Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Cửa Khổng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11508 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cửa Khổng
Kim Định

Chương IX
1. Socrate hội đàm với Khổng Tử
Socrate mở đầu câu chuyện:
"Tôi không bao giờ nghĩ rằng có thể làm cho dân chúng trở nên triết nhân. Tôi đã bỏ mặc thứ dân thường hèn, hư hốt, xấu nết để chuyên tâm huấn luyện chỉ một số môn đệ đã có lý trí được đào luyện.
Khổng trả lời cách lịch sự: phần tôi, tôi lại tránh việc lý luận sâu sắc, mà chỉ chuyên vào việc đem ra những câu phương ngôn đạo đức dễ hiểu để cảm hóa mọi người.
Tôi cho rằng không thể đưa ra ngạn ngữ nếu không trở lại những nguyên lý uyên nguyên để chứng minh những câu ngạn ngữ kia.
Nhưng ngài có thể dùng những nguyên lý đó để chấm dứt những cuộc tranh luận chia rẽ giữa môn đệ ngài chăng?
Không. Đem ra những thí dụ và lý luận chọn lọc rất tài tình cũng chỉ ảnh hưởng được một số nhỏ có lợi căn, nên tôi coi chuyện muốn cải tạo thiên hạ là việc không thể làm được, tôi không nuôi hy vọng hão huyền về nhân loại nữa.
Phần tôi đã viết và sai môn đệ đem truyền bá những câu phương ngôn ra khắp các tỉnh Trung Quốc và làm cho người ta quý trọng những châm ngôn ấy.
Ông thuộc dòng tộc đế vương và có thế giá ở trong nước nên ông có thể làm được nhiều chuyện mà tôi bất khả thi. Bởi tôi chỉ là con của một tiểu công nghệ."
Trên đây là trích dịch một mẩu trong câu chuyện giả tưởng nhưng không do tôi mà do Fénélon trong quyển Dialogue des Morts, p.43 (Paris 1819), ông giả tưởng Socrate gặp Khổng Tử và phi bác triết lý của Khổng, cùng chứng minh rằng: dân Tàu không phải nhân đức như người ta đồn. Sử Tàu không có lâu đời và đẹp đẽ như họ tưởng…
Fénélon là một trong những đại diện phe chống đối lại ảnh hưởng đang đi lên của Nho giáo một trào lưu lan tràn mạnh mẽ trong thế kỷ 18 bên Âu Châu.
Điều này chúng tôi cho là cần thiết phải nhắc lại dĩ nhiên không phải để cho ai kia tự hào về một dĩ vãng đã qua, nhưng cần cho người học triết tập xem bao trùm toàn cảnh của một nền triết mình phải học và cũng cho biết phải vượt lên trên những cái ngoại diện nhãn tiền để tìm về căn cớ sâu xa hơn.
Trong bài tuy hầu hết chỉ nói đến nước Pháp và Tàu, nhưng trong hai thế kỷ 17-18 nước Pháp có thể coi là đại diện Âu Châu. Dân số nổi vượt hơn các nước khác. Năm 1650 đang khi Pháp có 19 triệu dân thì nước Anh gồm cả Irlande mới có 6 triệu, Iphanho mất quyền bá chủ nên dân số tự 8 triệu trụt xuống 5. Còn Ý, Đức lúc đó chưa thành quốc gia. Đức lúc đó là 350 tiểu bang, Ý cũng suýt soát (theo tài liệu của Sédillot trong quyển Survol de l histoire p.240).
Về văn hóa thì chính là lúc thịnh đạt nhất của Pháp: tiếng Pháp truyền bá cùng khắp Âu Châu, ngay ở Moscou cũng lấy tiếng Pháp làm tiếng quý phái; các triều đình Đức đều nói tiếng Pháp… Chính tình Pháp lúc đó đang ở vào thế kỷ "Vua mặt trời", "đại thế kỷ" (Louis XIV).
