39. Đường Từ sơn, Cung nữ Trúc Dung,
Chuyện vô tình cứu Hoàng Bạch Ngọc. Nhắc lại, Nguyên Thái từ biệt làng Thượng, một mình dấn bước cuối giờ Mùi, chợt nghe tiếng vó ngựa nước đại và nhạc rung tíu tít, chàng quay lại. Một cỗ xe ngựa làm cát đường bụi mù. Vột tránh sang bên, chiếc xe vượt chàng. Thoáng thấy một nữ lang cầm giây cương, giục giã như nóng ruột việc cần. Phút chốc cỗ xe và nữ lang mất dạng theo đường cong. Nguyên Thái đang thầm trách con người bất lịch sự, chỉ một chút, chàng bị xe ngựa đè bẹp, thì lại nghe tiếng vó ngực dồn dập sau lưng. Một đoàn người ngựa, nước đại trên đường bụi bay tung…Chàng vội né sang bên đường, vừa kịp hai kỵ mã rạp lưng trên ngựa vượt qua. Tấm mắt đưa theo. Thì ra một võ quan, y phục cảnh vệ Trịnh phủ, và sĩ quan tùy tùng đang phi ngựa như bay. Nghi ngờ hai người này đuổi theo nữ lang. Cỗ xe lưu ly do con ngựa tía Tử Lưu đi trước khá xa…chàng hy vọng nữ lang có thì giờ lẫn tránh. Đang phân vân, lại nghe tiếng vó ngựa rộn ràng trên đường chưa tan bụi. Sáu kỵ mã cảnh vệ đoàn đang rượt theo chủ tướng. Gần đến nơi chàng đứng, đoàn này bỗng chia đôi, bốn người tiếp tục, còn hai người giục ngựa đến Nguyên Thái. Chàng ngạc nhiên, hai người giục ngựa đến bên chàng hươi gươm tấn công như vũ bão, như cố tình sát hại. Bản tính ôn hòa, chàng chưa rút kiếm, né tránh, nói:
- Tại sao quý vị muốn hại tôi, một khách bộ hành không có liên can gì đến quý vị…
Hai người không thèm trả lời, tấn công thêm phần mãnh liệt, muốn thanh toán mau chóng. Trong chớp mắt, Nguyên Thái bỏ gói hành lý xuống đất, rút kiếm chống cự. Nghĩ thầm hai người này chẳng phải đối thủ, chàng dùng nhiều thế kiếm ác liệt, mục tiêu cặp chân hai kỵ mã. Cả hai đều bị thương, máu chảy ròng ròng, vết thương đau đớn. Nhưng hình như lệnh của chủ tướng là phải thủ tiêu chàng, nên hai người tiếp tục tấn công. Nguyên Thái nổi giận, chàng tấn công như vũ bão, bất thình tình phi thân qua mặt ngựa, con ngựa bất ngờ nhẩy lui giơ hai chân trước lên cao, tên cảnh vệ ngã lăn xuống đất. Tên thứ hai thấy thế, vội vàng giục ngựa tháo lui. Nguyên Thái phóng một mũi kiêm tiêu nhỏ vào chân ngựa. Con ngựa bị đau bất ngờ, hí một tiếng thực to, rồi hất kỵ mã xuống đất. Nguyên Thái biết là kim tiêu không làm ngựa bị thương, cho nên mới dùng kế ấy. Hai cảnh vệ xin hàng, trước mũi kiếm đe dọa của chàng:
« Thưa tráng sĩ, chúng tôi tuân lệnh chủ tướng, phải thủ tiêu tất cả nhân chứng chuyện này, nếu tráng sĩ tha mạng, chúng tôi sẽ nói.»Nguyên Thái hỏi chuyện gì. Hai người ngập ngừng, nhìn nhau, rồi một người nói:
- Chúng tôi cũng không biết rõ chuyện gì. Chỉ biết phải bắt cho kỳ được người đàn bà trên xe ngựa, trước khi người này tới phủ Từ Sơn. Bắt được phải thủ tiêu ngay, kể cả người nào trông thấy đuổi bắt -
Nguyên Thái nghi ngờ hai người này đã quen với trường hợp bị thua hay bị bắt là phải chết, chàng hỏi:
- Thế là giết bao nhiêu người rồi?. -
- Mới có một thôi, bà chủ quán trọ Bến Sông, vì đã chứa chấp người đàn bà kia. -
Nguyên Thái biết không có thì giờ hỏi thêm chi tiết, lại chưa chắc hai người nói thật, chàng buộc hai người vàomột gốc cây to, sau khi lột hết võ phục của họ.
