Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> Đỉnh Gió Hú

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18557 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đỉnh Gió Hú
Emily Bronte

Chương 3

Trong khi dẫn tôi lên cầu thang, chị Dị dặn tôi nên che nến và đừng có làm ồn, vì ông chủ có những ý tưởng rất kỳ quặc về căn buồng mà chị ta sắp đưa tôi vào. Ông ta không bao giờ muốn để một người nào ngủ ở đây. Tôi hỏi vì cớ gì? Chị nói chị không biết, chị mới đến làm công ở đây có một hai năm, và họ có rất nhiều những cử chỉ kỳ lạ, nếu chị tò mò thì tò mò đến già đời.
Tôi bị choáng váng quá nên không muốn tò mò hỏi thêm, tôi cài cửa lại rồi đưa mắt nhìn quanh xem giường nằm ở đâu. Toàn bộ đồ đạc gồm một chiếc ghế tựa, một tủ đựng quần áo và một cái hòm lớn bằng gỗ sồi có những ô vuông khoét ở mép trên nom tựa như những cửa sổ của một cỗ xe ngựa. Tôi lại gần nhìn vào trong, thì ra đó là một thứ giường nằm kỳ lạ kiểu cổ, rất tiện dụng, vì nó được thiết kế như một cái phòng tí hon; ở thành cửa sổ lại có một cái gờ có thể dùng làm bàn. Tôi đẩy hai cánh cửa lùa, cầm đèn nến chui vào, kéo khít cửa lại, và cảm thấy an toàn.
Tôi đặt cây đèn nến trên thành cửa sổ. Trên thành cửa ấy có mấy quyển sách mốc meo để ở một góc, và trên mặt thành có những chữ đủ các lối chạm bằng dao, mà chữ nào cũng viết toàn một tên người: Yên Liên [1] thỉnh thoảng đổi ra Hy Liên hoặc Tôn Liên.
Trong lúc người đương ngây ngất, tôi dựa đầu vào cửa sổ tiếp tục nhắc lại Liên, Liên, Liên Hy, Liên Tôn... mắt tôi từ từ nhắm lại... được độ dăm phút các chữ hiện ra lòe ánh sáng, sáng rực rỡ như những thây ma... đâu đâu cũng thấy hoa lên những chữ Liên... Liên... Tôi đứng thẳng lên để cho những chữ ám ảnh ấy biến đi. Tôi thấy bấc của ngọn nến cong về một bên làm cháy xém bìa một cuốn sách cũ, sực lên mùi da bê cháy. Vừa khó chịu vì lạnh, vừa rạo rực buồn nôn, tôi ngồi xuống giường mở cuốn sách đặt lên đùi. Đó là quyển Kinh Thánh, trang đầu có biên: “Sách này của Yên Liên” và dưới đề niên hiệu cách đây độ 25 năm. Tôi mở một cuốn khác và lại một cuốn khác nữa và ngắm nghía. Cuốn nào ở những chỗ trống cũng có lời chua bằng mực hay bút chì, có vẻ những lời nhật ký, nét còn non đặc như trẻ con viết. Tôi bắt đầu để ý ngay đến cô Liên không quen ấy và cố tìm đọc những dòng nhật ký viết tháu.
“Một chủ nhật chán lạ. Anh Hạnh [2] thực tệ với Hy quá. Hy với mình nhất định chống lại... Hạnh nói: Chúng bay không biết nể tao à? A! Thằng Hy [3] mày đã dám thế à? Lan mình, đi qua rứt tóc nó cho tôi một cái.”
“... Lan rứt tóc Hy rồi về ngồi trên đùi chồng, như hai đứa trẻ, rồi hôn hít nhau và hàng giờ nói với nhau những chuyện chả ra đâu vào đâu. Hy với mình chui xuống dưới ngăn tủ bát, ngồi sát vào nhau. Mình vừa treo khăn quàng ngực của hai người làm màn che thì bác Dọi vào. Bác ta rứt màn, tát mình một cái và kêu lên như quạ rống: ‘Bố vừa mới chết mà đã chửng rỡn rồi! Không biết xấu hổ. Có nhiều sách đấy sao không lấy mà đọc đi.’
