Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Dài >> Vì sao rơi trong đêm

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 51988 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Vì sao rơi trong đêm
Hoàng Thu Dung

- 17 -

Chỉ một tuần sau khi phát hành bộ phim, tôi nhận hàng loạt lời phê bình của bạn bè và cả những ánh mắt giễu cợt châm biếm của đồng nghiệp. Tôi biết mình đã đi quá xa, nhưng không ngờ dư luận lại ghê gớm như vậy. Sáng nay đọc bài báo phê bình của Khải Tuấn, tôi giận đến cay đắng. Ông nhà báo ấy bảo bộ phim chỉ khai thác những cảnh phù phiếm để đánh lừa người xem và đạo diễn thật tâm lý khi đưa người ta vào mê cung hào nhoáng làm quên mất những khuyết điểm về nội dung... Tóm lại đó là một bộ phim vớ vẩn nhất trong những phim vớ vẩn và đó là sự thụt lùi của nữ đạo diễn trẻ tuổi tài năng mà người ta đang kỳ vọng... Tôi buông tờ báo xuống và không nén được cảm giác buồn giận cứ trào dâng cuồn cuộn. Tôi nhào tới vò nát tờ báo, ném mạnh xuống đất.
- Sao thế Phượng?
Tôi giật mình ngẩng lên. Vĩnh Tuyên đang cúi xuống lượm bài báo lên, đọc lướt qua rồi lắc đầu:
- Phượng quan tâm tới mấy chuyện nàu làm gì, mặc họ.
Tôi cay đắng:
- Người ta nói đúng sự thật đó anh Tuyên.
Vĩnh Tuyên im lặng ngồi xuống ghế, nhìn quanh:
- Bé Sơn đâu rồi Phượng?
- Nó ngủ trong phòng - Tôi vùi đầu trong tay khổ sở - Biềt họ nói đúng, nhưng sao Phượng vẫn cứ thấy ức, lẽ ra họ nên nhẹ nhàng hơn một chút, chưa bao giờ Phượng đọc bài phê bình nào nặng như thế, ác độc lắm.
Vĩnh Tuyên nhìn tôi bằng cặp mắt tội nghiệp, thương yêu:
- Mặc họ Phượng ạ, đừng để ý họ làm gì, Phượng hãy tự hào rằng trong giới đạo diễn chưa ai có thù lao cao như Phượng, bao nhiêu người muốn thế có được đâu.
Tôi kêu lên:
- Phượng không thể tự hào kiểu đó.
- Mỗi người nên lấy cái được trong cuộc sống làm niềm vui. Bây giờ Phượng hãy lấy tiền làm hạnh phúc, rồi Phượng sẽ bỏ mặc những lời dèm pha.


“Lấy tiền làm hạnh phúc à”, tôi nhớ Hêraclit bảo rằng “Đó là hạnh phúc của những con bò kiếm được đồng cỏ để ăn” còn tôi thì không thể trơ lì đến mức nhởn nhơ trên đồng tiền mình có được, khi quanh tôi bạn bè xem nhẹ, thật là cay đắng. Ngoài tiền ra, người ta còn phải sống bằng niềm kiêu hãnh chân chính nữa chứ.


Tự nhiên tôi nghĩ đến Trường Duy, nếu sống trong sự che chở của anh, có lẽ bây giờ tôi không rơi vào cảnh tủi buồn này. Trong khi tôi chịu sóng gió để con anh có cuộc sống sung sướng thì anh: cha của nó, lại đùm bọc một người phụ nữ khác và có gia đình êm ấm hạnh phúc... Một cảm giác hận tủi trào lên, tôi khóc nghẹn.


Vĩnh Tuyên đứng sững người nhìn tôi, rồi lúng túng:
- Đừng khóc Phượng.
- ...
- Tôi có nói gì cho Phượng buồn không?
- ...
- Phượng đừng khóc nữa, Phượng khóc làm tôi khồ tâm quá.


