Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Bài Viết >> Na-pô-lê-ông Bô-na-pác

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 49311 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Na-pô-lê-ông Bô-na-pác
Ê.TÁC-LÊ

Chương 8-Phần 2
Mùa thu năm 1805 đến, Na-pô-lê-ông tuyên bố với các đô đốc của mình rằng ông không cần đến ba, mà chỉ cần hai, thậm chí chỉ một thôi, một ngày yên tĩnh trên biển Măng-sơ với sự bảo đảm kiềm chế được hoạt động của hải quân Anh là có thể đổ bộ lên đất Anh. Mùa sương mù sắp đến. Từ lâu, Na-pô-lê-ông đã hạ lệnh cho đô đốc Vin-lơ-nơ-vơ rời Địa Trung Hải đến Đại Tây Dương để bắt liên lạc với hạm đội biển Măng-sơ, sau đó Vin-lơ-nơ-vơ có nhiệm vụ yểm hộ cuộc vượt eo biển và cuộc đổ bộ lên đất Anh. Nhưng, bất thình lình, gần như trong cùng một ngày, hai tin cực kỳ quan trọng đến với Na-pô-lê-ông lúc này đang ở Bu-lô-nhơ với quân sĩ: tin thứ nhất là Vin-lơ-nơ-vơ không thể thi hành mệnh lệnh của Na-pô-lê-ông ngay được, tin thứ hai là quân Nga đã lên đường đi gặp quân áo đang sẵn sàng tiến công Na-pô-lê-ông và các bạn liên minh Đức của ông ta và các lực lượng đối phương đang tiến về phía tây.
Tức khắc, không chút do dự, Na-pô-lê-ông thay đổi quyết định. Thấy rõ ràng là dẫu sao Uy-liêm-Pít cũng đã cứu được người Anh và vấn đề không phải là đổ bộ nữa, Na-pô-lê-ông bèn gọi ngay tướng thân cận là Đa-ruy và giao cho chuyển đến tư lệnh các quân đoàn những kế hoạch đã chuẩn bị sẵn: tiến hành một cuộc chiến tranh mới với nước áo và nước Nga chứ không phải với nước Anh nữa. Việc xảy ra ngày 27 tháng 8.
Thế là trại lính Bu-lô-nhơ, một công trình đã phải mất hai năm ròng để tổ chức, chấm hết, hết cả những mộng chiến thắng một kẻ thù dai dẳng và khó đánh tới vì được biển cả che chở! "Nếu 15 ngày nữa ta không ở Luân Đôn thì đầu tháng Mười một ta sẽ đến Viên", hoàng đế Na-pô-lê-ông đã nói như vậy trước khi nhận được những tin tức đã làm thay đổi căn bản ý định trước mắt của ông ta. Luân Đôn thoát, nhưng Viên phải trả nợ thay. Trong nhiều giờ liên tiếp, Na-pô-lê-ông truyền đạt kế hoạch chiến dịch mới. Mệnh lệnh bay đi tứ phía để lấy tân binh bổ sung cho các đội dự bị và để tổ chức việc tiếp tế cho quân đội hành tiến qua nước Pháp và xứ Ba-vi-e đến giao chiến với quân địch. Những đội thông tin liên lạc hỏa tốc đến Béc-lin, Ma-đrít, Đrét-xđen, An-xtéc-đam, mang tới những chỉ thị ngoại giao đầy uy vũ và mệnh lệnh, đầy điều kiện và tặng phẩm quý báo hấp dẫn. Không phải Pa-ri không hoang mang, nhốn nháo, người ta báo cáo Na-pô-lê-ông rằng các nhà buôn, những người gửi tiền nhà băng, các nhà kỹ nghệ đều phàn nàn thầm về khát vọng xâm lược và đường lối ngoại giao của Na-pô-lê-ông là đã không tính đến khó khăn và cho rằng cá nhân Na-pô-lê-ông phải chịu trách nhiệm về cuộc nổi dậy mới và đáng sợ này của toàn thể châu Âu chống lại nước Pháp. Người ta phản đối ngầm, dè dặt, nhưng người ta vẫn phản đối.
