1. Bát quái thành liệt, tượng tại kỳ trung hĩ; nhân nhi trùng chi, hào tại kỳ trung hĩ.
Dịch: Bát quái thành hàng thì “tượng” có ở trong đó; rồi nhân đó mà chồng bát quái lên với nhau (thành 64 trùng quái) thì (sáu) hào có ở trong đó.
Chú thích: Theo Chu Hi, bát quái sắp thành hàng nghĩa là sắp theo thứ tự: Càn nhất, Đoài nhì, Ly ba, Chấn bốn (theo chiều nghịch kim đồng hồ), rồi bắt từ : Tốn là năm, theo chiều thuận kim đồng hồ, Khảm sáu, Cấn bảy, Khôn tám. Coi hình tiên thiên bát quái Phần I, Chương I.
2. Cương nhu tương thôi, biến tại kỳ trung hĩ; hệ từ yên nhi mệnh chi, động tại kỳ trung hĩ.
Dịch: Cứng mềm (tức nét dương, nét âm) đun đẩy (thay chỗ) nhau mà có sự biến hoá ở trong; lời đoán tốt. xấu được (ghép) vào mỗi hào, mà sự động của hào sẽ ra sao đã chỉ ở trong đó.
Chú thích: chữ “động” ở đây cũng có thể hiểu là cách hành động (nên ra sao).
3. Cát hung hối lận giả sinh hồ động giả dã.
Dịch: tốt xấu, ăn năn và tiếc nhân cái động trong quẻ và hào mà thấy.
4. Cương nhu giả lập bản dã; biến thông giả thú thời giả dã.
Dịch: Cứng mềm (nét dương, nét âm) có ngôi nhất định sẳn nét dương nên ở ngôi lẻ: 1 , 3, 5 nét âm nên ở ngôi chẵn: 2, 4, 6) từ ngôi này mà đổi ra ngôi kia phải theo đời.
Chú thích: tiết này tối nghĩa, mỗi nhà hiểu một cách. Chúng tôi theo Chu Hi.
5. Cát hung giả, trinh thắng giả dã.
Dịch: Cát và hung luôn luôn thắng lẫn nhau theo một luật nhất định (vì một việc đời, không cát thì hung, hết cát lại hung, hết hung lại cát, cứ thuận lẽ là tốt, trái lẽ là xấu).
Chú thích: Tiết này cũng tối nghĩa. Chữ “trinh” ở đây Chu Hi giảng là “thường” nhất định. R. Wilhelm giảng là kiên nhẫn, lâu bền (perseverance, duration), ý muốn nói là phải lâu rồi mới xoay chiều, cát biến ra hung hoặc ngược lại.
6. Thiên địa chi đạo trinh quan giả dã; nhật nguyệt chi đạo trinh minh giả dã; thiên hạ chi động trinh phù nhất giả dã.
Dịch: Đạo trời đất chỉ bảo (quan) cho ta luật đó; đạo mặt trời mặt trăng sáng tỏ theo luật đó; các hoạt động trong thiên hạ cũng theo một luật đó mà thôi.
Chú thích: R. Wilhelm dịch khác: đạo trời đất nhờ kiên nhẫn mà thấy được (quan); đạo mặt trời và mặt trăng nhờ kiên nhẫn mà sáng; mọi hoạt động trong thiên hạ nhờ kiên nhẫn, lâu mà giống nhau, như một.
7. Phù Càn xác nhiên thị nhân dị hĩ; phù Khôn đồi nhiên thị nhân giản hĩ.
Dịch: Đạo càn mạnh mẽ, chỉ cho ta cái dễ dàng của nó; đạo khôn nhu thuận chỉ cho người ta cái đơn giản của nó.
8. Hào dã giả hiệu thử giả dã; tượng dã giả, tượng thử giả dã.
Dịch: Hào (có lẻ, chẵn) là bắt chước đạo càn khôn đó, “tượng” là phỏng theo đạo càn, khôn mà diễn bằng hình tượng.
9. Hào tượng động hồ nội, cát hung hiện hồ ngoại. Công nghiệp hiện hồ biến, thánh nhân chi tình hiện hồ từ.
Dịch: Hào và tượng động ở trong, mà cát hung hiện ra ngoài. Công nghiệp hiện ra ở sự biến hoá, mà tình ý của thánh nhân hiện ra lời giảng (quái từ, hào từ).
10. Thiên địa chi đại đức viết sinh, thánh nhân chi đại bảo viết vị. Hà dĩ thủ vị? Viết nhân, Hà dĩ tụ nhân? Viết tài, Lý tài chính từ cấm dân vi phi viết nghĩa.
Dịch: đức lớn của trời đất là sinh (sinh sinh hoá hoá), cái rất qúi của thánh nhân là cái ngôi. Nhờ cái gì mà giữ được ngôi (Nhờ điều nhân (1). Nhờ cái gì mà tụ họp được người lại? Nhờ tiền của, điều khiển (điều hoà) tài chính (tức các sản phẩm để nuôi dân), điều chỉnh lời để dạy dân, lại (dùng pháp luật hiến chương) cấm dân làm bậy, như vậy là điều nghĩa.
Chú thích: Chữ nhân ở đây, bản cổ là 人 (người), các bản ngày nay sửa là 仁 (nhân từ) . J. Legge và R. Wilhelm đều dịch theo bản cổ. Bản cổ cho rằng phải có người mới giữ được nước, được ngôi cho thánh nhân; vả lại hiểu “nhân” là người thì ý mới liền với câu sau: “Hà dĩ tụ nhân . . .”
(Cả chương này, Phan Bội Châu chỉ dịch mỗi tiết thứ 10 này thôi).