Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Cửa Khổng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11560 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cửa Khổng
Kim Định

Nội dung
NỘI DUNG
PHẦN I
TRIẾT LÝ CHÍNH TRỊ
I. VỤ ÁN NỆ CỔ
II. VÀO ĐỜI HAY LÀ ÓC CHUYÊN CHẾ TRONG NHO GIÁO
III. NHÂN BẢN TÂM LINH
PHẦN II
PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC
IV. CÔNG CỤ GIÁO DỤC CỦA KHỔNG TỬ
V. HƯNG Ư THI
VI. LẬP Ư LỄ
VII. THÀNH Ư NHẠC
VIII. Ý NGHĨA LỄ GIA QUAN HAY LÀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC CỦA KHỔNG TỬ
PHẦN III
NHỮNG TRANG SỬ BỊ QUÊN
IX. VĂN HÓA ĐÔNG TÂY GẶP GỠ LẦN ĐẦU
X. NHO GIÁO ĐÃ ĐỂ LẠI NHỮNG ẤN TÍCH NÀO TRONG ĐỜI SỐNG ÂU TÂY HIỆN ĐẠI.
XI. DỰ ĐOÁN TƯƠNG LAI
Ngoài ra còn một chương dẫn vào trình bày sơ lược phương pháp nhất quán mà tác giả thử khai trương từ khóa giảng này. Và trước hết có đôi lời trần tình để gọi là có cái tựa.
TỰA
Tập này cũng như các tập sẽ ra sau chưa hẳn là sách, nhưng mới là những tài liệu học tập tóm lược những bài giảng huấn về triết lý Đông phương đã thuyết trình tại Đại học Văn khoa Sài gòn trong những năm qua.
Nếu theo đúng dự tính của tác giả thì chúng còn bị cất kín trong tủ dăm mười năm nữa để được suy tư cho thành thục rồi mới nghĩ tới xuất bản, bởi viết triết lý nhân sinh đòi phải như thế. Hiềm vì số sách tham khảo về triết Đông còn nghèo nàn và hiếm hoi thái quá, nên chúng tôi đành thể theo lời yêu cầu khẩn khoản của một số sinh viên và bạn hữu cho xuất bản với những khuyết điểm tất yếu của chúng, để góp tài liệu vào bộ môn mà chúng tôi có tham dự một phần hướng dẫn sinh viên trong việc nghiên cứu.
Tập này dành cho lớp dự bị chuyên biệt triết Đông, nhằm sửa soạn đi vào chính triết Đông sẽ được trình bày trong các năm chứng chỉ (trong những cảo luận như Nhân Bản, Tâm Tư, Chữ Thời).
Còn một số bài có tính chất khái quát hơn dành cho Dự bị đại cương sẽ ra trong những tập mang tên là: "Những dị biệt giữa hai nền triết lý Đông Tây" và "Triết lý giáo dục".
ÍT CHỮ VIẾT TẮT

L.N.II.2 == Luận ngữ, chương II, câu 2/
C.C.51 == Confucius and the Chinese way, Creel p.51
ZENKER 10 == Histoire de la Philo. Chinoise, Zenker p.10
MOORE 1 == Essays in East West Philo, Charles Moore p.10
HUDSON 10 == Europe and China, Hudson p.10
PINOT 18 == La Chine et la formation de l esprit philo. en France 1640-1740. Virgil Pinot (Guethner) p.18
TS ING == Les descriptions de la Chine par les Francaise 1650-1758 par Ting-Ts ing- Guethner.
KIM b 75 == Nho giáo, Trần Trọng Kim, quyển II tr.75 v.v

Dẫn vào: phương pháp đi tìm cửa Khổng

1. Ba cấp khó khăn
Trào lưu đổi mới đã thổi lên mạnh như nước trào dâng, lẽ tất nhiên các giá trị cổ truyền bị sụp đổ như những cái gì cũ kỹ hết thời và người đứng ra bảo vệ bị tiếng là bảo cổ cũng là đáng kiếp. Bởi lời tố cáo đó có rất nhiều lý do, cũng như đa số nho gia không hiểu kịp thời sự chuyển mình của lịch sử nên để cho nho học suy sụp. Chúng ta không cần nuối tiếc vì nếu nó không sụp đổ thì con đường tiến bộ sẽ không được thênh thang. Phong trào canh tân tuy có nhiều chỗ quá trớn nhưng vẫn đáng cho chúng ta biểu đồng tình.
