Để tránh nguy cơ thực sự có thể xẩy ra sau lời đe dọa của bác Dọi, sáng sớm hôm sau cậu Kha sai tôi dùng ngựa của Liên đưa thằng bé về trại Gió Hú. Cậu nói:
“Vì từ nay mình không còn trách nhiệm gì về số phận nó, hay hay dở cũng đành chịu, nên vú chớ có nói cho con gái tôi biết thằng bé đi đâu. Từ nay Liên không thể chơi với nó được nữa vậy tốt hơn hết là đừng cho Liên biết nó ở gần đây; nếu không con bé lại thắc mắc đòi đi đến Trại... Vú cứ bảo là bố nó bất ngờ cho người tới đón và bắt buộc nó phải xa chúng ta."
Bé Tôn miễn cưỡng phải rời khỏi giường ngủ lúc năm giờ sáng và ngơ ngác nghe tin phải sửa soạn để đi nữa. Tôi dỗ ngọt bảo nó là đi về với cha nó là ông Hy một ít lâu, vì cha nó rất trông chờ nó nên không thể đợi nó hết mệt được.
Thằng bé bối rối kêu lên:
“Ba em? Mẹ em chả bao giờ nói là em có ba cả. Ba em ở đâu kìa? Em thích ở đây với bác hơn."
“Ba em ở gần đây, phía bên kia đồi... không xa lắm đâu. Bao giờ khỏe, em có thể đi bộ đến đây chơi. Được về nhà với ba, em phải vui chứ. Em phải ráng yêu ba như yêu mẹ em, thì ba em cũng sẽ yêu em."
Tôn lại hỏi:
“Nhưng sao từ trước đến giờ em không nghe nói gì đến ba hết? Sao mẹ không ở với ba như người ta?”
Tôi đáp:
“Vì ba bận công việc phải ở miền bắc còn mẹ vì sức khỏe bắt buộc phải ở miền nam."
Thằng bé vẫn gặng hỏi:
“Nhưng sao mẹ không nói gì về ba với em? Mẹ thường nói về bác Kha, nghe chuyện em yêu bác từ lâu lắm. Làm sao em yêu ba được bây giờ? Em có biết ba đâu?”
“Ồ, con nào mà chả yêu bố mẹ. Có lẽ mẹ nghĩ nếu nhắc đến ba luôn thì em sẽ đòi về với ba. Thôi, mình sửa soạn nhanh lên. Buổi sáng đẹp trời như thế này mà cỡi ngựa đi còn thú hơn là ngủ nướng thêm một giờ nữa."
“Thế chị ấy có đi cùng không? Cái chị bé bé em gặp hồi hôm ấy?”
“Bây giờ thì chưa đi được."
“Còn bác Kha?”
“Cũng không. Chỉ có mình tôi đi với chú tới đó."
Tôn lại lăn ra giường, mếu máo:
“Không có bác Kha đi em chả đi đâu. Em chả biết vú đưa em đi đâu."
Tôi bảo nó không chịu đi thăm ba là hư lắm, nhưng thằng bé vẫn khăng khăng không chịu thay quần áo. Tôi phải kêu cậu Kha ra dỗ dành mãi nó mới chịu bước ra khỏi phòng.
Sau cùng cậu bé đáng thuơng cũng phải lên ngựa đi, ôm theo những lời hứa hão rằng nó chỉ phải đi một ít lâu thôi, rằng bác Kha và chị Liên sẽ tới thăm nó; cộng thêm những lời hứa nhăng hứa cuội khác nữa mà tôi bịa ra và nhắc đi nhắc lại trên đường đi.
Không khí trong lành đượm mùi hoa thạch thảo, ánh ban mai rực rỡ và nước ngựa phi nhịp nhàng, lát sau làm Tôn nguôi ngoai. Nó bắt đầu hỏi tôi về căn nhà mới nó sắp ở và những người ở trong trại ấy với một vẻ quan tâm sốt sắng. Vừa ngoái lại nhìn lần cuối xuống thung lũng - lúc ấy một làn sương nhẹ đương bốc lên tạo thành một đám mây trắng mỏng trên rèm bàu trời xanh thẳm - nó vừa hỏi tôi:
“Trại Gió Hú có đẹp bằng Họa Mi Trang không?”
Tôi đáp:
“Gió Hú không có nhiều cây cối bằng, cũng không to rộng bằng Hoạ Mi Trang, nhưng ở đó chú có thể nhìn ra khắp vùng rất đẹp và không khí thì mát và khô, tốt cho chú hơn. Có thể mới đầu chú sẽ cho là căn nhà cũ kỹ và tối tăm, nhưng đó là một biệt thự khang trang nhất nhì trong vùng đấy. Chú sẽ thú vị đi dạo chơi trên rừng cỏ, và Yên Hạ - anh em họ với Liên, tức là cũng gần như có họ với chú - sẽ dẫn chú đi xem những nơi có phong cảnh đẹp nhất. Khi đẹp trời chú có thể đem một quyển sách tìm một cái hốc trong lùm cây xanh làm thành phòng đọc, và thỉnh thoảng bác Kha sẽ theo chú đi dạo chơi vì bác hay đi dạo trên đồi ấy lắm."
“Thế ba em giống ai, có trẻ đẹp như bác Kha không?”
“Ba trẻ như bác Kha nhưng tóc và mắt đen. Ba coi bộ nghiêm nghị hơn và thân hình cao lớn vạm vỡ hơn. Lúc đầu chú có thể thấy ba không ân cần chiều chuộng chú, vì tính ổng như vậy...nhưng chú phải tỏ ra thân thiện và thành thực với ba chú, và lẽ tự nhiên là ba sẽ yêu chú hơn bất kỳ một ông chú ông bác nào, vì chú là con."
Tôn lẩm bẩm:
“Tóc và mắt đen. Em không tưởng tượng ra được ba em như thế nào? Em có giống ba em không?”
“Không giống lắm."
Tôi vừa đáp vừa nghĩ thầm trong bụng chẳng giống tí nào. Thằng bé trông trắng trẻo và mảnh khảnh, hai con mắt to uể oải...giống mắt mẹ; trừ khi nó tức giận hai mắt nó lóe sáng trong giây lát còn thì nó không có lấy một nét linh lợi nào của mẹ nó.
“Lạ nhỉ! Chả bao giờ ba đến thăm mẹ và em cả. Không hiểu ba đã thấy em lần nào chưa? Nếu có chắc lúc em còn bé tí tẹo... Em chả nhớ tí gì về ba em cả."
Tôi nói:
“Chú Tôn à, bốn năm trăm cây số xa lắm chú ạ, hơn nữa đối với người lớn thì mười năm đâu có lâu lắc gì như đối với trẻ con. Rất có thể cậu Hy đã có dự định đi thăm vợ con, nhưng rồi thì mùa hè này qua mùa hè khác, chẳng khi nào có dịp thuận tiện, cho đến bây giờ thì quá trễ... Chú cũng đừng nên hỏi ba về chuyện này để ba khỏi phiền lòng mà cũng chả ích lợi gì."
Thằng bé sau đó mải suy nghĩ không hỏi han gì thêm... Đến cổng Trại tôi để ý nhìn gương mặt nó để dò thái độ của nó ra sao. Tôn ngắm nghía cái cổng trạm trổ, dẫy rào thấp, bụi khế um tùm và hàng cây tùng cong queo, rồi lắc đầu, tỏ vẻ hoàn toàn không thích cái bề ngoài chỗ ở mới của nó; tuy vậy nó giữ ý, không kêu ca vội... biết đâu bên trong nhà lại chả có cái gì hấp dẫn hơn.
Trước khi để Tôn xuống ngựa, tôi lại mở cổng. Lúc đó mới sáu giờ rưỡi sáng. Cả nhà vừa ăn sáng xong, chị người làm đang dọn dẹp chén đĩa, lau bàn; bác Dọi thì đang đứng bên ghế ông chủ nói chuyện gì về một con ngựa què, còn Hạ thì sửa soạn để ra đồng.
Thấy tôi, ông Hy kêu lên:
“Kìa, vú Diễn! Tôi cứ nghĩ có lẽ tôi phải đích thân xuống tận đó để mang nó về. Vú đưa nó về đây đấy chứ? Mình thử ra xem nó có làm được trò trống gì không nào."
Nói xong ông Hy đứng dậy bước nhanh ra cửa. Hạ và Dọi tò mò vội theo sau. Tội nghiệp cho bé Tôn, nó sợ hãi đưa mắt nhìn bộ ba ấy. Bác Dọi ngắm nghía thằng bé một cách chăm chú rồi tuyên bố:
“Thôi chết rồi, cậu ấy đánh tráo rồi, đây đích là cô con gái của cậu ấy mà!”