Rồi bác ta xoay người chúng tôi lại để có chút ánh sáng từ lò sưởi chiếu tới, rồi vất một đống sách bắt chúng tôi đọc. Mình không còn chịu nổi nữa, quẳng cuốn sách vào cũi chó, nói mình rất ghê tởm những cuốn sách hay. Hy cũng lấy chân hất một cuốn vào cũi chó...
... Anh Hạnh nắm lấy cổ chúng tôi ẩy cả hai đứa vào bếp. Bác Dọi dọa chúng tôi: ‘Ngoáo ộp sẽ đến bắt đem đi.’ Hy rủ mình lấy cái áo tơi treo ở bếp, cả hai núp vào đấy rồi chuồn ra ngoài rừng cỏ chơi. Ý kiến hay đấy... rồi lão Dọi có đến lại tưởng là ma bắt đi thật. Ở ngoài rừng có mưa cũng không sợ bị ướt hay bị lạnh hơn ở đây...
Tôi đoán Liên đã thực hành việc đi trốn ấy vì trong một đoạn sau có tính cách than thở:
“Thực mình không ngờ anh Hạnh làm mình khóc nhiều đến thế. Mình rức đầu, đặt lên gối cũng đau nhưng nhất quyết không xin lỗi. Anh Hy ơi, anh bị người ta cho là thằng ma cà bông, người ta không cho anh ở gần hoặc ăn chung, anh với mình không đươc chơi với nhau nữa, họ bảo thế và dọa sẽ đuổi anh đi ra khỏi nhà này nếu chúng mình trái lệnh. Anh Hạnh lại còn mắng cả bố (sao anh ấy dám hỗn thế), mắng bố đã đối đãi với anh H. quá ư tử tế...”
Tôi bắt đầu díu mắt lại nằm dài trên giường ngủ thiếp đi. Từ lúc tôi biết đau khổ đến giờ chưa có một kỷ niệm nào ghê gớm bằng đêm ấy.
Tôi nằm mơ cùng đi với bác Dọi đến nhà thờ, có rất đông người nghe giảng đạo. Tôi thì tôi mệt lắm! Tôi vặn người, tôi ngáp, ngủ gật rồi tỉnh dậy. Tôi lấy tay thích bác Dọi để bác cho tôi biết bao giờ thì giảng xong. Rồi bỗng nhiên tất cả mọi người xúm quanh tôi, giơ gậy định đánh tôi. Trong lúc hỗn loạn những chiếc gậy định đập vào đầu tôi lại đập lầm vào sọ người khác. Nhà thờ vang lên chí chát những đòn tấn công và phản công. Rồi người giảng đạo đập tới tấp như mưa rào trên bàn giảng đạo, tiếng đập dữ dội làm tôi choàng dậy và cảm thấy người nhẹ nhõm hẳn.
Tại sao tôi lại mơ thấy chuyện đánh lộn nhau và người giảng đạo đập bàn? Thì ra chỉ tại một cành thông mỗi lần gió thổi lại chạm vào cửa sổ, quả thông cứng đập vào mặt kính!
Tôi lắng nghe một lúc, trong lòng ngờ ngờ vực vực, rồi tôi trở người, chập chờn ngủ tiếp và lại mơ, lần này còn tệ hại hơn.
Tôi nhớ ra mình đang nằm trong cái buồng bé tí bằng gỗ sồi và tôi nghe rõ ràng tiếng ào ào của gió tuyết cùng tiếng đập tới tấp của quả thông, tiếng động làm tôi bực mình quá và nhất định tìm cách làm cho nó im đi...tôi trở dậy định mở cửa sổ. Cái quả nắm lại gắn chặt vào ổ khoá.
