Qua ngày thứ năm, vào lúc buổi sáng hay trưa gì đó, tôi nghe có tiếng chân khác lạ... nhẹ hơn... ngắn hơn... và lần này vào hẳn trong phòng. Thì ra là chị Dị, đầu đôi mũ lụa đen, quàng khăn san đỏ thắm, tay xách một chiếc giỏ mây. Dị kêu lên:
“Ơ kìa! Trời ơi! Bà Diễn! Thế mà ở Diên Mễ Tôn người ta đồn ầm lên về bà làm tôi cứ ngỡ bà với cô nhà bị chết đuối trong đầm Ngựa Đen, mãi cho đến khi ông chủ nói tôi mới biết là ông ấy tìm thấy bà và đưa bà về đây. Trời đất! Chắc bà đã ngoi lên được chỗ đất cao? Bà bị ở dưới đầm bao lâu? Có phải ông chủ đã cứu được bà không, bà Diễn? Nhưng trông bà chả gầy đi mấy... Bà có đau đớn gì không?”
“Ông chủ của chị đúng là đồ khốn kiếp. Ông ấy phải chịu trách nhiệm về việc này. Ông ấy khỏi cần bịa chuyện... tôi sẽ phơi trần ra hết."
Dị hỏi:
“Sao? Bà nói như vậy là sao? Chuyện đó đâu phải ông chủ nói ra. Ở trong làng người ta đồn mà. Người ta bảo bà bị mất tích trong đầm. Lúc về đây tôi bảo Hạ: “Này chú Hạ, từ hôm tôi đi vắng có nhiều chuyện kỳ lạ xẩy ra. Tội nghiệp cho cô bé xinh đẹp ấy và bà quản gia Diễn.” Hạ trố mắt nhìn tôi. Tưởng chú ấy không biết chuyện, tôi kể cho chú ấy nghe. Ông chủ tôi nghe thấy, ông cười bảo tôi: “Nếu họ có bị chìm dưới đầm thì bây giờ đã ngoi lên được rồi. Này chi Dị, bà Diễn đương ở trong buồng chị đó. Chị có lên thì bảo bà ấy ra, trả lại phòng cho chị. Đây, chìa khóa đây. Bị ngấm nước đầm vào đầu, giá bà ấy có chạy về nhà cũng mất trí thôi, may mà tôi giữ bà ở lại đây cho tỉnh trí lại. Chị có thể bảo bà ấy nếu còn đủ sức thì về ngay Họa Mi Trang và cho tôi nhắn là cô chủ bà ấy sẽ về sau, thế nào cũng về kịp dự đám tang ông địa chủ.”
Tôi kêu lên:
“Ôi! Chị Dị! Chị Dị! Cậu Kha chưa chết chứ?”
Dị đáp:
“Chưa, chưa chết đâu... Bà hãy ngồi xuống đi, bà chưa khỏe hẳn đây mà. Ông ấy chưa chết. Đốc tờ Kiên bảo ông chủ bên ấy có thể sống thêm một ngày nữa. Tôi vừa gặp ông Đốc và hỏi chuyện ông ở trên đường cái."
Thay vì ngồi xuống, tôi quơ vội chiếc áo choàng chạy ngay xuống thang và thấy không bị cản trở. Vào phòng dưới, tôi nhìn quanh xem có ai để hỏi tin tức về Liên. Trong nhà tràn đầy ánh nắng, cửa bỏ ngỏ, không có người nào hết. Tôi đương lưỡng lự không biết về ngay hay nên quay lại tìm Liên thì một tiếng ho nhẹ làm tôi chú ý quay nhìn về phía lò sưởi. Tôn đang nằm trên ghế, một mình trong phòng, miệng ngập que kẹo, dửng dưng theo dõi từng cử động của tôi.
Cho là vớ được nó ngồi một mình như thế này có thể nạt cho nó sợ mà khai ra, tôi nghiêm nghị hỏi:
“Cô Liên đâu?”
Nhưng nó lờ đi, tiếp tục mút kẹo. Tôi hỏi thêm:
“Liên đi rồi sao?”
“Không. Liên trên gác. Không đi đâu được. Chúng tôi không để nó đi."
Tôi kêu lên:
“Chú không để cho cô ấy đi? Ngốc chưa! Dẫn tôi lên phòng đi, nếu không sẽ biết tay tôi!”
“Cứ thử lên xem nào. Ba sẽ cho vú biết tay ngay lập tức. Ba bảo tôi không thể nhu nhược với Liên được... Liên là vợ tôi. Thực nhục nhã nếu Liên bỏ tôi đi. Ba bảo Liên ghét tôi, chỉ mong tôi chết để lấy tiền của tôi. Nhưng đừng hòng lấy được. Cũng không thể về nhà được. Không bao giờ về được! Liên muốn kêu la, đau ốm tha hồ, tùy thích!”
