Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tôn giáo, Chính Trị >> Cửa Khổng

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 11511 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Cửa Khổng
Kim Định

Chương II ( A)
1. Pho tượng mới tô
Chương trên đã chứng minh Nho giáo không nệ cổ mà trái lại còn là một cuộc cách mạng xây dựng nền vương đạo để giải phóng con người. Chương này nhằm khảo sát xem cuộc giải phóng đó có được thực hiện chăng hay rút cục cũng chỉ là một lý tưởng đẹp đẽ suông tình không hơn một giấc mộng? Trả lời câu hỏi đó có hai ý kiến: một số người cho rằng Nho giáo thất bại từ đầu, quả là một con zéro (Fiasco complet) một thứ không tưởng.
Loại ý kiến ngược lại cho Nho giáo là một thành công vĩ đại (sucès énorme, Zenker. 149-502), một sự thành đạt đồ sộ (la plus massive et la plus durable des civilisations. Granet. Etudes sociologiques p.12), một sự đắc thắng duy nhất của triết học (victoire unique de la philosophie, Pauthier).
Đây mới là một hai đại diện thôi, còn có thể nối dài bản danh sách. Nhưng bấy nhiêu đủ cho ta thấy sự khác biệt giữa hai loại ý kiến. Tại sao cùng đứng trước một sự kiện lại có sự phán đoán chống đối nhau đến như thế. Nên ghi nhận điều này: đây thuộc phạm vi nhân văn, nên việc phán đoán sự kiện hay biến thành phán đoán giá trị (jugement de valeur) tức là phán đoán theo ý nghĩ (estimation arbitraire) hơn là căn cứ trên thực tại. Nếu ta căn cứ trên thực tại thì không thể nói chung là bên này phải hay bên kia phải, vì Nho giáo là một thực tại phiền toái, có nhiều phương diện không thể nói chung là thành công hay thất bại, nên cần phải phân biệt. Nói đến phân biệt tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện ẩn dụ ví lý tưởng với pho tượng hoàn toàn đẹp đẽ, nhưng đến lúc lệt xệt kéo qua đời sống thì gặp những chông gai hiểm trở làm cho pho tượng sứt cằm, bẻ tai, vỡ mũi rạn mặt v.v… rút cuộc chỉ còn lại một pho tượng đã trôi son phấn và đã mất những nét cong kiều diễm ban sơ. Người căn cứ vào pho tượng ban đầu thì cho là hoàn toàn thất bại. Người căn cứ vào pho tượng còn lại thì cho là một thành công lớn lao. Nếu muốn đánh giá cho sát với thực tế thì chúng ta nên xem pho tượng đó hình sắc ra sao, và đến sau đã bị thực tế làm sứt mẻ những chi và còn lại được gì? Có thể nói rằng pho tượng nguyên tuyền mới tô xong chính là nền nhân bản tâm linh cũng như nền Vương đạo khi mới tự óc Khổng Tử xuất hiện, thật là tinh tuyền trong trắng và đẹp như những cái gì còn trong lý tưởng.
Nhưng rồi phải vào đời: vì là triết lý nhân sinh không ở lỳ trong bàn giấy như triết thuyết duy niệm được, mà bó buộc phải xông pha gió bụi, đầy thực tế cam go. Nơi đây không còn gặp Lão Trang hay Mặc Địch để ngồi mà biện lý suông tình nữa, nhưng sẽ gặp những tay như Lý Tư, Tần Hoàn… dùng đến vũ lực bạo động. Đấy là nhơn gian thế sự khác rất xa với lý tưởng thế sự, ở chỗ có đủ loại thực tế phũ phàng đối với bản thân, với môn đệ và đối phương. Chúng ta sẽ lần lượt xét qua từng điểm.
