Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Triết Học, Kinh Tế >> Kinh dịch - Đạo của người quân tử

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 115361 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Kinh dịch - Đạo của người quân tử
Nguyễn Hiến Lê

CHƯƠNG IX
(Phan Bội Châu bỏ trọn)

1. Thiên nhất địa nhị, thiên tam địa tứ, thiên ngũ địa lục, thiên thất địa bát, thiên cửu địa thập.
Dịch: Số của trời là một, của đất là hai, của trời là ba, của đất là bốn; của trời là năm, của đất là sáu; của trời là bảy, của đất là tam; của trời là chín, của đất là mười.
Chú thích: Chương này thuộc về tượng số học và phép bói, có thể viết vào đầu đời Hán- Coi Phần I, Chương III, và coi hình Hà Đồ, Lạc Thư Phần I, ChươngI.
2. Thiên số ngũ, địa số ngũ. Ngũ vị tương đắc nhi các hữu hợp. Thiên số nhị thập hữu ngũ, địa số tam thập. Phàm thiên địa chi số ngũ thập hữu ngũ. Thử sở dĩ thành biến hoá nhi hành quỉ thần dã.
Dịch: có năm số về trời (tức những số lẻ: 1, 3, 5, 7, 9), năm số về đất (tức những số chẳn: 2, 4, 6, 8, 10). Có năm số về trời tương đắc với năm số về đất (theo Chu Hi thì 1 tương đắc với 2, 3 với 4, 5 với 6,7 với 8,9 với 10), và có năm số về trời hợp với năm số về đất (cũng theo Chu Hi, 1 hợp với 6,2 hợp với 7,3 hợp với 8,4 hợp với 9,5 hợp với 10) (1). Tổng số của trời là 25( 1 + 3 + 5 + 7 + 9), tổng số của đất là 30 ( 2 + 4 + 6 + 8 + 10); cộng cả số của trời và của đất là 55 (25 + 30). Do đó mà thành ra biến hoá và hành động như quỉ thần (2) (Chu Hi bảo quỉ thần là sự co duỗi, đi lại của số lẻ, số chẵn sinh ra).
Chú thích: (1) Chúng tôi dịch theo Chu Hi. R. Wilhelm dịch khác: ‘Khi những số của trời và của đất được phân phối thành năm chỗ (five places – ngũ vị) thì mỗi số có một số bổ túc cho nó (các hữu hợp)” J. Legge dịch cũng đại khái như vậy: các hữu hợp là “mỗi số có một số khác thành một cặp”.
(2) R. Wilhelm dịch là: nhờ đó . . . mà làm cho quỉ, thần tác động Chúng tôi thú thực chẳng hiểu gì cả.
3. Đại diễn chi số ngũ thập. Kỳ dụng tứ thập hữu cửu, phân nhi vị nhị dĩ tượng lưỡng. Quải nhất dĩ tượng tam. Thiệt chi dĩ tứ dĩ tượng tứ thời. Qui cơ ư lặc dĩ tượng nhuận. Ngủ tuế tái nhuận, cố tái lặc nhi hậu quải.
Dịch: Số đại diễn là 50 (1) Nhưng trong việc bói chỉ dùng 49 cọng cỏ thi, chia làm hai để tượng trưng lưỡng nghi (hay trời đất). Rồi lấy một cài vào khi ngón út tay trái để tượng trưng tam tài (trời, đất, người). Tách ra mà đếm cứ bốn một để tượng, trưng bốn mùa. Dành chỗ lẻ còn lại mà kẹp ở khe ngón giữa tay trái để tượng trưng tháng nhuận. Năm năm thì có hai năm nhuận, cho nên dành ra hai lần lẻ, rồi sau lại làm lại từ đầu (2).
Chú thích: tiết này khó hiểu, và nói về cách thức bói.
(1) Chu Hi bảo: “số đại diễn là 50 vì trong cung Hà đồ, số trời 5 cưỡi trên số đất lo mà thành ra” Chúng tôi chẳng hiểu gì cả.
(2) Tôi dịch theo J.Legge “and after wards the whole process is repeated” R. Wilhelm dịch là “this give us the whole”, nghĩa cũng tựa như J.Legge: như vậy là xong một lần.
Nguyễn Duy Tỉnh (Chu Dịch bản nghĩa: bộ Văn Hoá xuất bản 1968) dịch là “rồi mới kẹp vào”, tôi e sai.
4. Càn chi sách nhị bách nhất thập hữu lục; Khôn chi sách bách tứ thập hữu tứ, phàm tam bách hữu lục thập, dương cơ chi nhật.
Dịch: Thẻ của Càn là 216, thẻ của Khôn là 144, cộng là 360, hợp với số ngày trong một năm.
Chú thích: Càn và Khôn trong tiết này trỏ quẻ Thuần Càn (6 hào dương) và quẻ Thuần Khôn (6 hào âm). “Sách” chúng tôi dịch theo tự điển là thẻ (có lẽ là cọng cỏ thi?) R. Wilhelm dịch là “những số sinh ra (?) (yield) quẻ Càn là 216”. J. Legge dịch là “những số cần (?) (required) cho quẻ Càn là 216”.
Do đâu mà có những số 216 và 144? Wilhelm và Legge mỗi nhà giảng một khác (coi I Ching tr. 311, 312 , và The I Ching tr. 368 – sách đã dẫn), chúng tôi không hiểu mà cũng không cho là quan trọng, cho nên không dịch.
