Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Giá đâu đó có người đợi tôi

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8782 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giá đâu đó có người đợi tôi
Anna Gavalda

- 6 -

HỌ THẬT NGU NGỐC, những phụ nữ muốn sinh con thật là ngu ngốc. Họ thật ngu ngốc.
Vừa biết mình có thai là họ lập tức xửa các van hết cỡ: tình yêu, tình yêu, tình yêu chảy xối xả.
Sau đó họ sẽ không bao giờ đóng chúng lại nữa.
Họ quả là ngu ngốc.

Chị cũng giống như bao kẻ khác. Chị nghĩ mình đang mang thai. Chị phỏng đoán. Chị hình dung. Chị còn chưa dám chắc trăm phần trăm nhưng cũng gần như chắc chắn.
Chị đang đợi thêm vài ngày nữa. Để thử xem.
Chị biết một que thử hiệu Predictor bán ngoài hiệu thuốc có giá 59 quan. Chị vẫn nhớ giá từ hồi có đứa con đầu.
Chị tự nhủ: mình đợi thêm hai ngày nữa rồi sẽ dùng que thử.
Tất nhiên là chị không đợi. Chị tự nhủ: 59 quan có đáng gì khi mà có thể, có thể mình đang mang thai? 59 quan có là gì khi mình có thể biết chắc chỉ trong vòng hai phút?
59 quan để rốt cuộc mở hết các van bởi vì chúng đã bắt đầu kêu răng rắc đằng sau, chúng sôi ùng ục, khi quay cuoongf xoáy lộn và khiến chị thấy lâm râm đau bụng.
Chị chạy ra hiệu thuốc. Không phải hiệu thuốc quen, một địa điểm kín đáo hơn, nơi không ai biết chị. Chị lấy vẻ dửng dưng nhất trần đời, làm ơn bán cho một que thử thai, nhưng tim chị chưa chi đã đập thình thịch.
Chị quay về nhà. Chị đợi. Chị cố tình kéo dài thú vui chờ đợi. Que thử đang ở ngay đó, trong cái túi xắc chị quẳng trên mặt bàn lối cửa ra vào, còn chị, chị hơi bồn chồn chút ít. Chị vẫn làm chủ được tình thế. Chị lôi quần áo ra gấp. Chị sang nhà trẻ đón con. Chị tán gẫu với những bà mẹ khác. Chị cười. Tâm trạng chị phấn chấn.
Chị chuẩn bị bữa trà chiều. Chị phết bơ lên bánh. Chị đồn hết tâm trí vào công việc. Chị liếm qua thìa mứt. Chị không thể ngăn mình ôm hôn thằng con trai. Khắp người. Vào hõm cổ. Lên hai má. Lên đầu.
Nó bảo mẹ thôi đi chứ, mẹ làm con ngạt thở đây này.
Chị dẫn con trai tới trước một thùng đồ chơi Lego và bước chậm lại thêm chút nữa.
Chị xuống cầu thang. Chị cố gắng lờ cái túi xắc đi nhưng không thể. Chị dừng bước. Chị lấy que thử ra.
Chị phát bực với cái hộp. Chị ghé răng giựt tung lớp vỏ ngoài bằng ni lông. Lát nữa chị sẽ đọc hướng dẫn sử dụng sau. Chị tiểu tiện ra cái khay nhựa. Chị đóng nắp lại, như người ta đóng nắp một chiếc bút bi. Chị cầm lên và thấy nó nóng hôi hổi.
Chị tiện tay đặt nó ở đâu đấy.
Chị đọc hướng dẫn sử dụng. Phải đợi bốn phút và nhìn những vạch báo hiệu. Nếu lên hai vạch hồng, thưa bà, vậy là nước tiểu của bà đầy H.C.G (2) , nếu lên hai vạch hồng, thưa bà, bà đã có thai.
Bốn phút mới dài làm sao. Chị sẽ uống một tách trà trong lúc chờ đợi.
Chị hẹn giờ bếp để chần mấy quả trứng. Bốn phút… thế là xong.
Chị không động đến que thử. Chị bỏng cả môi với tách trà còn nóng nguyên.
Chị nhìn những kẽ nứt trên tường bếp và tự hỏi không biết nên nấu món gì cho bữa tối.
Chị không chờ hết bốn phút, dẫu sao chăng nữa cũng chả cần mất công làm thế. Người ta đã có thể đọc được kết quả rồi. Chị đã có thai.
Chị biết điều đó chứ.
Chị đem que thử vùi xuống đáy thùng rác. Lấy những vỏ bao bì khác phủ lên trên. Bởi vì ngay lúc này, đó là bí mật của riêng chị.
Nhưng thế sẽ tốt hơn.
Chị hít vào một hơi dài, thở ra. Chị biết điều đó chứ.
Muốn được chắc chắn thì cũng là một nhu cầu chính đáng chứ sao. Xong cả rồi, các van đã được xả hết cỡ. Bây giờ chị đã có thể nghĩ sang chuyện khác.
Mà thực ra chị sẽ không bao giờ có thể nghĩ sang chuyện khác được nữa.
Hãy nhìn một phụ nữ đang mang thai mà xem: bạn tin rằng chị ta đang sang đường hay đang làm việc hay thậm chí đang chuyện trò cùng bạn. Sai hết. Chị ta nghĩ tới đứa bé đang mang trong bụng.
Chị ta sẽ không thừa nhận điều này nhưng suốt chín tháng mang thai sẽ không có phút nào trôi qua mà chị ta lại không nghĩ tới đứa bé của mình.
Đồng ý là chị ta đang nghe bạn nhưng chị ta chẳng hiểu bạn đang nói những gì. Chị ta gật gật đầu nhưng thực tình, chị ta thây kệ.
Chị ta hình dung ra đủ chuyện. Năm milimét: một hạt lúa. Một centimet: một vỏ ốc. Năm centimet: cục tẩy nằm trên bàn giấy. Hai mươi centimet và bốn tháng rưỡi: bàn tay chị ta xòe rộng.

