Kể từ khi Liên rời khỏi Họa Mi Trang này, tôi có sang bên Gió Hú một lần, nhưng không gặp nàng. Khi tôi hỏi thăm về nàng, Dọi - tay vẫn giữ cánh cửa không muốn cho tôi vào - bảo: “Bà Tôn đi vắng. Ông chủ cũng đi vắng.” Dị cho tôi biết một vài điều về nếp sống của mọi người trong gia đình, nếu không thì tôi cũng khó lòng biết ai còn sống, ai đã chết.
Qua lời lẽ của Dị tôi biết Dị không ưa Liên, cho nàng là kiêu kỳ. Khi Liên mới đến Trại, cô tôi có nhờ Dị giúp một vài việc nhưng Hy bảo Dị cứ làm việc của mình, để mặc cô con dâu của hắn tự lo liệu lấy. Dị vốn tính ích kỷ và nông nổi nên nghe lời ngay. Không được săn sóc, Liên tỏ ra bất mãn một cách trẻ con. Nàng không dấu lòng khinh rẻ Dị và xếp Dị về phía kẻ thù không đội trời chung như thể Dị đã phạm một lỗi lớn đối với nàng. Cách đây mới sáu tuần lễ, tức là trước khi ông đến đây mấy hôm, nhân một bữa gặp nhau trên cánh đồng cỏ, tôi có dịp nói chuyện khá lâu với Dị. Chị ta kể tôi nghe như sau:
“Hôm mới bước chân vào Trại Gió Hú, việc làm đầu tiên của bà Tôn là chạy thẳng lên gác, chẳng thèm chào hỏi lão Dọi và tôi lấy một câu. Bà ta vào phòng Tôn, đóng cửa lại và ở lỳ trong đó tới sáng. Rồi trong lúc ông chủ và Hạ đương ngồi ăn sáng bà ấy chạy vào, người run quýnh lên, hỏi ai có thể mời bác sĩ giúp bà không vì Tôn đau nặng.
Ông chủ Hy tôi đáp:
‘Biết rồi! Nhưng cái mạng của nó không đáng một đồng xu. Tôi cũng không tiêu phí một đồng xu cho nó.’
Bà Tôn nói:
‘Nhưng tôi biết làm sao bây giờ? Không ai giúp tôi thì Tôn chết mất.’
Ông chủ nạt lớn:
‘Cút ngay! Tôi không muốn nghe ai nhắc đến nó nữa! Ở đây không ai hơi đâu bận tâm đến nó. Nếu cô quan tâm thì cô tự săn sóc lấy. Bằng không thì cứ nhốt nó lại mặc xác nó.’
Bà ta quay ra rầy rà tôi. Tôi đáp là tôi đã khổ về cậu ấy lắm rồi. Mỗi người mỗi việc: việc của bà ta là săn sóc Tôn và ông Hy đã ra lệnh cho tôi để mặc bà ta làm việc ấy.
Họ đã xoay sở với nhau ra sao, tôi chả biết sao mà nói. Tôi chắc cậu quấy quá ghê lắm, cậu rên rẩm suốt ngày đêm. Bà Tôn thì ít được nghỉ ngơi: cứ trông cái vẻ mặt xanh mướt và đôi mắt nặng chịch thì đủ biết. Thỉnh thoảng bà ta vào nhà bếp, ngơ ngơ ngác ngác, có vẻ như muốn cầu xin sự giúp đỡ. Nhưng tôi đâu có dám trái lời ông chủ dặn. Chưa bao giờ tôi dám trái lời ông ấy, bà Diễn ạ! Tôi biết không cho mời ông đốc tờ Kiên là sái, nhưng tôi là cái quái gì mà dám cho ý kiến, mà than vãn để người ta nghe thấy. Tôi chả dại gì mà dính vào chuyện thiên hạ. Có một hai lần sau khi mọi người đi ngủ cả rồi tôi tình cờ mở cửa ra thì thấy bà Tôn ngồi ở đầu cầu thang khóc, tôi quay về phòng ngay. Tôi sợ bị mủi lòng mà lôi cuốn vào chuyện riêng của bà ấy. Thực tình, những lúc đó tôi nghĩ cũng thương bà ta nhưng dại gì để mất chỗ làm, nói thế chắc bà hiểu.