Nói xong, nó lại mút kẹo, hai mắt lim dim như muốn ngủ. Tôi nói:
“Này chú Tôn, chú quên là Liên đã đối xử tử tế với chú mùa đông năm ngoái khi chú nói chú yêu Liên rồi sao? Chú quên rằng Liên đem sách cho chú coi, ca hát cho chú nghe, dù trời mưa gió lớn cũng đến thăm chú luôn sao? Thế mà bây giờ chú lại tin vào những lời bịa đặt của ba, dù chú biết là ba chẳng ưa gì cả hai người. Chú đã về hùa với ba chống lại Liên. Chú trả ơn như thế, thật quý hoá quá nhỉ?”
Hai bên mép Tôn xệ xuống. Nó nhả chiếc kẹo que ra. Tôi nói tiếp:
“Chú cứ nghĩ mà xem. Có phải vì ghét chú mà Liên tới Gió Hú không? Còn về tiền của chú thì Liên đâu có biết là chú có hay không? Chú vừa bảo Liên đang bị ốm, thế mà chú nỡ để Liên một mình trên lầu trong một căn nhà xa lạ! Chính chú là người hiểu hơn ai hết nỗi khổ của một người bị bỏ rơi không ai săn sóc. Khi chú bị bỏ rơi, chú đau khổ, Liên thương chú. Còn Liên bị đau khổ thì chú lại dửng dưng. Tôi đang ứa nước mắt, chú thấy đấy... mà tôi chỉ là một người làm công thôi, một phụ nữ lớn tuổi; còn chú thì sau khi cầu xin tình yêu đến lúc được yêu đáng lẽ phải tôn thờ Liên thì chú chỉ dành hết nước mắt cho riêng chú, chú dửng dưng với Liên, nằm ung dung tự mãn. Chú thật là ác tâm ích kỷ!”
Tôn cáu kỉnh gắt:
“Tôi không thể ở được với cô ấy. Cứ khóc hoài làm sao tôi chịu nổi. Tôi dọa gọi ba, cô ấy cũng chẳng nín. Mà có lần tôi gọi thật. Ba dọa bóp cổ cô ấy, nhưng khi ba đi khỏi cô ấy lại khóc lóc, rên rỉ, than vãn suốt đêm, tôi có bực mình thét lên vì không ngủ được cũng thế thôi.
Thấy cái thằng khốn nạn không động lòng trước nỗi khốn khổ của Liên, tôi hỏi:
“Ông Hy có nhà không?”
“Ba ở ngoài sân nói chuyện với ông đốc Kiên. Ông Đốc bảo bác tôi sắp chết đến nơi rồi. Như thế cũng mừng vì sau khi ông ấy chết tôi sẽ là chủ Họa Mi Trang. Liên thì cứ bảo đó là nhà của cô ấy. Không phải đâu! Của tôi đấy! Ba bảo mọi thứ cô có đều là của tôi. Tất cả những cuốn sách hay ho của Liên cũng là của tôi. Mới tối hôm qua, Liên dụ tôi. Nếu tôi lấy đưọc chìa khóa mở cửa cho Liên ra thì Liên sẽ cho tôi tất cả sách, cả những con chim đẹp và con Minh Nhi nữa, nhưng tôi bảo Liên rằng cô ta đâu còn gì nữa mà đòi cho tôi. Tất cả là của tôi hết. Thấy tôi nói thế, Liên lại khóc và tháo sợ dây chuyền có tấm hình nhỏ đeo ở cổ ra, bảo tôi không được lấy cái ấy. Đó là hình mẹ Liên một bên, bác tôi một bên hồi còn trẻ. Tôi trả lời là hình ấy cũng là của tôi và định giằng lấy, nhưng cái bà chằn ấy không chịu, đẩy tôi ra làm tôi đau điếng. Tôi hét toáng lên làm cô ta hoảng sợ. Nghe tiếng ba tôi đi tới, Liên bẻ cái khung, xé tấm hình cho tôi nửa có hình mẹ. Liên định dấu nửa kia đi, nhưng sau khi nghe tôi kể chuyện, ba tước mảnh hình tôi đang cầm tay và bảo Liên phải đưa mảnh kia ra. Liên không chịu. Ba đánh Liên ngã xuống, giằng lấy hình vứt xuống đất, lấy chân di lên.
Tôi có những lý do để xúi nó nói thêm, nên tôi hỏi:
“Thế chú có bằng lòng nhìn thấy Liên bị đánh không?”
“Tôi nhắm mắt làm lơ. Giống như mỗi khi thấy ba đánh con chó hay con ngựa. Ba đánh mạnh tay lắm. Lúc đầu tôi cũng thấy khoái thấy Liên bị phạt vì cái tội đã đẩy tôi làm tôi đau. Nhưng khi ba đi rồi, Liên kéo tôi lại cửa sổ chỉ cho coi má bị va vào răng rách ở bên trong, mồm đầy máu. Rồi Liên nhặt các mảnh hình lên, ngồi quay mặt vào tường, không nói với tôi một lời từ đó. Có lúc tôi tưởng là vì đau nên Liên không nói được. Tôi không thích thế. Cô ấy thật khó bảo, cứ khóc mãi thôi. Trông Liên xanh như tàu lá và dữ tợn quá làm tôi sợ muốn điên lên được.
