Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Cửa Khổng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 10529 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cửa Khổng
Kim Định

Chương VII
Thành ư nhạc
Đây có thể gọi là nét đặc sắc thứ ba của Khổng môn.
Lòng yêu nhạc của ông thật là chan hòa! Qua cửa trường ông chưa ai nghe thấy lý luận, hay biện chứng nhưng rất nhiều người được nghe thấy đàn hát: "hữu tâm tai kích khánh hồ,有 心 哉 擊 磬 乎", lời một ẩn sĩ nói lên khi đi ngang qua Khổng môn, nghe tiếng khánh thì khen người đánh là có tâm huyết ưu thời mẫn thế. Thầy trò ngồi bàn chuyện cũng có người đánh đàn và Điểm lúc đứng lên trình bày ý kiến mới buông đàn ra để nó ngân dài (cổ sắt hy, khanh nhĩ, 皷 瑟 希, 鏗 爾, XI.25).
Với Khổng thì nhạc quả là bà chúa của nghệ thuật: sinh dân chi đạo, nhạc vi đại hỹ, 生 民 之 道, 樂 為 大 矣, Nhạc ký 24b. Phương pháp làm nảy sinh đạo đức trong dân chúng thì nhạc là công hiệu lớn lao nhất. Do đó ông quy cho nhạc vai trò cao quý nhất là làm trọn cái mà Thi mới chỉ hưng khởi lên và đặt đứng ở Lễ, còn việc đưa tới đích cùng là việc của nhạc: "thành ư nhạc", bởi ông cho nhạc có sức biến đổi được phong tục của một dân một nước: "nhạc dã giả khả dĩ thiện dân tâm, kỳ cảm nhơn thâm, kỳ di phong dịch tục, cố tiên vương trừ kỳ giáo yên, 樂 也 者 可 以 善 民 心, 其 感 人 深, 其 夷 風 易 俗, 故 先 王 除 教 焉, 7.11". Công hiệu của nhạc là có thể cải thiện lòng dân, bởi nó cảm hóa rất sâu xa có thể biến đổi được phong tục, nên tiên vương lập ra trường để phổ biến âm nhạc, ca vũ để nói lên nghĩa vụ mọi người và bắt phải suy nghĩ về nhạc để tìm ra thâm ý. Do đó mà có lẽ Viễn Đông là nền văn hóa duy nhất có bộ trưởng âm nhạc như ông Quỳ giữ nhạc bộ của vua Thuấn.
Cái sức cảm hóa của nhạc thực ra đâu đâu cũng nhận thấy. Tây phương có câu: la musique adoucit les moeurs, là cùng một ý đó và được biểu thị bằng câu chuyện ẩn dụ của Orphée, một nhạc sĩ thiên phú có tiếng địch làm hiền được thú dữ với chim muông. Cái sức cảm hóa của nhạc mạnh mẽ đến nỗi người duy lý như Socrate cũng chiêm bao thấy thần bản mạnh (daimon) của ông khuyên nên học nhạc, và cho rằng khi điệu nhạc đổi thì hiến chương một nước cũng đổi theo. "Daimon m a dir lorsque changent les modes musicaux, les lois fondamentales de l Etat changent avec eux." (Rép. P.501)
Nhân đó Platon dẫu bỏ thi mà vẫn giữ lại nhạc, nên sau ta thấy các trường cổ điển không có thi, thư, lễ nhưng có nhạc. Và nhất là bước vào đời mới có những triết gia như Schopenhauer, Nietzsche đã viết về nhạc những trang thấm thía, nên nay nhạc tuy chưa là môn học bó buộc, nhưng đã chiếm được một chỗ trong chương trinh giáo dục. Và như thế nhạc không còn đặc điểm của Nho giáo.
Tuy nhiên Nho giáo vẫn còn cái gì riêng biệt đáng bàn đến, đó là chỗ nó quy cho nhạc vai trò huyền nhiệm: thông dự với trời đất và hoàn thành con đường tiến hóa đã khởi đầu ở thi và củng cố ở Lễ, nhưng thành đạt ở nhạc. Nhạc là kết tinh sâu thẳm nhất của Thi và Lễ. Vì sứ mạng cao siêu nên phải ý thức được nội dung mà Nho muốn quy cho Nhạc. Nhạc là cái gì đặt bên trên âm thanh. Thanh là một tiếng nào bất cứ. Khi tiếng kêu đó có văn vẻ tiết điệu thì gọi là âm. Khi âm đưa tới đức gọi là nhạc. "Thanh văn chi vị âm, đức âm chi vị nhạc, 聲 文 之 謂 音 德 音 之 謂 樂 ". Con vật mới biết thanh mà chưa biết âm (tạm nói theo thông lệ). Người thường chỉ biết âm mà chưa biết nhạc. Chỉ có bậc quân tử mới biết được nhạc tức là cái đức của âm thanh. Cái đức đó là hòa: "Nhạc dữ thiên địa đồng hòa". Cái chính cốt của nhạc là ở chỗ Hòa với thiên địa. Muốn cho "chí đức" chí Hòa thì phải thấu triệt cả cái Hòa hàng ngang cũng như Hòa hàng dọc.