Chẳng có gì cả. Người ta không nhìn thấy gì, vậy mà chị cứ thường xuyên sờ lên bụng.
Nhưng không, không phải chị chạm vào bụng, mà là chạm vào đứa trẻ. Chính xác như khi chị lùa tay vào tóc thằng con cả. Y như vậy.

Chị đã nói chuyện ấy với chồng. Chị đã hình dung ra một tá những cách khả thi để hào hứng thông báo tin đó.
Những cnảh nền, những tông giọng, những khúc hát Giáng sinh… Và rồi, không.
Chị nói chuyện đó với anh vào một buổi tối, trong màn đêm, khi chân họ đã gác lên nhau, nhưng chỉ là để ngủ. Chị nói với anh: em đã có thai; và anh đã hôn lên tai chị. Vậy càng hay, anh đáp.

Chị cũng thông báo điều đó với thằng con cả. Con biết không, trong bụng mẹ có một em bé đang nằm đấy. Một cậu em hay là một cô em gái giống như mẹ của Pierre. Và con sẽ được đẩy xe nôi của em bé, giống như Pierre ấy.
Thằng bé cởi áo len và hỏi: em bé ở đâu kia? Không phải ở đó chứ?
Chị lục trong tủ sách để tìm lại quyển Tôi chờ đón một đứa con của Laurence Pernoud. Cuốn sách hơi cũ, từ bấy đến giờ nó đã qua tay cô em dâu và một cô bạn thân.
Ngay lập tức, chị sẽ xem lại những hình ảnh ở giữa sách.
Chương sách đó mang tên: Hình ảnh của cuộc sống trước khi ra đời, từ khi “noãn được các tinh trùng vây quanh” cho đến “sáu tháng: bào thai đang mút ngón tay cái”.
Chị chăm chú nhìn hai bàn tay nhỏ xíu với làn da trong suốt để lộ những tĩnh mạch và rồi đôi lông mày, trên vài tấm ảnh người ta đã thấy được chả chân mày.
Sau đó, chị giở thẳng tới chương: “Khi nào tôi sẽ lâm bồn?”. Có một bảng tính ngày sinh dự kiến. (“Chữ số đen: ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối. Chữ số màu: ngày sinh dự kiến.”)
Vậy là em bé của ta sẽ sinh nhằm ngày 29 tháng Mười một. 29 tháng Mười một là ngày gì vậy nhỉ? Chỉ ngước mắt nhìn và đụng ngay tờ lịch Bưu điện treo ngay cạnh lò vi sóng… 29 tháng Mười một… lễ thánh Saturnin.
Saturnin, đấy lại là chuyện khác! Chị mỉm cười tự nhủ.

