1. Dịch hữu thánh nhân chi đạo tứ yên. Dĩ ngôn giả thượng kỳ từ, dĩ động giả thượng kỳ biến, dĩ chế khí giả thượng kỳ tượng, dĩ bốc phệ giả thượng kỳ chiêm.
Dịch: Kinh Dịch có bốn cái đạo của thánh nhân. Khi nói năng, ta theo (1) lời từ (quái từ, hào từ), khi hành động ta tuân theo lẽ biến hoá trong kinh đó; khi chế tạo đồ dùng, chúng ta phỏng theo những hình tượng trong kinh đó, khi bói toán ta nghe lời giải đoán.
Chú thích: (1) Nguyên văn: thượng là chuộng.
Tiết này kể bốn công dụng của Dịch.
2. Thị dĩ quân tử tương hữu vi dã, tương hữu hành dã, vấn yên nhi dĩ ngôn.
Kỳ thụ mệnh dã như hưởng, vô hữu viễn cận, u thâm, toại tri lai vật. Phi thiên hạ chi chí tinh, kỳ thục năng dự ư thử?
Dịch: Cho nên người quân tử sắp làm hay tiến hành việc gì thì dùng lời (Khấn? ) mà hỏi Dịch. Dịch nhận được lời hỏi và trả lời nhanh như tiếng vang. Không kể xa gần sâu tối, Dịch cũng biết được cái gì sẽ xảy ra. (Nếu Dịch) không phải là cái gì rất tinh vi trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy? (Nguyên văn là: làm sao dự được vào việc ấy?) .
3. Tham ngũ dĩ biến, thác tổng kỳ số. Thông kỳ biến toại thành thiên địa chi văn, cực kỳ số toại định thiên hạ chi tượng. Phi thiên hạ chi chí biến, kỳ thục năng dự ư thử?
Dịch: Lấy số ba số năm mà đếm (hoặc làm ba lần năm lần) để tìm một sự biến thi thành được cái văn vẻ của trời đất, tăng đến cực điểm các số thì định được hết các hình tượng trong thiên hạ. (Nếu Dịch) không là cái gì rất biến hoá trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy?
Chú thích: Tiết này khó hiểu, mỗi sách giảng một khác. Đại ý cũng chỉ là đề cao công dụng huyền diệu của Dịch.
4. Dịch vô tư dã, vô vi dã, tịch nhiên bất động, cảm nhi toại thông thiên hạ chi cố. Phi thiên hạ chi chí thần kỳ thục năng dự ư thử?
Dịch: dịch không nghĩ ngợi gì cả, không làm gì cả, yên lặng, không động; nó chỉ cảm mà thấu được các biến cố trong thiên hạ. Nếu nó không phải là cái thần diệu tột bực trong thiên hạ thì đâu làm được như vậy?
Chú thích: Phan Bội Châu bỏ cả 4 tiết trên, Tiết 4 này cơ hồ mang tư tưởng vô vi của Lão.
5. Phù Dịch thánh nhân chi sở dĩ cực thâm nhi nghiên cơ dã.
Dịch: Thánh nhân nhờ Dịch mà biết được sâu và xét được tinh vi (từ khi sự việc mới manh nha).
6. Duy thâm dã cố năng thông thiên hạ chi chí, duy cơ dã cố năng thành thiên hạ chi vụ, duy thần dã cố bất tật nhi tốc, bất hành nhi chí.
Dịch: chỉ nhờ biết được sâu nên mới thông hiểu được cái chí của thiên hạ, chỉ nhờ xét được tinh vi nên mới hoàn thành được mọi việc trong thiên hạ. Chỉ nhờ thần diệu cho nên không vội vàng mà hoá ra mau chóng, không đi mà đến được.
Chú thích: Phan Bội Châu chỉ dịch hai tiết trên, còn thì bỏ hết.
7. Tử viết: “dịch hữu thánh nhân chi đạo tứ yên giả, thử chi vị dã”.
Dịch: Thầy (Khổng) nói: “Kinh Dịch có bốn cái đạo của thánh nhân là thế đấy”.