Trước hết về bản thân ông, chúng ta có thể rất ngạc nhiên hỏi tại sao một nền triết lý tranh đấu cho con người, cho tự do nhân phẩm của người lại không được người nồng nhiệt tiếp đón, và ghi nhớ ân huệ muôn đời trái lại bị ruồng rẫy đối đãi bất công! Nhưng nếu người ta đón nhận nồng hậu thì đâu còn những thảm kịch đang diễn ra cùng khắp nơi, và nước mắt loài người đã ngưng chảy lâu rồi. Sở dĩ thảm kịch luôn luôn tái diễn trong xã hội loài người là vì con người chưa tiến hóa đủ để nhìn nhận đâu là những người dẫn đạo chân chính: tất cả đau khổ gây nên do sự si mê đó.
Người ta bề ngoài coi như nhau, nhưng thực ra tâm trạng thuộc nhiều đợt tiến hóa khác nhau. Có những người còn đang ở giai đoạn bái vật chưa thấy xa rộng hơn. Đem những thuyết chỉ hợp với giai đoạn cao truyền bá cho họ thì tất nhiên một là họ lãnh đạm hay rất có thể họ chống đối kịch liệt. Vì tâm trí họ còn hạn hẹp quá chưa thể thấy sự quan trọng ơn ích của triết thuyết mới ở đâu cả, nhưng chỉ thấy nó khác với những điều họ đang tin tưởng, mà những điều này hiện đang hướng dẫn bước đường đi của họ và được họ coi như món ăn tinh thần thiết yếu cho tâm hồn của họ. Họ chưa thể nhận ra được tai họa đang chờ họ ở cuối đường họ đang đi, nên cũng không ý thức nổi lý do tại sao người kia lại muốn thay thế những điều họ đang thâm tín cho tới nay, vì thế mà họ phản đối người đòi cải tổ. Nietzsche nói "đã sinh là có đau, dẫu là sinh trong tinh thần, mais toute naissance est pénible et violente" (V.P. 254). Khoa tâm lý đã khám phá ra rằng một trong những nỗi đau đớn nhất của bản tính loài người đã bị gây ra do những luồng tư tưởng mới. Nên không có chân lý nào không mang theo một số chua xót cay cực.
Một luồng tư tưởng mới mẻ nhất là khi nó mãnh liệt thì gây xáo trộn nơi tâm hồn những người xung quanh, làm đảo lộn tất cả các nền nếp sống đã quen thuộc. Nên ai đảo lộn đều bị oán ghét. Platon đã biểu thị điều đó trong thái độ của những tù nhân đang bị trói giam trong hầm quay mặt vào tường trên đó có những hình dáng đi lại mà bọn tù cho là có thật; nhưng trong bọn có người thoát ra khỏi hầm mới nhận thấy những hình chạy trên tường chỉ là bóng dáng của các vật ở ngoài chiếu vào chứ không phải sự thực, liền trở lại tiết lộ điều đó cho đồng bạn, tưởng như thế là làm ơn cho họ, dè đâu đồng bạn toan giết anh ta, coi anh ta như một tên tử tù vì tội phá rối.
Câu chuyện tuy là ẩn dụ nhưng chứa đầy sự thực của nhân thế, cũng thực như cái chết của Socrate vậy. Những nhà tư tưởng vì vậy thường hay bị nghi ngờ hiềm ghét, bị coi như người phá rối cuộc sống êm ả của xã hội. Vì xã hội không ngờ rằng mình đang ở trong một hầm đóng kín mà nhà tư tưởng đang cố đục ra một ít cửa không khí. Vì vậy mà họ bạc đãi nhà tư tưởng. Nhưng hình như đó là giá đắt mà mỗi người muốn làm ơn cho nhân loại đều phải trả. Cho tới nay lịch sử nhân loại đã chứng minh điều ấy, mỗi bước tiến bộ nào bất cứ, nhất là tiến bộ trong lĩnh vực tinh thần đều phải trả một giá nào đó to nhỏ tuỳ, nhưng không tránh được: hình như đau thương phải là hành trang của mọi cuộc đi lên của tâm thức con người.
Thần thoại Hy Lạp đã gửi chân lý đó vào câu truyện ẩn dụ của Prométhée: vị anh hùng này vì đã dám trèo lên trời ăn trộm chút lửa đem xuống soi sáng cho trái đất bớt u tối. Nhưng rồi Prométhée bị thần Jupiter bắt được đem trói phơi thân trên đỉnh núi Caucase để cho chim kên kên đến moi gan mỗi ngày, ngày này qua ngày khác cho đến vạn kiếp.
