Saint-Germain-Des-Près!? … Tôi biết bạn sẽ nói gì: “Chúa ơi,nhưng đó là một nơi quá quen thuộc, cô em của tôi ạ, Sagan đã làm điều đó trước cô em lâu rồi và giỏi hơn cô em gấp vaaaạan lần!”
Tôi biết.
Nhưng bạn còn muốn gì nữa nào … tôi không chắc tất cả những chuyện đó sẽ xảy đến với mình trên đại lộ Clichy, vậy đó. Đời là thế mà.
Nhưng hãy giữ những suy nghĩ cho riêng bạn và hãy nghe tôi kể vì linh cảm mách bảo tôi rằng câu chuyện này sẽ làm bạn rất thích thú.
Bạn ưa thích những câu chuyện lãng mạn. Khi mơn trớn trái tim bạn với những buổi tối đầy hứa hẹn, những anh chàng ấy khiến bạn tin rằng họ độc thân và có đôi chút bất hạnh.
Tôi biết các bạn thích như vậy. Âu cũng là lẽ đương nhiên, vậy mà thậm chí bạn không thể đọc những cuốn tiểu thuyết của nhà Harlequin chất đống trên bàn ở quán Lipp hay Duex-Magots. Dĩ nhiên là không, bạn không thể.
Vậy đấy, sáng nay tôi đã gặp một anh chàng trên đại lộ Saint-Germain.
Tôi ngược lên phía đầu đại lộ còn anh ta đi xuôi xuống. Chúng tôi đi bên dãy số chẵn, phía sang trọng hơn của đại lộ.
Tôi đã để ý anh ta từ xa bước lại. Tôi cũng không biết tại sao, có lẽ do dáng đi hơi uể oải hoặc do hai vạt áo măng tô của anh ta bay phấp phới phía đằng trước… Tóm lại, tôi đang ở cách anh chàng hai mươi mét và tôi đã biết mình sẽ không bỏ lỡ mục tiêu này.
Không sai chút nào, khi đi ngang qua chỗ tôi, tôi thấy anh chàng đang nhìn mình. Tôi bắn cho anh chàng một nụ cười lém lỉnh, kiểu như mũi tên của thần tình yêu nhưng ý tứ hơn một chút.
Anh chàng cũng cười lại với tôi.
Bước tiếp con đường của mình, vẫn mỉm cười, tôi nghĩ đến bài xonê Người thiếu phụ qua đường của Baudelaire (ban nãy với Sagan, các bạn hẳn đã nhận thấy tôi có cái người ta gọi là tầm chương trích cú!!!). Tôi bước chậm lại để cố nhớ… Cao ráo, mảnh mai, nhuốm vẻ đau buồn vì đang chịu tang… đoạn sau thế nào tôi không nhớ nữa… đoạn sau… Người thiếu phụ qua đường, bàn tay kiều diễm đưa lên, chỉnh lại những đường viền thuê nơi cổ áo.. và đoạn kết… ôi nàng, người ta yêu dấu, ôi nàng người đã thấu tình ta.
Lần nào việc nhớ lại nguyên văn để trích dẫn cũng làm cho tôi kiệt sức.
Vào trong khoảng thời gian ngây thơ thánh thiện đó, tôi cảm thấy ánh mắt của thánh Sebastien (đây là sự liên hệ với chi tiết mũi tên của thần tình yêu vừa nãy, ấy, phải bám theo mạch chuyện chứ, phải không nào!?) vẫn dõi theo sau lưng. Nó dịu dàng hâm nóng hai bờ vai tôi nhưng thà chết còn hơn là quay người lại, điều đó sẽ làm hỏng hết cả bài thơ.
Tôi dừng lại bên lề đường để quan sát dòng xe cộ, tìm cách qua đường ở đoạn cắt với phố Saints-Peres.
Lưu ý: một quý cô Paris tự tôn đứng trên đại lộ Saint-Germain không bao giờ sang đường trên những vạch màu trắng khi đèn giao thông đang ở màu đỏ. Một quý cô Paris tự tôn chỉ quan sát dòng xe cộ một thoáng rồi lao sang bên kia đường trong khi biết rõ rằng mình đang liều lĩnh.
