Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Vì sao rơi trong đêm

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 51990 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vì sao rơi trong đêm
Hoàng Thu Dung

- 19 -

Sáng nay chú Duy An bất ngờ tìm đến tôi. Gần hai năm mới gặp lại chú, tự nhiên tôi như lần đầu tiên chú đến nhà tôi. Lúc ấy tôi còn chưa biết gì về thế giới điện ảnh và hãy còn là con nai ngơ ngác. Bây giờ tôi mất tất cả thì chú lại đến, thổi một luồng sinh khí vào tôi. Tôi mân mê xấp kịch bản, chớp mắt:
- Lần này chú còn tin Phượng nữa không?
- Tin Phượng, vì tin chú mới đến đây.
- ...
- Kịch bản này chú viết về Phượng đấy?
- Sao cơ...?
- Ờ, chú viết về cuộc đời và sự nghiệp một nữ đạo diễn và lấy Phượng làm khuôn mẫu, khỏi hư cấu hay đi tìm tư liệu nào khác cả. Viết khoẻ lắm.
Tôi cười gượng:
- Phượng thì có gì đặc biệt đâu mà chú lấy làm tư liệu.
- Có chứ, chú đã chứng kiến thành công và thất bại của Phượng từ đầu đến cuối. Nếu chú không chớp lấy làm cốt truyện thì sẽ cũng có người khác viết thôi.
Tôi tò mò:
- Thế cuối cùng chú cho nhân vật chính ra sao?
- Tìm lại được tất cả, cả tình cảm và nghề nghiệp, nhưng cô ta biết dung hòa hơn và trầm tĩnh hơn.
- Hạnh phúc cả trong tình cảm à?
- Ừ.
- Kết thúc có hậu nhỉ?
- Rất có hậu và chú cũng mong nhân vật nguyên mẫu ngoài đời giống như vậy.
- Kịch bản vẫn là của hãng phim Bình Minh hả chú?
- Ừ và Vĩnh Tuyên quay phim. Ê kíp cũ thôi, không có gì thay đổi nhiều - Chú Duy An nhìn tôi ý nhị - Chú mong làm việc bên Vĩnh Tuyên rồi Phượng sẽ có hạnh phúc mới.
Tôi phì cười:
- À vậy là Phượng đoán ra rồi.
Chú Duy An này buồn cười thật, nhưng cốt truyện cũng ngộ nghĩnh đó chứ.
Chúng tôi ngồi im lặng khá lâu rồi, chú Duy An đứng dậy:
- Hy vọng lần này Phượng lấy lại phong độ như trước, để không tội nghiệp Vĩnh Tuyên.
- Sao lại tội nghiệp anh Tuyên, chú An?
Chú An khoát tay:
- Phượng không biết chứ, gần năm nay Vĩnh Tuyên đi vận động mấy hãng phim ký hợp đồng với Phượng nhưng người ta từ chối vì...
- Vì Phượng xuống dốc quá, họ sợ Phượng không đủ khả năng chứ gì?
- Ồ, cũng gần như vậy.
- Thế còn chú?
Chú An lúng túng:
- Kịch bản này chú cũng thuyết phục ông Mạnh Hùng nhiều lắm, cứ tranh cãi mãi. Cuối cùng chú bảo nếu không giao cho Phượng đạo diễn, thì chú rút kịch bản về... Hề... Hề... bây giờ xong hết rồi, Phượng yên tâm.
Tôi nhìn chú Duy An cảm động muốn rơi nước mắt. Thế mà có lúc tôi từ chối kịch bản của chú vì chê tiền cát sê thấp, sao lúc ấy tôi lại khùng thế chứ.