Về phía Trung Hoa thì không ai nghĩ đến việc chối cãi vai trò đại diện văn hóa cho các xã hội Viễn Đông, nên nói Trung Hoa tức là nói cả Nhật Bản, Cao Ly, Việt Nam, Mông Cổ, Mãn Châu. Điều nhận xét này cần được chú trọng, vì nhiều người ghét Trung Hoa nên thích quên điều đó. Chúng ta có quyền ghét Trung Hoa về mặt chính trị, khinh Trung Hoa bị thụt lùi chậm tiến nhưng về văn hóa lấy đại cương mà bàn thì từ thế kỷ 19 trở về trước nói Trung Hoa là nói Việt Nam. Về thời đại tuy tự thế kỷ 12 trở đi văn hóa Trung Hoa không được rực rỡ như những thời đại Tống Đường nhưng hãy còn duy trì được trình độ cao. Về chính trị còn hùng cường như trong những thời đại mạnh nhất.
Như vậy nói Socrate gặp Khổng, hay Tàu gặp Pháp tức cũng là nói Tây gặp Đông. Hơn nữa, lần gặp gỡ này mới chính là Đông Tây gặp gỡ, nghĩa là lúc hai bên còn nguyên là Đông là Tây chưa có pha trộn yếu tố mới cũ đã trở thành quyết liệt từ thế kỷ 18. Trước đó nếu có mới với cũ cũng còn rất ít chưa đủ khiến cho hai hạn từ so sánh trở thành xa cách quá đáng như về sau. Do đó cuộc gặp gỡ này có giá trị đặc biệt trong việc khảo sát hậu quả của Nho giáo. Bao nhiêu những việc so sánh Đông Tây tôi được đọc rất nhiều ít mấy khi tránh được lầm lẫn, nhiều khi ngay ở những sử gia hay học giả lớn. Hầu hết không lưu tâm đến chỗ "Tây Âu đã được biến đổi toàn diện do đường xe lửa, kỹ nghệ và máy điện, là ba nhân tố làm đảo lộn hết cơ cấu xã hội của họ". (Husdon p.24) Vì thế những câu viết chẳng hạn Tây nhằm sự hữu hiệu và hay sản xuất từng loạt cho toàn dân hưởng, hoặc Tây tiến bộ Đông ù lỳ… tất cả những câu đó chỉ đúng 1/25, nghĩa là mới xảy ra tới từ hơn một thế kỷ nay, còn trước kia dọc dài bao chục thế kỷ, hai bên suýt soát như nhau về trình độ tiến triển, hay nếu có ù lỳ và kém là về phía Tây Âu. (xem bài "Điều chỉnh" một vài ý niệm văn hóa trong Triết lý giáo dục)
Sở dĩ chúng tôi nhấn mạnh điểm này, vì sự lẫn lộn hay dẫn đến chỗ chà đạp lên những nhân tố thiêng liêng của nền văn hóa Á Đông, là điều có hại cho cuộc tiến bộ tinh thần của nhân loại.
2. Hai điều bên Trung Hoa làm ngạc nhiên Âu Châu thế kỷ 16
Trong một chương trước đây đã bàn về sự thành bại của Nho giáo. Thất bại là bị luật gia vào óc chuyên chế độc tài đã một phần lớn uốn nho học theo lối chuyên chế của họ. Còn thành công là đã duy trì được hai điểm một là tinh thần dân chủ được biểu lộ rõ nhất trong hai việc: "dân được tham gia quyền bính bằng thể chế thi cử và hai là chức giám quan giám thị việc triều chính, kể cả việc vua chúa.