Hy nhìn con trai chằm chặp làm nó quýnh lên rồi cười miệt thị:
“Chà chà! Đẹp ghê! Đáng yêu quá, xinh quá! Chắc nó được nuôi bằng sữa chua, phải không vú Diễn? Ôi, khổ cho cái thân tôi! Đâu ngờ lại tệ đến cái mức này... mà nói có Trời biết, tôi đâu có phải là người đặt nhiều kỳ vọng gì cho cam!”
Thằng bé ngơ ngác sợ run lên. Tôi bảo nó xuống ngựa vào nhà. Nó chả hiểu cha nó nói ất giáp gì cả, và có phải nói về nó không. Nói cho đúng, thằng bé chưa tin là cái người xa lạ trông dữ dằn và ăn nói kỳ cục kia có phải thực là cha nó không; nó cứ bám chặt lấy tôi mỗi lúc một run sợ hơn. Lúc Hy ngồi xuống ghế, ngoắc tay bảo nó “Lại đây!” thì nó giấu mặt vào vai tôi khóc.
Hy nói:
“Thôi nào! Thôi nào!”
Rồi đưa tay kéo mạnh nó một cái vào lòng, Hy nâng cầm hất mặt nó ngẩng lên, bảo:
“Đừng có giở quẻ nghe chưa? Không ai ăn thịt mày đâu… Tôn... có phải tên mày đó không? Mày giống cái con mẹ mày như đúc! Mày có cái gì giống tao đâu, hở thằng nhãi!"
Hy bỏ mũ nó ra, hất những lọn tóc nâu dầy của nó lên, nắn nắn cánh tay và bàn tay gầy guộc của nó. Trong lúc ấy, Tôn đã nín khóc, mở cặp mắt xanh to ra quan sát lại người đang nhìn ngắm mình.
Hy lại hỏi:
“Mày có biết tao là ai không?”
Tôn, ánh mắt sợ sệt, nói:
“Không!”
“Tao dám chắc mày đã nghe nói đến tao?”
Tôn đáp lại:
“Không!”
“Không à? Thực là xấu hổ cho mẹ mày đã không dậy mày lòng hiếu thảo đối với tao! Vậy tao nói cho mày biết tao là bố mày! Mẹ mày là con đàn bà xấu xa mới không cho mày biết bố mày là ai... Thôi đừng có nhăn nhăn nhó nhó và đỏ mặt lên như thế kia. Dẫu sao thì mặt đỏ lên như thế cũng cho người ta thấy mày không đến nỗi là phường “máu trắng”. Phải ngoan thì tao mới thương được... Vú Diễn, nếu vú mỏi chân thì ngồi xuống ghế kia, nếu không thì cứ việc đi về... Tôi chắc vú sẽ kể cho cái kẻ vô tích sự ở Họa Mi Trang những điều mắt thấy tai nghe ở đây và nếu vú còn lần lữa ở đây lâu chừng nào thì cái của này còn nhõng nhẽo chừng ấy..."
Tôi đáp:
“Dạ, thưa cậu, tôi mong rằng cậu sẽ đối đãi tử tế với thằng bé, nếu không thì cậu chẳng giữ nó được lâu. Nó là người ruột thịt duy nhất của cậu ở trên cõi thế gian bao la này. Người duy nhất... xin cậu nhớ cho điều đó."
Hy cười:
“Tôi sẽ hết sức tử tế với nó, vú khỏi lo. Có điều là ngoài tôi ra, tôi không khiến một ai tử tế với nó... Tôi có tính đố kỵ muốn dành độc quyền tình thương yêu nó. Và để khởi sự tử tế, Dọi! đem thức điểm tâm cho thằng bé ăn đi... còn Hạ, cái thằng ngu như bò kia, đi làm việc đi."
Dọi và Hạ đi khỏi, Hy tiếp theo:
“Con trai tôi sau này sẽ là chủ trang trại bên đó. Không đời nào tôi mong nó chết nếu tôi chưa nắm chắc trong tay tôi sẽ là người thừa kế nó. Vả lại, nó là của tôi và tôi rất khoái thấy con tôi làm chủ tài sản của họ một cách hợp pháp. Còn tôi sẽ mướn con họ làm công cho con tôi, cầy bừa ruộng đất của họ. Đó là phần thưởng duy nhất khiến tôi có thể chịu đựng được cái thằng nhãi khốn kiếp này... cái thằng nhãi tôi vừa khinh vừa hận... nhưng thôi, phần thưởng đó là đủ rồi. Nó sẽ được yên thân ở với tôi, ông chủ của vú coi sóc con cái của ông ấy như thế nào thì nó cũng được săn sóc y như vậy... Tôi dành một căn phòng trang hoàng đẹp đẽ trên lầu cho nó ở. Tôi cũng đã mướn một ông thầy ở cách đây ba chục cây số, mỗi tuần tới ba lần dậy nó, nó thích học cái gì người ta dậy nó cái ấy. Tôi đã ra lệnh cho thằng Hạ phải chiều nó. Tóm lại tôi đã xếp đặt mọi việc để giữ cho nó cái địa vị cao quý vượt lên trên đám người xung quanh nó. Đáng tiếc là nó chẳng xứng đáng chút nào với cái công khó của tôi. Nếu tôi có cầu mong một điều gì trên cõi đời này thì tôi chỉ cầu được hãnh diện vì nó; nhưng cái bộ mặt ỷ ôi tái xanh tái tử của nó chỉ tổ làm tôi thất vọng chua chát mà thôi!”
Trong lúc Hy đương nói thì Dọi đã trở lại, đưa một bát cháo sữa đặt trước mặt Tôn. Thằng bé nom thấy cái món ăn quê mùa đó, nó khinh khỉnh quay mặt đi chỗ khác, tỏ ý nhất định không thể nào nuốt nổi. Tôi thấy lão Dọi đồng tình với chủ khinh thị thằng bé mà không dám nói ra vì Hy đã tuyên bố là mọi người trong nhà phải kính nể nó. Lão nhìn thằng bé chòng chọc, hạ giọng xuống nói khẽ như sợ người khác nghe thấy:
“Không ăn được hả? Chú Hạ hồi nhỏ có ăn gì khác đâu? Chú Hạ ăn được thì chú cũng ăn được chứ?”
Tôn gay gắt đáp lại:
“Tôi không ăn! Đem chỗ khác đi!”
Dọi cáu, vùng vằng vớ lấy cái khay thức ăn, giơ trước mặt Hy và tôi:
“Ngon thế này mà còn chê!”
Vừa nói lão vừa dí bát cháo vào mũi Hy. Hy nói:
“Có gì dở đâu?”
“Ấy thế mà cậu quý tử của ông bảo không nuốt được. Nhưng như thế cũng là lẽ tự nhiên thôi, y hệt như mẹ nó ngày xưa thôi... tại mình bẩn quá mà, không đáng gieo hạt giống lấy lúa cho mẹ nó ăn!”
Ông chủ khó chịu nói:
“Đừng nhắc tới mẹ nó với tôi nữa. Nó thích cái gì lấy cho nó ăn thứ nấy. Vậy là xong. Vú Diễn, nó thường ăn cái gì?”
Tôi bảo là sữa nước sôi hay nước trà, chị người làm liền được lệnh đi nấu ngay. Tôi nghĩ bụng: “Thôi thế cũng được. Lòng tham lam ích kỷ của cha nó may ra lại có lợi cho nó. Bố nó thấy nó yếu đuối và cần phải cẩn thận chăm lo cho nó. Thế cũng được rồi. Mình sẽ kể lại cho cậu Kha yên tâm và luôn thể nói cho cậu ấy biết cái dã tâm của Hy.”
Tôi thấy không có lý do gì để nấn ná ở thêm nữa. Trong khi bé Tôn đang rụt rè chống trả với một con chó bẹc-de lân la tới muốn làm quen, tôi lẳng lặng rút lui. Nhưng thằng bé hình như lúc nào cũng cảnh giác lo đề phòng bị đánh lừa, nên khi tôi vừa khép cánh cửa lại thì nghe có tiếng la thất thanh:
“Đừng bỏ em! Em không chịu ở đây đâu! Em không chịu ở đây đâu!”
Rồi có tiếng then cửa kéo lên, sập xuống... người ta ngăn không cho nó ra. Tôi trèo lên lưng con Minh Nhi và thúc chạy. Thế là xong. Cái nhiệm vụ ngắn ngủi của tôi chăm sóc bé Tôn thế là chấm dứt.
