Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Cửa Khổng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11509 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cửa Khổng
Kim Định

Chương III ( B)
4. Những thuyết đối lập
Ở đây khỏi nói đến những đạo sĩ thuật số, pháp môn, âm dương gia… vì đã quá rõ họ còn nằm trong trạng thái thứ ba là ma thuật, tức là còn giam cầm con người dưới ách của túc mệnh, ý trời qua sấm vĩ, định số, định mệnh v.v…
Chúng ta chỉ cần nói đến hai môn phái liền sau Khổng là Mặc Địch và Đạo Lão ngày nay vẫn còn người lưu tâm.
MẶC ĐỊCH
Nói đến Mặc là người ta nghĩ ngay đến thuyết kiêm ái của ông. Nhưng thật ra đó chỉ là ý hướng triết lý không có chi đặc biệt, có chăng là ở danh từ mà thôi, chứ như ý hướng gồm yêu thì thiếu gì nơi khác: phiếm ái trong Luận Ngữ, bác ái bên Kitô, đại đồng trong Kinh Lễ, đế đạo của Lão Trang, chúng sinh bên Phật. Hơn thế nữa ta có thể nói không một triết thuyết nào là không nhằm yêu hết thảy mọi người. Vậy nên các đặc điểm không nên tìm ở trong ý hướng nhưng phải tìm ở nguyên lý và chủ trương. Điều đáng chú ý nơi Mặc Địch là chủ trương phi mệnh của ông. Ông nhận xét rất đúng rằng thuyết thiên mệnh khiến người tin đâm ra ỷ lại, cái gì cũng phó mặc mệnh số vận hành, con người chỉ việc khoanh tay chờ đợi cách yếm thế và thụ động trước đời loạn ly, không chịu hoạt động. Vì thế ông đưa ra thuyết Thiên chí tức là Ý trời mà Ý trời là muốn cho ta phải gồm yêu nhau. Đừng về phương diện ý thức mà nói thì thuyết Thiên chí tiến hơn thuyết Định mệnh vì đã vượt ra khỏi thế lực mù quáng để nại đến Thiên chí, là cái gì có ý thức.
Nhưng điều quan trọng hơn là phải xét ông đã đưa ra những giải pháp nào? Ông đề ra phương pháp biện lý bằng phép Tam Biểu gồm: Bản, Nguyên và Dụng. Ông viết:
Bản (gốc) ở đâu? Thưa trên thì lấy gốc ở việc chánh vương đời xưa làm căn bổn.
Nguyên (nguồn) ở đâu? Thưa dưới thì dò xét sự thực ở trước tai mắt trăm họ.
Dụng ở đâu? Rồi đưa ra áp dụng vào hành chính xem có lợi cho nhà nước cho trăm họ hay không?
Như thế gọi là Tam Biểu vậy (phi mệnh thượng). Tức là ba tiêu chuẩn hướng dẫn đạo lý cũng như hành vi.
Ta hãy xét qua từng biểu một.
Biểu đầu tiên là Bản, là cái gốc cũng gọi là "khảo" tức là khảo cứu sách vở mà ông dùng là bản gốc! Thật là quá đáng. Chúng ta có thể dùng sử sách để đi tìm biết "ôn cố tri tân", nhưng bắt y cứ vào sách vở làm gốc thì là thư bản không còn là nhân bản nữa. Thế là đặt sách vở lên trên con người rồi. Tam giáo Đông phương không một Đạo nào đặt nền trên sách vở cả. Lão cho sách vở là cái bã cái rác. Phật cho là cái bè, cái ngón tay. Khổng thì nói "từ đạt nhi dĩ hỹ", dùng lời đạt ý, dùng ý đạt Đạo. Không ai dám đặt nền trên sách vở cả.
