Bác Diễn kể tiếp: Sau cái thời gian sầu thảm đó tôi được hưởng luôn mười hai năm sung sướng nhất đời tôi. Tôi chỉ lo buồn mỗi khi con bé trái nắng trở trời. Được cái mới sáu tháng mà cô bé đã lớn như thổi. Trước khi cỏ mọc xanh lần thứ nhì trên mộ mợ Kha thì bé Liên đã biết đi và bập bẹ nói chuyện được rồi.
Cả nhà ai cũng yêu Liên nhất, cô bé đã đem lại không khí vui tươi cho một gia đình đương suy sụp. Liên xinh thật là xinh. Cô bé có đôi mắt đen lánh to đẹp của giòng họ Yên, làn da trắng mịn, nét mặt thanh tú và làn tóc vàng xoăn của họ Tôn. Tính Liên linh hoạt mà không dữ dằn, lại thêm tâm hồn đa cảm rất dễ thương. Tình quyến luyến của Liên làm tôi nhớ mẹ cô hết sức, tuy cô không giống mẹ vì Liên hiền dịu như một con chim bồ câu, giọng nói thật êm và vẻ mặt trầm tư. Liên giận nhưng không bao giờ nổi cáu, yêu nhưng không bao giờ cuồng nhiệt; tình yêu của Liên đằm thắm xâu xa.
Dẫu sao phải nhận rằng Liên có những thói xấu làm hỏng mất nết tốt trời cho: đó là tính vô lễ và ương ngạnh mà các đứa trẻ, dù tốt nết hay trái tính, nếu được nuông chiều quá đều trước sau gì cũng mắc phải. Nếu một người đầy tớ lỡ làm cô phật ý bao giờ cô cũng nói: “Tôi sẽ mách ba cho mà xem!” Và nếu cậu Kha quở trách hay chỉ lườm cô một cái thôi thì ôi thôi, cả một chuyện bi ai! Tôi chắc chẳng bao giờ Kha nói nặng một lời với con gái.
Cậu Kha hoàn toàn tự dậy dỗ Liên và lấy đó làm thú vui. Rất may là tính tò mò và trí thông minh đã khiến Liên trở thành một học trò giỏi. Cô ấy học nhanh và chăm, bõ công cậu dậy dỗ.
Cho đến năm mười ba tuổi Liên không bao giờ tự ý đi ra khỏi vòng rào trại một lần nào. Năm thì mười họa, cậu Kha mới dẫn cô ra khỏi nhà độ một hai cây số. Không bao giờ cậu ấy tin và giao Liên cho ai. Đối với Liên, Diên Mễ Tôn chỉ là cái tên tưởng tượng. Ngoài nhà ở ra, nơi duy nhất cô ra vào là nhà thờ. Liên không biết đến cả trại Gió Hú và ông Hy nữa. Cô bé sống cấm cung hoàn toàn và hiển nhiên là được thỏa mãn mọi điều.
Có lần, đứng ở cửa buồng nhìn ra phong cảnh bên ngoài, Liên hỏi tôi:
“Vú Diễn ơi, bao giờ em mới được lên đỉnh những quả đồi kia? Không biết ở phía bên kia có gì nhỉ? Có phải là biển không vú?”
“Không phải đâu, phía bên kia cũng là đồi như phía bên này thôi.”
Lần khác Liên hỏi:
“Khi mình đứng ở dưới thì những tảng đá vàng vàng kia nó giống cái gì nhỉ?”
Cái sườn dốc hiểm trở của dẫy núi đá Băng Thạch Nham đã đặc biệt lôi cuốn sự chú ý của cô bé, nhất là khi mặt trời xế tà rọi lấp lánh vào đó, vào những đỉnh cao nhất, trong khi toàn cảnh ở bên cạnh chìm trong bóng dâm.
Tôi giải thích rằng đó chỉ là những tảng đá trần trụi, trong khe chỉ có một chút xíu đất đủ nuôi sống một thân cây cằn cỗi. Liên lại hỏi:
“Thế tại sao nhà mình ở đây chiều tối rồi mà ở đó vẫn còn sáng lâu như vậy?”
“Vì ở đấy cao hơn chỗ mình ở nhiều. Cô không thể nào trèo tới đó được đâu vì nó cao và dốc kinh khủng. Mùa đông ở đó bao giờ cũng đóng băng sớm hơn chỗ chúng ta; và gần giữa mùa hè rồi mà ở phía đông bắc tôi vẫn còn thấy tuyết đóng ở dưới cái hốc đen kia.”
Liên hớn hở reo lên:
“Ồ, thế ra vú đã đến đó rồi! Vậy lớn lên em cũng có thể đến đó được chứ! Ba em đã đến đó chưa, hả vú Diễn?”
Tôi vội nói:
“Cô hỏi ba thì biết, ở đó chả có gì đáng xem cả. Cánh đồng cỏ cô đã đi với ba còn đẹp hơn nhiều và khắp thế giới chẳng đâu đẹp bằng Họa Mi Trang này!”