Liều chết vì những tủ kính bày hàng hiệu Paule Ka. Thật tuyệt.
Tôi lao ra đường đúng lúc một giọng nói giữ tôi lại. Tôi sẽ không miêu tả cho các bạn rằng đó là “một giọng nói ấm áp và rắn rõi” để làm hài lòng các bạn, không phải trong trường hợp này. Chỉ là một giọng nói thôi.
- Xin lỗi…
Tôi ngoảnh lại. Ôi, nhưng ai thế này?... Con mồi tuyệt ngon của tôi khi nãy.
Trước khi kể tiếp cho các bạn nghe ngay sau đây, phải nói là kể từ lúc đó, việc trích dẫn Baudelaire của tôi thế là hỏng bét.
- Tôi tự hỏi liệu cô có nhận lời ăn tối với tôi tối nay chăng…
Tôi tự nhủ thầm: “Thật lãng mạn…”, nhưng tôi lại trả lời:
- Làm thế hơi nhanh, phải không nào?
Anh chàng đứng đó, đối đáp sát sạt và tôi thề với các bạn đó là sự thật.
- Tôi đồng ý với cô, làm thế quả có nhanh thật. Nhưng trong lúc nhìn cô đi xa dần, tôi tự nhủ: thật ngớ ngẩn quá đi thôi, một cô gái mà mình gặp trên đường đang đứng ngay kia, mình cười với cô ấy, cô ấy cười với mình, chúng ta lướt qua nhau và chúng ta sẽ lạc mất nhau… Điều ấy quá ngớ ngẩn, mà cũng không hẳn, thậm chí là phi lý.
- ….
- Cô nghĩ sao về chuyện này? Những gì tôi vừa nói với cô là hoàn toàn ngu ngốc sao?
- Không, không, hoàn toàn không phải thế.
Chính tôi bắt đầu cảm thấy hơi mất tự nhiên…
- Thế nào? … Cô nghĩ sao về chuyện này? Tại đây, đằng kia, tối nay, lát nữa, lúc 9h, ngay tại chỗ này đây?
Phải tỉnh táo lại đi, cô em, nếu cô em phải dùng bữa tối với tất cả những gã cô em đã gặp và mỉm cười thì giờ này cô em vẫn chưa bước chân ra khỏi quán ăn đâu…
- Hãy cho tôi, dù chỉ một lý do duy nhất, để chấp nhận lời mời của anh.
- Một lý do duy nhất… Chúa ơi… chuyện này mới khó làm sao…
Tôi đắc chí nhìn anh chàng.
Và rồi không một lời báo trước, anh ta tóm lấy tay tôi:
- Tôi tin mình đã tìm được một lý do nghe chừng hợp lý đây…
Anh ta đưa tay tôi lướt nhẹ qua cái cằm chưa cạo râu:
- Một lý do duy nhất. Nó đây: hãy nói đồng ý, để tôi có dịp cạo râu… Thật lòng mà nói, tôi nghĩ là tôi trông bảnh bao hơn nhiều một khi đã cạo râu tử tế.
Rồi anh ta buông tay tôi ra.
- Đồng ý, tôi nói.
- May quá là may! Hãy cùng tôi qua đường nhé, xin cô đấy, tôi không muốn lạc mất cô lúc này.
Lần này, chính tôi nhìn anh chàng đi theo hướng ngược lại, hình như anh chàng đang xoa xoa hai má như một gã trai vừa thương lượng được một vụ làm ăn béo bở…
Tôi chắc chắn là anh chàng hẳn phải rất hài lòng về bản thân. Anh ta có lý.
Vào cuối buổi chiều có hơi bồn chồn một tí, phải thú nhận là thế.
Kẻ gieo gió ắt phải gặp bão đang không biết phải ăn mặc như thế nào. Áo vải pha ni lông thôi vậy.
Một thoáng căng thẳng giống như một cô nàng tập sự biết kiểu đầu của mình đã hỏng.