Biểu thứ hai về Nguyên (nguồn) là tai và mắt của muôn dân. Tai mắt mới là tiểu thể không sao vượt tầm giác quan hiện tượng, nên cần đến tâm mới là Đại thể. Vì thế nếu chỉ dừng lại mắt thì là loại nguồn mà tri thức triết tây kêu là sensualiste, duy giác. Tức là chuyên dùng giác quan là tai và mắt (hạ nguyên sát bách tính nhĩ mục chi thực). Như vậy cố gắng đến đâu cũng không vượt đượt vong thân thứ bốn. Vì không có quan năng nào vươn lên siêu việt. Thượng Đế của Mặc Địch toàn loại tin tưởng, bày vẽ, tưởng tượng làm bằng chất liệu do tai mắt cống hiến.
Biểu thứ ba là dụng. Cái chữ này nhắc đến chủ nghĩa ích dụng (utilitarisme) với tất cả những tính chất thiển cận của nó, ấy là chưa kể đến tham vọng ở con người mà khi nói đến lợi đã vô tình gợi ra, cho nên dù là cái ích lợi chung đi nữa thì cũng bắt người ta phải tính toán cân nhắc từng cử động. Không vươn lên tới được những giá trị thẩm mỹ, siêu việt.
Với tam biểu hẹp hòi nông cạn như thế thì làm sao tránh khỏi rơi vào bệnh duy: duy một mắt được chú trọn vẹn cả vào một điểm ích dụng; còn bao nhiêu mối tình thanh tao cao cả cần được phát triển bằng nhạc, bằng lễ, bằng văn học, cầm, kỳ, thi, họa thì ông cấm đoán hết. Con người đâu chỉ cần có ăn có mặc, "có ngồi dựa lưng để nghỉ" thôi đâu. Như vậy là ông đã cắt hoạn con người và giản luợc vào những chiều kích nhãn tiền hạn hẹp nên nảy sinh những hậu quả tai hại như sau:
Về điểm thứ nhất là (căn cứ vào dĩ mục) đã đưa đến việc bắt phải tin những truyện quỷ ma thưởng phạt, được ghi trong các sách vở của Công Hàm. Như vậy là đặt con người bên dưới sách và không cho mở mang trí tuệ bằng phê phán bình luận bắt phải tin quỷ tin thần cách mù quáng.
Nhân đó dẫn tới thuyết "thượng đồng" nghĩa là người bị trị phải đồng ý với người cai trị, với người ở trên. "Hễ cái gì người trên cho là phải thì ai cũng phải nhận là phải, cho là trái thì ai cũng phải cho là trái". Thượng chi sở thị, tất giai thị chi, sở phi tất giai phi chi,尚 之 所 是, 必 皆 是 之, 所 非 必 皆 非 之 (Thượng đồng thượng)
Không còn gì độc tài hơn. Ông cũng nhận như thế, nhưng bảo phải độc tài mới tránh được nạn vô chính phủ. Vì không có đường lối nào khác!
Thiếu chi đường lối khác. Nhưng nếu chỉ nhắm mắt tin hay cùng lắm dùng có kiến văn dĩ mục suông thì thấy sao được đường lối khác.
Ông luôn luôn đưa ra tiền đề giả thiết này: "nếu thiên hạ gồm yêu nhau", nhược sử thiên hạ kiêm tương ái, 若 使 天 下 兼 相 愛 , coi như là lợi hại vững vàng lắm. Có biết đâu rằng từng trăm triết lý trước ông cũng như sau ông đã ước mong như thế, đã khiến như thế mà thiên hạ vẫn ghét nhau kia kìa. Cái đáng chú ý và là chỗ hơn nhau không nằm trong chữ khiến, nhưng ở chỗ khiến cách nào. Bởi vì đời sống có muôn ngóc ngách cản trở việc hiện thực kiêm ái chứ có phải hễ "khiến thiên hạ gồm yêu nhau" là thiên hạ yêu nhau được đâu. Mặc Tử không nhận ra chỗ ấy nên ông đưa ra những lý luận tràng giang mà chỉ treo vào có một tiền đề hết sức bấp bênh đó nên nghe đầy ngây ngô nông cạn.
