Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> VH Cổ Điển Nước Ngoài >> Đỉnh Gió Hú

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 18554 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đỉnh Gió Hú
Emily Bronte

Chương 16 - 17

Vào khoảng nửa đêm hôm đó, cô Liên mà ông đã gặp bên Đỉnh Gió Hú ra đời, một hài nhi còm cõi vì đẻ non, mới bẩy tháng. Hai giờ sau đó Liên mẹ qua đời trong tình trạng mê man không lúc nào tỉnh để có thể nhận được ra Kha, hoặc để biết rằng Hy không còn ở đấy nữa.
Chuyện Kha đau khổ vì vợ chết là một chuyện quá thương tâm, tôi không muốn nhắc tới. Có thấy hậu quả của nó mới hiểu được nỗi buồn của cậu tôi sâu xa là nhường nào. Ngoài ra, theo tôi thấy thì cậu tôi còn đèo thêm một nỗi buồn lớn nữa là cậu không có người thừa tự. Tôi lấy làm tiếc về điều đó khi nhìn con bé côi cút yếu đuối. Tôi thầm trách ông cụ Tôn đã thiên vị về việc lập di chúc để lại tài sản cho con gái mình, chứ không cho con gái của người con trai cụ. Cô bé đáng thương, ra đời mà chẳng được ai đón tiếp tử tế. Trong mấy giờ đầu tiên chào đời, giá nó có gào khóc đến chết cũng chẳng ai buồn đoái hoài tới. Dù sau đó chúng tôi đã chuộc lại cái lỗi sơ xuất này, nhưng mới ra đời mà đã thiếu tình thương như thế, tôi e sau này lúc mãn đời lại cũng thế chăng.
Sáng hôm sau, trời tươi sáng; ánh sáng nhẹ lọt qua những chiếc mành vào gian phòng hiu quạnh phủ ngập chiếc giường nệm và người nằm trên đó một ánh hồng dịu dàng êm ả.
Cậu Kha gục đầu xuống gối, đôi mắt nhắm nghiền. Nét mặt trẻ đẹp của chàng nhuốm màu chết chóc, chả khác gì cái xác nằm bên cạnh, cả hai đều bất động. Nhưng ở chàng là sự im lặng của nỗi đau đã kiệt. Còn ở nàng là của sự bình yên tuyệt đối. Trán nàng phẳng phiu, mi mắt khép chặt, môi hé nụ cười. Nàng lúc này còn đẹp hơn cả tiên nữ ở trên trời. Nàng nằm đó, thanh thản vô cùng. Tôi cũng lây vẻ thanh thản ấy. Nhìn hình ảnh thiên thần an nghỉ vô tư lự ấy chưa bao giờ tâm trí tôi trong sạch - phải nói là thánh thiện - như lúc bấy giờ. Bất giác tôi lẩm bẩm nhắc lại những lời nàng nói cách đấy vài giờ: “Tôi sẽ vượt xa các người, tôi sẽ ở trên các người một trời một vực.” Cho dẫu nàng còn ở trần gian hay đã lên thiên đàng, tâm hồn nàng lúc nào cũng ở bên Thượng Đế.
Không biết có phải đó là tâm trạng đặc biệt ở riêng tôi hay không, tôi cảm thấy sung sướng hơn là cảm thấy điều gì khác khi ngồi canh người chết mà không bị ai bên cạnh rền rĩ than khóc. Tôi cho cái chết như một giấc an nghỉ mà chẳng trời đất quỷ thần nào có thể khuấy động được. Tôi cảm thấy có sự bảo đảm trong cái thế giới xán lạn vô biên kia - người ta đi vào bất diệt - ở đó đời sống thì vĩnh cửu, tình yêu thì đồng cảm và niềm vui thì tròn vẹn. Trong dịp ấy tôi nhận ra ngay trong tình yêu - như tình yêu của cậu Kha - cũng có bao nhiêu điều vị kỷ, vì Liên chết đi là một sự giải thoát, thế mà cậu tôi lại buồn bã tiếc thương!
Cứ bằng vào lối sống ngang ngạnh bất thường của nàng, chắc sẽ có người đặt câu hỏi liệu nàng có đáng được an nghỉ nơi cõi vĩnh hằng không? Người ta có thể lý luận một cách vô tình như vậy, nhưng nếu đứng trước thi hài nàng, người ta sẽ không nghĩ thế vì rõ ràng là qua cái thể xác an bình kia, tấm linh hồn đã từng ở trong đó dường như cũng sẽ được thanh thoát yên bình.
Ông Lộc, ông có tin rằng những người như vậy có được sung sướng ở bên kia thế giới không? Tôi muốn được biết rõ điều ấy hết sức.
Tôi tránh trả lời bác Diễn vì tôi thấy câu hỏi có vẻ dị đoan quá. Bác Diễn kể tiếp:
Nhìn lại cuộc đời mợ Kha tôi e rằng chúng ta không có quyền nghĩ là mợ được thế. Nhưng thôi ta hãy để mặc mợ trong tay Đấng Hóa Công.
Chủ tôi có vẻ ngủ mê mệt, khi mặt trời vừa mọc tôi vội lẻn ra khỏi phòng để hít lấy không khí mát mẻ. Bọn tôi tớ tưởng tôi cần ra ngoài để tỉnh ngủ vì phải thức đêm ngồi canh xác, thực ra, chủ ý của tôi là để gặp Hy. Nếu Hy còn ở trong lùm thông suốt đêm, chắc chàng không hay biết gì về chuyện xẩy ra ở Họa Mi Trang. Có chăng thì chỉ nghe tiếng vó ngựa của người đầy tớ chạy đi Diên Mễ Tôn báo tin. Nếu chàng tới gần hơn, thấy ánh sáng chạy qua chạy lại, tiếng cửa mở ra khép vào nhộn nhịp chàng chỉ có thể đoán biết trong nhà có chuyện gì bất ổn mà thôi.
Tôi nửa mong nửa sợ gặp chàng. Tôi thấy đằng nào thì cũng phải báo cái tin dữ ấy và muốn báo cho xong phứt đi, nhưng còn báo thế nào thì tôi chịu.
Hy đứng cách đó dăm thước, tựa vào một cây bạch dương cổ thụ, đầu trần, tóc ướt đẫm sương đêm đọng trên cành cây nhỏ xuống người chàng. Chàng đứng im như vậy đã từ lâu lắm, tôi chắc thế, vì tôi thấy một đôi chim mải xây tổ cứ bay qua bay lại cách chàng chừng một thước, coi chàng chẳng khác nào khúc gỗ, thấy tôi lại gần, chúng bay mất, còn chàng thì ngẩng lên nói:
“Liên chết rồi! Chẳng cần đợi vú báo mới biết. Cất cái khăn mù xoa đi... đừng có xụt xịt trước mặt tôi. Mẹ kiếp! Nàng đâu cần đến nước mắt của mấy người!”
Tôi khóc. Khóc thương cho cả Liên lẫn Hy. Đôi khi mình thấy thương cho những người không biết thương là gì, cho dẫu họ tự thương họ hay thương người khác. Chỉ thoạt nhìn gương mặt chàng, tôi biết ngay là chàng đã biết cái tin tai biến ấy. Thấy môi chàng mấp máy, mắt nhìn xuống đất, tôi lại có ý tưởng điên rồ cho là chàng đã nguôi buồn và đương cầu kinh.
Tôi nén tiếng thổn thức, lau nước mắt trên má rồi nói:
“Vâng, mợ tôi mất rồi! Tôi mong mợ tôi đã lên thiên đàng và chúng ta ai ai cũng sẽ được theo mợ lên đó nếu chúng ta biết làm đúng điều răn, tu sửa lầm lỗi.”
Hy có vẻ cười nhạo, nói:
“Vậy chứ mợ của vú có làm đúng điều răn không? Nàng có chết như một vị nữ thánh không? Thôi, kể cho tôi rõ câu chuyện xẩy ra làm sao? Làm thế nào mà...”
Chàng cố thốt ra cái tên Liên nhưng không thốt ra nổi, môi chàng mím chặt, nín lặng như đang chống chọi với nỗi đau đớn ghê gớm ở trong lòng. Tuy vậy chàng vẫn trố mắt nhìn tôi dữ tợn, bất chấp mối thương cảm của tôi. Và, sau khi phải chống trả với mối cảm xúc quá mạnh, mặc dù là người gan góc có thừa, toàn thân chàng cũng lẩy bẩy run lên phải đứng tựa lưng vào thân cây. Lúc sau Hy mới thốt ra được câu hỏi:
“Nàng chết ra sao?”