Tôi làm việc, tôi trả lời điện thoại, tôi gửi fax, tôi hoàn thành một bản mẫu cho nhà thiết kế hình ảnh (khoan đã, nhất định là thế rồi… một cô gái xinh xắn đáng yêu và sắc sảo mà gửi fax ngay gần Saint-Germain-des-Pres thì làm việc trong ngành xuất bản, hẳn nhiên rồi…)
Mấy đầu ngón tay tôi tê cóng và tôi buộc mình lặp lại tất cả những gì người ta nói với tôi.
Hít thở đi cô em, hít thở đi nào…
Vào lúc nhá nhem tối, lượng xe cộ lưu thông trên đại lộ giảm và mọi xe ôtô đều đã bật đèn.
Các quán cà phê thu dọn bàn ngoài sân trời, người chờ nhau trước sân nhà thờ, kẻ xếp hàng trước rạp Beauregard mua vé xem bộ phim mới nhất của Woody Allen.
Tôi mà đến trước thì chẳng ra làm sao. Không. Mà thậm chí tôi sẽ đến muộn một chút ấy chứ. Để người ta phải khao khát mình chút xíu vẫn hơn.
Vậy thì tôi sẽ uống thứ gì đó để mấy ngón tay đỡ tê cái đã.
Không vào Deux-Magots, buổi tối vào quán đó thì hơi quê, chỗ đó chỉ có mấy mụ đầm Mỹ béo ị dò xét tinh thần của Simone de Beauvoir. Tôi sẽ lên phố Saint-Bernoi. Quán Le Chiquito là đắc địa nhất.
Tôi đẩy cánh cửa ra và ngay lập tức: mùi bia lẫn với mùi khói thuốc lưu cữu, âm thanh của say xỉn, bà chủ quán dáng vẻ uy nghi với mái tóc nhuộm màu và chiếc áo sơ mi vải pha ni lông làm lộ ra cả cái áo lót ngoại cỡ, âm thanh nền là tiếng cuộc đua ngựa tại trường đua Vincennes, vài anh thợ nề trong bộ đồ bảo hộ đầy vết ố đang cố trì hoãn thời điểm phải đối diện cảnh cô đơn hay phải về nhà gặp vợ thêm chút nữa, và những lão khách quen móng tay vàng cáu đang làm phiền tất cả mọi người với mức tiền thuê nhà trọ trả vào thời điểm năm 48 (1) . Hạnh phúc.
Khách ngồi quầy rượu thỉnh thoảng lại quay ra nhìn và lén lút cười rinh rich với nhau như lũ học sinh trung học. Đôi chân của tôi đang sải bước trên lối đi và chúng rất dài. Lối đi khá hẹp mà váy của tôi thì rất ngắn. Tôi thấy lưng họ còng gập xuống và giật lên từng hồi.
Tôi hút một điếu thuốc, nhả khói thật xa ra phía trước. Mắt tôi nhìn xa xăm vô định. Giờ thì tôi biết con ngựa Beautiful Day có tỉ lệ đặt cược mười ăn một đã chiến thắng tại đường đua ngoài cùng bên phải.
Tôi chợt nhớ ra mình có mang theo cuốn băng Kennedy và tôi trong túi và tự hỏi liệu mình còn có thể làm gì hay ho hơn là ngồi lại đây.
Một suất thịt lợn kho mặn cùng đậu lăng và nửa bình rượu vang màu phớt hồng… Tôi mới thoải mái làm sao…
Nhưng tôi trấn tĩnh lại. Bạn đang ở đó, phía sau tôi và đang hy vọng một tình yêu (hay ít hơn? hay nhiều hơn? hoặc hoàn toàn không phải vậy?) với tôi và tôi sẽ không bỏ bạn lại với bà chủ quán Chiquito. Làm vậy kể cũng hơi khó tin.
Tôi rời quán với đôi má ửng đỏ và cái lạnh quất vào chân tôi.
Anh đứng đó, chỗ rẽ vào phố Saint-Pères, anh đang đợi tôi, anh đã nhìn thấy tôi, anh tiến về phía tôi.
