4. Hán Vũ Đế quan thầy của Nho giáo? Nhiều Nho gia đã ca ngợi Hán Vũ Đế, coi như là quan thầy của Nho giáo, vì đã có công đưa Nho giáo đến chỗ toàn thắng. Nhiều học giả Tây phương ví Vũ Đế như Constantin của Nho giáo (hoặc như Acoka với Phật giáo). Điều đó chỉ là cái dáng dấp bên ngoài mà thôi, còn chính nội dung thì khác.
Nhà Hán đã kế tiếp Tần không những trong di sản chính trị là tập quyền trung ương và luôn cả óc độc chuyên. Thực ra óc độc chuyên không cần cho thể chế trung ương tập quyền; nhưng cớ sự nó đã đi đôi ở đời Tần và nhà Hán thừa tự thể chế Trung ương thì cũng kế tiếp cả óc chuyên chế của nhà Tần nữa như Đổng Trọng Thư đã dám quả quyết nhiều lần. Thế nghĩa là Pháp gia và Lão gia vẫn nắm then chốt trong guồng máy chính quyền ở đầu nhà Hán. Đó là điều thuộc sử sách không ai nghi ngờ (vì thế mà lệnh cấm thư mãi cho đến đời thứ hai mới được "bãi" (Huệ Đế 184-187) nghĩa là mới chịu công nhận một việc đã rồi. Institution C. Escara p.57, Kim 16).
Tuy bị triều đình cấm đoán nhưng Nho giáo vẫn được truyền dạy ở ngoài dân gian và càng ngày càng thấm nhập. Khi Tần Hoàng đốt sách chôn nho, thì Thái Tử Phù Tô đã can rằng "chư sinh đều học và bắt chước Khổng Tử, nay lấy trọng pháp mà bắt tội, tôi sợ thiên hạ không yên" (K.352). Câu đó chứng tỏ rằng ngay lúc ấy Nho giáo đã lan rộng lắm. Cho đến đời Hán Vũ Đế thì càng ăn sâu vào dân chúng.
Khi Hán Vũ Đế lên ngôi lúc 13 tuổi tuy có vời mấy Nho gia vào triều để gọi là tham khảo ý kiến, nhưng sau bị bà Đẩu Thái Hậu đẩy đi. Đến khi bà qua đời thì lòng sùng Nho đã nhạt xuống một độ, mới lại vời Nho gia vào triều và bất đắc dĩ nghe lời Đổng Trọng Thư mà tuyên dương Nho giáo. Nói bất đắc dĩ vì thật ra Hán Vũ Đế không ưa gì Nho giáo trong bản chất nó vốn chống đối óc độc tài chuyên chế và vốn đề cao ý dân là ý trời.
Còn Hán Vũ Đế tuy có nói là tuân theo ý trời trong việc cai trị, nhưng ý trời lại không tìm trong ý dân mà lại đi tìm qua điềm trời, qua săm vĩ, bốc phệ theo thuyết âm dương gia, Mặc Địch… Chính vì Đổng Trọng Thư giải nghĩa Xuân Thu theo lối tai dị đó như vua đi đâu có rồng theo… nên mới được Hán Vũ Đế chấp nhận và nghe lời ông mà đặt ra nhà Đại Học với 50 chức bác sĩ. Làm việc đó bề ngoài Hán Vũ Đế có vẻ ủng hộ Nho giáo lắm nhưng thực ra là tại Nho giáo đã lan quá rộng không thể gạt bỏ được nên tìm cách kiểm soát sự giải nghĩa kinh sách và uốn nắn cho hợp với ý của mình: cố biến Nho giáo trở thành dụng cụ cho lối trung ương tập quyền chuyên chế, chứ không phải thành thực đề cao Nho giáo. Riêng về Đổng Trọng Thư, Vũ Đế chỉ muốn hại đi nhưng lại sợ mang tiếng, nên lập kế mượn tay người khác hại thay, tức là tuy có đặt Đổng Trọng Thư làm quan nhưng đày ra giữ chức phụ tướng giúp Địch Vương trị đất Giang Tô. Địch Vương là anh Vũ Đế rất kiêu căng và thích sự vũ dũng, nhưng vì Đổng Trọng Thư khéo xử, nên không những không bị hại mà còn cảm hóa được Địch Vương khiến Địch Vương rất kính trọng ông.