Nhờ vào sự tổ chức quân sự tài tình của mình, Na-pô-lê-ông chỉ mất có mấy ngày là đã nhổ được trại lính Bu-lô-nhơ khổng lồ, tổ chức hành quân và bổ sung cho quân đội đã tập trung ở đó, rồi từ bờ biển Măng-sơ qua nước Pháp, tới đất Ba-vi-e, đất bạn đồng minh của ông.
Na-pô-lê-ông cấp tốc hành quân, đi vòng lên phía bắc quân áo đóng trên bờ sông Đa-nuýp và có vị trí Un-mơ kiên cố án ngữ sườn bên trái.
Nếu khối liên minh quân sự thứ ba, đã thành hình trong tư tưởng của các hội viên chính thức từ giữa năm 1804, mà mãi một năm rưỡi sau, vào mùa thu năm 1805, mới xuất trận thì một trong những lý do chính là để chuẩn bị lần này cho thật chu đáo và để bảo đảm thắng lợi. Chưa bao giờ quân đội áo lại được trang bị và tổ chức tốt như lần này. Đội quân của Mắc có nhiệm vụ đương đầu cuộc chạm trán đầu tiên với quân tiền vệ của Na-pô-lê-ông, và người ta đặt rất nhiều hy vọng lớn lao vào quân đội ấy. Cuộc chạm trán đầu tiên này quyết định nhiều vấn đề ở áo, Anh, Nga và trên toàn cõi châu Âu, người ta mong chờ thắng lợi của Mắc và cầm chắc thắng lợi vì không những các sư đoàn của Mắc đã được chuẩn bị chu đáo và hoàn chỉnh về mọi mặt, mà còn vì các thủ lĩnh khối liên minh cho là Na-pô-lê-ông sẽ không một lúc xuất toàn bộ quân ở trại Bu-lô-nhơ và Na-pô-lê-ông cũng sẽ không thúc toàn bộ lực lượng tiến gấp từ Bu-lô-nhơ về phía đông-nam; cho rằng dù Na-pô-lê-ông có làm như vậy chăng nữa - người ta nghĩ - thì ông ta cũng sẽ không có cách gì điều động và tập trung quân kịp đến nơi đã định được.
Khi tiến vào Ba-vi-e, Mắc biết chắc chắn sẽ phải chạm trán với hoàng đế Pháp ở đó. Trước cũng như sau Na-pô-lê-ông, sự trung lập của các nước thứ yếu đều chỉ có trên giấy tờ. Luôn luôn lâm vào tình trạng sợ hãi, vương hầu xứ Ba-vi-e dao động trước sự đe dọa của khối liên minh mạnh mẽ áo, Nga, do Anh cầm đầu, đang bắt vương hầu nhập khối và sự đe dọa của Na-pô-lê-ông, người cũng đang tìm cách biến vương hầu thành nước đồng minh của mình. Thoạt tiên, vương hầu ký một mật ước với quân liên minh, hứa hẹn giúp đỡ cho nước áo trong cuộc chiến tranh vừa mới bùng nổ, nhưng vài ngày sau, khi đã suy nghĩ kỹ, vương hầu cùng với gia đình và các thượng thư của mình trốn đến thành Vua-xbua, nơi mà một binh đoàn Pháp do tướng Béc-na-đốt chỉ huy đang tiến đến theo lệnh Na-pô-lê-ông, rồi ông ta cuốn gói sang hàng ngũ Na-pô-lê-ông.
Vương hầu xứ Vua-tem-be và đại công tước xứ Bát-đơ cũng trở mặt nhanh chóng như vậy. "Ngậm miệng lại, họ tạm thời bắt trái tim Đức của họ phải im hơi lặng tiếng", đó là những điều tủi nhục được nói lên ở trong các sách giáo khoa Đức in gần đây dùng trong các trường trung học. Để khen thưởng tinh thần kháng cự dũng cảm trước những yêu sách của trái tim Đức của họ, các vương hầu xứ Ba-vi-e và Vua-tem-be được Na-pô-lê-ông phong vương, cái danh hiệu mà con cháu họ còn hưởng mãi đến khi nổ ra cuộc cách mạng tháng 11 năm 1918; cũng hệt như hai vị vua mới mẻ kia, đại công tước xứ Bát-đơ được mở rộng bờ cõi trên lãnh thổ nước áo. Bọn họ còn xin tiền nhưng Na-pô-lê-ông đã từ chối.
