Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Cửa Khổng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10527 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cửa Khổng
Kim Định

Chương XI
1. Đại cương
Chúng ta hãy tạm ngưng lại đây để đặt một cái nhìn khái quát trên những điều đã đề cập trong năm và xác định lần cuối cùng hướng tiến của chúng ta.
Sau những bài đại cương về triết lý Nho giáo chúng ta có thể tóm vào câu sau: cái ý hướng triết lý đó hay nói theo nhan đề sách cái cửa Khổng có hai cánh là nhân bản và tâm linh. Là nhân bản nó lấy con người làm trung tâm cho mọi suy tư lo lắng. Nó bàn về những chuyện thiết yếu đến tự do, nhân phẩm và hạnh phúc con người xét nguyên về phương diện là người. Là tâm linh nó không tự giam hẳn mình trong những phạm trù hữu hình, nhưng luôn luôn vươn tới nguồn sống mênh mông phổ biến đang ngầm chảy trong vũ trụ mà làm mối quán thông mọi tư tưởng thâm sâu nhất của triết lý Đông phương và tuỳ phương diện nó sẽ đội những tên là Tâm linh, là Tính lý đại đồng, hoặc Thiên mệnh hay là Thái cực sẽ đề cập trong phần chứng chỉ. Nhưng ở đây chúng ta hãy nhấn mạnh tính chất vô biên phổ biến của nó, nó vượt không thời gian: vô cổ vô kim, không Đông không Tây nên là đối tượng chính xác nhất của những suy tư triết lý và lẽ ra phải là mục phiêu cho hết mọi nền triết lý chính tông vì đó là căn bản của triết lý vĩnh cửu. Vì thế có cổ mà không có cỗi (vieux et non vieillis). Hoặc áp dụng vào Khổng câu Péguy nói về Homère rằng: vẫn còn mới cho tới buổi sáng nay, cũng như không gì cũ kỹ bằng tờ nhật báo hôm nay, Homère est nouveau ce matin et rien n est plus peut-être aussi vieux que le journal d aujourd hui. Tuy nhiên đứng trong phạm vi chính trị luân lý thì những hình thức thực hiện của một thời tất nhiên phải cùng với thời gian đó tàn lụi, bổn phận của triết gia là phải biết gỡ lấy những yếu tố vĩnh cửu ra khỏi những giải pháp nhất thời: xuyên qua chế độ phong kiến của nhà Chu hiện nay đã được chôn táng xong hẳn, triết gia phải biết nhận ra được cái hồn Vương đạo, cái mà ngày nay ta có thể gọi là tinh thần dân chủ bao gồm ý hướng giải phóng con người khỏi những áp bức vô hình cũng như trứ hình. Ta bảo triết lý Nho giáo có tinh thần dân chủ vì có những tang chứng tranh đấu chống lại thế lực của thần thoại, của dị đoan mê tín, cũng như chống lại những áp bức chuyên chế của những nhà cầm quyền và ghi lại được một số thành tích cụ thể biểu dương tinh thần dân chủ như chế độ thi cử để tuyển hiền tài, chức gián quan và tinh thần tự trị của các xã thôn (phép vua thua lệ làng). Nhờ đó mà triết Nho không phải là nệ cổ, hơn thế nữa có những phương pháp đáp ứng những nguyện vọng của sâu thẳm của con người thời đại đang được nền triết Hiện sinh chính tông phát kiến, như đã được trình bày trong bài ý nghĩa lễ gia quan, một bài chứng minh lòng tôn trọng của Khổng đối với óc tự chủ của mỗi cá nhân, mà ông cố tìm lối phát huy những khả năng sâu thẳm, những khả năng vượt mức lý trí thông thường, mất hút vào miền tiềm thức của cảm thông. Vì thế ngoài lối giáo dục bằng lời nói bằng sách vở ông dùng cả những lối vô ngôn ẩn ngữ của nghệ thuật, của hành vi, tức là lễ, nhạc, thi, ca, cầm, kỳ, hội, họa… như được bàn trong hai bài "công cụ giáo dục". Những bài đó nói lên tính chất toàn diện của nền nhân bản được đề cập ở nho triết, một triết lý không đóng khung trong lý niệm nhưng bao hàm tất cả các khía cạnh của đời sống con người đa kích: từ luân lý chính trị, đến thẩm mỹ du hý, tới chỗ huyền nhiệm vô ngôn nghĩa là những chiều hướng mà triết học hiện sinh mới chỉ biết khởi đầu đề cao.