Thấy không đạt đích, Vũ Đế lại sai Đổng Trọng Thư đi giúp một người anh khác dữ tợn hơn nhiều đó là Giao Tây Vương, tính rất dông dài càn dở hay giết các quan đại thần. Không dè ông đã nghe tiếng Đổng Trọng Thư là người hiền nên xử đãi rất trọng hậu. Tuy vậy sợ ở lâu có thể sinh nguy nên Đổng Trọng Thư xin cáo bệnh giải chức về hưu.
Đôi khi Hán Vũ Đế có gọi Thư đến hỏi ý kiến nhưng chẳng qua là để che đậy dã tâm đã muốn mưu hại ông, chứ thực không có bụng dùng, bởi ông tuy có theo tai dị, nhưng tâm trí còn quá nặng óc Nho. Ông nhấn mạnh điểm vua phải bắt chước trời mà yêu dân và cực lực phản đối việc cho người nộp nhiều thóc lên làm quan và làm quan lâu được thăng chức… Ông xin lấy tài đức làm tiêu chuẩn và không cần phải làm việc lâu, miễn tài nhiều thì được thăng chức lớn v.v… Tóm lại những nguyên tắc của Nho ông còn duy trì được khá nhiều, nên không bao giờ Hán Vũ Đế dùng ông mà chỉ dùng một người khác là Công Tôn Hoàng làm tể tướng. Ông này trước bị tội phải giáng xuống coi heo, sau nhờ giỏi sách Xuân Thu mà được thăng chức theo lệnh Hán Vũ Đế, "hễ kẻ nào thông được một nghệ (trong lục nghệ) trở lên thì đều được bổ chức cao".
Trong bài điều trần của Hoàng có 8 khoản thì 2 khoản cuối cùng nói về hình với luật, vì thế Nho gia xếp xuống cuối cùng trong một trăm bài thi. Khi Hán Vũ Đế soát lại thấy Hoàng khá nặng óc luật, đã thấm nhuần Hàn Phi Tử và Lý Tư mới xếp lên hàng đầu. Chính vì thế Tư Mã Thiên cho Hoàng là vỏ nho mà ruột luật, ngoài đại lượng mà trong mưu mô. Hoàng tuy có công trong việc vận động lập ra Đại Học, nhưng đại học cũng chỉ là bung xung, sự thực thì Vũ Đế cũng còn cho Hoàng là quá nho nên chỉ dùng làm tiêu biểu, còn chính thực quyền thì trao cho các luật gia như bọn Tăng Hoàng Dương ác cảm với Nho ra mặt. Vì thế mà nhà Học liệu trở nên cái lò của Pháp gia biến chế Nho giáo theo ý muốn độc quyền của họ.