Liên nói lẩm bẩm: “Nhưng trại này mình biết rồi còn chỗ kia thì chưa. Nếu mình được đứng ở cái đỉnh núi cao nhất kia nhìn ra khắp xung quanh thì thú vị biết mấy. Thế nào rồi cũng có ngày con Minh Nhi đưa mình đến đó.”
Có lần một chị người làm nói ở đó có động tiên càng làm cho cô bé Liên thêm khao khát. Liên tán tỉnh xin bố đưa đi. Kha hứa bao giờ Liên lớn ông sẽ dẫn đi, còn bé Liên thì tính tuổi từng tháng một. Cô nhắc luôn miệng: “Con bây giờ lớn rồi, có thể đi Băng Thạch Nham được rồi, ba?”
Đường đi đến đó chạy vòng sát qua trại Gió Hú nên Kha không thích đi qua, ông chỉ biết trả lời Liên: “Chưa được đâu, cưng, chưa được đâu.”
Tôi đã nói mợ Hy, tức là cô Sa, sau khi ly thân với chồng, sống được khoảng mười hai mười ba năm gì đó. Gia đình mợ người nào cũng yếu; mợ và cậu Kha, cả hai đều không được khỏe mạnh hồng hào như những người ông thường gặp ở đây. Tôi không biết rõ trước khi mất mợ ốm đau ra sao, nhưng tôi đoán chừng cả hai anh em đều chết vì một bệnh giống nhau, một bệnh sốt ban đầu chậm phát nhưng không chữa được rồi làm người ta chết nhanh chóng.
Mợ Hy viết thư cho anh, báo tin kết quả bốn tháng đau yếu và năn nỉ anh, nếu có thể, đến gặp mợ ấy vì cần phải giải quyết nhiều việc. Mợ Hy muốn được cáo biệt anh lần cuối cùng và gửi gấm đứa con trai là Tôn cho anh nuôi nấng. Mợ ấy mong Tôn ở với cậu Kha như đã ở với mẹ nó, vì bố của Tôn, mợ tin chắc là không muốn đeo cái của nợ phải nuôi nấng và dậy dỗ ấy. Không chút lưỡng lự cậu Kha lập tức làm theo theo lời mợ Hy. Bình thường cậu vốn ngại phải đi xa nhà là thế, mà bây giờ nghe tin, cậu hối hả đi ngay, giao cho tôi việc coi sóc Liên. Cậu cẩn thận dặn đi dặn lại trong thời gian cậu vắng nhà không được để Liên đi lang thang khỏi trại, cho dù có tôi đi kèm cũng không được. Cậu không tính đến nước nó tự lẻn đi lấy một mình.
Kha đi vắng ba tuần lễ. Một hai hôm đầu, Liên ngồi lì trong phòng sách, mặt buồn thiu chẳng thiết đọc sách cũng chẳng buồn chơi. Trong tình trạng như vậy Liên đỡ làm phiền tôi. Vì bận quá, vả hồi đó cũng có tuổi rồi tôi không thể chạy lên chạy xuống bầy trò giải trí cho cô, tôi mới nghĩ ra một cách để Liên có thể tự tiêu khiển lấy một mình.
Tôi bảo Liên đi chơi quanh vườn, lúc thì đi bộ, lúc thì cỡi ngựa, rồi khi cô bé về tôi phải chiều lòng chịu khó nghe cô kể lể những cuộc phiêu lưu có thực hay là tưởng tượng của cô ấy.
Trời hè nắng chói chang, thế mà Liên cũng quen chân đi chơi như vậy một mình và thường tìm cớ để đi suốt từ sau bữa ăn sáng cho tới bữa trà trưa, rồi chiều đến kể không biết bao nhiêu chuyện vẩn vơ hão huyền. Tôi không sợ Liên “phá rào” ra khỏi trại vì cổng ngõ đều khóa chặt, vả tôi tin rằng cho dẫu cổng ngõ có mở toang ra, Liên cũng không dám “đơn thương độc mã” mạo hiểm đi xa một mình.
Thật không may, lòng tin của tôi đặt không đúng chỗ. Một bữa, mới tám giờ sáng, Liên đã tìm tôi nói là hôm ấy có một nhà buôn Ả-Rập sắp đưa một đoàn xe hàng qua sa mạc và tôi phải cung cấp nhiều thực phẩm cho Liên và đàn tùy tùng gồm một con ngựa và ba con chó săn đóng giả làm ba con lạc đà.
Tôi sắp một giỏ đầy thức ăn ngon đeo vào một bên ngựa. Liên mừng nhẩy lên vui như tiên, mặt ẩn trong chiếc mũ rộng vành và tấm mạng tơ mỏng che nắng tháng bẩy, vừa cười khanh khách vừa thúc ngựa đi, giả đò như không nghe thấy lời tôi căn dặn đừng phóng ngựa nhanh và nhớ về sớm.