Hình như bao lâu rồi tôi đã bỏ quên tiềm thức của mình, bây giờ tất cả bỗng sống dậy mãnh liệt, tình yêu tuyệt vọng, nỗi ghen hờn những khát khao tìm lại ngày xưa... Tất cả như bừng dậy không gì dập tắt nổi và tôi run lên trong cảm xúc tột cùng.


Vĩnh Tuyên bỗng quỳ dưới chân tôi, nắm chặt tay tôi, giọng anh như không kềm được xúc động đã bị dồn nén:
- Tội nghiệp Phượng quá, tiếc rằng tôi bất tài nên không bảo vệ em được. Từ lâu rồi tôi muốn Phượng đừng làm gì cả, những khó khăn trong cuộc sống hãy để tôi gánh thay cho Phượng... Bởi vì tôi yêu Phượng nhất trên đời, mấy năm rồi tôi không quên được tình yêu đó, Phượng hiểu không?


Tôi nín khóc, ngạc nhiên trước cơn bùng nổ bất ngờ của Vĩnh Tuyên, sao hôm nay anh sôi nổi vậy?


Vĩnh Tuyên hơi ngượng vì cử chỉ bộc phát của mình, anh đứng lên, cắn nhẹ môi, nhưng đôi mắt vẫn nhìn tôi đăm đăm như chờ đợi câu trả lời.
Tôi biết nói gì bây giờ, đây không phải là lúc tôi mềm yếu nghe những lời tỏ tình, tôi đang đắm chìm trong nỗi buồn của mình. Tội nghiệp Vĩnh Tuyên.
Vĩnh Tuyên nói khẽ:
- Phượng nói một cái gì đi, từ chối tôi cũng được, miễn Phượng đừng im lặng như vậy.
Tôi nhẹ nhàng:
- Từ lâu rồi mình ngầm thống nhất sẽ không nói đến chuyện ấy, sao hôm nay anh phá vỡ nó vậy anh Tuyên?
- Bởi vì tôi không im lặng được nữa.


Tôi thở dài, nếu yêu được Vĩnh Tuyên thì điều đó đã xảy ra khi chúng tôi còn đi học rồi. Tôi không thể giải thích vì sao tôi không yêu anh được, có những người dù ở bên nhau suốt đời cũng chỉ có thể làm một người bạn tốt mà thôi.


Với Trường Duy có lẽ tôi đã phải lòng anh ngay cái nhìn đầu tiên, dù khi ấy chưa thể gọi là yêu, tôi gọi đó là người của định mệnh trói buộc. Vĩnh Tuyên thì không, dù đời tôi có tả tơi cần che chở, tôi vẫn không thể ép buộc trái tim rung động trước anh, bởi vì anh không phải là định mệnh của tôi. Nhưng nói điều này ra thì phũ phàng quá, thôi thì im lặng.