Đường vào xứ Ba-vi-e bỏ ngỏ. Các thống chế nhận được lệnh hành quân cấp tốc hơn, và thế là từ khắp các ngả, đi không dừng không nghỉ, họ cùng tiến về phía sông Đa-nuýp. Theo lời một quan sát viên quân sự Phổ thì Béc-na-đốt, Đa-vu, Xun, Lan-nơ, Nây, Mác-mông, Ô-giơ-rô cùng với các quân đoàn trực thuộc, cũng như Muy-ra với đội kỵ binh của mình đã chấp hành những chỉ thị rành mạch của hoàng đế với mức độ chính xác như bộ máy đồng hồ. Chưa đầy ba tuần lễ, không đến 20 ngày, một đoàn quân to lớn đối với thời bấy giờ đã hành quân di chuyển từ biển Măng-sơ đến sông Đa-nuýp mà hầu như không có bệnh binh và người đi rớt lại sau. Trong nhiều định nghĩa của Na-pô-lê-ông về nghệ thuật chiến tranh, có lần Na-pô-lê-ông đã nói phải làm thế nào để quân đội "khi sinh hoạt thì phân tán và khi đánh thì tập trung". Các thống chế đã hành quân theo nhiều đường khác nhau do hoàng đế chỉ định từ trước, điều đó làm cho việc tiếp tế được thuận lợi, không bị ùn tắc lại ở dọc đường, và khi đến nơi, họ đã tập trung cả ở xung quanh thành Un-mơ, và tướng Mắc cùng với phần lớn quân đội áo như bị nhốt trong một cái túi.
Na-pô-lê-ông rời Pa-ri ngày 24 tháng 9, đến Xtơ-ra-xbua ngày 26, và đội quân của ông cũng đã tức khắc vượt sông Ranh lúc bắt đầu cuộc chiến tranh; khi qua Xtơ-ra-xbua, Na-pô-lê-ông đã tiến hành tổ chức biên chế quân đội lần cuối cùng, và tiện đây xin nói một chút.
Bộ đội tiến đánh nước áo được chính thức gọi là đại quân để phân biệt với các bộ đội dùng vào việc thành lập các đơn vị đồn trú hoặc các quân đoàn đóng giữ ở những vùng xa mặt trận. Đại quân gồm bảy quân đoàn đặt dưới sự chỉ huy của các tướng xuất sắc nhất, được cất nhắc lên hàng thống chế sau khi Na-pô-lê-ông làm lễ thụ phong hoàng đế.
Tổng quân số của bảy quân đoàn này lên tới 186.000 người. Mỗi quân đoàn đều có bộ binh, kỵ binh, pháo binh và tất cả các ngành hậu cần cần có trong một quân đội. Na-pô-lê-ông coi mỗi quân đoàn này như một tổ chức quân đội riêng biệt. Chủ lực quân của kỵ binh và pháo binh không phụ thuộc vào một thống chế nào và cũng không nằm trong biên chế một quân đoàn nào, mà tổ chức thành những đơn vị riêng biệt đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của hoàng đế: thí dụ như thống chế Muy-ra được Na-pô-lê-ông bổ nhiệm làm tổng chỉ huy kỵ binh gồm tới 44.000 người, nhưng cũng chỉ như người giúp việc, như phái viên liên lạc và chấp hành mệnh lệnh của Na-pô-lê-ông. Lúc cần thiết, Na-pô-lê-ông có thể tự ý dốc toàn bộ pháo binh và kỵ binh của mình đến ứng cứu cho một trong bảy quân đoàn.