Chúng ta phải bái phục tấm lòng nhiệt thành vì công ích của ông, nhưng dẫu nhân cách có cao (giả thiết thế) cũng không đủ bênh vực cho triết thuyết đặt sai nền tảng; huống chi những câu nói hay hay của ông chưa bao giờ vượt qua tầm văn học và ý hệ thì làm sao gỡ được. Giá những người như ông mà chịu tuân theo một nhà lãnh đạo sáng suốt thì có thể thực hiện được nhiều công cuộc từ thiện xã hội tôn giáo. Nhưng ông có chịu nghe chăng hay chỉ theo tam biểu của ông để làm theo ý ông mà thôi?
Hồ Thích tán dương Mặc Tử có nói: "Mòn trán lỏng gót: cái gì lợi cho thiên hạ thì làm, như Mặc Tử trong lịch sử Trung Quốc, không thể có một người thứ hai". Sao lại nói thế, sao không cám ơn đất trời ở chỗ đã không sinh ra một Mặc Địch thứ hai, nên các dân tộc Viễn Đông mới được thoát cái nạn "thượng đồng", thoát cái nạn trở thành một đoàn tụ vĩ đại, đánh mất đầu óc sáng tạo, tự chủ bất khuất. Viễn Đông nay có còn được cái chi đáng tự hào thì chính vì đã không có một Mặc Địch thứ hai vậy. Hú vía!
DANH GIA
Với Danh gia tôi muốn nói đến những người như Huệ Tử và Công Tôn Long là những người nổi tiếng về phép biện luận và thường được gọi là danh gia hay biện gia. Họ là những người nối chí Mặc Địch đã nhận ra rằng thuyết kiêm ái không có nền móng, nên muốn tìm cách xây nền đó. Huệ Thi đã mượn nguyên lý Đồng nhất của Lão Trang nhưng thay vì đặt trên Đạo thì lại đặt vào không thời gian vô biên, vì vô biên nên mọi phân biệt đều vô nghĩa cho nên "trời cũng thấp như đất, và núi non cùng một mực độ với hồ ao", mọi phân biệt đều là giả tạo, chỉ có đồng không có dị."Tôi biết Trung tâm trái đất, nó ở mạn bắc nước Yên (nước cực bắc) và ở mạn nam nước Việt (nước cực nam). Nam bắc là một. Hôm qua với hôm nay không hai (hôm nay tôi đi sang nước Việt mà đã đến nơi hôm qua) vậy thì mọi phân biệt về không gian và thời gian đều giả tạo, mọi sự là một nên phải kiêm ái vạn vật.
Công Tôn Long lại tìm đặt nền trên khả năng phân chia vô hạn "cái dây một thước mỗi ngày lấy đi một nửa, muôn đời không hết". Khi mới phân chia tới độ nào đó thì sự vật dị biệt; nhưng chia đến cùng cực thì lại giống nhau, động tĩnh không khác: "bóng chim bay không hề động đậy"… Tất cả như nhau nên phải kiêm ái.
Đại để đó là phép biện luận tuy có ý hướng tốt nhưng kết cục đốc ra một lối biện luận vụ danh từ phân biệt chi ly xa thực tế. Vì vậy đã không thể cứu gỡ cho Mặc Địch khỏi chìm vào quên lãng. Mãi cho tới thế kỷ vừa rồi mới có một vài học giả hạng ba khai quật lên nhưng hậu quả không vượt quá mức tầm khảo cứu và lịch sử. Hiện nay những học giả cỡ lớn đều công nhận là Mặc Địch mỵ dân, tư tưởng tầm thường, mà lại đầy mâu thuẫn: tuyên dương hòa bình chống chiến tranh mà có đến 9 chương bàn về chinh phạt. Granet cho là "fanatisme triste, idéal de macération, foi sectaire" (Pensée Chinoise p.491), Maspéro: "ses principes sont en l air, sans aucun point d appui" (La Chine antique p.439).
