Trong sự nghiệp lịch sử của Na-pô-lê-ông, cuộc viễn chinh Ai Cập - cuộc chiến tranh lớn thứ hai của ông ta - giữ một vai trò đặc biệt, và trong lịch sử xâm chiếm thuộc địa của Pháp, mưu đồ đó cũng chiếm một địa vị hoàn toàn đặc biệt.
Giai cấp tư sản ở Mác-xây và ở khắp miền nam nước Pháp có những quan hệ rất rộng rãi và rất có lợi lộc cho nền thương mại và kỹ nghệ Pháp với các nước ở vùng Cận Đông, nói một cách khác, với các hải cảng của bản đảo Ban-căng, với nước Xi-ri, Ai Cập, với các đảo ở phía đông Địa Trung Hải và ác-si-pen. Cũng đã từ lâu, các tầng lớp tư sản Pháp nói trên mong mỏi nước Pháp củng cố được địa vị chính trị ở các nước có nhiều nguồn lợi đó, nhưng lại rất lộn xộn về tổ chức chính sự; cho nên việc buôn bán ở đó thường xuyên cần đến sự bảo hộ và uy thế của quân đội. Vào cuối thế kỷ thứ XVIII, những tài nguyên giàu có của Xi-ri và Ai Cập đã được rất nhiều người miêu tả một cách quyến rũ; nếu biến những nơi đó thành thuộc địa và lập ở đó những đại lý thương mại thì sẽ thu được những nguồn lợi to lớn. Những nhà ngoại giao Pháp từ lâu đã nhòm ngó các nước Cận Đông ấy. Những nước ấy là một bộ phận đất đai của hoàng đế Công-xtăng-ti-nốp và nằm trong lãnh thổ của triều đình ốt-tô-man (hồi ấy người ta gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ như vậy), nhưng sự tổ chức bảo vệ những đất đai ấy của Thổ Nhĩ Kỳ hình như quá yếu ớt. Đã từ lâu, trong các giới cầm quyền Pháp, người ta nhìn xứ Ai Cập, với địa thế nằm giữa Địa Trung Hải và Hồng Hải, như một căn cứ mà từ đó có thể uy hiếp được các đối thủ về kinh tế và chính trị ở ấn Độ và In-đo-nê-xi-a. Trong thời của mình, nhà triết học nổi tiếng Lai-bnít đã đệ lên vua Lu-i thứ XIV một bản tâu trình, trong đó Lai-bnít khuyên nên chiếm Ai Cập để có thể phá được vị trí của người Hà Lan ở khắp phương Đông. Vào cuối thế kỷ XVIII, không phải người Hà Lan là kẻ thù chính của nước Pháp nữa mà là người Anh; do tất cả những điều vừa nói trên đây nên những nhà chính trị Pháp không hề coi Bô-na-pác là một người điên khi ông ta đề nghị đánh Ai Cập và họ cũng không hề lấy làm ngạc nhiên khi thấy Tan-lây-răng, bộ trưởng bộ Ngoại giao của họ, một người vốn lạnh lùng, thận trọng, dè dặt và hoài nghi lại đã ủng hộ kế hoạch đó một cách kiên quyết nhất.
Vừa mới làm chủ Vơ-ni-dơ, Bô-na-pác đã ra lệnh cho một trong những tướng lĩnh của mình đánh chiếm lấy các đảo I-ô-niêng, Bô-na-pác nói rằng việc chiếm lấy các đảo ấy là một kế hoạch phụ trợ để chuẩn bị cho kế hoạch đánh chiếm Ai Cập. Chúng tôi có nhiều chứng cớ cụ thể cho phép khẳng định rằng trong suốt chiến dịch nước ý lần thứ nhất, Bô-na-pác đã luôn luôn nghĩ đến Ai Cập. Tháng 8 năm 1797, từ bản doanh chiến dịch, Bô-na-pác viết về cho Pa-ri: "Chẳng mấy nữa mà chúng ta sẽ nhận thấy rằng muốn thực sự tiêu diệt được nước Anh tất phải đánh chiếm Ai Cập". Trong suốt thời gian chiến tranh ở ý , lúc rỗi, Bô-na-pác vẫn tiếp tục ngốn ngấu đọc sách như thường lệ, nhất là cho tìm và đọc sách của Von-nây viết về Ai Cập, cũng như rất nhiều tác phẩm khác nói về vấn đề ấy. Bô-na-pác tha thiết với việc chinh phục các đảo I-ô-niêng đến mức đã viết về cho Viện Đốc chính rằng nếu phải lựa chọn thì thà từ bỏ nước ý còn hơn là từ bỏ các đảo đó. Đồng thời, ngay trước khi ký xong hoà ước với người áo, Bô-na-pác đã cố tình khuyên nên đánh chiếm đảo Man-tơ. Đối với Bô-na-pác, tất cả những căn cứ hải đảo ở Địa Trung Hải đều cần thiết để tổ chức cuộc tiến công sang Ai Cập sau này.
