Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> Đỉnh Gió Hú

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 17587 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đỉnh Gió Hú
Emily Bronte

Chương 22 - 23

Mùa hè qua, trời vừa chớm sang thu... Nhưng mùa lúa năm ấy muộn, vài ba thửa ruộng của chúng tôi vẫn còn chưa gặt. Cậu Kha và cô con gái thường đi ra ngoài, dạo bước giữa đám thợ gặt. Hôm thợ gánh những bó lúa cuối cùng về Họa Mi Trang, hai cha con ở lại cho đến lúc trời tối. Về chiều trời trở lạnh và ẩm thấp, cậu chủ tôi bị nhiễm phổi cảm nặng khiến cậu phải nằm liệt trong nhà, bệnh hầu như không dứt suốt cả mùa đông năm ấy.
Tội nghiệp cô bé Liên vẫn còn chưa hết xúc động về mối tình thơ dại kia, trở nên buồn rầu u uất hơn, khiến cha cô bắt cô phải bớt đọc sách và vận động nhiều. Cậu Kha không thể đi chơi với cô cho có bạn được nên tôi phải tự cho mình có bổn phận thay thế cậu nhiều chừng nào tốt chừng đó. Tuy nhiên tôi không thể cáng đáng hết được việc ấy bởi lẽ tôi bận làm việc suốt ngày; có cố gắng lắm tôi mới bớt ra được vài ba giờ đi theo chân Liên, và tất nhiên đi chơi với tôi cô không thể thích bằng đi với bố.
Một buổi chiều khoảng cuối tháng mười hay đầu tháng mười một gì đó, một buổi chiều mát lạnh và ẩm ướt. Trên mặt đất và các lối đi xào xạc lá úa thẫm ướt, bàu trời xanh giá rét bị mây che khuất một nửa, những đám mây xám kéo nhanh tới từ phương tây báo hiệu một trận mưa lớn. Tôi thấy vậy bảo cô bé của tôi nên bỏ cuộc đi chơi vì chắc thế nào cũng có mưa rào. Liên nhất định không chịu; tôi đành phải khoác áo mưa, đem theo dù, để đi dạo với cô nàng tới cuốn vườn... một cuộc dạo chơi kiểu cách mà Liên thường làm bộ thích mỗi khi xuống tinh thần; nhất là khi cậu Kha đau nặng hơn thường lệ, điều mà ông không hề thú nhận song cả Liên và tôi đều đoán biết mỗi khi thấy ông trầm lặng hơn, vẻ mặt ủ rũ hơn. Liên bước những bước đi uể oải, không còn chạy nhẩy như mọi lần những khi có cơn gió lạnh đưa đẩy. Thỉnh thoảng liếc nhìn tôi thấy Liên đưa tay lên quệt má.
Tôi nhìn quanh xem có cách nào có thể làm cô khuây khỏa. Ở một bên đường trên một gò cao có những thân cây sồi cằn cỗi trơ rễ, mỗi lần gió thổi mạnh thân cây nằm gần rạp xuống.
Trước kia về mùa hạ Liên thường trèo lên những thân cây như vậy, ngồi vắt vẻo đu đưa trên cành cao cách mặt đất đến bốn năm thước. Thấy tính Liên trẻ con lanh lẹ, tôi rất vui lòng, nhưng mỗi lần bắt gặp cô nàng trèo cao, tôi vẫn thấy cần trách mắng lấy lệ, trách mắng cách nào để Liên hiểu là cứ tiếp tục ngồi trên đó đi không cần phải xuống ngay. Thường thường trong khoảng từ lúc ăn trưa đến bữa trà, Liên hay nằm dài trên cành đu đưa theo ngọn gió hiu hiu, nghêu ngao hát những bài hát cổ mà tôi dậy Liên hồi nhỏ; hoặc nhìn mấy con chim mớm mồi cho con ăn và dậy con tập bay; hoặc Liên lim dim đôi mắt, nửa trầm tư nửa mơ mộng, có vẻ vui sướng không lời nào tả xiết.
Tôi chỉ vào một cái hốc dưới rễ một thân cây vặn vẹo và reo lên:
“Nhìn kìa, cô! Mùa đông chưa tới đây đâu nhé, cô Liên. Kia có một bông hoa nhỏ, bông cuối cùng sót lại của đám hoa chuông mà hồi tháng bẩy còn phủ chi chít những tảng cỏ kia như một lớp sương màu hoa cà. Cô có muốn trèo lên hái xuống về khoe với ba không?”
Liên ngước mắt nhìn bông hoa đơn độc trong hốc run run trước gió, hồi lâu cô nói:
“Không. Em không muốn đụng đến nó. Sao trông nó ủ rũ thế kia, vú Diễn?”
“Vâng. Trông nó cũng ủ rũ và xanh xao như cô... Cô lại đây, má cô không có lấy một hột máu, chúng mình nắm tay chạy một vòng đi... Cô chậm lắm, tôi dám chắc sẽ theo kịp cô cho mà xem..."
“Không!”
Liên nhắc lại và tiếp tục nhẩn nha bước. Thỉnh thoảng cô ngừng lại mơ màng nhìn một đám rêu, một bụi cỏ vàng úa, một cánh nấm màu da cam nổi trên đám lá nâu; chốc chốc lại đưa tay lên mắt và quay mặt đi.