“Nếu cần chìa khóa, chú có lấy được không?”
“Được chứ. Ở trên lầu, tôi lấy được. Còn bây giờ tôi không thể lên cầu thang được.
“Để ở phòng nào?”
Nó kêu lên:
“Ô! Tôi không nói cho vú biết đâu. Bí mật của chúng tôi mà! Hạ, Dị không ai biết cả. Đấy! Vú làm tôi mệt đừ rồi đấy... Vú đi chỗ khác đi!”
Nói xong nó lấy cánh tay che mặt. Tôi nghĩ tốt nhất là không gặp Hy nữa, đi thẳng về Họa-Mi-Trang, kêu người tiếp viện đến giải cứu cho Liên.
Thấy tôi về, tất cả mọi người làm trong Họa Mi Trang đều sửng sốt và mừng rỡ. Khi biết cô chủ của họ đều bình yên, hai ba người định chạy đi báo tin cho cậu Kha, nhưng tôi muốn tự mình làm việc ấy.
Mới có mấy ngày mà cậu tôi đã đổi khác hẳn. Cậu nằm chờ chết, nét mặt buồn thiu, cam phận. Nom cậu rất trẻ. Tuy tuổi thật của cậu là ba mươi chín, người ta có thể đoán cậu trẻ hơn mười tuổi là ít. Cậu đang nghĩ đến Liên vì miệng lẩm bẩm gọi tên cô. Tôi cầm lấy tay cậu, dịu dàng nói:
“Liên sắp về tới, cậu ạ. Liên vẫn bình yên, chỉ nội tối nay là về đến đây."
Tôi hoảng hồn vì tác động của mấy lời nói giản dị của tôi. Cậu Kha nhỏm dậy một chút, ánh mắt khao khát nhìn quanh phòng rồi nằm vật xuống ngất đi. Khi cậu tỉnh lại, tôi kể cậu nghe chuyện chúng tôi bị cưỡng bách vào trại Gió-Hú và bị cầm chân ở đó - điều này không hoàn toàn đúng sự thực - Tôi kết tội Tôn rất ít, cũng không kể hết những hành vi tàn ác bạo ngược của cha nó. Chủ đích của tôi là nếu có thể tôi tránh để thêm vị đắng cay vào cái ly đã tràn đầy mùi tân khổ.
Cậu Kha đoán chừng một trong những mục đích của kẻ thù địch là chiếm cho con trai hắn - hay cho hắn thì đúng hơn - hết thẩy của cải riêng, cùng cái bất động sản Họa Mi Trang này. Nhưng tại sao vì lẽ gì Hy không đợi đến khi cậu nhắm mắt? Đó là điều cậu chủ tôi không thể hiểu nổi. Cậu tôi đâu có biết rằng Tôn và cậu, cả hai bác cháu, đều sẽ lìa đời trước sau chẳng cách nhau bao lâu. Dẫu sao cậu tôi thấy nên sửa lại bản chúc thư: thay vì để lại tài sản cho Liên tùy ý sử dụng, cậu quyết định giao cho mấy người thụ thác di sản thâu hoa lợi cho Liên hưởng dụng suốt đời và sau Liên lại đến con Liên hưởng dụng.
Bằng cách ấy, nếu Tôn có chết đi thì tài sản không lọt vào tay Hy.
Nhận được lệnh của Kha, tôi phái một người đi mời ông Chưởng Lý và bốn người khác đầy đủ vũ khí đi giải cứu cô tôi khỏi tay tên cai ngục ác ôn. Cả hai việc đều gặp khó khăn chậm trễ. Người được sai đi một mình về trước, nói rằng ông Lục, người đại diện pháp luật, đi vắng, nó phải chờ mất hai tiếng đồng hồ. Khi ông Lục về thì lại bảo ông ấy bận một việc gấp trong làng, hẹn sáng sớm mai sẽ có mặt tại Họa Mi Trang. Còn bốn người kia cũng về không, nói rằng Liên đang đau không ra khỏi phòng được và ông Hy không cho chúng gặp mặt Liên. Mấy người đó ngu độn quá, sao lại có thể tin được lời Hy? Tôi mắng cho một trận nhưng không dám nói lại cho cậu tôi biết. Tôi định bụng sáng hôm sau sẽ dẫn cả một tiểu đội đến tấn công Trại Gió Hú, nếu hắn không giao trả cô tôi. Nhất định cha Liên phải được gặp mặt Liên, tôi thề như vậy. Nếu cần tôi sẽ giết ngay cái thằng ác ôn ở cửa nhà hắn, nếu hắn chống lại.