Sau hoà ước Cam-pô Phoóc-mi-ô, khi đã tạm thời giải quyết xong với nước áo thì nước Anh là kẻ thù chính. Bô-na-pác đã cố hết sức thuyết phục Viện Đốc chính cấp cho ông ta một hạm đội và một đạo quân để đi chinh phục Ai Cập. Phương Đông luôn luôn hấp dẫn Bô-na-pác. Và vào thời kỳ này của đời mình, tâm trí Bô-na-pác bị A-lếch-xăng Ma-xê-đoan xâm chiếm nhiều hơn là Xê-da hay Sác-lơ-man-nhơ hoặc bất cứ vị anh hùng nào khác của lịch sử. Sau đó ít lâu, trên sa mạc ở Ai Cập, với giọng nửa đùa cợt, Bô-na-pac nói với các chiến hữu của ông ta rằng đáng tiếc là mình "đã ra đời quá muộn" và đã không được sống và thời kỳ mà "A-lếch-xăng sau khi chinh phục được châu á, đã tự xưng với nhân dân là con Trời và được tất cả phương Đông tin như vậy". Rồi Bô-na-pác nghiêm trang nói tiếp: "Châu Âu là một cái hang chuột, chưa bao giờ ở châu âu có những đế quốc vĩ đại và những cuộc cách mạng vĩ đại như ở phương đông".
Những xu hướng thầm kín đó của Bô-na-pác hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của thời bấy giờ và với lợi ích sự nghiệp của Bô-na-pác. Thực tế là từ cái đêm không ngủ ấy ở nước ý , Bô-na-pác đã quyết định không muốn chỉ chiến thắng duy nhất vì Viện Đốc chính nữa, mà Bô-na-pác nhằm đạt đến quyền lực tối cao. "Tôi không biết phục tùng nữa rồi". Trong thời gian đàm phán hoà bình với áo, Bô-na-pác đã công khai tuyên bố như vậy ở tổng hành dinh của mình khi nhận được những chỉ thị từ Pa-ri gửi tới làm ông ta bực mình. Nhưng lật đổ Viện Đốc chính ngay lúc bấy giờ thì chưa thể làm được. Tình hình chưa chín muồi, và nếu Na-pô-lê-ông đã không biết phục tùng nữa thì ông ta cũng còn biết chờ thời cơ thuận lợi. Viện Đốc chính chưa mất hết tín nhiệm và Bô-na-pác còn chưa đủ trở thành đứa con cưng và thần tượng của toàn thể quân đội, mặc dầu Bô-na-pác đã có thể hoàn toàn tin cậy vào những sư đoàn mà ông ta đã chỉ huy ở ý . Nhưng sử dụng thế nào cho tốt thời gian chờ đợi, còn cách nào hơn là dùng nó vào những cuộc chinh phục mới, những chiến công mới, rực rỡ trên đất nước của các vị Pha-ra-ông, trên xứ sở của kim tự tháp theo tấm gương của A-lếch-xăng Ma-xê-đoan, và đe dọa nước Anh đáng ghét kia trên đất ấn Độ của họ.
Trong trường hợp này, sự giúp đỡ của Tan-lây-răng đối với Bô-na-pác thật vô cùng cần thiết. Trong hàng loạt vấn đề ấy, Tan-lây-răng "không tin tưởng sắt đá" lắm, nhưng Tan-lây-răng thấy rõ ràng là có khả năng thành lập ở Ai Cập một thuộc địa Pháp giàu có và phồn vinh, có lợi về mặt kinh tế, Tan-lây-răng đã báo cáo vấn đề này lên Viện Hàn lâm khoa học, ngay cả trước khi biết ý đồ Bô-na-pác. Kẻ quý tộc cơ hội chủ nghĩa chui vào chính phủ cộng hoà ấy chẳng qua cũng chỉ là nhân cơ hội đó mà phát biểu những nguyện vọng của cái giai cấp quan tâm đặc biệt đến việc buôn bán với vùng Cận Đông, là những thương gia Pháp. thêm vào đó là Tan-lây-răng mong được Bô-na-pác, nhìn y bằng con mắt thiện cảm, vì nhìn vào Bô-na-pác, con mắt tinh đời của nhà ngoại giao ấy đã đoán trước được đó sẽ là người chủ tương lai của nước Pháp và là người nhất định sẽ bóp chết được phái Gia-cô-banh.
