Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tập Truyện ngắn >> Giá đâu đó có người đợi tôi

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 8861 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Giá đâu đó có người đợi tôi
Anna Gavalda

- 10 -

TÔI SẼ THẤY KHÁ HƠN nếu được đánh một giấc nhưng tôi không thể.
Hai tay tôi run lên.
Tôi nghĩ mình nên viết một bản tường trình.
Tôi có thói quen đó. Tuần nào tôi cũng viết một bản tường trình, vào chiều thứ Sáu, để trình lên cấp trên của tôi là Guillemin.
Còn bây giờ, bản tường trình này sẽ viết cho riêng tôi.
Tôi tự nhủ: “nếu mày kể chi tiết mọi chuyện, nếu mày tiến hành cẩn thận, cuối cùng khi mày đọc lại những gì đã viết, mày có thể chỉ trong vòng hai giây sẽ tin rằng tên ngốc trong câu chuyện này là một gã đàn ông khác chứ không phải mày và đến đó, mày có thể tự đánh giá bản thân một cách khách quan. Có lẽ vậy.”
Vậy nên tôi có mặt ở đây. Tôi đang ngồi trước chiếc máy tính xách tay loại nhỏ của mình, tôi vẫn thường dùng nó để làm việc, tôi nghe có tiếng máy rửa bát đang hoạt động.
Vợ và các con tôi đã nằm trong giường từ lâu. Bọn trẻ, tôi biết, chúng đã ngủ rồi, vợ tôi thì chắc chắn là chưa. Cô ấy đang chờ tôi. Cô ấy cố tìm cách để hiểu. Tôi nghĩ cô ấy sợ bởi vì cô ấy biết đã mất tôi. Linh cảm phụ nữ thường rất chính xác trong những tình huống kiểu này. Nhưng tôi không thể đến nằm cạnh cô ấy và ngủ thiếp đi được, cô ấy biết rõ điều đó. Bây giờ tôi viết tất cả những chuyện này để dành cho hai giây có lẽ sẽ trở nên vô cùng hệ trọng, nếu tôi làm được.
Tôi bắt đầu từ đầu.
Tôi đầu quân cho hãng Paul Pridault từ ngày mùng một tháng Chín năm 1995. Trước đó tôi làm việc cho hãng đối thủ cạnh tranh của Paul Pridault nhưng đã có quá nhiều tiểu tiết gây bực bội tích tụ lại theo thời gian, ví như việc chi trả hóa đơn bị chậm lại những sáu tháng, tôi liền bỏ việc luôn.
Mất gần một năm trời tôi không tìm được việc làm.
Mọi người ai cũng nghĩ trong quãng thời gian đó, tôi sẽ cuống cuồng sải bước trong nhà để chờ một cú điện thoại từ văn phòng môi giới việc làm nơi tôi đã đăng ký tìm việc.
Ấy vậy mà đó là một thời kỳ lưu lại trong ký ức như một kỷ niệm đẹp. Cuối cùng tôi đã có thể hoàn thành việc sửa sang ngôi nhà. Tất cả những gì Florence đã nhờ tôi làm bấy lâu nay: tôi đã treo hết các thanh rèm, sửa lại vòi hoa sen trong căn phòng nhỏ trong cùng, thuê một chiếc máy cắt cỏ và lật hết đất vườn lên để thay vào đó một lớp cỏ mới tinh và đẹp mắt.
Buổi chiều, tôi lái xe đến nhà bà giữ trẻ đón Lucas rồi hai bố con ghé qua đón chị gái Lucas tan trường. Tôi chuẩn bị cho hai đứa hai suất điểm tâm chiều thịnh soạn với sôcôla nóng. Không phải loại pha sẵn hiệu Nesquick, mà là cacao chính hiệu quấy đều vẽ lên mặt bọn trẻ những vệt ria tuyệt đẹp. Rồi khi vào phòng tắm, chúng sẽ tự ngắm mình trong gương trước khi liếm sạch.
