Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Na-pô-lê-ông Bô-na-pác

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 49278 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Na-pô-lê-ông Bô-na-pác
Ê.TÁC-LÊ

Chương 11-Phần 1
Vừa mới ký xong hòa ước Sơn-brun, Na-pô-lê-ông liền rời Viên và trong những ngày sau đó, cũng như sau trận Ai-cập, ma-ren-gô, Au-xtéc-lít hoặc Tin-dít, Na-pô-lê-ông chiến thắng trở về kinh thành.
Đế quốc rộng lớn mênh mông lại mở mang thêm bờ cõi, các nước chư hầu trung thành đã được khen thưởng hậu hĩ, và một vài nước ương ngạnh đã bị trừng phạt tàn nhẫn, giáo hoàng bị tước đoạt đất đai: nghĩa quân Ti-ron bị đánh tan tành, quân du kích của thiếu tá Sin bị hội đồng quân sự Phổ xử bắn theo lệnh của Na-pô-lê-ông; tin từ Anh bay đến: các thương nhân và nhà công nghiệp suy sụp, tự sát và phá sản, dân chúng bất mãn. Vậy là cuộc phong tỏa lục địa dường như đang biện hộ cho những ai đã đặt niềm hy vọng vào nó.
Cái đế quốc bao gồm cả thiên hạ ấy cơ đồ đang đứng trên đỉnh cao nhất của sự rạng rỡ , uy lực, phú cường và quang vinh .
Na-pô-lê-ông biết rằng mình đã khuất phục được châu Âu chỉ bằng bạo lực và giữ được nó chỉ bằng cách làm cho nó sợ hãi. Nhưng nước Anh không chịu đầu hàng; Nga hoàng thì rõ rệt là xảo quyệt, đã không giúp đỡ gì Na-pô-lê-ông trong cuộc chiến tranh vừa mới kết thúc đó và chỉ giả vờ gây chiến với áo; nhân dân Tây Ban Nha, mặc dù bị thảm sát, giết chóc, vẫn không ngừng kháng cự và chiến đấu với lòng quả cảm bất khuất, và nếu như trước đây, thắng lợi Va-gram, cũng như bất cứ một thắng lợi nào khác của Na-pô-lê-ông, đều đã không có chút ảnh hưởng gì đến họ, thì nay uy danh mỗi ngày mỗi cao lớn của kẻ chiến thắng cả thiên hạ ấy cũng chẳng làm cho họ sờn lòng.
Xung quanh Na-pô-lê-ông có những thống chế tận tụy như Giuy-nô, những kẻ tham lam tài trí như Béc-na-đốt, những kẻ phản bội thông minh, xuất thân từ gia cấp quý tộc, như Tan-lây-răng, những kẻ phục tùng mù quáng như Xa-va-ri; chỉ cần Na-pô-lê-ông khẽ ra hiệu là chúng sẵn sàng bắn chết ngay bố đẻ của chúng; những quan cai trị, bọn vương hầu sắt đá và hà khắc như Đa-vu, bọn họ có thể đốt thành Pa-ri không chút do dự nếu việc đó cần thiết cho công việc của họ; còn có cả một bầy tham lam, ngông nghênh, bất lực, gây gổ, đó là số anh chị, em của Na-pô-lê-ông đã được phong vương, trách phận, cấu xé lẫn nhau, và bọn họ chỉ là một mố i lo âu, bực dọc thường xuyên cho ông hoàng đế.
Na-pô-lê-ông cũng như mọi người ở Pháp đều tin rằng kỷ nguyên chinh chiến còn lâu mới chấm dứt, nhưng viên đạn dành để giết Na-pô-lê-ông thì đã được đúc sẵn rồi. Na-pô-lê-ông phân định rõ được rằng ông đã làm những gì ở nước Pháp và làm những gì cho nước Pháp, đã làm gì cho những "quận cũ" với tư cách là hoàng đế phương Tây, là vua nước ý, là người bảo vệ liên bang sông Ranh, vân vân và vân vân. Na-pô-lê-ông cho rằng phần thứ nhất sự nghiệp của mình có thể vững bền được trong nhiều thế kỷ, còn phần thứ hai thì chỉ đứng vững chừng nào ông ta còn sống. Cần phải có một triều thống, cần phải có một người kế nghiệp mà ắt hẳn Giô-dê-phin sẽ không có cho Na-pô-lê-ông; Na-pô- lê-ông cần một người vợ khác.