5. Bãi bỏ bách gia hay tổng hợp dưới danh hiệu Nho giáo. Hán Vũ Đế còn nghe Đổng Trọng Thư mà bãi bỏ bách gia chư tử. Điều đó làm cho nhiều người công phẫn với Thư, và đổ cho Thư là đổ đường cho Nho giáo đi đến chỗ độc tôn. Sự thật thì không phải là bãi bỏ bách gia chi hết mà chỉ là kế hoạch chính phủ dùng để vừa lấy lòng dân vẫn sùng Nho giáo, vừa chiếm độc quyền kiểm soát việc chú sớ kinh sách và cả đến "san định" lại các kinh truyện đã bị thất lạc sau vụ đốt sách chôn nho của Tần Hoàng. "Do đấy mà Lưu Hâm được sai ra làm sách nguỵ kinh của cổ nhân gọi những sách bí thư trong gác Thạch Cừ của riêng chính phủ, tư nhân không ai có. Ở cái thời mà sách vở làm được rất khó khăn, chính phủ lại độc quyền tư hữu, những nhà thái học chốn kinh đô đều phải dùng sách ở gác Thạch Cừ, làm sách Thái sử coi như gia pháp" (Thục IV, 25) thì việc uốn nắn cho Nho giáo trở thành công cụ của óc độc tài chuyên chế có thể thi hành cách êm thắm. Vì thế mà trải qua bao đời mà rất ít người nhận ra hay có nhận ra đôi chút nhưng chưa bao giờ nghĩ tới việc gạn lọc cho Nho giáo trở nên tinh ròng. Hầu hết chỉ thấy "tử viết" thì cho là lời của Khổng Tử rồi lôi ra để hoan hô hay đả đảo tuỳ khuynh hướng, mà không nghi ngờ gì đến sự kiện lịch sử lớn lao trên đây. Do đó ta có thể cho việc bãi bỏ bách gia này là một cú chí tử đánh trúng tim gan Nho giáo; đem đặt vào miệng Khổng Tử những điều ông đả kích, để môn đệ ông phải chấp nhận và từ đấy Nho giáo đốc ra Hán nho. Vì thế ngày nay muốn tìm cho ra tư tưởng chính truyền của Nho giáo, chúng ta gặp khó khăn phụ trội: là phải phân định lại những câu trong tứ thư ngũ kinh có phải là của Nho chăng hay phải trả về cho chủ cũ của nó. Đó là một việc làm rất dài hơi, đòi rất nhiều công trình thuộc văn học. Ở đây chúng ta đứng trong cương vị triết lý thì sẽ dùng phương pháp triết lý; đó là nguyên lý nhất quán, nghĩa là tìm ra tinh thần Nho giáo nguyên thuỷ làm hồn và gạch bỏ những điều trái với tinh thần đó. Sau đây là vài thí dụ:
Trong Luận Ngữ chương XVI.2, Khổng Tử nói: "khi thiên hạ có đạo thì lễ nhạc, hình phạt, chinh phạt đều do thiên tử… Thiên hạ hữu đạo tắc lễ nhạc, chinh phạt tự thiên tử xuất… chính bất tại đại phu… thứ nhân bất nghị". Câu này rất dễ giải nghĩa theo lối chuyên chế nên có thể nghi ngờ là do luật gia xen giặm ít nhiều, nếu không toàn bích thì cũng một số chữ đủ bẻ quặt ý nghĩa.
Trước hết ngay từ ngữ đã nói lên điều đó. Trong câu dùng chữ thiên tử. Chữ này theo nghĩa gốc có tính chất thần thoại: coi vua như con Trời nên được những người chủ trương "kế thừa huyết thống Thượng Đế" ưa dùng, vì nó bao hàm ý tưởng nâng ông vua lên một bậc cao xa vượt hẳn dân chúng. Vì thế Khổng Tử không dùng chữ thiên tử mà chỉ dùng chữ Vương. Trong Luận Ngữ ông dùng chữ đó có một lần (III.2) nhưng là khi trưng lời Kinh Thi: "Thiên tử mục mục" (thiên tử phúc đức). Mạnh Tử dĩ nhiên cũng theo thầy và chỉ dùng chữ Vương, còn những lần ông dùng chữ thiên tử như "đắc hồ khâu dân, nhi vi thiên tử" thì rõ rệt là ông có y chọi chữ (le contraste des termes) để nói lên chủ trương kế hiền của ông: "thiên tử chẳng có nghĩa thần thánh chi mà hễ được lòng thằng dân là thắng cử". Chữ Khâu dân chỉ người dân ở đồng bái, thuộc thành phần "bố cu mẹ đĩ": hèn hạ là thế đấy nhưng hễ ai chiếm được lòng nó là làm đến tột phẩm cao sang, tức là làm Thiên tử. Nếu gặp một đôi trường hợp khác thì nên cân nhắc theo đồng văn để nhận ra dụng ý tác giả. Sau vài nhận xét về từ ngữ ta thử đi vào nội dung.