Tôi nghĩ bụng: “Đồ khốn! Mi cũng có một trái tim biết xúc cảm như mọi người! Thế mà sao mi cứ phải lo che dấu đi! Tính tự kiêu tự đại của mi sao che nổi Trời! Mi làm cho Trời phải xé nát tim mi ra, lúc đó mi mới chịu biết nhục kêu lên hay sao?”
Tôi đáp:
“Êm như đi ngủ! Mợ thở dài, duỗi thẳng người ra như đứa trẻ cựa mình rồi lại ngủ thiếp đi. Năm phút sau tôi sờ thấy tim mợ đập khẽ một cái rồi im luôn.
“Và... nàng có nhắc đến tôi lần nào không?”
Hy hỏi, ngập ngừng như sợ câu trả lời của tôi có những sự thực mà chàng không chịu nổi. Tôi đáp:
“Mợ không tỉnh lại một giây phút nào cả. Từ lúc cậu đi khỏi mợ không còn nhận ra ai nữa. Mợ nằm với một nụ cười dịu dàng trên nét mặt, những ý nghĩ cuối cùng của mợ là nhớ về những ngày vui thuở nhỏ. Mợ chết trong một giấc mơ đẹp... cầu cho mợ thức dậy ở bên kia thế giới cũng êm đềm như thế!”
“Cầu cho nàng đau khổ thì có!”
Chàng giậm chân kêu lên trong một cơn giận dữ bất thần, dễ sợ:
“Chứ không à? Đến chết mà còn dối trá! Nàng đâu rồi? Đâu có ở đó... đâu có ở thiên đàng... đâu có chết... vậy ở đâu? Em bảo anh có đau khổ em cũng cóc cần!... Liên ơi Liên, anh chỉ cần một điều và anh sẽ nhắc đi nhắc lại điều này cho đến khi lưỡi anh cứng đơ không nói được nữa, là cầu cho em không được yên nghỉ chừng nào anh còn sống! Em bảo anh giết em! Thì hồn ma em cứ ám anh đi! Kẻ bị giết bao giờ mà chả ám kẻ giết họ! Anh tin, anh biết có hồn ma bóng quỷ lởn vởn trên cõi đời này... Dù em ở dưới bất kỳ hình thể nào thì em hãy ở bên anh, hãy làm cho anh điên lên! Có điều là đừng bỏ anh trong cái địa ngục này, làm sao nơi này anh tìm thấy em được? Trời ơi! Khó nói quá! Đời tôi, tôi không có thì làm sao tôi sống nổi! Linh hồn tôi, tôi không có thì làm sao sống được!”
Hy đập đầu vào gốc cây xù xì, rồi vừa ngước mắt vừa kêu gào, trông không còn gì là người nữa mà giống như một con mãnh thú bị gươm giáo đâm tới chết. Trên vỏ thân cây có vết máu, tay và trán chàng cũng bê bết máu, chắc cảnh tượng tôi vừa chứng kiến chỉ là màn được tái diễn nhiều lần trong đêm qua. Cảnh tượng đó làm tôi ghê sợ hơn là thương cảm, tuy vậy tôi không nỡ bỏ chàng ở đó mà đi. Nhung khi chàng đã bình tĩnh lại một chút, nhận ra tôi đương ngó mình thì chàng quát lên đuổi tôi đi. Tôi nghe lời ngay. Tôi đâu đủ tài để an ủi dỗ dành chàng!
Lễ an táng mợ Kha được trù liệu vào ngày thứ Sáu sau; cho đến hôm đó trong phòng khách lớn linh cữu của nàng được để ngỏ, rắc đầy hoa và lá thơm. Cậu Kha ở luôn đó canh giữ ngày đêm không ngủ và - điều này chỉ riêng tôi biết - ở bên ngoài Hy cũng không ngủ như Kha, đêm nọ qua đêm kia.
Tôi không liên lạc gì với Hy nhưng tôi linh cảm thế nào chàng cũng chờ dịp lẻn vào phòng người chết. Đến ngày thứ ba, lúc chạng vạng tối, chủ tôi vì quá mệt buộc phải đi ngủ mấy tiếng đồng hồ. Thấy Hy có lòng thành, tôi cũng động lòng mở một cửa sổ ra để chàng có dịp nhìn một lần cuối cùng hình ảnh héo hon của người mà chàng tôn thờ.
Hy đã không bỏ lỡ cơ hội, chàng lẻn vào nhanh gọn và thận trọng, quá thận trọng là đằng khác, vì chàng giữ không gây một tiếng động nhỏ; đến ngay cả chính tôi cũng không hay biết nữa nếu tôi không để ý thấy tấm vải phủ mặt người chết xô lệch và trên sàn có một lọn tóc vàng buộc bằng chỉ bạc. Xem kỹ tôi mới biết đó là lọn tóc đựng trong cái hộp khung ảnh nhỏ Liên đã đeo ở cổ. Hy đã mở cái khung, bỏ tóc ở trong ra và thay vào đó một lọn tóc đen của chàng. Tôi cuốn cả hai lọn tóc lại với nhau và bỏ cả vào khung đóng lại.
Cô Sa không được mời tới dự đám tang, còn cậu Hạnh cố nhiên được mời, nhưng cậu chẳng trả lời, cũng chẳng thấy đến. Thành thử ngoài chồng người xấu số ra, chỉ toàn là tá điền và tôi tớ.
Người trong làng ai cũng lấy làm lạ không hiểu sao Liên không được chôn cất trong nhà thờ nhỏ, dưới tấm bia có trạm khắc của gia đình họ Tôn, mà cũng không gần nơi phần mộ những người bên họ nàng. Huyệt được đào lên từ một cái gò cỏ xanh ở một góc nghĩa trang mà bờ tường thấp đến nỗi cây thạch thảo mọc từ bên ngoài đồng hoang leo qua được vào tận bên trong.
Bây giờ chồng nàng cũng nằm đấy. Trên đầu mỗi ngôi mộ có một tấm bia và ở dưới chân có một tảng đá xám lớn để đánh dấu.

Chương XVII
Hôm thứ Sáu ấy là ngày chót của một tháng đẹp trời. Về chiều, thời tiết thay đổi, gió chuyển từ phía nam sang đông bắc, bắt đầu là mưa rơi, rồi mưa tuyết, rồi tuyết sa.
Sang ngày hôm sau thì không ai có thể bảo rằng mới ba tuần lễ vừa qua còn là mùa hè. Hoa ngọc trâm, hạnh đào đều bị vùi dưới tuyết. Chim chào mào im tiếng hót, lá non của những cây nẩy lộc sớm héo rũ và đen xạm lại. Ngày trôi qua trong ảm đạm rét mướt. Chủ tôi nằm lỳ trong buồng, còn tôi chiếm căn phòng khách nhỏ cô quạnh dùng làm phòng trẻ con và ngồi đó ôm đứa bé trong lòng, nghe tiếng khóc oe oe của nó, vừa ru vừa nhìn tuyết rơi phủ bồi lên bên ngoài khung của sổ. Bất chợt cửa mở tung, một người đàn bà vừa cười sặc sụa vừa thở hổn hển, nhẩy bổ vào!
Trong một phút tôi cáu giận hơn là ngạc nhiên, tôi tưởng đó là một con ở nào nên mắng:
“Ơ kìa! Sao nhà chị cả gan vào đây làm ồn lên như thế? Lỡ ông chủ nghe thấy thì sao?”
Một giọng quen thuộc đáp lại:
“Xin lỗi vú! Tôi biết anh Kha đang nằm trong buồng ngủ và tôi không thể nào kìm giữ được.”
Vừa nói người đó vừa thở dốc tiến tới đứng trước lò sưởi, tay chống cạnh sườn. Nghỉ một chút người ấy nói tiếp:
“Tôi chạy suốt từ Gió Hú lại đây! Không kể những lúc tôi bay...tôi vấp ngã không biết bao nhiêu lần, đếm không xuể. Trời! Bây giờ tôi đau khắp mình mẩy! Vú đừng sợ...nghỉ một chút rồi tôi nói vú nghe. Bây giờ vú làm ơn sai người thắng xe chở tôi đến Diên Mễ Tôn và cho người kiếm hộ ít quần áo trong tủ của tôi.”