Giờ đây, vết thương ở Ra-ti-xbon và con dao của anh sinh viên Stát lúc nào cũng nhắc nhở Na-pô-lê-ông rằng tất cả những cái mà ông ta đã xây đắp hiện đang như ngàn cân treo sợi tóc, cho nên vấn đề triều thống đã trở thành chủ yếu đối với Na-pô-lê-ông. Những nhà viết sử người Pháp đã dành hàng trăm cuốn sách cho Giô-dê-phin, nói về cuộc đời và những chuyện tình sử, về hôn nhân, về cơn ngất của Giô-dê-phin khi lần đầu tiên Na-pô-lê-ông đột ngột nói rằng phải ly dị Giô-dê-phin để lấy một người khác hợp với quan niệm của Na-pô-lê-ông. Đối với chúng ta, mẩu chuyện này chỉ như một mắt xích trong cả chuỗi sự kiện chính trị xảy ra sau trận Va-gram, và chính lý do ấy mà chúng ta sẽ chỉ kể vắn tắt.
Mặc dầu Giô-dê-phin hơn Na-pô-lê-ông sáu tuổi, nhưng trong những năm đầu ăn ở với nhau, Na-pô-lê-ông đã say đắm Giô-dê-phin hơn bất cứ một người đàn bà nào khác. Na-pô-lê-ông đã không bao giờ yêu ai như thế nữa, ngay cả đối với nữ công tước Va-lép-xca, không nói đến những phụ nữ khác mà Na-pô-lê-ông đã có quan hệ trong thời gian lâu dài hay ngắn ngủi. Những kể từ những năm đi chiến dịch nước ý, 1796 và 1797, những năm mà Na-pô-lê-ông viết cho Giô-dê-phin những bức thư nồng cháy và đầy khát vọng say đắm, đến nay thời gian đã trôi đi nhiều. Khi được tin Giô-dê-phin bị tình dục lôi cuốn trong lúc ông vắng mặt, Na-pô-lê-ông đã không lìa bỏ Giô-dê-phin và dù mối tình không còn đằm thắm như xưa, Na-pô-lê-ông vẫn yêu Giô-dê-phin. Năm năm tháng tháng qua đi, Giô-dê-phin sống trong cảnh kính sợ chồng. Na-pô-lê-ông đã cấm cả Giô-dê-phin cầu cạnh ông che chở cho bất cứ một người nào và, trong khi đuổi khéo con người được Giô-dê-phin che chở, Na-pô-lê-ông không quên nói thêm :" Nếu hoàng hậu mà đã can thiệp giúp hắn thì rõ ràng hắn là kẻ chẳng làm nổi trò gì". Na-pô-lê-ông ghét cả các hình thức can thiệp yếu ớt đó của nữ vào công việc của nhà nước và trong các công việc nói chung.
Dù cho Giô-dê-phin là con người cực kỳ phù phiếm, không thể nghĩ đến gì hơn là áo quần, kim cương, khiêu vũ và các trò du hí khác. Na-pô-lê-ông cũng không thấy có gì đáng chê trách. Lúc bấy giờ, trong giới thượng lưu, người ta nói rằng nếu Na-pô-lê-ông đã ngược đãi nữ sĩ Xta-en bằng đủ cách thì không phải vì những tư tưởng tự do và tinh thần chống đối của bà - lẽ ra Na-pô-lê-ông đã có thể tha thứ được điều đó - mà vì bà là người thông minh và học thức, mà Na-pô-lê-ông lại không thể tha thứ những đức tính khó coi trong một người phụ nữ. Theo quan điểm ấy thì Giô-dê-phin không có điều gì làm cho Na-pô-lê-ông nổi giận được. Những tài liệu và những nhà viết tiểu sử đã nói đúng khi họ đồng thanh quả quyết rằng Na-pô-lê-ông đã quyết định ly dị với tâm trạng không vui.