Chủ trương của Khổng Tử là "quan cai trị, vua kiểm soát". Đó là công hiệu dĩ nhiên của nguyên lý cử hiền dữ năng, thế mà đây lại dành cho vua. Dành độc quyền đến độ dân không còn quyền nghị luận nữa (thứ nhân bất nghị). Nếu vậy tại sao Khổng lại viết kinh Xuân Thu để dạy việc các vua: "Xuân thu thiên tử chi sự dã, 春 秋 , 天 子 之 事 也" (Mạnh IIIb.9), và câu "tri ngã giả kỳ duy Xuân thu hồ, tội ngã giả kỳ duy Xuân thu hồ, 知 我 者, 其 惟 春 秋 乎; 罪 我 者, 其 惟 春 秋 乎 " (id). Theo đó ta thấy Khổng Tử không có tước Vương mà đứng ra nghị luận phân xử 242 năm các đời vua. Và nếu cho rằng Xuân thu không do Khổng viết ra đi nữa thì còn các sách khác của Nho giáo. Trong "Thập tự tam kinh" có sách nào không bàn luận về chính trị đâu. Thực ra quyển nào cũng bàn một cách đanh thép cương nghị đến nỗi Tần Hoàng đã phải đốt đi, và nhà Hán vẫn trì diên không chịu bãi bỏ lệnh cấm thư của Tần Hoàng. Và ngày nay khi chúng ta nói lên câu phương ngôn đầy tính chất dân chủ: "quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách, 國 家 興 亡 士 夫 囿 責" là mặc nhiên chúng ta coi khinh câu "thứ nhân bất nghị" hoặc câu "bất tại kỳ vị bất mưu kỳ chính, 不 在 其 位 不 謀 其 政 " sặc mùi pháp gia lặp lại hai lần trong Luận Ngữ (VIII 15 và XVI 27) xem thêm hai câu (XIII 14). Cùng dòng tư tưởng ta có thể nói câu 28 Trung Dung xen ngang không ăn nhằm chi với đồng văn (contexte). Trong đó có nói "tiện nhi hiếu tự chuyên" cũng để lộ vuốt pháp gia đe dọa người nào không thuộc quyền quý thế tập mà đòi chuyên quyền thì chuốc vạ vào thân (tai cập kỳ thân giả, 災 及 其 身 者). Liền sau đó những câu "phi thiên tử bất nghi lễ, bất chế độ, bất khảo văn, 非 天 子 , 不 議 禮 , 不 制 度 , 不 考 文" (Trung Dung 28), những câu đó là ngầm đả kích Khổng Tử đã nghị lễ, đã khảo văn, đã phê bình chế độ, mà đồng thời Khổng không cần giấu rằng mình nghèo nàn ở bậc tiện dân "ngô thiếu giả tiện, cố đa năng bỉ sự, 吾 少 也 賤, 故 多 能 鄙 事" (L.N. IX 6). Và cũng nghịch với câu: "thánh nhân tác nhạc dĩ ứng thiên, chế lễ dĩ phối địa, 聖 人 作 樂 以 應 天, 制 禮 以 配 地 " (Nhạc ký 290, tr.66), thánh nhân làm ra nhạc để ứng đáp với trời, và chế ra lễ để hòa hợp với đất. Câu đó nói rõ "thánh nhân" rất hợp với tinh thần "cử hiền dữ năng" nghĩa là hễ tới bậc thánh thì tác nhạc chế lễ, chứ không có chuyện dành độc quyền cho vua.