Hòa hàng ngang với nhân quần. Sống trong xã hội không thể hai người cùng đứng một nơi nên bó buộc phải chỉ định cho mỗi người một vị trí riêng biệt, để khỏi dẫm chân lên nhau. Đó là chuyện của Lễ tuân theo luật không gian "địa phương" như câu "Lễ chi địa chế", lễ là thể chế thuộc địa, cực chẳng được phải tuân theo, nhưng đồng thời phải tìm cách bù lại bằng luật thời gian (Thiên viên) và đó là sứ mạng của nhạc nhằm nối lại, hòa nhịp lại những cái gì mà Lễ đã chia ra: Nhạc giả vi đồng, Lễ giả vi dị, 者 為 同, 禮 者 為 易, nhạc làm nền đồng nhất, lễ phân ra sai biệt. Lý tưởng là phải giữ được quân bình giữa đồng và dị. Nghiêng sang một bên là hỏng. "Lễ thắng tắc ly, nhạc thắng tắc lưu, 禮 勝 則 离, 樂 勝 則 流". Lễ thắng thì đâm ra ly loạn, có phân biệt mà thiếu chỗ thâm tình hòa điệu. Nhạc thắng thì đâm ra buông lung, thiếu thứ lớp trật tự. Bởi vậy mới nói "Nhạc cực tắc ưu" (Nhạc ký 27): nhạc mà quá quắt sẽ sinh ra ưu sầu. Hễ giữ cân đối được thì có kinh có hòa "đồng tắc tương thâm, dị tắc tương kính, 同 則 相 深, 易 則 相 敬". Với kinh với hòa thì muôn việc ở đời đều xuôi cả. "Phù kinh dĩ hòa, hà sự bất hành, 夫 敬 與 和, 何 事 不 行" (III.12, Nhạc ký), này dùng lòng kính tôn với tinh thần hòa điệu thì có việc chi trên đời mà chẳng xong?
Bởi vậy mới nói: Nhạc chi tắc vô oán, Lễ chi tắc vô tranh, 樂 之 則 無 怨, 禮 之 則 無 爭. Nhạc mà thấu đáo thì dân không điều oán hận. Lễ mà chính trực thì dân khỏi tranh dành.
Hòa hàng dọc với thiên địa.
Muốn cho nhạc đi đến chỗ cùng cực thì cần phải lưu tâm đến việc hòa hàng dọc tức là hợp thiên với địa, để Tam Tài hòa đồng. Nhạc giả đôn hòa, xuất thần nhi tòng thiên 樂 者 敦 和, 出 神 而 從 天 (16). "Nhạc mà hòa thấu triệt thì đến chỗ xuất thần theo Trời". "Xuất thần, tòng thiên!" Tại sao lại quy cho nhạc những hiệu lực huyền bí đến thế?
Thưa là vì nhạc biểu lộ tiết điệu một cách rõ rệt mà tiết điệu chính là Đạo rồi. Nhất âm nhất dương chi vị Đạo. Nhất động nhất tĩnh, nhất hạp nhất tịch cũng là thế cả. Một ra một vào, một đóng một mở đó chính là Đạo, nghĩa là cái luật phổ biến mà tam tài đều tham dự như nhau: thiên-địa-nhân đều nằm chung trong cái luật vũ trụ đó, cái luật mà mỗi người trong chúng ta có thể xem thấy tiến diễn quanh mình. Muôn vật đều một sinh một tử và con người cũng có thể cảm thông trong gân mạch cái nhịp đó: một hít một thở. Muốn thoát luật đó giây phút (như nín hơi một lúc) là hết sống. Cái luật nhất hạp nhất tịch cảm ngay thấy trong tim phổi và mạch máu của ta cũng chính là luật lưu hành trong trời đất nên chi ở nhiều đạo giáo đã được dùng làm bàn nhún để siêu lên hợp cùng thần linh như tức đạo là đạo thở.