“Nhất định phải mở...” tôi lẩm bẩm thế. Tôi đấm mạnh cho cửa kính vỡ rồi thò tay ra ngoài tìm cái cành thông khó chịu kia. Nhưng đáng lẽ nắm lấy cành thông thì ngón tay tôi lại nắm vào những ngón của một bàn tay nhỏ, lạnh như nước đá. Cả cái ghê sợ cực điểm của giấc mơ chiếm lấy người tôi: tôi cố kéo tay về nhưng bàn tay kia cứ bám chặt lấy và một tiếng nói giọng buồn thương vô hạn thổn thức: “Cho em vào! Cho em vào!” Tôi vừa gỡ cánh tay ra vừa hỏi: “Cô là ai?” Tiếng đáp lại run run: “Tôn Liên đây. Em đã tìm về nhà được. Em vừa bị lạc trong rừng cỏ.” Tiếng ấy tiếp tục nói và tôi thấy mơ hồ nét mặt của một người trẻ tuổi nhìn vào cửa sổ. Sự kinh hoàng khiến tôi trở nên độc ác. Biết là mình không thể gỡ tay ra nổi, tôi kéo cổ tay cô ta để lên miếng kính vỡ rồi cứa đi cứa lại cho đến khi máu chẩy ra đẫm ướt cả khăn giường. Tiếng nói vẫn rên rỉ: “Cho em vào” và bàn tay vẫn nắm chặt lấy tay tôi khiến tôi gần như điên lên vì kinh sợ. Sau cùng tôi bảo: “Tôi mở thế nào được nếu cô muốn vào cô phải bỏ tay tôi ra đã.” Các ngón tay thả lỏng ra, tôi vội rụt tay tôi vào, lấy sách chất đầy lên che lỗ hổng, rồi bịt tai lại để khỏi nghe thấy tiếng kêu than rên rỉ. Tôi đứng yên như thế độ mười lăm phút, song mỗi khi để ý nghe, lại thấy tiếng rên rỉ đau thương ấy tiếp tục. Tôi kêu lên: “Đi ngay đi, cô có van xin tôi trong hai mươi năm tôi cũng không cho cô vào.”
Tiếng nói lại rên rỉ: “Đã hai mươi năm rồi, hai mươi năm, đã hai mươi năm em đi lang thang.” Rồi tôi nghe như có tiếng cạo cạo ở ngoài và chồng sách động đậy như bị đẩy vào phía trong. Tôi định đứng lên, nhưng không sao cử động được tay chân: tôi hoảng sợ đến điên dại rồi gào thét ầm lên.
Tôi ngạc nhiên nhận thấy tiếng gào thét của tôi là có thực chứ không phải là tiếng trong một giấc mơ. Có tiếng bước nhanh về phía cửa phòng tôi; có ai đẩy mạnh cánh cửa rồi có ánh sáng lọt qua các lỗ vuông phía trên đầu giường. Tôi vẫn ngồi run lẩy bẩy, lau mồ hôi chảy trên trán. Người mới ở ngoài vào như lưỡng lự và tự nói với mình những tiếng rất nhỏ. Sau cùng người đó thì thầm hỏi nhưng có vẻ hỏi mà không đợi câu trả lời: “Có ai ở đây không?”
Tôi nhận ra tiếng đó là tiếng ông Hy, cần phải tỏ ra có mình ở đây, tôi vội quay người lại, mở hai cánh cửa lùa. Tôi khó quên được cảnh tượng lúc bấy giờ...
Ông Hy đứng ở gần cửa vào, một cây nến đương cháy rỏ giọt trên tay ông và mặt ông cũng trắng nhợt như bức tường phía sau. Tiếng động của cánh cửa làm ông choáng người như có điện giật [4] . Cây đèn nến tuột khỏi tay ông rơi xuống cách chân ông vài bước. Ông ta luống cuống đến nỗi khó khăn lắm mới nhặt được cây nến.