Một thí dụ nữa về Luận Ngữ (XVI 9): "sinh nhi tri chi giả thượng giả, học nhi tri chi giả, thứ giả, 生 而 知 之 者, 上 也; 學 而 知 之 者, 次 也". Câu này tuy có thể không nghịch với tinh thần Nho giáo vốn cổ động học ráo riết nhưng cứ sự ta có quyền nghi ngờ là do người đạo Lão đã xen vào để hạ Khổng xuống hàng thứ tri, vì Khổng rất mộ mến việc học suốt từ 15 tuổi trở đi, "học nhi bất yếm", và luôn luôn đi kiểm chứng quan sát theo lối thực nghiệm, chứ không nói đến sinh nhi tri chi. Cũng có thể do những người chủ trương duy trì thế tập, muốn dành độc quyền văn tự, bảo vệ một thế tập trí thức nên tuyên dương rằng óc thông minh do trời ban cho chứ không phải do học vấn mà sở đắc được (Hàn Phi Tử chương 19). Hoặc do những người chống đối sự mở rộng việc học thức sợ rằng nó sẽ trở thành cửa ngõ mở ra cho nhiều người vào tham dự quyền chính mà họ muốn nắm giữ độc quyền dành cho thế tập.
Vì thế ta cũng phải đặt dấu hỏi trên câu đó, cũng như phải dè dặt mỗi khi bình luận các câu khác trong Luận Ngữ. Chỉ đưa ra ít thí dụ có liên hệ đến vấn đề bàn trong chương này với mục đích thức tỉnh óc phê phán. Sự thức tỉnh đó còn phải đẩy xa hơn nữa khi bước sang các sách khác nhất là Kinh Lễ, nơi đây sự pha trộn đầy tràn. Thế mà Kinh Lễ lại đóng khuôn Nho giáo, vì thế cần nhắc đến Kinh Lễ thêm ít lời.
Ban đầu Lễ vốn đi với Nhạc, nhưng nay chỉ sót lại có Kinh Lễ còn Kinh Nhạc đã mất. Đó là môt sự thất lạc cực kỳ tai hại cho Nho giáo. Vì Nhạc có thể nói thuộc nguyên lý bao quát thiên viên tiêu biểu cho tinh thần nhân ái phổ biến, cho đức Thái Hòa của Nho. Còn Lễ thuộc "tứ địa" (thể chế) phân chia ranh giới tôn ty đẳng cấp biểu thị cho cái xác kềnh cơi. Thế mà Nhạc thì mất, Lễ lại còn và lớn lên mạnh mẽ rườm rà đến độ thượng Lễ kiểu Hán Nho (hyperituel) và đóng khuôn Nho giáo suốt hơn 20 thế kỷ. Cho nên ta có thể coi Kinh Lễ là một thí dụ điển hiền về việc Khổng giáo che lấp Khổng Tử: cái xác đánh bại cái hồn. Kinh Lễ trở nên một cái chợ họp tất cả các môn phái: từ pháp gia cho đến âm dương gia, Mặc Địch, danh gia, bách gia chư tử… đến nỗi hầu hết các học giả thời mới phủ nhận Kinh Lễ do Khổng Tử sanh định như tương truyền. Điều này quá rõ rệt, ai đọc kinh Lễ với óc phê phán thì nhận ra ngay (xem thí dụ câu trong Trung Dung 28 đã trưng ở trên). Đã vậy Kinh Lễ còn chứa rất nhiều điều nhỏ nhen vụn vặt và tai dị, nghịch với tinh thần Khổng (bất ngữ: quái, lực, loạn, thần…) những điều chi ly câu nệ như chương "Công Đàn" về tang chế, phải để tang thế nào khi chào, mặc áo ra sao, để tay cách nào khi lạy, khi phúng phải tuỳ theo họ xa hay gần mà khóc mấy tiếng… Hoặc mùa nào phải ăn thức gì, mùi vị gì. Màu áo vua mặc ảnh hưởng đến mùa màng. Những lý lẽ đưa ra rất mạnh khiến người đời nay không thể chấp nhận ý kiến thông thường tin là Khổng đã san định Kinh Lễ ít ra như người ta thấy ngày nay. Có lẽ nên theo ý chiết trung là Khổng có để lại một nền móng, một số nguyên tắc là những nghi lễ cốt chính, rồi sau môn đệ thêm chi tiết vào, nên lắm điều kỳ dị, nhất là đối với đời ta xa cách từng hai ngàn năm.