Rồi một đêm bà Tôn chạy xộc vào phòng tôi, nói làm tôi hoảng hồn:
‘Chị đi báo ngay cho ông Hy biết con trai ông ấy sắp chết... lần này thì chắc chắn. Chị dậy báo tin ngay đi...’
Nói xong bà ta biến mất. Tôi nằm nghe ngóng đến mười lăm phút, người cứ sợ run lên. Nhưng chẳng thấy một tiếng động nào cả, suốt nhà im lặng như tờ.
Tôi nghĩ bụng: Chắc bà ấy lầm. Tôn hết cơn đau rồi. Chẳng cần mất công làm rộn mọi người . Tôi đương thiu thiu ngủ lại thì một tiếng chuông giật mạnh làm tôi tỉnh giấc... cái chuông duy nhất trong nhà dành riêng cho Tôn dùng khi khẩn cấp. Ông chủ gọi tôi, bảo lên coi xem có chuyện gì và bảo chúng nó biết là ông không muốn tiếng ồn ấy được lập lại.
Tôi báo cho ông Hy biết việc Liên nhờ tôi báo tin. Ông chửi thề. Mấy phút sau ông cầm cây đèn nến đi lên phòng họ. Tôi theo sau.
Bà Tôn ngồi cạnh giường, tay khoanh trên đầu gối. Ông chủ tiến vào đưa ngọn nến soi mặt Tôn bắt mạch rồi quay sang bà hỏi:
‘Sao? Cô thấy sao?’
Không có tiếng trả lời. Ông nhắc lại:
‘Cô cảm thấy sao, Liên!’
Bà Tôn nói:
‘Tôn chết rồi. Tôi được tự do. Lẽ ra tôi phải cảm thấy dễ chịu...nhưng (Liên nói tiếp với vẻ chua chát) ông đã bỏ tôi một mình chống chọi với cái chết lâu quá nên tôi chỉ thấy những chết là chết. Tôi cảm thấy mình như người chết rồi!’
Nom bà ta cũng có vẻ như chết rồi thật! Tôi rót cho bà ít rượu. Hạ và Dọi, nghe tiếng chuông và tiếng chân nhộn nhịp cũng đều thức giấc và sau khi nghe chuyện đối đáp trong phòng cũng kéo nhau vào. Thằng bé chết, Dọi không có vẻ buồn, vui là khác, tôi đoán thế. Hạ thì hơi bối rối một chút, tuy nhiên hắn mải giương mắt nhìn Liên hơn là nghĩ tới Tôn. Ông chủ bảo Hạ về phòng ngủ, không ai cần đến hắn. Rồi ông bảo lão Dọi đem xác Tôn qua phòng lão, đuổi tôi ra, thế là chỉ còn bà Tôn một mình trong phòng.
Sáng hôm sau, ông chủ sai tôi kêu bà ấy xuống ăn sáng... Mợ đã cởi quần áo, có vẻ như sắp đi ngủ và nói là bà ta đang ốm. Tôi không ngạc nhiên, xuống nói lại cho ông Hy biết thì ông ấy bảo:
‘Thôi. Mặc nó cho đến khi đưa đám xong. Thỉnh thoảng chị lên mang cho nó những thức cần dùng. Khi nào thấy nó kha khá nhớ cho tôi biết.’
Theo lời Dị nói thì Liên ở lỳ trên lầu đến hai tuần lễ. Mỗi ngày Dị lên thăm nàng hai lần. Dị tỏ ra thân thiện với nàng hơn, nhưng ý muốn làm thân của Dị đều bị nàng khước từ một cách cao ngạo.
Một lần Hy lên lầu, đưa nàng xem bản chúc thư của Tôn. Nó di tặng cho cha nó tất cả những gì nó có, kể cả những bất động sản của Liên. Thằng bé đáng thương đã bị đe dọa hoặc bị dỗ dành làm chuyện đó trong thời gian Liên vắng mặt một tuần khi bác nó chết. Còn về đất đai, vì Tôn còn là vị thành niên nên không được quyền xử dụng. Nhưng ông Hy đã đòi giữ các phần đất ấy theo quyền thừa hưởng của vợ ông cũng như của chính ông một cách hợp pháp, tôi chắc thế. Dẫu sao, Liên vì không bè bạn không tiền bạc nên không thể tranh giành tài sản với hắn được.
Dị kể rằng:
“Ngoại trừ có một lần ấy, còn ngoài tôi ra không một ai tới cửa phòng bà ta bao giờ... cũng chẳng ai hỏi han gì bà. Lần đầu tiên bà ấy xuống nhà là một buổi trưa chủ nhật.