Khi chú Duy An về rồi, tôi đọc một mạch đến trang cuối. Quả thật chú ấy gần như đưa cả đời tư của tôi lên màn ảnh, cả những tình tiết nhỏ cũng là chính cuộc sống của tôi, chỉ có điều là kết thúc quá hoàn thiện, hình như chú An dành cho nhân vật chính của mình quá nhiều thiện cảm. Tự nhiên tôi cũng bị lôi cuốn theo cốt truyện và tôi viết kịch bản phân cảnh với tất cả sự hớn hở náo nức.
***

Tôi lại bận bịu suốt ngày ở phim trường, đến nỗi có lúc quên mất con tôi, chỉ có buổi tối tôi mới thực sự quên hết công việc để chăm sóc cho nó. Đối với tôi, đó mới thật sự là khoảng thời gian hạnh phúc nhất, nó lấp đầy khoảng trống hụt hẫng mà Trường Duy đã để lại cho tôi và tôi cũng không có đủ thời giờ để nhớ đến chuyện vợ chồng họ.
Thế nhưng những lúc tôi có thể quên được thì đó chỉ là những cảm xúc lắng đọng mà thôi. Không hiểu sao thời gian sau này, mỗi lần đi phim trường về, tôi cứ gặp Trường Duy liên tục. Khi thì trong quán cà phê, khi thì trên đường về nhà, mỗi lần gặp anh là đêm về tôi thao thức trăn trở. Trường Duy trở nên vừa gần vừa xa như thế nên tôi không thể dứt anh ra khỏi đời tôi như người ta muốn lãng quên kỷ niệm.

***

Chiều nay đi quay một cảnh trong bệnh viện, đây là phân cảnh mà tôi đã dồn hết tâm hồn và cảm xúc vào đó. Diễn viên là một cô bé xinh xắn đang bệnh sốt xuất huyết, cô bé đang nằm mê man, không hay biết mình đang trở thành một diễn viên. Tôi mượn cô bé để quay cảnh một người mẹ đang ở trạng thái dở sống dở chết vì nỗi sợ mất con, tất cả sẽ diễn không đầy mười phút.
Vĩnh Tuyên loay hoay lo tìm vị trí đặt máy. Tôi bận bày trí lại chiếc giường, cố gắng chuẩn bị thật nhanh vì không thể kéo dài thời gian khuấy động sự yên tĩnh của cô bé và bởi vì tôi đã hứa rất cẩn thận với bác sĩ trưởng khoa là sẽ không gây ảnh hưởng đến cô diễn viên ngoài dự đoán này.
Khi Hoàng Thúy vào vị trí diễn, thật ngoài tưởng tượng của tôi, cô bé bỗng cựa mình mở mắt, nôn thốc nôn tháo và khóc ngằn ngặt. Hoàng Thuý hơi khựng lại bất ngờ rồi nhanh trí nâng đầu cô bé cao lên, vừa săn sóc cô bé, vừa cắn chặt răng và nước mắt ràn rụa trên mặt.
Thật tuyệt, cảnh như là thật, khó mà dựng được một pha nào thật như thế. Tôi quên mất mình đang làm gì, đứng ngây người nhìn. Một cảm giác yếu mềm xúc động ùa vào lòng tôi thật mãnh liệt, bất giác tôi trào nước mắt.
Người mẹ như nóng ruột kêu lên:
- Thôi đi, để tôi lo cho con tôi chứ - Rồi chị bước đến đây Hoàng Thuý ra, tự mình chăm sóc cô bé.
Mọi người như bừng tỉnh sau những phút bất ngờ, bắt đầu thu dọn. Tôi đứng lên không sao rời mắt khỏi chiếc giường. Rồi tôi đi ra ngoài, bây giờ mới nhận ra những cô y tá và bác sĩ đứng chật ở cửa xem quay phim.
Tôi hơi sựng lại khi nhận ra Trường Duy, anh đứng yên lặng ở góc tường khoanh tay nhìn mọi thứ trước mắt. Có lẽ biết tôi đến đây quay phim nên anh muốn xem tôi làm gì. Không biết cảnh vừa rồi có làm Trường Duy nhớ lại năm nào tôi và anh cùng thức trắng ở bệnh viện Đà Lạt, bên cạnh bé Hạnh của chúng tôi.