Vào tháng Sáu, khi nhận ra rằng thằng nhóc Lucas không phải gửi ở nhà bà Ledoux nữa vì nó đã đến tuổi đi mẫu giáo, tôi lại bắt đầu tìm việc làm một cách nghiêm túc và đến tháng Tám, tôi tìm được việc làm.
Tại hãng Paul Pridault, tôi là nhân viên kinh doanh phụ trách toàn bộ khu vực miền Tây. Đó là một hãng lớn chuyên về các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Như một cửa hàng bán thịt, bạn gọi như vậy cũng không sai, nhưng quy mô lớn hơn nhiều.
Phát kiến thiên tài của ông Pridault, đó là món giămbông được bọc trong một tấm vải carô đỏ trắng thứ thiệt. Dĩ nhiên đó là thứ giămbông được sản xuất hàng loạt từ thịt lợn nuôi kiểu công nghiệp, đó là chưa kể tấm khăn trứ danh còn được chế tác thủ công tại Trung Quốc, vậy mà hãng được biết đến chính là nhờ sản phẩm giămbông này và giờ đây - mọi nghiên cứu điều tra thị trường đã chứng minh điều đó - nếu bạn hỏi một bà nội trợ bất kỳ đang đẩy xe chọn hàng trong siêu thị về cái mà nhãn hiệu Paul Pridault gợi lên cho họ, họ sẽ trả lời “món giămbông bọc khăn” và nếu bạn để ý tìm hiểu thêm, bạn sẽ biết rằng giămbông bọc khăn tất nhiên là ngon hơn các loại khác vì nó mang mùi vị đặc trưng của món giămbông.
Hoan hô nghệ nhân.
Doanh thu hàng năm của hãng sau khi trừ các khoản chi phí đạt ba mươi lăm triệu quan.
Quá nửa thời gian trong tuần tôi ngồi sau tay lái của chiếc xe công vụ. Một chiếc Peugeot 306 màu đen với mỗi bên một hình vẽ chiếc đầu lợn đang cười nhăn nhở.
Người bình thường không hiểu chút gì về cuộc sống của những người rong ruổi trên đường, cánh lái xe tải đường trường và tất cả những người chào hàng.
Như thể trên đường lộ tồn tại hai thế giới hoàn toàn khác biệt: những người dạo chơi và chúng tôi.
Đó là một tổng thể hài hoà của nhiều thứ. Đầu tiên là mối quan hệ với phương tiện di chuyển của mình.
Từ chiếc Clio 1 L2 cho tới cỗ xe khổng lồ đầu kéo rơ-moóc của Đức, một khi ta đã ngồi vào bên trong thì đó chính là nhà. Mùi của ta, đống đồ đạc bừa bộn của ta, vết lõm trên mặt ghế vừa khít với mông ta và vấn đề không phải là lấy làm khoái trá với tất cả những thứ ấy. Chưa kể CB(1) là một vương quốc rộng bao la và đầy bí ẩn với những luật lệ ít ai hiểu được. Tôi không mấy khi dùng đến hệ thống này, thỉnh thoảng còn đặt chế độ chặn sóng khi thông tin do tổng đài cung cấp không được chính xác nhưng chỉ thế thôi, không hơn.
Cũng có tất cả những thứ liên quan đến chuyện ăn uống. Những nhà trọ của vùng Cheval Blanc, những quán ven đường, những đợt bán hàng hạ giá của L’Arche. Có những món chính trong thực đơn từng ngày, những bình xách nhỏ đựng đồ uống, những tấm khăn trải bàn bằng giấy. Tất cả những khuôn mặt mà ta từng gặp gỡ rồi sẽ không bao giờ còn gặp lại.
Và cặp mông của những cô nàng phục vụ được ghi vào danh mục, được cho điểm và cập nhật còn có phần chính xác và tỉ mỉ hơn cuốn sách chỉ dẫn Michelin nhiều. (Họ gọi đó là sách chỉ dẫn Micheline.)
Có sự mệt mỏi, những hành trình, nỗi cô đơn, những mơ mộng. Luôn là những điều ấy và chúng luôn kết thúc bằng cảm giác trống trải.
Bụng thì phệ ra từng ngày và những ả gái ăn sương cũng vậy.