Hai điểm đó là một thành công tuy đối với ngày nay là tầm thường không đáng kể, nhưng trong khi Âu gặp gỡ Á thì người Tây Âu cho đó là một điều lạ lùng đáng thán phục. Vì những hoàn cảnh gây nên lòng thán phục đó đã qua đi, nhắc lại có thể làm cho nhiều người không khỏi ngạc nhiên tại sao Tây Âu lúc đó lại có thể nghĩ hay về Trung Hoa như thế và nhiều người có thế cho tác giả là chủ quan. Chủ quan hay không là chuyện của tác giả những lời mà tôi sẽ trưng dẫn, còn tôi chỉ coi họ như những chứng nhân của cuộc Đông Tây gặp gỡ, và cố trích dịch cho sát nghĩa. Chí như việc xét đoán có chủ quan hay không xin nhường lại độc giả (bài này căn cứ trên mấy tài liệu khó tìm thấy bên Việt Nam nên chúng tôi không ngần ngại trưng dài. Trong số đó đáng kể nhất là luận án rất công trình của Virgile Pinot nhan đề: "La Chine et la formation de l esprit philosophique en France, Guethner 1932"
Có ba điều làm cho giới trí thức Châu Âu thế kỷ 16, 17 chú ý đến Trung Hoa. Trước nhất là Trung Hoa đông dân. Mối âu lo của phần lớn các chính phủ sáng suốt ngày nay là bận tâm về nạn nhận mãn: người quá đông không còn tìm ra đủ công ăn việc làm cho đám người cứ gia tăng mau lẹ như nước triều. Trái lại hồi thế kỷ 18 trở về trước thì mối lo đầu tiên của chính quyền là làm sao cho dân tộc được đông đúc. Khổng đặt thứ lên đầu (thứ, phú, giáo). Đang lúc bên Tây Âu dân cư trụt lùi thì bên Tàu dân đông vô kể. Hết mọi người du lịch thời đó đều như thi nhau tả những lũ đông chen chúc chật ních các phố phường, đường xá, sông ngòi. Điều đó đã làm cho người ta thán phục Trung Hoa và thầm ước bắt chước (Pinot tr.399). Đang khi đó bên Pháp dân cư thưa dần, làm cho những người tai mắt như Vauban rất lo ngại. Trong những cuộc tuần du qua nước Pháp, Vauban nhận thấy sự giảm bớt dân số ở trên thành thị cũng như dưới đồng quê. Fénélon đã biên thư cảnh giác vua rằng: "dân của bệ hạ, lẽ ra bệ hạ phải yêu như con cái, và cho tới nay nó đã nhiệt thành trung tín với vua biết bao, thế mà hiện chúng đang đói lả. Ruộng đất bỏ hoang, thành thị và thôn quê thưa người dần. Tất cả nước Pháp chỉ còn là một cảnh nhà thương rộng lớn tiêu điều và thiếu lương thực" (Pinot, tr.397). Nay muốn cho dân thêm đông số thì cần phải biết được hai điều: trước là biết đúng đắn số hiện tại, hai là giải pháp làm gia tăng. Thế mà cả hai điều đó đời Vauban người ta chưa biết…
Linh mục St.Pierre dựa vào một bản thống kê dân số ở Paris làm dưới thời Colbert khi so sánh số sanh tử, đã đi đến kết luận này là dân số chỉ có thể đông gấp đôi trong khoảng 1200 năm. Nhiều người khác cũng đã cố gắng tính toán, nhưng cũng chỉ là sự lần mò căn cứ trên một đám dân quá nhỏ bé không đủ rút ra một câu phán quyết có giá trị.
Ở đây là chỗ Vauban thấy rằng dự tính của ông không phải là một "điều mộng tưởng" bởi chính phủ nước Tàu đã có thể làm một bản thống kê dân số đông hơn dân Pháp năm sáu lần nghĩa là lên tới 58.550.081, không kể con trẻ phụ nữ, quân lính, quan trường, hoạn quan, những người thuộc dòng tộc nhà vua và khóa sinh. Nếu tính bao gồm cả thì dân số phải ít nhất quãng một trăm triệu. Vauban muốn theo lối bên Tàu mà Louis Comte đã tả khá tỷ mỷ trong quyển "Nouveaux Mémoires sur l état présent de la Chine" mà ông cho là giản dị và xếp đặt khéo (aisé et bien ordonné…, Pinot 399)