Tôi quàng tay lên vai Liên hỏi:
“Liên, sao cưng khóc? Em không nên khóc vì ba bị cảm lạnh. Nhờ ơn Trời, bệnh ba có gì tệ lắm đâu!”
Liên không còn cầm được nước mắt, hơi thở cô nghẹn lại vì nức nở:
“Ồ, rồi sẽ có chuyện không hay xẩy ra. Em sẽ ra sao, nếu ba và vú không còn nữa, bỏ em trơ vơ... Em không thể nào quên được lời vú nói, lúc nào nó cũng ở bên tai em… Cuộc đời sẽ thay đổi biết mấy, thế giới sẽ ảm đạm biết mấy nếu ba và vú chết đi."
“Chả ai nói trước được. Biết đâu Liên lại chả chết trước ba và tôi. Không nên đoán trước những chuyện không may... hãy cứ hy vọng năm này qua năm khác qua đi mà mình vẫn còn sống. Cậu chủ còn trẻ, tôi còn khỏe mạnh, chưa tới bốn lăm. Bà cụ tôi sống tới tám mươi, gần chết rồi vẫn còn lanh lợi. Nói ví dụ cậu chủ sống đến sáu mươi tuổi thì số năm còn lại vẫn còn nhiều hơn số tuổi cô bây giờ, cô thấy không? Vậy mà chưa chi cô đã vội lo nghĩ tới những tai biến mà hai mươi năm nữa chưa chắc đã xẩy ra, có phải là kỳ khôi không?”
“Thế cô Sa chả ít tuổi hơn ba đó ư?”
Liên rụt rè nhìn tôi, hy vọng tôi sẽ nói thêm điều gì nữa để cho nàng yên tâm hơn. Tôi đáp:
“Tại cô Sa không có Liên, không có tôi chăm sóc. Cô Sa không được sung sướng như cậu chủ, không có gì ràng buộc cô với đời. Cần nhất là Liên phải săn sóc ba, phải tỏ ra vui vẻ để an ủi ba và tránh làm điều gì khiến ba phải lo buồn. Cô phải để tâm lắm mới được! Tôi chẳng nói dấu gì cô điều này là nếu cô cứ điên cuồng liều lĩnh ôm ấp mối tình rồ dại với Tôn, con của một kẻ chỉ mong ba cô nằm xuống là vui mừng, nếu cô còn để lộ ra cho ba cô thấy là cô vẫn còn buồn khổ về việc phải xa Tôn mà ba cô biết chắc là chính đáng và có lợi cho cô...tức là cô đã giết ba cô đấy!”
“Ngoài bệnh tình của ba em chẳng có chuyện gì để phải buồn khổ. Em chẳng lo gì hơn là lo cho ba... Không bao giờ... Ồ, không bao giờ khi mà em còn đủ lý trí em làm việc gì hay nói một câu gì làm ba buồn lòng. Đêm nào em cũng cầu nguyện cho em được sống lâu hơn ba vì thà để em chịu đau khổ sau khi ba mất đi còn hơn là để ba đau khổ... điều đó chứng tỏ là em yêu ba hơn yêu bản thân mình."
“Cô nói hay lắm. Nhưng lời nói phải đi đôi với việc làm. Khi ba bình phục rồi, cô hãy ráng đừng quên những điều cô quyết tâm làm trong những giờ phút lo sợ này."
Trong khi trò chuyện chúng tôi tiến tới một cái cổng trông ra đường cái. Cô chủ nhỏ của tôi trở lại vui tươi, cô trèo tót lên ngồi trên bờ tường với tay định túm lấy mấy quả chín đỏ trên những cành cây hồng dại đổ bóng ven đường. Những quả dưới thấp đã bị ngắt, còn những quả phía trên cao thì chỉ có chim chóc hay Liên đương ở vị trí đó là có thể đụng tới.
Trong lúc đưa tay lên với, Liên đánh rớt mũ. Vì cửa khóa, Liên đòi leo xuống phía bên kia để nhặt. Tôi nhắc cô hãy cẩn thận kẻo ngã thì khốn nhưng cô bé đã biến đi lẹ làng. Xuống thì dễ nhưng lên lại khó vì tường đá trơn lại trét xi măng nhẵn; còn mấy bụi hồng, bụi cây mâm sôi mọc lan thì không đủ vững để víu bám trèo trở lên. Trong lúc tôi quýnh quáng không biết tính sao thì Liên cười bảo:
“Vú Diễn, vú phải về lấy chìa khóa mở cổng. Nếu không em phải chạy vòng về cửa trạm gác. Em không thể nào trèo qua bờ tường phía này được."
Tôi đáp:
“Cô cứ đứng yên đấy nghe. Tôi có một chùm chìa khoá trong túi may ra có thể mở được, nếu không tôi sẽ chạy về lấy."
Liên nhẩy lăng xăng trước cổng trong lúc tôi lần lượt thử tra các chìa khóa lớn vào ổ. Thử tới cái chót không thấy cái nào vừa, tôi lập lại lời nói bảo Liên cứ ở yên đó chờ tôi chạy nhanh về nhà, thì chợt có tiếng động làm tôi ngừng nói. Đó là tiếng vó ngựa. Liên ngừng nhẩy nhót và một phút sau tiếng ngựa cũng dừng. Tôi hỏi khẽ:
“Ai thế?”