Cả một vũ trụ tạo nên dải phân cách không thể vượt qua giữa những người dành phần lớn thời gian rong ruổi trên đường và những người không làm vậy.
Công việc của tôi đại để là đến tận nơi gặp gỡ các nghiệp chủ.
Tôi liên hệ với những người phụ trách quầy thực phẩm của những cửa hàng quy mô lớn và vừa. Chúng tôi cùng nhau hoạch định chiến lược tiêu thụ hàng hoá và những cuộc họp cung cấp thông tin về sản phẩm.
Đối với tôi, việc này có phần giống như tôi đang khoác tay một cô gái xinh đẹp đi dạo, vừa đi vừa tán dương vẻ duyên dáng quyến rũ cùng tất cả những ngón nghề tài cán của nàng. Như thể tôi muốn tìm cho nàng một đám môn đăng hộ đối.
Nhưng gả chồng cho nàng rồi cũng chưa phải đã xong chuyện, người ta còn phải chăm sóc nàng chu đáo và mỗi khi có dịp, tôi tiến hành thử nghiệm với những cô bán hàng để xem liệu các cô ấy có bày mặt hàng ra đằng trước hay không, hay là các cô cố bán hàng mẫu dùng thử, liệu tấm khăn bọc ngoài có được giở ra đúng như trên truyền hình không, liệu những miếng dồi nhỏ có được hầm kỹ trong phần nước cô đặc hay không, liệu patê có được xếp trong các liễn kiểu cổ chính cống hay không, liệu các khoanh xúc xích có được treo như thể chúng đang được sấy khô hay không, và liệu, liệu và liệu…
Không ai để ý đến những tiểu tiết vặt vãnh này, ấy vậy mà, chính điều đó tạo nên sự khác biệt cho Paul Pridault.
Tôi biết là tôi nói quá nhiều về công việc của mình, và rằng công việc ấy chẳng có gì liên quan đến cái điều tôi đang phải viết ra.
Mặt hàng chủ yếu từ các chế phẩm từ thịt lợn nhưng tôi có thể bán kèm cả son môi hay dây giày. Điều tôi ưa thích, đó là được tiếp xúc, được thảo luận và ngắm nhìn phong cảnh từng miền. Nhất là không bị giam lỏng trong phòng làm việc với một vị sếp suốt ngày soi mói, dò xét. Chỉ cần nhắc đến chuyện đó thôi cũng đủ khiến tôi kinh hãi.
Thứ Hai ngày 29 tháng Chín năm 1997, tôi thức dậy từ sáu giờ kém mười lăm. Tôi lặng lẽ thu xếp quần áo không gây bất cứ tiếng động nào để vợ đỡ càu nhàu. Sau đó, tôi chỉ còn đủ thời gian tắm qua dưới vòi sen bởi vì tôi biết rằng xe đã cạn xăng và tôi muốn tranh thủ thời gian đổ đầy bình xăng và kiểm tra độ căng của các lốp xe.
Tôi đã uống cà phê sáng tại trạm phục vụ ôtô của Shell. Đó là điều tôi rất ghét. Mùi dầu diesel trộn lẫn mùi cà phê bỏ thêm đường luôn khiến tôi buồn nôn.
Cuộc hẹn đầu tiên của tôi là vào lúc tám giờ rưỡi sáng tại Pont-Audemer. Tôi đã giúp những người quản lý kho của Carrefour lắp đặt một kệ bày hàng mới cho loại thực phẩm đựng trong bao chân không. Đó là mặt hàng mới chúng tôi vừa hợp tác với một vị bếp trưởng vĩ đại để tung ra thị trường. (Cần phải xem những điều khoản ngoài lề đòi hỏi để chường bản mặt điển trai của mình và chiếc mũ hình trụ không vành trên bao bì, đành vậy…)
Cuộc hẹn thứ hai được dự kiến vào lúc mười giờ trong khu công nghiệp của Bourg-Archard.
Tôi hơi bị trễ giờ, chủ yếu là vì trên xa lộ có sương mù dày đặc.