Người ấy không phải ai xa lạ, chính là mợ Hy, là cô Sa. Cảnh ngộ của cô ấy có gì là đáng vui đáng cười đâu. Tóc cô xõa xượi xuống vai, tuyết và nước giỏ ròng ròng. Cô mặc chiếc áo vẫn thường mặc thời con gái, chiếc áo dài bằng lụa mỏng, cộc tay, hở cổ, bị nước mưa dán ướt vào người; chân thì đi đôi dép mỏng dùng trong nhà. Thêm vào cái bộ dạng thiểu não ấy lại còn một vết thương khá sâu dưới một bên tai, mà nhờ trời lạnh nên máu đông lại không chẩy ra nhiều. Mặt cô nhợt nhạt đầy vết xước và bầm tím, thân hình cô hầu như không còn đứng vững vì mệt lả. Ông xem đó thì đủ biết vì sao mà nỗi hoảng sợ đầu tiên của tôi không giảm bớt chút nào khi tôi có thì giờ ngắm kỹ cô hơn. Tôi la lên:
“Cô để tôi lấy quần áo khô thay cho cô đã, rồi cô muốn sai tôi làm gì thì sai. Có điều chắc chắn là đêm nay cô không thể đi Diên Mễ Tôn được, không cần sai thắng xe làm gì...”
Sa đáp:
“Tôi phải đi ngay. Không đi xe được thì đi bộ... Nhưng thay quần áo ăn mặc cho tử tế thì được. A, vú coi máu nó chẩy xuống cổ tôi đây này! Lửa nóng làm xót quá!”
Cô nàng nhất quyết bắt tôi phải làm theo đúng ý cô xong rồi mới cho tôi đụng đến người. Mãi tới khi người phu bắt đầu sửa soạn ngựa xe và chị ở gói ghém một ít áo quần xong, cô nàng mới chịu để tôi băng bó vết thương và thay quần áo.
Khi đã ăn mặc tươm tất, nàng ngồi xuống chiếc ghế bành bên lò sưởi với tách nước trà trước mặt và nói:
“Thôi bây giờ vú Diễn ngồi xuống đây đi và đặt con bé Liên ra chỗ khác... Tôi không thích nhìn thấy nó! Vú đừng tưởng tôi chạy xầm xầm vào đây như con mẹ điên là tôi không nghĩ gì đến chị Liên... Tôi đã khóc, tôi có lý do để khóc Liên, khóc xót xa cay đắng hơn ai hết. Thật thế, vú biết đấy, Liên và tôi xa nhau, không làm lành được với nhau và tôi sẽ ân hận suốt đời. Nhưng còn cái thằng kia, thằng súc sanh khốn nạn kia, thì tôi không thể nào thương cho nổi được nữa. À, vú đưa tôi cái que cời than! Đây là vật cuối cùng của hắn tôi mang trên người (nàng tuốt chiếc nhẫn vàng ở ngón tay ra vứt xuống sàn). Để tôi đập nát ra (nàng lấy chân di lên một cách hằn học như trẻ con). Để tôi đốt nó đi (Nàng nhặt chiếc nhẫn bẹp rúm ró quẳng vào than hồng). Đấy! Hắn phải mua cho tôi chiếc khác, nếu hắn bắt được tôi lại. Rất có thể hắn sẽ mò đến đây tìm tôi và kiếm chuyện với Kha... Tôi không dám ở lại đây vì sợ sẽ gieo cái ý tưởng ấy vào đầu óc nham hiểm của hắn! Vả lại anh Kha cũng chẳng tử tế gì, phải không vú? Tôi không thích xin xỏ Kha mà cũng không muốn mang thêm rắc rối cho anh ấy. Vì cần gấp quá nên tôi mới phải chạy tạt vào đây trú một lát, vả lại tôi biết anh ấy không có mặt ở đây tôi mới vào, nếu không thì tôi đã ở dưới bếp rửa mặt, sưởi ấm một chút và nhờ người gọi vú lấy các thức cần dùng cho tôi, rồi đi ngay, đi đâu cũng được, miễn là thoát khỏi tay cái thằng quỷ sứ ghê tởm ấy! Hắn tức ơi là tức! A, nếu hắn bắt được tôi! Thật tội cho anh Hạnh không đủ sức chọi với nó...nếu anh ấy đủ sức trị được hắn thì tôi chả việc gì phải chạy ngay, tôi sẽ đợi kỳ cho đến lúc thấy hắn bị đập một trận nhừ tử.”
Tôi ngắt lời:
“Khoan, cô nói gì mà nói nhanh quá vậy. Cô làm tuột cả chiếc khăn buộc vết thương khiến máu lại chẩy ra kia kìa. Cô uống trà đi, nghỉ lấy hơi đã, và đừng cười nữa... Ở trong nhà này và ở tình cảnh của cô có chi vui để mà cười nữa đâu!”
Sa đáp:
“Vú nói đúng lắm, tôi không thể cãi vào đâu được. Kìa, nghe con bé kìa, nó khóc oe oe luôn mồm... vú đem nó đi chỗ khác đi để tôi khỏi phải nghe nó kêu, chừng một giờ đồng hồ thôi, rồi tôi đi, tôi không ở đây lâu hơn đâu.”
Tôi gọi một chị ở vào giao ẵm con bé đi chỗ khác, rồi tôi hỏi nguyên do vì sao khiến Sa phải bỏ Gió Hú đi trốn khổ sở như thế... nàng định đi đâu và sao không ở lại với chúng tôi.
Nàng đáp:
“Lẽ ra tôi phải ở đây và tôi cũng ao ước như vậy, vừa để an ủi Kha, vừa để săn sóc đứa bé. Vả lại Họa Mi Trang là nhà của tôi... Nhưng tôi biết hắn chẳng chịu để tôi yên đâu! Vú nghĩ xem, đời nào hắn để cho tôi sung sướng; đời nào nó chịu để cho bọn mình yên ổn mà không tìm cách phá đám? Bây giờ thì tôi đã hài lòng biết chắc rằng nó ghét tôi thậm tệ, ghét tới độ điên tiết lên mỗi lần thấy tôi lại gần. Mỗi lần tôi đến gần nó thì những thớ thịt trên mặt nó co rúm lại, biểu lộ lòng thù ghét tôi, ghét tới độ tôi tin rằng nó sẽ không lùng tôi khắp nước Anh đâu. Nhưng tôi phải đi xa cái chốn này. Trước kia tôi mong nó giết tôi đi, nhưng bây giờ tôi đổi ý rồi, tôi mong nó sẽ tự giết nó! Nó đã cố tình dập tắt tình yêu của tôi với nó và nó đã thành công. Lòng tôi bây giờ thanh thản. Tuy nhiên tôi có thể nhớ lại là trước kia tôi đã từng yêu hắn như thế nào và lờ mờ cảm thấy bây giờ vẫn còn yêu, nếu...không, không! Cho dẫu nó có say mê tôi như điếu đổ đi nữa thì trước sau gì cái bản tính hung ác của nó cũng sẽ lộ ra. Chắc Liên phải có một quan niệm khác đời ghê gớm lắm mới có thể yêu nó tha thiết đến thế mặc dù đã hiểu rõ nó là loại người thế nào... Đồ quái vật! Cầu Trời giệt hết cái giống đó đi. Cầu Trời cho tôi quên nó đi!”
Tôi nói:
“Ấy, ấy! Người ta ai chả là người. Cô cũng nên rộng lòng một chút, còn nhiều kẻ khốn nạn hơn cậu ấy nhiều!”
Nàng cãi:
“Nó đâu phải là giống người, nó cũng chẳng có quyền hưởng lòng nhân đức của tôi... Tôi đã dâng hiến trái tim cho nó, nó chiếm lấy, dầy vò cho chết rồi quẳng lại cho tôi. Con người ta có tình cảm là nhở ở trái tim, vú Diễn ạ. Nó làm tan nát tim tôi thì đối với nó tôi còn có tình cảm làm sao được nữa. Từ nay cho đến chết, nó cứ việc than van rên rỉ và khóc lóc Liên đển đổ máu mắt ra, tôi cũng mặc!”