Đến bữa trà rồi mà không thấy mặt cô bé nghịch ngợm đâu, chỉ có mỗi con chó săn già là trở về, còn Liên cùng con ngựa và hai con chó kia thì không thấy tăm đâu. Tôi cắt người đi tìm hết đường này đường nọ và sau cùng tôi phải đi kiếm lấy.
Thấy một chú thợ đang làm việc ở hàng rào một nông trại, tôi đến hỏi xem có thấy cô bé đâu không, chú ta đáp:
“Sáng nay tôi có thấy cô ấy. Cô ấy bảo tôi chặt dùm một cái roi rồi thúc ngựa nhẩy qua hàng rào ở đằng kia, chỗ thấp nhất, phóng đi mất hút.
Ông có thể tưởng tượng được không, nghe tin ấy tôi không còn hồn vía nào nữa vì biết ngay là Liên đã đi Băng Thạch Nham. Tôi la hoảng lên: “Chết tôi rồi!” rồi vội chui qua lỗ rào hổng chú thợ đương sửa và đi thẳng tuốt lên đường núi. Tôi đi như chạy, hết cây số này đến cây số khác, cho đến một khúc rẽ có thể nhìn thấy Đỉnh Gió-Hú nhưng vẫn không thấy tăm hơi cô bé đâu cả.
Băng Thạch Nham nằm cách trại ông Hy khoảng hơn hai cây số và cách Họa Mi Trang hơn sáu cây, nên tôi bắt đầu lo đêm xuống rồi mà tôi chưa tới nơi.
Tôi nghĩ dại nếu bé Liên trượt chân lăn xuống chết hay gẫy vài cái xương thì sao đây? Điều lo ngại này khiến tôi khổ sở hết sức. Khi tôi chạy vội tới Gió Hú, thấy con Lu là con chó săn dữ nhất nhà đang nằm dưới cửa sổ, đầu nó sưng u, tai rướm máu, tôi mới được yên tâm đôi chút. Tôi mở cửa ngách vào sân, chạy vội tới đập cửa rầm rầm. Một chị người làm mà tôi quen - trước đây có ở Diên Mễ Tôn - ra mở cửa. Chị ta nói:
“À, Chị đến kiếm cô bé hả? Đừng lo! Cô ấy không sao hết. Cũng may mà ông chủ không có nhà.”
Tôi mệt thở gần muốn dứt hơi, phần vì đi hối hả phần vì hoảng sợ:
“Ông ấy đi vắng à?”
“Vâng, cả ông chủ lẫn bác Dọi đều đi khỏi. Chắc còn lâu mới về. Chị vào đây nghỉ chút đã.”
Tôi bước vào nhà và thấy ngay con cừu lạc của tôi đang ngồi đu đưa trên chiếc ghế xích đu mà hồi xưa mẹ nó khi còn bé vẫn hay ngồi. Mũ treo trên vách, trông Liên tự nhiên như ở nhà, vừa cười vừa đấu hót với Hạ, bây giờ đã là một thiếu niên mười tám to lớn lực lưỡng, đang ngó Liên chăm chăm, vẻ mặt tò mò và ngạc nhiên hiểu lõm bõm những nhận xét và câu hỏi liến thoắng của Liên.
Tôi giấu nỗi mừng, làm mặt giận, kêu lên:
“Cô giỏi nhỉ? Đây là lần cuối tôi để cô cỡi ngựa đi chơi cho đến ngày ba cô về. Tôi sẽ không cho cô bước qua ngưỡng cửa lần nữa đâu. Đồ hư đốn!”
Liên hớn hở, nhẩy lên chạy đến bên tôi, reo:
“A ha, vú Diễn! Tối nay em có một chuyện rất hay kể cho vú nghe. Thế là vú đã tìm ra em trước. Vú đã đến đây bao giờ chưa?”
Tôi nói:
“Mời cô đội mũ vào và về ngay lập tức! Tôi rầu muốn chết vì cô đấy, cô Liên, cô làm thế này bậy hết sức. ầ, bây giờ cô bĩu môi, cô khóc cũng vô ích, không bù với cái khổ của tôi chạy khắp mọi nơi để tìm cô. Cứ nghĩ đến lời ba cô giao phó cho tôi giữ cô ở nhà như thế nào, ấy thế mà cô lén ra đi như thế này, đủ chứng tỏ cô là con ranh ma, chả ai tin được cô nữa."
Bị mắng, Liên nức nở:
“Em làm gì cơ chứ? Ba không bắt lỗi em bao giờ hết, ba sẽ không mắng em đâu, vú Diễn. Ba không ngăn cấm em như vú bao giờ!”
Tôi nói:
“Thôi, lại đây, lại đây! Để tôi thắt nơ lại cho cô nào! Ô kìa, xấu hổ chưa. Mười ba tuổi đầu rồi đâu còn con nít nữa."