Ngoài các quân đoàn và các đội dự bị của pháo binh và kỵ binh ra, còn có đội cận vệ của hoàng đế gồm 7.000 lính ưu tú (đây chỉ mới nói về năm 1805, sau này còn nhiều hơn nữa). Cận vệ binh gồm có các trung đoàn lính cận vệ và khinh kỵ binh hoặc khinh bộ binh, hai liên đội cảnh binh đi ngựa, một liên đội "Ma-mơ-lúc" tuyển mộ ở Ai Cập và sau hết là một "tiểu đoàn ý" vì Na-pô-lê-ông không những là hoàng đế nước Pháp mà còn là vua vùng bắc và trung ý đã bị Na-pô-lê-ông chinh phục. Thực ra trong "tiểu đoàn ý" ấy có nhiều người Pháp hơn là người ý. Người ta chỉ tuyển vào đội cận vệ ngự lâm những người xuất sắc đặc biệt. Họ được trả lương cao, được nuôi dưỡng đặc biệt, trang phục đẹp, đội mũ cao có lông và đóng sát ngay tổng hành dinh của hoàng đế. Bản thân Na-pô-lê-ông biết rõ đời sống và quá trình công tác của một số đông trong đội quân ấy.
Na-pô-lê-ông rất quan tâm đến việc sắp xếp cán bộ chỉ huy, ông không ngần ngại gì mà không cấp "bằng" tướng cho những người chưa đầy 40 tuổi. Cũng có một số mới 34 tuổi đã được phong thống chế. Dưới thời Na-pô-lê-ông, tuổi trẻ là một thuận lợi cho sự thăng cấp chứ không phải là một trở ngại như hết thảy mọi quân đội thời ấy, bất kể quân đội nước nào.
Kỷ luật do Na-pô-lê-ông đặt ra có một tính chất đặc biệt. Na-pô-lê-ông không cho dùng nhục hình trong quân đội. Toà án quân sự kết án tử hình hoặc đưa đi đày đối với những tội nặng, còn tội nhẹ chỉ kết án tù ở những nhà tù của quân đội.
Ngoài ra, còn có một tổ chức khác có quyền hành lớn, đó là toà án danh dự; tuy hội đồng này không được một luật lệ nào phê chuẩn nhưng với sự thừa nhận ngầm của Na-pô-lê-ông, nó cứ hoạt động trong toàn quân. Đây là chứng cớ về vấn đề ấy. Có hai người lính, mà tất cả đại đội đều không thấy họ có mặt trên chiến trường; nhưng sau đó, hai người này lại xuất hiện và trình bày lý do vắng mặt của họ. Cả đại đội cho rằng họ đã lẩn trốn vì hèn nhát và đã chọn trong binh lính lấy ngay ba người làm quan tòa. Cái tòa án ấy nghe tội phạm trình bày, kết họ án tử hình và xử bắn ngay lập tức. Các cấp chỉ huy đều biết cả nhưng không can thiệp và việc ấy đến đó cũng là xong. Không một sĩ quan nào được tham dự cuộc xét xử và cũng không được biết (ít ra thì cũng là không được chính thức biết) đến án tử hình đó.
Cái ông vua chuyên chế, đã tự phong cho mình chức hoàng đế cha truyền con nối và bắt giáo hoàng phải làm lễ thụ phong cho mình, qua việc cưới xin đã liên minh được từ năm 1810 với dòng họ đang trị vì nước áo, đã biết gây cho binh lính lòng tin rằng, trước đây cũng như bây giờ, họ là những người bảo vệ tổ quốc chống lại bọn Buốc-bông, chống lại sự can thiệp của nước ngoài và chính bản thân Na-pô-lê-ông cũng chỉ là người lính số 1 của nước Pháp... Thực ra, dưới mắt Na-pô-lê-ông, binh lính chỉ là những cái "mồi cho đại bác", Na-pô-lê-ông thường nói như vậy, nhưng binh lính tin tưởng và phụ tùng mù quáng Na-pô-lê-ông thì lại vẫn gán cho Na-pô-lê-ông những biệt hiệu suồng sã, bạn bè và thân thiết. Đối với họ, bạo chúa Xê-da, người mà châu Âu run sợ và các vị vua chúa cúi rạp mình xuống, chỉ là một người lính. Trong bọn họ với nhau, họ gọi Na-pô-lê-ông là "Chú cai nhỏ". "Chú bé đầu trọc".
Họ cũng tin vào câu nói của Na-pô-lê-ông: "Trong bao đạn của mỗi người lính đều có một chiếc gậy thống chế". Đấy không phải là một câu nói vô ích. Họ thích thú nhớ lại võ nghiệp của Muy-ra, Béc-na-đốt, Lơ-phe-vrơ đã bắt đầu bằng những cấp bậc nào, cũng như vô số những danh tướng quyền cao chức trọng khác hiện đang ở bên cạnh hoàng đế.