May quá, tôi khỏi cần phải kéo quân đi và cũng khỏi phải giết người. Ba giờ sáng, tôi xuống nhà lấy một bình nước, khi đi qua phòng ngoài thì có tiếng gõ cửa mạnh làm tôi giật bắn người. Tôi nghĩ: “Chắc là ông Lục. Chỉ có ông Lục chứ không ai.” Tôi định đi gọi người ra mở cửa. Nhưng tiếng đập cửa lại dồn dập tuy không mạnh lắm. Tôi đặt bình nước xuống chạy ra mở cửa cho ông ta vào. Bên ngoài trăng ngày mùa sáng vằng vặc. Không phải là ông Chưởng Lý, mà là cô chủ thân yêu của tôi. Cô nhẩy lên bá cổ tôi, nức nở:
“Vú Diễn! Vú Diễn! Ba còn sống không?”
“Còn, còn, cưng ơi, ba còn sống. Đội ơn Chúa, cưng đã về bình yên!"
Còn đang thở hổn hển, Liên đã định phóng lên lầu thăm bố, nhưng tôi bắt ngồi xuống ghế, cho uống nước và rửa mặt cho. Mặt Liên xanh mét, tôi dùng khăn chà cho hồng hào lên đôi chút. Rồi tôi bảo Liên đợi tôi lên báo cho Kha biết trước. Tôi năn nỉ Liên nói với cậu rằng lấy Tôn nàng sẽ được sung sướng. Liên có vẻ ngạc nhiên nhưng nàng hiểu ngay vì sao tôi lại khuyên nàng nói dối. Cô bảo tôi cứ yên trí, cô sẽ không phàn nàn đâu.
Tôi không có can đảm chứng kiến cảnh gặp gỡ của hai cha con Liên. Tôi đứng ngoài cửa phòng khoảng mười lăm phút đồng hồ rồi mới vào và hầu như không dám tiến lại gần giường. Tất cả đều câm lặng. Nỗi tuyệt vọng của Liên cũng câm nín như niềm vui sướng của cha cô. Liên đỡ lấy cha một cách bình tĩnh lạ thường, còn cha cô thì dán mắt nhìn con gái, đôi mắt mở to, gần như căng ra vì sung sướng.
Ông Lộc ạ, cậu Kha tôi đã lìa đời trong niềm hạnh phúc. Thưa, đúng là hạnh phúc. Cậu ôm lấy con gái, khẽ nói:
“Ba đi theo mẹ. Còn con, con yêu của ba, con sẽ theo ba mẹ sau..."
Rồi cậu không cử động nữa, cũng không nói nữa, nhưng đôi mắt vẫn không rời Liên, ánh mắt say mê rạng rỡ, cho đến khi tim cậu ngưng đập lúc nào không ai hay biết và hồn cậu phiêu diêu thoát tục... Không một ai có thể nói rõ cậu chết đúng vào lúc nào vì cậu đi tuyệt đối êm ả, bình thản.
Liên, hoặc là nàng đã cạn khô nước mắt, hoặc vì quá đau khổ đến độ không còn rơi lệ được nữa, nàng ngồi đó mắt ráo hoảnh cho đến lúc mặt trời mọc. Nàng còn ngồi mãi đến trưa. Và nếu tôi không lôi nàng đi, bắt nàng phải nghỉ ngơi đôi chút, thì chắc nàng còn ngồi mãi đó trầm mặc bên giường người chết. Cũng may mà tôi dỗ được nàng đi vì tới giờ ăn chiều thì ông Chưởng Lý tới. Ông được mời đến để sửa chữa chúc thư của người hấp hối, nhưng ông đã tự bán mình cho Hy. Ông đã đến Gió Hú để nhận chỉ thị của hắn. Đó là nguyên nhân vì sao ông ta trì hoãn không đến ngay khi chủ tôi cho gọi. Rất may là đã không có một chuyện thế sự phiền não nào quấy rối tâm trí chủ tôi sau khi ông gặp mặt con gái.
Ông Lục nắm hết quyền và chỉ huy hết thẩy mọi người trong nhà. Ông cho nghỉ hết đầy tớ, trừ có mình tôi. Ông lại còn muốn vượt quá giới hạn quyền hành được trao phó là không cho chôn chủ tôi bên cạnh vợ mà bắt chôn trong nghĩa trang gia tộc. Tuy nhiên chúc thư đã chống lại việc đó và tôi cũng cực lực phản đối tất cả những điều trái với các khoản ghi trong chúc thư. Người ta hối thúc làm đám táng mau lẹ và Liên - từ nay là bà Tôn - đuợc phép ở lại Họa Mi Trang cho đến khi chôn cất cha xong.