Chương XXI Ngày hôm đó chúng tôi đến khổ với bé Liên. Vừa thức dậy cô bé hí hửng nôn nóng đi tìm em. Khi biết Tôn đi khỏi cô la khóc dữ dội, đến nỗi chính cậu Kha phải dỗ dành và đoan chắc rằng Tôn sẽ trở về ngay, “nếu mình có thể đem nó về được.” Cậu Kha nói thêm như thế tuy trong bụng chẳng hy vọng chút nào cả.
Lời hứa của cậu Kha chỉ giúp phần nào thôi chứ thời gian mới đủ mạnh để giúp Liên nguôi ngoai. Thỉnh thoảng Liên vẫn hỏi bố bao giờ Tôn về, nhưng trước khi Liên được gặp lại Tôn thì nét mặt Tôn đã mờ dần trong ký ức cô bé đến nỗi khi gặp nhau, Liên không còn nhận ra Tôn nữa.
Những lần tình cờ gặp chị quản gia bên trại Gió Hú qua Diên Mễ Tôn mua bán lặt vặt, tôi thường hỏi thăm xem “cậu chủ” của chị ta ra sao, vì Tôn sống cấm cung bên ấy cũng gần như Liên bên này, chẳng ai thấy mặt bao giờ. Chị ta cho biết là Tôn vẫn ốm yếu và làm rộn mọi người trong nhà không ít. Chị ấy bảo ông Hy có vẻ ngày càng ghét Tôn nhưng vẫn cố giấu trong lòng không để lộ cho mọi người thấy. Hy rất khó chịu về cái giọng nói của Tôn, không thể nào ngồi cùng phòng với Tôn lấy một lúc lâu. Hiếm khi hai cha con trò chuyện với nhau. Tôn chiều chiều học bài trong một căn buồng nhỏ hoặc nằm ỳ trên giường suốt ngày vì nó luôn luôn bị cảm cúm, ho, đau nhức đủ thứ. Chị ta nói thêm:
"Trên đời tôi chưa bao giờ thấy có ai nhát và ích kỷ, lúc nào cũng chỉ lo cho bản thân mình như nó. Tôi mà để ngỏ cửa sổ khuya một chút là có chuyện ngay. Úi chà! Nào là một cơn gió nhẹ về đêm có thể làm chết người! Nào là đòi đốt lò sưởi vào giữa mùa hè! Nào là kêu khói thuốc của Dọi đầu độc nó! Luôn tay phải thủ sẵn kẹo bánh cho chú ta, và... sữa, lúc nào cũng sữa, chẳng cần biết đến chúng tôi phải hạn chế thức ăn về mùa đông. Suốt ngày chú ta mặc áo măng tô lót lông thú ngồi co ro một só bên lò sưởi, nhấm nhót mẩu bánh mì nướng hay ly nước hay một món gì hâm nóng. Hạ thấy vậy cũng thương hại, lại chơi với chú ấy. Hạ tuy thô lỗ thật nhưng không đến nỗi xấu tính...nhưng chỉ chốc lát sau là mỗi người mỗi ngã, người thì chửi thề, người thì khóc lóc. Nếu chú ấy không phải là con của ông chủ, chắc ông chủ đã để Hạ đập cho chú ấy một trận nhừ tử rồi. Và nếu ông chủ biết được một nửa thôi những kiểu cách mà chú ta tự săn sóc mình thì cũng đủ để ông tống cổ chú ấy ra khỏi nhà. Nhưng để tránh cái cám dỗ nguy hiểm ấy, ông chủ không bao giờ bước chân vào phòng Tôn và nếu Tôn có dở dói những trò ấy ra trước mặt ông thì ông bắt đưa ngay lên lầu tức khắc."
Nghe chuyện, tôi độ chừng Tôn trở thành ích kỷ và khó tính cho dẫu trước kia không có tính đó cũng chỉ vì bị thiếu tình thương. Từ đó tôi ít quan tâm tới Tôn mặc dù tôi vẫn thương hại nó và tiếc cho nó không được ở với chúng tôi.
Cậu Kha thường xúi tôi dò la tin tức về Tôn. Tôi đoán cậu Kha đã nghĩ nhiều về nó và có thể dám liều đến gặp nó. Có lần cậu bảo tôi hỏi chị quản gia xem Tôn có vào chơi trong làng bao giờ không. Chị cho biết là nó có vào làng hai lần, cùng đi ngựa với bố và cả hai lần về nó đều kêu mệt đứ đừ cho đến mãi ba bốn hôm sau mới hết. Chị quản gia này, nếu tôi nhớ không lầm, thì sau khi Tôn về trại Gió Hú được hai năm, chị ta nghỉ việc. Một người khác đến làm thay - nhưng tôi không quen - hiện nay vẫn còn ở đấy.
Thời gian ở Họa Mi Trang tiếp tục trôi qua êm đềm như trước, cho đến khi cô Liên được mười sáu tuổi. Ngày sinh nhật của Liên chúng tôi không bao giờ tỏ dấu vui vì ngày đó cũng là ngày giỗ mợ chủ tôi. Cậu chủ tôi suốt ngày hôm ấy thường ở một mình trong phòng sách, cho tới chiều tối thì đi ra nghĩa trang cho đến quá nửa đêm mới về; thành thử Liên đành phải tự tìm lấy cách giải trí.
Ngày hai mươi tháng ba năm ấy là một ngày xuân đẹp trời. Khi cậu Kha rút vào phòng sách rồi, Liên xuống dưới nhà mặc quần áo, bảo muốn đi với tôi ra ven rừng chơi. Cậu Kha đã hứa với Liên cho phép chúng tôi đi chơi gần gần trong khoảng một giờ phải về. Liên kêu:
“Nhanh lên, vú Diễn. Em có ý định đi đâu rồi, vú ạ. Chỗ ấy có cả một bầy gà gô đậu xuống. Em muốn đến xem chúng đã làm tổ chưa."
Tôi đáp:
“Chỗ đó chắc xa lắm. Chim đâu có ấp trứng ở ven rừng."
“Không xa đâu. Em đã đến với ba rồi, gần lắm!”
Tôi đội nón theo Liên đi, không ngần ngại gì cả. Liên nhẩy tung tăng phía trước rồi quay trở lại bên tôi rồi lại băng lên trước như một con chó săn nhỏ. Thoạt đầu tôi lấy làm vui thú được hưởng nắng ấm êm dịu, nghe chim sơn ca hót vang khắp nơi, và nhìn Liên, cô bé cưng của tôi với lọn tóc vàng buông xõa bờ vai, đôi má mơn mởn như đoá hồng dại chớm nở và đôi mắt trong sáng hồn nhiên. Hồi đó Liên sung sướng như tiên. Nhưng đáng thương là nàng đã không bằng lòng với số phận. Tôi hỏi:
“Nào đàn gà gô của cô đâu, cô Liên? Đáng lý mình phải tới rồi chứ... mình đã đi xa hàng rào vườn trại quá nhiều rồi mà."
Liên luôn miệng đáp:
“Ồ, ở đằng kia kìa... chỉ một quãng nữa thôi. Vú cứ trèo lên ngọn đồi kia, chỉ đi khỏi dốc là thấy động đàn chim sẽ bay lên cho mà xem."
Nhưng rồi không biết bao nhiêu ngọn đồi phải trèo và bao nhiêu bờ dốc phải vượt qua, đến nỗi tôi thấm mệt bảo Liên ngừng lại quay về. Tôi phải hét to vì Liên đã vọt lên đi trước tôi rất xa. Không biết là Liên vì không nghe thấy hay giả đò không nghe thấy cứ tiếp tục đi trước khiến tôi phải miễn cưỡng đi theo. Rồi Liên biến mất vào một hốc đá. Khi tôi tìm thấy Liên thì cô nàng đã ở gần Đỉnh Gió Hú hơn Họa Mi Trang đến ba cây số. Tôi trông thấy có hai người đang giữ Liên lại và một trong hai người ấy chính là Hy.
Liên bị bắt quả tang đang ăn trộm hay ít ra là đương lục tìm ổ gà rừng. Đỉnh Gió Hú là sản nghiệp của Hy nên ông ta mắng Liên đã xâm phạm vào đất của ông ta.
Liên phân bua trong lúc tôi đang thở dốc vì mệt:
“Tôi có bắt hay có nhìn thấy cái tổ nào đâu (vừa nói Liên vừa xòe bàn tay không ra để chứng minh). Tôi đâu có ý định lấy. Ba nói ở đây có nhiều lắm nên tôi chỉ muốn đến xem trứng thôi."