Lên cũng nói khẽ, giọng lo lắng:
“Vú Diễn, làm sao mở cửa nhanh lên cho em."
Một giọng nói trầm - của người cỡi ngựa - reo lên:
“A, cô Liên. Tôi rất vui được gặp cô. Đừng vội vào, vì tôi muốn nói một chuyện cần được cô giải thích."
Liên đáp:
“Ông Hy. Tôi không nói chuyện với ông! Ba tôi bảo ông là người độc ác, ông ghét cả ba tôi lẫn tôi. Vú Diễn cũng bảo thế!”
“Điều đó không can hệ đến việc tôi định nói. Tôi không ghét con trai tôi, tôi biết chắc như vậy, và đây là chuyện liên quan đến nó. Tôi xin cô lưu ý. Phải!... Cô đỏ mặt là phải… Trước đây hai ba tháng cô thường viết thư cho thằng Tôn? Cô đem ái tình ra làm trò đùa hả? Cả hai người đều đáng đánh đòn! Nhất là cô, lớn tuổi hơn và ít tình cảm hơn, hình như vậy! Tôi đã nắm được những bức thư của cô và nếu cô giở thói hỗn xược với tôi, tôi sẽ gửi cho ba cô. Chắc là cô đã chán cái trò đùa ấy nên cô bỏ ngang, phải không? Bỏ rơi trò đùa và bỏ rơi luôn thằng Tôn cho nó rơi xuống vực thẳm! Nó thì thực thà, cứ nghĩ là chuyện đứng đắn nên nó yêu thực tình. Nó đương hấp hối chết vì cô đấy. Đây là sự thật hiển nhiên, hiển nhiên cũng như là tôi đang ở trước mắt cô đây này. Lòng nó đang tan nát vì tính thay lòng đổi dạ của cô. Tuy thằng Hạ đã giễu cợt nó suốt sáu tuần qua, tuy tôi đã dùng nhiều cách đứng đắn hơn cố ý đe dọa cho nó sợ hậu quả của mối tình ngu dại của nó, nhưng mỗi ngày bệnh tình nó một nặng hơn và chỉ đến mùa hè tới nó sẽ xuống lỗ là cái chắc nếu cô không ra tay cứu nó!”
Tôi đứng trong vườn nói vọng ra:
“Sao cậu lại có thể nói dối cô bé đáng thương này một cách trắng trợn như vậy được! Thôi, xin cậu đi đi cho! Cậu dựng đứng những chuyện bì ổi như vậy làm gì! Cô Liên, đợi tôi lấy đá đập tung khoá ra. Đừng có tin những chuyện xấu xa vô lý ấy. Cô cứ suy ra thì đủ biết, không ai có thể chết vì yêu một kẻ xa lạ bao giờ."
Bị bắt thóp tại trận, tên lưu manh ấy càu nhàu:
“A, tôi không ngờ lại có kẻ nghe lén! Quý hoá chưa, bà Diễn! Tôi mến bà. Nhưng tôi không ưa cái thói đòn xóc hai đầu của bà."
Hy nói tiếp, lớn tiếng:
“Sao bà lại có thể sống sượng nói rằng tôi ghét “cô bé đáng thương” này? Và bịa ra những chuyện ma quái để dọa cô bé không dám bén mảng đến cửa nhà tôi?”
Rồi dịu giọng, hắn nói:
“Này Tôn Liên - cái tên duy nhất đã làm ấm lòng tôi - cô bé dễ thương ơi, tôi sẽ đi vắng nhà một tuần, cô thử đến Gió Hú xem tôi có nói thật không nào? Cô hãy đến thăm người mà cô cưng yêu. Cô thử nghĩ xem, nếu ba cô ở địa vị tôi và Tôn ở địa vị cô, rồi cô sẽ đánh giá người yêu hờ hững của cô như thế nào khi người ấy không chịu nhúc nhích lấy một bước để đến an ủi cô, trong khi chính cha cô năn nỉ nó đến thăm. Đừng có khờ dại lầm lỗi như lần trước nữa. Tôi thề có bóng mặt trời soi, Tôn sắp chết tới nơi rồi, ngoài cô ra, không có một người nào khác có thể cứu được nó."
Ổ khóa rớt xuống, tôi mở được cửa bước ra. Hy hằn học nhìn tôi nói:
“Tôi thề rằng thằng Tôn đang hấp hối. Nỗi đau buồn và tuyệt vọng làm nó mau chết hơn. Vú Diễn, nếu vú không cho cô ấy đi thì vú tự đi coi lấy mà xem. Giờ này tuần sau tôi mới trở về và tôi chắc ông chủ của vú cũng sẽ không ngăn cản cô Liên đi thăm thằng em họ của cô ấy."
“Về đi, cô!”
Vừa nói tôi vừa nắm lấy tay cô lôi đi vì Liên có vẻ dùng dằng, bối rối nhìn Hy, trong lúc con cáo già thản nhiên không để lộ một nét nham hiểm nào ra ngoài mặt.
Hắn thúc ngựa lại gần cúi thấp xuống nói:
“Cô Liên, thú thật với cô là tôi không thể kiên nhẫn nhiều hơn nữa với Tôn... Hạ và Dọi lại càng không thể chịu đựng bằng tôi. Tôi thực tình nói với cô rằng Tôn đang sống giữa một đám người thô lỗ, nó thèm khát tình thương và cả tình yêu nữa; một lời ân cần âu yếm của cô là liều thuốc hay nhất để chữa bệnh cho nó. Đừng nghe những lời độc ác của bà Diễn, cô phải rộng lượng tìm cách đến thăm nó. Nó mơ tưởng đến cô ngày đêm và nhất định không chịu tin rằng cô ghét bỏ nó kể từ ngày cô không viết thư và không tới thăm nó."