Tôi đã tắt hệ thống radio bởi vì tôi cần suy nghĩ.
Tôi đang lo nghĩ về cuộc hẹn nà, tôi biết hãng mình đang bị đưa lên bàn cân với một đối thủ nặng ký và đối với tôi, đó là một thách thức lớn. Thậm chí tôi suýt nữa bỏ qua lối rẽ rời khỏi thành phố.
Mười ba giờ, tôi nhận một cú điện thoại, giọng vợ tôi vang lên hoảng hốt:
- Anh đấy à, Jean-Pierre?
- Em còn muốn ai vào đây nữa nào?
- … Lạy Chúa tôi… Anh ổn chứ?
- Sao em lại hỏi vậy?
- Vì vụ tai nạn chứ còn sao nữa! Hai giờ qua em đã cố gọi vào di động của anh nhưng tổng đài nói rằng mọi đường dây đều nghẽn mạch! Hai giờ qua em đã ngồi đó mà nơm nớp lo đến phát bệnh! Em đã gọi đến phòng làm việc của anh ít nhất là mười lần! Nhưng quỷ tha ma bắt! Anh đã có thể gọi cho em kia mà, đến phút cuối anh vẫn còn khiến người khác phải lo nghĩ…
- Nhưng hượm đã nào, em định nói với anh chuyện gì vậy… em định nói chuyện gì thế?
- Về vụ tai nạn xảy ra trên đường A13 hồi sáng nay. Không phải hôm nay anh đi tuyến ấy hay sao?
- Nhưng vụ tai nạn nào kia chứ?
- Em đang mơ hay sao thế!!! Chính ANH mới là người suốt ngày nghe France Info kia mà!!! Cả thế giới này chỉ có chuyện đó thôi. Trên truyền hình cũng vậy! Về vụ tai nạn khủng khiếp diễn ra hồi sáng nay gần Rouen.
-…
- Thôi, em gác máy đây, em còn bao nhiêu việc phải làm… Từ sáng tới giờ em chẳng làm được gì cho ra hồn, em cứ nghĩ mình thành quả phụ đến nơi. Em đã hình dung ra cảnh mình đang ném một nắm đất xuống lỗ huyệt. Mẹ anh gọi cho em, mẹ em cũng gọi cho em… Một buổi sáng thật khó tin.
- Ôi không! Anh xin lỗi… chắc không phải lần này! Cần phải đợi thêm một thời gian nữa để mẹ anh thôi không làm phiền em.
- Đồ ngốc.
- …
- Flo này…
- Gì vậy?
- Anh yêu em.
- Anh chưa bao giờ nói thế với em.
- Rồi sao? Vậy thì anh đang làm gì thế này?
- … Thôi nào… hẹn anh tối nay nhé. Hãy gọi lại cho mẹ anh, nếu không chính bà sẽ tìm cách liên lạc với anh đấy.
Mười chín giờ, tôi ngồi xem chương trình điểm tin tức vùng. Thật ghê rợn.
Tám người chết và sáu mươi người bị thương.
Ôtô bị nghiền nát như những con vịt mái non.
Bao nhiêu xe?
Năm mươi? Một trăm?
Những chiếc xe tải hạng nặng bị lật nghiêng và cháy trụi. Hàng chục và hàng chục xe tải cứu thương của Dịch vụ cấp cứu SAMU được điều động. Một nhân viên cảnh sát đang nhắc đến sự bất cẩn, lỗi vi phạm tốc độ giới hạn, về hiện tượng sương mù đã được dự báo từ hôm qua và vài thi thể vẫn chưa được nhận dạng. Những khuôn mặt nhớn nhác, lặng lẽ, đầm đìa nước mắt.
Hai mươi giờ, tôi nghe mục điểm báo kênh TF1. Lần này, con số nạn nhân thiệt mạng đã lên tới chín người.
Florence từ trong bếp kêu lên:
- Anh đừng nghe những tin tức đó nữa! Thôi đi! Lại đây với em nào.
Chúng tôi chạm cốc ăn mừng trong bếp. Nhưng chỉ là để cô ấy vui lòng chứ tôi không thiết tha vì chuyện ăn mừng ấy.