Vậy mà Nhạc là sự thể hiện rõ rệt nhất cái nhịp phổ biến đó: một lên một xuống, một ra một vào. Âm thanh là ra do tâm cảm xúc ngoại vật mà phát thành tiếng. Người quân tử phải nghĩ đến vô. Trở ra sao, trở vô cũng thế. Nếu tâm bi ai thì tiếng xuất ra bi ai. Ngược lại nếu tiếng bi ai thì khiến tâm bi ai. Cái luật "tương duyên" (ảnh hưởng lẫn nhau) đó là đầu mối của nhạc. Do đấy yếu tố trở lại (phản phục) có ảnh hưởng rất mạnh. Thánh nhân hiểu điều ấy nên không để cho âm thanh xô bồ phát xuất, nhưng tìm những âm thanh tốt đẹp để đem lại hiệu nghiệm cho giáo dục, do đó có mối liên hệ mật thiết giữa nhạc và chính trị.
"Thế loạn tắc lễ thác nhi nhạc dâm 世 亂 則 禮 慝 而 樂 淫 " (Nhạc ký II.12), lúc nước loạn thì lễ trở thành trá nguỵ mà nhạc trở nên quá quắt: buồn (ai) đến mất trang nhã, vui (lạc) đến mất an bình, bất kinh (man) và bừa bãi (dị) đến phạm vào lễ tiết. Mỗi người trôi theo dục vọng (lưu) say sưa (miện), cho đến quên tính bản nhiên (vong bổn) của mình. Lúc đó những bài chậm (quảng) thì gợi lên những dự tính tội ác, những bài mau (hiệp) gợi lên dâm đãng: cả hai làm hại khuynh hướng con người sẵn muốn thông giao và bóp nghẹt mất lòng ái mộ công chính và hòa hợp. Vì thế người quân tử khinh thứ nhạc đó.
Thị cố kỳ thanh ai nhi bất trang, lạc nhi bất an:
Mạn, dị, dĩ phạm tiết, lưu miện dĩ vong bổn.
Quảng tắc dung gian, hiệp tắc tư dục.
Cảm điều sướng chi khí, diệt hòa bình chi đức.
Thị dĩ quân tử tiện chi dã. (Nhạc ký II.13)
是 故 其 聲 哀 而 不 庄.樂 而 不 安.
慢 易 以 犯 節.流 湎 以 忘 本.
廣 則 容 奸.狹 則 思 欲.
感 條 暢 之 气.而 滅 平 和 之 德.
是 以 君 子 賤 之 也
Bởi vậy nói cái ý hướng của nhạc là đi tới cái bổn gốc mà biết được cách biến đổi (lòng người). Vì nó cùng một luật như trời đất. Tự thưở mới khai thiên lập địa đã có nhạc nghĩa là đã có tiết tấu "nhạc trứ đại thuỷ, nhi lễ ư thành vật. Trứ bất tức giả thiên dã, 著 大 始, 而 禮 於 成 物. 著 不 息 者 天 也". Nhạc soi tỏ lúc mới khởi thuỷ trời đất, lễ tham dự vào việc làm thành sự vật. Soi sáng luôn không nghỉ là trời. Muốn đạt đích đó thì ra rồi phải có vô, có trở lại (phản): "Nhạc đắc kỳ phản tắc an, an tắc cửu, cửu tắc thiên, thiên tắc thần, 樂 得 其 反 則 安, 安 則 久, 久 則 天, 天 則 神". Nhạc có trở lại thâm tâm mới được an. Có an mới lâu, có lâu mới hợp đạo trời, có hợp đạo trời mới tới chỗ Thần diệu, tới chỗ "chí thành như thần, 至 成 如 神" (TD). Thành là thành tính (thành tính tồn tồn, đạo nghĩa chi môn) là mục tiêu tối đại của đạo cũng như của nghệ thuật mà nhạc là bà chúa giàu khả năng nhất trong việc nâng tâm hồn lên, siêu thoát vào cõi vô biên, vì thế mới nói: "đức giả tính chi đoan dã, nhạc giả đức chi hoa dã, 德 者 性 之 端 也, 樂 者 德 之 華 也" (Nhạc V.21). Đức là cái gốc của Tính, còn nhạc là hoa của Đức".
Đấy là ý sâu của câu "Thành ư nhạc" vậy.

<< Chương VI | Chương VIII >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 280

Return to top