Khi tôi mang bữa trưa lên thì bà Tôn kêu lạnh không chịu nổi. Tôi báo cho bà ấy biết là ông chủ đang sửa soạn sang bên Họa Mi Trang, còn Hạ và tôi thì đâu có cấm bà ấy xuống nhà dưới. Vừa nghe tiếng vó ngựa của ông chủ là bà ta xuống ngay, mặc toàn đồ đen, tóc chải vén mang tai vuốt ra sau gáy nom rất giản dị vì bà ấy không biết cách chải bồng.
Ngày chủ nhật Dọi và tôi thường đi lễ. Dọi đã đi trước nhưng hôm ấy tôi nghĩ tốt hơn nên ở nhà. Hạ tuy nhút nhát thật nhưng hắn không phải là mẫu người lịch sự, cần phải có người lớn trông chừng.
Tôi bảo hắn biết là cô em họ có lẽ sắp xuống nhà dưới, bà ấy rất coi trọng ngày của Chúa vậy hắn không nên rớ tới súng đạn trước mặt bà ta. Nghe thấy thế, hắn đỏ mặt lên, đưa mắt nhìn lại bàn tay và quần áo mình. Dầu nhớt và thuốc súng được chùi sạch trong giây phút. Tôi thấy hắn có ý đánh bạn với bà Liên và xem điệu bộ, tôi đoán hắn định ăn mặc cho ra vẻ một chút. Tôi vừa phì cười - có ông chủ ở nhà tôi đâu dám cười thế - vừa bảo tôi sẵn sàng giúp hắn một tay, nếu hắn muốn. Tôi bông đùa giễu hắn vì thấy hắn quýnh quáng quá. Không ngờ hắn xa xầm nét mặt lại và lẩm bẩm chửi thề.”
Dị thấy tôi không thích cái lối bông đùa của chị ta, mới nói:
“Bà Diễn ạ, chắc có lẽ bà coi cô chủ quá cao sang đối với Hạ. Có thể bà có lý. Nhưng thú thực là tôi lại muốn hạ bớt cái thói kiêu căng của bà ta xuống một bậc. Thử hỏi tất cả những cái học vấn và vẻ thanh nhã của bà ta phỏng giúp được gì cho bà ấy? Bây giờ bà ấy cũng nghèo như bà và tôi, nghèo hơn là đằng khác, tôi dám cá như vậy. Bà còn để dành dụm được, còn tôi cũng bỏ ống từng xu nhỏ...”
Hạ để cho Dị giúp ăn mặc cho tề chỉnh. Chị ta lại tâng bốc anh chàng khiến anh chàng khoái. Khi Liên tới - theo lời Dị kể - chàng quên gần hết những lời chửi bới nàng hôm trước và cố làm đẹp lòng nàng.
Dị nói, “Bà ta đi vào, mặt lạnh như tiền và cao ngạo như bà chúa. Tôi đứng dậy nhường ghế cho bà ấy ngồi. Nhưng bà không thèm để ý đến phép lịch sự của tôi, vênh mặt lên quay nhìn chỗ khác. Hạ cũng đứng dậy, mời bà ấy đến chiếc ghế dài ngồi gần lò sưởi vì hắn tin là bà ta đương rét cóng.
Bà ấy gằn từng tiếng đáp lại một cách mỉa mai:
‘Tôi đã rét cóng từ hơn một tháng trời rồi.’
Rồi bà ta tự nhấc một chiếc ghế ngồi cách xa hai đứa chúng tôi. Ngồi một lúc cho ấm rồi bà đưa mắt nhìn xung quanh và thấy mấy quyển sách trên tủ chén. Thế là bà ta đứng ngay dậy kiễng chân lên lấy nhưng không với tới vì cao quá. Thằng anh họ ngồi nhìn bà loay hoay một hồi mới thu hết can đảm đứng lên lấy giúp. Bà ta túm vạt áo mình lên hứng, hắn vớ được cuốn nào lại bỏ vào đấy.