Nhưng Bô-na-pác và Tan-lây-răng đã không phải khó khăn nhiều để thuyết phục Viện Đốc chính cho binh lính, tiền bạc, tàu bè dùng vào cuộc xâm chiếm xa xôi và nguy hiểm đó. Trước hết (và lại là điều quan trọng hơn cả), vì những lý do chung về kinh tế và những lý do riêng về chính trị và quân sự, Viện Đốc chính cũng đã nhìn thấy lợi ích và ý nghĩa của cuộc xâm chiếm này, và sau nữa (điều này chẳng quan trọng gì) vì một vài người trong số các vị đốc chính, như Ba-ra chẳng hạn, thật ra có thể cho rằng cuộc viễn chinh xa xôi và nguy hiểm ấy có cái lợi chính vì nó xa xôi và nguy hiểm... Việc Bô-na-pác đột nhiên nổi danh vang lừng đã làm cho họ lo lắng từ lâu; Viện Đốc chính rõ hơn ai hết việc Bô-na-pác "không biết phục tùng nữa". Na-pô-lê-ông chẳng đã ký hoà ước Cam-pô Phoóc-mi-ô theo ý riêng của ông không đếm xỉa đến một số ý kiến mà Viện Đốc chính đã phát biểu rõ ràng đó sao? Trong buổi đón tiếp long trọng Na-pô-lê-ông ngày 10 tháng 12 năm 1797, ông đã không xử sự như một "chiến sĩ" trẻ tuổi tiếp nhận những lời khen ngợi của tổ quốc với một tấm lòng cảm động và biết ơn, mà lại làm như một vị hoàng đế La Mã được cái Thượng nghị viện tôi tớ nghênh đón trong cuộc lễ khải hoàn tổ chức sau một trận chiến thắng: thái độ lầm lì, lạnh lùng gần như cau có, ông ta đã nhận tất cả những vinh dự ấy như một việc tất nhiên phải thế và nghĩa vụ buộc phải thế đối với ông ta.
Tóm lại, tất cả những cử chỉ, thái độ của Na-pô-lê-ông làm người ta phải nghĩ ngợi lo âu. Vậy thì cứ để Bô-na-pác đi Ai Cập, nếu trở về được thì tốt, bằng không, Ba-ra và mấy đồng sự cản ông ta đành sẵn sàng chịu đựng cái tổn thất ấy vậy. Ngày 5 tháng 3 năm 1798, cuộc viễn chinh được quyết định và Bô-na-pác được cử làm tổng chỉ huy.
Với một tinh thần khẩn trương gấp rút, Bô-na-pác tức khắc bắt tay vào việc chuẩn bị chuyến đi, kiểm tra tàu bè, lựa chọn binh lính. Tài năng của Na-pô-lê-ông đã biểu hiện rõ hơn cả thời kỳ đầu của cuộc viễn chinh sang ý . Na-pô-lê-ông tiến hành những công việc rất to lớn và rất khó khăn, đồng thời cũng chú ý đến cả những chi tiết nhỏ nhặt nhưng không bao giờ chìm ngập vào đó, ông vừa nhìn cả cây vừa nhìn cả rừng, hay có thể nói từng cái cành trong từng cái cây một. Vừa kiểm tra bờ biển và hạm đội, vừa thành lập đoàn quân viễn chinh vừa chăm chú theo dõi tình hình diễn biến chính trị trên thế giới và tất cả những tin tức nói về hoạt động của hạm đội Nen-xơn là hạm đội có thể đánh đắm hạm đội Pháp trong khi đi ngang qua, và, trong khi chờ đợi, hạm đội ấy đang đi đi lại lại nhìn ngó vào bờ biển nước Pháp. Bô-na-pác lựa chọn rất cẩn thận trong số những binh lính đã chiến đấu dưới quyền mình ở ý . Ông biết tường tận cá nhân của rất nhiều binh sĩ. Về sau này, trí nhớ khác thường của Bô-na-pác luôn luôn làm cho những người xung quanh hết sức ngạc nhiên. Ông biết rõ anh lính này chiến đấu dũng cảm và kiên quyết, nhưng lại hay uống rượu, anh lính kia thì thông minh và tháo vát nhưng lại chóng mệt vì mắc bệnh sa đì. Về sau này, mỗi khi cần đến, Bô-na-pác đã biết lựa chọn đúng và tốt từ tướng soái cho đến các hạ sĩ quan và những người lính thường. Để đi viễn chinh ở Ai Cập, để làm chiến tranh dưới trời nắng như thiêu đốt, 50 độ hay cao hơn, để vượt qua sa mạc mênh mông, cát nóng bỏng không nước và không bóng mát, cần có những binh lính dẻo dai chịu đựng được mọi gian khổ.