Kên kên moi gan!
Thật là một hình ảnh mạnh nói lên những nỗi sầu muộn ưu tư của nhà tư tưởng: tâm can như bị nung nấu dày vò, vì đã dám phát minh ra tư tưởng mới, biết bao triết gia bị buông sông, giam cầm, thiêu sống, bạc đãi… Khổng Tử cũng phần nào bị công lệ đó, nào là cái xã hội lầm thanh phải tìm phương cứu gỡ, nào là tư chất của những người thán phục mình, muốn nối chí mình để hoằng dương đạo lý nhưng tài ba không đủ; thế mà phe chống đối lại đông đảo và có thừa thế lực. Họ là cả một lớp người còn đang trì trệ trong trạng thái Thần thoại với sự thâm tín như kiểu Mặc Địch nói: "nếu vua không theo Thiên chí mà làm thế này thế khác… thì trời sẽ làm mưa máu… rồng đen sẽ phun tai họa v.v…" Khổng Tử trái lại đã đi xa lắm rồi, đã tới đến đợt tâm linh chỉ cốt làm sao cho tâm hồn không trách móc là được, hết còn sợ những thế lực bên ngoài. "Nội tỉnh bất cữu: phù hà ưu hà cụ, 内 省 不 疚, 夫 何 憂 何 懼 ,” (L.N. XII.4). Đọc trượt đi sẽ không để ý đến sự sai biệt xa chừng nào đối với đại chúng, nhưng trong thực tế câu đó biểu thị một sự đi xa lắm nên đã gây ra cả một mặt trận chống đối mãnh liệt. Tuy Khổng Tử "bất oán thiên bất vưu nhân, hạ học nhi thượng đạt. Tri ngã giả kỳ thiên hồ, 不 怨 天 , 不 尤 人 . 下 學 而 上 達 . 知 我 者 , 其 天 乎 !,” (L.N. XIV.37). Không oán trời, không trách người, học từ thấp để tiến lên cao. Biết được ta chăng duy có Trời". Nhưng khi ông than một câu: "Quân tử hòa nhi bất đồng, cường tai kiểu, 君 子 和 而 不 同, 強 哉 矯" (T.D.2). Sống hòa hợp với chung quanh tuy không đồng ý kiến vì mình đã vượt lên xa rồi. Thật là hùng cường can đảm biết bao thì câu đó đủ làm cho những người tế nhị hiểu được nỗi niềm ra sao. Mạnh Tử nói về vụ đó rằng: "Ưu tâm tiểu tiểu. Uấn vu quần tiểu. Khổng Tử dã, 憂 心 悄 悄 , 慍 于 群 小, 孔 子 也, (M.T.VIIb.19)". Kinh Thi chép rằng lòng mình u sầu buồn bã, ấy vì có nhiều kẻ tiểu nhân oán ghét mình, đó là cảnh huống của Khổng Tử vậy. Quả thật phải gan dạ nghị lực xiết bao mới bước ra khỏi chỗ "tuỳ tục cầu đồng", nghĩa là sống a dua theo thói tục, cầu được như mọi người (tiếng Tây kêu là conformisme và có hai thứ social và intellectuel. Hoà nhi có thể là conformisme social, còn intellectuel thì bất đồng).
Tất cả những chống đối tư tưởng Nho sẽ dần kết tinh lại nơi Pháp gia sẽ nói đến sau. Liền ngay đây cần dành ít lời cho những người tán thành tức là loại thực tại thứ hai.
2. Những người kế nghiệp
Khi xét lại những bước đầu của Khổng Tử ta thấy ông gặp rất ít may mắn, mười bốn năm rong ruổi qua từng mấy chục tiểu bang để đi tìm thánh vương khả dĩ thực thi nổi cái đạo của mình đã nhận thức ra, nhưng không được gặp. Toàn một loại giá áo túi cơm "đẩu sao nhi nhân, 斗筲之人, XIII.20". Ôi! Toàn những người trí lự nhỏ như cái thưng cái đấu.