Na-pô-lê-ông hoàn toàn tin vào sĩ quan và binh lính của mình; nhưng đối với các tướng lĩnh và thống chế, không phải người nào cũng được Na-pô-lê-ông tin, có tin cũng không khỏi không có phần dè dặt. Về vai trò quân sự của các thống chế thì vấn đề là như thế này: Na-pô-lê-ông tập hợp quanh mình cả một loạt nhân vật xuất sắc về nghệ thuật chiến tranh, những người này đều chỉ có một điểm giống nhau: tuy trình độ khác nhau, ai cũng đều có nhận thức nhanh, nắm tình hình và hạ quyết tâm nhanh chóng, tài phán đoán nhạy bén của người lính tìm ra trong nháy mắt phương sách thoát khỏi một tình huống bế tắc, tinh thần ngoan cường chiến đấu khi cần thiết, và nhất là Na-pô-lê-ông tập cho họ đoán được ý định của mình khi chỉ nói nửa lời và sau đó tự họ thực hiện lấy. Tài chiến lược của Na-pô-lê-ông đã tạo cho các thống chế thành những người chấp hành hết sức chính xác ý định của mình mà không làm mất tính năng động độc lập của họ trên chiến trường. Một tay kiếm mù chữ và thật thà như Lơ-phe-vrơ, người quý phái lạnh lùng và nghiêm khắc như Đa-vu, người kỵ binh hăng hái như Muy-ra, nhà đồ bản và sĩ quan tham mưu có thiên tài như Béc-ti-ê, tất cả đều là những nhà binh pháp xuất chúng và đầy sáng tạo. Những nhân vật như Nay hay Lan-nơ, về phương diện ấy, cũng không thua kém gì Béc-na-đốt quỷ quyết và lo xa, Mát-xê-na làm việc có phương pháp, hoặc Mác-mông khô khan và thận trọng. Thật vậy, đối với họ, lòng dũng cảm cá nhân được coi là tuyệt đối cần thiết vì bản thân họ phải làm gương. Họ đã nêu tấm gương dũng cảm chiến đấu hết sức đặc biệt. Một lần, khi được người ta khen ngợi mình vì đã bao phen dũng cảm dẫn đầu kỵ binh làm nhiệm vụ, Lan-nơ đã thốt lên một cách buồn bực: "Một người kỵ binh mà chưa 30 tuổi chưa chết thì chưa phải là một người kỵ binh". Lúc đó Lan-nơ 34 tuổi, và hai năm sau, Lan-nơ bị một viên trái phá giết chết ở chiến trường. Lan-nơ không những là một người kỵ binh quả cảm mà còn là một tướng tài. Những người phù tá đã được Na-pô-lê-ông tuyển lựa và cất nhắc lên hàng đầu là những người như vậy.
Năm 1805, khi mở màn cuộc chiến tranh chống lại khối liên minh quân sự thứ ba, họ hãy còn gần đủ mặt. Chỉ thiếu Đơ-xe đã tử trận ở Ma-ren-gô. Một người nữa vắng mặt, người mà Na-pô-lê-ông coi trọng như những người khác: đó là Mo-rô bị phát vãng, đang sống ở châu Mỹ. Na-pô-lê-ông, với thiên tài rực rỡ của mình, đã đứng đầu một quân đội như vậy đó, và được giúp việc bởi những trợ thủ như vậy đó.
Quân đoàn của Xun và của Lan-nơ, cũng như vậy kỵ binh của Muy-ra đã vượt qua sông Đa-nuýp và bất ngờ đột kích vào sau lưng quân của Mắc. Thấy tình hình nguy khốn, một bộ phận quân áo chạy thoát được về phía đông, nhưng đại bộ phận bị Nây dồn vào Un-mơ. Xung quanh Mắc, vòng vây càng ngày càng siết chặt. Còn một khả năng là chạy trốn, nhưng viên tướng áo đã bị bọn gián điệp khôn khéo của Na-pô-lê-ông đánh lừa, nhất là vì Sun-mai-xte, kẻ lợi hại nhất bọn, quả quyết xin Mắc cố thủ và chẳng bao lâu nữa Na-pô-lê-ông sẽ phải bỏ vây vì ở Pa-ri đã nổ ra một cuộc chống lại Na-pô-lê-ông. Mắc nghe với mối nghi ngờ, tên gián điệp liền báo cho quân Pháp biết; người ta bèn cho in một số báo đặc biệt nói về cuộc nổi loạn bịa đặt ở Pa-ri. Sun-mai-xte mang tờ báo đó cho Mắc, Mắc đọc và yên tâm.