Hy đưa mắt nhìn tôi, miệng nở một nụ cười hiểm độc, chứng tỏ ông đã biết cô gái là ai nên có ác cảm với cô ta. Hy hỏi:
“Ba nào?”
“Ông Kha ở Họa Mi Trang. Chắc ông không biết chúng tôi, nếu không ông đã không ăn nói như vậy."
Hy nói, giọng nhạo báng:
“Cô tưởng ba cô được người ta kính trọng lắm sao?”
Liên nhìn Hy dọ hỏi:
“Còn ông là ai? Người kia trước tôi có gặp rồi. Có phải con ông không?”
Cô nàng vừa nói vừa chỉ vào Hạ, anh chàng nay đã thêm được hai tuổi mà chẳng khôn ra được tý nào, vẫn vụng về thô kệch như trước, chỉ được cái to xác, lực lưỡng.
Tôi ngắt lời:
“Cô Liên, bây giờ chúng ta đã đi chơi đến ba tiếng rồi chứ không phải một nữa. Ta phải quay về thôi!”
Hy đẩy tôi ra một bên, đáp:
“Không, nó không phải con tôi. Nhưng tôi có một đứa con trai mà trước kia cô cũng đã từng gặp rồi. Tuy vú nuôi của cô muốn vội về nhưng tôi thấy hai người nên nghỉ chân một lát. Mời cô đi vòng qua cái ụ cỏ kia vào nhà tôi chơi! Nghỉ một lát hết mệt đi về sẽ nhanh hơn. Cô sẽ được chúng tôi đón tiếp nồng hậu."
Tôi khẽ bảo Liên là chuyện đó dứt khoát không được, đừng có nhận lời. Nhưng cô nàng lại to tiếng nói:
“Tại sao? Em mệt muốn chết đây này. Mà đất ở đây ẩm quá sao mà ngồi nghỉ được. Mình cứ vào đi, vú! Ông ấy còn bảo là em đã gặp con ông ấy, chắc ông ấy lầm. Nhưng em đoán ra ông ta ở đâu rồi... ở cái trại em đã tới ngày trước lúc em đi chơi Băng Thạch Nham về. Có đúng không, ông?”
“Đúng. Thôi, vú Diễn, vú đừng nói nữa. Cô ấy vào nhà tôi chơi sẽ thích ngay ấy mà. Hạ, dẫn cô ấy đi trước đi! Còn vú đi sau với tôi.
Hy nắm cánh tay tôi, tôi vùng ra, kêu lên:
“Không. Cô ấy không được đến đó!”
Nhưng Liên đã vụt chạy đi, vòng qua khỏi ụ cỏ, chắc là đã tới cổng rồi. Còn anh chàng Hạ, tiếng là được sai đi dẫn lối cho Liên, nhưng chẳng dẫn gì cả mà lại lẩn sang một nẻo khác và biến mất.
Tôi tiếp theo:
“Cậu Hy, cậu lầm rồi. Cậu biết việc cậu làm không tốt mà cậu cứ làm. Bây giờ Liên gặp Tôn rồi về kể chuyện lại, chắc chắn tôi sẽ bị quở mắng."
Hy đáp:
“Tôi muốn cho Liên gặp Tôn. Mấy hôm nay trông thằng bé khỏe khoắn hẳn lên. Ít khi trông nó ra hồn. Có gì đáng ngại đâu, nếu cả tôi và vú cùng thuyết phục cô ấy giữ kín cuộc thăm viếng này."
“Điều đáng ngại là cha Liên sẽ oán tôi lắm nếu cậu ấy biết tôi đã để cho Liên vào nhà cậu; mà tôi lại biết chắc rằng cậu mời Liên vào chơi là có một chủ đích không tốt."
“Chủ đích của tôi hết sức chân thành. Để tôi nói cho vú nghe: Tôi muốn hai chị em nó yêu nhau và lấy nhau
[1] . Tôi sẽ rộng lượng với ông chủ của vú, con gái ông ta chẳng có hy vọng được chút di sản của tôi, nhưng nếu nó giúp tôi đạt được ý nguyện thì tôi sẽ cho nó hưởng ngay lập tức quyền thừa kế chung với Tôn."
Tôi đáp:
“Coi mệnh Tôn không lấy gì làm vững. Nếu Tôn chết sớm thì Liên sẽ là thừa kế của Tôn?”
“Không, nó sẽ không được thừa kế. Trong chúc thư không có khoản nào nói về việc ấy, di sản của con tôi sẽ về tay tôi. Nhưng để tránh sự tranh chấp, tôi muốn chúng nó lấy nhau và tôi quyết thực hiện cho bằng được.
“Còn tôi thì quyết không để Liên lai vãng chỗ này nữa."
Tôi phản đối như thế trong lúc Hy và tôi đã gần tới hàng rào nơi có Liên đứng đợi ở đấy.
Hy bảo tôi im rồi tiến lên trước, vội vã mở cửa. Liên đưa mắt nhìn Hy nhiều lần có vẻ như chưa biết mình nên nghĩ sao về con người ấy. Còn Hy thì khi bắt gặp cái nhìn của Liên ông ta cười và dịu giọng nói chuyện với cô ta. Và tôi cũng khá ngu ngốc tưởng rằng những kỷ niệm về mẹ cô bé may ra sẽ ngăn Hy không làm hại cô.
Tôn đang đứng trước lò sưởi. Chắc chú ta vừa đi chơi ngoài đồng về vì trên đầu còn đội mũ và gọi bác Dọi đem giầy khô để thay. Còn mấy tháng nữa Tôn mới đủ mười sáu, nhưng trông Tôn có vẻ lớn trước tuổi. Nét mặt Tôn vẫn đẹp, đôi mắt và da dẻ sáng sủa hơn tôi tưởng, nhưng đó chỉ là vẻ hồng hào nhất thời nhờ vừa mới đi chơi nơi thoáng khí và dưới ánh sáng mặt trời.
Hy quay hỏi Liên:
“Nào, ai đây? Cô biết ai đây không?”
Liên hết nhìn người nọ lại nhìn người kia, dè dặt nói:
“Con ông?”
Hy đáp:
“Đúng, đúng. Nhưng có phải lần thứ nhất cô gặp nó không? Cô thử nghĩ xem. A, thế mà cô chóng quên. Này Tôn, con có nhớ cô chị họ mà con cứ rầy rà mọi người để đòi gặp không?”
“Sao? Tôn!”
Liên reo lên, hớn hở khi bất ngờ nghe cái tên ấy. Cô ta hỏi tiếp:
“Bé Tôn đây à? Trông lớn hơn tôi! Có thực Tôn đấy không?”
Chàng thiếu niên bước tới xác nhận tên mình. Liên ôm lấy cậu ta hôn lấy hôn để, rồi hai người nhìn nhau ngạc nhiên vì thời gian đã làm thay đổi vóc dáng họ. Thân hình Liên đã hoàn toàn nẩy nở, người vừa thon vừa chắc nịch, toàn thân tràn trề sinh lực. Còn Tôn thì ánh mắt và cử chỉ lờ đờ, người gầy nhom, được cái thái độ có vẻ thanh nhã làm giảm bớt những khuyết điểm khiến cho Tôn không đến nỗi khó thương.
Sau khi bầy tỏ lòng yêu mến với Tôn, Liên tiến lại phía Hy lúc này đang đứng gần cửa, ra vẻ bận lưu tâm đến việc ở trong và ngoài nhà, nhưng kỳ thực ông đang chú ý quan sát đôi trẻ. Liên nói, vừa kiễng chân lên để hôn má Hy:
“Thế ra ông là chú của cháu. Có lẽ cháu cũng yêu chú đấy, mặc dù lúc mới gặp chú đã càu nhàu mắng cháu. Sao chú và Tôn không đến chơi Họa Mi Trang? Hai nhà ở gần nhau thế mà mấy năm chẳng đến thăm nhau, sao lạ vậy chú?”
Hy đáp:
“Chú có đến nhà cháu chơi một vài lần hay nhiều lần lắm trước khi cháu sinh ra. Thôi, thôi... khỉ lắm! Nếu cháu thích hôn nhiều thì hãy ra thằng Tôn kia kìa... hôn chú phí cả đi!”
Liên chạy bổ về phía tôi, vừa trách yêu vừa tới tấp ve vuốt tôi một cách âu yếm:
“Vú Diễn ác lắm nghe! Vú xấu lắm! Thế mà vú cứ nhất định ngăn không cho em vào đây! Đã thế sáng nào em cũng sang đây chơi cho mà xem. Chú có cho phép cháu sang không chú? Thỉnh thoảng cháu dẫn cả ba sang nữa. Chú có bằng lòng gặp chúng cháu không?”