Liên kể cho tôi nghe là cuối cùng thấy nàng quá sầu não đau khổ, Tôn đã liều quyết định thả nàng ra. Nàng cũng nghe thấy được mấy người tôi sai đến làm ầm lên ở cửa và hiểu ý câu trả lời của Hy nên nàng thất vọng cùng cực. Sau khi tôi về, Tôn được đưa lên lầu ở trong phòng khách nhỏ. Thấy tình trạng của Liên nó hoảng sợ đi lấy chìa khoá trước khi cha nó lên. Nó ranh mãnh mở khóa rồi vặn lại khoá mà không đóng cửa. Đến giờ đi ngủ nó đòi nằm với Hạ và đó là lần đầu tiên nó được ngủ như vậy. Giữa đêm, trước khi trời sáng, Liên trốn đi. Nàng không dám ra đằng cửa lớn sợ gây tiếng động chó sủa ầm lên. Liên đi qua các phòng bỏ trống, xem xét các cửa sổ. May mà nàng thoát ra được qua cửa sổ phòng mẹ nàng ở hồi trước, vin cành thông tụt xuống đất. Mặc dù đã bầy đặt những mưu kế ngây thơ, tên tòng phạm của nàng đã phải gánh chịu khổ trong việc tiếp tay cho nàng trốn thoát.
Chương XXIX Chiều tối hôm đưa đám. Liên và tôi ngồi trong phòng đọc sách buồn rầu suy nghĩ về cái tang và ước đoán chuyện tương lai còn mờ mịt.
Cả hai chúng tôi đều mong là Liên và Tôn được phép ở Họa Mi Trang, ở tới hết đời Tôn và có tôi làm quản gia. Cách thu xếp đó quá tốt nên tôi thấy khó mà thành tựu. Tuy vậy tôi vẫn nuôi hy vọng và thấy vui vui trong lòng khi nghĩ tới chuyện tôi được ở lại trong nhà, không mất công ăn việc làm mà lại không phải xa cô chủ trẻ đẹp đáng yêu của tôi.
Đương lúc ấy, một anh đầy tớ (trong số người bị sa thải nhưng chưa đi) hốt hoảng chạy vào kêu “tên quỷ Hy” đã tới, đang đi vào sân, có nên đóng sập cửa vào mặt hắn không?
Giá chúng tôi có điên mà sai anh ta làm như thế cũng chả kịp. Hy phăng phăng đi thẳng vào nhà. Hắn không thèm gõ cửa, không đợi thông báo, vì hắn bây giờ là chủ, hoặc giả tự cho mình có quyền một ông chủ. Tiếng nói của anh đầy tớ khiến Hy tiến thẳng tới vào phòng sách và ra lệnh anh ta đi ra rồi đóng xầm cửa lại.
Phòng sách ấy là nơi hắn được giới thiệu như một người khách mười tám năm về trước. Vẫn vầng trăng ấy chiếu qua cửa sổ. Vẫn cảnh thu ấy ở bên ngoài. Chúng tôi chưa thắp đèn, nhưng trong phòng còn sáng. Ngay cả mấy tấm hình treo trên tường vẫn rõ từng nét: khuôn mặt kiều diễm của mợ Kha, khuôn mặt tao nhã của cậu Kha.
Hy tiến tới bên lò sưởi. Thời gian không làm cho hắn thay đổi bao nhiêu. Vẫn con người thuở xưa. Có khác chăng là bộ mặt đen đúa có phần tái xạm hơn, nghiêm nghị hơn và vóc dáng nặng nề hơn, thế thôi.
Thoạt trông thấy hắn, Liên đứng bật dậy. Linh tính xui nàng chạy trốn. Nhưng hắn giang tay giữ nàng lại:
“Đứng yên đấy! Không được trốn! Định đi đâu hử? Tôi đến kiếm cô để về nhà. Tôi mong cô sẽ là một đứa dâu dễ bảo và đừng có xúi con tôi làm điều ngỗ nghịch. Tôi biết nó nhúng tay vào việc cô bỏ trốn, tôi phân vân không biết nên trừng phạt nó cách nào. Nó chẳng khác nào một cái lưới nhện, chỉ khẽ đụng vào là rách nát ra. Nhưng trông thấy nó, cô sẽ biết ngay là nó đã đền tội. Chiều hôm kia, tôi đem nó xuống dưới nhà đặt ngồi trên ghế, sau đó không hề đụng tới nó. Có thế thôi! Tôi đuổi Hạ ra ngoài, chỉ có mình nó với tôi trong phòng. Hai giờ sau tôi kêu Dọi dẫn nó lên lầu. Và từ lúc đó, đầu óc nó bị hình ảnh tôi ám ảnh như một bóng ma. Tôi đồ rằng nó luôn luôn thấy tôi trước mắt, kể cả lúc tôi không có mặt. Hạ nói ban đêm nó giật mình thức dậy, kêu thét cả tiếng đồng hồ, gọi cô che chở cho nó khỏi sự hành hạ của tôi. Chả biết cô có ưng chồng cô hay không nhưng cô phải về. Bây giờ cô phải lo cho nó. Tôi giao cho cô công việc săn sóc nó đấy."