Muốn ông khỏi xấu hổ để lộ cho tôi biết quá lâu về tính rút rát của ông, tôi vội nói:
“Tôi đây ông ạ. Tôi mê sảng quá thành kêu ầm lên. Xin lỗi ông, đã làm phiền tới ông.”
Ông Hy đặt cây đèn cầy xuống ghế vì ông ta biết khó lòng cầm nó vững:
“Trời hại ông! Tôi muốn ông sa ngay xuống...”
Ông ta nắm chặt hai bàn tay, nghiến răng lại để quai hàm khỏi cựa quậy:
“Thế ai đưa ông vào buồng này. Ai? Tôi muốn tống cổ nó đi ngay lập tức.”
Tôi vơ quần áo vừa mặc vội vàng vừa đáp:
“Chị Dị, tôi cũng không áy náy nếu ông đuổi chị ấy đi. Đáng đời lắm. Chắc chị ta muốn dùng tôi để thử một lần nữa xem cái buồng này có ma không. Thế mà có ma thật, vô số là ma. Ông khóa cửa là phải lắm. Ai mà ngủ được trong cái ổ quỷ này.”
“Ông định nói gì. Nếu ông đã vào đây thì ông cứ đi ngủ cho hết đêm nhưng xin ông đừng làm rầm lên như thế nữa; tôi không thể tha thứ ông được nữa, chỉ trừ khi nào ông đương bị người ta cắt cổ.”
Tôi cự lại:
“Nếu con ma ấy vào lọt cửa sổ thì chắc chắn nó sẽ bóp cổ tôi. Tôi không chịu được những sự hành hạ của ông bà ông vải nhà ông nữa. Còn cái cô lắm nhời, Tôn Liên, Yên Liên gì đó... thì ngớ ngẩn và linh hồn chưa thoát: cô ấy bảo tôi cô ấy đi lang thang đã hai mươi năm nay. Tôi chắc lúc còn sinh thời đã phạm nhiều tội lỗi nên bây giờ mới bị trừng phạt như vậy. Thật là đáng kiếp!”
Tôi vừa nói xong miệng mới chợt nhớ là trong một cuốn sách có đoạn nói lẫn lộn hai tên Hy và Liên. Câu chuyện đó tôi đã quên hẳn nay bỗng vụt nhớ ra. Tôi lấy làm xấu hổ là mình đã hớ. Nhưng tôi nói tiếp theo luôn, làm như mình không biết đã làm ông ta mất lòng.
“Sự thực ra, tôi đã đọc rất lâu...”
Tôi ngừng lại. Thật ra tôi định nói: “đọc rất lâu các cuốn sách cũ này”, nhưng nếu nói thế thì tỏ ra ngay là tôi đã đọc những đoạn viết tay chua trong sách. Tôi nói xoay ra:
“Đọc rất lâu những chữ chạm trên thành cửa.”
Ông Hy nói bằng một giọng to như sấm và hết sức hung hăng:
“Ông nghĩ gì mà nói với tôi như thế. Tại sao... tại sao ông dám... mà lại ngay ở nhà tôi...? Trời ơi, phải là điên rồ mới nói như vậy.”
Rồi ông ta tự đấm vào trán mình như cuồng dại.
Tôi tiếp tục kể lại giấc mơ, rồi quả quyết rằng trước kia chưa từng nghe tên Tôn Liên, song chỉ vì đọc nhiều quá, đọc đi đọc lại mãi nên tên đó biến thành người thật. Trong lúc tôi kể ông Hy lùi dần mãi vào náu trong góc phòng có cái giường, ông ta ngồi xuống gần như khuất trong đó. Nhưng nghe hơi thở hổn hển tôi đoán ông ta đang cố sức chống lại một sự cảm động mãnh liệt. Không muốn cho ông ta biết là tôi hiểu thấu sự rối loạn trong tâm hồn ông, tôi mặc quần áo nhìn đồng hồ rồi nói một mình:
“Chưa đến ba giờ, thế mà mình tưởng là sáu giờ. Thời gian ở đây sao mà dài thế. À chắc là tối hôm qua mới tám giờ chúng mình đã đi ngủ.”