Cố ghìm giấu vẻ cau có để khỏi lộ ra là ông thù ghét cả hai người khách, bố cũng như con, Hy đáp:
“Có chứ. Có chứ."
Rồi quay sang nhìn cô bé, ông tiếp:
“Nhưng khoan đã. Ông Kha có thành kiến đối với chú. Ba cháu và chú đã có lần gây gỗ nhau một cách dữ dội, thiếu tinh thần gương mẫu của đạo Chúa. Nếu cháu kể lại cho ba cháu là cháu đã tới đây, tất nhiên ông ấy sẽ cấm tiệt không cho cháu đi đâu hết. Vậy không nên để cho ông ấy biết, nếu cháu còn muốn đến thăm em họ cháu. Cháu muốn, cháu cứ tới, nhưng đừng nói gì cả.
Liên rất đỗi ngạc nhiên, hỏi:
“Tại sao chú và ba cháu lại cãi nhau?”
“Ba cháu cho rằng chú nghèo không xứng đáng lấy em gái ông ấy, khi thấy chú đã lấy được rồi thì ông ấy giận; ông ấy bị chạm tự ái và chẳng bao giờ chịu tha thứ cho chú cả.
“Như vậy là sái! Thế nào cũng có ngày cháu nói với ba cháu. Mà Tôn với cháu có can dự gì đến chuyện cãi lộn ấy đâu. Đã thế cháu không tới đây mà Tôn sẽ tới nhà cháu.
Tôn lẩm bẩm:
“Xa quá tôi không đi được. Đi bộ những sáu cây số thì tôi chết mất. Không, thưa cô, cô đến đây cơ, lâu lâu thôi, không phải sáng nào cũng tới, một tuần một hai lần được rồi."
Hy lườm con, vẻ chua chát khinh bỉ, rồi nói nhỏ với tôi:
“Vú Diễn này, tôi sợ toi công mất thôi. Nghe cái thằng nhãi một đằng “thưa cô”, hai đằng “thưa cô” thế kia tôi chắc Liên chê nó “yếu” quá và cho nó ra rìa thôi. A, giá nó được như thằng Hạ...! Vú biết không, tuy thằng Hạ “bệt” như thế mà tôi còn ganh ghét nó một ngày không biết đến bao nhiêu lần. Nếu nó là con đứa khác, chắc tôi dám yêu nó lắm. Nhưng tôi chắc con nhỏ không yêu nó nổi. Còn cái thằng khốn nạn kia nếu không biết xoay sở mạnh lên một chút tôi sẽ tạo cho nó một địch thủ là thằng Hạ. Tôi chắc thằng Tôn chỉ sống tới năm mười tám là hết cỡ. Ôi, cái đồ vô tích sự! Nó mải lau chân chẳng buồn nhìn con bé lấy một cái... Tôn!”
Thằng bé đáp:
“Dạ, ba kêu con."
“Con không biết giắt chị, khoe chị xem cái gì sao? Một con thỏ hay một tổ chim chẳng hạn? Đưa chị ra vườn rồi hãy thay giầy, dẫn chị vào chuồng ngựa xem con ngựa của con đi."
Tôn có vẻ ngại không muốn đi, hỏi Liên:
“Cô thích ngồi đây hơn phải không?”
“Tôi cũng chả biết nữa."
Liên vừa đáp vừa nhìn ra cửa, rõ ràng là cô ta đang thèm chạy nhẩy. Tôn vẫn không đứng lên, lại còn xích lại gần lò sưởi.
Hy đứng dậy đi vào bếp, gọi với ra sân tìm Hạ. Có tiếng Hạ thưa rồi hai người cùng trở vào. Hạ vừa mới tắm rửa xong, má còn đỏ, tóc còn ướt.
Chắc là sực nhớ tới lời nói quả quyết ngày trước của chị quản gia về Hạ, Liên kêu lên hỏi:
“Ồ, cháu phải hỏi chú cái này mới được. Anh này có phải là anh họ cháu không?”
Hy đáp:
“Phải đấy, nó là cháu ruột của mẹ cháu. Cháu có thích nó không?”
Liên lúng túng, khó chịu. Hy tiếp theo:
“Trông nó bảnh trai đấy chứ?”
Cô bé kiễng chân lên ghé tai nói thầm vào tai Hy một cách bất lịch sự. Hy cười vang lên. Còn Hạ thì xa xầm mặt xuống. Tôi thấy Hạ rất dễ xúc cảm khi nghi ngờ bị người ta khinh thị, đương nhiên là chú ta lơ mơ biết mình hèn kém. Nhưng Hy, ông chủ (hay người đỡ đầu) của chú đã trấn an ngay:
“Hạ này, mày là người được ưa nhất trong số những người ở đây. Liên bảo mày là... là một gì nhỉ? Một cái gì nghe êm tai lắm kia. Nhưng thôi tao bảo này, đưa Liên đi chơi vòng quanh trại đi. Và nhớ cư xử cho ra người lịch sự, nghe chưa? Đừng ăn nói tầm bậy tầm bạ. Đừng giương mắt nhìn trân trân vào Liên nghe chưa? Cô ấy có nhìn mày thì mày phải giấu mặt đi. Ăn nói thì phải thong thả, kkông được đút tay trong túi, nghe! Thôi đi đi. Nhớ phải tử tế và làm cho cô ấy vui, nghe không?”
Hy nhìn theo đôi trẻ đi qua cửa sổ. Hạ không nhìn Liên mà quay hẳn mặt đi chăm chú nhìn hướng khác, như thể là nó đang mải chiêm ngưỡng phong cảnh, mà cảnh ở đây đã quá quen với nó có gì mà phải ngắm. Liên thì liếc nhìn Hạ một cách rất quỷ quái tỏ ra không mấy cảm phục anh chàng. Cô vừa cất bước vừa hát khe khẽ như để khỏa lấp sự im lặng giữa hai người.
Hy nói:
“Lúc nẫy tôi dặn nó thế, khác nào tôi đã khoá miệng nó lại rồi, bảo đảm là trong suốt cuộc đi chơi nó sẽ không thốt ra một lời. Vú Diễn này...vú có nhớ hồi tôi bằng trạc tuổi nó, hay ít hơn nó mấy tuổi, tôi trông có ngờ nghệch như lão Dọi vẫn thường bảo không?”
Tôi đáp:
“Còn tệ hơn là đẳng khác, vì trông cậu lúc nào cũng ủ rũ."
Hy, vẻ nghĩ ngợi, nói lớn:
“Thằng Hạ làm tôi vui lòng... Nó làm tôi mãn nguyện... Nếu nó sinh ra đã là một thằng ngu độn, ắt là tôi sẽ không khoái nó bằng nửa như thế này. Nhưng nó không ngu. Tôi có thể thông hiểu mọi cảm nghĩ của nó, vì bản thân tôi cũng trải qua như nó. Chẳng hạn như lúc này tôi biết rất rõ nó đang đau khổ ra sao. Nhưng đó chỉ là bước đầu những đau khổ mà nó phải chịu. Vì dốt nát thô lỗ, nó sẽ không bao giờ ngóc đầu lên khỏi. Tôi đã dìm nó mạnh hơn, sâu hơn cái thằng lưu manh bố đẻ ra nó đã dìm tôi khi xưa, bởi vì nó còn lấy làm tự hào về sự cục súc thú vật của nó. Tôi đã tiêm nhiễm vào đầu óc nó, làm nó tin rằng tất cả những cái gì không thuộc về thú tính đều là đáng khinh, đều tào lao, đều yếu đuối. Này vú Diễn, nếu mà thằng Hạnh được thấy con nó bây giờ, liệu nó có tự hào về con nó không nhỉ? Chắc cũng gần gần như tôi hãnh diện về thằng con tôi. Nhưng có sự khác nhau: một đằng là vàng đem dùng làm đá trải đường, đằng kia là thiếc được đánh bóng để giả làm bạc. Cái thằng kia, con thằng Hạnh kia, có bao nhiêu tính tốt tôi làm cho tiêu hết, không những chẳng còn gì mà còn tồi tệ hết chỗ nói; trong khi thằng con tôi tuy chẳng có giá trị gì, thế nhưng tôi lại cố công đẩy nó trở nên khá chừng nào hay chừng nấy. Tôi chẳng có gì để ân hận cả. Hận hơn ai hết phải kể là thằng Hạnh. Điều thú vị nhất là thằng Hạ lại yêu tôi như điếu đổ mới chết chứ! Vú phải công nhận là tôi đã đánh bại thằng Hạnh ở điểm này. Giá cái thằng chết tiệt ấy có đội mồ sống lại để mắng mỏ tôi đã làm hại con nó, tôi sẽ có cái thú thấy chính con nó nổi giận vì bố nó dám chửi người bạn thân nhất của nó trên đời và nó sẽ quật bố nó chết tươi một lần nữa!”