Tuy nhiên, Nho giáo nay lại được ghi vào chương trình Đại học Văn Khoa thì vấn đề phải được đem ra cứu xét, tất nhiên không phải để dựng lại những thể chế cũ, nhưng để gỡ lấy những yếu tố còn giá trị mà trong lúc cấp bách do thời cuộc xô đẩy quá mạnh chưa kịp làm.
Việc gạn lọc tinh hoa này phải thuộc thế hệ chúng ta. Giữa chúng ta và thể chế cũ đã có được quãng lùi tạm đủ xa để sự quan sát trở thành dễ dàng và khách quan. Những hăng nồng quá đáng của hai phe tân tiến và bảo cổ cũng đã lắng đọng đủ, thể chế cũ đã cáo chung, còn người tân tiến thì sau cuộc đả phá phải nghĩ tới kiến thiết. Do đó thế hệ chúng ta có đủ điều kiện tâm lý thuận lợi để đem vấn đề ra mổ xẻ.
Muốn hiểu một nền triết thuyết nào bất cứ học giả cũng phải đọc một hai quyển dẫn lộ (introduction). Nếu với những nền triết học duy niệm quyển dẫn lộ cần một thì với triết Nho nó sẽ cần gấp hai ba. Là vì triết Nho không được trình bày cách hệ thống trong sách vở như các triết học cổ điển đã làm, người học chỉ cần chăm chú đọc hết các tác phẩm của triết gia tức khắc thấy phô diễn ra trong đó mọi khía cạnh của các vấn đề chính cốt. Triết Nho trái lại là một đạo hành vi không được trình bày kiểu đó mà chỉ có ít lời rời rạc, về một vài khía cạnh. Còn phần căn bản hơn cả lại nằm ẩn khuất giữa các dòng chữ mập mờ thấp thoáng. Mà chính cái đó mới là cốt cán. Do đó cái khó khăn lớn nhất trong việc học triết Nho có thể nói là nó hệ tại ở sự bao la ẩn khuất của nó. Nó không hạn chế vào một tầm kích nào như triết học duy niệm tự khép mình vào lý trí, nhưng đây là cả một nền đạo lý bao la gồm con người cụ thể không những có lý trí mà còn có cả tâm tình, tiềm thức, ý chí, siêu thức… một con người đa kích (multidimensionel) ăn thông với thiên với địa, nên triết học đó cũng phải có tính chất đa kích nghĩa là bát ngát mênh mông… Về phương pháp không những có lý luận mà còn có cả thi, thư, lễ, nhạc, cả trầm mặc, cả không suy từ gì hết và nhất là thể chế và thói tục. Đó là trường hợp của triết Nho nên nó rất khó hiểu, khiến nhiều người cho rằng Mạnh Tử, Tuân Tử giỏi hơn Khổng Tử (xem Zenker, Histoire de la Philo. Chinoise p.238). Vì hai ông này dùng lý luận và bàn dài về từng vấn đề, thí dụ Khổng nói sáu chữ "thứ chi, phú chi, giáo chi" thì Mạnh Tử nói từng chục trang về bảo dân, làm giàu dân… ai xem cũng có thể hiểu.
Điều này đã xảy ra liền sau khi Khổng Tử qua đời: Thúc Tôn Võ Thúc cho rằng Tử Cống giỏi hơn Khổng Tử. Tử Cống nghe biết chuyện đó liền trả lời một câu mà ta có thể dùng làm tiền đề cho lớp dự bị. Ông nói: "xin lấy cung thất tường vách làm ví dụ, tường của Tứ này cao chỉ có tới vai, nên người đi ngoài ngó vào liền nhìn ra được những hành ngơi báu vật bên trong. Chí như tường của Phu Tử cao tới vài trượng, người nào không tìm ra cửa mà vào thì đứng ngoài không thấy được cái đẹp của nhà tôn miếu, sự giàu sang của bá quan…" = Thí chi cung tường: Tứ chi tường dã cập kiên, khuy kiến thất gia chi hảo. Phu Tử chi tường sổ nhận: bất đắc kỳ môn nhi nhập, bất kiến tông miếu chi mỹ, bá quan chi phú. Đắc kỳ môn giả, hoặc quả hỹ, 譬 之 宮 牆 , 賜 之 牆 也 及 肩 , 窺 見 室 家 之 好 . 夫 子 之 牆 數 仞 , 不 得 其 門 而 入 , 不 見 宗 廟 之 美 , 百 官 之 富 . 得 其 門 者 或 寡 矣 . (L.N. XIX 23)
"Những người tìm ra được cửa rất ít vậy thay". Đó là cái khó chính, cái khó lớn nhất. Khó khăn thứ hai gặp phải là cái cổng đó còn bị bìm leo rêu phủ, tức là những ý tưởng của các môn phái khác đã xen vào các sách Nho giáo gây ra một khó khăn phụ trội cho việc tìm cửa ra nhà. Việc này đời nhà Hán đã có người làm (Vương Thông, Mã Dung, Trịnh Huyền) nhưng việc làm chưa tới nơi nên trải qua bao đời nho sĩ vẫn chưa nhìn rõ chân tướng của triết nho. Mãi tới thời cận kim mới được các học giả Đông cũng như Tây khai thác rộng rãi. Ở đây chúng tôi sẽ thừa hưởng các công cuộc khảo cứu đó (nhất là của Creel, Granet, Needham…) trong việc giả quyết khó khăn phụ trội để tìm ra Khổng môn chính thống hầu "nhập ư thất", tránh cái lối học "hết đứng cửa Khổng lại sang sân Trình" mà không lo vào nhà ông mô cả.