Tôi nhìn vào ánh mắt thẫm tối của anh, chợt hiểu rằng anh cũng như tôi, cũng đang thoát ly thực tế quanh mình và đắm chìm trong những hồi ức sống động xa xưa. Chưa bao giờ từ khi hai đứa xa nhau, tôi thấy chúng tôi lại gắn bó vì những kỷ niệm hơn lúc này và có lẽ đi suốt đời, không bao giờ tôi quên được những ràng buộc thiêng liêng chúng tôi đã có với nhau.
Tôi đứng tần ngần ở cửa, nửa muốn đến gần anh nói một câu gì đó, một câu nói bâng quơ cũng được miễn là được nói chuyện với nhau. Nhưng Trường Duy đã ra khỏi phòng, không nhìn tôi, anh chậm rãi đi về phía cuối hành lang rồi mất hút bóng.
Về nhà tôi lại rơi vào cơn buồn miên man.

***

Tối nay tôi đi cùng nhóm làm phim đến dự chiêu đãi ở biệt thự Diễm Trang, chúng tôi hơi trễ và không thấy bóng chủ nhân đâu cả. Tôi đang ngó quanh quất thì bà ấy đi đến, bắt tay tôi thật chặt:
- Ôi trời, Như Phượng lâu ghê chị không gặp em, nghe nói em mới làm một bộ phim đạt lắm phải không?
Tôi cười:
- Hình như vậy, em cũng không biết nữa còn chị? Hình như lúc này nhóm chị lặng tiếng im hơi lâu quá.
- Đang dự định làm một bộ phim về chuyện cổ tích, thử xem có thắng không. Chắc chị phải giao kịch bản này cho em quá.
- Em chưa làm loại phim này lần nào hết.
- Đâu có sao, lãng mạn và giàu tưởng tượng như em thì loại này dễ thôi, vả lại chị thấy lúc này em lấy lại phong độ rồi, mình thử hợp đồng một lần xem.
- Dạ em muốn thử nghiệm loại phim này một lần xem ra sao, gì chứ chuyện cổ tích thì em cũng thích.
- Vậy nhé, để ngày mai chị em mình gặp riêng trao đổi tiếp.
- Dạ.
Ngay lúc đó, ịôt chiếc xe đỗ xịch ngoài cổng, rồi ông Thịnh Vương mở cửa bước xuống. Tôi xiết tay bà Diễm Trang:
- Chị tiếp khách đi, em vào trong kia.
Vĩnh Tuyên đứng chờ tôi ở cửa, tôi và anh len lỏi qua các dãy bàn, đi về bàn cuối đặt ở góc phòng, ở nơi đó có chú Duy An và nhóm tôi đang ngồi. Tôi ngồi xuống cạnh chú An, đưa mắt quan sát khắp phòng. Hôm nay toàn những khuôn mặt quen thuộc trong giới điện ảnh, trong đó vô số nhan sắc lộng lẫy và trang phục hào nhoáng mà tôi đã quen nhìn thấy.
Tôi nhìn lơ đãng ra cửa, tia mắt chợt bắt gặp ánh mắt đang đón nhìn, một gương mặt quen quen với nụ cười cởi mở. Nhà báo Phan Huy, tôi gật đầu chào ông ấy, cười thật tươi. Phan Huy đi đến bên tôi, giơ tay ra:
- Chào Như Phượng.
Tôi bắt tay ông ấy, nghiêng đầu:
- Lúc nãy nhìn là tôi nhận ra anh ngay.
- Tưởng lâu quá Phượng quên tôi chứ.
Tôi nhướng mắt:
- Chẳng ai dám quên nhà báo các anh đâu.
- Sao vậy, bộ tôi đáng sợ lắm hả?
- Gần như vậy, nhất là...