Điểm thứ hai làm cho các du khách phải ngạc nhiên là trong đám đông đúc đó vắng bóng hành khất. Đang khi số hành khất đã trở nên đông và lang thang trên khắp ngả đường Âu Châu không những ở thành phố mà cả thôn quê và trở nên mối bận tâm của cả chánh quyền lúc đó. Một giáo sư người Pháp tỵ nạn sang Anh là nơi nạn nghèo cực và ăn xin cũng trầm trọng như bên Pháp nghĩ rằng đã tìm ra trong những huấn điều của Khổng Tử bí thuật để giải quyết vấn đề xã hội này. Những phương thế giải quyết ông đề nghị ra tất nhiên khác hẳn với những nguyên tắc đang được các chính phủ Pháp, Anh công nhận lúc đó! (Pinot 400)
Cũng dịp ấy một nhà tin lành người Pháp gốc ở Bresse tên là Francois Lequat có viết quyển "Những lời vàng" (Sentences dorées) trong đó ông tuyên dương "những quyền làm người theo Khổng Tử" mà điều cốt yếu hơn cả là quyền được sống, nghĩa là nếu cai trị theo đúng nguyên tắc của Khổng Tử thì không đựơc có người nghèo cực hay hành khất, mà lại còn bao hàm ý nghĩa là mọi người có quyền được sống một đời khác giả và dễ chịu. (Pinot, tr.401)
Điểm thứ ba là Trung Hoa phong phú sung túc. Điều này không khỏi làm ngạc nhiên độc giả ngày nay đang chứng kiến sự nghèo nàn cùng túng của các dân Viễn Đông khác với Tây Âu phú cường hoa lệ. Thế nhưng đầu thế kỷ 18 sự thật lại trái ngược. Tác giả Pinot để ra gần 20 trang cỡ lớn (từ trang 391-401) để bàn rành rẽ về sự nghèo nàn của Âu Châu lúc đó. Người ta tự hỏi tại sao lại có thể khác nhau đến thế, cũng là quân chủ cả mà bên Tàu thì giàu lạ lùng, bên Pháp thì nghèo. Và người ta thấy không cần phải đảo lộn chế độ để đổi mới. Nước Tàu phong phú có thực chứ đâu phải chuyện bịa như trong tiểu thuyết "Comment expliquer la différence entre la richesse inouie de la Chine et la pauvreté de la France? La connaissance du Gouvernement chinois ne bouleverse donc pas les idées courantes. La Chine fournissait seulement un exemple précis et réel et non pas des fictions comme celles du Télémaque" (Pinot, tr.420). (Nước ta vào cuối đời Lê, các Thừa sai cũng nhận rằng phồn thịnh, dân chúng sung túc, thực phẩm dồi dào. Xem thí dụ các sách Alexandre de Rhodes có trưng chút trong Vấn đề quốc học chương cuối).
Trừ vài ba tác giả thuộc giới thương mại không nồng nhiệt lắm còn hầu hết mọi người đều đồng thanh công nhận Tàu đông dân hơn và nhất là giàu hơn Tây phương. Và mỗi người đều giải nghĩa khác nhau về sự kiện mà tất cả ai nấy đều đồng ý, tức là dân Tàu là một dân sung sướng và phồn thịnh, điều đó nhờ nền luân lý và chính trị tuyệt hảo của họ v.v… "chacun propose son hypothèse pour l interprétation du fait, mais sur le fait lui même tout le monde est d acord: le peuple Chinois est un peuple heureux et prospère ce qui tient à son excellente morale et à son excellente politique" (Pinot tr.371). Có người giải nghĩa bằng lòng cương trực của các quan đại thần không sợ liều mạng can ngăn vua (Pinot 370).
Người thi cho là tại chính sách "cử hiền dữ năng" không kể đến dòng tộc, mà cứ hễ người nào có tài đức thì cho làm quan.
Người ta lấy làm lạ không những có luật phạt tội phạm mà lại có cả luật thưởng nhân đức (Pinot 73). Và vì bấy giờ Tây Âu chưa biết bí quyết làm đồ sứ và đồ lụa còn thô sơ hơn của Trung Hoa rất nhiều nên lắm người cho là Tàu giỏi hơn Tây. Đó là nói ở bình diện chung.