Đó là bước đầu có lợi lớn cho thằng nhỏ... Tuy bà Liên không nói cám ơn, nhưng Hạ thấy sung sướng được bà nhận sự giúp đỡ của mình và hắn còn dạn dĩ đứng sau lưng bà trong lúc bà đọc sách. Hắn cúi xuống chỉ trỏ mấy chỗ vẽ hắn thấy khoái trong mấy bức tranh. Bà ấy giật trang sách không để ngón tay của hắn chạm vào. Hắn không tỏ vẻ khó chịu, chỉ khẽ lùi người một chút và ngó bà ta thay vì ngó sách. Trong lúc bà mải đọc hắn cứ ngắm mãi những lọn tóc dầy và xoăn của bà ta, rồi như một đứa con nít nhìn mãi vào ngọn lửa và bị thôi miên, hắn bắt đầu rờ rẫm trong vô thức. Hắn đưa bàn tay vuốt ve lọn tóc một cách nhẹ nhàng như vuốt ve một con chim. Bà ta bỗng giật mình quay phắt lại, hoảng hốt như thể vừa bị hắn đâm một nhát dao vào cổ.
‘Cút ngay! Sao dám đụng vào tôi? Đứng đực mặt ra đấy à? (Bà ta la lên, giọng khinh bỉ). Anh làm tôi khó chịu. Nếu anh còn tới gần tôi, tôi sẽ bỏ ngay lên gác!’
Hạ, dáng điệu ngờ nghệch, lùi lại. Hắn ngồi xuống ghế, nín khe; còn bà ta thì tiếp tục lật các trang sách đến nửa giờ đồng hồ nữa. Sau cùng, Hạ bước lại phía tôi, nói khẽ:
‘Chị nói cô ấy đọc to lên cho tụi mình nghe đi, chị Dị. Ngồi không tôi chán lắm... tôi thích... thích nghe cô ấy đọc. Nhưng chị đừng nói là tôi thích nhé. Chị làm như chị thích ấy...’
Tôi nói ngay:
‘Thưa mợ, cậu Hạ muốn xin mợ đọc chuyện cho chúng tôi nghe. Cậu ấy sẽ... sẽ cám ơn mợ lắm.’
Bà ta cau mày, ngước lên nói:
‘Anh Hạ, và tất cả mấy người ở đây, xin mấy người nhớ rằng tôi không ưa mấy người săn sóc tôi. Mấy người chỉ giả nhân giả nghĩa thôi. Tôi khinh mấy người. Tôi không muốn nói chuyện với mấy người. Trong khi tôi hy sinh cả một đời để đổi lấy một lời âu yếm của một người trong bọn các ngươi thì tất cả các ngươi đều xa lánh tôi. Nhưng tôi chả phàn nàn với các người làm gì! Tôi chỉ vì lạnh cóng nên mới phải ra khỏi phòng. Tôi không xuống đây để làm trò giải trí cũng không phải để bầu bạn với mấy người.’
Hạ mở miệng nói:
‘Tôi làm gì cơ chứ? Sao lại mắng tôi?’
‘Ừ! Anh là một ngoại lệ. Anh có ân cần với tôi cũng bằng thừa. Tôi đâu cần!’
Hạ đáp:
‘Đã nhiều lần tôi tình nguyện... tôi xin... xin ông Hy để tôi được thức thay cô...’
‘Im đi! Nếu không im tôi ra khỏi phòng này ngay. Tôi đi đâu không cần biết miễn là đi khuất mắt để khỏi phải nghe cái giọng khó chịu của anh.’
Hạ làu nhàu nguyền rủa ma quỷ bắt bà ta đi. Rồi hắn đứng lên, bất kể ngày của Chúa kiêng sát sinh, hắn nhấc cây súng ở trên tường xuống. Bà Liên định rút lui vào phòng riêng và nằm lỳ trong đó, nhưng khốn nỗi trời bắt đầu đổ mưa tuyết lạnh giá khiến bà ta dù kiêu ngạo cũng đành phải ở với bọn tôi ngày một lâu hơn.
Để bà ta khỏi khinh rẻ tôi, tôi luôn luôn tỏ ra cứng cỏi không thua bà ta. Chả ai ở bên đó thương bà, với lại, bà ta cũng chả đáng được ai thương. Hễ ai nói động một tiếng là bà ta quặu cọ chả nể nang ai. Bà ta chửi cả ông chủ, dám thách ông chủ đánh bà. Càng bị đánh đau bà ta càng nanh nổ.”