Tôi đóng cửa, lăn một tảng đá để giữ cho cánh cổng khép lại rồi tôi giương dù, kéo Liên ẩn bên dưới vì mưa đã bắt đầu rền rĩ xuyên qua cành lá, thúc dục chúng tôi phải chạy về mau không được trì hoãn.
Chúng tôi rảo bước về nhà, không ai nói năng một câu về cuộc chạm trán vừa rồi với Hy, nhưng linh tính cho tôi đoán tâm trạng Liên lúc này đang bị hai lớp mây đen bao phủ. Mặt nàng trông ủ rũ tới nỗi người vô tình có thể không nhận ra là Liên được nữa. Và hiển nhiên là nàng coi tất cả những lời vừa được nghe là hoàn toàn đúng sự thực.
Trước khi chúng tôi về tới nhà thì cậu Kha đã rút vào phòng đi nghỉ rồi. Liên chạy vội lên thăm nhưng cậu đã ngủ. Nàng quay xuống bảo tôi lên phòng sách với nàng. Hai chúng tôi dùng trà. Sau đó Liên nằm dài trên thảm, bảo tôi đừng nói gì hết vì nàng mệt.
Tôi lấy sách vờ đọc. Lát sau, tưởng tôi mải đọc sách, Liên âm thầm khóc. Khóc với nàng hồi gần đây hầu như là một lối giải trí ưa thích của Liên. Tôi để cho Liên khóc một hồi cho hả, rồi tôi mới khuyên bảo nàng. Tôi đem tất cả những lời ông Hy đoan chắc về con ông ta để chế riễu. Tôi tưởng rằng Liên sẽ tin theo tôi nhưng than ôi, tôi đã không đủ tài để quật ngược lại cái hiệu lực những lời nói của Hy, và đó chính là điều mà hắn muốn nhắm tới.
Liên đáp:
“Rất có thể vú có lý. Nhưng chừng nào em còn chưa rõ sự thực thì em vẫn còn khắc khoải. Em cần phải nói cho Tôn biết là em không viết thư không phải lỗi ở em và lòng em với Tôn không hề thay đổi."
Liên đã nói thế thì có chống đối có tức giận cho cái tính nhẹ dạ cả tin của nàng phỏng có ích gì? Đêm hôm đó chúng tôi hậm hực chia tay nhau...nhưng sáng hôm sau, người ta lại thấy tôi trên đường đi đến Đỉnh Gió-Hú, bên cạnh con ngựa tơ của cô chủ bướng bỉnh của tôi. Tôi nhượng bộ vì không thể nào cầm lòng thấy Liên buồn khổ, người xanh xao ủ rũ. Tôi chỉ hy vọng mong manh là bằng vào cách Tôn đón tiếp chúng tôi Liên sẽ thấy câu chuyện Hy nói chẳng có gì là đúng sự thực cho lắm.

Chương XXIII
Trận mưa đêm trước khiến buổi sáng trời nhiều sương mù, thứ sương mù nửa đông giá nửa như mưa bụi. Những lạch nước nhỏ từ vùng cao róc rách chẩy xuống cắt ngang đường chúng tôi đi. Chân ướt sũng nước, tôi bực mình ra mặt, chỉ muốn kiếm cớ gây sự.
Chúng tôi vào nhà bằng lối bếp để coi xem có thực Hy vắng nhà hay không, vì tôi khó tin được lời hắn.
Bác Dọi ngồi một mình bên cạnh lò sưởi cháy rực, một cốc vại rượu bia đặt trên chiếc bàn đầy những mẩu bánh mì nướng, chiếc ống vố đen ngắn cũn trên miệng. Liên chạy vội tới bên lửa để sưởi. Còn tôi lên tiếng hỏi Hy có nhà không. Đợi mãi không thấy trả lời, tưởng bác Dọi điếc tôi nhắc lại câu hỏi thật lớn. Dọi to tiếng càu nhàu, phải nói là bác ta hét qua lỗ mũi thì đúng hơn:
“Kh...ông! Mấy người cút về đi!”
Từ phía nhà trong một giọng nói gắt gỏng thốt ra cùng một lúc:
“Bác Dọi! Bác phải để tôi gọi bao nhiêu lần nữa đây? Còn có một chút than hồng thôi này! Bác Dọi! Vào đây ngay!”
Thản nhiên hút từng hơi thuốc dài, mặt lạnh lùng ngó vào lò sưởi Dọi tỏ vẻ không hề bận tâm đến tiếng gọi. Không thấy chị quản gia và Hạ aạHạ đâu đâu, tôi đoán chị ta đi chợ còn Hạ thì làm vườn. Chúng tôi bước vào vì nhận ra giọng nói kia là của Tôn.
Tưởng là bác Dọi tới, Tôn nói:
“Ôi, tưởng bác đã chết rục ở trên đó rồi..."