3. Cảm nghĩ của đại trí thức
Nếu bước sang phạm vi triết lý thì họ còn gặp nhiều lý do hơn để thán phục. Đây là một số chứng nhân:
Leibnitz: nhà triết gia nước Đức này luôn luôn bận tâm với vấn đề thống nhất tôn giáo và tổng hợp Đông Tây. Phương thức cụ thể đối với ông là dòng Tên. Năm 1667 khi vua Khang Hi cho phép các Thừa sai Tây Âu được tự do truyền bá Kitô giáo bên Tàu thì ông mừng rỡ coi đó là một niên hiệu quan trọng, ông viết: "Nếu điều đó cứ tiếp tục tiến thì tôi sợ người Trung Hoa sẽ không bao lâu vượt ta trong khoa học cũng như trong kỹ thuật. Tôi nói điều đó không phải để ghen bì họ về sự hiển vinh đó, bởi vì tôi mừng rỡ với họ, nhưng để thúc đẩy chúng ta phải học với người Trung Hoa phép lịch sự và nghệ thuật cai trị rất đáng thán phục mà không một nước Tàu nào trên hoàn cầu có được như họ. Bởi vì chúng ta sống với ít trật tự quá, đến nỗi tôi nghĩ rằng như ta đã gửi Thừa sai sang để dạy cho họ khoa thần học, thì cũng cần họ gửi cho ta những nhà hiền triết và chính trị gia để họ dạy ta phép cai trị và tất cả khoa thần học tự nhiên mà họ đã đầy đến một mức độ hoàn bị cao viễn dường ấy!" (Pinot 336)
Voltaire: người đã được tặng huy hiệu "tông đồ của đức tương dung" viết: "nếu bao giờ có một thời kỳ hạnh phúc nhất và đáng kính nhất trên trái đất này thì đó là thời kỳ người ta theo luật cai trị của Khổng Tử". Ông nói có quen biết một triết gia (tức là chính ông) trên bàn giấy chỉ đặt hình Khổng Tử, dưới đề bốn câu thơ như sao:
"De la seule raison salutaire interprête
Sans ébouir le monde, éclairant les esprits
Il ne parla qu en sage, et jamais en prophète
Cependant on le croit et même en son pays".
Trong cuốn tự điển triết lý ông có viết:
"Hiến pháp của Trung Hoa thật ra là hoàn hảo nhất trên thế giới… là một bước duy nhất khi mà quan cai trị tỉnh phải thuyên chuyển nếu không được dân hoan hô thì bị phạt… Ngay từ bốn ngàn năm trước đây khi chúng ta chưa biết đọc biết viết thì họ đã biết mọi điều căn bản hữu ích về những cái mà ngày nay ta đang lấy làm tự hào." (Dict. Philosophique tr.108).
Các nhà trí thức khác: Hầu không một tác giả nào, không một triết học gia nào thời đó mà không nhắc đến Trung Hoa. Montesquieu nhắc đến cách ôn hòa. Rousseau ghét Tàu vì lễ nghi phiền toái nhưng lại khen ngợi về mặt công bình và cai trị (économie politique). D.Helvétius trong quyển De l homme (V.note 14), Diderot trong quyển Encyclopédie (article Chinois) đều có nhắc lại. Và biết bao lời nồng nhiệt khác làm cho người Âu lúc đó tìm hiểu về triết lý chính trị Trung Hoa hơn bao giờ hết, đến nỗi Pinot sau khi đã nghiên cứu tỷ mỷ có thể quả quyết rằng lúc đó người ta nghiêng về Tàu còn nhiều hơn về nước Anh, mặc dù đang là thời kỳ có phong trào sùng mộ Anh.
Trên đây tôi chỉ đan cử lời của một ít đại diện, còn biết bao người khác, một Fréret, một Bernier, bên Anh có Pierre Bayle, bên Đức là Wolf… Tất cả gây thành một trào lưu sùng mộ triết lý Trung Hoa với khẩu hiệu "tiêm tinh thần Tàu vào cho Pháp" đã trở nên mục phiêu tranh đấu cho nhiều người. Câu đó đầu tiên do ông Bertin trả lời vua Louis XV khi phàn nàn về những tệ nạn trong triều chính và hỏi ý kiến ông phải làm thế nào? Ông Bertin trả lời: "inoculer aux Francais l esprit Chinois" (Ông Crème thuật lại trong "Correspondance 1778 tr.104).