Hy phá lên cười vì ý tưởng đó. Cái cười nghe thật rùng rợn ma quái! Tôi không đáp vì thấy Hy không có ý chờ tôi trả lời. Trong lúc đó, chú bé Tôn vì ngồi xa quá không thể nghe được câu chuyện của chúng tôi, bắt đầu lộ vẻ bứt rứt; chắc chú ta hối hận là chỉ vì sợ mệt một chút mà đã lỡ cái thú được đi chơi với Liên. Hy thấy con bồn chồn ngó ra ngoài cửa sổ và tay thì rụt rè muốn đưa ra với chiếc mũ, liền làm ra bộ vui vẻ lớn tiếng mắng yêu con:
“Đứng lên đi, đồ lười kia! Chạy ra theo chúng nó đi! Tụi nó mới tới góc vườn chỗ tổ ong kia kìa!”
Tôn dồn hết nghị lực mới rời bỏ được cái lò sưởi. Khi Tôn vừa bước khỏi phòng, tôi nghe qua qua khung cửa sổ ngỏ, tiếng Liên hỏi Hạ ý nghĩa của mấy chữ khắc trên cổng. Hạ nhìn lên trời gãi đầu gãi tai như một gã nhà quê chính hiệu, đáp:
“À, mấy cái chữ quỷ quái gì đâu, tôi không đọc được."
Liên kêu lên:
“Anh không đọc được à? Chữ quốc ngữ đấy mà. Tôi đọc được nhưng muốn biết tại sao nó lại được khắc ở đấy."
Có tiếng Tôn cười khúc khích. Đây là lần đầu tiên tôi thấy chú ta lộ vẻ khoái trá. Tôn bảo Liên:
“Nó mù chữ. Cô có tin rằng trên đời có một người to xác thế kia mà lại tối dạ như thế không?”
Liên nghiêm giọng hỏi:
“Bình thường anh ấy có vậy không? Hay anh ấy ngây ngô quá. Tôi hỏi chuyện anh ấy hai lần mà lần nào cũng ngớ ngớ ngẩn ngẩn như không hiểu tôi muốn nói gì. Thực khó hiểu anh ấy quá!”
Tôn lại cười, đưa mắt khinh khỉnh nhìn Hạ. Lúc đó trông Hạ chẳng tỏ vẻ gì là hoàn toàn không hiểu. Chắc Hạ hiểu, không nhiều thì ít. Tôn nói:
“Có gì đâu, chỉ phải cái tội lười một chút thôi, phải không Hạ? Cô Liên cho anh là một thằng đần. Bây giờ anh mới thấy cái dại “hổng thèm đọc sách” như anh vẫn nói chưa? Cô Liên này, cô để ý xem cái giọng nói nhà quê nhà quỷnh của hắn."
Hạ làu bàu đáp liền:
“Mấy cuốn sách khỉ ấy mà làm trò trống gì?”
Hạ chưa kịp nói thêm thì cả Tôn lẫn Liên đều rũ lên cười. Cô tiểu thư khờ dại của tôi đã lấy làm khoái trá tìm thấy trò giải trí ở cái giọng nói kỳ cục của Hạ.
Tôn cười khẩy, nói:
“Anh nói “khỉ” là khỉ thế nào? Ba đã bảo anh không được ăn nói bậy bạ, ấy thế mà cứ mở miệng là thốt ra rồi. Phải tập ăn nói ra con người lịch sự đi chứ!”
“Mày là đồ con gái không phải con trai, nếu không tao cho mày biết tay ngay lập tức...đồ nhãi con!”
Anh chàng cục mịch vừa xấu hổ vừa nổi cáu mặt đỏ lên bỏ đi chỗ khác. Nó biết mình bị lăng mạ nhưng lại bối rối không biết làm cách nào để trả hận.
Ông Hy cũng đã nghe thấy hết câu chuyện như tôi, mỉm cười khi thấy Hạ bỏ đi; nhưng liền đó ông đưa ngay cặp mắt ác cảm lườm cặp Liên, Tôn lúc ấy vẫn còn đứng bép xép nói chuyện ở ngay trước cửa. Tôn cao hứng nêu những điểm xấu của Hạ, kể ra đủ thứ chuyện về Hạ; còn cô gái nghe chuyện bôi lọ Hạ lại lấy thế làm thú, không hề nghĩ như vậy là xấu. Thế là thay vì thương hại, tôi bắt đầu ghét Tôn hơn và tha thứ một phần nào cho cha nó đã coi rẻ nó.
Chúng tôi ở Gió Hú cho đến quá trưa vì tôi không thể nào kéo Liên về sớm hơn được. Cũng may là cậu chủ tôi đã ở lỳ trong phòng riêng nên không biết là chúng tôi đã đi chơi lâu đến thế.
Trên đường trở về nhà tôi nói cho Liên hiểu về tính tình của những người Liên vừa gặp, nhưng cô vì cứ đinh ninh tôi đã có thiên kiến với họ, nên bảo:
“Úi chà, vú Diễn... vú lại thiên vị rồi, vú về hùa với ba, em biết. Chả thế mà từ mấy năm nay vú đã đánh lừa em nói rằng Tôn ở xa tận đâu đâu! Thật tình là em giận lắm lắm, nhưng vì em mừng quá nên không lộ mặt giận được. Nhưng vú không được nói xấu chú em nữa... ông ấy là chú em, vú nhớ thế! Em sẽ trách ba sao ba lại cãi lộn với chú ấy!”
Rồi Liên cứ một luận điệu ấy mà nói mãi, riết rồi tôi đành phải chịu thua, không thể nói cho Liên hiểu là cô nàng đã lầm.
Vì không gặp cậu Kha nên chiều hôm đó Liên không đả động gì tới chuyện đi chơi. Nhưng ngày hôm sau thì... ôi thôi!, khổ cho cái thân tôi, cô nàng kể tùm lum ra hết!
Tuy nhiên tôi không đến nỗi hoàn toàn ân hận về chuyện ấy. Tôi cho rằng cái trách nhiệm hướng dẫn và trông chừng Liên lẽ ra phải để cậu Kha làm mới có hiệu quả hơn tôi. Nhưng cậu Kha lại quá rụt rè không đưa ra được những lý do hợp lý trong việc ngăn cấm cô liên lạc với những người bên Đỉnh Gió Hú, trong khi Liên lại đòi hỏi những lý lẽ thật xác đáng mới chịu từ bỏ không làm theo ý thích riêng.
Sáng hôm đó, sau khi chào hỏi bố xong, cô nói ngay:
“Ba à, ba thử đoán xem hôm qua con đã gặp ai khi đi dạo chơi ngoài cánh đồng. -, con làm ba giật mình hả? Ba lầm rồi, con đã gặp... Nhưng gượm đã, rồi ba sẽ nghe con kể con đã khám phá ra làm sao; và vú Diễn, vú ấy về hùa với ba, thế mà vú ấy cứ làm ra bộ thương hại con ghê lắm mỗi lần con mong ngóng Tôn trở về mà lần nào cũng thất vọng."
Rồi Liên kể hết ngọn ngành cuộc đi chơi và kết cuộc ra sao. Cậu chủ tôi yên lặng ngồi nghe, chốc chốc lại đưa mắt nhìn tôi trách móc. Khi Liên kể xong, cậu kéo Liên vào lòng và hỏi Liên có hiểu vì sao cậu đã giấu Liên việc Tôn ở gần nhà không? Liệu Liên có nghĩ rằng cậu đã làm hỏng một niềm vui mà đáng lẽ Liên được hưởng mà không có lý do?”
Liên đáp:
“Đó là tại ba ghét ông Hy."
Cậu Kha nói:
“Vậy là con tin rằng bố chỉ nghĩ đến tình cảm riêng của ba mà không lý gì đến tình cảm của con hay sao? Không đâu. Không phải ba ghét ông Hy. Chính ông Hy ghét ba. Ông ta là một người hiểm ác, thích làm hại những người mà ông ta ghét. Nếu có dịp là ông ấy làm cho người ta phải tán gia bại sản. Ba biết là khi giao thiệp với anh em họ con, con không thể nào tránh không tiếp xúc với ông ấy. Mà ba thì ba biết vì ghét ba ông ấy sẽ ghét lây con, cho nên ba đã giữ không để con gặp Tôn. Đó là điều tốt cho con, ngoài ra không có một lý do nào khác... Ba đã định bụng sẽ giải thích cho con rõ khi con lớn lên; ba rất ân hận đã để chậm trễ không nói ra sớm hơn."