Vĩnh Tuyên buồn bã:
- Phượng không thấy là Phượng cần xây dựng một gia đình khác sao, dù sao thì bé Sơn cũng phải có cha chứ. Trong khi anh ấy sống hạnh phúc với người phụ nữ khác thì Phượng phải cam chịu một mình nuôi con à?
Nhắc đến Trường Duy tôi lại nghe nhói tim và một cảm giác giận dữ bùng dậy. Lẽ ra Vĩnh Tuyên đừng nên nói điều gì đó mới phải, bộ anh không biết điều đó là điều tôi không muốn nhớ sao. Tôi nhìn Vĩnh Tuyên bất mãn:
- Phượng không muốn nhắc tới họ nữa.
- Tại sao Phượng phải né tránh? Chẳng lẽ Phượng không quên được điều ấy à? Chẳng lẽ anh ấy còn đủ sức làm Phượng đau khổ à?
Cái gì? Vĩnh Tuyên nói gì thế, tôi mà đau khổ vì Trường Duy à? Chết tiệt ý nghĩ khó ưa của anh đi, bộ anh không còn chuyện gì để nghĩ. Tôi nổi giận:
- Sao mà anh cứ nhắc chuyện đó hoài vậy? Tôi mà đau khổ vì họ? Sao anh đánh giá tôi thấp thế.
- Kìa Phượng tôi muốn nói là...
- Tôi cóc cần nghe giải thích. Trời, tôi căm ghét ai có ý nghĩ tôi bị bỏ rơi lắm anh biết không? Vậy ra không có chồng tôi sẽ không sống nổi sẽ chết à? Anh có biết anh vừa nói gì không?
Vĩnh Tuyên thở dài, ngồi yên. Vẫn còn thấy tức, tôi tiếp tục trút cơn giận:
- Anh mà còn nghĩ tôi khổ sở vì Trường Duy thì anh không phải là bạn của tôi nữa mà là.. là... - Không biết diễn đạt thế nào, tôi phẩy tay - Bạn bè gì mà gàn toàn chuyện sai bét, vậy mà lâu nay tôi nghĩ anh hiểu tôi lắm kìa.
- Không, tôi hiểu Phượng lắm chứ, hiểu cả những ngõ ngách sâu xa nhất mà Phượng không muốn thừa nhận. Hôm nay tôi dại dột nói ra điều đó và nhìn phản ứng của Phượng tôi lại càng khẳng định mình nghĩ là đúng.
Vĩnh Tuyên nói năng trừu tượng quá, bây giờ đầu óc tôi rối rắm nên chẳng hiểu gì cả, nhưng tôi biết một điều chắc chắn mình vừa vô lý với Vĩnh Tuyên. Tôi ngồi im, mệt mỏi, vì cảm xúc quá độ lắm rồi!
Vĩnh Tuyên đứng dậy đến trước mắt tôi, nhẹ nhàng:
- Có thể tôi nói điều này sẽ làm Phượng giận, nhưng tôi cần phải nói để thức tỉnh Phượng, rằng Phượng đừng nên nghĩ tới chuyện dùng con để trả thù Trường Duy nữa. Làm như vậy chứng tỏ Phượng còn yêu anh ấy, mà như vậy có ích gì cơ chứ, dù sao thì Phượng cũng phải nhìn thẳng vào sự thật rằng anh ấy đã có một gia đình mới và không thể quay lại với Phượng - Vĩnh Tuyên nói xong nhẹ nhàng bỏ ra về.
Tôi ngồi yên lặng, những gì Vĩnh Tuyên nói cứ lặp lại trong đầu tôi làm tôi đau điếng cả lòng. Vâng, Trường Duy đã có một gia đình mới và không thể quay lại với tôi nữa đâu. Tôi biết vậy, tôi nhận thức rõ điều đó từ hai năm trước vào buổi sáng chúng tôi ra tòa án lận kia, nhưng sao bây giờ sự thật đó vẫn làm tôi thấy lạ lùng, tôi làm sao thế này.
Tôi nhìn tờ báo trên bàn, máy móc cầm lên đọc, những lời chê bai làm tôi tức giận, rồi tôi nhớ lại những gì Vĩnh Tuyên vừa nói... Tôi gục mặt trong tay, khóc cay đắng. Niềm kiêu hãnh ngày nào bây giờ đã bị dập vùi, tôi hiểu rằng trong sâu thẳm tâm hồn, mình chỉ là một phụ nữ yếu đuối và tôi khóc cho những gì mình đã mất.