Nói đến đây, Sa bắt đầu khóc; nhưng nàng lập tức gạt nước mắt, nói tiếp:
“Vú hỏi tôi vì lẽ gì tôi phải bỏ trốn? Tôi bắt buộc phải bỏ trốn vì tôi đã khích được hắn nổi xung lên tới mức độ cao hơn cả sự nham hiểm của nó. Dùng kim nung đỏ rứt hết các sợi thần kinh của người ta ra việc ấy đòi hỏi một sự lạnh lùng hơn là cầm búa nện một cái vào đầu. Tôi làm cho hắn tức giận tới nỗi chính hắn quên cả cái khôn ngoan quỷ quyệt mà hắn vẫn thường khoe khoang, để đi đến chỗ nổi hung giết người. Chọc giận được nó tôi thú vô cùng! Cảm giác thích thú đó đánh thức bản năng sinh tồn của tôi và tôi phải bỏ trốn. Bây giờ nếu tôi để nó tóm được thì nó trả thù phải biết!”
Vú biết không, hôm qua đáng lý anh Hạnh phải đi đưa đám. Anh ấy cẩn thận đi ngủ sớm không uống nhiều rượu cho khỏi say để hôm sau dậy sớm đưa đám. Tuy vậy lúc ngủ dậy vì tinh thần xuống quá, anh ấy ra ngồi bên lò sưởi nốc hết thứ rượu này đến thứ rượu khác từng ly lớn một, rút cuộc chẳng đi đâu cả.
Còn Hy - nhắc đến tên nó tôi lại rùng mình! - đi biền biệt từ chủ nhật đến tận hôm nay, chẳng biết có ai cho ăn cho uống gì không, nhưng gần tuần lễ tuyệt nhiên không ăn một bữa cơm nào ở nhà với chúng tôi. Nó chỉ về nhà lúc tờ mờ sáng, lên gác, vào phòng, khóa cửa lại, cứ làm như có ai khao khát được ở bên cạnh. Ở trong buồng nó tiếp tục cầu khấn cứ như một thầy tu chính cống, có điều là vị thánh mà nó khấn nguyện chỉ là tro bụi vô tri vô giác, và khi nói tới Chúa thì buồn cười quá nó cứ nhầm với cha nó ở dưới địa ngục! Sau khi đọc xong những bài kinh quý hóa ấy - thường kéo dài cho đến khi nào giọng hắn khản và tắc lại trong cổ họng mới thôi - nó lại bỏ đi, bao giờ cũng đi thẳng tuột Họa Mi Trang. Tôi không hiểu sao anh Kha không kêu cảnh sát tới bắt giam nó lại! Đối với tôi, mặc dù trong lòng thương tiếc chị Liên, tôi không thể không coi đây là ngày hội vui vì được giải thoát khỏi những ngày bị áp bức.
Tinh thần tôi dạo sau này vững hơn đủ để có thể nghe lão Dọi mắng mỏ mà không khóc, có thể đi lại trong nhà đường hoàng, không phải đi rón rén giống kẻ cắp như trước kia nữa. Chắc vú không thể ngờ rằng lúc trước cứ mỗi lần nghe lão Dọi nói gì là tôi lại bật khóc, mà lão Dọi và thằng Hạ là hai đứa đáng ghét. Tôi thích ngồi với Hạnh hơn, nghe những chuyện đáng sợ của anh ấy dù sao cũng còn hơn ngồi với cái thằng ranh con và cái lão già khả ố ấy, chúng nó bênh nhau chằm chặp.
Khi Hy ở nhà, tôi thường phải trốn trong bếp, chung đụng với bọn nó, hoặc là tôi nhịn đói ngồi trong những căn phòng ẩm thấp bỏ trống. Còn lúc Hy vắng nhà, như tuần này chẳng hạn, tôi bê một chiếc bàn một chiếc ghế đặt ở một góc lò sưởi, mặc anh Hạnh làm gì thì làm, chẳng bao giờ tôi để ý mà anh ấy cũng chẳng để ý đến tôi. Dạo này, nếu không có ai gây sự thì anh ấy cũng trầm lặng hơn trước...có vẻ buồn rầu, ủ rũ, ít hung hăng hơn. Lão Dọi quả quyết rằng Hạnh đã cải hóa, Chúa đã làm cho Hạnh động lòng và cứu rỗi anh ấy rồi. Tôi thì tôi chẳng thấy dấu hiệu gì là cải hóa cả, nhưng thôi, đâu có phải việc của tôi mà lo.
Tối hôm qua, tôi ngồi trong cái xó xỉnh của tôi đọc mấy cuốn sách cũ cho tới khuya, gần mười hai giờ đêm. Tuyết quay cuồng ở bên ngoài, lên gác thì tối tăm ảm đạm quá, và ý nghĩ của tôi cứ lởn vởn với cái nghĩa địa và ngôi mộ mới đắp ấy! Tôi gần như không dám ngước mắt ra khỏi trang sách, sợ cái hình ảnh ghê thảm ấy lại hiện lên.
Hạnh ngồi đối diện, đầu tựa lên tay, có lẽ cũng đang nghĩ cùng một chuyện như tôi. Rượu đã say, anh ấy ngồi không nhúc nhích, không nói nửa lời có đến hai ba tiếng đồng hồ. Suốt nhà im lặng như tờ, chỉ trừ tiếng gió hú từng cơn khua động các cánh cửa sổ và tiếng than nổ lách tách yếu ớt. Hạ và Dọi chắc đã ngủ say. Thực là buồn. Buồn không tả được. Tôi vừa đọc sách vừa thở dài, hình như tất cả những niềm vui trên đời đều đã tiêu tan hết, không bao giờ còn có nữa.
Đột nhiên có tiếng then cửa lạch cạch trong bếp, phá tan cảnh im lặng buồn như chấu cắn ấy! Tôi chắc vì trời mưa bão bất ngờ nên Hy phải về sớm hơn mọi hôm. Cửa cài chặt, chúng tôi nghe tiếng hắn đi vòng qua sân vào cửa sau. Tôi vùng đứng dậy, buột miệng kêu lên một tiếng khiến Hạnh đang ngó ra phía cửa phải quay lại nhìn tôi. Hạnh nói:
“Tôi sẽ bắt nó đợi năm phút ở ngoài, cô đồng ý chứ?”
“Không. Bắt nó đứng ở ngoài suốt đêm cho tôi. Khóa hết cửa lại đi anh!”
Hạnh làm theo lời tôi nói trước khi Hy đến trước cửa. Xong anh ấy xách ghế ngồi phía bên kia bàn nhìn xoi mói vào mắt tôi như để tìm xem tôi có biểu đồng tình với anh ấy về mối thù hận đương cháy rực trong mắt anh ấy hay không. Lúc ấy Hạnh có bộ mặt và tâm trạng của một tên sát nhân nên anh ấy không thể có sự đồng tình hoàn toàn của tôi, song thế ánh mắt tôi cũng đủ để khuyến khích anh ấy nói thẳng ý định của mình:
“Cô với tôi đều có món nợ lớn cần phải thanh toán với cái thằng ở ngoài kia! Nếu cả hai đứa mình đều không hèn nhát thì mình có thể phối hợp để dứt điểm nó cho xong. Cô có nhu nhược như anh cô không? Cô định chịu đựng đến mãn đời mà không gắng báo thù lấy một lần sao?”
Tôi đáp:
“Tôi chán phải chịu đựng lắm rồi. Tôi thú lắm nếu trả thù được, miễn làm sao cho nó khỏi quật lại mình. Nhưng coi chừng, bạo lực là con dao hai lưỡi, nó gây thương tích cho người sử dụng nhiều hơn cho kẻ địch.”
Hạnh kêu:
“Bạo lực phải trả bằng bạo lực! Cô Sa này, tôi không bắt cô làm gì hết, chỉ xin cô ngồi im một chỗ... Được không, cho tôi biết đi! Tôi dám chắc cô cũng sẽ vui mừng không kém gì tôi khi thấy đời con quỷ ấy kết liễu. Nếu cô không ra tay trước thì nó sẽ giết cô... và sẽ hại tôi... Đồ lưu manh ôn vật! Nó đấm cửa làm như nó đã là chủ căn nhà này rồi! Bây giờ cô phải giữ miệng ngồi im và trước khi cái đồng hồ này điểm chuông - bây giờ một giờ thiếu ba phút - cô sẽ được giải thoát!”
Hạnh lôi trong ngực ra cái vũ khí mà tôi đã tả cho vú trong bức thư của tôi, anh ấy định tắt đèn nến đi, nhưng tôi giằng lấy, nắm tay anh ấy, kêu lên:
“Tôi không im đâu! Anh không được bắn nó. Cứ để cửa đóng và ngồi im!”