Tôi nói vậy vì Liên hất cái mũ ra và lùi khỏi tầm tay tôi. Chị người làm nói:
“Thôi đừng, chị Diễn, đừng ép cô ấy quá. Chính tụi này đã giữ cô ấy lại, chớ cô bé định về ngay vì sợ chị lo đấy. Hạ đã tính đưa cô ấy về rồi. Nghĩ cũng phải vì tôi thấy trên đồi đường đi vắng vẻ lắm."
Trong lúc đó Hạ, hai tay thủ túi, ngượng ngùng không nói câu nào. Trông cậu ta có vẻ không ưa sự quấy rầy của tôi. Mặc kệ chị người làm can thiệp, tôi nói:
“Mười phút nữa trời tối rồi, tôi phải đợi tới bao giờ nữa đây? Ngựa đâu, cô Liên? Còn con chó Phốc nữa? Cô mà không mau mau lên, tôi bỏ mặc cô đấy để cô tự lo liệu!”
Liên đáp:
“Ngựa ở trong sân, còn con Phốc thì nhốt ở kia. Nó bị cắn. Cả con Lu nữa. Em sắp kể vú nghe nhưng vú nóng quá em không thèm kể đâu."
Tôi cầm lấy mũ của Liên tính đội lên đầu cô bé nhưng Liên thấy mọi người đứng về phe mình liền nhẩy quanh phòng, trèo lên chui xuống gầm bàn ghế để chạy trốn như một con chuột khiến tôi phải đuổi theo một cách lố bịch. Hạ và chị người làm rũ ra cười. Liên cũng cười theo họ và xấc xược khiến tôi phát cáu, hét lên:
“Này cô Liên, nếu cô biết nhà này là nhà ai thì chắc cô sẽ sung sướng ra khỏi đây ngay lập tức!”
Liên quay sang hỏi Hạ:
“Nhà này của ba anh phải không?”
“Không."
Hạ vừa đáp vừa cúi gầm mặt xuống, hai má đỏ lên vì ngượng. Cậu ta không đương nổi cái nhìn chăm chăm của Liên mặc dù đôi mắt cô giống hệt mắt Hạ.
Liên hỏi tiếp:
“Vậy của ai, chủ anh phải không?”
Mặt Hạ đỏ thêm nhưng không phải vì ngượng mà vì tức. Anh chàng văng một câu chửi thề rồi quay đi chỗ khác.
Liên vẫn không chịu thôi, năn nỉ tôi:
“Chủ của Hạ là ai, vú? Em tưởng Hạ là con chủ nhà vì anh ấy nói ‘nhà của chúng tôi’. Còn nếu Hạ là người làm thì Hạ phải nói ‘thưa cô’ với em chứ? Có phải không?”
Nghe câu hỏi ngây thơ ấy mặt Hạ xạm lại. Tôi khẽ lắc đầu ra hiệu cho Liên rồi sau cùng cũng bảo được Liên về. Quen như vẫn sai bảo mấy người nuôi ngựa ở Họa Mi Trang, Liên nói trống không:
“Thôi, ra giắt ngựa lại đây cho tôi. Anh có thể đi với tôi. Tôi muốn đi xem mấy con yêu tinh hiện trong đầm và nghe chuyện mấy cô tiên mà anh vừa kể. Mau lên kìa! Sao? Tôi đã bảo anh giắt ngựa lại đây mà!”
Hạ càu nhàu:
“Đợi đấy, chừng nào tôi thấy quỷ tha cô đi tôi sẽ làm đầy tớ cho cô.
Liên ngạc nhiên:
“Anh nói thấy cái gì?”
“Cái đếch! Đồ quỷ cái hỗn láo!”
Tôi xen vào:
“Đấy cô thấy chưa! Bạn quý của cô đấy! Ăn nói với một tiểu thư bằng những lời đẹp đẽ nhỉ! Cô đừng nói chuyện với nó nữa. Cô theo tôi, mình đi tìm ngựa rồi về đi."
Liên ngẩn mặt ra, nói:
“Nhưng vú Diễn, sao nó dám hỗn với em như vậy? Nó không phải là người để em sai bảo à? Hứ, cái đồ mất dậy, em sẽ mách ba cho mà xem!”
Thấy Hạ tỏ vẻ xem thường lời đe dọa đó, con bé ức quá đến ứa nước mắt, bèn quay lại bảo chị người làm:
“Chị giắt con ngựa ra cho tôi và thả con chó ra nữa!”
Chị ấy đáp:
“Cô đừng nóng. Cô lịch sự một tí có mất gì đâu. Tuy cậu Hạ đây không phải là con ông chủ thật, nhưng cậu ấy là anh họ cô. Còn tôi, tôi không được mướn để hầu hạ cô."
Liên bĩu môi:
“Nó mà là anh họ tôi!”
“Vâng, sự thật là như vậy."
Liên lúng túng:
“Kìa, vú Diễn! Vú đừng để mấy người này nói những chuyện như thế. Ba em đi Luân Đôn đón em họ của em về, em họ em là con nhà quý phái, còn người này...."