"Chính trị không có tình cảm mà chỉ có lý trí", Na-pô-lê-ông nói với Giô-dê-phin như vậy, vào tháng 11 năm 1809, khi việc ly dị đang tiến hành. Na-pô-lê-ông vẫn tiếp tục yêu Giô-dê-phin và cả hai vẫn sống chung đụng. Ngày 15 tháng 12 năm 1809, giấy ly dị được ký kết trước mặt đông đủ văn võ bá quan của đế chế và hoàng gia. Bấy giờ hai người xa nhau, nhưng, những ngày sau đó, Na-pô-lê-ông vẫn viết cho Giô-dê-phin những lá thư trìu mến nhất gửi về Man-ne-dông, nơi Giô-dê-phin lui về ở đó, trong toà lâu đài của Na-pô-lê-ông ban cho.
Giáo hoàng được mời đến để thay mặt nhà thờ Thiên chúa phê chuẩn việc ly dị. Đối với những loại công việc như thế, nhà thờ thường tỏ ra rất lề mề và ngang ngạnh. Nhưng những chức sắc của toà thánh đã đứng ra làm việc đó thay Pi VII với một tinh thần hết sức khẩn trương bởi vì kẻ thỉnh cầu là kẻ đầy quyền lực.
Hội đồng tư vấn các triều thần được triệu tập cấp tốc; sau khi nghiên cứu vấn đề, Hội đồng đã quyết định cầu xin hoàng thượng hãy vì quyền lợi của đế chế mà lấy một người vợ khác. Số đông hoàn toàn tán thành ý kiến của Na-pô-lê-ông. Bởi một mặt họ mong muốn cái của cải vật chất gắn chặt với đế chế của bọn họ tồn tại vĩnh viễn dưới vương quyền của dòng họ Bô-na-pác, chả là họ sợ dòng họ Buốc-bông phục hưng và họ thấy rằng "nước Pháp mới" chỉ vững bền khi có một người trực tiếp kế thừa ngôi báu ra đời. Mặt khác, tất cả mọi người, cho đến cả kẻ phản bội Tan-lây-răng trước kia bị ruồng bỏ, ai nấy đều mơ tưởng một sự hoà hợp mật thiết, không những về chính trị mà còn về cả triều thống của Na-pô-lê-ông, với một trong hai nước lớn là áo hoặc Nga. Bọn họ coi đó là biện pháp để tạm ngừng các cuộc chiến tranh liên miên và các nỗi nguy nan không tái diễn. Một số kẻ (do Phu-sê đứng đầu) muốn Na-pô-lê-ông lấy công chúa An-na Páp-lốp-na, em gái đế A-lếch-xan; một số kẻ khác lại ưng ý con gái hoàng đế Phran-xoa là công chúa Ma-ri Lu-i-dơ. Vừa ly dị xong, Na-pô-lê-ông đã chú ý chọn một vị hôn thê.
Trong tình thế này, Na-pô-lê-ông đã tỏ ra có trí phán đoán nhanh chóng và tính minh bạch khác thường: Na-pô-lê-ông không phải phí thời gian để điểm xem công chúa nào có thể lấy làm vợ và thực tế cũng không cần phải tìm kiếm lâu la gì. Ngoài đại đế quốc Pháp ra, trên thế giới này chỉ còn có ba cường quốc xứng đáng với danh đó: Anh, Nga và áo. Nhưng Pháp lại đang tiến hành một cuộc chiến tranh sống còn với Anh. Còn lại Nga và áo, rõ ràng là nước Nga mạnh gấp bội nước áo, vì áo vừa mới bị Na-pô-lê-ông giáng cho một trận thua khủng khiếp trong cuộc chiến tranh chống Pháp lần thứ tư trong 13 năm trời. Vậy thì trước hết cần phải ngỏ ý với nước Nga và cầu hôn với một trong hai công chúa em gái hoàng đế A-lếch-xan. Chọn ai là chuyện rất phụ, vả lại Na-pô-lê-ông cũng chưa bao giờ được trông thấy mặt hai người. Nhưng triều đình Nga tức tốc gả vội ê-ca-tê-ri-na Páp-lốp-na cho Gioóc-giơ ở đại công quốc On-đen-bua. Đại sứ pháp ở Pê-téc-bua lãnh trách nhiệm thăm dò Sa hoàng về An-na, nàng công chúa còn lại.