- Tôi cứ sợ. Tôi đã nghĩ là cô sẽ không đến. Tôi nhìn thấy hình ảnh phải chiếu trên tủ kính bày hàng, tôi thực sự ngưỡng mộ cái cằm đã được cạo nhẵn nhụi của mình và thấy sợ.
- Tôi xin lỗi. Tôi đợi kết quả của trường đua Vincennes và quên cả giờ giấc.
- Con nào đã thắng vậy?
- Anh chơi à?
- Không.
- Chính con Beautiful Day đã thắng.
- Hẳn là thế rồi, tôi đã ngờ ngợ mà, anh mỉm cười và khoác tay tôi.
Chúng tôi cứ lặng im cuốc bộ cho đến phố Saint-Jacques. Đôi lúc, anh kín đáo liếc trộm tôi, dò xét khuôn mặt nhìn nghiêng của tôi nhưng tôi biết lúc đó, anh đang tự hỏi liệu tôi đang đi tất hay mặc quần tất thì đúng hơn.
Kiên nhẫn đi chàng trai, kiên nhẫn…
- Tôi sẽ đưa cô đến một nơi mà tôi rất thích.
Tôi biết kiểu nơi anh thích rồi... nơi ấy sẵn những tay bồi bàn cợt nhả nhưng xum xoe khúm núm, nhìn anh mỉm cười với vẻ thấu hiểu: “Chúc buổi tối tốt lành, thưa ngàiiii… (vậy ra đây là cô nàng cuối cùng … này, tôi thích cái cô tóc nâu lần trước hơn…)… thưa ngài, vẫn bàn nhỏ phía cuối như mọi khi chứ… nhưng động tác cúi đầu thật thấp, (… nhưng mà hắn kiểm đâu ra mấy con bé này nhỉ?...) Để tôi cất áo khoác cho thưa ngài chứ ạ??? Tuyêêêêệt.”
Hắn kiếm được những con bé đó ngoài đường chứ đâu, đồ ngốc.
Nhưng hóa ra lại không giống như thế chút nào.
Anh giữ cửa, nhường lối cho tôi bước vào bên trong một quán nhỏ chuyên rượu vang và một người phục vụ tỉnh táo chỉ hỏi chúng tôi có hút thuốc không. Tất cả chỉ có vậy.
Anh treo áo khoác của chúng tôi lên mắc áo và chỉ trong nửa giây rảnh rang, khi anh nhận thấy làn da mềm mại nơi ngực tôi và vai tôi, tôi biết rằng anh sẽ không phải hối tiếc về vết xước nhỏ bên dưới cằm mới cạo ban nãy, tác phẩm của đôi bàn tay phản chủ.
Chúng tôi uống một loại vang tuyệt hảo đựng trong hai chiếc ly tròn cỡ lớn. Chúng tôiđã ăn những món khá ngon miệng, đích thị được chế biến để không làm hỏng mùi vị của loại rượu chúng tôi đang thưởng thức.
Một chai vang có xuất xứ từ eo biển Nuits, đóng chai tại Gevrey-Chambertin năm 1986. Một chai rượu hảo hạng.
Người đàn ông đang ngồi trước mặt tôi đây nheo mắt lại khi uống rượu.
Giờ thì tôi đã biết thêm chút ít về anh.
Anh mặc một chiếc áo cổ lọ may bằng vải cachenmire màu xám. Một chiếc áo cổ lọ cũ rich. Có miếng vá ở hai bên khuỷu tay và một vết toạc nhỏ ở gần cổ tay phải. Có lẽ là món quà mừng sinh nhật lần thứ hai mươi… Mẹ anh, bối rối bởi cái bĩu môi có phần thất vọng, liền nói với cậu con trai: “Con sẽ không phải hối tiếc đâu, đi nào…” rồi bà vòng tay ôm ngang lưng và hôn cậu con trai.