Tôi lên tiếng phản đối:
“Sao cậu không để Liên tiếp tục ở đây và cho chú Tôn sang bên này? Cậu ghét cả hai người, như vậy cả hai đi cho khuất mắt cậu. Có họ ở gần chỉ thêm rầy rà cho cậu thôi."
Hy đáp:
“Tôi đang kiếm người cho thuê Họa Mi Trang. Và tôi cần có con cái ở bên cạnh... Hơn nữa, con nhỏ này phải phục dịch tôi để đổi lấy cơm ăn áo mặc. Tôi không muốn nó sống xa hoa, ăn không ngồi rồi, sau khi thằng Tôn chết. Thôi sửa soạn nhanh lên rồi đi, đừng bắt tôi phải bức bách cô.”
Liên nói:
“Tôi sẽ sang bên đó. Bây giờ tôi chỉ còn có Tôn để yêu thương trên đời, mặc dù ông đã cố công làm cho Tôn ghét tôi và tôi ghét Tôn. Ông không thể làm cho chúng tôi thù ghét nhau được. Tôi thách ông làm tôi sợ. Tôi thách ông làm khổ Tôn khi có tôi ở bên cạnh."
“Cô chỉ được cái nói thánh nói tướng. Nhưng tôi đâu có ưa cô đến độ hành cho nó đau đớn chỉ để làm vui lòng cô. Chính cô sẽ nếm mùi đau khổ... Không phải tôi là người làm cho cô thấy thằng Tôn đáng ghét mà chính cái bản tính của nó trở thành đáng ghét với cô. Hậu quả việc cô chạy trốn làm nó cay đắng... Đừng hy vọng người ta cám ơn sự tận tâm của cô. Tôi nghe nó nói với Dị về cái chương trình thú vị nó sẽ thực hiện nếu nó cũng khỏe như tôi... Nó có sẵn ý định thì việc thực hiện đâu khó gì, càng yếu sức thì đầu óc nó lại càng tinh khôn để bù đắp lại."
“Tôi biết Tôn có bản chất xấu. Nó là con ông mà! Nhưng tôi mừng là mình có thiện tâm để tha thứ choTôn. Vả tôi biết Tôn yêu tôi, vì thế mà tôi mới yêu lại. Còn ông, ông Hy, ông chẳng có ai yêu ông cả. Dù ông có làm chúng tôi điêu đứng đến đâu, ông vẫn là người đau khổ hơn chúng tôi và tính độc ác của ông cũng do đấy mà sinh ra. Ông đang đau khổ, phải không nào? Không ai yêu ông. Không ai thèm khóc ông khi ông chết. Thật tôi không muốn ở cương vị ông chút nào!”
Liên nói với một vẻ đắc thắng nhưng buồn bã. Hình như nàng quyết định bắt chước tâm tính mấy người bên nhà chồng, lấy nỗi đau khổ của kẻ thù làm nỗi vui cho mình.
Hy kêu lên:
“Cô mà còn nấn ná thêm một phút nữa là lãnh đủ ngay. Đi ra! Đồ yêu tinh! Đem theo quần áo nữa!”
Liên, vẻ mặt khinh khỉnh, đi khỏi. Nhân lúc không có nàng tôi xin hoán đổi chỗ làm với Dị bên Gió-Hú, nhưng hắn không muốn nghe chuyện đó. Hắn quát tôi im. Rồi, hắn đảo mắt quanh phòng ngó mấy tấm hình. Sau khi ngắm kỹ hình mợ Kha, hắn nói:
“Tôi phải đem cái này về nhà. Không phải tôi cần, nhưng..."
Hắn vụt quay về phía lò sưởi nói tiếp, với một vẻ mà tôi không biết diễn tả sao cho đúng nên đành gọi là một nụ cười:
“Tôi nói cho bà biết tôi đã làm gì ngày hôm qua! Tôi sai cái tên phu hôm nọ đã đào huyệt cho Kha, đào mộ của...nàng lên, rồi tôi mở áo quan ra. Thấy mặt nàng vẫn nguyên như xưa, tôi tưởng chừng như tôi sẽ nằm luôn ra đấy. Tên phu lay mãi tôi mới tỉnh, nó nói không khí sẽ làm xác chết rữa ra... Tôi bèn phá một bên áo quan cho lỏng ra, nhưng không phải phá cái bên phía thằng Kha chết tiệt ấy đâu, rồi tôi đậy nắp lại. Ước gì tôi hàn kín cái áo quan của hắn lại. Tôi cho tiền tên phu để hễ bao giờ tôi nằm xuống đó thì bỏ cái bên áo quan đã phá sẵn kia ra và cũng tháo bỏ một bên áo quan của tôi. Tôi sẽ thửa sẵn một áo quan cùng một cỡ như vậy. Thế là thằng Kha nếu có ngó sang cũng không thể biết ai với ai nữa."