5. Lão giáo
Lão, Trang là những người thượng trí đáng bậc thầy, ta phải khâm phục không dám bừa bãi công kích. Ở đây chỉ vì việc học hỏi chúng ta phải bất đắc dĩ nêu ra mấy nhận xét để đặt vị trí cho triết lý nhân sinh chúng ta đang tìm hiểu. Những nhận xét này do người sau hiểu sai, nên trên nói Lão giáo mà không nói Lão Tử là có ý đó.
Điều nhận xét trước hết là câu "nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên" (ĐĐK. 25). Người khuôn theo đất, đất khuôn theo trời, trời khuôn theo Đạo, Đạo do tự nhiên.
Ta phải hỏi ngay sao lại nhân pháp địa? Sao không pháp Tâm hay pháp Tính, sao lại đặt nền đạo ra ngoài? Đặt xa như vậy có còn là đạo chăng? Hay ít nhất có còn thi hành được chăng? Có khỏi gây thương tổn cho con người ít nhiều chăng? Thực ra câu trên có thể giải nghĩa lối khác, nhưng cứ sự đã bị hiểu theo lối "thiên địa bất nhân" như câu ĐĐK.5: "thiên địa bất nhân: dĩ vạn vật vi sô cẩu. Thánh nhân bất nhân: dĩ bách tính vi sô cẩu, 天 地 不 仁 , 以 萬 物 為 芻 狗 ; 聖 人 不 仁 , 以 百 姓 為 芻 狗", thiên địa bất nhân, coi vạn vật như chó rơm; thánh nhân theo đó cũng bất nhân, coi bá tánh như chó rơm! Chó rơm làm bằng rơm hay bằng cỏ khô chét lại, người xưa dùng để cúng tế rồi tuỳ tiện vứt bỏ, không chút yêu tiếc (ĐĐK Toản 28).
Biết bao lần Hàn Phi Tử nhắc câu "thiên địa bất nhân" này để đẩy pháp hình đến mức vô nhân đạo. Cũng như nương vào chữ "khí trí" của Lão để bãi bỏ văn chương, học thuật, chỉ giữ lại có Luật mà thôi.
Cũng nên chú ý chữ thánh nhân trong ĐĐK, bao giờ cũng chỉ bậc nhân chủ (1) có địa vị cách biệt với kẻ bị trị rất xa. Có thuyết cho rằng đạo giáo là do những ông hoàng bị cướp đoạt: princes depossédées mà nảy sinh.
(1) chữ nhân chủ ở đây chỉ chúa độc tài. Sách Xuân Thu viết: Nhơn chủ tự tri nhi ngu dân, bậc nhân chủ giữ độc quyền học hỏi cho mình còn với dân thì thi hành chính sách ngu dân. Vậy rất khác với ý nghĩa nhân chủ của tôi.
Phải chăng đấy cũng là lý do giải thích tại sao những chúa độc tài như Tần Thuỷ Hoàng hay các vua chúa nhà Hán nặng óc chuyên chế đều yêu thích Lão Trang. Cho nên một đàng ta không chút nghi ngờ lòng thành của các ngài khi cực lực phản đối pháp luật, chế độ… vì cho những cái đó có thể san phẳng cá tính con người và đưa đến nhất luật, làm mất tự do cá nhân. Hơn thế nữa cả đến chữ lễ cũng bị phản đối cho là nhân vi giả tạo, các ngài chủ trương phải để mặc tình dân thoả thích tự do, các ngài chủ trương "Hoàng đạo", "Đế đạo" nghĩa là còn cao hơn cả Vương đạo một mức nữa vì con người được tiêu dao du thỏa chí.