Thoạt đầu, nghe Dị kể, tôi đã tính bỏ việc, kiếm một ngôi nhà nhỏ và tìm cách đưa Liên về ở với tôi. Nhưng nếu Hy cho phép tôi làm thế thì có khác nào hắn gây dựng cho Hạ ở một căn nhà riêng. Bây giờ tôi thấy chỉ có một cách giải quyết là đưa nàng sang ngang, một dự tính mà tôi không đủ khả năng để thực hiện.
*
Câu chuyện của bác Diễn kể đến đây là kết thúc.
Trái với lời bác sĩ, tôi lại sức rất nhanh. Tuy mới trung tuần tháng giêng tôi đã có ý định một hai ngày nữa cưỡi ngựa đến Gió Hú báo cho chủ nhà biết tôi sắp về Luân Đôn ở sáu tháng tới và nếu tiện, sau tháng mười, ông ta có thể tìm một khách thuê khác. Không có gì bắt buộc tôi phải ở đây thêm một mùa đông nữa.
Chương XXXI Hôm qua trời trong, êm và lạnh, theo đúng ý định tôi đến Đỉnh Gió Hú. Bà Diễn yêu cầu tôi đem một bức thư cho cô chủ của bác. Tôi không từ chối.
Cửa trước bỏ ngỏ nhưng cây chắn ngang thì khóa lại cẩn thận. Tôi gọi cửa và ra hiệu cho Hạ - lúc ấy đang làm vườn - kéo cây chắn lên. Tôi thúc ngựa vào. Hạ quả là một anh chàng nhà quê đẹp trai hiếm thấy. Lần này tôi ngắm Hạ thật kỹ. Gã dường như đã cố làm cho mình nom tươm tất hơn.
Tôi hỏi ông Hy có nhà không? Anh chàng đáp không, nhưng tới bữa ăn ông ấy sẽ về. Lúc ấy là mười một giờ, tôi ngỏ ý muốn ngồi đợi trong nhà. Nghe thế anh ta liền quẳng ngay đồ làm vườn xuống đi theo tôi với vẻ mặt như một con chó giữ nhà hơn là có ý thay mặt chủ nhân đi vắng.
Chúng tôi cùng vào. Liên đương bận làm rau. Nàng có vẻ buồn và ít linh hoạt hơn lần trước tôi gặp. Nàng chỉ hơi ngước mắt nhìn tôi rồi lại tiếp tục công việc, vẫn bất chấp phép lịch sự như lần trước không chào hỏi cũng không có lấy một cử chỉ nào đáp lễ.
Tôi nghĩ bụng: “Nàng không có vẻ dễ thương như ý bà Diễn muốn ngỏ cho mình biết. Đẹp thì có đẹp, đó là cái chắc, nhưng nàng không phải thiên thần.”
Chàng Hạ nói xẵng bảo nàng đem rau vào bếp. “Anh đi mà dọn lấy!” nàng nói. Vừa làm xong là nàng đẩy mọi thứ về phía Hạ, ra ngồi trên chiếc ghế đẩu bên cửa sổ. Nàng lấy ra những mẩu củ cải thừa đựng trong vạt áo đem cắt thành hình những con chim. Giả vờ như để ngắm cảnh vườn, tôi lại gần nàng và lén bỏ bức thư của bà Diễn vào lòng cô ta không để Hạ trông thấy. Tưởng làm thế là khôn khéo lắm nào ngờ cô ta hất bức thư ra lớn tiếng hỏi: “Cái gì thế này?”
Tôi chán quá vì nàng đã vô ý không biết tôi làm thế là để giúp nàng, lại còn oang oang lên hết cả kín đáo. Tôi lại sợ người ta nghi chính tôi là tác gỉa bức thư đó nên vội nói:
“Một bức thư của người quen cũ của cô, làm quản gia ở Họa Mi Trang."
Nghe nói vậy, nàng nhặt mảnh giấy lên, nhưng Hạ đã nhanh tay hơn. Anh ta nhặt ngay lấy bỏ túi và nói phải đưa cho ông Hy coi trước. Thế là Liên chẳng nói chẳng rằng xoay lưng về phía chúng tôi, lén rút khăn tay lên chậm mắt. Còn gã anh họ nàng sau một hồi chống trả với lương tâm bèn rút bức thư trong túi ra quẳng xuống đất bên cạnh nàng một cách hậm hực. Liên vội vồ lấy thư đọc ngấu nghiến. Sau đó nàng hỏi thăm tôi vài câu về người nọ người kia bên Họa Mi Trang. Nhìn ra rặng đồi phía xa nàng nói lẩm bẩm:
“Ước gì mình được cưỡi con Minh Nhi phóng xuống sườn đồi kia! Ước gì mình được trèo lên ngọn đồi kia! Ôi! Tôi mệt mỏi... Tôi chán ngán vô cùng..."