Tôi hét lên:
“Ông Hy! Ông làm như thế thật ác đức! Quấy phá đến cả người chết, ông không xấu hổ sao?”
Hắn đáp:
“Bà Diễn ơi, tôi không quấy phá ai hết. Tôi cảm thấy được an ủi dễ chịu. Cũng tốt hơn cho bà vì nó giữ tôi ở yên dưới ba tấc đất, khi tôi nằm đó. Bà bảo tôi quấy phá nàng ư? Không! Chính nàng đã quấy tôi thì có! Quấy không ngừng không ân hận cả ngày lẫn đêm suốt mười tám năm trường... cho đến đêm qua... đêm qua tôi được yên lòng. Tôi mơ thấy mình ngủ giấc cuối cùng bên cạnh người yêu đang an giấc ấy, tim ngừng đập bên tim nàng và má tôi giá lạnh áp vào má nàng..."
“Nhưng nếu xác nàng đã rữa vào lòng đất hoặc tệ hơn thế nữa thì ông sẽ mơ cái gì?”
“Thì tôi cũng sẽ tan rữa như nàng và như vậy tôi càng sung sướng hơn. Bà tưởng là tôi sợ một sự biến đổi như vậy à? Khi tôi bật nắp áo quan lên là tôi đã chờ đợi như thế. Vả lại, nếu hôm qua tôi không thấy được nét mặt bình thản của nàng thì chắc không bao giờ tôi rũ bỏ được cái cảm giác lạ lùng ấy. Cảm giác ấy bắt đầu thật lạ. Bà đã biết khi nàng chết tôi như phát điên. Từ sáng tinh sương này qua tảng sáng khác tôi cầu xin nàng hãy trả lại linh hồn nàng cho tôi. Tôi rất tin ma quỷ hiện hồn. Tôi tin chắc có hồn ma, hồn ma có thật và ở giữa chúng ta. Hôm cất đám nàng, trời mưa tuyết. Buổi chiều tôi ra nghĩa địa. Gió thổi lạnh lẽo như tiết đông. Chung quanh tôi hiu quạnh. Tôi không sợ cái thằng chồng ngu ngốc của nàng lởn vởn đến đó vào giờ ấy. Những người khác thì chẳng ai có việc gì mà phải đến đó. Tôi có một mình và biết rằng chỉ có hai thước đất ngăn cách chúng tôi. Tôi tự nhủ: “Mình phải ôm nàng một lần nữa! Nếu thi hài của nàng lạnh giá mình sẽ cho rằng tại gió đông làm mình rét, nếu nàng bất động thì đó là do nàng ngủ say.”
Tôi lấy một cái xẻng ở kho chứa đồ và bắt đầu ra sức đào. Khi xẻng đụng nắp áo quan, tôi vứt xẻng lấy tay bới. Gỗ chỗ gần đinh ốc bắt đầu nứt ra kêu răng rắc. Tôi sắp đạt mục đích thì chợt có cảm giác như nghe thấy có ai đứng ở trên, sát mép huyệt, cúi xuống thở dài một tiếng. “Nếu mình nậy được cái nắp này ra” - tôi lẩm bẩm - “thì ước gì họ lấp đất chôn hai đứa mình vào một hố.” Thế là tôi lại ra sức làm việc hăng hơn. Lại một tiếng thở dài nữa ngay sát bên tai. Rồi một làn hơi ấm thở phà vào cơn gió chở mưa tuyết lất phất. Ở đây không có một người nào, một sinh vật nào. Tôi biết chắc như thế. Thế mà tôi cảm thấy chắc chắn, cảm thấy rõ ràng - như thể một người nào đang tiến lại gần ta trong bóng tối, mặc dù ta không phân biệt được người đó là ai - sự hiện diện của nàng, của Yên Liên, không phải ở dưới mộ, mà ngay ở trên mặt đất. Một cảm giác nhẹ nhõm và đột ngột lan đi, từ trái tim tôi, toả khắp tứ chi. Tôi lập tức bỏ ngang công việc đang làm vì bỗng nhiên tôi thấy mình được khuây khỏa, được an ủi không lời nào tả xiết. Nàng đang ở bên tôi. Nàng hiện diện trong lúc tôi lấp mộ lại. Nàng theo tôi trên đường trở về nhà.