Đến lúc "thoái vi sư" (rút lui để dạy học) để truyền lại đạo lý cho đời cũng không gặp được môn đệ lý tưởng, chỉ có Nhan Hồi gọi được là hiếu học (XI, 6) giữ Nhân được ba tháng liền thì lại vội lìa đời, để thương để nhớ cho thầy "thiên táng dư…天 喪 予", trời hại ta.
Thế là còn lại toàn bọn Cuồng với Quyến (cuồng giả tấn thủ, quyến giả hữu sở bất vi, 狂 者 進 取 , 狷 者 有 所 不 為 也, VIII.21", nghĩa là những người có chí hướng nhưng không đủ tài ba, tức hạng có đủ thiện chí nhưng không đủ sáng suốt.
Sau Nhan Hồi thì có Tử Cống mà nhiều môn đệ cho là giỏi hơn thầy (XIX. 23) thì đã lớn tuổi nên ít gây được ảnh hưởng.
Còn Tử Trương tuy có được cái thái độ hoằng đại, bao dung khắp hết: "quân tử tôn hiền nhi dung chúng, 君 子 尊 賢 而 容 眾 , XIX. 3" và "vô chúng quả, vô tiểu đại, 無 眾 寡 無 小 大, XX.2", nhưng hậu Nho cho là cao quá nên để cho thất truyền.
Thế là chỉ còn lại có hai phái Tăng Tử và Tử Hạ.
Tăng Tử học rộng, thành thực, chú trọng về đàng đạo đức nhưng dần dần đi đến chỗ hẹp hòi. Khổng Tử lấy nhân làm nền móng, lấy hiếu đễ lễ nhạc làm phương tiện, thì Tăng Tử lại lấy Hiếu đễ làm nền tảng nên sẽ đưa đến thuyết "toàn nhi sinh, toàn nhi quy" mà hậu quả có thể là "búi tó nó to tầy niêu" và "móng tay dài bằng quả đỗ" (do chủ ý bảo toàn thân xác). Tăng Tử truyền qua Tử Tư, và sau nữa là đến Mạnh Tử người mở mang tâm đạo tiên thiên và đẩy Vương đạo đến mức "dân vi quý". Tuy nhiên tính ông khuê giác, hay bẻ hoẹ và "phản đối như đàn bà" không thể nối chí thầy đầy đủ.
Phái Tử Hạ chuyên về văn chương lễ nhạc được Nguỵ Văn Hầu tôn làm thầy, đặt quan bác sĩ khảo về các kinh. Nho giáo khởi đầu trở thành quốc giáo từ đó, ngày ngày thêm phát đạt và trải qua các đời Tần, Hán, Đường, tuy có châm chước với các phái khác, nhưng cái khuôn là do phái này. Người nối chí về sau sẽ là Tuân Tử.
Tuân Tử: trước mặt Nho giáo tuy không được kể là chính thống, nhưng với học giả quốc tế thì ông được kể là độc đáo và sâu sắc hơn Mạnh Tử. Granet cho là nhà tư tưởng độc đáo và thâm trầm (un penseur original et profond. Granet P.C. 561). Có lẽ không những vì ông đại diện khía cạnh thực tế của Nho giáo, nhưng còn vì ông chú trọng đến danh từ, dùng nhiều biện luận và trình bày cách mạch lạc hơn. Đọc ông, ta thấy gần triết Tây phương. Giáo sư Creel cho rằng chỉ cần xem một hai chương như "Chính danh" hoặc "Giải tế" đủ biết ông là một tay triết cự phách của nhân loại.
Sở dĩ ông không được xưng tụng là chính truyền như Mạnh Tử là bởi ông đã nhãng bỏ Nhân Trí mà nhấn mạnh Lễ Pháp và danh thực. Ông nói: "Long lễ chi pháp, tắc quốc hữu thường, 隆 禮 至 法 則 國 有 常", nếu có lễ cao và luật pháp lương hảo, thì nước có phép tắc vững bền.