6. Nho giáo còn giữ lại những nét gì? Tuy Khổng bị Lão gia, Mặc gia, Pháp gia tiêm chất chuyên chế vào tâm, nhưng không phải Nho giáo chỉ có chịu ảnh hưởng cách thụ động, mà không gây lại ảnh hưởng. Dấu hiệu là Vũ Đế đã không chinh phục nổi danh nho như Ban Cố và 15 năm sau khi kỷ niệm Vũ Đế, Tuyên Đế muốn tôn ông nội mình lên làm quan thầy Nho giáo thì bị nhiều Nho gia phản đối, cho Vũ Đế là một người phung phí của chung, hiếp đáp dân tình, chứ không làm cho dân ơn gì. Ngay từ thế kỷ thứ nhất đã có người nhận ra rất nhiều câu mâu thuẫn trong ngũ kinh.
Những nhận xét này sau được hai học giả Mã Dung và Trịnh Huyền ghi nhận và quảng diễn. Đã vậy ngoài kinh Lễ, Nho giáo còn được những sách tương đối tinh tuyền như Luận Ngữ và nhất là Mạnh Tử, là những sách phản chiếu khá trung thành hình ảnh của Nho chính truyền rất nguy hiểm cho chính truyền độc chuyên. Nên mãi tới năm 1372 Mạnh Tử còn bị Hồng Vũ thái tổ truất phế vì dám gọi vua là kẻ cướp kẻ thù (khấu thù, Mạnh Ivb.H).
Ngoài ra có hai chương trong Kinh Lễ gọi được là tinh tuý nhất của sách đó, đã được người sau tách rời làm hai sách và đặt vào hàng tứ thư như Luận Ngữ và Mạnh Tử đó là Đại học và Trung Dung. Việc làm này tỏ ra tác giả có óc sáng suốt và ý thức được đâu là nòng cốt của Nho, nhờ đó trong Nho giáo đời nào cũng có một hai người nhận ra chân lý qua những chú sớ của chính quyền và nhân đấy trở thành lực lượng kình chống óc độc chuyên, như hai lực lượng rình chực nuốt nhau. Và ta có thể nói trải qua mỗi đời chưa hẳn bên nào đã nuốt trôi bên nào. Bên nhà vua tìm cách kiểm soát Nho gia, nhưng bên Nho gia cũng tìm cách để kiểm soát lại nhà vua, tuy cách thế có tế nhị, nhưng nhiều lúc hiệu nghiệm hơn và đã duy trì lại được một số điểm quý báu. Nhiều người căn cứ trên những câu xen lộn vào sau mà lên án Nho giáo như trường hợp Cố Biệt Cương đã căn cứ vào câu Luận Ngữ XVI.2 viết một bản án dài phỉ báng Nho giáo, cho là nặng óc chuyên chế. Biết bao người khác đã làm như thế. Cũng có người đã nghi ngờ rằng Nho giáo đã bị bẻ quặt rất nhiều và lên án gắt gao Hán Nho và những người như Đổng Trọng Thư.
Nhưng xét lại và đối chiếu với nền triết lý và đạo giáo khác ta thấy tình trạng không đến nỗi quá bi quan như những người đã cho Nho giáo "là hoàn toàn thất bại". Chỉ cần xem lại lịch sử thì thấy chưa có một triết lý hay tôn giáo nào khi đem thực hiện trong thực tế đã giữ được đủ mọi vẻ đẹp như trong lý tưởng, và có lẽ không một hiện thực nào lại không phải nương theo hoàn cảnh, nên không khỏi có sự châm chước, mềm dẻo, vì phần nào đó là điều kiện để thành công "bởi sống là lệ thuộc". Nếu cứ phải được y nguyên như trong lý tưởng mới chấp nhận "vào đời" thì có lẽ Nho giáo chỉ là một lý tưởng suông mà không ghi lại được thực hiện nào. Trái lại ngày nay ta có thể quy công ít ra phần lớn cho Nho giáo mấy thực hiện sau đây trong những xã hội Viễn Đông: một là sớm bỏ được chế độ nô lệ trước vài chục kỷ (nứơc Pháp mới bãi chế độ nô lệ năm 1848); hai là đã có nhiều cố gắng quân phân tài sản như các kiểu công điền; ba là đặt chức gián quan để dòm ngó chính quyền kể cả vua; bốn là đặt phép thi cử để tuyển người tài đức trong cả nước không phân biệt dòng họ.