Bây giờ tôi mới thấy sợ. Tôi đã không thể nuốt nổi miếng nào và choáng váng như một võ sĩ quyền Anh lúc di chuyển quá chậm chạp.
Vì tôi không thể chợp mắt được nên vợ tôi đã nhẹ nhàng ân ái với tôi.
Nửa đêm, tôi lại ra phòng khách ngồi. Tôi bật tivi nhưng tắt hết tiếng và lục khắp nơi tìm một điếu thuốc lá.
Mời hai giờ rưỡi đêm, tôi tăng âm lượng lên chút ít để nghe bản tin cuối ngày. Tôi không thể rời mắt khỏi đống tôn vụn rơi tung toé trên hai làn đường dành cho xe hơi.
Thật là ngu xuẩn.
Tôi tự nhủ: con người ta thật ngu ngốc quá đi.
Và rồi một tài xế xe tải đường trường xuất hiện trên màn hình. Anh ta mặc một chiếc áo phông có ghi dòng chữ Le Castellet. Tôi sẽ không bao giờ quên khuôn mặt anh ta.
Tối hôm ấy, trong phòng khách nhà tôi, chàng trai ấy đã nói:
- Đồng ý là có sương mù và chắc chắn là mọi người chạy xe quá nhanh nhưng vụ tai nạn liên hoàn này sẽ không bao giờ xảy ra nếu gã khốn ấy không cho xe chạy lùi để rẽ vào lối ra khỏi Bourg-Achard. Ngồi trong khoang lái nhìn ra, tất nhiên là tôi đã chứng kiến từ đầu đến cuối. Có hai chiếc xe chạy cạnh tôi đã giảm tốc độ và rồi tôi nghe thấy những chiếc khác húc dúi dụi vào nhau như một trò đùa. Các vị muốn tin hay không thì tuỳ nhưng tôi không nhìn thấy gì qua kính chiếu hậu. Không gì cả. Sương mù trắng xoá. Tao hy vọng vụ tai nạn này sẽ khiến mày phải mất ngủ, đồ đểu cáng ạ.
Đó là câu anh ta đã nói với tôi. Chính tôi.
Chính tôi, Jean-Piere Faret, đang trần trụi ngồi trong phòng khách nhà mình.
Đó là ngày hôm qua.
Hôm nay, tôi đã mua tất cả báo chí ra trong ngày. Trang ba của tờ Figaro ra ngày thứ Ba 30 tháng Chín:
MỘT THAO TÁC VẬN HÀNH XE SAI QUY CÁCH ĐÁNG NGỜ
“Một người điều khiển phương tiện giao thông đã thao tác vận hành sai quy cách khi cho xe chạy lùi tại ngã tư phân tầng Bourg-Achard (Eure), có thể là nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn liên hoàn khiến chín nạn nhân thiệt mạng hồi sáng hôm qua trong một loạt những vụ va chạm trên xa lộ A13. Sai lầm này đã gây ra vụ va chạm đầu tiên, trong làn đường từ tỉnh về Paris, và đám cháy phát ra từ chiếc xe tải chở nhiêu liệu ngay sau đó. Những ngọn lửa liền thu hút sự chú ý của…”
Và trang ba của tờ Parisien:
GIẢ THUYẾT ĐÁNG SỢ VỀ MỘT THAO TÁC VẬN HÀNH XE SAI QUY CÁCH.
Sự bất cẩn, thậm chí là sự vô ý thức, của một người điều khiển xe bốn chỗ có thể là nguyên nhân dẫn đến tấn thảm kịch mà dấu vết là đống tôn bị nghiền nát trên xa lộ A13, trong vụ việc này đã có ít nhất chín người đã thiệt mạng. Trên thực tế, cảnh sát đã thu thập được một lời chứng reo rắc kinh hoàng, theo đó, một chiếc xe đã cài số lùi để bắt kịp lối ra khỏi Bourg-Achard, cách Rouen chừng hai mươi cây số. Chính là để tránh chiếc xe này mà những…”
Và như thể trên dòng trên đây là chưa đủ…:
“Trong lúc tìm cách băng qua đường để sơ cứu cho những người bị thương, hai người khác đã bị một chiếc ô tô phóng ngang chẹt chết. Chưa đầy hai phút sau, khoảng một trăm chiếc ô tô, ba xe tải hạng nặng…”
(Libération, số ra cùng ngày.)