Nhưng kết quả sẽ ra sao? Một đàng các tay sáng lập pháp gia như Thân Bất Hại hay Hàn Phi Tử đều lấy cái học Hoàng Lão làm căn bổn "danh pháp thuật chi học nhi kỳ quy bản ư Hoàng Lão,名 法 述 之 學 而 其 歸 本 於 皇 老" (Sử ký). Trớ trêu hơn nữa là Tư Mã Thiên xếp Lão vào chung một truyện với Hàn Phi Tử! Lão Trang phản đối pháp luật, lại trở nên thánh bổn mạng của những ông trùm pháp luật! Vô tình sự kiện đó chứng minh cho câu tục ngữ: "những cái thái quá bắt tay nhau".
Đấy là một lời cảnh cáo nhắc ta phải suy gẫm cực kỹ câu của Khổng Tử: "Đạo bất viễn nhân, nhân chi vi đạo nhi viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo,道 不 遠 人, 人 之 為 道 而 遠 人, 不 可 以 為 道 " (T.D.13). Đạo không xa người, đặt đạo xa người thì không còn là đạo nữa.
"Bất khả dĩ vi đạo" vì hoặc gây tổn thương cho phẩm giá con người bị coi là sô cẩu hoặc không thi hành được. Lão Tử có nói "Ngô ngôn thậm dị trí, thậm dị hành. Thiên hạ mạc năng tri, mạc năng hành, 吳 言 甚 易 知 ,甚 易 行, 天 下 莫 能 知, 莫 能 行". Lời nói của ta rất giản dị dễ hiểu, dễ thực hành, mà trong thiên hạ chẳng ai có thể biết được, chẳng ai có thể thực hành được. Ba vế trước hãy khoan bàn tới, nhưng vế thứ tư thì đúng, nghĩa là không ai có thể làm được. Hãy lấy hai thí dụ điển hình sau đây. Thứ nhất Lão nói về đạo rằng: "tri bất ngôn, ngôn bất tri, 知 者 不 言, 言 者 不 知", người biết không nói còn người nói chính là tại không biết mới nói.
Lý do thật là sâu xa siêu việt vì tên nói ra được không phải là Danh thường hằng, tức không phải là Đạo: Danh khả danh phi thường danh… 名 可 名 非 常 名. Thế nhưng những lời nói về đạo quy cho Lão Tử có tới năm ngàn lời, và quy cho Trang Tử có đến gấp 20 lần nhiều hơn tức 100.000 lời. Và ta thực tình ghi ơn các ngài đã nói, nếu không thì ta không có những lời thâm thuý như vậy. Tuy nhiên nếu phải lấy câu "tri bất ngôn" làm tiêu chuẩn thì rất khó nghĩ vì có vị hiền triết khác không dám nói chi về đạo. (Phu tử chi ngôn, tính dữ Thiên đạo, bất khả đắc nhi văn.)
Thí dụ thứ hai là cả Lão Tử cũng như Trang Tử đều bài xích việc biện luận và sự công kích đối phương. "Biện giả dã, hữu bất kiến dã, 辯 者 也, 有 不 見 也", người biện luận thì có khía cạnh không trông thấy. Hai chương Tề Vật Luận và Thu Thuỷ đả việc biện luận cách cực kỳ sâu sắc mấy tay hiện sinh ngày nay đã Logique chưa thể ví được, trong đó có câu: "Đại biện bất ngôn", người biện luận giỏi không nói… Thế nhưng có biết bao lời đả kích kịch liệt cái đạo nhân, nghĩa, lễ, nhạc của Khổng Tử, gán vào miệng hai ông và sau này cái óc hay gây lộn đó được lưu truyền mạnh trong lòng đạo giáo. Trang Tử hỏi ai biết được cái phép biện luận không biện luận (Thục tri bất ngôn chi biện, bất đạo chi đạo? 孰 知 不 言 之 辯, 不 道 之 道). Ở đây ta cũng nhận xét rằng đó có lẽ là Khổng Tử đã giữ được câu "công hồ dị đoan tư hại dã dĩ".