Mặc luôn võ phục cảnh vệ Trịnh phủ rồi nhảy lên ngựa phi bay. Hết quãng đường cong, không thấy tăm dạng một ai. Đang thất vọng thì thấy vết bánh xe và vó ngựa trên ruộng khô. Giục ngựa theo. Khoảng hai trăm thước, sau một lùm cây, thấy cỗ lưu ly đổ ngược, hai bánh xe bị gẫy, không thấy con ngựa tử lưu. Chỉ thấy xung quanh xe ngổn ngang những dược thảo, và thúng rổ bẹp nát.
Nguyên Thái, nhìn nhiều vết chân ngựa chung quanh, biết là nữ lang đã lâm nguy. Chàng giục ngựa trên ruộng khô đến một ngôi miếu cổ, trong khóm cây, một nơi rất xa trong xóm làng. Bộ vỏ phục cảnh vệ chàng mặc cho nên tên canh ngoài không nghi ngờ đề phòng. Tên ấy tiếp tục tuần tiểu quanh miếu. Nguyên Thái xuống ngựa, áp dụng chiến thuật của Vũ Tấn ở Mã gia trang. Tên cảnh vệ gác ngoài ngã lăn xuống đất, chàng đỡ theo không một tiếng động. Ngó qua cánh cửa đền đóng hé. Một cảnh tượng làm chàng vô cùng lo ngại. Nữ lang bị trói treo trên cột cờ của miếu. Xiêm y rách bươm. Phía trên bị lột trần. Nhiều vết thương chảy máu ở ngực và mặt. Nữ lang đang bị tra tấn.Trên thềm miếu thủ từ bị giết nằm cong queo. Nguyên Thái biết đây là « tác phẩm » của cảnh sát Chính trị Phủ Trịnh. Thường thường bọn này hành động bí mật, ban đêm không dấu hiệu, võ phục. Việc này chắc hẳn cấp tốc lắm. Họ không kịp tổ chức kín đáo, nên đã hạ sát tất cả nhân chứng.
Một người trạc tuổi tứ tuần, người độc nhất không mang quân phục, kiếm trần cầm tay, mũi kiếm trên ngực nữ lang, vẽ vũ phu độc ác, quát tháo:
- Nếu nàng không nói, thì chính lưỡi gươm của nàng ta cầm đây, sẽ đưa nàng tới cõi Nát Bàn ngay bây giờ. Mà trước khi để cho nàng siêu sinh tịnh độ, mười hai anh hùng cảnh vệ của ta sẽ cùng nàng hưởng thụ lạc thú ở đời…-
Vũ phu nói tới đây từ từ đưa mũi kiếm xuống tới dây lưng còn giữ xiêm y của nữ lang…không thấy nữ lang trả lời, tên ấy nói:
- Ta biết hết, biết hết, sáng nay nàng từ cửa Chiêu Dương đi ra cùng một người đàn bà nhà quê gánh đôi thúng đầy dược thảo qua sông Hồng. Nàng cùng người ấy đến quán trọ Bến Sông, dùng cỗ xe ngựa Lưu Ly chạy tới đây, hẹn gặp bọn phiến loạn Song Lưu ở phủ Từ Sơn phải không ? Người đàn bà ấy ở đâu ? Giấu ở đâu, nói ngay -
Nguyên Thái nhận định tình thế. Một mình chàng khó lòng tấn công mười ba người này, mà không nguy hiểm tới nữ lang. Vô tình chàng đã bắt đầu chứng kiến hành động của ban Cảnh vệ này do Toàn Dũng Hầu chỉ huy, mà Toàn Dũng Hầu lại là kẻ thù của Cao Hùng chỉ huy cận vệ Trịnh chúa. Chính trị nội vụ thực phức tạp. Chúa mặc các cơ quan cạnh tranh, đằng nào chúa cũng thu lợi. Cảnh vệ Chính trị, dưới danh nghĩa « bí mật quốc gia », coi mạng người không bằng cỏ rác.