Bốn điều thực hiện đó tuy còn thô sơ đối với trình độ ngày nay, nhưng so với các xã hội cổ thời, với những thực tế phũ phàng đã bàn lướt ở trên thì phải kể là những bước tiến có hạng. Ta hãy nghe giáo sư Creel bình luận về hai điểm sau cùng:
"Có lẽ không một nước lớn nào đã chấp nhận xuyên qua hai ngàn năm nguyên lý sau đây: "lý do tồn tại của chính quyền là mưu sung túc và hạnh phúc cho dân, và nếu bất lực thì bị chỉ trích và có thể đi đến chỗ bị lật đổ". Nhận nguyên lý đó tức là đã mở rộng cửa cho công luận.
"Khổng Tử đã nhấn mạnh việc cai trị phải đặt vào tay người hiền năng, được lựa chọn theo tiêu chuẩn duy nhất là tài đức mà thôi, không kể gì đến dòng tộc. Nguyên lý đó đến đời Tuỳ làm nảy ra phép thi cử, mỗi thời áp dụng mỗi khác nhau và tuy có nhiều thiên tư hối lộ, nhưng cũng đã đặt ra đủ phép để ngăn ngừa thiên vị và đã có những thời khá công hiệu.
"Một người mới thi đậu ở đợt sơ khởi (hương cống) tuy là con nhà thường dân cũng đã được đặc cách và được tưởng lệ: từ chức quan nhỏ cho đến chút ruộng làng, tức là một cách khuyến khích rất hữu hiệu để theo đuổi việc học. Và vì vậy rất nhiều quan bên Tàu do tầng lớp thường dân xuất thân và người đi học bao giờ cũng có thể đeo đuổi mộng làm quan. Dĩ nhiên trừ những triều đại ngoại lai (Mông Mãn) không kể, còn phần đông quan trường vẫn là người có giáo dục theo lý tưởng Nho giáo. Điều đó không có nghĩa là không có thiên tư bà con và không phải chối cãi con quan bao giờ cũng được nhiều may mắn hơn để thành đạt, vì cha mẹ có phương tiện và được giáo dục dưới bầu khí lễ nghĩa, cho nên đa số quan là do tầng lớp quan lại, điều đó không có gì đáng chú ý. Điều đáng ngạc nhiên là có ít nhiều người đã leo tới chức quan khi không có những thuận lợi nói trên và hình như đời nào cũng có dòng máu mới tiêm vào lớp quan lại. Mặc dù với những khuyết điểm, phép thi cử đã đem lại cho Trung Hoa một thứ chính phủ có được nhiều ích lợi, là nó tạo điều kiện cho những người tài đức nhất trong nước có dịp tham gia chính quyền, và làm cho các quan phải là những người có văn hóa chứ không chỉ là những người phóng túng thừa tự quyền lực của cha ông, mà bởi vì nền móng giáo dục là triết lý và luân lý Nho giáo, nên nó gây thành một tinh thần đoàn thể, tuy không cùng thể chế với dân chủ mà cũng cho người dân hưởng được một thứ đại diện trong chính quyền, đời nào cũng có người dân làm quan gây ra một thứ dân chủ xã hội đã không có ở một xứ nào rộng lớn bằng và giữ được lâu dài bằng. Khi con bất kỳ một nông gia nào cũng có thể trở thành đại thần và thực sự đôi khi đã có một đôi người trong họ được như thế thì điều đó đặt giới hạn cho sự phân chia đẳng cấp không để trở thành đóng kín. Cũng nên nhắc đến nguyên tắc "dĩ đạo sư quân" đã làm nảy ra chứ gián quan có nhiệm vụ phê bình mọi chức quyền kể cả vua. Tất nhiên cũng có ông hùa theo vua nhưng cũng nhiều ông đã can đảm, và sáng suốt can ngăn, có khi đến liều mất cả mạng sống (thí dụ Tỷ Can vì can gián vua Trụ mà bị giết. Vi Tử Tử Cơ… L.N. XVIII 1).