Tôn ngừng bặt khi biết mình lầm. Liên chạy tới ôm chầm lấy người em họ. Tôn đang nằm dài trên ghế lớn, ngẩng đầu lên khỏi tay dựa, hỏi:
“Cô Liên đấy hả? Ờ, mà đừng... đừng hôn tôi. Trời... tôi nghẹt thở mất!”
Tôn ngừng lại thở trong khi Liên đứng cạnh, coi bộ rất hối hận. Tôn tiếp theo:
“Ba bảo thế nào cô Liên cũng tới. Cô làm ơn đóng hộ tôi cái cửa... cô để ngỏ kia kìa... còn cái bọn, cái bọn đáng ghét kia không chịu vào đây bỏ thêm than, lạnh quá đi mất!”
Tôi ngoáy tro và lấy một cái xẻng than đổ đầy vào lò. Thằng bé lắm chuyện mắng ầm lên là bụi bay vào người nó, nhưng thấy nó ho và có vẻ sốt nên tôi không chấp. Khi Tôn hết cau có, Liên hỏi nhỏ:
“Sao, Tôn? Thấy tôi, Tôn có mừng không? Tôn có cần tôi giúp gì không?”
Tôn đáp:
“Sao cô không đến từ trước? Đáng lẽ cô nên đến chứ đừng viết thư. Viết những bức thư dài thượt ấy tôi mệt muốn chết. Tôi thích nói chuyện hơn. Bây giờ thì tôi lại không còn hơi sức đâu để nói chuyện hay làm cái gì khác. Không biết chị Dị đâu nhỉ? (Tôn nhìn tôi). Vú làm ơn vào bếp coi hộ xem có chị ấy không?”
Lúc tôi lấy than vào lò Tôn đã chẳng thèm có một lời cám ơn lại còn mắng tôi làm tung bụi nữa. Tôi cũng không muốn chạy tới chạy lui theo sự sai phái của nó, bèn đáp:
“Trong bếp chỉ có Dọi, ngoài ra chẳng có ai cả."
Thằng bé quay đi chỗ khác, bực tức kêu lên:
“Tôi khát quá! Chị Dị thật tệ. Từ bữa ba đi vắng cứ xểnh ra là đi Diên-Mễ-Tôn. Tôi đành phải xuống đây... tôi mà ở trên lầu gọi xuống khản cổ chúng cứ lờ tịt đi như không nghe thấy!”
Tôi hỏi:
“Thế ba có săn sóc chú không, chú Tôn?”
“Săn sóc? Ông ấy bắt chúng nó săn sóc tôi hơn một tí, thế thôi! Bọn khốn kiếp! Cô Liên biết không, cái thằng súc sinh thằng Hạ ấy nó chế nhạo tôi! Tôi ghét nó thậm tệ... Tôi ghét cả lũ bọn nó... một lũ khả ố!”
Liên quay đi tìm nước. Thấy một cái bình trên tủ cốc, nàng rót một ly nước đầy cho Tôn. Thằng bé lại vòi thêm một muỗng rượu vang đựng trong một cái chai để trên bàn. Sau khi uống vài ngụm nó có vẻ bình tĩnh hơn và khen Liên dễ thương.
“Tôn có vui thấy tôi ở đây không?”
Liên nhắc lại câu hỏi trước và nàng sung sướng thấy trên mặt thằng bé nở một nụ cười yếu ớt. Tôn đáp:
“Có chứ! Tôi vui chứ... Được nghe một giọng nói như cô là một cái gì mới mẻ. Nhưng tôi tức ghê vì cô không tới... Ba thì cứ nhất định bảo lỗi tại tôi, bảo tôi là đồ vô tích sự, bảo là cô khinh tôi, bảo rằng nếu ở địa vị tôi thì ông ấy đã là chủ Họa-Mi-Trang rồi. Nhưng... cô không khinh tôi đấy chứ, cô Liên..."
Liên ngắt lời:
“Tôn đừng gọi tôi là cô Liên nữa. Gọi Liên không đủ rồi. Tôi không khinh Tôn đâu. Sau ba và vú Diễn, Tôn là người tôi yêu hơn hết. Nhưng tôi không yêu ông Hy, khi nào ông ấy về thì tôi không dám lại đây nữa. Không hiểu ông ấy đi vắng có lâu không?”
“Không lâu lắm đâu. Nhưng bắt đầu mùa săn ba thường hay vào rừng cỏ luôn. Trong lúc ba vắng nhà cô có thể đến chơi với tôi một hai giờ. Được không? Tôi không gắt gỏng với cô đâu vì cô không chọc tức tôi mà lại luôn luôn giúp tôi, có phải thế không, Liên?”
Liên vuốt mái tóc dài và mượt của Tôn, đáp:
“Ừ... Nếu được phép của cha tôi thì tôi sẽ bỏ nửa thời giờ để đến với Tôn... Tôn dễ thương quá! Giá Tôn là em ruột của tôi nhỉ."
Tôn tươi tỉnh hơn nói:
“Nếu được như thế thì Liên sẽ yêu tôi như yêu ba Liên, phải không? Nhưng ba tôi bảo là Liên sẽ yêu tôi hơn cả ba Liên, yêu hơn cả mọi thứ trên đời nếu Liên là vợ tôi... Vì thế tôi mong Liên là vợ tôi."