- Nhất là sao?
Tôi khẽ nhún vai:
- Nhất là những người làm phim lộn xộn như tôi.
Phan Huy cười to:
- Nhưng tôi đâu có ý kiến về những bộ phim sau này của Phượng.
- Anh không có ý kiến nhưng bạn anh thì không bỏ qua cho tôi đâu, hai người có bắt tay phía sau tôi không đấy?
- Đâu có, Phượng nghĩ oan cho tôi rồi, tôi là người vẫn dành nhiều cảm tình cho Phượng mà.
- Nhưng bạn anh thì ngược lại. Lúc ấy tôi buồn chết được, bài báo ấy đến giờ tôi vẫn còn giữ.
- Phượng giận dai quá nhỉ?
- Sao không giận, viết nặng thế mà làm sao không giận cho được chứ. Nhưng giận thì giận, mà tin thì tin “anh ấy viết đúng đấy chứ”.
Phan Huy nhún vai:
- Tôi thì không có ý kiến gì về quan niệm sống của mỗi người. Đối với tôi, kinh tế cũng quan trọng như nghệ thuật và tôi ủng hộ những người dám sống theo mình.
- Kể cả khi người ấy bị dư luận lên án.
- Tôi đâu có quan trọng dư luận đến vậy, dư luận đâu có nuôi sống tôi. Cho nên phim nào tôi thấy hay thì khen, dở thì phê bình, còn thì miễn bàn luận về cái riêng của mỗi cá nhân.
Tôi chìa tay ra:
- Tôi rất thích quan điểm phóng khoáng của anh đó, anh Huy ạ.
Phan Huy xiết nhẹ tay tôi:
- Còn tôi thì luôn dành tình cảm cho một nữ đạo diễn như Phượng.
- Cám ơn anh.
- Định hôm nào viết một bài phỏng vấn Phượng hơi đi sâu vào đời tư một chút, vì đối với tôi Phượng có một cuộc sống rất đặc biệt. Phượng nghĩ sao?
- Với anh thì tôi rất sẵn lòng.
- Thế nhé!
- Vâng.
Phan Huy đi rồi, chú Duy An hỏi tôi:
- Nãy giờ bà Diễm Trang có nói chuyện với Phượng chưa?
- Chuyện phim cổ tích hả chú?
- Ừ.
- Nói rồi.
Chú Duy An cười:
- Một dịp may cho Phượng, thử thể nghiệm loại phim này xem khả năng Phượng đến đâu.
- Rủi nó dở thì sao chú?
- Không đến nỗi thất bại đâu, chú biết vậy.
- Làm sao chú biết?
- Vì mẫu người như Phượng sinh ra là để thành công nếu thất bại thì cũng nhẹ nhàng thôi.
- Chú này châm biếm Phượng hoài.
- Không chú nói thật, chú và Vĩnh Tuyên hay nói với nhau như vậy.
Tôi quay qua Vĩnh Tuyên định trêu anh một câu nhưng Vĩnh Tuyên đang khoanh tay trầm ngâm như ông cụ, tôi lại thôi.
Vĩnh Tuyên có nhiều nét giống Trường Duy lắm, anh luôn gợi cho tôi nhớ Trường Duy. Ngày ấy Trường Duy cũng vậy, cũng hay trầm ngâm, suy tư nhưng nghiêm nghị hơn, cứng rắn hơn và hay giễu cợt. Vĩnh Tuyên thì có một nét hơi nhẫn nại. Tôi rất e ngại cảm giác tội nghiệp một người đàn ông, có lẽ bởi tính tôi không hề biết dịu dàng là gì và chắc là cả đời tôi cũng không hề dịu dàng được, dù nhiều lúc tôi cũng muốn thế lắm. Thôi lỡ sinh ra như vậy rồi biết làm sao bây giờ.