Chị bỏ quyển sách xuống mà không đánh dấu trang đọc dở. Ít khả năng chị sẽ mở ra một lần nữa. Bởi vì phần còn lại sẽ là: chế độ dinh dưỡng cho bản thân thế nào?, chứng mỏi lưng, các vết nám khi mang thai, các vết rạn, sinh hoạt tình dục, con của bạn sẽ bình thường chứ? Chuẩn bị thế nào cho kỳ sinh nở?, sự thật về cơn đau chuyển dạ, vân vân. Về tất cả những chuyện này, chị hơi có phần coi thường hay nói đúng hơn là không mấy quan tâm. Chị có lòng tin.
Chiều nào chị cũng buồn ngủ ríu cả mắt và khẩu phần các bữa ăn đều được bổ sung những miếng dưa chuột bao tử Nga đại bự.

Ngay trước khi kết thúc tháng thứ ba là lần khám bắt buộc đầu tiên ở chỗ bác sĩ phụ khoa. Để tiến hành xét nghiệm máu, hoàn tất giấy tờ bảo hiểm, để có giấy chứng nhận thai sản trình lên giám đốc nhân sự.

Chị tranh thủ ghé qua phòng khám vào giờ ăn trưa. Trong lòng chị nhiều xúc cảm hơn so với vẻ ngoài.

Chị lại đến khám ở chỗ ông bác sĩ đã hộ sinh thằng con cả.
Họ nói lan man hết chuyện này đến chuyện khác: thế còn chồng bà, công việc thế nào? Thế còn công việc của bà, tiến triển tốt chứ? còn bọn trẻ, chuyện trường lớp ra sao? cả ngôi trường đó nữa, bà thấy thế nào?
Ngay cạnh giường dành cho bệnh nhân đến khám là máy siêu âm. Chị nằm lên giường. Màn hình vẫn chưa bật nhưng chị không thể ngăn mình liếc nhìn vào đó.
Thoạt đầu, bác sĩ cho chị nghe nhịp đập tim thai lúc đó còn chưa xuất hiện trên màn hình.
Âm thanh khá to và vang vọng khắp căn phòng:
Thình thịch – thình thịch – thình thịch – thình thịch – thình thịch – thình thịch.
Cái cô ả ngốc nghếch này, chưa chi đã rơm rớm nước mắt.
Và rồi bác sĩ chỉ cho chị thấy đứa bé.
Một hình hài nhỏ xíu đang ngọ nguậy chân tay. Dài mười centimet và nặng bốn mươi lăm gam. Đã nhìn thấy rất rõ cột sống, thậm chí người ta còn có thể đếm từng đốt sống.
Chị chẳng phải ngạc nhiên lắm nhưng chị không nói gì.
Bác sĩ đùa. Ông nói: úi chà, tôi biết ngay mà, nhìn cảnh này thì đến cả các bà chị lúc bình thường lắm lời nhất rồi cũng phải im bặt!
Trong lúc chị mặc lại quần áo, vị bác sĩ soạn những tấm ảnh in từ máy siêu âm thành một tập hồ sơ mỏng. Và lát nữa thôi, khi đã ngồi vào sau tay lái, trước khi khởi động máy, chị sẽ nhìn hồi lâu những tấm ảnh này và trong khi chị đâm thuộc lòng từng chi tiết, người ta sẽ không nghe thấy tiếng chị thở.