***


Tôi ngồi dựa người vào ghế, mệt mỏi vì sự chờ đợi. Đây là lần thứ ba tôi đến tìm ông Thịnh Vương mà chẳng khi nào gặp, có lẽ lần này cũng vậy thôi. Tôi đứng dậy, muốn bỏ ra về, nhưng rồi lại nén lòng ngồi đợi, tôi cần một hợp đồng phim mới kia mà nếu bỏ về rồi sẽ phải lại đến, đằng nào cũng vậy, thôi thì ráng mà chịu đựng. Cuộc sống đã dạy tôi biết kiên nhẫn để đạt được điều mình muốn.
Rồi ông Thịnh Vương đi ra, ông ta cười với vẻ ban ơn:
- Cô Phượng đó à, cô chờ tôi lâu không?
- Theo tôi, hình như vậy là khá lâu.
Ông ta cười, hơi nhún vai:
- Lúc này bận quá.
- ...
- Cô Phượng tìm tôi có chuyện gì không?
Sao giọng ông ta giả dối thế, ông ấy thừa biết tôi đến đây để làm gì rồi. Ngày trước chỉ cần tôi chịu đến đây, chẳng cần nói gì cả, ông ta cũng săn đón mọi ý muốn của tôi, còn bây giờ... Tôi ngồi thẳng người cố giữ cho mình một tư thế đàng hoàng:
- Tôi không muốn kể lể dài dòng về tình hình của tôi bây giờ, chỉ xin vắn tắt rằng hiện giờ tôi rất cần tiền, ông có thể ứng cho tôi một khoản nào đó và sẽ trừ vào hợp đồng phim sau.
Ông Thịnh Vương cười ồn ào:
- Ồ, thật là tiếc, xui cho cô quá, tôi đang đầu tư vào mấy hợp đồng khác, hiện giờ kẹt cứng mà không biết xoay vào đâu, chắc cuối năm nay mới giải quyết nổi, cô có thể chờ được không?
- Tôi cần gấp nên mới đến nhờ ông, nếu chờ được có lẽ tôi đã chẳng đến đây.
- Tiếc quá.
Tôi thu hết can đảm đổ vào canh bạc cuối cùng:
- Ông có thể tin ở tôi, thật tình là bây giờ tôi chẳng còn gì để thế chấp cho ông, chỉ có danh dự của một người đạo diễn và tôi hứa với ông rằng tôi sẽ trừ tiền này vào bộ phim mới.
Ông ấy gõ gõ tay trên thành ghế, nói lơ đãng:
- Tôi chưa biết có tiếp tục làm phim mới hay không, hai bộ phim vừa rồi bị thất thu nặng quá...
Tôi ngồi lặng, choáng váng.
- Tiếc là cô chẳng nghe lời tôi. Cô thấy đó, bộ phim “Tình yêu cháy bỏng” nhờ sự góp ý của tôi mà thành công rực rỡ, mấy phim sau này cô nhát tay quá, vả lại... - Ông ấy nhìn tôi thăm dò mỉa mai - Vả lại, tôi với cô không “rơ” với nhau lắm, làm việc với mấy đạo diễn khác họ thường nghe ý kiến của tôi hơn cô.
- Có lẽ tôi không bằng họ thật, nhưg ông cũng thừa biết rằng là sau bộ phim đó báo chí phê bình tôi rất dữ, dù sao thì tôi cũng phải giữ một chút gì cho tôi chứ.
- Ờ... Đó là chuyện của cô, còn tôi thì - ông ta nhún vai - tôi kinh doanh là để kiếm lời, chứ không phải tìm lời khen của báo chí. Mấy ông nhà báo không nuôi nổi tôi, nếu sống nhờ họ thì có lẽ tôi sẽ tìm mọi cách để được ca ngợi rồi, cô thấy đó, tính tôi vốn thực tế và sòng phẳng.
Tôi ngồi im lặng nhìn ông ta, ngỡ ngàng vì một sự trở mặt đến trắng trợn. Lần đầu tiên trong đời tôi đối diện với tính cách hoàn toàn xa lạ với mình. Tôi đã làm việc với con người như thế này hay sao? Vậy mà... không hiểu sao tôi không thấy phẫn nộ hay tức giận, chỉ có một cảm giác khinh bỉ, chua chát. Tôi đứng dậy cười nhẹ:
- Thế thì, cám ơn ông.
- Cô cám ơn gì thế?
- Cám ơn ông vì đã cho tôi biết thêm một tính cách mới, để tôi đưa nhân vật đó lên màn ảnh, ít ra tôi cũng làm một điều tốt cho những ai chưa hiểu biết.