Tôi không hiểu nổi vì sao định mệnh lại xô dạt đời tôi vào Trường Duy để cho cá tính va chạm nhau nảy lửa như thế. Giá mà ngay từ đầu tôi yêu được Vĩnh Tuyên và Trường Duy yêu Phúc Yên. Những tính cách cứng mềm và luôn luôn dành cho nhau thì hay biết mấy, như thế trên đời này làm gì có chiến tranh và đâu có lôi nhau ra tòa li dị làm gì cho mệt trái tim. Tự nhiên tôi nhớ lại buổi sáng tôi đến tòa đầu óc toàn những ý nghĩ căm thù, lại còn trang điểm lộng lẫy để thiên hạ đừng biết mình buồn nữa chứ. Không biết lúc ấy tôi có điên không, bây giờ nhớ lại tôi cũng không hiểu nổi tại sao mình làm như vậy.
Rồi chú Duy An nữa, lần ấy tự nhiên lại từ chối kịch bản của chú mà chẳng cần quan tâm đến tình nghĩa sâu xa mà tôi đã vay một cách vô tư nhất, sao bây giờ thấy mình hối hận quá. Không hiểu sao thời gian sau này tôi hay rơi vào những hồi ức xa xưa, nghiền ngẫm lại những điều mình làm và thấy mình làm toàn những chuyện tầm bậy cả. Không hiểu rồi đây tôi làm chuyện tồi tệ gì nữa đây? Ôi nguyện trời đừng có chuyện gì cả.
Tôi nghĩ miên man, không hay Hoàng Thúy đang khẽ huých tay tôi, nói to lên:
- Chị Phượng nghĩ gì vậy?
Tôi quay lại:
- Gì?
- Mấy anh rủ về kìa.
- Còn sớm mà.
- Nhưng ở đây chán quá, mình đến restaurant dancing vui hơn, chị chịu không?
- Ừ, đi thì đi.
Cả bọn đứng dậy kéo ra cửa, chẳng thấy bóng chủ nhân để mà từ giã. Định mở cửa xe thì ông Thịnh Vương đi tới, nụ cười của ông ta như có vẻ xã giao:
- Cô Phượng về sớm vậy? Không ở lại chơi.
- Bọn tôi có chương trình khác vui hơn.
- Có thể cho tôi tham gia được không?
- Nếu ông thích thì xin mời.
- Nói thế chứ tôi còn bận nhiều việc lắm, cám ơn cô Phượng.
Tôi ngạc nhiên về cách ăn nói của ông ta và đứng yên nhìn ông ta, trong cách nói ấy có một vẻ gì đó ân cần, nó khác với thái độ lơ đãng, cẩu thả khi ông ta tiếp tôi vào cái lần cuối tôi đến nhà ông. Tôi yên lặng chờ nghe ông ta nói tiếp, ông ấy chả bao giờ làm điều gì không mục đích cả. Hình như đối với ông ta, sống là công việc và ông ta biết cách tính toán làm sao để mỗi hành động, mỗi lời nói phải được sử dụng một cách hoàn hảo đúng lúc.
Ông Thịnh Vương hỏi tôi với một vẻ như lơ đãng:
- Hình như cô Phượng mới làm xong một hợp đồng với hãng phim Bình Minh phải không?
- Vâng.
- Nghe nói phim đó khá lắm.
Tôi nói tỉnh bơ:
- Vâng, tôi rất thành công trong phim vừa rồi, thành công ngoài sức tưởng tượng của tôi.
- Vậy thì xin chúc mừng cô.
- Cám ơn ông.
- Nghe nói bà Diễm Trang đang mời cô làm phim cổ tích phải không?
- Sao ông biết?
- Chuyện gì mà tôi không biết.
- Ông thật là nhạy bén.
Ông ta tựa người vào cửa xe cười xã giao:
- Cô Phượng được xếp vào danh sách những đạo diễn đang được ăn khách nhất mà, hợp đồng của cô mà tôi không biết.
- Vậy hả?