Số ngày trong một năm: 360 là số chẵn, chứ thực ra người Trung Hoa thời đó đã biết mỗi năm gồm 365 ngày và một phần tư ngày.
5. Nhị thiên chi sách vạn hữu nhất thiên ngũ bách nhị thập, dương vạn vật chi số dã.
Dịch: Số thẻ của hai thiên (tức thiên thượng và thiên hạ trong Kinh Dịch, tức số thẻ của 64 quẻ Trùng - vì thiên thượng gồm 30 quẻ, thiên hạ gồm 34 quẻ) là 11.520, hợp với số của vạn vật.
Chú thích: Chữ “sách” ở tiết này, Wilhelm lại dịch là “thẻ” (stalk) tức thẻ cỏ thi chăng?.
Chu Hi giảng: Hai thiên trong Kinh Thi gồm tất cả 192 hào dương và 192 hào âm. Như tiết trên đã nói, số của quẻ Càn là 216, vậy số của mỗi hào quẻ Càn , tức mỗi hào dương là 216 : 6 = 36; số của quẻ Khôn là 144, vậy số của mỗi hào quẻ Khôn, tức mỗi hào âm là 144 “ 6 = 24. Tổng số 192 hào dương là 36 x 192 = 6.912; tổng số 192 hào âm là 24 x 192 = 4.608 . Cộng cả dương lẫn âm được: 6.912 + 4.608 = 11.520.
Số 11.520 hợp với số của vạn vật là nghĩa làm sao? Chúng tôi không hiểu. Có lẽ người Trung Hoa thời đó cho rằng trong vũ trụ có khoảng một vạn mốt loài chăng?
6. Thị cố tứ doanh nhi thành Dịch, thập hữu bát biến nhi thành quái.
Dịch: cho nên bốn lần mà thành một lần biến, mười tám lần biến mới thành một quẻ.
Chú thích: Theo Chu Hi, bốn lần tráo trộn là : 1 – chia bỏ 50 thẻ cỏ thì làm hai; 2 – bỏ một thẻ ra, còn 49 thẻ; 3 – đếm những thẻ bên tay trái, cứ bốn một, kẹp số thẻ còn lại: 4 – đếm những thẻ bên tay mặt, cứ bốn một, kẹp số thẻ còn lại. Như vậy được một lần biến.
Ba lần biến như vậy thành một hào; mười tám lần biến thành sáu hào tức một quẻ trùng.
7. Bát quái nhi tiểu thành.
Dịch: Được tám quẻ đơn rồi thì gọi là “tiểu thành”
Chú thích: Ba lần biến thì thành một hào: khi thành ba hào thì được một quẻ đơn; được tám quẻ đơn thì gọi là “tiểu thành”.
Chúng tôi đoán rằng khi bói được quẻ đơn thứ nhất, tức nội quái, như vậy gọi là “tiểu thành” (sự hoàn thành nhỏ). Rồi khi được tiếp quẻ đơn thứ nhì, tức ngoại quái, lúc đó mới có đủ một trùng quái để đoán, mà gọi là “đại thành” chăng? Coi lại đoạn “Hễ động thì biến” ở phần I cuối Chương IV.
8. Dẫn nhi thân chi, xúc loại nhi trưởng chi, thiên hạ chi năng sự tất hĩ.
Dịch: cứ như vậy mà tiếp tục mở trộng ra, tiếp xúc với từng loại mà khai triển ra thì gồm tóm hết được mọi việc có thể xảy ra trong thiên hạ.
Chú thích: Chu Hi giảng: “Đã thành sáu hào rồi thì xem hào có biến hay không mà biết động tĩnh, một quẻ có thể biến thành 64 quẻ (do sự biến động của một hào hay nhiều hào ), và 64 quẻ thành ra 64 x 64 = 4.096 hết thảy” (Số 4.096 quẻ này diễn được đủ tất cả các việc xảy ra trong đời).
9. Hiển đạo, thần đức hạnh, thi cố khả dữ thù tạc, khả dữ hựu thần hĩ.
Dịch: Kinh Dịch làm rõ rệt cái đạo và làm cho đức hạnh có cái gì như huyền bí (thần, cho nên có thể giúp chúng ta (thích) ứng được với biến cố và giúp được thần linh nữa (hoặc giúp cho cái công thần hoá).
Chú thích: Tiết này tối nghĩa. Chúng tôi theo R. Wilhelm và J. Legge cho chữ thần 神 là động từ như chữ hiển 顯, và dịch như trên. Nguyễn Duy Tinh (sách đã dẫn) cho thần là danh từ như đức hạnh và dịch là: “Làm rõ rệt đạo, thần, đức, hạnh nên có thể cùng ứng đối, cùng giúp cho cái công thần hoá vậy.”
10. Tử viết: “Tri biến hoá chi đạo giả, kỳ tri thần chi sở vi hồ?”
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “ai biết được đạo biến hoá thì biết được việc làm của thần chăng?”
(Chương này nói về sự mầu nhiệm của những con số và về phép bói, chúng tôi cũng dịch trọn để độc giả thấy Kinh Dịch từ đời Hán đã bớt đi tính cách triết mà mang tính huyền bí ra sao).

<< CHƯƠNG VIII | CHƯƠNG X >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 757

Return to top