Hàng tuần lễ trôi qua thật nhanh và bụng chị to lên thấy rõ. Ngực cũng vậy. Bây giờ chị mặc áo ngực cỡ 95C mới vừa. Thật khó tin.
Chị ghé qua một tiệm bán đồ bầu, mua những quần áo vừa cỡ. Chị đã vung tay quá trán. Chị chọn một chiếc đầm rất xinh xắn và khá đắt để dự hôn lễ cô em họ vào cuối tháng Tám. Một chiếc đầm vải lanh với hàng khuy xà cừ tí xíu dính dọc theo chân váy. Chị đã lưỡng lự hồi lâu vì chị không chắc sẽ còn mang bầu lần nữa. Vậy rõ ràng là chiếc đầm hơi quá đắt…
Chị đắn đo mãi nơi phòng thử đồ, chị hơi lúng túng với khoản chi tiêu quá đà này. Khi chị từ đó đi ra, với chiếc đầm trên tay và vẻ tần ngần trên khuôn mặt, cô bán hàng nói với chị: Chị đã thích thì nên mua quá đi chứ! Đồng ý là mặc không vừa được bao lâu nhưng chị mặc lên đẹp thế kia mà… Hơn nữa, phụ nữ mang thai không nên suy nghĩ nhiều. Cô ta nói giọng bỡn cợt nhưng chẳng hề chi, đó là nữ nhân viên bán hàng rất khéo thuyết phục.
Chị nghĩ vậy khi bước ra phố với chiếc túi to đựng khoản chi tiêu vô lý ấy trong tay. Chị mắc tiểu. Âu cũng là lẽ thường.
Thêm nữa, đó là một đám cưới quan trọng đối với chị vì con trai chị sẽ sắm vai phù rể. Chuyện này nghe mới ngu ngốc làm sao nhưng nó khiến chị vô cùng thích thú.