Vào tháng 12 năm 1809 và tháng 1 năm 1810, triều đình Nga xôn xao đến cực độ. ở Pê-téc-bua, A-lếch-xan đệ nhất luôn luôn nói với Cô-lanh-Cua bằng những lời phỉnh phờ rằng ông ta rất mong muốn gả An-na cho Na-pô-lê-ông, nhưng theo ý kiến của hoàng thái hậu (Ma-ri-a Phê-đô-rốp-na) thì An-na hãy còn trẻ quá, công chúa mới có 16 tuổi v.v. ở Páp-lốp, Ma-ri-a Phê-đô-rốp-na cực lực phản đối việc kết hôn đó và một bộ phận đáng kể của triều đình Nga đã ủng hộ Ma-ri-a. Năm này qua năm khác, khi cuộc phong toả lục địa ngày càng ngặt nghèo bao nhiêu thì mối căm hờn của toàn bộ giai cấp quý tộc và đặc biệt là của bọn quý tộc đại địa chủ đối với Na-pô-lê-ông cũng tăng lên bấy nhiêu.
Ngày 28 tháng 1 năm 1810, Na-pô-lê-ông triệu tập một cuộc họp trọng thể các triều thần, tại cung điện Tuy-lơ-ri, để thảo luận vấn đề ly dị và kết hôn mới của ông ta. Một số người trong đám triều thần- đứng đầu là quan chưởng ấn Căm-ba-xê-rét, vua xứ Na-plơ Muy-ra và Bộ trưởng Bộ công an Phu-sê- tỏ ý tán thành công chúa An-na Páp-lốp-na, một số người khác tán thành công chúa Ma-ri Lu-i-dơ, con gái hoàng đế Phrăng-xoa đệ nhất. Còn như Na-pô-lê-ông, tất nhiên là bực tức về thái độ lững lờ của triều đình Nga, đã tỏ rõ cho mọi người thấy là mình thiên về nàng công chúa nước áo. Hội đồng không đi đến một quyết nghị dứt khoát.
Chín ngày sau, người ta nhận được tin từ Pê-téc-bua gửi đến nói rằng hoàng thái hậu muốn được hoãn cuộc hôn lễ của con gái với Na-pô-lê-ông lại ít lâu, vì lẽ An-na còn quá trẻ tuổi. Cũng cùng ngày hôm ấy, đại sứ áo ở Pa-ri là Mét-te-ních được mời đến để thăm dò xem liệu hoàng đế nước áo có ưng thuận cho Na-pô-lê-ông kết hôn với con gái hoàng đế không. Ngay lập tức và không một chút do dự (bởi người ta đã dự kiến được hết mọi vấn đề trong khi Na-pô-lê-ông đang thăm dò việc hôn nhân với quận chúa Nga), Mét-te-ních tuyên bố rằng nước áo sẵn sàng gả nàng công chúa trẻ tuổi cho Na-pô-lê-ông, mặc dầu từ trước đến nay chưa bao giờ người ta chính thức dạm hỏi về vấn đề ấy (mà, vả lại, cũng không thể đặt vấn đề ấy ra được). Một cuộc hội nghị khác được nhóm họp ngay, ở cung điện Tuy-lơ-ri, vào cùng ngày hôm đó, tức là chiều ngày 6 tháng 2 và nhất trí tán thành cuộc hôn nhân với cô công chúa áo.
Ngày hôm sau, mồng 7 tháng 2 năm 1810, giấy giá thú đã làm xong. Công việc này không đòi hỏi gì nhiều công phu: người ta chỉ còn việc lấy hồ sơ lưu trữ ra và sao chép lại giấy giá thú của ông vua đã trị vì nước Pháp trước Na-pô-lê-ông là vua Lu-i XVI kết hôn với Ma-ri An-toa-nét cũng là công chúa nước áo; Ma-ri An-toa-nét không phải ai xa lạ chính là cô của Ma-ri Lu-i-dơ, vị hôn thê của Na-pô-lê-ông.