“Không! Tôi đã quyết định rồi, có Trời chứng giám, tôi sẽ làm cho mà xem! Dù cô không muốn tôi cũng sẽ trả thù giúp cô và cho cả thằng Hạ nữa! Cô khỏi cần mất công che đỡ cho tôi! Liên thì đã chết rồi... chả ai còn sống mà thương tiếc tôi hay xấu hổ vì tôi, cho dẫu tôi cắt cổ chết ngay phút này... Đã đến lúc kết thúc mọi chuyện!”
Tôi có ngăn cũng bằng thừa, khác nào đánh vật với một con gấu hay cãi lý với một kẻ điên. Tôi chỉ có nước là chạy ra cửa sổ báo cho kẻ bị mưu sát biết người ta đang chờ để giết hắn.
Tôi nói to, giọng có phần đắc thắng:
“Anh tìm chỗ khác ngủ đêm nay đi! Nếu anh cố tìm cách vào, anh Hạnh sẽ bắn anh đấy!”
“Tốt hơn là mày mở cửa ra, đồ...”
Hy dùng một tiếng thực là “thanh nhã” để gọi tôi, thôi tôi chẳng lặp lại làm gì. Tôi nói:
“Tôi không muốn dính! Có giỏi thì vào mà ăn đạn... Tôi xong bổn phận rồi!”
Nói xong tôi đóng cửa sổ lại, trở vào ngồi bên lò sưởi, giả vờ làm ra vẻ lo lắng cho nó. Hạnh chửi tôi thậm tệ, bảo tôi vẫn còn yêu cái tên đê tiện ấy và không tiếc lời mắng tôi hèn nhát. Còn tôi thì trong bụng lại nghĩ (và lương tâm tôi không bao giờ ân hận) rằng nếu Hy giết Hạnh thì đó là cái phúc cho anh ấy thoát khỏi cảnh đau khổ, và nếu Hạnh giết được Hy thì đó là cái phúc cho tôi.
Đang ngồi suy nghĩ thì rầm một cái khung cửa sổ phía sau tôi đã bị Hy xô đổ xuống sàn và bộ mặt xám xịt của hắn hầm hầm ngó qua khung cửa. Chấn song sát nhau nên nó không đưa vai qua được. Tôi mỉm cười khoái trá không sợ gì cả vì tưởng mình được an toàn. Tóc tai áo quần hắn bám đầy tuyết trắng. Vì tức và lạnh, bộ răng nhọn của hắn nhe ra trắng nhởn trong bóng tối.
Hy “gầm gừ” trong miệng, nói theo kiểu lão Dọi:
“Sa! Biết điều thì để tao vào, không thì mày đừng có trách!”
Tôi đáp:
“Tôi không thể mang tội giết người được. Anh Hạnh đương đứng rình, tay lăm lăm cầm con dao và khẩu súng nạp đạn sẵn kia kìa!”
“Mở cửa bếp tao vào cũng được.
“Anh Hạnh sẽ tới cửa bếp trước tôi... à, hóa ra tình yêu của anh xoàng thật, không chịu nổi một cơn mưa tuyết! Trời hè trăng sáng chúng tôi còn được anh tha cho ngủ yên, thế mà mới chuyển cơn gió đông anh đã lo chạy về nhà tìm chỗ trú! Hy, nếu tôi ở địa vị anh, tôi sẽ nằm thẳng cẳng trên mộ chị ấy, chết như một con chó trung thành... Phải không? Đời anh bây giờ đâu còn gì đáng sống nữa? Rõ ràng là anh đã làm tôi tin rằng Liên là tất cả hạnh phúc của đời anh... Thật tôi không thể ngờ rằng anh còn ham sống sau khi Liên đã mất đi.”
Hạnh quát lên, sấn tới khe cửa:
“Nó ở đây phải không? Tôi mà với tay ra ngoài được thì tôi đã đâm cho nó một nhát.
Vú Diễn ạ, tôi sợ vú không hiểu và cho tôi là người rất tồi tệ... Vú không biết hết mọi chuyện nên vú đừng vội kết tội. Không vì lẽ gì mà tôi nhúng tay hay xúi giục giết người, cho dẫu người ấy là nó đi nữa. Tôi chỉ cầu cho nó chết đi mà thôi, cho nên khi nó thò vào giật khẩu súng trong tay Hạnh thì tôi vừa thất vọng vừa lo sợ cho hậu quả những lời chọc tức của tôi.”
Súng nổ. Con dao bị lò xo làm bật trở lại phập vào cổ tay Hạnh. Hy rút mạnh dao khiến vết thương toạc thêm ra. Con dao vẫn còn nhỏ máu, Hy cứ thế mà đút vào túi. Rồi nó nhặt hòn đá lớn, đập gẫy thanh gỗ ngăn đôi cửa sổ nhẩy vào. Hạnh đã lăn ra ngất đi vì quá đau và vì máu ở động mạch phun ra có vòi. Tên côn đồ kia vừa đạp vừa đá lên người Hạnh, nện đầu anh xuống sàn; trong lúc một tay túm lấy tôi cản không cho chạy đi gọi Dọi. Hy tự kiềm chế một cách phi thường không đánh cho Hạnh chết hẳn. Sau nó mệt hết hơi mới chiụ ngừng tay và kéo Hạnh như kéo một xác chết đến chỗ ghế dài. Nó xé toạc cánh tay áo của Hạnh ra, vùng vằng bó vết thương lại, rồi vừa làm vừa khạc nhổ, chửi rủa cũng hung hãn chẳng kém gì lúc nó đấm đá.
Được Hy thả ra, tôi vội chạy đi tìm lão đầy tờ già. Tôi vội vàng kể câu chuyện, mãi sau lão mới hiểu, lão hớt hải vừa thở vừa nhẩy bổ hai bước một xuống cầu thang, miệng la bải hoải:
“Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ?”
Hy quát:
“Chủ mi điên rồi! Nó mà sống được qua một tháng tao sẽ tống nó vào nhà thương điên! Sao mi lại khoá chặt cửa bỏ tao ở ngoài, hở con chó móm kia? Thôi, đừng có đứng đó mà cằn nhằn nữa. Lại đây, tao không hơi đâu mà chăm sóc nó. Lau sạch cái của nợ này đi! Coi chừng ngọn đèn của mi...”
Dọi giơ hai tay, mắt trợn tròn, kinh hãi kêu lên:
“Thế là cậu giết cậu tôi rồi! Tôi chưa bao giờ thấy cảnh tượng này. Lạy Chúa, xin Chúa...”
Hy xô lão ta một cái ngã quỵ xuống vũng máu và quẳng cho lão một cái khăn lông. Nhưng thay vì dùng khăn lau khô, lão ta lại chắp tay cầu nguyện. Nghe lão đọc những lời kỳ quái mà tôi phát bật cười. Lúc ấy tôi đương ở tâm trạng lì lợm, chẳng gì khích động tôi được, tôi cứ trơ ra như mấy tên tử tội trước cột giảo hình sắp bị treo cổ.
Tên bạo ngược Hy nói:
“À, con này, tao quên bẵng mày. Mày phải làm việc này. Ngồi xuống! Mày đồng lõa với hắn phản tao, đồ rắn độc! Đây là công việc hợp với mày đó...”
Nó lắc người tôi đến khi răng tôi va vào nhau lập cập. Rồi nó xô tôi ngã giúi xuống cạnh Dọi, trong lúc lão vẫn thản nhiên đọc kinh. Rồi lão đứng dậy thề sẽ đi ngay đến Họa Mi Trang. Ông Kha là một thẩm phán, cho dẫu ông ta có năm chục bà vợ vừa mới chết đi, ông ấy cũng phải điều tra vụ này.
Thấy lão có vẻ quả quyết như vậy, Hy bắt tôi phải kể lại cho lão đầu đuôi câu chuyện. Lão đứng sững trấn áp tôi với vẻ đầy ác ý, trong khi tôi miễn cưỡng tường thuật sự việc và trả lời câu hỏi của lão. Tôi phải khó nhọc lắm mới thuyết phục được lão già tin rằng Hy không phải là người đã khiêu khích trước. Vả lại chính Hạnh cũng giúp lão tin rằng anh ấy chưa chết. Lão vừa đổ rượu mạnh vào Hạnh là anh ấy tỉnh và cựa quậy ngay được.