Liên nghiêm giọng đáp:
“Không! Tôi sẽ không bao giờ yêu ai hơn ba tôi cả. Vả lại người ta đôi khi ghét vợ mà không ghét anh chị em ruột thịt. Nếu Tôn là em ruột tôi, Tôn sẽ ở với chúng tôi và ba sẽ yêu thương Tôn như yêu thương tôi vậy."
Tôn cãi rằng không ai ghét vợ bao giờ. Còn Liên thì quả quyết là có. Cô khôn ngoan dẫn chứng ngay chuyện cha Tôn ghét cô Sa. Tôi cố ngăn Liên nói ra những lời thiếu suy nghĩ, nhưng không ngăn nổi cho tới khi nàng biết chuyện gì tuôn ra hết. Tôn cáu hết sức cho rằng chuyện cô nàng kể là bịa. Liên sẵng giọng đáp:
“Ba tôi kể tôi nghe. Ba tôi không nói dối!”
Tôn lớn tiếng:
“Ba tôi khinh ba cô! Ba tôi gọi ông ấy là đồ khùng tê tiện!”
Liên cãi ngay:
“Ba Tôn là người độc ác. Và Tôn xấu lắm dám nhắc lại những lời ông ấy nói. Chắc ba Tôn ác lắm nên cô Sa tôi mới phải bỏ đi!”
“Mẹ tôi không bỏ cha tôi. Cô không được cãi."
Liên thét lên:
“Chẳng bỏ là gì đó!”
“Này, để tôi nói cô nghe! Chính mẹ cô ghét ba cô! Thế đó!”
Liên tức điên lên không thốt nên lời. Tôn tiếp theo:
“Và mẹ cô lại yêu ba tôi!”
Mặt đỏ nhừ vì giận, Liên vừa thở dốc vừa kêu lên:
“Thằng ranh con nói láo! Ta ghét mi rồi đó!”
“Đúng thế mà! Mẹ cô yêu ba tôi..."
Nói xong Tôn ngồi lọt sâu xuống ghế vểnh mặt lên khoái trá nhìn Liên đứng sau lưng bối rối.
Tôi lên tiếng:
“Thôi đi, chú Tôn! Chắc cũng lại ba chú kể ra chứ gì?”
“Không phải... Vú im miệng đi! Liên, mẹ cô yêu ba tôi thật mà..."
Liên nổi đóa, đẩy mạnh chiếc ghế khiến Tôn ngã đập vào tay vịn. Lập tức chú bé nổi cơn ho tức nghẹn đến lịm cả người đi, hết cả vênh vênh váo váo. Cơn ho kéo dài đến nỗi tôi cũng phát hoảng. Còn cô chị họ thì khóc ầm ỹ cả lên. Cô hoảng hồn vì đã lỡ tay nhưng không nói một lời nào cả. Tôi đỡ cậu ta cho đến lúc dứt cơn. Sau đó Tôn đẩy tôi ra, đầu cúi gầm im lặng. Liên cũng thôi khóc, ngồi xuống chiếc ghế đối diện, nghiêm mặt nhìn ngọn lửa.
Mười phút sau, tôi hỏi:
“Bây giờ chú thấy trong người thế nào, chú Tôn?”
“Tôi mong Liên cũng đau như tôi vừa rồi cho biết thân. Đồ độc ác. Ghét ghê! Ngay Hạ cũng chả đụng đến tôi, chả bao giờ đánh tôi... Hôm nay tôi mới thấy trong người kha khá thì..."
Giọng Tôn biến thành tiếng rên rỉ.
“Tôi có đánh Tôn đâu!”
Nói xong Liên bậm môi để giữ cho khỏi khóc. Tôn thở dài và rên rẩm như đang đau lắm, rõ ràng là cố ý muốn làm cho cô chị họ khổ tâm, vì mỗi lần thấy Liên ngưng tiếng nức nở thì nó lại uốn giọng cho thêm phần lâm ly đau đớn.
Nín mãi không được cuối cùng Liên đành lên tiếng:
“Tôi rất tiếc đã làm Tôn đau. Tôi tưởng là Tôn cũng như tôi không thể đau vì cú đẩy nhẹ ấy. Tôn không đau đớn lắm, phải không?”
Tôn khẽ đáp:
“Tôi không thể nói được. Liên làm tôi đau quá, suốt đêm tôi sẽ mất ngủ vì bị cơn ho hành hạ. Liên có bị như tôi mới biết... Ban đêm trong lúc cô ngủ ngon lành thì tôi đau muốn chết, không có một ai bên cạnh. Nếu Liên trải qua những đêm khủng khiếp như tôi Liên sẽ ra sao?”
Tôi nói:
“Chả phải cô Liên làm chú mất ngủ. Nếu cô ấy hôm nay không đến chú vẫn bị đau như thế kia mà. Dù sao cô Liên sẽ không làm phiền chú nữa. Chúng tôi đi về đây. Để chú được yên."
Liên buồn bã cúi xuống gần Tôn hỏi:
“Tôi về nghe! Tôn có muốn tôi về không?”
Tôn lùi lại, cáu kỉnh:
“Cô không thể nào vớt vát được việc cô đã làm. Có cô, cô còn làm bệnh tôi tệ hơn, cô giầy vò tôi phát sốt lên."
“Nếu vậy thì tôi phải về?”
“Thôi, để tôi yên. Nghe cô nói tôi không chịu nổi."
Liên trù trừ một lúc lâu không chịu nghe tôi về ngay. Mãi sau không thấy Tôn nhìn lên hay nói năng gì, Liên mới quay đi ra cửa. Tôi đi theo.