Một lý do khác để lần khan mãi chính là giới tính của đứa bé.
Liệu có nên hỏi đứa bé nằm trong bụng là trai hay gái hay không?
Sắp sang tháng thứ năm, cũng là lần siêu âm thứ hai, kết quả siêu âm lần này sẽ nói lên tất cả.
Trong công việc, chị gặp phải rất nhiều vấn đề phức tạp phải giải quyết và cứ hai phút lại phải đưa ra quyết định. Thì ra quyết định chứ sao. Chị được trả lương để làm vậy kia mà.
Nhưng riêng chuyện này… chị không biết phải tính sao.
Khi có mang đứa đầu tiên, đã đành là chị quyết hỏi cho ra nhẽ. Nhưng lần này, chị mặc kệ không thèm quan tâm đứa bé nằm trong bụng là trai hay gái. Mặc kệ.
Thôi thì chị sẽ không hỏi nữa vậy.
“Bà chắc chứ?” bác sĩ hỏi. Chị cũng không biết nữa. “Nghe này, tôi sẽ không nói gì hết, để xem bà có đoán được ra không nhé.”
Bác sĩ chậm rãi di cái đầu do lên phần bụng bôi đầy gel xúc tác của chị. Thỉnh thoảng, ông dừng lại, tiến hành đo đạc, bình luận, thi thoảng ông mỉm cười và lướt đầu dò qua thật nhanh, cuối cùng ông bảo xong rồi, bà có thể ngồi dậy.
“Thế anò?” bác sĩ hỏi.
Chị đáp chị hơi ngờ ngựo xong không dám chắc. “Ngờ ngợ thế nào?” Ừ thì… chị tin chắc đã nìhn thấy một mẩu chim của cu cậu, đúng thế không…?
“Ái chà, làm sao tôi biết được” bác sĩ đáp, dẩu môi vẻ thèm thuồng. Chị muốn tóm áo blouse của ông ta mà kéo lại rồi lắc lấy lắc để cho tới khi ông ta chịu tiết lộ, nhưng rồi lại thôi. Để dành sự ngạc nhiên đó vậy.
Mùa hè, một cái bụng to uỳnh khiến cả cơ thể nóng hầm hập. Đấy là chưa kể ban đêm. Chị khó ngủ vô cùng, nằm tư thế nào cũng không thấy thoái mái. Nhưng không hề gì.
Ngày cử hành hôn lễ đang đến gần. Không khí trong gia đình rộn rã hẳn lên. Chị nói chị sẽ lo phần trang trí hoa. Công việc tuyệt hảo cho một thân hình cồng kềnh nhường ấy. Người ta sẽ thu xếp để chị ngồi chính giữa, bọn con trai sẽ mang đến tận nơi những gì chị cần và chị sẽ trang hoàng tất cả những gì có thể trang hoàng.
Trong lúc chờ đợi chị chạy qua những tiệm bán giày để tìm cho ra một đôi “xăng-đan kín mũi màu trắng”. Đích thân cô dâu muốn nhìn đám phù rể diện giày đồng bộ. Đây là chuyện nghi lễ trong một đám cưới ở nhà thờ kia mà. Không tìm đâu ra xăng-đan trắng vào cái tầm cuối tháng Tám này. “Nhưng thưa bà, giờ các cháu đang chuẩn bị khai trường đấy thôi.” Rốt cuộc chị cũng tìm được một đôi nom không được đẹp cho lắm và còn cỡ rộng.
Chị nhìn thằng nhóc lớn đùng của chị đang tạo dáng oai phong trước gương trong cửa tiệm cùng thanh kiếm gỗ giắt nơi đỉa quần sóc lửng và đôi giày mới. Đối với thằng bé, đó là đôi ủng vũ trụ của những vòng khuyên laze, điều đó thì khỏi phải nói. Chị thấy thằng con thật bảnh với đôi xăng-đan rất kinh khủng đó.
Bỗng nhiên, chị bị thúc vào bụng. Một cú thúc từ bên trong.
Chị vẫn thường cảm nhận những chấn động, những chuyển dịch, những co duỗi từ bên trong nhưng đây là lần đầu tiên cái thai “máy” rõ ràng đến thế.
- … Này bà? Này bà? … Thế là xong rồi chứ ạ?...
- À vâng, tất nhiên rồi, tôi xin lỗi.
- Có sao đâu, thưa bà. Cậu nhóc này, cháu có muốn lấy một quả bóng không?
Ngày Chủ nhật, chồng chị hí hoáy sắp đặt lại nhà cửa. Anh bố trí một phòng nhỏ trong gian mà họ vẫn thường phơi phóng vải vóc. Như thường lệ, anh nhờ ông anh trai tới giúp một tay. Chị đã mua sẵn bia và đang luôn miệng la mắng thằng nhỏ không được làm vướng chân bố và bác nó.

Trước khi đi ngủ, chị lật qua mấy cuốn tạp chí kiến trúc để tìm ý tưởng trang trí căn phòng. Dù sao cũng chẳng việc gì phải vội.
Họ không nhắc đến chuyện đặt tên vì hai vợ chồng chưa thật sự thống nhất, cũng vì cả hai đều biết rõc hị sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng… vậy thì nhắc để làm gì cơ chứ?

Thứ năm, ngày 20 tháng Tám, chị phải đi khám định kỳ lần kỳ tháng thứ sáu. Rầy rà chết đi được.
Thật không đúng lúc chút nào vì còn vướng chuyện chuẩn bị cho hôn lễ. Nhất là ngay sáng hôm đó, cô dâu chú rể đã lặn lội sang tận Rungis và khuân về hàng núi hoa. Người ta đã phải trưng dụng hai cái bồn tắm trong nhà và cả bể bơi bằng nhựa dẻo của bọn trẻ để giữ cho hoa được tươi.
Quãng hai giờ chiều, chị đặt kéo tỉa xuống, tháo bỏ tạp dề và dặn họ để mắt đến thằng bé đang ngủ trong căn phòng sơn màu vàng. Nếu thằng con thức dậy mà chị chưa về, mấy đứa lo chuẩn bị bữa điểm tâm chiều cho thằng bé được chứ? Không, không, chị sẽ nhớ mua bánh mì này, keo dán Super này và cả sợi cọ nữa.
Sau khi tắm rửa xong, chị bê cái bụng tròn vo ngồi vào sau tay lái.
Chị nhấn nút bật radio gắn trong xe và tự nhủ rằng xét cho cùng, quãng thời gian tạm nghỉ này cũng không tệ lắm, bởi vì nhiều phụ nữ ngồi xúm quanh một cái bàn với đôi tay bận rộn rồi thế nào cũng sinh chuyện. Chuyện lớn, chuyện nhỏ đủ cả.

