1. Dịch viết: “Tự thiên hữu chi, vô bất lợi”.
Tử viết: “Hựu giả trợ dã. Thiên chi sở trợ giả thuận, nhân chi sở trợ giả tín. Lý tín, tư hồ thuận, hữu dĩ thượng hiền dã, thị dĩ tự thiên hữu chi; cát, vô bất lợi dã”
Dịch: Kinh Dịch (quẻ Đại hữu, hào 6, Hào từ) nói: “tự trời phù hộ (hựu) cho; tốt; không có gì là không lợi”
Thầy (Khổng) nói: “Phù hộ (hựu) nghĩa là giúp (trợ). Ai thuận với đạo trời thì trời giúp cho; ai có lòng thành tín với người thì người giúp cho. Giữ lòng thành tín với người, nghĩ đến sự thuận đạo trời, lại biết trong người hiền, như vậy thì được trời phù hộ cho; tốt; không có gì là không lợi.”
Chú thích: Tiết này lạc lõng ở trong Chương này, có lẽ do sắp thẻ lộn; để vào cuối chương VIII thì phải hơn.
2. Tử viết: “Thư bất tận ngôn, ngôn bất tận ý”, nhiên tắc thánh nhân chi ý kỳ bất khả kiến hồ? Tử viết (1): “Thánh nhân lập tượng dĩ tận ý, thiết quái dĩ tận tình ngụy, hệ từ yên dĩ tận kỳ ngôn, biến nhi thông chi dĩ tận lợi, cổ chi vũ chi dĩ tận thần”.
Dịch: thầy (Khổng) nói: “Sách không nói hết lời, lời không diễn hết ý”, vậy thì cái ý của thánh nhân không thể thấy hết được sao? Thầy (Khổng) nói: “Thánh nhân đặt ra “tượng” (2) để diễn hết ý, đặt ra quẻ để diễn hết sự thực hay giả, đặt ra lời (đoán) ghép vào (mỗi quẻ, mỗi hào) để nói hết lời, biến thông để dùng cho hết cái lợi, cổ võ để đưa ra hết cái thần diệu.”
Chú thích: (1) tiết này dùng hai lần chữ “Tử viết” (Thầy Khổng nói); chắc có một lần thừa.
(2) So câu này với tiết cuối chương trước, chúng ta thấy rất giống nhau, những tiết trên viết: “tứ tượng”; tiết này không có chữ “tứ”. Chúng tôi nghĩ bỏ chữ “tứ” nghĩa rộng hơn và đúng hơn: “tượng: đây là tượng của 8 đơn quái hay 64 trùng quái chứ không phải là “tứ tượng”
3. Càn, Khôn, kỳ Dịch chi uẩn da? Càn, Khôn thành liệt nhi Dịch lập hồ kỳ trung hĩ. Càn, Khôn hủy tắc vô dĩ kiến dịch. Dịch bất khả kiến tắc Càn, Khôn hoặc cơ hồ tức hĩ.
Dịch: Càn, Khôn (1) là cái sâu kín (2) của đạo Dịch chăng? Càn, Khôn thành hàng rồi mà đạo Dịch lập nên ở trong (3). Càn, Khôn bị phá (4) thì còn gì để thấy đạo Dịch nữa. Dịch không thấy được thì cơ hồ Càn, Khôn không thi hành được.
Chú thích: (1) Càn, Khôn ở đây nên hiểu là dương, âm.
(2) “Uẩn” (Sâu kín) Chu Hi hiểu là chứa đựng.
(3) Càn, Khôn thành hàng là muốn nói về việc vạch quẻ, định ngôi cho mỗi hào âm, dương.
(4) Càn, Khôn bị phá là muốn nói: không vạch quẻ, không định ngôi cho mỗi hào âm, dương được.
Cả ba tiết trên, Phan Bội Châu đều bỏ.
4. Thị cố hình nhi thượng giả vị chi đạo; hình nhi hạ giả vị chi khí; hoá nhi tài chi vị chi biến; suy nhi hành chi vị chi thông; cử nhi thố chi thiên hạ chi dân vị chi sự nghiệp.
Dịch: Cho nên cái có trước khi có hình (hình nhi thượng, nay chúng ta gọi là siêu hình) thì gọi là đạo; cái gì có từ khi có hình thì gọi là khí (chữ khí này nghĩa là đồ dùng, là có hình nhất định. Có công dụng thấy được); nhân cái tự nhiên sắp thay đổi mà tài chế nó thì gọi là biến (1), suy từ việc này ra việc khác mà làm thì gọi là thông; đem ra thi thố cho mọi người trong thiên hạ thì gọi là sự nghiệp.
Chú thích: (1) Ví dụ hào 6 quẻ Càn là hết thời thịnh cực tới suy, mình rút lui trước thì tránh được tai hoạ.
5. Tiết này y hệt tiết 1 và 2 Chương VIII, nên không cần dịch lại. Tiết này và tiết 6 ở dưới, Phan Bội Châu đều bỏ.
6. Cực thiên hạ chi trách giả tồn hồ quái, cổ thiên hạ chi động giả tồn hồ từ.
Dịch: Diễn đến cùng cực cái phức tạp, sâu kín trong thiên hạ là ở các quẻ, cổ võ sự hoạt động trong thiên hạ là ở lời đoán.
7. Hoá nhi tài chi tồn hồ biến; suy nhi hành chi tồn hồ thông, thần nhi minh chi tồn hồ kỳ nhân; mặc nhi thành chi bất ngôn nhi tín tồn hồ đức hạnh.
Dịch: Nhân cái tự nhiên sắp thay đổi mà tài chế nó là nhờ ở tinh thần biến hoá; suy từ việc này ra việc khác mà làm là nhờ ở tinh thần thông suốt; làm cho (đạo Dịch) thiêng liêng mà sáng tỏ là nhờ ở người; yên lặng mà làm nên, không nói mà (người khác) tin (mình), là nhờ ở đức hạnh.
Chú thích: tiết này như bổ túc tiết 4 ở trên, nên Phan Bội Châu dịch cả hai.