Một chiếc áo vest rất kín đáo không có vẻ gì khác một chiếc áo vest bằng vải tuýt, nhưng vì kẻ đang quan sát nó chính là tôi đây, với đôi mắt vô cùng tinh tường của mình, tôi biết chắc đó là áo may đo. Tại chuỗi cửa hàng Old England, những cái mác thường to hơn khi hàng hóa được xuất trực tiếp từ các xưởng may gia công của Capucines và tôi đã nhìn thấy cái mác đó khi anh cúi xuống để nhặt khăn ăn của mình.
Rõ ràng anh đã cố tình đánh rơi chiếc khăn để có được lời giải đáp cho những thắc mắc về những chiếc tất. Tôi cho là vậy.
Anh nói với tôi nhiều chuyện nhưng không bao giờ tiết lộ bản thân mình. Mỗi lần tôi để tay mình chậm rãi lướt trên phần cổ, có vẻ như anh khó khăn lắm mới tìm lại được mạch của câu chuyện đang nói dở. Anh hỏi: “Còn cô?” và tôi cũng không đả động gì đến bản thân mình.
Trong lúc chờ được phục vụ món tráng miệng, bàn chân tôi chạm phải mắt cá nhân của anh.
Anh đặt tay lên tay tôi rồi đột ngột thu lại vì món nước quả lạnh đã được mang ra.
Anh nói gì đó nhưng những lời ấy không bật ra thành tiếng và tôi không nghe thấy gì hết.
Chúng tôi đang rung động.
Thật khủng khiếp. Điện thoại di động của anh vừa đổ chuông.
Vì là người đàn ông duy nhất thu hút mọi ánh mắt trong quán, anh lẹ làng tắt điện thoại. Hẳn là anh vừa phá bĩnh rất nhiều rượu ngon. Những ngụm rượu khó lòng nuốt trôi trong cổ họng tức tối. Những con người uất nghẹn, ngón tay co quắp trên cán dao ăn hay trên nếp gấp của chiếc khăn ăn trắng muốt.
Đồ đểu.
Anh bối rối. Anh bỗng cảm thấy hơi nóng nực trong chiếc áo Cachemire mẹ anh mua cho.
Anh gật đầu với người này người kia như để bày tỏ sự ngượng nghùng của mình. Anh nhìn tôi và hai vai hơi xuội xuống.
- Tôi rất lấy làm tiếc… Anh chàng vẫn cười với tôi nhưng có vẻ bớt hiếu chiến hơn.
Tôi bảo anh:
- Không sao. Đây có phải rạp chiếu phim đâu. Một ngày nào đó tôi sẽ giết người. Một người đàn ông hay một người phụ nữ nào đó trả lời điện thoại giữa buổi chiếu. Và khi anh đọc thấy mẩu tin vặt này trên báo, anh sẽ nhận ra thủ phạm chính là tôi…
- Tôi sẽ nhận ra.
- Anh hay đọc những mẩu tin vặt à?
- Không. Nhưng từ giờ trở đi tôi sẽ đọc để có cơ hội tìm thấy cô
Món nước hoa quả lạnh thật là, phải nói sao nhỉ… ngon tuyệt.
Tự tin trở lại, chàng hoàng tử quyến rũ của tôi chuyển sang ngồi cạnh tôi khi chúng tôi nhâm nhi cà phê.
Ngồi gần đến mức giờ thì sự thể đã rõ ràng. Đúng là tôi đang mang tất dài. Anh đã cảm thấy cái khuy móc nhỏ mé dưới đùi tôi.
Tôi biết rằng vào khoảnh khắc đó, anh không nhớ nổi mình sống ở đâu nữa.
Anh vén tóc tôi lên rồi hôn lên cổ tôi, đúng vào hõm nhỏ phía sau gáy.
Anh thì thầm vào tai tôi rằng anh tôn thờ đại lộ Saint-Germain, rằng anh tôn thờ rượu vang xứ Bourgogne và nước ép quả lý đen.
Tôi hôn vào vết xước nhỏ của anh. Từ bấy đến giờ tôi vẫn chờ đợi giây phút này, thế nên tôi liền thích ứng với nó ngay.
