất rùng rợn, tóc dài mắt xanh đã bước vào tới gần.
Tổng trại của Động Đình nhị thập bát trại canh phòng rất nghiêm mật và lại có rất nhiều cao thủ đi tuần, sao hai quái nhân áo bào trắng này vào tới nơi mà không một người nào hay biết. Như vậy đủ thấy công lực của họ lợi hại như thế nào.
Gia Cát Đởm cười khẩy một tiếng, giơ chưởng lên định tấn công.
- Đởm nhi! Ngưng tay lại!
Gia Cát Ngọc quát bảo như vậy rồi vội tiến lên một bước, chắp tay vái chào và hỏi :
- Xin thứ lỗi lão phu mắt kém, không nhận ra được hai vị là cao nhân ở đâu tới, đêm hôm khuya khoắc giáng lâm như thế này có việc chi chỉ giáo thế?
Quái nhân đứng bên trái chớp nháy đôi mắt xanh một cái nhìn thẳng vào Gia Cát Ngọc nhe răng ra cười không trả lời câu hỏi thì chớ mà y còn hỏi lại rằng :
- Lão ca đây có phải là Gia Cát Ngọc đấy không?
Gia Cát Đởm vừa trợn ngược đôi lông mày lên, Gia Cát Ngọc đã vội đưa mắt ra hiệu ngăn cản và đáp :
- Phải, lão phu chính là Gia Cát Ngọc.
Vẫn quái nhân nọ trợn đôi mắt xanh lên nhìn Gia Cát Đởm và nói :
- Vị này có phải là lệnh lang Thần Mục Kim Cương Gia Cát Đởm đấy không?
- Vâng!
Gia Cát Ngọc trả lời như vậy và ngẩn người ra nói tiếp :
- Chính là khuyển nhi của tại hạ, cái tên Thần Mục Kim Cương là bạn của nó tặng cho đấy. Hai vị...
- Vạm vỡ, khôi ngô, oai mãnh, giống hệt một pho kim cương ở trong chùa.
Quái nhân đứng bên trái vừa nói vừa gật đầu và tiếp :
- Lão ca cứ yên tâm, anh em mỗ là bạn chứ không phải là địch...
Nói tới đó y lại nhìn Gia Cát Quỳnh Anh và nói tiếp :
- Vị này là lệnh ái Ngọc Diện La Sát Gia Cát Quỳnh Anh chắc?
Gia Cát Quỳnh Anh gật đầu mặt lộ vẻ ngơ ngác.
Quái nhân nọ lại nhe răng ra cười và khen ngợi rằng :
- Quả thực là tiên nữ trên Giao Trì, thảo nào thảo nào... lão ca hãy nghe anh em mỗ tự giới thiệu. Anh em mỗ là Liễu Vật Tà và Liễu Vật Ác, thừa lệnh chủ nhân đặc biệt tới đây để đợi chờ sai khiến.
Gia Cát Ngọc ngạc nhiên khôn tả lẩm bẩm nói một câu :
“Thừa lệnh chủ nhân đến đây để nghe lệnh sai khiến. Lạ thực...”
Lão trại chủ ngắm nhìn hai quái nhân một hồi rồi hỏi tiếp :
- Xin thứ lỗi lão phu thất lễ, dám hỏi quý tính đại danh của vị tiểu chủ nhân ấy là gì?
Quái nhân đứng bên trái lại nhe răng cười và đáp :
- Tiểu chủ nhân của anh em mỗ họ Phạm tên Tĩnh Nhân.
Thấy quái nhân nói như vậy, ba cha con Gia Cát Ngọc đều ngẩn người ra, vì cả ba đều không nghĩ ra được Phạm Tĩnh Nhân ấy là ai?
Nhưng người ta đã có lòng tốt đến tương trợ, mà Phạm Tĩnh Nhân là ai cũng không hay biết, Gia Cát Ngọc không ngượng sao được. Trầm ngâm giây lát ông ta mới mời hai quái nhân ngồi xuống trước.
Đột nhiên có tiếng chân người rất nhộn nhịp vọng vào...