Đấy là hai thí dụ chứng tỏ Lão giáo không được thi hành. Đời Tam Quốc, Lục Triều là thời Đạo giáo thịnh đạt hơn hết ta cũng chỉ thấy có những người chủ trương thanh đàm và phong lưu như nhóm Trúc lâm thất hiền của Lưu Linh, vua rượu Nguyễn Hàn (uống rượu bình đẳng với heo), Nguyễn Tịch đả lễ nhạc bằng treo quần xà loỏng ngày tết.
Bàn về thời đại thịnh đạt của Đạo giáo này, Lương Khải Siêu cho là suy kém nhất trong khoảng hai ngàn năm văn hóa Trung Quốc: nó dẫn đến yếm thế và chủ nghĩ phá hoại (xem Thục IV 273). Ấy là chư kể "siêu hình biến thành một mớ mê tín quyền năng ma thuật vụ lợi thấp hèn" (Thục II.32) làm chìm đắm nhân tâm; khiến những người như Trương Giốc dùng thuyết Thần thư của Vu Cát làm loạn thiên hạ, thì cái gốc do Hoàng Lão phát xuất cả vậy. (Thục IV.30). Đó là một loại nhận xét bất đắc dĩ phải đưa ra để nhắc nhở rằng Lão Trang là những bậc thượng trí không dễ gì hiểu trúng. Nên cần chú trọng kẻo lao đầu theo sẽ vướng vào nhiều thứ duy thiên lệch.
Những lời đả kích xuất từ miệng Lão Trang nghe thanh thoát. Đừng vô tình dựa vào đó mà đả kích lung tung làm hạ giá những lời châu ngọc của các ngài bao giờ cũng đáng ghi. Huống chi trong cái đời sốt rét ngột ngạt vì danh lợi của thời đại này, những lời dạy dỗ đó có công hiệu như làn gió thổi mát tâm hồn. Ta rất biết ơn các bậc thầy đã nói lên những lời đo. Cả đến những bài thơ rượu của Lưu Linh hay những câu ngộ nghĩnh của Nguyễn Tịch ví người quân tử như rận trong quần (Thục IV, 252-277) chúng ta cũng có thể đón nhận cách cảm tình và thấy có một cái thú vị đặc biệt của các ông Lãng mạn Đông phương bao giờ cũng bao hàm nét thâm thúy ẩn bên trong. Và chúng ta cũng có thể coi đó là những lời cảnh cáo tế nhị hay là một đảng đối lập đứng đắn nhắc cho những người xử thế ý tứ đừng có sa lầy vào những lễ nhạc hình thức; đừng mắc vướng vào trong tương đối mà lãng quên tuyệt đối.
Đấy là thái độ cao thượng ổn thỏa nhờ đó những bậc túc nho xưa nay vẫn công nhận được cả Lão Trang xuất thế và Khổng Tử xử thế. Nhưng nếu không xử thế thì lấy đâu xuất thế. Nếu bà Lưu Linh cũng đò xuất thế như ông thì ông lấy rượu đâu mà uống, lấy xe đâu mà đi, ai thuê người vác mai theo ông để "khi tao chết thì chôn tao"? Vì vậy khi thưởng thức Lão Trang xong, chúng ta phải trở lại với thực tế phũ phàng, trở lại với cuộc sống, mà "sống là sống với".
7. Trong cõi người ta
Nơi đây Khổng Tử không bảo ta dĩ thiên tri nhân như Mặc, cũng không dĩ địa trị nhơn như Lão, nhưng là "dĩ nhân trị nhân,以 人 治 人, T.D.13"(1). Trong cõi người ta thì mình là phần nhất nên phải "khắc kỷ phục lễ vi nhân, 克 己 復 禮 為 XII.1". Trong con người (kỷ) thì tâm sâu hơn trí (ý) vì vậy mà tu thân khởi đầu tự chính Tâm thành ý... Đấy là Trung. Chu Hy giải nghĩa Trung là "tận kỷ chi vị trung, 盡 己 之 喟 中", đi đến tận cùng cái thẩm cung của minh là trung. Rồi từ đó mà suy ra người là Thứ: "suy kỷ cập nhân chi vị thứ,推 及 人 之 喟 恣 ". Jame Legge dịch trung là ở trung thực với những nguyên lý bản tính của mình, còn thứ là đem thi hành ra cách nhân ái đối với người khác: to be true to the principles of our nature and the benevolent exercise of them to others".