Liên bỏ giở câu nói, òa khóc. Cô ta bực mình vì bị gán họ hàng với một tên quê mùa như anh chàng Hạ. Tôi khẽ bảo:
“Ấy kìa! Một người có thể có nhiều anh chị em họ và có đủ loại anh chị em họ. Cô Liên, cô chả nên lấy thế làm phiền. Có điều là đừng giao du với những người xấu làm mình khó chịu, thế thôi."
Liên lăn vào vòng tay tôi, nói:
“Không, nó đâu phải là anh họ em."
Tôi bực mình cả Liên lẫn chị người làm đã tiết lộ những điều không nên nói. Tôi chắc chắn là tin bé Tôn sắp được đón về Họa-Mi Trang do Liên nói ra sẽ được kể lại với ông Hy. Còn Liên thì ý nghĩ đầu tiên, tôi chắc thế, khi cậu Kha về là hỏi bố cho ra lẽ về chuyện họ hàng thân thích với cái tên thô tục kia, có đúng như lời quả quyết của chị người làm không?”
Sau khi nguôi giận vì bị gán lầm là đầy tớ, Hạ thấy Liên buồn thì tỏ vẻ xúc động. Cậu ta giắt con ngựa đi vòng ra cửa rồi ẵm từ trong chuồng ra một con chó săn nhỏ xinh đẹp, vừa giúi nó vào tay Liên để làm lành vừa dỗ Liên nín đi. Cô ngừng khóc nhưng sau khi nhìn khắp người Hạ với cặp mắt kinh sợ và ghê tởm cô lại òa lên lần nữa.
Tôi phải cố nén mới khỏi mỉm cười thấy Liên có thái độ ác cảm với anh chàng Hạ tội nghiệp này. Cậu ta trông lực lưỡng, khỏe mạnh, đẹp trai là đằng khác, chỉ phải quần áo lam lũ quá vì công việc hàng ngày ở nông trại và lê la nơi đồng hoang để bắt thỏ hoặc các thú săn khác. Ngoài ra, trông tướng Hạ, tôi thấy cậu có nhiều đức tính hơn bố. Như những hạt giống tốt bị chìm khuất trong đám cỏ hoang mọc tùm lum không phát triển được, những đức tính ấy nếu gặp hoàn cảnh thuận lợi sẽ sinh sôi nẩy nở. Tôi tin là về thể xác, ông Hy không hành hạ cậu ta vì tính Hạ gan lì không dễ ai áp bức nổi. Hạ cũng không nhút nhát, dễ hờn giận để ông Hy có khoái cảm trong việc ngược đãi cậu. Ông Hy đành phải biến Hạ thành con vật để thỏa lòng thù hận của mình. Hạ không bao giờ được học đọc, học viết; không bao giờ bị trách mắng vì một thói xấu nếu thói đó không làm ông Hy khó chịu. Ông Hy cũng không hề dậy dỗ Hạ để Hạ có được một đức tính hay tránh một tật xấu cho nên người.
Theo lời người ta kể lại với tôi thì bác Dọi vì đầu óc thiên vị, hẹp hòi đã nịnh nọt chiều chuộng Hạ như một đứa con nít vì Hạ là con trưởng của gia đình chủ cũ của bác, thành thử Hạ càng hư hỏng thêm nhiều. Hơn nữa vì bác Dọi thường kết tội Liên và Hy, khi còn nhỏ, đã “chọc giận” khiến chủ cũ của bác uất ức phải lấy rượu giải khuây, nên bây giờ bác trút tất cả gánh nặng về thói hư tật xấu của Hạ lên vai kẻ đã chiếm đoạt tài sản Hạ. Hạ có chửi rủa văng tục, hay có gì lầm lỗi, bác cũng mặc. Hơn thế bác lại còn có vẻ thích thú nhìn thấy Hạ ngày càng hư đốn. Bác để cho cậu ta lụn bại, cho linh hồn cậu sa đọa vì bác cho như vậy là ông Hy phải chịu trách nhiệm. Máu của Hạ cần phải nhuốm tay Hy, bác cứ nghĩ như vậy và lấy thế làm an ủi.
Bác Dọi nhồi vào óc Hạ cái tính tự cao tự đại về dòng dõi và tên tuổi của mình; có thể bác còn dám gây cho Hạ và chủ nhân hiện thời của trại Gió Hú thù ghét nhau nữa, nhưng bác lại sợ ông chủ này như sợ quỷ thần nên chỉ dám nói bóng nói gió hay lẩm bẩm hăm dọa ngầm mà thôi.
Vì tôi rất ít thấy tận mắt nên tôi không dám bảo là mình hiểu rõ nếp sống hàng ngày trong Đỉnh Gió Hú. Tôi chỉ nhắc lại những lời đồn đãi. Người trong xóm quả quyết rằng ông Hy đối đãi với tá điền rất bủn xỉn, độc ác và nghiêm khắc. Nhưng ở trong trại thì lấy được vẻ sung túc xưa, những cảnh lộn xộn thường xẩy ra hồi ông Hạnh còn sinh thời nay không còn nữa. Ông chủ trại quá khinh người không muốn giao du với bất cứ ai, cho dẫu người ta tốt hay xấu cũng mặc; dẫu sao thì ông chủ...