Vì vậy ta có thể nói triết nho là một đạo lý tinh thần, luôn luôn bênh vực tự do và nhân phẩm con người. Và cũng giống những nền nhân bản chân chính khác nó đã phải trải qua rất nhiều khó khăn, những tranh đấu mà ta cũng nên ôn lại để nhìn về xa.
2. Thăng trầm
Cuộc thử thách đầu tiên gắn liền với tên của Tần Thuỷ Hoàng, một ông vua tôn thờ thuyết Hình pháp của Lý Tư, của Hàn Phi Tử và chuyên môn dùng võ lực không ngần ngại đi đến giải pháp tàn khốc: đốt sách chôn nho. Hán Cao Tổ là người nối tiếp giai đoạn này khi mới thu phục được nước Tàu sùng phụng Lão giáo thường đái lên mũ các nho gia để tỏ lòng khinh bỉ.
Cuộc thử thách thứ hai có thể lấy quân Mông Cổ làm đại biểu. Họ tượng trưng cho sức mạnh du mục vật chất từ phía Tây Bắc tràn vào, họ chà đạp mọi giá trị tinh thần văn hóa nông nghiệp Đông Nam. Họ chia dân trong nước ra làm mười bậc thì gạt nho sĩ xuống hàng thứ chín, nghĩa là bên dưới cả gái điếm, chỉ trên được có ăn mày. (1. Quan, đều là người Mông, 2. Lại, 3. Sư, 4. Đạo sĩ, 5. Y sĩ, 6. Công nghệ, 7. Thợ, 8. Con hát, 9. Nho sĩ, 10. Ăn mày. Chú ý Sư đứng hàng thứ ba, Đạo sĩ hạng 4 biểu lộ chiều hướng Mông Cổ)
Giai đoạn thứ ba là thời đại hiện tại với khoa học kỹ thuật vươn lên như vũ bão quật ngã hết mọi nền văn hóa cổ xưa kể cả của Âu Châu nơi phát xuất các cao trào khoa học tân tiến. Dĩ nhiên Nho học cũng bị tàn rụi. Phái tân học được đào tạo trong những trường Âu Mỹ đã không ngần ngại tuyên bố "Khổng khưu nghiết phẩn chi học", cái học Khổng khưu là cái học ăn cứt. Hiện trào lưu hạ bệ Khổng vẫn còn đang thắng thế ở các xã hội Viễn Đông.
Hai lần trước sau khi bị hạ bện, Nho giáo đã phục sinh: sau Tần Thuỷ Hoàng là Hán nho, sau Mông Cổ là Minh nho. Chúng ta hỏi, sau lần thứ ba này sẽ có một cuộc phục hồi như hai lần trước nữa chăng? Đó là việc của tương lai.
Nhưng ta có thể dự kiến một hai điều như sau. Nếu nói đến phục hồi y nguyên như hai lần trước thì nhất định không có được nữa và cũng không nên có, vì đời sống đã biến đổi tận gốc: những thể chế căn bản cũ (quân chủ, lễ giáo) đã không còn hợp thời… Vì thế mà sẽ không còn một cuộc phục hưng Nho giáo như kiểu Hán nho và Minh nho.