Một tiếng kêu thét khiến chúng tôi quay lại. Tôn tụt từ trên ghế xuống sàn trước lò sưởi và nằm lăn ra giẫy đành đạch. Thật đúng là thói tật của một đứa bé hư thân mất nết được nuông quá đâm ra nhiễu sự, nhất định quấy người khác cho bằng được.
Thấy cái kiểu giẫy giụa ấy tôi biết ngay ý định của nó. Có ai họa điên mới chiều nó vào lúc này. Thế nhưng cô bé của tôi lại không nghĩ như vậy. Cô hoảng hồn chạy lại quỳ xuống rồi khóc lóc, rồi vuốt ve, rồi năn nỉ nó cho tới khi nó nín. Nó nín vì mệt đứt hơi chứ không phải vì ân hận đã làm rầy rà cô bé.
Tôi nói:
“Để tôi đỡ chú ấy lên ghế dài kia rồi để mặc chú ta lăn lộn sao thì lăn lộn, mình không hơi sức đâu mà coi sóc nó hoài. Liên, tôi hy vọng cô đã thấy rõ cô không phải là người đã giúp ích được gì cho chú ấy và tình trạng sức khỏe của chú ấy đâu có phải do sự quyến luyến với cô. Ấy, chú ta như thế đấy! Mình đi thôi! Khi nào chú ta biết chẳng có ai bên cạnh để lo lắng cho cái trò vô lối của mình thì họa may chú ta mới chịu nằm yên."
Liên lót một chiếc gối dưới đầu Tôn và cho thằng bé uống nước. Nó gạt nước đi và xoay trở đầu trên gối một cách khó chịu làm như thể nó đang gối đầu trên một tảng đá hay khúc gỗ vậy. Liên lại phải cố xếp cái gối cho thoải mái. Tôn kêu:
“Gối không vừa. Chưa đủ cao!”
Liên lấy thêm chiếc gối nữa đặt chồng lên. Thằng ranh lại kêu:
“Cao quá!”
Cô bé thất vọng hỏi:
“Vậy phải làm sao bây giờ?”
Liên cúi thấp mình xuống gần như quỳ bên chiếc ghế. Tôn dướn người lên cao và dùng ngay vai cô nàng làm gối!
Tôi kêu lên:
“Thôi! Thôi! Ông nội ơi! Mời ông chịu khó dùng gối cho. Cô Liên đã mất quá nhiều thì giờ với ông rồi. Chúng tôi không thể ở đây quá năm phút đâu."
Liên vội nói:
“Được mà, được mà, mình ở được mà. Tôn đã ngoan rồi, đã chịu khó rồi... Tôn đã bắt đầu hiểu rằng đêm nay em còn buồn hơn Tôn nhiều vì tại em đến thăm mà Tôn đau thêm và rồi em sẽ không dám đến nữa. Này Tôn, hãy nói thật đi. Nếu tôi làm Tôn đau thật thì tôi chả dám đến nữa đâu."
Tôn trả lời:
“Liên phải tới để chữa cho tôi hết đau. Liên phải tới vì Liên đã làm tôi đau... đau lắm! Lúc Liên mới tới tôi đâu có đau dữ như bây giờ?”
Tôi chen vào:
“Đó là tại chú tự làm mình đau đấy chứ, ai bảo chú kêu gào giận dỗi làm chi!”
Liên nói theo:
“Đâu phải lỗi tại tôi làm Tôn đau? Dẫu sao thì chúng mình đã là bạn nhau rồi. Tôn cần tôi...thỉnh thoảng Tôn muốn gặp tôi, có phải thế không?”
Tôn đáp, giọng nóng nẩy:
“Tôi muốn gặp Liên! Tôi đã bảo rồi mà. Ngồi xuống đây đi, để tôi tựa vào đùi Liên, giống như mẹ tôi xưa kia trưa nào cũng làm như thế... Ngồi yên, đừng nói gì hết. Hay nếu biết hát thì Liên hát đi, hay ngâm thơ cũng được, bài nào dài dài và thật hay ấy...cái bài mà Liên hứa dậy tôi ấy mà, hay kể một chuyện gì cũng được... Nhưng ngâm thơ tôi thích hơn... Ngâm đi!”
Liên ngâm bài thơ dài nhất mà nàng thuộc. Trò giải trí này khiến hai đứa hết sức vui vẻ. Tôn lại đòi nghe bài nữa, rồi một bài nữa, bất chấp cả lời phản đối của tôi. Cứ thế họ kéo dài cho tới khi đồng hồ điểm mười hai tiếng và Hạ đi làm về giục ăn cơm trưa ở ngoài sân.
Liên miễn cưỡng đứng dậy. Tôn túm lấy áo Liên hỏi:
“Thế mai Liên đến không?”
Tôi đáp:
“Không. Ngày kia cũng không!”
Hiển nhiên là Liên đã trả lời khác hẳn tôi vì tôi thấy trán Tôn rạng rỡ hẳn lên khi Liên cúi xuống thì thầm nói gì vào tai nó.
Ra khỏi nhà, tôi bảo Liên:
“Cô phải nhớ là mai cô không có đi đâu đấy. Cô đừng tơ tưởng chuyện ấy nữa."