4. Một số lý do
Đó có phải là tính chất thường của một thời trang như nhiều sử gia quyết đoán vì không muốn kể đến ảnh hưởng Trung Hoa trên Âu Châu.
Sự thực không phải như thế nhưng nó có lý do thời đại của nó. Một đàng lúc ấy về mặt hùng cường thì Trung Hoa đạt được trình độ cao; về đàng xã hội và chính trị ông Hudson đã tóm lại trong những mục sau:
1) "Trung Hoa lúc đó có thể gọi là một đế quốc thống nhất về cả hai mặt văn hóa và chính trị, ăn mãi đến tận vùng chân núi Hymalaya hồ Akholsk, bao gồm Mông Cổ, và Mãn Châu đã được Trung Hoa hóa đến độ không phân biệt được nữa.
2) "Dân số là 200 triệu năm 1762. Con số đó chắc là có phóng đại, nhưng dù sao cũng còn đông hơn dân số Âu Châu lúc đó rất nhiều.
3) "Trong một chế độ mà sự tranh chấp giữa các giai cấp được rút bớt đến mức độ tối thiểu. Trừ có trên đỉnh chót là triều đại, ngoài ra không có đẳng cấp do phong kiến, hoặc quyền quý thế tập thuộc điền địa hay thương mại, mà chỉ có chế độ thi cử mở rộng cửa cho hết thảy mọi người không phân biệt sang hèn.
4) "Trong nước không có quyền đạo, quyền đời, không có hàng tu sĩ. Lão, Thích tuy có tăng lữ nhưng không có quyền hành trong chính phủ.
"Như thế ta có một xã hội vô song, tất cả mọi đặc ân xã hội như việc làm quan và văn hóa đều quy tụ vào một mối không có sự tranh chấp đạo với đời hay một đẳng cấp nắm đặc quyền chính trị hoặc hành chánh. Đó là một xã hội có sự thống nhất chặt chẽ, và bền vững. Nói thế không có nghĩa bảo họ đã đạt được mức độ lý tưởng vì trong thực tại không thiếu những vụ hà lạm, gian lận, hối lộ, độc ác và nhiều người vô tài nhờ đút lót mà được thăng chức, nhưng cái đó thuộc phạm vi thực hiện chứ không thuộc phạm vi chính thể ít ra lúc ấy, và như trong dĩ vãng bao giờ chính tình trở nên quá tệ thì người ta lo diệt triều đại hiện tại để đặt người khác. Sự khủng hoảng thuộc cá nhân chứ không thuộc chính thể." (Hudson tr.32)
Những chuyện hà lạm thối nát đó thực ra đời nào cũng có, nhưng ờ hai triều Khang Hy và Càn Long thì tương đối bớt nhiều mà những người Tây phương sùng mộ Trung Hoa ít có biết đến, họ chỉ xem lý thuyết và sự thực hiện đại quy mô thì quả nhiên lúc đó Trung Hoa có nhiều điểm vượt hơn xã hội Tây phương đang xuống dốc trước cuộc cách mạng, nên tình thế vốn bất ổn càng thêm bất ổn vì những lý do sau:
Khoa học khởi đầu tiến triển đang gặp những bỡ ngỡ với tôn giáo, khiến cho nhiều người nghi ngờ về các tín điều trong đạo, nên ước mong có được một nền luân lý dựa trên lý trí độc lập bên ngoài tôn giáo.
Về phương diện chính trị không bao giờ Châu Âu có một triết lý chính trị xã hội đạt được uy quyền như Nho giáo. Lại nữa lúc đó triết thuyết của Locke đang làm lung lạc nền móng cũ và khởi đầu cho phong trào triết minh bên Pháp (Philosophie des lumières).