Nàng ngả đầu vào thành cửa sổ, nửa như ngáp nửa như thở dài, đắm mình trong nỗi buồn xa vắng như không còn thiết đến chuyện gì ở xung quanh.
Sau một lúc ngồi im, tôi lên tiếng:
“Thưa bà Tôn, thưa cô, chắc cô không thể nào ngờ là tôi đã quen biết cô. Biết một cách hết sức thân thiết đến nỗi tôi lấy làm lạ vì sao cô lại không nói với tôi vài câu. Bà Diễn đã nói với tôi rất nhiều về cô và ca tụng cô hết lời. Bà ấy sẽ thất vọng ghê lắm nếu tôi về không đem một chút tin tức hay thư từ gì của cô, mà chỉ nói là cô đã nhận thư mà chả nói một câu nào."
Nàng có vẻ ngỡ ngàng nghe tôi nói như vậy. Nàng hỏi:
“Vú Diễn có thích ông không?”
Tôi đáp ngay:
“Có... có chứ."
“Nhờ ông nói lại là tôi rất muốn trả lời thư của bà ấy nhưng tôi chả có tí giấy bút nào để viết cả, thậm chí không có lấy một quyển sách để tôi có thể xé ra một tờ để viết.
Tôi kêu lên:
“Không có lấy một quyển sách? Nếu cô không cho tôi là quá tò mò, thử hỏi làm sao mà cô có thế sống được ở đây mà không có sách đọc? Như tôi đây này tuy ở Họa Mi Trang có cả một tủ sách lớn thế mà tôi còn vẫn thấy buồn. Nếu lấy hết sách đi chắc là tôi buồn chết đi được."
“Có sách thì tôi đọc không ngừng. Nhưng ông Hy không bao giờ đọc sách. Vì vậy đầu óc của ông ta chỉ nghĩ đến việc tiêu hủy sách. Từ nhiều tuần nay rồi tôi không nhìn thấy một cuốn sách nào. Chỉ có một lần tôi lục đống sách thần học của Dọi. Lão ta bực lắm. Và một lần nữa, Hạ này, tôi tóm được một mớ anh dấu trong phòng... mấy cuốn sách tiếng La Tinh và Hy Lạp, một số truyện và thơ - tất cả đều là sách quý của tôi - tôi đem từ Họa Mi Trang qua, và anh đã vơ vét chỉ để thỏa cái tính thích ăn trộm của anh. Chúng có giúp ích gì được cho anh đâu? Hay là anh đã dấu đi cho bõ tức: mình không đọc được thì cũng không thèm cho người khác đọc! Mà chưa biết chừng cũng vì đố kỵ mà anh đã xúi ông Hy lấy hết kho sách quý của tôi. Có phải thế không? Nhưng tôi đố mấy người chiếm được kho sách của tôi! Nó đã nằm ở trong đầu tôi, nó đã in vào óc tôi!”
Bị lật tẩy, anh chàng Hạ ngượng nghịu, mặt đỏ như gấc, lắp bắp chối bay chối biến. Tôi tìm cách nói gỡ cho gã:
“Cậu Hạ đây muốn học hỏi cho rộng thêm kiến thức. Không phải vì cậu ấy đố kỵ đâu mà chỉ vì muốn ganh đua kiến thức với cô đấy."
Liên đáp:
“Và trong lúc chờ đợi, anh ấy muốn tôi trở thành một đứa ngu si! Vâng, tôi có nghe anh chàng cố đánh vần và đọc một mình. Anh ta đọc trật lất nghe buồn cười lắm. Này, anh thử đọc lại đoạn hôm qua xem... thật kỳ cục... Tôi thấy anh giở tự điển tra nghĩa chữ khó rồi chửi thề vì không đọc được lời giải thích trong tự điển..."