(1) xin đừng hiểu nhơn trị là không có pháp luật, nhưng là uyển chuyển, tôn trọng tình người, đối với pháp trị là cứng ngắc. Như vậy thế giới tự do có thể gần nhơn trị hơn thế giới cộng sản.
Đó là đại để thuyết nhân bản tâm linh,人 本 心 靈, với những lời diễn tả giản dị, nên nhiều học giả thế kỷ 19 kêu lả Thiển cận (terre à terre) bám sát quá đất. Tuy vậy dần dần người ta nhận thức lại được giá trị của những cái sát đất đó. Người ta thấy nhờ cái sát đất đó mà nhân phẩm con người được bảo tồn. Trọng Cung vấn nhân. Tử viết: "sử dân như thừa đại tế, 使 民 如 承 大 祭, XII.5", xử với dân như tế đại lễ; khác xa biết bao với "dĩ nhơn vi sô cẩu" (coi người như chó rơm) hoặc "thượng đồng" của Mặc Địch đè bẹp nhân cách cá nhân. Nhờ chỗ đó mà đạo của Khổng Tử "toản chi di kiên, 鑽 之 彌 堅, IX.10", càng giúi vào càng thấy cứng nhắc và"ám nhiên nhi nhật chương, 闇 然 而 日 章, T.D.33". Tuy có vẻ lờ mờ nhưng ngày càng sáng kiểu thoang thoảng hoa nhài mà lại thơm giai, trải qua bao nhiêu thế hệ cho tới ngày nay vẫn còn hương vị. Durant viết: "chúng ta càng hiểu biết ông hơn thì chúng ta càng phải ngạc nhiên nhận thấy rất ít những lời giáo huấn của ông bị lỗi thời trước những tiến bộ dồn dập của khoa học và những cuộc biến đổi thời thế do đó gây ra" (Hist.Civ. III.56).
Đó là lời một trong những Nhan Hồi đời mới, được tuyển lựa trong số các học giả uyên bác nhất bên Âu Mỹ. Họ là một Keyserling, Hughes, Pauthier, Granet, Jung, Creel, Jaspers, Dawson, Chavannes v.v... và biết bao người khác. Ta hãy kết bằng câu của Zenker: comme penseur, K oung-tse a été indiscutablement aussi le personnage le plus remarquables que l humainité ait jamais connus. Les Européens considèrent la tenacité et la persérévence avec lesquelles le Chinois se sont attachès à ce maitre comme un signe de régression en soi insupportable, comme un signe de régression et d infériorité et ils préfèrent donner la palme à ceux qui, comme Laos-tse, Tchouang-tse, Meiti, Yang tchou, se sont tenus en dehors de la vie spirituelle chinoise. Mais l Européen qui a étudié K oung-tse avec soin, finit par éprouver une admiration sans limite pour sa pensée puissante. (His. Ph. C.149) Đại lược: người Tây phương ban đầu tưởng rằng lòng sùng mộ bền bỉ của dân Viễn Đông đối với Khổng Tử là dấu thoái hóa nệ cổ, nên muốn tôn dương Lão, Trang, Mặc thay vào, nhưng khi khảo cứu tinh tường thì lại sinh lòng thán phục vô bờ bến đối với những tư tưởng mãnh liệt của Khổng Tử.

<< Chương III ( A) | Chương IV ( A) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 717

Return to top