Liên vẫn chưa chịu tin, nàng nói:
“Không đâu, con thấy ông Hy là người rất thân thiện, ba ạ. Ông ấy không phản đối việc chúng con liên lạc với nhau. Ông ấy còn bảo lúc nào con muốn tới chơi nhà ông ấy cũng được hết. Đáng lẽ con không nên nói ra điều này: trước kia ba đã cãi nhau với ông ấy và ba đã không tha thứ chuyện ông ấy lấy cô Sa. Con thấy ông ta phải. Chính ba mới là người đáng trách. Ít nhất là ông ấy sẵn sàng để chúng con chơi với nhau, Tôn và con... còn ba thì không."
Cậu Kha thấy con gái không tin lời mình nói về dã tâm người chú của cô, nên chỉ nói sơ qua về tư cách của Hy đối với mợ Sa, về mưu kế Hy đã dùng để trại Gió Hú rơi vào tay hắn. Cậu không thể nói nhiều về chuyện này, vì ngay khi chỉ nói rất ít, cậu vẫn thấy nặng chĩu trong tâm tưởng mối căm hận và ghê sợ kẻ thù cũ, y như hồi mợ Kha mới mất. Cậu ấy xem Hy như một tên sát nhân và thường nói chua chát: “Nếu không có nó, chắc mợ còn sống tới giờ.”
Liên vốn chẳng hề có những hành vi xấu nào ngoài những thói hư vặt như ngỗ nghịch, giận lẫy, nông nổi thiếu suy nghĩ - nhưng biết hối ngay sau khi gây lỗi - bởi thế nên cô lấy làm kinh ngạc về lòng dạ đen tối của con người có thể ôm ấp giấu kín việc trả thù hằng bao nhiêu năm trời và còn dụng tâm tiếp tục thi hành mưu mô thủ đoạn ấy không một chút hối hận. Liên tỏ ra bực tức và giao động quá đỗi trước cái bề trái của con người mà xưa nay nàng không học đến cũng như không ngờ tới, đến nỗi cậu Kha tự thấy mình không nên tiếp tục câu chuyện ấy nữa. Cậu chỉ nói thêm:
“Cưng của ba, sau này con sẽ hiểu vì lẽ gì ba không muốn con lai vãng đến nhà họ và giao thiệp với họ. Còn bây giờ con hãy trở về với công việc và trò giải trí hàng ngày và đừng nghĩ gì đến họ nữa!”
Liên hôn cha rồi ngồi yên học bài khoảng hai tiếng đồng hồ như thường lệ, sau đó theo cha ra ngoài nhà, suốt ngày không xẩy ra điều gì khác lạ. Nhưng đến tối, khi Liên vào phòng riêng và tôi vào để giúp nàng thay áo, tôi thấy Liên quỳ ở chân giường nức nở khóc. Tôi kêu lên:
“Ôi, xấu hổ chưa, cô bé ngốc kia! Cô đã phí nước mắt vì những chuyện tào lao. Cô Liên ạ, từ bé đến giờ cô chưa bao giờ phải trải qua cảnh đau buồn thực sự; chẳng hạn như, nói ví thử, trong một phút cả ba của cô lẫn tôi đều chết cả, để cô một thân một mình trơ trọi trên đời... lúc ấy cô sẽ thấy ra sao? Hãy thử so sánh hoàn cảnh hiện tại với cái viễn cảnh đau buồn kia thì cô phải cảm ơn Thượng Đế đã để cho cô được ở bên những người thân yêu cô hiện có, thay vì phải ao ước gì thêm!”
Liên đáp:
“Em không khóc cho thân em, mà khóc vì Tôn.... Tôn trông chờ gặp lại em ngày mai, Tôn sẽ thất vọng biết chừng nào... Tôn chờ em mà em thì không tới!”
“Vớ vẩn! Cô tưởng là Tôn chỉ nghĩ đến cô cũng như cô nghĩ đến Tôn hả? Tôn chẳng có Hạ làm bạn là gì? Cả trăm người cũng không có lấy một người vớ vẩn khóc lóc vì đã mất đi một người quen mới gặp có hai lần trong hai buổi trưa.. Tôn sẽ đoán ra vì lẽ gì cô không đến được và sẽ không còn thắc mắc về cô đâu."
Liên đứng dậy hỏi:
“Thế em có thể viết mấy câu cho Tôn được không, giải thích tại sao em không đến? Và em gửi luôn mấy cuốn sách em hứa cho Tôn mượn. Sách của Tôn không bằng sách em, thấy em nói sách của em hay lắm thì Tôn ao ước muốn đọc. Em gửi được không, vú Diễn?"
“Không được! Nhất định là không được! Vì Tôn sẽ viết thư trả lời và như vậy không bao giờ dứt cả. Không, cô Liên, cô phải cắt đứt mọi liên lạc... Ý của ba cô như vậy, tôi sẽ để ý canh chừng."
Liên năn nỉ:
“Nhưng một mảnh giấy con con thì đến nỗi nào..."
Tôi ngắt lời:
“Thôi, đừng nói nữa. Đừng có nhắc đến giấy tờ gì của cô nữa. Lên giường đi ngủ đi!”
Liên lườm tôi một cái rất quái ác, đến nỗi thoạt dầu tôi không buồn hôn và chúc cô ngủ ngon nữa. Tôi đắp chăn cho Liên rồi khép cửa trở ra, lòng bực tức hết sức...nhưng nửa đường hối hận, tôi nhẹ bước quay lại thì, trời, cái gì kìa?... Liên đang đứng cạnh bàn trước một mảnh giấy trắng, tay cầm một cái bút chì, cô lúng túng dấu đi khi thấy tôi trở lại.
Tôi nói:
“Cô Liên, cô có viết cũng chẳng tìm ra ai chuyển thư đâu. Bây giờ tôi tắt đèn đây."
Tôi vừa úp cái chụp nến lên trên ngọn lửa thì liền bị đập một cái vào tay, kèm theo câu mắng: “Đồ tồi!” Tôi bỏ ra ngoài phòng để mặc Liên hầm hầm giận dữ.
Dù vậy, Liên cứ viết thư và nhờ một thằng đi giao sữa từ trong làng ra lấy sữa gửi, nhưng mãi sau tôi mới biết được điều này. Nhiều tuần lễ trôi qua, Liên đã trở lại bình thường. Có điều là nàng thích ngồi thui thủi một mình một xó. Nếu tôi bất chợt tới gần khi Liên đang mải đọc sách thì nàng hay giật thót người, cúi gầm đầu xuống cố ý dấu sách đi. Nhưng tôi cũng thoáng thấy những mép giấy rời thò ra khỏi những trang sách.
Liên lại có thêm cái tật xuống nhà dưới rất sớm, la cà quanh bếp, như có ý mong đợi ai. Trong phòng sách, Liên có một cái tủ nhỏ có ngăn kéo mà nàng thường mở ra mần mò hàng giờ rồi sau đó khóa lại và rút chìa cất đi nơi khác.
Một bữa kia, trong lúc Liên đương mải moi móc ngăn kéo, tôi để ý thấy bao nhiêu đồ chơi lặt vặt gần đây vẫn được cất trong đó được thay bằng những mẩu giấy gấp ba gấp tư. Tôi đâm nghi và tò mò, quyết tâm lục ngăn kéo xem cô nàng giấu gì trong đó. Tối đến, biết chắc hai cha con Liên đã lên hẳn trên lầu rồi, tôi vội tìm ngay trong chùm chìa khóa của tôi một chiếc tra vừa ổ khoá. Mở được ngăn kéo ra, tôi dốc hết các thứ trong ngăn vào chiếc yếm khoác rồi đem thẳng vào phòng tôi, ung dung xem. Tuy đã đoán chừng là cái gì rồi thế mà tôi vẫn sửng sốt khi thấy những mảnh giấy đó là một tập thư dầy cộm liên lạc gần như hàng ngày của Tôn trả lời những thư của Liên. Những bức thư đầu tiên còn ngắn, bỡ ngỡ, dần dà trở thành những bức thư tình dài, khờ khạo do tuổi non nớt của người viết. Tuy thế, thỉnh thoảng cũng có những đoạn mà tôi ngợ rằng đã mượn một bàn tay già dặn hơn để sửa chữa. Vài ba bức làm tôi ngạc nhiên vì sự pha trộn một cách kỳ cục giữa những lời nồng nàn và những câu nhạt nhẽo, như bắt đầu bằng những câu tình cảm thắm thiết để rồi kết thúc bằng một giọng kiểu cách mà học trò vẫn thường dùng để viết cho một người yêu tưởng tượng.