Bước sang thế kỷ 18, bên Pháp nảy sinh ra phái tân quân chủ và phái tự do. Tự do hướng về dân chủ có thể tìm thế giá ở Hy Lạp, La Mã hay ở chế độ nghị viện kiểu Anh, còn nền tân quân chủ muốn duy trì lại nhà vua nhưng chỉ bãi bỏ đặc ân của quyền quý và hàng giáo sĩ. Họ ước mong một sự "độc đoán sáng suốt" của triết gia. Vì không tìm được gương nào trong lịch sử Tây Âu, tất nhiên họ phải tìm ở bên Trung Hoa, đang được họ coi là gương mẫu tốt đẹp. Ông Poivre từng làm sứ thần Pháp quốc bên Trung Hoa năm 1769 có viết: "Trung Hoa hiến cho ta cảnh tưởng thần tiên mà cả hoàn cầu phải cố gắng hiện thực nếu các thể chế của đế quốc đó phải trở nên thể chế mọi nước. Hãy sang Bắc Kinh, hãy nhìn ngắm người có quyền uy nhất của loài người. Đó chính là hình ảnh trung thực và trọn vẹn của Trời…" (Hudson)
5. Những người chống đối
Sau những nhận xét trên ta thấy phần ảnh hưởng của Trung Hoa trên văn hóa Pháp thật là rõ ràng. Điều này còn có thể nhận thấy qua những người phản đối dĩ nhiên là rất đông đảo. Trong những người đứng đầu thì phải nói đến trước hết hai nhà văn hào Fénélon và Bousset. Hai ông tuy bất đồng quan điểmở lĩnh vực khác nhưng rất tương đồng trong việc kình chống ảnh hưởng Trung Hoa. Nhất là Bousset đã không ngần ngại dùng đến quyền uy đàn áp. Phong trào chống đối trở nên mãnh liệt nhất là từ lúc phe ủng hộ dùng thể chế Trung Hoa làm bộ máy đả phá chính quyền và các thể chế xã hội Tây Âu. Vì thế nhà cầm quyền khởi đầu can thiệp cách quyết liệt. Năm 1709 nhiều sách của Louis Comte bị cấm lưu hành. Năm 1725 giáo sư Wolf vì đã tuyên dương luân lý độc lập của Khổng Tử nên bị huyền chức và buộc phải rời khỏi thành Halle trong 24 giờ, nếu không sẽ bị xử tử. Bản án này gây một tiếng vang khắp Âu Châu nên các nhà tri thức đều cố tìm đọc cho bằng được bài diễn văn gây sóng gió đó.
Phe chống đối lại càng trở nên mạnh thế khi họ khám phá ra bên Tàu có rất nhiều mối tệ đoan như bói toán, gian lận… chứ không phải chỉ có những điều tốt đẹp như người ta thường ca ngợi. Đồng thời triều đại Càn Long tỏ ra độc chuyên và đàn áp văn học: loại ra ngoài tất cả mọi sách chống đối nhà Thanh và vì vậy những người đả kích ảnh hưởng Tàu đi tới kết luận: bao nhiêu cái hay cái đẹp kể lại trong các sách từ trước tới nay chỉ là chuyện do dòng Tên bịa đặt ra mà thôi. Montesquieu viết: "các thương gia không nhận xét giống như dòng Tên". Đàng khác cao trào cách mạng ngày càng dâng lên thì óc chuyên chế của Nho giáo càng bớt được hoan nghênh. Tuy đã có người nhận định đó chỉ là Hán Nho đã bẻ quặt chứ không phải Nho chân truyền. Song những phân biệt đó lúc ấy mới chỉ có dòng Tên nhìn thấy mà dòng Tên thì càng ngày càng bị đả phá. Lần lần bị trục xuất ra khỏi nhiều xứ, để rồi năm 1772 bị bãi hẳn. Thế là phái bảo thủ đã thành công đánh tan được thanh thế của Trung Hoa.
Ngày nay khi xét lại sự việc thì thấy cả hai phe hoan nghênh cũng như chống đối đều có chỗ quá đáng. Cả hai bên đều căn cứ vào sách vở, mà sách vở có hai loại, một loại của những tu sĩ dòng Tên là những nhà bác học do vua Louis XIV sai sang triều đình Bắc Kinh. Xét về nội tại thì các ngài được dịp tiếp xúc với Trung Ương, làm quen với những nhà đại trí thức, nên cái gì cũng múc từ nguồn ngọn. Đã là bác học lại có địa vị thuận tiện thì tài liệu các ngài có giá trị khoa học. Cho tới nay cũng chưa thể bỏ được.