Sở dĩ người học quanh quất ngoài Cửa với Sân ít khi vào được trong nhà là tại chỉ nghĩ tới sự khó khăn loại ba là chữ Nho. Chữ Nho khó thật đấy, nhưng chỉ đáng kể vào hạng ba vì nó cần nhiều trí nhớ đã đủ. Loại khó thứ hai (khảo đính) cần phải có trí suy luận phê phán. Còn loại khó thứ nhất phải dùng đến Tâm tư, tức là lối suy tư toàn bích gồm cả vô ngôn ẩn ngữ. Đó là hai loại khó khăn mà học giả cần lướt thắng. Loại khó thứ nhất thì chỉ có một mình triết gia làm lấy và chúng ta sẽ cố gắng làm trong các chứng chỉ. Còn trong quyển khai môn này chúng ta sẽ nhằm giải quyết phần nào khó khăn loại hai.
Muốn khảo cứu xứng với tầm Đại học thì việc đầu tiên phải làm là theo phương pháp khoa học. Phương pháp đó đòi sinh viên dự bị phải tìm hiểu những ý tưởng của triết gia mình học có phải là chính truyền chăng. Không thể cứ thấy chép trong kinh truyện mà bảo là của Khổng của Lão được. Trước khi phê phán phải cứu xét xuất xứ những lời nói đó. Phải biết minh biện.
Minh biện cách nào? Có hai lối: một là lối văn học hai là lối triết học. Lối văn học gồm 5 điểm là: 1. Sử sự, 2. Văn tự, 3. Văn thể, 4. Tư tưởng, 5. Bằng chứng. Lối triết học là Nhất quán, tức là tìm ra nguyên lý căn cơ của triết gia, tìm ra sự quán thông mạch lạc nội tại (cohérence interne). Lối văn học là phần việc của văn học sử, người học triết có thể kiêm nhiệm vai trò văn học hoặc không, vì có hay không cũng không hại cho triết . Tuy nhiên nếu không kiêm nhiệm cũng nên tham khảo các công trình nghiên cứu đó. Nhưng đây chỉ là bắt tay với khoa học, còn chính việc của triết sẽ là tìm ra mối Nhất quán.
Điểm này cho tới nay kể như còn bỏ hoang chưa được các triết gia chú trọng cho cân xứng. Có lẽ vì đó mà Viễn Đông chưa sản xuất được một bộ triết lý có đủ bề thế như Ấn Độ. Vì thế đó sẽ là điểm chúng tôi lưu tâm ngay từ quyển đầu này và sẽ tiếp tục trong các Cảo luận về sau.
Bây giờ chúng ta trở lại điểm chung với các học giả và chúng ta hỏi trong Tứ Thư, Ngũ Kinh phải căn cứ vào sách nào để làm điểm tựa? Vấn đề đã bàn luận kể như tạm xong nên xin thưa thẳng đó là Luận Ngữ.
Đại Học thì quy mô hệ thống
Trung Dung thì vi diệu
Mạnh Tử phát việt nghĩa là giảng diễn rộng và cao nên dễ hiểu. Tuy nhiên cả ba sách đó đã chép sau xa Khổng Tử có thể hơn trăm năm. Chỉ còn Luận Ngữ là gần Khổng nhất nên được coi là phản chiếu tư tưởng căn bản của Khổng Tử hơn cả.