Những tách cà phê, hóa đơn thanh toán, tiền boa, áo khoác của chúng tôi, tất cả những cái đó giờ chỉ còn là tiểu tiết, tiểu tiết, tiểu tiết. Những tiểu tiết khiến chúng tôi thấy vướng víu.
Lồng ngực chúng tôi nhấp nhô liên hồi.
Anh mở rộng chiếc áo khoác màu đen của tôi và đúng lúc đó…
Tôi ngưỡng mộ cách làm của anh chàng hào hoa này, ngả mũ bái phục, thật vô cùng kín đáo, hầu như không thể nhận ra, nó quả thực đã được tính toán kỹ lưỡng và được thực thi một cách quá sức tài tình: trong lúc khoác chiếc áo lên đôi bờ vai trần của tôi, mịn mượt như lụa và đang phơi bày mời gọi, anh chộp được nửa giây cần thiết và độ nghiêng hoàn hảo về phía túi trong áo vest của mình để liếc động tin nhắn trên điện thoại di động.
Tôi bỗng tìm lại được lý trí của mình.
Đồ bắt cá hai tay.
Đồ bạc bẽo.
Ngươi đã làm gì vậy, tên khốn!!!
Ngươi còn để tâm trí đến gì nữa đây khi bờ vai của ta tròn trịa đến nhường kia, ấm áp nhường kia và tay ngươi lại kề gần nhường kia!?
Đối với ngươi, còn việc gì quan trọng hơn bộ ngực của ta đang bày ra trước mắt?
Cái gì đã quấy rầy ngươi trong khi ta đang chờ hơi thở của ngươi trên lưng ta?
Vậy mà ngươi không thể chờ đến khi đã ân ái với ta rồi mới sờ đến cái điện thoại chết tiệt của ngươi được sao?
Tôi cài nút áo khoác kín tận cổ.
Bước trên phố, tôi lạnh, tôi mệt rũ và tôi thấy nôn nao trong người.
Tôi đề nghị anh đưa tôi đến trạm đón taxi đầu tiên.
Anh hốt hoảng.
Gọi cấp cứu đi anh bạn, ngươi sẽ có những gì cần phải có.
Nhưng không. Anh vẫn kiên cường.
Làm như chưa hề xảy ra chuyện gì. Kiểu như tôi tiễn một cô bạn thân đến tận xe taxi, tôi xoa hai cánh tay của cô ấy để sưởi ấm cô ấy và buôn chuyện với cô ấy về đêm Paris.
Lịch thiệp gần như đến phút cuối, cái này thì tôi phải công nhận.
Ngay trước khi tôi ngồi vào một chiếc taxi Mercedes màu đen, biển đang ký tại Val-de-Marne, anh nói với tôi:
Nhưng… chúng ta sẽ còn gặp lại nhau chứ, phải không? Tôi thậm chí còn chưa biết cô sống ở đâu… Hãy cho tôi thứ gì đó, một địa chỉ, một số điện thoại…
Anh xé một mẩu giấy từ cuốn sổ tay và nguệch ngoạc vào con số.
- Đây, số thứ nhất là số cố định nhà tôi, số thứ hai, số di động để cô có thể liên lạc với tôi bất cứ lúc nào…
Cái đó thì tôi thừa hiểu ấy chứ.
- Nhất là đừng có ngại đấy nhé, bất cứ lúc nào, được chứ?... Tôi đợi điện thoại của cô.
Tôi bảo tài xế thả tôi xuống đầu đại lộ, tôi cần phải đi bộ.
Tôi đá vào những chiếc vỏ đồ hộp tưởng tượng.
Tôi ghét điện thoại di động, tôi ghét Sagan, tôi ghét Baudelaire và tất cả những kẻ lường gạt này.
Tôi căm ghét thói kiêu ngạo của chính mình.
Anna Gavalda
Bằng Quang dịch
Chú thích:
(1) Chế độ trợ cấp tiền thuê nhà dành cho người thất nghiệp tại Pháp, kể từ năm 1948 đến nay, mức trợ cấp này không hề được cải thiện.