Liên chỉ cười. Tôi tiếp theo:
“À, tôi phải canh chừng. Tôi cho chữa ngay cái khóa, cô không có cách nào lẻn ra được."
Liên vừa cười vừa nói:
“Em có thể trèo qua tường. Nhưng vú Diễn này, Họa Mi Trang đâu phải là cái nhà tù. Vú đâu phải là cai tù. Hơn nữa em nhớn rồi, em gần mười bẩy rồi... em tin là Tôn sẽ chóng khỏi nếu được em săn sóc. Em hơn tuổi Tôn, khôn khéo hơn, ít con nít hơn, vú biết đấy! Chỉ khéo dỗ một tí là Tôn nghe lời em ngay...khi nó ngoan nó rất dễ thương. Nếu Tôn thuộc về em, em sẽ biến nó thành một đứa dễ bảo, đáng yêu. Một khi hiểu nhau hai đứa sẽ chẳng bao giờ cãi nhau, vú nhỉ? Vú có thích nó không, vú Diễn?”
Tôi thốt lên:
“Thích nó? Thích cái thằng ôn con bệnh hoạn xấu tính xấu nết ấy? Phước đức là ông Hy đoán nó không sống tới tuổi hai mươi! Tôi ngờ là nó không thọ tới mùa xuân năm sau. Nó mà đi đoong thì cũng chả thiệt gì cho gia đình nó. Nghĩ cũng may cho gia đình mình là bố nó đã rước nó đi... chứ càng được cưng chiều nó càng sinh hư đốn, ích kỷ, không thương được. Thấy cô không có số lấy nó làm chồng tôi cũng mừng hết cỡ, cô Liên ạ!”
Liên nghe tôi nói thế liền nghiêm ngay nét mặt. Lòng cô bé bị tổn thương vì tôi nói đến cái chết của Tôn như nói đến cái chết của một kẻ dưng nước lã. Sau một hồi suy nghĩ, cô nói:
“Tôn nhỏ hơn em. Tôn phải sống lâu hơn hoặc bằng em. Em dám chắc là sức khỏe của nó cũng y như hồi nó mới tới miền bắc này. Nó đau chỉ vì bị cảm lạnh, giống như ba thôi. Vú bảo là ba sẽ khỏi thì nó cũng sẽ khỏi chứ!”
“Thôi, thôi! Mình chẳng nên bận tâm làm gì. Cô Liên này, cô nghe tôi nói đây, nếu cô còn định đến Gió Hú lần nữa thì dù đi với tôi hay không đi với tôi, tôi cũng sẽ nói cho ba cô biết. Trừ khi ba cô cho phép thì chẳng kể làm gì, chứ cô đừng nên khơi lại tình thân với Tôn nữa.
Liên rầu rĩ đáp:
“Thì đã khơi lại rồi còn gì nữa!”
“Vậy thì đừng tiếp tục nữa."
“Để coi xem!”
Nói xong, Liên thúc ngựa đi trước để mặc tôi lê bước theo sau.
Hai chúng tôi về đến nhà trước giờ ăn. Cậu Kha cho là chúng tôi đi chơi ra tận vòng rào nên không hỏi chúng tôi đi đâu vắng. Vào nhà tôi vội thay ngay đôi giầy và đôi bít tất sũng nước. Việc nán lại quá lâu ở trại Gió Hú, tuy vậy, là một điều tai hại.
Sáng hôm sau tôi bị bệnh nằm liệt giường và suốt ba tuần lễ sau đó tôi không làm ăn gì được... một tai biến mà từ trước tôi chưa từng bị bao giờ và nhờ Trời từ đó trở đi tôi cũng không bị thêm lần nào nữa.
Liên xử sự như một thiên thần. Nàng săn sóc tôi và làm tôi đỡ cô độc. Phải nằm lì một chỗ tôi xuống tinh thần kinh khủng. Thực là khổ sở đối với một người năng động ham làm việc như tôi, nhưng tôi không có một lý do gì để mà than vãn: Liên cứ hễ ra khỏi phòng cậu Kha là lại ngay bên cạnh giường tôi. Suốt ngày, không ở cạnh bố thì ở bên tôi, nàng không rảnh một phút nào để tiêu khiển riêng. Cô không thiết cả ăn uống, học hành và vui chơi. Liên tỏ ra là một cô điều dưỡng hiền dịu nhất để chăm sóc cho bệnh nhân và phải có một tấm lòng tha thiết với tôi hết sức mới có thể yêu tôi như thể yêu ba cô vậy.
Tôi đã nói là suốt ngày Liên không ở bên cạnh cha nàng thì ở bên cạnh tôi. Nhưng cậu Kha lại thường về phòng nghỉ sớm, còn tôi thì sau sáu giờ thường không cần dùng gì, nên cả buổi chiều tối là của Liên.
Tội nghiệp cô bé! Chẳng bao giờ tôi để ý xem cô bé đã dùng thì giờ làm gì sau bữa trà trưa. Và mặc dù thường nhận thấy má cô ửng tươi và mấy ngón tay thon thon của cô hơi đỏ lên, khi cô bé vào phòng chúc tôi ngủ ngon, tôi không hề nghĩ đó là do một cuốc chạy ngựa ngoài đồng khi trời lạnh mà cứ yên trí cho là tại hơi lửa nóng ở trong phòng sách.

<< Chương 20 - 21 | Chương 24 - 25 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 218

Return to top