Bên chính thống chủ trương đức nhân và trí phải được phát triển bằng tự mình suy tư với sự trợ giúp của một nhóm bạn thân (quân tử dĩ văn hội hữu, dĩ hữu phụ nhân, 君 子 以 文 會 友, 以 友 輔 仁, XII. 23). Tuân Tử trái lại đặt việc giáo dục lên những nền tảng ngoại tại như kinh sách và ảnh hưởng xã hội: "cổ học chi hồ lễ chi hỹ, 古 學 之 乎 禮 之 矣", cái học cổ xưa đến chỗ lễ là cùng cực. Và nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp quần: con bò con trâu khoẻ hơn người sao lại phải phục người vì chúng không biết hợp quần mà người thì biết đoàn tụ… Bởi vậy trong việc giáo dục, Tuân Tử nhấn mạnh phải vâng theo phép tắc của đoàn thể, nhấn mạnh đến độ làm át mất tính chất "tự nội" của Nho giáo. Vì thế không phải là chuyện ngẫu nhiên mà ông có hai môn đệ sẽ là những tay cự tử trong Pháp gia tức Lý Tư và Hàn Phi Tử. Bàn đến pháp gia tức đề cập đến những thực tế phũ phàng loại thứ ba vậy.
3. Pháp gia
Pháp gia gồm có ba phái là Thế, Thuật, Pháp.
Thế do Thân Đáo chủ xướng.
Ông chú trọng đến cái uy thế do địa vị chứ không phải do đức độ. Đức độ như ông Nghiêu là kẻ thất phu thì không đủ tư cách để điều khiển lấy ba người, mà hư nết như vua Kiệt lại có thể làm loạn cả thiên hạ. Do đó ta biết rằng địa vị uy thế lấy làm chỗ dựa mà đức hiền với trí thì không đủ mộ vậy.
Quản Tử nói: "Cần phải tôn quân ty thần, dĩ thế thắng dã, 尊 君 卑 臣 以 勢 勝 也", tôn vua lên, hạ quan xuống, lấy cái uy thế mà thắng lướt. Thế là đặt vua lên trên luật, mở đường cho hơn hai ngàn năm chuyên chế.
Sau này Hàn Phi Tử so sánh nhà cầm quyền với Trời, hành động theo luật pháp chí công vô tư kiểu "thiên địa bất nhân". Phải dùng uy thế trong sự thưởng phạt thì mới thi hành pháp luật nhất trí được. Nhờ cái thế uy không gì có thể chống lại với vua được, ngược với "dân chi phụ mẫu, 民 之 父 姆" của Nho giáo, chủ trương xã hội tình khác xã hội lý.
Pháp luật do Thương Ưởng chủ xướng.
Thương Ưởng thuộc dòng vua nước Vệ làm tể tướng nước Tần nhấn mạnh đến pháp luật. Ông là người đầu tiên mở mang hệ thống bàn giấy và giảng diễn luật cách hệ thống, ông được kể như sáng lập pháp gia, chủ trương sưu thuế nặng, khổ dịch liên miên, để dân không còn hở thời giờ suy tính đến việc làm loạn, hầu dốc toàn lực vào việc phụng sự quốc gia. Nhờ đó mà nước Tần trở nên mạnh, sau này sẽ thâu thiên hạ vào tay.
Quyền Thuật do Thân Bất Hại.
Ông là người nước Hàn, gốc học ở Hoàng Lão, chủ ở Hình, Danh. Ông nhấn mạnh đến quyền thuật mưu lược: vua cần làm thế nào cho các quan vừa trung thành với luật pháp lại vừa trung thành với mình. Muốn vậy cần phải dùng quyền biến, mưu lược, kế hoạch, bí mật, che đậy…
HÀN PHI TỬ
Hàn Phi Tử dung hòa tư tưởng của cả ba nhóm thế, pháp, thuật và đặt trên nền tảng triết lý của Tuân Khanh và Hoàng Lão để viết thành bộ luật hơn 10 vạn lời, sách mà Hughes cho là gần với Âu Châu từ sau đời Trung cổ hơn hết. Quyển La Prince của Machiavel mà so với sách của ông thì giáo sư Creel cho là còn nhút nhát chưa thấm tháp gì.