Còn Ngũ Kinh thì vì chứa quá nhiều ý tưởng xen vào sau, nên không thể dùng ở khởi điểm được, trừ Kinh Thi vì là thi nên ít bị xen giặm nhưng còn các chú sớ làm sai lạc nên cũng cần minh biện.
2. Chung quanh Luận Ngữ
Có lẽ sách được hình thành trong ba giai đoạn. Đợt trước tiên gồm có 9 chương đầu. Đợt nhì thêm 5 chương từ 11-16. Đợt ba gồm từ chương 16-20. Học giả Thôi Thuật nhận xét: 15 chương đầu chỉ nói tử viết; còn từ chương 16 trở đi mới nói Khổng Tử viết.
Chương 19 của môn đệ nhiều hơn của Khổng Tử, tuy nhiên cũng có thể coi là chính thống như các chương trên, nhưng số chữ xen giặm có nhiều hơn. Người ta cho rằng đời Tiền Hán có ba dịch bản (versions) đến sau được dồn lại một bản mới, bản này được tạc vào bia năm 175 t.c.n. So với bản lưu hành hiện nay thì có ít nhiều dị biệt thuộc chi tiết không đáng kể.
Theo học giả Karlgren (34-35) thì Luận Ngữ có lẽ viết vào cùng một thời với sách Mạnh Tử, vì cả hai có hệ thống Ngữ luật giống nhau, những sự dị biệt là do các vấn đề khác nhau của hai sách mà thôi, như kiểu nói xét về đàng: Mạnh V.1 "dĩ vị". Có người nhận xét là ở cả hai sách thấy thiếu một số ý niệm như chữ địa hiểu theo nghĩa siêu hình (tức là quan niện đối đáp với Thiên) và chưa thấy ý niệm của âm dương và ngũ hành. Nếu viết muộn vào quãng cuối Chu đầu Hán thì thế nào cũng có mấy ý niệm trên. Nhưng đó là ý kiến kông đủ thế giá. Vì âm dương ngũ hành có trước đời Khổng (xem bài Ngũ hành trong "Chữ Thời").
Trong Luận Ngữ, Khổng Tử không xuất hiện như một hiền triết siêu phàm, nhưng là một người đơn sơ, dễ hiểu, bình hành, chưa bị thần thánh hóa hoặc nâng lên tận mây xanh như các giai đoạn về sau, và cũng không thấy ông nói có giữ chức quan đại thần bao giờ. Trái lại, ông chỉ là một người đang chiến đấu, có những điều nghi nan, những yếu đuối cũng như những "thành kiến" (ghét lời trau chuốt), những thâm tín tư riêng.
Giáo sư Creel cho rằng Luận Ngữ là của Nho giáo thế mà lại không xóa bỏ những đoạn có thể giảm giá Nho giáo. Thí dụ chương 19 các điều tranh luận giữa môn đệ hay là ý kiến cho Tử Cống giỏi hơn Khổng, hoặc Khổng đi viếng bà Nam Tử ( L.N. VI 26) làm bối rối nhiều Nho gia có óc quá thanh giáo (Puritain) cũng như bên đối phương đã dùng làm trò chế Nho giáo (Diêm Thiết Luận 72-73) thì điều đó giáo sư cho là chứng minh được sự chính xác của Nho giáo và đáng ta kính hơn.
Tuy nhiên Luận Ngữ chứa nhiều câu có thể nghi là giả tá xen giặm. Trong đó chương 10 đặt ra một vấn đề đặc biệt và được nhiều học giả kể là một thiên thuộc nghi lễ đã được xen vào sau, khi đã rắc lên một chút Khổng (câu 2,11,12) (Waley 55 Maspéro, Chine antique 459).
Một số câu khác (XVI. 14, XVIII 9-11) không ăn nhằm chi với Khổng Tử hay môn đệ của ông nên rất có thể là xen vào sau. Những câu XIV 39,42 (hiền giả tị thế) có mùi Lão Trang ẩn dật, câu XVI 11-12 đề cao tị thế cũng vậy. Các học giả còn đưa ra một số câu nữa, nhưng có thể nói là thuộc phạm vi học thuật hơn là triết lý.
Tóm lại ở khóa giảng lớp dự bị chuyên biệt này nhằm hai điểm chính: trước nhất là tìm ra mối nhất quán của triết Nho và sau là dùng sách Luận Ngữ làm căn bản. Khi đã nắm được then chốt rồi mới đề cập các Kinh Truyện khác với những đề khác.

<< Chương XI |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 177

Return to top