Ngày 15 tháng 10, thống chế Nây và Lan-nơ chiếm được các điểm cao xung quanh Un-mơ. Tình thế của Mắc trở lên tuyệt vọng. Na-pô-lê-ông cho người đến thương lượng đòi Mắc phải đầu hàng, bằng cách đe doạ sẽ không tha một ai nếu Na-pô-lê-ông buộc phải đánh vào. Ngày 20 tháng 10 năm 1805, Mắc giao vị trí Un-mơ cho Na-pô-lê-ông và bộ đội của Mắc còn nguyên vẹn đã đầu hàng với tất cả vũ khí và quân dụng, pháo binh và cả quân kỳ. Na-pô-lê-ông thả cho Mắc về, còn tù binh thì đưa về Pháp dùng vào việc khác nhau. ít lâu sau. Na-pô-lê-ông nhận được báo cáo là Muy-ra đã chặn đánh và bắt làm tù binh được hơn 8.000 người trong số những người đã may mắn rời bỏ Un-mơ trước khi đầu hàng.
Sau cuộc thất bại kinh khủng và nhục nhã ở Un-mơ, cuộc chiến tranh của khối liên minh quân sự thứ ba thế là đã thất bại, nhưng trong các bộ tham mưu áo và Nga chỉ có một vài người hiểu ngay được điều đó. Không nán lâu ở Un-mơ, Na-pô-lê-ông và các thống chế của ông tiến thẳng đến Viên, theo hữu ngạn sông Đa-nuýp. Trong lúc truy kích, quân Pháp còn bắt được thêm rất nhiều tù binh. Số tù binh bắt được trong các trận trước khi thành Un-mơ thất thủ lên tới 29.000 người. Cộng với số 32.000 bị bắt ở Un-mơ, số tổn thất của quân áo lên tới 61.000 người, chưa kể số bị chết, bị thương nặng không sa vào tay địch và số mất tích.
Trong bản thông báo những kết quả đầu tiên của chiến dịch này cho binh lính, Na-pô-lê-ông đã nói: "200 khẩu pháo cùng với tất cả các kho tàng đạn dược khí tài kỹ thuật, 90 lá cờ, toàn bộ tướng lĩnh của quân thù đã nằm trong tay chúng ta. Cả cái đội quân ấy không thoát nổi 15.000 tên".
Quân Pháp tiến rất nhanh đến Viên. Nhưng ngày 11 tháng 11, bộ đội của Cu-tu-dốp cũng đột kích vào quân đoàn của Moóc-chi-ê gần Đu-ren-xtai, bên bờ tả ngạn sông Đa-nuýp và đã giáng cho Moóc-chi-ê một trận liểng xiểng. Ngày 13 tháng 11, có kỵ binh của Muy-ra đi trước dẫn đường và cận vệ hộ tống, Na-pô-lê-ông tiến vào Viên và chọn hoàng cung Sơn-brun làm bản doanh. Trước khi vội vã bỏ chạy khỏi thủ đô, hoàng đế Phran-xoa nước áo đã gửi cho Na-pô-lê-ông đề nghị đình chiến, nhưng Na-pô-lê-ông không chấp nhận.
Tất cả hy vọng của khối liên minh từ nay chỉ còn trông vào quân đội Nga và Nga hoàng, nhưng chính bản thân Nga hoàng thì lại đặt hy vọng của mình vào sự gia nhập liên minh của nước Phổ. Không bao lâu nữa, tất cả những hy vọng này sẽ tan như mây khói.

<< Chương 8-Phần 1 | Chương 8-Phần 3 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 483

Return to top