"Tổng chi những truyện đó (thi cử và chức gián quan) đã đưa vào nền quân chủ tuyệt đối một tinh thần dân chủ đáng kính phục. Tuy còn xa với chế độ dân chủ, nhưng Khổng Tử đã khởi đầu hướng chính quyền về phía dân chủ, chỉ vì người sau đã thêm vào đó được ít quá. Thế mà nguyên lý chưa đủ còn phải có kỹ thuật tức đầu phiếu. Điều này đã không xảy ra trên đất Khổng. Tuy nhiên Khổng đã có một ảnh hưởng đáng lưu ý với việc đó." (253 C.C)
7. Nhìn lại pho tượng Mở đầu đã nói tới pho tượng, bây giờ chúng ta nhắc lại để kết luận. Có thể nói rằng tuy đã bị kéo qua những thực tế phũ phàng của các vua quan nặng óc chuyên chế, của pháp gia chống đối… nhưng pho tượng vẫn còn giữ được một số nét cong đẹp ở thưở ban sơ, đủ khiến nhiều người phải nghiêng đầu bái phục. Bình luận về bức tượng đó học giả E. Chavannes có viết như sau:
"Đạo Khổng thực là một đạo hành vi không phải là một đạo thuyết lý. Đạo ấy không phải đem ra mà biện thuyết được, chỉ có thể xướng lên mà thực hành thôi, vì nó gồm những phép tắc đã gây dựng ra xã hội Trung Quốc. Khổng Tử chính là tiêu biểu cho cái tinh thần cố hữu của chủng tộc Trung Hoa, nên một mình đứng ngất trời, trong cả cuộc lịch sử miền Đông Á. Từ Tây Âu mà nhìn qua thì tưởng tượng như thấy ở góc bể bên kia có một pho tượng đồng thật lớn, thái độ nghiêm trang, chân tay lực lưỡng, là bức tường một người trong tay đã tô tạo nên một xã hội to nhất, đông nhất trong thế giới. Đời đời vẫn đứng trơ trơ ở đấy, đã từng trong biết bao nhiêu phen, vận nước thành rồi bại, thịnh rồi suy, biết bao nhiêu đời vua kế tiếp nhau mà đời nào cũng phải tôn sùng. Người Việt Nam, người Nhật Bản, người Cao Ly, người Mãn Châu bấy nhiêu dân tộc khác nhau đều quy phục mà theo luật pháp, lại biết bao nhiêu tôn giáo thay đổi, cái nọ chưa tàn cái kia đã nở, mà ông cổ hiền triết kia vẫn đứng vững như trồng, biết bao nhiêu thần thánh mắt ông đã trông thấy khởi lên, mắt ông cũng lại trông thấy diệt đi, cho đến ngày nay chúng ta bước chân sang bờ cõi Trung Hoa bát ngát mênh mông, ta cũng trông thấy cái tượng đồng ông cổ hiền triết ấy đứng sừng sững trước mắt ta, như bác nông phu trong sách thi nhân Lã Mã kia, cày ruộng đào thấy những bộ xương người võ sĩ từ đời xưa to lớn khác thường mà kinh ngạc. Nay ta trông thấy cái hình ảnh của ông Thánh nhân to lớn phi thường ấy, ta cũng kinh ngạc và cảm phục vô cùng."
Edouard Chavannes,
Revue de Paris 1905