Thậm chí chưa đến hai mươi mét, hầu như mới chỉ vừa chờm lên những vạch kẻ màu trắng.
Thao tác đã chỉ lấy mất của tôi có vài giây. Tôi đã quên.
Chúa ơi…
Tôi không khóc.
Năm giờ sáng, Florence vào phòng khách tìm tôi.
Tôi đã kể cô ấy nghe mọi chuyện. Hiển nhiên là vậy.
Cô ấy ngồi lặng đi hồi lâu, hai tay bưng lấy mặt trong hàng phút dài dằng dặc.
Cô ấy hết nhìn sang phải rồi nhìn sang trái như thể tìm kiếm phương án giải quyết và rồi cô ấy bảo tôi:
- Hãy nghe em cho kỹ đây. Anh sẽ không hé một lời nào hết. Anh biết rằng nếu không làm thế, họ sẽ buộc anh tội giết người không chủ ý và anh sẽ phải ngồi tù.
- Đúng vậy.
- Thế thì sao? Thế thì sao nào? Chuyện ấy sẽ thay đổi gì kia chứ? Những phần đời được thêm cũng hỏng bét và chuyện ấy liệu sẽ thay đổi được gì nào?!
Cô ấy bật khóc nức nở.
- Dẫu sao đi nữa, với anh thì chuyện cũng đã là vậy rồi. Đời anh đã hỏng từ lâu rồi.
Cô ấy hét lên.
- Đời anh thì có thể thế được nhưng đời bọn trẻ thì không! Thế nên anh sẽ không khai báo gì hết!
Tôi thì tôi không thể hét lên được.
- Chúng ta hãy nói về bọn trẻ nào. Em nhìn thằng bé này đi. Hãy nhìn nó thật kỹ vào.
Rồi tôi đưa cô ấy tờ báo, trên đó người ta có thể thấy một thằng nhóc đang khóc sướt mướt trên xa lộ A13.
Một thằng nhóc đang rời khỏi chiếc ô tô bẹp rúm.
Một bức ảnh được đăng tải trên báo.
Trong mục “Sự kiện trong ngày”.
- … Thằng bé trạc tuổi Camile.
- Nhưng quỷ tha ma bắt, thôi ngay cái kiểu ấy đi!!! Vợ tôi đã hét lên như thế trong lúc túm chặt cổ áo tôi… Thôi ngay chuyện khốn kiếp ấy đi! Bây giờ anh câm miệng ngay! Tôi sẽ hỏi anh một câu. Chỉ một câu thôi. Một gã như anh đi tù thì có ích lợi gì? Hả, nói đi, việc anh ngồi tù thì có ích gì?!
- An ủi họ.
Cô ấy bỏ đi, hoàn toàn suy sụp.
Tôi nghe tiếng cô ấy chốt cửa, tự nhốt mình trong buồng tắm.
Sáng nay, đứng trước cô ấy, tôi đã gật đầu nhưng lúc này, tối nay, trong căn nhà im lìm của mình, chỉ vang lên tiếng máy rửa bát khe khẽ…
Tôi tuyệt vọng.
Tôi sẽ xuống nhà, tôi sẽ uống một ly nước và tôi sẽ ra vườn hút một điếu thuốc. Sau đó, tôi sẽ lại lên gác và tôi sẽ đọc lại một lượt tất cả những gì đã viết để xem liệu những câu chữ đó có thể giúp được tôi chăng.
Nhưng tôi không tin vào điều ấy.
-

Chú thích:
(1) Viết tắt của Citizen Band: dải tần số radio, chủ yếu dùng để đảm bảo thông tin liên lạc giữa các phương tiện giao thông.

<< - 9 - | - 11 - >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 173

Return to top