Hiển nhiên là anh chàng đau lòng thấy mình bị chê là dốt. Lại càng đau hơn nữa bị chế nhạo vì cái tội muốn gột rửa cái dốt của mình. Tôi chia sẻ với anh ta nỗi đau đó và chợt nhớ lại câu chuyện bác Diễn kể về lần đầu tiên anh ta cố gắng vượt ra khỏi cảnh ngu tối mà anh bị giam hãm từ khi còn nhỏ. Tôi nói:
“Nhưng, thưa cô, chúng ta ai ai cũng phải chập chững bước đầu. Ai ai cũng phải xẩy chân, phải ngã xiêu ngã vượn ở ngưỡng cửa. Nếu các thầy giáo cô giáo thay vì nâng đỡ lại khinh miệt chúng ta, thì chắc chắn chúng ta sẽ còn xẩy ngã không biết bao nhiêu lần nữa."
“Ô! Tôi đâu có muốn cản trở anh ấy học hỏi. Nhưng anh ấy không có quyền chiếm hữu sách vở của tôi làm của riêng rồi đem ra đọc một cách sai lạc và lố bịch. Những sách đó chứa đựng nhiều kỷ niệm nên đối với tôi rất là thiêng liêng. Tôi rất bực mình thấy chúng bị ô uế trong lỗ miệng anh ta! Hơn nữa anh chàng lại cứ nhè đúng những bài tôi thích nhất để đọc đi đọc lại, y như thể hắn có dụng tâm chọc tức tôi vậy!”
Trong một lúc lâu, Hạ yên lặng, ngực phập phồng. Chàng ta bị sỉ nhục nặng và tức giận cực điểm, lòng xúc động mạnh khó lòng có thể dẹp xuống dễ dàng. Tôi đứng lên, lại bực cửa ngắm phong cảnh với nhã ý tránh cho anh chàng khỏi bị bối rối. Hắn cũng đứng lên theo, ra khỏi phòng, nhưng rồi quay lại ngay, tay ôm đến nửa tá sách. Hắn vứt lên đùi Liên, nói:
“Đây. Giữ lấy! Từ nay tôi không bao giờ muốn nghe đến, đọc đến hay nghĩ đến sách vở nữa!”
Cô ả đáp:
“Bây giờ thì tôi không thèm nữa! Tôi ghét những quyển sách này vì anh đã làm nhơ bẩn rồi."
Nàng mở một cuốn. Cứ trông cũng biết cuốn sách ấy thường được lật mở từng trang. Nàng đọc một đoạn, giọng ê a như người mới tập đọc. Rồi cô ả cười rộ lên, quăng sách đi và nói tiếp, giọng khiêu khích: “Nghe đây nữa!” Rồi cũng vẫn cái giọng ê a ấy cô ả ngâm một bài ca cổ.
Lòng tự ái không cho phép Hạ chịu đựng hơn nữa. Tôi nghe thấy - mà không hoàn toàn phản đối - một tiếng tát bốp vào cái miệng hỗn xược của cô ả. Cô gái quái ác ấy đã xúc phạm nặng nề người anh họ kém học thức nhưng dễ xúc cảm kia và cách tranh luận bằng tay chân là cách duy nhất mà anh ta có thể dùng để làm câm miệng con người gây sự.
Hạ vơ mấy cuốn sách quăng vào lửa. Tôi đọc được trên nét mặt Hạ nỗi đau khổ vô bờ mà hắn phải hy sinh cho mối hờn uất của mình... Tôi hình dung trong lúc những cuốn sách ấy cháy rụi anh ta nhớ lại niềm vui chúng đã mang đến, cái thú vị mỗi lúc một tăng lên mà hắn tiên liệu sẽ được hưởng, cái cố gắng dùi mài học hỏi một cách giấu diếm... Từ trước đến nay hắn vẫn an phận với công việc cực nhọc hàng ngày với những thú vui thô lỗ của một gã nông dân. Cho tới khi Liên xuất hiện trên con đường đời của mình. Từ cái nhục nhã bị nàng khinh miệt, từ niềm hy vọng được nàng tán thưởng, chàng ta đã nẩy ra ý tưởng cầu tiến và những khát vọng cao xa hơn. Nhưng thay vì được khen ngợi khuyến khích, hắn chỉ nhận được sự khinh thị, thành thử tất cả cố gắng cầu tiến của hắn chỉ đem đến những kết quả hoàn toàn trái ngược.
“Phải, cái đồ vũ phu như anh thì chỉ học được trong sách mỗi cái cách đó thôi!”
Liên la lên, liếm chỗ môi bị vả, nhìn đống sách cháy bằng đôi mắt phẫn nộ.
Hạ cáu kỉnh đáp:
“Cô nên câm ngay mồm đi."