Trong phòng chờ, đã có hai phụ nữ khác ngồi. Trò chơi lý tưởng trong trường hợp này là thử đoán xem họ đang mang thai tháng thứ mấy, dựa vào hình dáng cái bụng bầu.
Chị đọc một tờ Paris Match cũ rich, từ thời Johnny Hallyday vẫn chưa ly dị Adeline.
Đến lượt chị vào khám, gặp ngay cái bắt tay thân thiện, bà khỏe chứ? Tôi vẫn khỏe, cảm ơn, còn bác sĩ? Chị đặt túi xách sang một bên rồi ngồi xuống. Bác sĩ gõ mổ cò tên chị vào máy tính. Giờ thì ông ta đã biết chị tắt kinh được bao nhiêu tuần và tất cả những diễn biến tiếp sau đó.
Kể đến, chị trút bỏ quần áo. Ông ta giở giấy tờ để trên bàn khi chị lên bàn cân rồi do huyết áp. Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm “giám sát” nhanh để khám tim. Khám xong, ông sẽ quay ra máy tính để nhập thêm dữ liệu.

Các bác sĩ phụ khoa có mánh khóe của riêng họ. Khi người phụ nữ đã nằm trên giường khám, hai chân gác lên bàn đạp, họ sẽ đưa ra một tá những câu hỏi bất ngờ để ngời ấy quên đi, dù chỉ trong giây lát, cái tư thế hoàn toàn bất nhã này.
Đôi khi mánh khóe này cũng tỏ ra phần nào hiệu quả, còn đa phần là không hiệu quả chút nào.
Thì đây, bác sĩ hỏi chị có cảm giác thai máy không, ban đầu chị đáp rằng có thấy nhưng ngày càng thưa đi, chị không thể nói cho hết câu bởi chị thấy rõ rằng bác sĩ không lắng nghe chị nữa. Hiển nhiên là ông ta hiểu. Ông ta lượt tay trên mấy cái nút của máy để qua mặt chị nhưng ông ta đã hiểu sự thể.
Ông ta xoay màn hình sang hướng khác nhưng những động tác của ông ta trở nên đột ngột thô bạo và nét mặt ông bỗng chốc già sọm đi. Chị chống tay nhỏm người dậy và đến lượt mình chị cũng đã hiểu ra nhưng vẫn hỏi: có chuyện gì vậy?
Ông ta bảo chị “ Bà mặc lại quần áo đi” như thể chưa hề nghe thấy câu chị vừa hỏi, còn chị, chị vẫn gặng hỏi: có chuyện gì vậy? Ông ta đáp: có một vấn đề, thai nhi không còn sống nữa.
Chị mặc lại quần áo.
Khi trở lại ghế ngồi, chị nín thinh và khuôn mặt không biểu lộ chút cảm xúc. Ông ta gõ đủ thứ trên bàn phím và cùng lúc, ông ta gọi liền mấy cuộc điện thoại.
Ông ta bảo chị: “Chúng ta sẽ cùng nhau qua những giây phút không lấy gì làm vui lắm đâu.”
Ngay lúc ấy, chị không biết phải nghĩ sao về một câu nói như thế.