Ông Hy cố nén cho khỏi rên lên và cất tiếng nói:
“Về mùa đông bao giờ cũng đi ngủ tám giờ tối và bốn giờ sáng đã dậy.”
Nhìn cái bóng tay cử động tôi đoán ông ta đương gạt nước mắt.
Ông Hy nói tiếp:
“Tiếng kêu của ông đã làm tôi mất cả buồn ngủ, ông cầm đèn rồi ông đi về phòng tôi hay ông muốn đi đâu thì đi, lát nữa tôi sẽ xuống. Ông nên tránh đi ra sân vì lũ chó, còn buồng khách thì có con chó vàng, còn... nhưng thôi ông đi quanh ở cầu thang... ông đi ra ngay! Độ hai phút tôi sẽ ra tìm ông.”
Tôi nghe theo bước ra khỏi buồng, rồi không biết đường lối đi về đâu, tôi ngừng lại và vô tình được chứng kiến một cảnh mê tín rất mâu thuẫn ở một người có lương tri như ông. Ông ta trèo lên giường, dùng sức mở cửa sổ và trong lúc kéo cánh cửa, ông không tự nén được, oà lên khóc nức nở: “Vào! Vào đây! Liên ơi! Vào đi! Em, vào đi... chỉ một lần này thôi, em yêu dấu của anh! Lần này nghe anh đi, em Liên!”
Nhưng hồn ma không thấy hiện. Chỉ có tuyết có gió lồng lộng ùa vào dữ dội, thổi vào tận chỗ tôi đứng và làm nến phụt tắt. Trong cơn mê sảng của ông Hy, tôi thấy có cái gì đau đớn não nuột quá, khiến tôi thương cảm ông và quên cả sự cuồng dại của ông. Tôi đi ra xa, hơi hối là đã trót nghe, dẫu nghe rất ít, và tiếc rằng đã kể giấc mộng vô lý của mình ra. Chính cái giấc mộng đó đã làm ông ta bị mê sảng nhưng vì cớ gì thì tôi không rõ. Tôi mò mẫm đi xuống dưới nhà, và đi vào một căn bếp. Một vài cây củi vẫn còn than hồng tôi liền lấy lửa thắp nến lên. Một con mèo xám từ đống tro bò ra, kêu “meo” một tiếng cáu kỉnh.
Tôi nằm xuống ghế dài vừa bắt đầu thiu thiu thì có bác Dọi vào. Bác nhìn vào ngọn lửa tôi vừa nhóm, đôi mắt trông rất ác. Bác đuổi con mèo đi ngồi vào chỗ của nó và lấy ống điếu ra nhồi thuốc. Bác ta yên lặng đặt đầu điếu vào môi, khoanh hai cánh tay lại và thở khói lên trời. Tôi để mặc bác ta yên ổn hưởng cái thú vị khoái trá ấy. Sau khi thở phì xong hơi khói cuối cùng, bác thở dài một cái rồi đi ra cũng đĩnh đạc như khi bước vào.
Sau lại có tiếng chân bước rảo hơn, tôi định mở miệng chào, nhưng rồi ngăn lại vì thấy Hạ đương “cầu kinh” bằng cách lẩm bẩm hàng tràng tiếng chửi rủa những vật mà anh ta sờ vào. Anh ta nhìn vào chỗ tôi nằm, chắc anh ta chẳng nghĩ đến chào tôi, cũng như chẳng bao giờ anh ta nghĩ đến chào một con mèo cả. Anh ta lấy cái thuổng cầm tay gõ vào một cánh cửa và chỉ cho tôi bằng một tiếng gầm gừ rằng nếu tôi muốn sang phòng khác thì phải đi về phía ấy.