Nhưng thôi, chuyện nói ra cũng chẳng đi đến đâu. Cô Liên không chịu nhận con chó săn, không chịu làm lành với Hạ. Cô đòi con chó của mình, con Lu và con Phốc. Hai con khập khễnh đi tới, đầu cúi gầm xuống. Chúng tôi sửa soạn đi về. Người và chó đều buồn thiu như nhau.
Tôi không sao moi hết được chuyện cô bé đã làm gì suốt ngày hôm đó, trừ một vài điều. Như tôi dự đoán, mục đích cuộc đi chơi của cô là để tới Băng Thạch Nham. Khi cô tới cổng trại Gió Hú thì đúng lúc Hạ tình cờ đi ra, theo sau là một bầy mấy con chó. Bọn này tấn công đàn tùy tùng của cô. Hai bên cắn nhau dữ dội trước khi chủ nhân của chúng tách được chúng ra khỏi nhau. Thế là Liên và Hạ quen nhau. Liên nói cho Hạ biết mình là ai, định đi đâu và nhờ Hạ chỉ đường cho rồi sau đó rủ Hạ cùng đi.
Hạ dẫn Liên đi coi những cái huyền bí của Động Tiên và nhiều nơi kỳ lạ khác, nhưng vì tôi đương giận nên chẳng thiết nghe Liên kể những điều lý thú mà cô nàng được xem.
Dẫu sao tôi thấy Liên cũng có vẻ khoái Hạ, ít ra là cho đến lúc cô ta ám chỉ Hạ là đầy tớ và chị người làm nhà ông Hy bảo Liên là em họ của Hạ khiến cả hai người đều mích lòng. Rồi lời ăn tiếng nói của Hạ đã khiến lòng cô bé bị tổn thương: từ bé đến lớn, Liên luôn luôn được hết thẩy mọi người trong Họa Mi Trang chiều chuộng, kêu là “cưng”, là “bà hoàng”, là “cô tiên”, thế mà bây giờ lại bị một người lạ xỉ vả thô bỉ. Ngoài ra, Liên vì không hiểu ngọn ngành câu chuyện bên Gió Hú nên tôi phải mất công mãi cô nàng mới chịu hứa là sẽ không kể lại chuyện này cho cha nghe.
Tôi giải thích cho Liên biết là cha cô hết sức phản đối cái nếp sống bên trại Gió Hú và nếu cậu biết con gái mình đến đó ông sẽ buồn rầu hết sức. Nhưng tôi nhấn mạnh ở điểm này: nếu Liên nói hở cho cha biết tôi đã lơ là không trông nom Liên đúng theo lệnh của ông thì chắc ông sẽ nổi giận đến mức có thể đuổi tôi đi. Liên hứa sẽ giữ lời - vì tôi mà giữ lời - vì không thể chịu đựng nổi cái viễn cảnh ấy. Nói tóm lại Liên là một thiếu nữ dễ thương.
Chương XIX Một bức thư viền đen báo cho chúng tôi biết ngày cậu chủ tôi trở về. Sa đã chết. Cậu Kha dặn tôi thu xếp cho con gái để tang và dọn một buồng đầy đủ tiện nghi cho cháu cậu.
Liên nghe tin cha cô sắp về, cô mừng nhẩy nhót như điên; cô nuôi những hy vọng lạc quan nhất về cậu em họ “thực” của cô, chắc chắn phải có rất nhiều điểm hay đẹp không chê vào đâu được.
Rồi cái buổi chiều ngày cậu Kha đem cháu về đã tới. Ngay từ sáng sớm Liên đã giục sắp sẵn quần áo cho cô. Và bây giờ, trong chiếc áo dài đen mới - tội nghiệp cô bé, cái chết của người cô chẳng gây cho nó một nỗi buồn thương nào - cô không ngừng kèo nèo bắt tôi đi cùng qua mấy bãi cỏ xuống đón cha cô và Tôn. Dưới bóng hàng cây dâm mát Liên nói líu lo luôn miệng trong khi chúng tôi thong thả đi qua những mô đất và rãnh nước trơn rêu.
“Tôn thua em nửa tuổi. Có nó làm bạn thích quá! Cô Sa lúc trước có gửi cho ba một lọn tóc của nó, màu lợt hơn màu tóc em, đẹp ghê. Tóc nó vàng, mượt, không thua gì tóc em. Em giữ cẩn thật trong một cái hộp kính nhỏ và em thường mơ có ngày được gặp người có lọn tóc ấy sẽ thú vị biết chừng nào... ờ, em thích quá... và cả ba nữa, ba yêu của em... Này, vú Diễn, mình chạy đi, chạy đi nào!”