Hàn Phi Tử viết: "thống nhất mà trị thì dùng số nhiều bỏ số ít, cho nên không chú ý vào tài đức mà chú ý vào luật pháp". "Vi trị giả dụng chúng nhi xả quả. Cố bất vụ đức nhi vụ pháp, 為 治 者 用 眾 而 舍 寡 , 故 不 務 德 而 務 法 ". Và "minh chủ chi quốc vô thư giản chi văn, dĩ pháp giáo. Vô tiên vương chi ngữ, dĩ lại vi sư, 明 主 之 國 無 書 簡 之 文,以 法 敎. 無 先 王 之 語, 以 吏 為 師". "Trong nước của minh chủ không có văn chương sử sách, chỉ có pháp luật để dạy. Không có lời nói của các tiên vương, mà chỉ có quan lại làm thầy dạy học". Và "người chủ ở trên khinh miệt pháp lệnh của mình rồi đi tôn trọng cái biết của học giả cùng hành vi của họ, thời buổi như thế nên mới có nhiều văn học". Ông nói: quân, thần, thượng, hạ, quý, tiện giai tòng pháp, 君 臣 上 下 貴 賤 皆 從 法" (chọi với "tự thiên tử dĩ chí ư thứ nhơn: nhất thị giai dĩ tu thân vi bản, 自 天 子 以 至 於 庶 人 , 壹 是 皆 以 脩 身 為 本 , của Khổng Tử). Với bấy nhiêu đức tính thường được những nhà độc tài ưa thích: thuyết Uy thế phù hợp với tính kiêu xa của vua chúa, thuyết pháp hình làm cho việc cai trị có vẻ minh bạch dứt khoát, thuyết quyền thuật biện minh cho sự che đậy bưng bít rất quen thuộc của các chúa độc tài, lại được đặt trên nền triết lý thiên đạo, địa đạo rất uy nghi, nên không lạ gì việc vua quan cuối thời chiến quốc nồng nhiệt đón chào. Khi sách tới Tần Thuỷ Hoàng thì liền được thán phục đến nỗi Tần Thuỷ Hoàng mong được gặp mặt tác giả rồi chết cũng cam. Và nhân đó sách ông được áp dụng triệt để ở nước Tần trước nhất.
Đây là chỗ nên nhận xét về ảnh hưởng của nơi phát xuất. Các nước sản xuất ra luật hầu hết ném về phía Tây: Trịnh, Hàn, Tần, nhất là Tần. Thương Ưởng không được hoan nghênh bên Đông (Vệ), nhưng khi sang miền Tây đã được Tần Hiến Công tiếp đón nồng hậu phong lên làm Tướng Quốc, giao cho toàn quyền điều lý việc nước. Tần là đất của người Đột Quyết (demi-ture) chuyên về du mục, văn hóa thấp, dân chúng quen tùng phục như đàn kiến. Vậy là hội đủ điều kiện thuận lợi cho sự phát triển mạnh mẽ của Pháp luật, giống với miền Tây nơi theo Pindare thì luật là Nữ Vương cả nhân cả thần, (la loi reine de hommes et des dieux) và cũng là nơi ngự trị của các thứ ý hệ, nghĩa là những ý tưởng được sắp xếp cách chính xác kiểu cơ giới, khách quan, lạnh lùng hoặc căn cứ trên những dụng cụ đo lường sự vật như: quy, củ, xích, thốn, giới, số… Ngược lại, bên miền Đông như các nước Vệ, Tề, Lỗ định cư lâu đời chuyên về nông nghiệp nên ưa văn học và nghệ thuật, là nơi nảy sinh các thứ Đạo đầy ắp tình người của Nghiêu, Thuấn, Văn, Vũ, Khổng tất cả đều "dĩ nhân đạc nhân, dĩ tình đạc tình, 以 仁 度 仁 以 情 度 情 (Tuân Tử)”, lấy người đo người, lấy tình