Cửa đó đi vào phòng lớn, chị Dị đương thổi bễ cho ngọn lửa to lên. Cô nàng dâu ông Hy thì ngồi cạnh lửa, chăm chú đọc sách, chỉ thỉnh thoảng ngừng lại mắng chị Dị đã làm bắn tia than vào đầy người nàng, hoặc đẩy con chó chốc chốc lại chọc mũi vào mặt nàng. Tôi lấy làm ngạc nhiên thấy ông Hy cũng có đó, đứng quay lưng về phía tôi: ông vừa mới mắng chị Dị một trận dữ dội vì chị ta chốc chốc lại ngưng làm việc, nhấc một góc khăn quàng ngực quyệt nước mắt và khóc than rền rĩ.
Trong lúc tôi đi vào thì ông Hy quay lại phía nàng dâu và thốt ra một tiếng rủa không lấy gì tệ hại lắm, nhưng nếu hạ bút viết thì phải thay vào bằng mấy cái chấm...
“Còn cô ả này, cô ả khốn nạn này nữa...cô cứ ngồi khểnh ra đó mà vớ vẩn. Ở nhà này ai cũng làm việc cả; có làm thì mới có ăn chứ... Còn cô, thì cô chỉ ăn bám vào tôi thôi. Quẳng những cái nhảm nhí ấy đi rồi tìm việc mà làm đỡ người khác, nghe rõ chưa, đồ mặt dầy!”
Cô nàng dâu gấp sách lại quẳng trên ghế:
“Tôi sẽ ném những sách nhảm nhí này đi, nếu không thì ông lại áp chế tôi, nhưng nếu ông cứ còn quen miệng nguyền rủa mãi thì tôi thích làm cái gì tôi sẽ làm cái ấy.”
Ông Hy giơ tay lên; nàng vội chạy ra xa, rõ ràng là nàng đã biết rõ sức mạnh của bàn tay ấy. Không muốn chứng kiến một cuộc đối chọi giữa chó và mèo, tôi vội vàng tiến lên làm như chỉ muốn đến sưởi ấm, chứ không biết gì đến cuộc cãi nhau vừa ngừng. Mọi người đều có đủ lịch sự để ngừng cuộc xung đột. Ông Hy đút nắm tay vào túi để khỏi bị quyến rũ dùng đến nó. Cô nàng dâu thì bĩu môi rồi đến ngồi ở cái ghế xa, giữ đúng lời hứa và ngồi yên như tượng, trong lúc tôi còn ở lại. Cũng không lâu la gì cho lắm: tôi từ chối lời họ mời ăn điểm tâm và khi trời bắt đầu hửng sáng, tôi vội vàng tìm dịp đi ra ngoài; trời bây giờ sáng, yên tĩnh và lạnh như nước đá.
Tôi gần đi đến cuối vườn thì ông Hy gọi tôi dừng lại rồi đề nghị dẫn đường cho tôi qua rừng cỏ.
Chúng tôi nói chuyện rất ít, và khi đi đến trước cửa rừng cỏ trại Họa Mi Trang, ông ta ngừng lại nói là bây giờ thì tôi không thể lạc đường được nữa. Chúng tôi chào nhau bằng mấy lời vắn tắt. Từ ở cửa rừng đến trại có hơn ba cây số, tôi đi mất gần bẩy cây, luôn luôn lạc lối ở ngoài đám cây, và có khi thụt vào trong tuyết ngập đến cổ. Mãi tới trưa tôi mới về tới nhà, thành thử mỗi cây số rưỡi tôi phải đi mất một tiếng đồng hồ.
Mọi người ở nhà đã tưởng tôi chết từ đêm trước và họ đương bối rối không biết làm thế nào để đi tìm đem được xác tôi về.

<< Chương 2 | Chương 4 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 932

Return to top