Ngày 19 tháng 5 năm 1798, công việc chuẩn bị đã xong xuôi, hạm đội Bô-na-pác rời khỏi Tu-lông. 350 chiếc tàu lớn nhỏ và một đoàn thuyền, trên chở một đạo quân 30.000 người cùng với pháo binh, phải vượt qua gần hết Địa Trung Hải, vừa phải tránh hạm đội Nen-xơn, cái hạm đội tất sẽ bắn phá và đánh chìm được hạm đội của Bô-na-pác nếu gặp nhau.
Toàn châu Âu biết rằng có một cuộc viễn chinh bằng đường biển đang được chuẩn bị. Nước Anh biết rõ là tại khắp các hải cảng miền nam nước Pháp người ta đang hoạt động dữ dội, quân đội không ngớt cuồn cuộn kéo đến và tướng Bô-na-pác là người đứng đầu cuộc viễn chinh, điều đó chứng tỏ tầm quan trọng của nó. Nhưng nó sẽ nhằm cái đích nào đây? Bô-na-pác đã rất khéo léo phao tin là ông ta có ý định vượt qua eo biển Gi-bran-ta, đi vòng qua Tây Ban Nha để đổ bộ lên Ai-len. Tin này bay đến tai Nen-xơn và đã đánh lừa được Nen-xơn. Nen-xơn phục kích Na-pô-lê-ông ở những vùng lân cận Gi-bran-ta, trong khi đó hạm đội Pháp, rời khỏi hải cảng, tiến thẳng về phía đông, đến đảo Man-tơ.
Từ thế kỷ thứ XVI, đảo Man-tơ thuộc "dòng họ kỵ sĩ". Khi vừa cập bến, tướng Bô-na-pác buộc đảo này phải đầu hàng; đảo đã quy phục và Bô-na-pác tuyên bố đó là đất thuộc nước cộng hoà Pháp. Sau vài ngày đậu lại đảo, chiến thuyền của Bô-na-pác lại giương buồm đi về phía Ai Cập. Tính đến Man-tơ là đã được gần nửa đường; Bô-na-pác tới Man-tơ ngày 10 tháng 6 và rời đi ngày 19. Được thuận gió, Bô-na-pác cùng đại quân cập bến Ai Cập ở gần A-lếch-xăng-đri ngày 30 tháng 6; Bô-na-pác lập tức đổ bộ.
Tình thế lúc đó thật nguy hiểm: vừa đến A-lếch-xăng-đri thì Bô-na-pác được tin trước đó đúng 48 giờ, một hạm đội Anh đã cập bến này và hỏi tin tức về Bô-na-pác (dĩ nhiên người ta không biết gì hết). Về phía Nen-xơn, sau khi hay tin quân Pháp đã lấy được Man-tơ và biết ra rằng mình bị Bô-na-pác đánh lừa, ông ta liền gấp rút tiến về phía Ai Cập để ngăn chặn quân Pháp đổ bộ và để đánh chìm họ ngay ngoài biển. Nhưng sự hấp tấp của Nen-xơn và cuộc hành quân quá nhanh của hạm đội Anh đã phản lại Nen-xơn, vì sau khi biết đích xác là Bô-na-pác đã rời Man-tơ đi Ai Cập, rồi khi đến A-lếch-xăng-đri chẳng hề nghe thấy nói về Bô-na-pác, Nen-xơn bèn quyết đoán nếu quân Pháp không có ở Ai Cập thì chỉ có thể là họ đi Công-xtăng-ti-nốp không còn hướng nào khác nữa. Nen-xơn lại gấp rút đi về phía Công-xtăng-ti-nốp và thế là ông ta lại lầm lẫn lần nữa.
Một loạt những sự tình cờ và lầm lẫn ấy của Nen- xơn đã cứu thoát đội quân viễn chinh Pháp. Vì bất cứ lúc nào Nen-xơn cũng có thể quay lại được nên cuộc đổ bộ của Bô-na-pác đã được tiến hành một cách khẩn trương nhất, và đêm ngày 2 tháng 7, quân đội Pháp đã ở trên đất liền.