Hy thấy Hạnh trong lúc ngất đi không biết mình đã bị một trận đòn nhừ tử, nên nó mắng phủ đầu Hạnh là say rượu mất khôn, nó không thèm chấp và khuyên Hạnh nên đi ngủ. Nói xong nó bỏ đi. Tôi mừng húm. Hạnh nằm duỗi dài ra trước lò sưởi. Tôi về phòng riêng, ngạc nhiên sao mình lại thoát nạn một cách dễ dàng như thế.
Sáng nay, khoảng mười một giờ rưỡi, tôi ở trên gác đi xuống. Anh Hạnh ngồi bên lửa rũ người ra như chết. Còn tên quỷ sứ kia mặt mày cũng hốc hác và tái nhợt đứng tựa bên lò sưởi. Chả ai thiết đến ăn uống. Tôi chờ cho đến khi cơm canh nguội ngắt mới ngồi vào bàn ăn một mình. Không ai cấm tôi ăn ngon lành. Chốc chốc tôi lại đưa mắt nhìn hai người, trong bụng khoái trá...
Ăn xong, tôi liều lĩnh làm một chuyện bất thường là đến gần lò sưởi, đi vòng qua ghế của Hạnh, tới quỳ bên cạnh anh.
Hy không nhìn về phía tôi. Tôi ngước nhìn diện mạo nó một cách gần như táo tợn. Trán nó trước kia tôi thấy hào hiệp bao nhiêu thì nay tôi lại thấy quỷ quyệt bấy nhiêu, đôi mắt nó rắn ráo thiếu ngủ trông lờ đờ và có lẽ đương khóc vì nước mắt ướt đọng trên mi; còn môi nó thì không còn vẻ giễu cợt độc ác mà lại mím chặt trong một vẻ buồn bã khôn tả.
Giá đó là một ai khác thì chắc tôi đã tránh đi để khỏi nhìn thấy vẻ đau khổ ấy. Nhưng vì là nó nên tôi lấy làm thích thú. Kể ra làm nhục một kẻ đã ngã ngựa là hèn thật, nhưng tôi không thể bỏ lỡ dịp đâm nó vài nhát cho hả dạ, chỉ những lúc nó yếu thế như vậy tôi mới hưởng được cái thú lấy oán trả oán mà thôi.
Tôi ngắt lời Sa:
“Xấu hổ chưa! Cứ làm như cả đời cô chưa bao giờ mở một cuốn Thánh Kinh ra đọc! Trời đã bắt kẻ thù của cô đau khổ, vậy đủ rồi. Đằng này cô còn hành hạ thêm thì thực nhỏ nhen.”
Sa nói:
“Vú nói thật đúng, tôi biết thế, nhưng Hy có khổ đến mức nào tôi cũng không hả dạ, trừ khi tự tay tôi làm khổ nó. Nếu tôi làm cho nó khổ được và nếu nó biết nỗi khổ của nó là do tôi gây nên, thì dù nó khổ ít thôi, tôi cũng còn thích hơn. -, sao tôi nợ nó nhiều thế không biết. Tôi chỉ có thể tha thứ cho hắn với một điều kiện duy nhất. Đó là tôi có thể ăn miếng trả miếng, nó làm tôi khổ thế nào thì tôi cũng làm nó khổ y như thế, bắt nó phải hạ mình xuống ngang hàng với tôi. Nó là kẻ xúc phạm tôi trước, thì nó phải xin lỗi tôi trước, rồi lúc đó... Ồ, lúc đó may ra tôi mới có thể tỏ cho vú biết tôi có đôi chút lòng độ lượng, vú Diễn ạ.”
Thấy Hạnh khát nước đòi uống, tôi đưa cho anh một cốc nước và hỏi han anh ấy. Hạnh đáp:
“Muốn chết mà chẳng chết cho. Trừ cánh tay ra, khắp người tôi chỗ nào cũng đau như dần, tưởng chừng như vừa đánh nhau với một bầy quỷ dữ.”
Tôi nói:
“Có gì là lạ đâu. Dạo trước Liên thường khoe chị ấy là tấm mộc che thân cho anh, ý chị muốn nói rằng có người không dám đánh anh vì sợ phật ý chị. Cũng may người chết không thể đội mồ đứng dậy được, chứ nếu không thì đêm qua chị ấy đã được chứng kiến một cảnh tượng kinh tởm. Anh bị thâm tím ở vai ở ngực phải không?”
Hạnh nói:
“Tôi không biết. Nhưng cô nói thế là có ý gì vậy? Bộ nó dám đánh tôi trong lúc tôi đang bất tỉnh sao?”
Tôi nói khẽ:
“Nó đấm nó đá anh, nó đập cả đầu anh xuống đất đó. Mồm nó sùi cả bọt mép như muốn cắn muốn xé xác anh ra, lúc đó trông nó không còn một tý nhân tính nào nữa.”
Cả Hạnh và tôi đều ngẩng lên nhìn vào mặt kẻ thù chung, lúc đó đang đắm mình trong nỗi đau khổ không biết gì đến xung quanh. Nó càng đứng lâu thì cái tâm địa độc ác của nó càng hiện rõ trên nét mặt.
“Trời! Nếu tôi có đủ sức bóp cổ cho nó chết trong lúc tôi còn hấp hối thì có xuống địa ngục tôi cũng vui lòng!”
Hạnh gầm gừ nói thế, cố gượng ngồi dậy nhưng lại quỵ xuống, thất vọng vì biết mình không đủ hơi sức để chống chọi nữa!
Tôi nói lớn giọng:
“Nó đã giết một người trong gia đình anh, thế là đủ rồi. Ở bên Họa Mi Trang ai ai cũng biết là nếu không có nó thì em anh đâu đến nỗi chết. Thôi, thà bị nó ghét còn hơn được nó thương. Cứ nghĩ tới hồi trước khi nó tới, chúng tôi được sung sướng như thế nào, chị Liên được hạnh phúc như thế nào, là tôi lại uất người lên không để đâu cho hết.”
Rất có thể Hy quan tâm đến sự thực trong câu nói ấy hơn là để ý đến tâm trạng của tôi. Tôi biết là nó bị xúc động, nó thở dài nghẹn ngào, nước mắt nhỏ cả xuống đống tro tàn trong lò sưởi. Tôi ngó thẳng vào mắt nó, cười thành tiếng. Hai con mắt hắn, hai cửa sổ địa ngục tối xầm kia, chợt lóe lên một lúc về phía tôi, tuy nhiên vì tên ác quỷ bây giờ đẫm nước mắt nên tôi không sợ hãi, lại còn bật lên tiếng cười chế nhạo.
Hắn làu bàu:
“Đứng dậy! Cút đi cho khuất mắt tao!”
Tôi đoán nó nói thế vì giọng nó nói khó nghe quá, nên đáp:
“Xin lỗi anh chứ. Tôi cũng yêu Liên. Bây giờ Hạnh là anh của Liên cần được chăm sóc, tôi vì Liên mà chăm sóc anh ấy. Liên đã chết rồi. Tôi xem anh Hạnh như thể Liên vậy. Hạnh có đôi mắt giống hệt Liên, nếu anh không định móc đôi mắt anh ấy ra, làm cho nó thâm xịt và đỏ ngầu lên. Còn Liên...
“Đứng dậy! Đồ ngốc đê tiện! Không tao đập chết tươi bây giờ!”
Nói rồi nó khuơ chân tay lên khiến tôi không thể ngồi yên. Tôi vừa thủ thế - nếu cần chạy luôn - vừa nói:
“Nếu Liên mà là bà Hy, nếu Liên nhận cái địa vị đáng khinh nhục nhã ấy, thì chắc Liên cũng sẽ rơi vào tình cảnh này! Chị ấy chẳng yên lặng mà chịu đựng những hành vi kinh tởm của anh đâu! Chắc chắc chị ấy sẽ nói toáng lên nỗi oán ghét uất hận của mình!"
Cái lưng ghế của Hạnh chắn giữa tôi và Hy. Vì vậy thay vì cố vươn tay ra đánh tôi, nó vớ một con dao trên bàn ném vào đầu tôi. Mũi dao cắm phía dưới tai tôi khiến tôi ngừng bặt. Tôi rút lưỡi dao ra rồi vùng chạy ra cửa, miệng tuôn ra mấy câu mà tôi chắc đâm vào ruột nó còn sâu hơn là lưỡi dao đâm vào cổ tôi.