Khi dùng cụm “những giây phút không lấy gì làm vui”, có lẽ ông ta muốn nói đến hàng nghìn lần lấy mẫu máu rồi đây sẽ để lại cho chị một cánh tay nát tươm, chi chit dấu kim tiêm, hay buổi siêu âm ngay ngày hôm sau, những hình ảnh hiện thị trên màn hình và tất cả những kết quả kiểm tra để hiểu cái điều bản thân ông sẽ không bao giờ hiểu. Nếu không thì “những giây phút không lấy gì làm vui” ấy ám chỉ cuộc xổ thai khẩn cấp nội trong đêm Chủ nhật với một bác sĩ trực hơi chút phật ý vì đến giờ này rồi mà vẫn còn bị đánh thức.
Vâng, “những giây phút không lấy gì làm vui” nó là như thế đấy, nó là phải tống xuất cái thai ra trong đau đớn cùng cực và không hề được gây mê bởi vì lúc đó đã quá muộn. Đau đến mức phát nôn mửa thay vì rặn như người ta chỉ đạo. Nhìn ông chồng bất lực và quá đỗi lóng ngóng vụng về đang vuốt vet ay mình và rồi cuối cùng là nhìn thấy nó xổ ra, cái bào thai đã hết sự sống ấy.
Hoặc gải, “những giây phút không lấy gì làm vui” đó là ngày hôm sau nằm lả trong một căn phòng của nhà hộ sinh với cái bụng rỗng tuếch và tiếng trẻ con sơ sinh khóc oe oe vọng sang từ phòng kế bên.
Điều duy nhất chị sẽ không thể ký giải được, đó là tại sao ông ta lại nói “chúng ta sẽ cùng nhau trải qua những giây phút không lấy gì làm vui lắm đâu.”
Ngay lúc này, ông ta đang điền tiếp hồ sơ của chị và đùng một cái, ông ta quay sang chuyện phân tích bào thai tại Paris ở trung tâm gì-gì-đấy nhưng chị đã không còn nghe ông ta nói gì một lúc rồi.
Ông ta bảo: “Tôi khâm phục sự bình tĩnh của bà.” Chị lặng thinh không đáp.
Chị rời phòng khám bằng lối cửa sau vì không muốn lại đi ngang qua phòng chờ.

Chị sẽ khóc rất lâu khi ngồi vào trong xe nhưng có một điều chị dám chắc, đó là chị sẽ không làm hỏng buổi hôn lễ. Đối với những người khác, nỗi bất hạnh của chị dẫu sao vẫn có thể chờ thêm hai ngày nữa.

Vào thứ Bảy, chị mặc chiếc áo bằng vải lanh với hàng khuy bé xíu bằng xà cừ.
Chị mặc quần áo cho thằng con và chụp ảnh ngay vì chị quá hiểu một bộ cánh như thế, bộ cánh của Tiểu Huân tước Fauntleroy, sẽ chẳng trụ được bao lâu trong tay thằng bé.
Trước khi đến nhà thờ dự lễ, họ dừng ở phòng khám để chị uống, dưới sự giám sát ngặt nghèo, một trong những viên thuốc kinh khủng sẽ trục xuất mọi bào thai, bất kể nó hình thành có theo mong muốn hay không.

Chị ném gạo vào đôi tân lang tân nương rồi chị dạo bước trên lối đi rải sỏi được cào gọn ghẽ với một ly sâm panh trong tay.
Chị chau mày khi nhìn thấy Tiểu Huân tước Fauntleroy đang tu cả chai nước ngọt và thầm lo những bó hoa. Chị lịch thiệp hỏi han mọi người vì đây chính là nơi thích hợp và thời điểm thích hợp cho những việc tương tự.
Và ngay lúc đó, người kia thình lình xuất hiện, một thiếu nữ xinh đẹp rạng ngời chị chưa hề quen biết, hẳn là họ hàng nhà trai.
Cử chỉ hoàn toàn tự nhiên, cô ấy ấp hai tay lên bụng chị mà rằng: Chị cho phép chứ? … Người ta nói làm thế để lấy khước…”

Bạn còn muốn chị làm gì bây giờ? Dĩ nhiên là chị cố gượng cười với cô thiếu nữ.


Chú thích:

(1) Viết tắt của Interruption Involontaire de Grosesse: Đình chỉ thai nghén không mong muốn.
(2) Viết tắt của Hormone gonadotroque: Hóc môn thúc sinh dục màng đệm (Chú thích của tác giả)

<< - 5 - | - 7 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 257

Return to top