- Vả lại cô đã hợp tác với tôi mấy bộ phim rất thành công kia mà.
Tôi chú thích thêm:
- Và cũng có hai phim làm ông thất thu, tôi nhớ đến bây giờ đấy.
- Vậy có dịp nào đó mời cô ký với tôi một hợp đồng để gọi là...
- Đền bù thiệt hại cho ông.
- Cô nói quá, chứ tôi thì không nghĩ vậy.
Tôi nhún vai:
- Tôi có thói quen thẳng thắn và rạch ròi, tôi nghĩ ông hiểu lắm chứ, với mọi người tôi đều có một ứng xử khác nhau.
Ông ta gật gù:
- Tốt, tôi cũng rất thích sự sòng phẳng, đối với tôi thì cô thẳng thắn hay hơn.
- Vâng.
- Thế chừng nào cô Phượng hợp tác với tôi được nhỉ?
- Tuỳ ông, chỉ sợ cách làm việc của tôi không phù hợp với ông. Tôi nhát lắm và sợ báo chí phê bình nữa.
Ông ấy xua tay:
- Điều đó cô khỏi lo, khi nào chính thức ký hợp đồng chúng ta sẽ trao đổi thêm. Tôi định tháng tới sẽ bắt đầu phim mới, cô nghĩ sao?
- Tôi nghĩ được có một hợp đồng với ông thì tôi hân hạnh lắm nhưng...
- Nhưng thế nào, cô cứ nói điều kiện của cô đi.
Tôi cười nhẹ:
- Tôi đề nghị tiền cát sê nâng lên và tôi hoàn toàn làm việc theo ý tôi, ngoài ra không đòi hỏi gì thêm.
- Ờ, chuyện đó đâu có khó gì.
- Có chứ, đối với tôi chuyện đó quan trọng lắm, bởi vì tôi không thích làm theo sự điều khiển của người khác bao giờ.
- Ờ... ờ.. để tôi suy nghĩ lại.
- Xin lỗi, ông cần nói gì nữa không, bạn tôi đang chờ tôi.
- Thôi được, hôm nào tôi sẽ trao đổi với cô.
- Dạ, chào ông.
Ông Thịnh Vương đi rồi, tôi ngồi vào xe bên cạnh Hoàng Thúy. Chú Duy An quay xuống nhìn tôi nhận xét:
- Tay này thật linh hoạt nhỉ?
Tôi hơi chồm người tới trước:
- Nói thế chứ có lẽ ông ta chưa cần đến Phượng bây giờ đâu. Ông ta muốn lấy lại quan hệ bình thường thôi.
- Theo tôi đoán thì ông ta chờ xem cô có thắng trong loại phim cổ tích không rồi mới giao kịch bản cho cô, ông ấy cũng nóng lòng muốn chuyển qua thể loại đó lắm.
Hoàng Thúy xen vào:
- Nếu ông Thịnh Vương giao kịch bản chị có nhận không?
Tôi lưỡng lự:
- Chưa biết được, có thể sẽ nhận, nhưng lần này chị sẽ cứng rắn hơn, không để ông ta chi phối nữa. Nếu ông ấy muốn điều khiển đạo diễn phải theo ý mình thì ông ấy cứ tự làm lấy cho vừa ý.
- Em nhớ lần đó xem phim “Tình yêu cháy bỏng” mà còn thấy lạnh người. Phượng tây quá mình cảm thụ không nổi.
- Đừng nhắc phim đó nữa, chị quê lắm.
Hoàng Thúy hơi ngả người ra sau, rồi náo nức:
- Mai mốt chị giao cho em một vai công chúa hay Hoàng hậu gì nhé, em thích đóng vai đó lắm. Chị thấy em có khả năng đóng đạt không?
- Có thể nếu mà Thuý yểu điệu một tí.
- Gì chứ yểu điệu là em có thừa.

<< - 18 - | - 20 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 735

Return to top