Cảnh cuối cùng mà tôi kịp quay lại trông thấy là nó hùng hổ rượt theo nhưng bị Hạnh ôm lấy và cả hai vật lộn nhau trên đất. Chạy qua nhà bếp tôi bảo Dọi cấp tốc vào tiếp cứu Hạnh. Ra tới cửa tôi đụng phải Hạ lúc đó đương nghịch với mấy con chó làm Hạ ngã lăn quay. Tôi cắm đầu cắm cổ chạy lên con đường cái như một linh hồn trốn khỏi địa ngục. Rồi tôi lại bỏ con đường cái ngoằn ngoèo, chạy tắt ngang cánh đồng hoang, hết vấp ngã lên những mô đất cao lại hụt chân tụt xuống vũng lầy, tôi cứ nhắm ánh đèn thấp thoáng như ngọn hải đăng ở Họa Mi Trang mà phóng tới. Từ nay chẳng thà tôi bị đầy ải vĩnh viễn trong cảnh địa ngục còn sướng hơn là sống một đêm bên Gió Hú.
Sa ngừng kể, uống một ngụm trà rồi đứng dậy bảo tôi choàng khăn san và đội mũ cho nàng, mặc tôi năn nỉ thế nào cũng không ở thêm lấy một phút nào nữa. Nàng trèo lên ghế ghé môi hôn tấm hình Kha và Liên, ôm lấy tôi hôn rồi lên xe, đem theo con Phan Nhi mừng rỡ vì gặp lại chủ. Thế là nàng đi...đi luôn, không bao giờ trở lại vùng này nữa.
Sau khi đã thu xếp ổn định mọi việc, giữa nàng và chủ tôi thường xuyên có liên lạc với nhau bằng thư từ. Tôi đoán chắc là nàng ở miền nam, gần Luân Đôn. Mấy tháng sau kể từ ngày bỏ nhà đi trốn, nàng sinh được một đứa con trai, đặt tên nó là Tôn. Và ngay lần đầu báo tin, nàng đã kể là thằng bé còm cõi, đã hay ốm vặt lại thường hờn quấy luôn.
Còn Hy thì một hôm gặp tôi dưới làng có hỏi thăm Sa ở đâu. Tôi không nói. Hắn nói hắn cũng chẳng cần biết, miễn là đừng có về ở với anh nàng để hắn phải tóm cổ lôi về. Tuy tôi không cho hắn biết tin, nhưng do một tên đầy tớ nào đó thóc mách, hắn cũng biết chỗ ở của Sa, và cả chuyện Sa đẻ con trai nữa. Có lẽ vì ghét nàng nên hắn cũng chẳng buồn đi tìm và quấy rầy nàng, tôi chắc thế.
Mỗi lần gặp tôi, Hy thường hỏi thăm về thằng bé. Nghe nói nó tên là Tôn, hắn cười chua chát nói:
“Họ muốn tôi ghét luôn cả thằng bé đấy!”
Tôi đáp:
“Chắc họ không muốn để cậu biết tý ty gì về nó.”
“Rồi coi. Tôi muốn bắt nó thế nào mà chả được. Cứ tin tôi đi!”
May mà mẹ thằng bé qua đời trước khi nó bị bắt, lúc ấy vào khoảng mười ba năm sau ngày mợ Liên mất, Tôn mới độ mười hai tuổi hay hơn một chút.
Sau cái hôm Sa bất chợt về nhà ấy, tôi không có dịp kể lại chuyện ấy cho cậu Kha nghe. Cậu tránh chuyện trò và chả có bụng nào để bàn luận chuyện gì. Đến khi tôi có dịp kể cho cậu nghe, cậu có vẻ vui thấy Sa bỏ chồng. Tôi không ngờ cậu tôi trông hiền lành thế mà trong lòng lại thù ghét Hy một cách sâu cay như vậy, ghét đến nỗi cậu không bao giờ đi đến một nơi mà cậu ngờ có thể gặp Hy hay nghe nói tới Hy. Điều đó, cộng thêm nỗi đau thương trong lòng, biến cậu thành người ẩn dật hoàn toàn. Cậu tôi từ chức thẩm phán, bỏ cả việc đi lễ nhà thờ, tránh mọi việc để khỏi phải xuống làng. Cậu chỉ quanh quẩn trong vườn trong trại mà thôi... thảng hoặc mới đi dạo một mình trên đồng hoang, thăm mộ vợ, thường là vào lúc chiều xuống hay sáng sớm trước khi mọi người ra khỏi nhà.
Nhưng cũng nhờ ăn ở hiền lành nên cậu tôi cũng không đến nỗi phải buồn khổ lâu. Cậu không cầu nguyện cho hồn mợ tôi về với cậu nữa. Thời gian đã khiến cậu tôi cam chịu và mang lại cho cậu một nỗi buồn nó êm dịu gấp mấy lần những niềm vui tầm thường. Cậu nhớ đến vợ là nhớ tới một mối tình dịu dàng đằm thắm, với lòng tin tưởng rằng nàng được đến một thế giới tốt đẹp hơn, sung sướng hơn nơi trần thế.
Mà ở nơi trần thế này, cậu tôi cũng không thiếu tình thương và nguồn an ủi. Tôi đã nói rằng mấy ngày đầu cậu tôi hình như chẳng để ý gì đến con bé yếu đuối mà vợ cậu để lại cho cậu. Nhưng sự thờ ơ ấy tan nhanh như tuyết tháng tư, và trước khi con bé vừa bập bẹ biết nói hay chập chững biết đi thì nó đã độc quyền ngự trị trái tim cậu rồi.
Cậu tôi lấy tên mẹ nó là Liên đặt tên cho nó để nhắc nhở tới người vợ yêu quý của cậu. Cậu yêu nó, quyến luyến nó, có lẽ là vì nó có liên hệ đến mợ tôi hơn là vì nó là con của cậu.
Tôi thường hay đem so sánh cậu Kha với cậu Hạnh và không sao giải thích cho xuôi vì lẽ gì họ sống trong cùng một hoàn cảnh tương tự mà lại có cách ăn ở trái ngược nhau như thế. Cả hai người đều yêu vợ hết mực, cả hai đều gắn bó với con, thế mà không hiểu sao không đi chung một con đường hoặc tốt thì tốt cả hoặc xấu thì xấu cả. Tôi nghĩ Hạnh bề ngoài trông rắn rỏi thế mà bên trong lại kém cỏi và yếu đuối hơn Kha. Ví như con tàu gặp nạn, thay vì lo cứu tàu thì thuyền trưởng lại trốn nhiệm vụ và bọn thủy thủ lại gây hỗn loạn bỏ mặc tàu trong cơn tai biến. Kha thì trái lại, tỏ ra thực sự có cái can đảm của một người trung tín. Cậu lại tin tưởng nơi Chúa nên Chúa đã mang lại an ủi cho cậu. Một người thì sống trong niềm hy vọng, còn một người thì tuyệt vọng, họ đã tự chọn lấy số phận và xứng đáng để chịu số phận ấy.
Nhưng, thưa ông Lộc, ông chả cần nghe tôi luận về đạo lý làm gì. Tất cả những điều này rồi ông cũng có thể nhận định ra như tôi, hay ít nhất ông nghĩ là ông sẽ nhận định lấy, đằng nào cũng vậy thôi.
Như chúng tôi đã dự đoán, cái chết của Hạnh xẩy ra không lâu, chỉ chưa đầy sáu tháng sau ngày em cậu qua đời. Chúng tôi ở Họa Mi Trang, đâu có hay biết gì về bệnh tình của chàng trước khi chết ra sao, mãi hôm tôi lên giúp việc tang ma, tôi mới biết được đôi chút.
Ông đốc Kiên đến báo tin buồn cho chủ tôi. Ông cưỡi ngựa vào thẳng trong sân, vào lúc trời còn tờ mờ sáng nên tôi đoán ngay là có tin chẳng lành. Ông nói:
“Này, vú Diễn, bây giờ đến lượt vú và tôi để tang đây. Vú đoán thử lần này ai đã bỏ chúng ta ra đi đây?”
Tôi lo lắng:
“Ai vậy?”
Ông Đốc vừa xuống ngựa, buộc dây cương vào một cái móc cạnh cửa, vừa nói:
“Chà, vú thử đoán xem. Vú cầm sẵn vạt áo lên thì vừa.
Tôi kêu:
“Chắc không phải là cậu Hy chứ?”
“Vú nói sao? Bộ vú phải nhỏ nước mắt khóc cái con người ấy à? Không, Hy khoẻ như vâm, trông hắn hôm nay tươi như hoa. Tôi vừa gặp hắn xong. Từ khi mất vợ, hắn lại đâm ra có da có thịt nhanh lắm.”