Bà Diễn, bà có cười tôi thì cứ việc cười. Nhưng lúc bấy giờ tôi tin chắc rằng khi về nhà tôi sẽ thấy nàng. Tôi chắc chắn nàng ở bên tôi. Và tôi không thể nào không nói chuyện với nàng. Về đến Gió-Hú, tôi vội chạy đến cửa. Cửa đóng. Tôi nhớ ra cái thằng khốn nạn, thằng Hạnh, và con vợ tôi muốn ngăn không cho tôi vào. Sau khi vào được, tôi còn nhớ là tôi đứng lại đá một cái cho thằng Hạnh hết thở rồi chạy lên lầu vào phòng tôi rồi vào phòng Liên. Nôn nóng tôi nhìn quanh. Tôi cảm thấy nàng ở cạnh đâu đây... tuy không thấy nhưng gần như tôi đã trông thấy nàng. Lúc ấy, hẳn là tôi phải toát mồ hôi máu vì lòng khao khát cầu xin được nhìn thấy nàng, dù chỉ trong một thoáng mắt! Vậy mà không được. Nàng đối xử với tôi như thế như vẫn thường đối xử khi nàng còn sống, như một bóng ma! Và từ đó trở đi, khi nhiều khi ít, tôi không ngớt bị hành hạ trong cái trò chơi ấy của nàng, đến độ không sao chịu nổi. Thật là địa ngục! Nó làm căng những sợi giây thần kinh của tôi. Nếu thần kinh tôi không dai như gân bò thì chúng đã nhão ra từ lâu như của thằng Tôn rồi. Khi tôi ngồi trong phòng với Hạ, tôi có cảm tưởng nếu đi ra ngoài tôi sẽ gặp nàng. Còn khi tôi dạo chơi ngoài rừng cỏ tôi lại có cảm tưởng sẽ gặp nàng khi trở về nhà. Mới ra khỏi nhà, tôi đã vội quay về ngay: nàng phải luẩn quất đâu đó trong Đỉnh Gió Hú, tôi chắc chắn như vậy! Khi tôi vào ngủ trong phòng nàng, tôi bị đuổi ra. Tôi không thể nằm yên được. Cứ vừa nhắm mắt một cái là nàng hiện ra khi thì ở ngoài cửa sổ khi thì đang đẩy tấm ván lùa của chiếc giường hòm, hoặc thậm chí còn áp đầu trên chiếc gối mà nàng vẫn quen dùng hồi nhỏ. Tôi phải mở ngay mắt ra để nhìn. Cứ thế, mỗi đêm, tôi mở mắt ra nhắm mắt lại hàng trăm lượt, để rồi toàn thất vọng. Thật là cực hình! Tôi thường rên to đến nỗi cái lão Dọi đê tiện ấy tưởng lương tâm tôi bị ma ám. Bây giờ... từ lúc tôi được thấy nàng, lòng tôi bình yên... hơi bình yên một chút... Nhử tôi bằng một hy vọng ma chơi như thế trong suốt mười tám năm trời quả là một cách giết người quái đản, giết dần giết mòn, không phải giết từng phân một mà từng li một, giết mỏng như sợi tóc.
Hy dừng lại. Hắn lau trán, trán đẫm mồ hôi dán quyện lấy tóc, rồi trừng mắt nhìn tro hồng trong lò sưởi. Lông mày hắn không nhíu lại mà nhướng lên gần tới thái dương, làm cho gương mặt bớt hung dữ đi nhưng lại có một thần thái kỳ lạ, tựa hồ như cả tâm trí hắn đương bị một vấn đề gì thu hút làm cho căng thẳng và khổ sở. Tôi ngồi im. Tôi không muốn nghe hắn nói. Nghỉ một chút, hắn lại trầm ngâm nhìn bức ảnh, rồi gỡ khung hình xuống, đặt sát ghế để nhìn rõ hơn. Trong lúc hắn đang mải ngắm hình, Liên bước vào báo cho hắn biết nàng đã sẵn sàng, chỉ còn đợi con Minh-Nhi đóng yên xong là đi được.
Hy bảo tôi:
“Mai bà gửi cái này sang cho tôi."
Rồi quay sang Liên, hắn nói:
“Khỏi cần thắng ngựa. Trời chiều đẹp như thế này... Ở bên Trại khỏi cần ngựa, đi đâu có hai chân là đủ. Thôi đi."
Cô chủ đáng yêu của tôi nói khẽ:
“Thôi chào vú Diễn."
Nàng hôn tôi. Đôi môi nàng buốt giá.
“Nhớ đến thăm em, vú Diễn. Đừng quên nhé."
Hy nói:
“Bà khỏi cần đến thăm. Nếu có chuyện gì muốn nói, tôi sẽ sang đây. Tôi không thích bà xía mũi vào nhà tôi."
Hắn ra hiệu bảo nàng đi trước. Liên quay lại nhìn tôi khiến lòng tôi đau như cắt. Từ cửa sổ tôi nhìn theo họ đi về phía cuối vườn. Hy kẹp cánh tay Liên dưới tay mình mặc nàng vùng vằng không chịu. Hắn kéo nàng đi rảo bước trên đường. Rồi bóng họ khuất sau hàng cây.