Liên tung tăng chạy tới chạy lui trong khi tôi cứ thủng thẳng bước tới cổng. Cô ngồi xuống chờ trên bờ cỏ cạnh con đường mòn nhưng nào cô bé nào có thể ngồi yên được, cô sốt ruột kêu lên:
“Sao mãi không thấy ba về nhỉ. A, kia rồi, em thấy trên đường có bụi mù lên kìa... chắc ba sắp về tới nơi…nhưng mà, không phải!... Bao giờ ba với Tôn mới về? Hay là mình đi thêm một quãng nữa đi... độ hơn nửa cây số nữa thôi, vú Diễn. Vú ừ đi, chỉ nửa cây số thôi, đến đám cây phong ở chỗ rẽ ấy."
Tôi nhất định không đi. Mãi rồi Liên cũng chịu ngồi yên... đã thấy bóng chiếc xe ở đằng xa. Vừa thấy mặt bố ló ra ngoài cửa xe, Liên đã la lên, tay dang phía trước. Cậu Kha xuống xe, vẻ bồn chồn không thua con gái. Trong một lúc lâu hai bố con ôm chặt lấy nhau tưởng như thế giới không còn một ai khác.
Trong lúc ấy tôi nhìn vào xe kiếm Tôn. Cậu bé, ủ trong chiếc áo ấm lông cừu như thể đang giữa mùa đông, ngủ vùi trong góc xe. Trông nó xanh xao yếu đuối như con gái. Nó giống cậu Kha như tạc. Người ta có thể lầm nó là em út của cậu chủ tôi, chỉ khác ở cái vẻ buồn rầu bệnh hoạn mà Kha không bao giờ có.
Cậu Kha thấy tôi nhìn nó, cậu chào tôi và bảo tôi đừng đụng đến Tôn vì nó đi đường xa còn mệt. Khi hai bố con đi tới bậc tam cấp, Kha bảo con gái:
“Này cưng, em họ con không được vui và khỏe như con đâu. Nó không thể chơi đùa với con ngay và con đừng quấy rầy nó quá. Con nên nhớ là mẹ nó vừa mới mất mấy hôm nay. Con hãy để nó nghỉ ngơi chiều nay, được không?”
Liên vội đáp:
“Dạ, dạ, thưa ba được ạ. Nhưng con muốn xem mặt nó, nó chưa nhìn ra ngoài xe mà."
Cỗ xe ngừng bánh, cậu Kha đánh thức thằng bé dậy, nhấc nó xuống đất. Cậu cầm hai tay đứa trẻ đặt vào nhau và nói:
“Cháu Tôn, đây là chị Liên của cháu. Tuy chưa gặp cháu mà Liên đã mến cháu rồi. Cháu nhớ đêm nay cháu đừng có khóc làm chị buồn. Cháu ráng vui lên, bây giờ mình hết phải đi nữa rồi, cháu khỏi phải làm gì cả, cứ việc ăn chơi nghỉ ngơi cho thỏa thích.
Cậu bé thấy Liên chào thì lùi lại, giơ tay quệt nước mắt, đáp:
“Vậy thì cho cháu đi ngủ thôi."
Tôi dắt Tôn vào nhà, khẽ nói với nó:
“Nào lại đây, chú bé ngoan. Đừng làm vậy, chị Liên cũng khóc theo bây giờ... Nhìn xem chị ấy buồn vì thương chú biết là chừng nào."
Tôi không biết có phải Liên buồn vì thương Liên thật không, nhưng mặt cô bé trông cũng thiểu não như Tôn. Cô quay lại phía cha và cả ba bước vào nhà, lên phòng sách có bầy sẵn tiệc trà.
Tôi cởi áo và bỏ mũ cho Tôn rồi đặt chú bé ngồi lên ghế, nhưng chưa kịp đặt đít thì chú ta lại òa lên khóc nữa. Cậu Kha hỏi, chú nức nở đáp:
“Cháu không muốn ngồi ghế."
Kha kiên nhẫn nói:
“Vậy cháu ra nằm ghế dài kia. Vú Diễn sẽ bưng nước trà lại cho cháu."
Tôi nghĩ bụng: “Quả là một thách thức lớn đối với cậu Kha phải cáng đáng trông nom thằng bé đau ốm vòi quấy ấy trong suốt cuộc hành trình dài vất vả.”
Tôn uể oải lê bước tới chiếc ghế dài nằm xuống. Liên nhấc một chiếc ghế đẩu thấp và đem tách trà của cô lại ngồi cạnh Tôn.
Liên lúc đầu ngồi im. Nhưng chỉ lát sau cô bé bắt đầu táy máy nựng nịu chú em họ. Cô bắt đầu vuốt tóc và hôn lên má nó. Cô còn đổ nước trà ra đĩa cho nó uống như một đứa con nít. Thằng bé lấy thế làm khoái, nó lau khô nước mắt, mỉm cười gượng gạo.
Kha nhìn hai đứa trẻ, bảo tôi:
“À, nó sẽ quen ngay ấy mà. Giá mình được nuôi được nó thì còn gì bằng. Một khi nó có được đứa trẻ cùng tuổi làm bầu bạn, nó sẽ nhiễm tinh thần mới, và rồi nó sẽ khỏe mạnh."