Giấy giá thú lập tức được gửi đến hoàng đế nước áo và hoàng đế nước áo phê chuẩn ngay, việc này được thông báo ở Pa-ri vào ngày 21 tháng 2 và đến ngày 22, thống chế Béc-ti-ê, tổng tham mưu trưởng, đã đi Viên để đảm nhận một nhiệm vụ kỳ quặc là thay mặt chú rể, tức là thay mặt Na-pô-lê-ông, trong buổi hôn lễ sẽ cử hành ở thủ đô nước áo.
ở Viên, người ta phấn khởi đón chào cái tin về sự quyết định bất thình lình của Na-pô-lê-ông. Sau những thất bại khủng khiếp và những thiệt hại nặng nề vào năm 1809, nước áo coi cuộc kết hôn ấy có khác gì người chết đuối vớ được cọc. ở thủ đô áo, vài ba chuyện rắc rối nhỏ nhặt, không đẹp, làm vẩn đục quang cảnh những ngày hoan hỉ ấy đã được người ta lờ đi cho một cách dễ dàng. Cũng như thế, đúng giữa lúc diễn ra những cuộc vui vầy trước khi tiến hành hôn lễ, Na-pô-lê-ông cho mang người thủ lĩnh nghĩa quân vùng Ti-ron - đã bị bắt - đi xử bắn. Trước khi Hô-phe ngã dưới làn đạn (ông bị bắn ở Man-tu), ông đã có thì giờ để hô lớn: "Đức hoàng đế Phrăng-xoa anh minh muôn năm!". Nhưng vị hoàng đế Phrăng-xoa anh minh, người mà Hô-phe đã hy sinh cả đời mình, vì ông ta, lại cấm mọi người không được nhắc đến tên người nông dân tầm thường ấy ở vùng Ti-ron, bởi vì rất có thể lòng trung thành quá mức và lòng yêu nước chưa đúng của Hô-phe sẽ gây cho Na-pô-lê-ông tức giận tất cả nước áo.
Ngày 11 tháng 3 năm 1810, trong nhà thờ Viên, xung quanh đầy người xem, hôn lễ của cô công chúa Ma-ri Lu-i-dơ 18 tuổi và Na-pô-lê-ông đã được cử hành trước mặt toàn thể hoàng gia nước áo, triều đình và đông đủ các đoàn ngoại giao, quan lại cao cấp và các tướng lĩnh quân đội. Cô dâu chưa bao giờ được gặp mặt chú rể, ngay cả đến ngày cưới cũng không được trông thấy mặt, vì như chúng tôi đã nói, Na-pô-lê-ông cho rằng bận tâm và thân chinh đến tận Viên là một sự thừa ngay cả trong trường hợp hết sức đặc biệt là hôm làm lễ cưới mình, nhưng rồi Viên cũng lại thích nghi cả với cách xử sự ấy. Thống chế Béc-ti-ê và đại công tước Sác-lơ, cả hai, với thái độ trang nghiêm hoàn hảo, đã chấp hành đầy đủ mọi thủ tục lễ nghi mà một chú rể phải làm. Độc giả chắc hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi rằng: làm thế nào mà hai nhân vật đó có thể thay thế được chú rể vắng mặt? Thì đó cũng chính là một câu chuyện lạ lùng đối với cả những người đương thời ít biết đến những chi tiết về các cuộc cưới xin của hoàng gia. Béc-ti-ê được Na-pô-lê-ông phái đi thay mặt chính bản thân hoàng đế và chính thức cầu hôn với Ma-ri Lu-i-dơ, còn như đại công tước Sác-lơ, theo yêu cầu và lệnh mới của Na-pô-lê-ông, phải có mặt ở nhà thờ để Béc-ti-ê giao Ma-ri Lu-i-dơ cho và lúc này ông đại công tước ấy thay mặt Na-pô-lê-ông - cũng như Béc-ti-ê đã làm từ trước cho đến lúc này - dẫn Ma-ri Lu-i-dơ đến bàn thờ, đứng đó cạnh Ma-ri Lu-i-dơ trong khi làm phép cưới, sau đó bà hoàng hậu mới của nước Pháp đã được đưa về Pháp bằng các nghi thức và với đoàn hộ giá theo cương vị của mình. Khi đi qua các nước chư hầu, trong đó có xứ Ba-vi-e, đến đâu hoàng hậu cũng được đón tiếp xứng đáng với tư cách là vợ của con người đã chiến thắng châu Âu. Na-pô-lê-ông đi đón Ma-ri Lu-i-dơ không là mấy, trên đường đi Com-pi-e-nhơ. Lúc ấy hai vợ chồng mới nhìn thấy nhau, lần đầu tiên trong đời họ.