Tôi sốt ruột nhắc lại:
“Vậy thì ai thế, ông Đốc?”
“Ông Hạnh chứ ai nữa? Người bạn cũ của vú đó mà... cũng là ông bạn thân tai ác của tôi, tuy rằng ít lâu nay anh ấy thường hay dở chứng với tôi. Đấy! Tôi đã bảo là thế nào mình cũng phải tốn nước mắt mà... Nhưng mà... thôi thôi, nguôi đi chứ! Tội nghiệp anh ấy, tính thế nào thì chết thế đó... say bí tỷ... Tôi, tôi cũng buồn lắm chứ. Mất một người bạn cũ không buồn sao được, mặc dù anh ấy chơi tôi cũng nhiều vố đau lắm. Mà hình như anh ấy mới hăm bẩy thôi, bằng tuổi vú đấy, ai mà nghĩ anh ta với vú lại cùng sinh một năm?”
Thú thực là tin cậu Hạnh mất làm tôi đau lòng hơn cả cái chết của mợ Liên. Tôi nhớ lại bao nhiêu kỷ niệm xưa. Tôi ngồi bệt xuống cổng khóc, khóc như khóc một người ruột thịt. Lúc ấy tôi chỉ mong ông Kiên tìm một người đầy tớ khác dẫn ông vào gặp chủ tôi.
Tôi không thể không băn khoăn trước một câu hỏi: “Liệu cái chết của Hạnh có gì uẩn khúc không?” Dù tôi có làm gì thì làm cái ý nghĩ ấy cứ mãi lởn vởn trong đầu tôi khiến tôi khắc khoải vô cùng. Tôi nhất định xin phép nghỉ để lên Đỉnh Gió Hú tham dự tang lễ.
Cậu Kha nhất định không chịu cho tôi đi. Tôi phải hùng hồn viện ra các lý lẽ xác đáng, nào là tình cảnh Hạnh không có ai thân thích, nào Hạnh là chủ cũ và cũng là anh em cùng một vú nuôi với tôi, tôi phải đáp nghĩa cho phải đạo. Ngoài ra tôi còn nhắc cậu rằng thằng Hạ là cháu vợ cậu, nó chỉ còn Kha là họ hàng gần nhất; đáng lý ra cậu phải đứng ra làm người giám hộ cho nó, điều tra xem tài sản của cha nó để lại ra sao và trông nom giúp cho anh vợ.
Vào thời gian đó cậu tôi không đủ sức cáng đáng những công chuyện ấy, nên cậu dặn tôi liên lạc với luật sư của cậu và cuối cùng cho phép tôi đi. Ông luật sư ấy cũng là luật sư của cậu Hạnh nữa. Tôi ghé qua làng, mời ông ta đi cùng với tôi. Nhưng ông lắc đầu khuyên tôi không nên dây dưa với Hy và cả quyết là nếu để lộ sự thật thì thằng Hạ chỉ có nước đi ăn mày. Ông nói:
“Bố nó chết đi nợ đìa ra, nhà cửa đất cát cầm cố hết, đứa con thừa tự chỉ còn mỗi một nước là lấy lòng chủ nợ, may ra người ta thương tình cho tý gì hay tý ấy.
Khi tới Gió Hú tôi nói là tôi lên xem mọi việc có thu xếp đâu vào đấy chưa. Lão Dọi, nét mặt rầu rầu, thấy tôi lên lộ vẻ hài lòng. Còn Hy thì nói là hắn không cần tới tôi, nhưng nếu tôi muốn thì có thể ở lại trông nom đám tang cho chu đáo. Hắn bảo:
“Đúng ra thì cái xác thằng điên ấy phải đem chôn ở ngã ba đường, không kèn trống gì hết ráo... Trưa hôm qua tôi bất chợt có việc đi khỏi có độ mười phút nó đã khóa chặt hai cửa nhà lại không cho tôi vào, rồi suốt đêm nó cố tình uống rượu say đến chết! Sáng nay chúng tôi phải phá cửa vào vì nghe nó ngáy như bò rống và thấy nó nằm thẳng cẳng trên ghế dài... Giá có đem lột da nó, nó cũng không tỉnh dậy được... Tôi cho đi kêu ông đốc Kiên nhưng lão ấy chưa đến thì nó đã chết cứng ra rồi. Chắc vú cũng thấy là chả nên bới chuyện ra to làm gì vô ích!”
Lão Dọi xác nhận lời Hy nói đúng, nhưng lão còn làu bàu nói thêm:
“Giá để chính cậu đi gọi ông đốc tờ lấy thì hơn! Tôi ở nhà trông nom cậu chủ vẫn hơn... khi tôi đi cậu ấy đã chết đâu!”
Tôi nhất mực đòi phải làm ma cho trọng thể. Hy bảo việc đó tùy ý tôi nhưng nên nhớ là tất cả tốn phí đều do hắn bỏ tiền túi ra hết.
Hy giữ thái độ lãnh đạm, thản nhiên, không vui cũng chẳng buồn; nếu có gì khác thì chỉ là vẻ tự mãn của một con người sắt đá đã hoàn tất được một công việc khó khăn. Thực vậy, có một lúc tôi để ý thấy hắn hé lộ ra một vẻ gì giống như sự vui thích, đúng vào lúc người ta khênh quan tài ra khỏi nhà. Hắn lại làm ra vẻ đạo đức, để tang cẩn thận, và trước khi cùng thằng Hạ đi theo linh cữu, hắn bồng thằng bé bất hạnh đứng trên bàn, khẽ nói với giọng khoái trá đặc biệt:
“Thằng này, bây giờ mày là của tao, nghe chưa? Để rồi xem, cùng một cơn gió xoáy cái cây này có khỏi bị vặn cong như cây kia không?”
Tội nghiệp thằng bé nó có hiểu tý nào đâu mà ngờ vực, nghe nói nó thích lắm; nó mân mê bộ tóc mai của Hy và vuốt má hắn. Nhưng tôi thì tôi hiểu ý nghĩa câu nói của hắn, tôi nói chua chát:
“Thưa cậu, thằng bé này phải về Họa Mi Trang với tôi. Cái gì chứ nó nhất định không phải là của cậu rồi!”
Hắn hỏi:
“Có phải Kha nói thế không?”
Tôi đáp:
“Cố nhiên... cậu Kha đã ra lệnh cho tôi bắt nó về.”
Cái tên vô lại ấy nói:
“Khoan, giờ không phải là lúc cãi nhau về vấn đề này. Nhưng tôi lại có ý ngông muốn tự tay thử nuôi dậy một đứa bé xem sao. Vậy vú hãy về nói với chủ của vú rằng nếu ông ấy tìm cách đòi thằng này thì buộc lòng tôi phải đòi con tôi về. Về thằng Hạ tôi sẽ không dễ dàng để nó đi mà không tranh chấp, còn thằng con tôi thì cam đoan thế nào nó cũng về với tôi. Vú nhớ về nói với chủ vú như thế!”
Chỉ một lời đe dọa ấy cũng đủ bó tay chúng tôi lại rồi. Khi về, tôi kể ngay đại ý câu chuyện cho Kha nghe. Ngay từ đầu, cậu đã chẳng tha thiết, nên cậu không bàn đến chuyện can thiệp nữa. Mà giá cậu có muốn đi nữa, tôi thấy cũng chẳng thể làm gì được.
Thế là từ địa vị một người khách, Hy nhiễm nhiên nhẩy lên địa vị chủ nhân trại Gió Hú. Hắn nắm quyền sở hữu một cách chắc chắn và đã có bằng cớ đưa ra chứng minh trước ông Chưởng Lý. Ông này lại chưng bằng cớ cho Kha thấy Hạnh đã cầm cố từng thước đất của cậu ta để lấy tiền đánh bạc cho thỏa tính đam mê và người chủ nợ là Hy. Vì không có bè bạn thân thuộc và vì dốt nát không biết rằng mình bị người ta lường gạt nên thay vì bây giờ là đệ nhất địa chủ trong vùng, Hạ lại lâm vào cảnh sống bám vào kẻ thù không đợi trời chung của cha mình, làm đấy tớ không công ở ngay trong nhà mình cho hắn và hoàn toàn không thể ngóc đầu lên được.

<< Chương 14 - 15 | Chương 18 - 19 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 935

Return to top