đo tình và cai trị theo lối thân dân nên vua quan kể như "dân chi phụ mẫu". Nghĩa là phải yêu điều dân yêu, ghét điều dân ghét. Vì thế trong cuộc giao tranh giữa pháp trị và nhân trị chúng ta được chứng kiến một sự tiếp xúc của hai thứ văn hóa: văn hóa cơ giới của du mục, của thương mại thuộc phía Tây Bắc tràn vào văn hóa nông nghiệp ở phía Đông Nam thường có tính cách hòa giải như cùng một cơ thể. Bên nào sẽ thắng, pháp trị hay nhân trị? Chúng ta có thể nói sẽ chẳng bên nào thắng vì trong nhân loại bao giờ cũng có hai loại tâm trí mà Pascal gọi là esprit de finesse nặng tình người uyển chuyển tinh tế và esprit de géométrie nghiêng về đo đếm số lượng có thể gọi là trắc địa. Hai loại tâm trí này sẽ mãi mãi bổ túc cho nhau. Vì vậy nói về nơi thì bất kỳ ở đâu cũng sẽ có người phù trợ (partisan, supporter) cho cả hai khuynh hướng. Tuy nhiên nếu xét chung thì khuynh hướng trắc địa (géométrie) pháp hình thường thống trị ở miền Tây Bắc ngược với miền Đông Nam là nơi óc tinh tế nhân trị thường được coi trọng.
Nếu lấy về thời gian mà nói thì thường thường óc tinh tế nổi vượt trong thời bình, còn óc trắc địa bá chủ ở thời loạn. Và có thể nói xuất điểm của óc ý hệ và pháp luật thì bởi miền Tây Bắc hoặc do thời loạn mà phát hiện. Còn tinh thần nhân trị do Đông Nam.
Trở lại Pháp gia bên Trung Quốc chúng ta thấy khuynh hướng này phát triển ở thời Chiến Quốc, tức là thời cực kỳ ly loạn và luật hình trở thành cực thịnh ở cuối đời Chiến Quốc, tức là lúc loạn lạc đã đến độ tàn khốc nhất nên Hàn Phi Tử được thành công và lại thành công ở nước Tần, một nước ở miền Tây Bắc và mở mang trong ly loạn. Tần Thuỷ Hoàng đã đẩy khuynh hướng luật pháp đến cực độ khi chấp thuận việc đốt sách chôn nho chỉ còn để lại có sách luật. Như thế là óc pháp hình đắc thắng ca khúc khải hoàn. Nhưng đắc thắng không có nghĩa là đắc lý, và khải hoàn không có nghĩa là trường tồn. Bởi vì cái chính thể dựa trên pháp hình của Tần Hoàng đã dự trù phải bền vững từng vạn thế hệ lại chỉ sống chưa nổi hai đời đã vội sụp đổ. Và nhà Hán tiếp nhận di sản tuy vẫn còn bị quyến rũ mãnh liệt bởi pháp gia (qua các tay chính trị như Tiêu Hà, Tào Tham, Giả Nghị thảy đều công nhận tư tưởng pháp gia) nhưng cũng không thể quên gương nhà Tần nên bất đắc dĩ phải để cho Nho giáo từ đống tro tàn của Tần Hoàng phục sinh và lần lần nắm quyền nhất thống trong văn hóa. Lý do sâu xa của sự kiện ấy ở đâu? Ở chỗ pháp luật và ý hệ không bao quát hết con người. Dùng cân đo, xích thốn, và số lượng chỉ đo được sự vật; nhưng con người không phải chỉ là sự vật, nên dùng cân đo thì đến chín phần mười con người còn ở lại bên ngoài.