Việc này gây ra ở châu Âu một ảnh hưởng rộng lớn và được giải thích bằng nhiều cách. "Thế là từ này trở đi chiến tranh chấm dứt, châu Âu đã ở vào thế ổn định, kỷ nguyên hạnh phúc đã mở ra", đó là lời các thương gia trong các thành phố đồng minh thương nghiệp miền tây-bắc nước Đức, họ tin chắc rằng nước Anh, không có nước áo làm chỗ dựa ở trên lục địa nữa, sẽ phải đi đến thoả hiệp. Sau cuộc thăm dò lần đầu tiên ý kiến các quan lại cao cấp người Pháp, các nhà ngoại giao đã phát biểu rằng: "Chỉ vài năm nữa là Na-pô-lê-ông sẽ gây chiến với một trong số hai nước cường quốc nào mà sau này không tức khắc gả vợ cho ông ta".
Vì tình hình thế giới không ổn định, nên rõ ràng là mỗi việc tăng cường cho sự liên minh giữa Na-pô-lê-ông và nước Nga thêm chặt chẽ đều là một mối đe doạ đến chính sự tồn tại của nền quân chủ áo và mọi sự xích lại gần nhau giữa Na-pô-lê-ông và nước áo đều đặc biệt giúp cho Na-pô-lê-ông được rảnh tay đối với nước Nga. Một vài nhà quý tộc người áo, như ông hoàng thân Mét-te-ních, bố đẻ viên đại sứ áo ở Pa-ri trước đây, đã mừng rỡ trong bụng khi nhận được tin về cuộc hôn nhân sắp tới giữa Na-pô-lê-ông; con trai ông ta là Clê-măng Mét-te-ních, lúc đó đã là người có tiếng tăm, cũng vui lộ ra mặt, ở Sơn-brun, người ta nhắc đi nhắc lại: "Nước áo đã thoát nạn".
Thành phố Pê-téc-bua hoang mang và chấn động. Ma-ri-a Phê-đô-rốp-na hoan hỉ khi thấy không phải là con gái mình mà là con gái của hoàng đế nước áo đã bị mang nộp cho "con quỷ nửa người nửa bò".
Nhưng A-lếch-xan đệ nhất, Ru-mi-ăng-sép, Cu-ra-kin và cả những địch thủ hăng hái nhất của khối liên minh Pháp đều tỏ ra lo ngại. Họ thấy hình như áo đã hoàn toàn đi theo đường lối của Na-pô-lê-ông và hình như trên lục địa chỉ còn lại nước Nga là nước đương đầu với kẻ xâm lược đáng ghét của cả châu Âu.
Ngay khi vừa cưới xong, Na-pô-lê-ông đã tích cực gấp bội trong việc thực hiện triệt để chính sách kinh tế của ông.
chú thích:
. Na-pô-lê-ông sát nhập một số nước vào nước Pháp và chia các nước ấy thành từng quận, coi như những vùng chính thức của nước Pháp-ND.
. Theo truyện thần thoại Hy Lạp, Mi-nô-tô-rơ là một con quái vật (mình người, đầu bò), chuyên ăn thịt người, hằng năm thành A-ten phải mang người đến cống cho Mi-nô-tô-rơ - ND.

<< Chương 10-Phần 4 | Chương 11-Phần 2 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 397

Return to top