Tuy nhiên nếu nói về Nho giáo đã lột xác nghĩa là Nho giáo ở đợt tinh thần, trong những nguyên lý nhân bản tâm linh thì ta có thể nói nó sẽ không thể chết. Vì bao lâu con người còn phải chiến đấu cho tự do, cho nhân phẩm của mình thì những nguyên lý của Nho giáo còn có thể hướng dẫn bước đường tiến triển của nhân loại, mặc dù trong thực tế nó có mang nhãn hiệu của Nho hay không, điều đó ít quan trọng. Hai bài "Đông Tây gặp gỡ" và "Những ấn tích" nói lên tính chất thời đại của nền triết lý nhân sinh đó: không những đáp ứng cho người ở Đông mà ở Tây, không những xưa mà cả nay. Nó nói lên phần Nho giáo đã đóng góp vào đời sống mới của nhân loại như những tư tưởng bình đẳng, tự do, huynh đệ phổ biến, cũng như ba nguyên lý đang hướng dẫn đời sống Âu Châu hiện đại (tìm hạnh phúc ở trần gian, quyền làm cách mạng của dân, nền luân lý công dân). Phần đóng góp đó mặc dù vì lý do kỳ thị chủng tộc hay thiên kiến tôn giáo hoặc ý hệ mà các sử gia tìm cách chôn vùi, nhưng chúng ta có đủ chứng cớ nói lên sự quan trọng, và minh chứng sự hiệu nghiệm của chúng vượt xa triết học duy niệm và cho phép ta quả quyết: sự đóng góp của Nho giáo vào đời sống mới của Tây phương chỉ trong một trăm năm còn sâu đậm và ơn ích vượt xa hơn hai ngàn năm của triết học duy niệm trường ốc. Và sau này nếu vì óc đảng phái người ta không nhìn nhận điểm trên, không dành cho Nho học chỗ cân xứng trong chương trình giáo dục đi nữa, thì trên thực tế triết Nho giáo đã được thực hiện nhiều rồi, tất nhiên dưới những hình thức khác, như thi cử nay khác lối thi cử xưa, nhưng tinh thần phát nguyên từ Nho triết.
3. Hướng vọng tương lai
Tuy vậy sự cố gắng chôn vùi những ấn tích của triết Nho kia không khỏi gây thiệt hại cho tương lai nhân loại. Vì thái độ đó đã chấm dứt sự khai thác thấu triệt nền triết Nho bao gồm hai khía cạnh là nhân bản và tâm linh, thế mà thế kỷ 18 mới đi được những bước đầu ở phạm vi nhân bản xã hội, chứ chưa đạt tới bình diện tâm linh. Tức là ngày nay triết học hiện đại đã biết trở lại lấy con người làm trung tâm suy nghiệm, nhưng chưa đạt tới con người toàn diện bao hàm cả ngang lẫn dọc. Về hàng ngang hầu hết mới là con người cá nhân tức là những con người của nhóm lãng mạn, của một số lớn hiện sinh nửa vời, chưa thực là con người sống trong xã hội: coi xã hội như một chiều kích, như một nguyên tố cấu tạo, nhân đó con người cũng thiếu liên hệ hàng dọc với thiên địa. Con người chỉ biết có đời sống bên ngoài sự vận hành của vũ trụ (évolution cosmique) thiếu khía cạnh vô biên ăn thông với con người chi tâm, hay nói theo tiếng xưa của Nho tức là chưa có ý thức nội tâm về thiên mệnh, về tâm linh giàu tính chất phổ biến, cho nên mới là cái sống bì phu nằm gọn trong tương quan hiện tượng mà thôi.
Do đó trong phạm vi thực tế con người đang mắc bệnh "mất hồn" rơi vào sự "trống rỗng" (nihilisme). Tuy bề ngoài đã có thể chế dân chủ, đã có nhiều luật lệ bảo hộ nhân phẩm và tự do con người, nhiều tổ chức xã hội chăm lo đến những nỗi bất công hay những cảnh huống bi thảm trong xã hội, nhưng với con mắt triết gia người ta có quyền nghi ngờ đó chỉ là hậu quả một đàng của nền thịnh vượng Âu Châu do kỹ nghệ phát đạt "giàu có sinh lễ nghĩa", mặt khác do đà tiến của tâm thức con người, do tâm trạng con người đã đi đến chỗ không thể chấp nhận những tàn bạo những bất công xã hội quá lộ liễu như trong thời trung cổ trở về trước. Hai lý do này có thể nói là thuộc căn do ngoại tại mà thôi, chứ chưa phải phát xuất do một nền đạo lý, một thứ triết lý nhân sinh bao gồm mọi khía cạnh của đời sống con người và đem lại cho mọi bộ môn học một sự thống nhất quán triệt, nói kiểu xưa là một lý nhất quán, một mối cộng thông vô hình không ở đâu rõ rệt nhưng hiện diện trong khắp hết. Vì thế mà trong tất cả mọi bộ môn thiếu nội dung người (vidé de substance humaine) "chế độ dân chủ mới là cái thùng rỗng" (người Nhật nói về nền dân chủ Mỹ). Nghệ thuật thiếu đường hướng, còn triết lý thiếu hăng say. Tất cả sự trống rỗng đó tạo ra một trạng thái ly loạn, tan rã, sâu đậm còn quá đời Chiến quốc xa xưa (xem bài Khủng hoảng tinh thần trong Triết lý giáo dục).