Bởi thế thay cho xích thốn, Nho giáo đưa ra "Tâm củ" tức "yêu cái gì dân yêu, ghét cái gì dân ghét" nói vắn là lấy dân ý làm tiêu chuẩn cư xử. Ngoại giả phải dùng đến pháp hình là chuyện bất đắc dĩ, đừng chẳng được mới phải thi hành. Vì vậy bên Nho gia đồng thanh xếp pháp hình xuống dưới, cho là mạt (ngọn) là lưu (tầm thường). Tử viết: dư hoài minh đức, bất đại thanh dĩ sắc: đại thanh sắc chi ư dĩ hóa dân, mạt dã,子 曰: 予 懷 明 德 , 不 大 聲 以 色 大 聲 色 之 於 以 化 民 , 末 也 , T.D.32. Ta nhớ thương minh đức chứ không ưa to tiếng, làm oai. Dùng uy thế mà giáo hóa dân là tầm thường vậy.
Tuân Tử nói: "cố giới số giả, trị chi lưu dã, phi trị chi nguyên dã. Quân tử giả, trị chi nguyên dã, quan nhân thủ số. Quân tử dưỡng nguyên, nguyên thanh tắc lưu thanh. Nguyên trọc tắc lưu trọc. 故 械 數 者, 治 之 流 也, 非 治 之 原 也. 君 子 者, 治 之 原 也, 官 人 守 數. 君 子 養 原, 原 清 則 流 清. 原 濁 則 流 濁 ". Cho nên những máy móc và phép tắc ví như dòng nước của chính phủ. Nguời quân tử nuôi nguồn: các quan chức chỉ giữ luật tắc số độ. Nếu nguồn trong thì dòng sẽ trong, nguồn đục thì dòng sẽ đục. (Quân Đạo)
Trang Tử: "Người xưa khi bàn về đại đạo chỉ đề cập đến hình danh vào hàng thứ năm, nói đến hình phạt vào hàng thứ chín. Kẻ vội nói đến hình danh, thì không biết nguyên lý gốc ngọn của nó. Kẻ vội nói đến thưởng phạt thì không biết đến chỗ bắt đầu. Vội nói hình danh thưởng phạt ấy là chỉ biết khí cụ của việc chính trị mà không biết cái nguyên lý của chính trị. Người ấy có thể để cho thiên hạ dùng chứ không đủ tư cách dùng thiên hạ. Như thế gọi là biện sĩ một chiều, chỉ biết có một góc thôi vậy." (Khả dụng ư thiên hạ, bất túc dĩ dụng thiên hạ. Thử chi vị biện sĩ, nhất khúc chi nhân dã, 可 用 於 天 下, 不 足以 用 天 下. 此 之 謂 辯 士 壹 曲 之 人 也 ) Mạnh Tử: "Chỉ có đức nhân không đủ để trị, chỉ một mình luật pháp cũng không có thể tự nó thi hành được". Đồ thiện bất túc dĩ vi chính, đồ pháp bất năng dĩ tự hành, 善 不 足 以 為 政, 徒 法 不 能 以 自 行.
Tuân Tử: Nếu có lễ cao và luật pháp lương hảo thì nước có phép tắc vững bền: chuộng người có đức hiền, dùng người có tài năng thì dân biết khuôn phép, bàn cãi kế tiếp và kiểm soát công khai thì nhân dân khỏi ngờ vực. Và "có luật pháp hay mà nước loạn điều ấy có được. Có quân tử mà nước loạn thì xưa tới nay chưa từng nghe thấy vậy". Sức sống rất mãnh liệt và đầy kế hoạch len lỏi đi lên ánh sáng, phương chi sức sống đó ở nơi con người thì nó sẽ không chịu nằm mãi dưới những pháp luật của thời loạn, của đời sống núi rừng, nhưng luôn luôn hướng đến thời bình tức là hướng đến phát huy phẩm giá con người, và đấy là lý do sâu xa nhất tại sao Nho giáo bị đốt phá bị chôn vùi lại có thể phục sinh sống ngang nhiên với các ông pháp gia, bởi vì nó là triết lý nhân sinh tức là triết lý bênh vực tự do nhân phẩm con người nên không thể chết được và do đó nó đã từ đống tro tàn nhà Tần phục sinh để gặp cuộc thử thách khác với nhà Hán, mà chúng ta coi như đại diện cho ó chuyên chế tức là sự phũ phàng thuộc loại khác vậy.

<< Chương I ( B) | Chương II ( B) >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 716

Return to top