Chẳng hiểu những bức thư ấy có làm hài lòng Liên hay không, tôi không biết; nhưng với tôi chúng là mớ giấy lộn vô giá trị. Sau khi đọc qua những bức thư mà tôi thấy cần đọc, tôi gói tất cả vào một chiếc khăn tay, cất đi một nơi và khóa cái ngăn kéo rỗng ấy lại.
Theo thói quen, cô Liên của tôi xuống nhà bếp rất sớm. Tôi theo rõi thấy cô vừa đi ra cửa thì có một thằng nhỏ ở đâu đi tới. Trong lúc một chị người làm đang rót sữa vào đầy bình của thằng bé thì Liên bỏ một cái gì vào túi nó và lấy ra một vật khác. Tôi bèn đi vòng ra vườn đứng chờ thằng bé đưa tin đi qua và túm lấy. Nó chống cự dữ dội quyết không cho tôi khám túi. Chúng tôi giằng co làm sữa bắn vung cả ra người, nhưng rồi tôi cũng chộp được bức thư. Tôi dọa thằng bé phải về nhà ngay tức khắc nếu không sẽ lãnh đủ. Rồi, đứng nấp bên tường tôi đọc bức thư tình tứ của Liên. Bức thư viết rất hay nhưng cũng rất khờ dại. Thư vừa giản dị lại vừa xúc động hơn là thư của người em họ Liên nhiều. Tôi lắc đầu trầm ngâm trở vào nhà.
Ngày hôm đó trời mưa. Sau buổi học sáng vì không thể ra ngoài chơi Liên rút vào phòng sách tìm an ủi nơi chiếc ngăn kéo. Cậu Kha ngồi ở bàn đọc sách. Còn tôi đã có chủ đích nên vờ ngồi khâu lại mấy đường viền sứt chỉ trên tấm rèm cửa, mắt không ngừng theo rõi từng cử chỉ của Liên.
Một con chim khi quay về tổ thấy bọn cướp đã bắt đi mất sạch đàn chim non mà lúc nó ra đi còn kêu chim chíp đầy tổ, con chim đó có đập cánh kêu lên những tiếng thảm thương thì cũng không thể diễn tả nổi nỗi tuyệt vọng cho bằng Liên lúc đó: nàng chỉ thốt lên một tiếng “Ồ!” và nét mặt đương hớn hở chợt biến sắc hẳn đi.
Câu Kha ngửng đầu lên, hỏi:
“Cái gì thế con! Bị kẹp tay rồi, phải không?”
Giọng nói và vẻ nhìn của cậu khiến Liên biết chắc cậu không phải là người đã khám phá ra kho báu vật của nàng. Liên nghẹn ngào đáp:
“Không. Thưa ba không. Vú Diễn! Vú Diễn! Lên lầu với em đi... em đau!”
Tôi nghe lời đi theo nàng. Vừa lên tới phòng, chỉ có tôi với Liên, cô nàng khép cửa lại, rồi quỳ ngay xuống năn nỉ:
“Ôi! Vú Diễn! Vú lấy của em. Ôi! Vú cho em xin lại đi, từ rầy em không làm thế nữa! Vú đừng nói với ba nhé. Vú chưa nói phải không? Em thật hư quá, em sẽ không làm như thế nữa đâu!”
Tôi nghiêm hẳn nét mặt lại, bảo Liên đứng lên rồi nói:
“Cô xem đó, cô Liên, tôi thấy cô hình như làm hơi quá... cô không thấy xấu hổ sao, những bức thư như vậy. Một mớ giấy lộn thế kia mà cô nghiền ngẫm trong lúc nhàn rỗi được. Hay lắm đấy, đáng để in thành sách lắm đấy! Cô biết ba cô sẽ nghĩ sao nếu tôi đưa những bức thư ấy ra trình ông? Tôi chưa trình đâu, nhưng cô đừng tưởng là tôi sẽ giữ kín cái bí mật kỳ cục của cô... Xấu hổ! Và tôi còn dám chắc chính cô là người đầu têu viết những chuyện tầm bậy đó, chứ nó đâu dám gợi ra trước..."
Liên nức nở, rầu rĩ:
“Không! Không! Không phải em! Em đâu có nghĩ đến chuyện yêu nó cho mãi tới khi..."
Tôi bĩu môi, khinh bỉ:
“Yêu nó! Yêu nó! Có ai tin được chuyện như vậy không? Có khác nào tôi nói yêu lão chủ nhà máy gạo mỗi năm một lần đến nhà mình mua lúa không? Tình yêu đẹp đẽ ghê! Trong đời cô, cộng cả hai lần cô gặp Tôn mới được có bốn tiếng đồng hồ. Thôi đưọc rồi, tôi sẽ mang mớ giấy lộn con nít này đem xuống phòng sách xem cha cô nói sao về cái tình yêu ấy."
Liên bổ nhào tới cướp những bức thư quý giá của nàng nhưng tôi đã giơ cao khỏi đầu. Thế là cô bé cuống cuồng năn nỉ tôi đốt hết thư đi... hay là làm bất cứ gì cũng được miễn là tôi đừng có đem ra trình cho ông bố xem.
Thực tình là lúc ấy tôi muốn cười hơn là tức vì tôi xem tất cả chỉ là chuyện con nít hão huyền, nên sau đó tôi bớt nghiêm phần nào và hỏi:
“Nếu tôi bằng lòng đem đốt đi thì cô có hứa chắc từ rầy sẽ không gửi và cũng không nhận một bức thư nào, một quyển sách nào - vì tôi đã thấy cô gửi sách cho nó - một lọn tóc, một chiếc nhẫn, hay bất cứ một món đồ chơi nào nữa không?”
Lòng tự kiêu đã át cả nỗi hổ thẹn khi Liên cự lại:
“Bọn em không có gửi đồ chơi!”
“Tôi chỉ biết là cô không được gửi hay nhận bất cứ cái gì, thế thôi! Nếu cô không chịu hứa thì tôi đi đây!”
Liên vội níu lấy áo tôi, nói:
“Em hứa mà, vú Diễn! Thôi, vú vứt vào lửa đi, nhanh lên, nhanh lên!”
Nhưng trong lúc tôi đương lấy que cời than ra để lấy chỗ, cô nàng ngẫm nghĩ thấy phải hy sinh như vậy thì đau quá, nên lại năn nỉ xin tôi bớt lại một hai tờ.
“Một hai tờ thôi, vú Diễn, để giữ làm kỷ niệm của Tôn!”
Tôi cởi chiếc khăn tay ra, vứt từng xấp thư vào một góc, ngọn lửa bùng lên cuồn cuộn trong lò sưởi. Liên hét lên:
“Em lấy lại một tờ, vú ác lắm!”
Rồi, bất kể bị phỏng, cô nàng thò tay vào ngọn lửa lôi ra mảnh giấy đã cháy xém một nửa.
“Được rồi... còn tôi, tôi sẽ lấy vài tờ đưa ba xem!”
Nói xong, tôi giữ lấy xấp giấy còn lại đứng lên đi ra cửa.
Liên vội vứt tờ giấy cháy đen vào lửa và ra hiệu bảo tôi tiếp tục hỏa thiêu nốt những bức thư quý báu của nàng. Đốt xong tôi cời tro, vùi tàn giấy xuống dưới một cái xẻng đầy than hồng.
Lòng đau xót vô hạn, Liên lẳng lặng đi vào phòng riêng. Tôi trở xuống báo cho cậu chủ tôi hay Liên đã qua khỏi cơn đau, nhưng tôi thấy nên để cho cô ấy nằm nghỉ một lát.
Liên bỏ cơm, nhưng ra dự bữa trà, mặt xanh xao, mắt đỏ hoe và bề ngoài tỏ ra nàng rất giỏi nhẫn nhịn.
Sáng hôm sau, tôi trả lời bức thư bằng một mẩu giấy viết: “Yêu cầu chú Tôn đừng gửi thư cho cô Liên nữa vì cô Liên không nhận đâu.” Từ hôm đó trở đi, thằng nhỏ đến, túi rỗng không."
Chú thích:[1]Ở Châu Âu không như ở Việt Nam, hai người có họ lấy nhau không phải là chuyện lạ.