“Nếu mình giữ được nó ở đây.” Tôi lẩm bẩm nói thế và ngờ rằng ít có hy vọng được như vậy. Lòng tôi bất giác buồn buồn nghĩ tới cái cảnh thằng bé yếu đuối kia phải sống bên trại Gió Hú, giữa cha nó và Hạ. Họ sẽ dậy dỗ nó ra sao?”
Sớm hơn tôi dự đoán điều lo ngại của chúng tôi trở thành sự thực. Sau bữa trà, tôi dẫn hai đứa trẻ lên lầu và dỗ cho Tôn ngủ. Vì Tôn không chịu cho tôi rời chỗ nên tôi phải đợi nó ngủ rồi mới đi xuống nhà dưới. Khi tôi đang đứng cạnh bàn ngoài phòng lớn thắp ngọn nến để đem vào buồng ngủ cho cậu Kha thì một chị người làm ở trong bếp đi ra báo cho biết có người nhà ông Hy là bác Dọi đang đứng đợi ngoài cửa, muốn xin vào thưa chuyện cùng ông chủ.
Tôi run bắn người lên, nói:
“Để tôi ra hỏi xem việc gì đã. Giờ này mà còn đến quấy rầy người ta. Ông chủ vừa đi xa về mệt nhọc, tôi chắc ông không tiếp đâu."
Tôi đang nói dở thì bác Dọi đã bước qua khỏi nhà bếp vào phòng. Bác mặc bộ đồ đi lễ, nét mặt nhăn nhúm ra vẻ con người mộ đạo, tay cầm mũ, tay cầm gậy, đang chùi chân trên tấm thảm.
Tôi lạnh lùng hỏi:
“Chào bác Dọi. Có việc gì mà đêm hôm bác tới đây?”
Bác ta ngoắc tay, khinh khỉnh đáp:
“Tôi muốn nói chuyện với cậu Kha."
“Cậu ấy ngủ rồi. Trừ khi có chuyện thật cần kíp tôi chắc cậu Kha không tiếp ai vào giờ này đâu. Bác ngồi xuống đây, cho tôi biết chuyện gì để tôi thưa lại."
Bác Dọi nhìn dẫy cửa phòng hỏi:
“Phòng nào là phòng cậu ấy?”
Thấy bác ta nhất định không muốn tôi làm trung gian, tôi đành lên phòng sách báo cho chủ tôi biết có khách đến thăm không đúng lúc và theo ý tôi nên đuổi khéo về bảo sáng mai tới. Cậu Kha chưa kịp ra lệnh thì bác Dọi đã theo gót tôi xông đại vào phòng, đứng lù lù ở chiếc bàn đằng xa, hai bàn tay chống lên đầu cây gậy, nói lớn tiếng như biết trước sẽ bị người ta phản đối:
“Hy sai tôi đến đón thằng bé. Thằng bé phải về cùng với tôi."
Cậu Kha lặng người đi hồi lâu. Trông cậu buồn ra mặt. Tình cảnh của thằng bé làm cậu thương xót. Chắc cậu nhớ tới mối lo lắng và niềm hy vọng của cô Sa đối với đứa con trai và lời ủy thác cho cậu trông nom nuôi nấng. Cậu chua xót nghĩ đến cái cảnh phải giao nó cho người khác và đang nghĩ cách làm sao tránh việc đó khỏi xẩy ra. Cậu chưa nghĩ được cách nào, vì nếu tỏ ý giữ thằng bé lại chỉ tổ làm cho người ta cương quyết đòi mạnh. Cuối cùng chả còn cách nào khác hơn là trả thằng bé cho cha nó, nhưng Tôn đang ngủ, cậu Kha không đành lòng dựng nó dậy. Cậu điềm đạm nói:
“Bác về nói với ông Hy là ngày mai con ông ấy sẽ về bên Gió Hú. Nó đang ngủ và nó mệt không thể đi ngay bây giờ được. Bác cũng có thể nói thêm là mẹ nó muốn tôi giám hộ nó và bây giờ sức khỏe nó rất kém."
Bác Dọi nện mạnh cây gậy xuống sàn đánh cộp một cái, giọng quả quyết:
“Không được! Không được! Nó phải về ngay bây giờ. Hy không muốn mẹ nó hay ông nuôi nó... mà chính Hy nuôi. Tôi phải đem nó về... ông hiểu chứ?”
Cậu Kha gằn giọng đáp:
“Nhưng đêm nay thì không được! Bác về ngay đi và nhắc lại lời tôi cho chủ bác biết. Vú Diễn, dẫn bác ấy xuống. Đi..."
Rồi, đỡ một cánh tay bác Dọi, cậu đẩy lão ra khỏi phòng, đóng cửa lại. Bác Dọi tức lắm, vừa đi vừa kêu:
“Thôi được! Sáng sớm mai Hy sẽ đích thân tới đây, rồi xem ông có dám đuổi không?”