Tóm lại chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng tinh thần mà Âu Châu là kẻ dẫn đầu nhân loại ở giai đoạn này vẫn chưa tìm ra được phương thế hòa giải tức tìm ra được một đạo lý soi sáng cho cuộc đời, nghĩa là vẫn còn thiếu một nền triết lý nhân sinh, một đạo làm người sống cái sống toàn diện. Có chăng chỉ là những ý hệ hoàn toàn lý niệm một chiều chưa bao giờ vượt qua "tầm tri thức la tập" vẫn nằm ép mình dưới nguyên lý mâu thuẫn "triệt tam", nên chưa bao giờ vươn tới bình diện Tâm linh siêu việt. Vì thế đã đến lúc chúng ta phải đặt lại vấn đề:
Có thể thiết lập một nền nhân bản trung thực với nguyên lý mâu thuẫn chăng? Bởi vì nguyên lý này hết giá trị ngay ở ngưỡng cửa vi thể (xem chữ Thời chương IV) thì liệu có còn khả năng chi nữa khi bước vào phạm vi tâm linh? Những ác quả trầm trọng các cuộc bách hại có tính cách ý hệ bắt buộc lương tâm chúng ta phải lặn sâu đến vực thẳm để tìm ra những lý do cuối cùng của những ác quả kia.
Đã đến giai đoạn phải tranh đầu hữu hiệu cho con người. Muốn đạt đích đó trong phạm vi triết lý, chúng ta phải xác định lại nội dung những chữ nhân bản và tâm linh, phải biết đừng lẫn với nhân văn và văn nghệ, văn học… Công việc trở nên rất tế nhị và nhiêu khê sau bao thế kỷ lộn sòng: những người vô tình làm hại nhân loại lại hô to nhất những danh hiệu nhân bản. Vì thế đó sẽ là điều chúng ta học hỏi trong các chứng chỉ, lúc ấy chúng ta cố gắng tìm cho ra nền móng triết lý nhân sinh mà năm dự bị chúng ta mới quy định có hướng tiến, mới tìm ra có "Cửa Khổng" mà chưa tìm vào nhà. Đó sẽ là công việc về sau. Lúc ấy chúng ta sẽ nhận ra cửa Khổng thì nhà cũng Khổng, nghĩa là trống rỗng nên rộng mênh mông đáng gọi tên là "Thái Thất" có một khả năng dung nạp bất tận mặc sức cho chúng ta tung hoành đông tây kim cổ để thâu lượm tinh hoa. Hai yếu tố Nhân bản và Tâm linh sẽ là tiêu chuẩn cho việc thâu lượm đó.

--o0o--


Chú thích

Trương Củng ( Bổ khuyết và sửa chính tả )
Tác phẩm Cửa Khổng đến đây là hết. Gồm mười một chương cộng thêm phần tựa và dẫn nhập. Từ chương 8 trở về trước có nhiều trích dẫn tiếng Hán trong Tứ Thư, Kinh Dịch, Lễ Ký, Kinh Thi... do TC phục hồi (nguyên bản người đánh máy chỉ cho biết là có chữ hán nhưng không đánh ra). Các chữ Hán TC phục hồi đều cố gắng đối chiếu với các nguyên bản (Tứ Thư của dịch giả Nguyễn Đức Lân, Lễ Ký, Kinh Dịch, Kinh Thi... từ Website www.bwsk.netwww.chinapage.com). Một đôi câu khi phục hồi vì không dò ra được phần đối chiếu ở nguyên bản tiếng Hán đành phải để trống. Tuy đã hết sức cố gắng nhưng với khả năng hạn hẹp của mình tất có nhiều sai sót; hy vọng sẽ không làm phiền lòng bạn đọc, và mong các bạn đóng góp ý kiến về những chỗ sai sót.

<< Chương X |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 346

Return to top