Nhìn nét mặt ngơ ngơ của ông ta, tôi cười mỉm, tất nhiên là ông sẽ không hiểu được những ý tứ sâu xa của tôi muốn nói. Bàn về tiền thì có vẻ ông ta nhạy bén hơn, nhưng dù sao tôi cũng cần phải nói, tôi cho mình quyền để nói.


Tôi đi ra đường, cảm giác cay đắng xâm chiếm ngập lòng, hơn năm nay tôi không có một hợp đồng nào cả, cũng chẳng có ai mời hợp tác, cả chú Duy An cũng biệt tăm. Rồi đây tôi sẽ sống ra sao? Rồi cuộc đời sẽ đi về đâu... Chỉ có tương lai mịt mù chờ đợi.


Mất tất cả rồi, mất những ngày tháng vinh quang, mất đi sự săn đón mời mọc, cả tiền cũng không còn... Chỉ còn lại một sự trắng tay. Trong canh bạc cuộc đời, tôi thua sạch. Nước mắt lăn dài trên mặt, tôi khóc giữa đường.


Tôi ngước mặt nhìn trời, hình như bầu trời vẫn xanh. Dòng đời vẫn tiếp diễn với những điệp khúc muôn thuở, với những được và mất, đau khổ và hạnh phúc, vinh quang và cay đắng... Cuộc đời thường dành cho con người một thời đón đưa và một thời xua đuổi. Tôi cúi đầu chấp nhận những gì mà người ta lần lượt lấy đi.


Tôi dừng lại bên đường mua bánh cho bé Sơn. Ngay lúc đó, một chiếc Nissan màu kem đậu xịch bên cạnh, rồi Phúc Yên bước xuống đi vào hiệu bánh. Thấy tôi, cô ta hơi khựng lại, như phân vân không biết cư xử thế nào. Tôi quay mặt đi. Và không nén được tò mò tôi nhìn vào trong xe, Trường Duy ngồi bên tay lái, nhìn tôi đăm đăm, nét mặt không biểu lộ gì ngoài vẻ nghiêm lạnh. Bất giác tôi nhếch môi, phóng xe đi.


Tôi cũng không hiểu được mình đang làm gì, mọi hành động đều là phản xạ mà thôi. Một nỗi đau bóp chặt tim tôi, nỗi khổ đau không hề phai đi theo năm tháng... Nhất là bây giờ, cảm giác bị hất hủi chà đạp vò xé trong lòng. Phải nhìn thấy hạnh phúc với cuộc sống giàu sang của Trường Duy tôi không đủ sức chịu đựng nữa. Ôi, tôi phải làm sao để thoát khỏi cảm giác tuyệt vọng này đây.

***

Vào nhà, tôi chạy ào vào phòng, bé Trường Sơn thấy tôi, cười toe toét và dang tay ra đón. Tôi bồng con lên, bất giác nước mắt lại trào ra như suối.
“Mẹ con mình bị bỏ rơi phải không con? Rồi đây mẹ biết lấy tiền đâu mua đồ chơi và quần áo đẹp cho con đây?
Bé Sơn chợt nhìn vào mặt tôi, thằng bé mếu máo rồi òa lên khóc, giọng nó ngọng nghịu đớt đát:
- Mẹ đừng “hóc” nữa mẹ ơi, con “hương” mẹ lắm.


Tôi ráng nín khóc, nhưng không được, tôi lại để mặc nước mắt thấm ướt tóc con.

<< - 16 - | - 18 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 754

Return to top