Tuy nhiên mục đích các ngài là truyền giáo nên một đàng cần cảm tình với vua Khang Hy và với giới trí thức Trung Hoa. Đàng khác muốn cho Âu Châu có thiện cảm với nước Tàu, cũng như với công việc truyền giáo của các ngài. Do đó các ông cố trình bày Khổng Tử như tiền hô dọn đường cho Kitô giáo. Những người như Prémare thấy đủ dấu vết của đạo Kitô trong ngũ Kinh. Linh mục Martini trong Histoire de la Chine ví con Kỳ Lân (phiên âm Kilin giống Kitô) với con chiên cao dương của Thiên Chúa. Có lẽ vì đó mà các ông không nhắc nhở gì tới bách gia chư tử, cả đến đạo đức kinh cũng không được giới thiệu, mà chỉ thu gọn vào có Khổng Tử. Vì thế ở bài này nếu nói Tàu tức là Khổng. Khổng tức là Tàu, thì nó có một ý nghĩa đặc biệt đúng hơn bất cứ trường hợp nào khác.
Về phía các triết học gia, thì chính vì đang khao khát tìm cầu một nền luân lý độc lập hoàn toàn có tính cách công dân, nay đột nhiên gặp được nơi Khổng Tử, nên hết lời ca ngợi nhất là thấy những vua bên Trung Hoa lại là những bậc trí thức: Khang Hy cũng một tên với bộ từ điển, Ung Chính có tiếng là khôn, Càn Long là một nhà thơ có biệt tài, Khổng Tử là một triết gia…vì thế họ dễ dàng ca ngợi bởi họ cho việc "triết gia làm vua" là một lý tưởng của Platon đã được hiện thực bên Trung Hoa, nên không tiếc lời thán phục, không cần chú trọng đến những thực tại ngang trái, mà chỉ nói đến chính thể. Nếu nói về chính thể thì quả thực những lờii khen ngợi kia có nền tảng do triết lý của nó.
Còn về phía chống đối thì lại chỉ căn cứ trên những sách truyện của các người thương mại hay những nhà thám hiểm. Tựu trung có ba người nổi danh:
Bác sĩ J.F.Gemelli Careri tác giả cuốn "Le Voyage autour du monde" được tái bản nhiều lần bên Ý.
Gentil: Nouveau voyage autour du monde 1731.
Đô đốc Anson bên Anh: Le Voyage de l amirai Anson 1745. Mấy tác giả này không hề đi vào nội địa chỉ "khi một tàu cập bến Trung Hoa thì họ theo nhân viên háo hức đi thu nhặt biên chép tất cả những gì họ coi thấy nghe thấy ở lũ mạt dân thiếu học rồi khi về nước họ rêu rao là đã đích thân khám phá, đã chính mắt thấy tai nghe mà viết ra" (Description de la Chine, Ting. P.36).
Đã không đi sâu vào nội địa, cũng không am hiểu nội tình văn hóa, không có dịp giao tiếp với những người thượng lưu, nên hình ảnh Tàu của họ trình bày khác hẳn với Tàu do dòng Tên. Tuy họ cũng còn nhân nước Tàu giàu thịnh như chưa từng nghe thấy và đất đai bao la, dân tình hiền hậu, nhưng có nhiều điều kỳ cục đáng nực cười, dân Tàu gian giảo, dị đoan v.v…
Khi dòng Tên bị bãi, cuộc cách mạng Pháp đã thành công, khoa học lại tiến bộ mau chóng thì hình ảnh nước Tàu dưới ngòi bút dòng Tên bị lu mờ hẳn đi, để chỉ còn lại có hình ảnh nước Tàu của những lái buôn, những người mạo hiểm. Đã vậy tình thế bên Tàu lại mỗi ngày mỗi suy kém nên có vẻ kiện chứng thêm cho ý nghĩ đó. Do đấy mà ảnh hưởng bị xóa khỏi lịch sử. Tuy nhiên ảnh hưởng của Nho giáo đã để lại một số dấu vết trong nền dân chủ Âu Mỹ mà chúng ta cần bàn ở chương sau.

<< Chương VIII | Chương X >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 720

Return to top