Hắn tức quá, không nói thêm được câu nào, vùng vằng đi ra cửa. Tôi tránh lối cho hắn đi qua. Nhưng khi hắn sắp bước qua ngưỡng cửa thì đụng ông Hy ở dưới thềm bước lên. Ông ta đặt tay lên vai hắn, hỏi:
“Kìa, có chuyện gì thế?”
“Không có gì hết."
Và anh chàng lỉnh ra một chỗ vắng để nuốt hận tiêu sầu. Hy nhìn theo, thở dài. Không biết có tôi đứng đằng sau, ông ta lẩm bẩm:
“Kể cũng lạ thật. Mình lại tự làm hỏng kế hoạch của mình. Nhưng khi mình cố tình tìm xem trên khuôn mặt nó có nét gì giống cha nó không, thì mình chỉ thấy nó giống nàng, mỗi ngày một giống hơn! Quỷ thiệt, sao giống thế? Thấy nó là mình không chịu nổi!”
Ông Hy cúi gầm xuống bước vào nhà, mặt lộ vẻ bồn chồn lo âu mà trước kia tôi không hề nom thấy. Người ông trông cũng có vẻ gầy đi.
Cô nàng dâu nhìn qua cửa sổ thấy ông ta vội lánh ngay vào bếp, thành thử trong phòng chỉ còn mình tôi. Đáp lời tôi chào hỏi, ông ta nói:
“Thấy ông ra khỏi nhà được tôi cũng mừng, ông Lộc ạ. Một phần cũng do lòng ích kỷ. Tôi không dễ dàng tìm được người thay thế ông ở cái nơi khỉ ho cò gáy này. Đã nhiều lần tôi tự hỏi không biết cái gì đã dẫn ông tới đây."
“Thưa ông, có lẽ cái bản tính bất thường nó xúi tôi đến đây, và lại cũng lại chính cái tính đó nó xúi tôi đi. Tuần tới tôi đi Luân Đôn rồi. Tôi đến để báo ông biết tôi không có ý định ở Họa Mi Trang quá mười hai tháng như tôi đã thuê. Tôi chắc là mình sẽ không còn ở đây nữa."
“Ồ! Thực vậy sao? Chắc ông đã chán bị đầy xa nơi đô hội chứ gì? Nhưng nếu ông đến để xin trừ bớt tiền nhà những tháng ông không ở thì ông đã phí công rồi đấy. Không bao giờ tôi lại bỏ qua, không bắt người có nợ phải trả tôi sòng phẳng, bất kể người ấy là ai."
Tôi bất bình, lớn tiếng đáp:
“Tôi đến đây không phải để xin bớt tiền như ông tưởng. Nếu ông muốn, tôi xin thanh toán ngay."
Nói rồi, tôi rút ví tiền trong túi ra. Hy lạnh lùng đáp:
“Không, không. Ông đặt cọc nhiều mà, đủ để bảo đảm số nợ của ông nếu ông không trở lại.... Tôi không gấp đâu... Mời ông ngồi và dùng cơm với chúng tôi... một vị khách mà chủ nhà biết chắc sẽ không trở lại thường được tiếp đãi nồng hậu... Liên! Dọn bàn đi! Đi đâu rồi?”
Liên ra dọn bàn. Hy khẽ bảo riêng nàng:
“Cô ăn cơm trong bếp với Dọi và ở luôn trong đó cho đến khi khách đi khỏi, nghe không?”
Nàng làm đúng y lời Hy. Ngồi một bên là ông Hy dữ dằn và lầm lỳ, một bên là Hạ, câm như ngậm hột thị, tôi ăn không lấy gì làm ngon và cáo từ về sớm. Tôi định đi ra bằng ngã sau để được nhìn Liên lần chót và để chọc tức lão Dọi chơi, nhưng Hạ đươc lệnh giắt ngựa của tôi ra và chủ nhà thì đích thân tiễn tôi ra tận cửa nên tôi không thực hiện được ý định.
Vừa cưỡi ngựa xuống dốc tôi vừa nghĩ bụng: “Trời! Trong cái nhà này sao người ta lại sống cuộc đời buồn não đến thế... Giả dụ - như bà vú của nàng mong ước - Liên và mình có duyên với nhau và hai người lấy nhau về chung sống nơi đô hội nhộn nhịp thì đó thực là một chuyện tình thơ mộng còn đẹp hơn cả chuyện thần tiên!”