Chỉ còn cách lợi dụng địch bất ngờ, kiểm điểm võ khí mang theo, trong tình thế này, chỉ có quạt phóng trâm Trần Nhị Ngọc là may ra có thể gây ra những phản ứng nhầm lẫn của địch. Nguyên Thái đẩy cửa miếu đến gần viên đội trưởng và chánh cảnh vệ thường phục. Tên này thấy Nguyên Thái mang võ phục cảnh vệ quát mắng:
- Không được náo động cuộc hỏi cung…nhà ngươi nhiệm vụ gác ngoài, có việc gì ? -
Nhanh như chớp, Nguyên Thái mở quạt: năm mũi trâm bay ra, bốn trúng đích: chánh cảnh vệ thường phục, đội trưởng và hai cảnh vệ viên. Hai cảnh vệ viên đưa tay lên má và nhổ ngọn trâm. Nhưng đã quá chậm, cả bốn người ngã lăn xuống đất, bất tỉnh. Nguyên Thái rút kiếm phi thân đến cạnh nữ lang. Nhân dịp bọn cảnh vệ còn lại nhớn nhác, chưa biết xử trí thế nào, chàng cắt dây trói buộc nữ lang. Nàng kiệt sức cũng ngã sóng soài. Nguyên Thái hươi kiếm tấn công bọn cảnh vệ còn lại. Chàng mở quạt lần nữa. Bọn này hoảng sợ rút ra khỏi miếu, hèn nhát, không chiến đấu cứu chủ tướng. Nguyên Thái được thêm một bài học kinh nghiệm: những bọn tàn ác hung hãn nhất thì lại hèn nhát nhất trong nhũng trường hợp hiểm nghèo. Nếu không thế thì bọn ấy cũng thiếu trí khôn, mỗi khi không có chủ tướng, là mất hết sáng kiến chống đối tức thì.
Nguyên Thái biết là bọn kia ra khỏi miếu, tụ tập lại, thế nào cũng trở lại tấn công. Chàng vội vàng lột một bộ áo của tên cảnh vệ đang thoi thóp, mặc vào cho nữ lang, rồi vác nữ lang lên vai, chạy ra khỏi miếu, giấu vào một bụi cây kín đáo.
Quả nhiên trở lại miếu, thấy ba tên ở ngoài canh chừng, còn bảy tám tên xong vào miếu…Nguyên Thái quát to:
- Chư hiệp sĩ Song Lưu ! Chư hiệp sĩ Song Lưu, diệt địch ! diệt địch ! Dứt lời, hươi kiếm tấn công ba tên đứng ngoài. Ba tên ấy lại bình tĩnh can đảm vây đánh Nguyên Thái, trong khi bảy tám người kia khiêng các nạn nhân đặt ngang lưng ngựa.
Nguyên Thái vừa đánh vừa nghĩ thầm: Nếu ba tên này thôi tấn công, chàng sẽ dùng trâm giải độc. Hãy còn thời gian. Chàng quát lớn:
- Bọn gian ác kia, biết điều, bỏ kiếm quy hàng. Ta sẽ cứu sống đồng bạn và chủ tướng các ngươi ! Nếu các người ngoan cố, chừng mươi phút nữa không thể nào cứu chữa.-
Ba người ấy chẳng thèm nghe, cứ tiếp tục tấn công Nguyên Thái, trong khi bọn đồng bạn giục đàn ngựa phi bay về phía kinh thành. Nguyên Thái vừa chống đỡ vừa quát to:
- Ta đã bảo, bọn ngươi không nghe ! Mau mau đuổi theo bọn kia giữ lại ta sẽ đến nơi giải độc !-
Ba tên này chẳng thèm nghe, tới tấp tấn công, muốn thủ tiêu Nguyên Thái để trả thù cho chủ tướng. Nguyên Thái đành chép miệng, nhún vai, chuyển sang thế công. Hồi lâu, một tên bị thương nặng, bỏ chạy, cố sức leo lên ngựa, hai ba lần ngã xuống. Sau cùng hai tên kia rút lui, giúp bạn lên ngựa. Cả ba đuổi theo bọn đồng bạn đi trước. Nguyên Thái định lên ngựa đuổi theo để cứu bốn người bị trâm độc, chợt nhớ ra nữ lang chàng giấu trong bụi rậm, chàng ngửa mặt lên trời lẩm bẩm:
- Thôi đành để dĩ ác báo oán, có thể là công lý của trời ! Bọn này vừa giết bà chủ quán trọ Bến Sông, thủ từ miếu cổ, và dự định hãm hiếp rồi giết nữ lang -
Tới nơi giấu nữ lang, quan sát thương tích, không nặng lắm ; nhưng dễ làm độc…lại thêm nữ lang không có sức cử động tay chân. Chàng giải huyệt mà không thấy công hiệu. Hồi lâu nữ lang mấp máy đôi môi. Chàng ghé tai nghe phều phào:
- Dược thảo Hồng dược thảo ! -
Nguyên Thái giật mình, cố nghe không hiểu dược thảo nào. Chợt nghĩ ra những rổ rá dược thảo đổ bừa bãi bên cỗ xe lưu ly, chàng chạy ra nơi này, vơ vét nhanh mang về. Nữ lang không có sức nói gì thêm, chỉ còn nhìn ánh mắt nàng. Chàng liền nhắc từng thứ dược thảo đưa qua ánh mắt nàng. Chừng vài phút sau đến thứ cỏ màu hồng tím, nàng đưa mắt đồng ý. Đôi môi mấp máy, và khoé mắt ấy là chàng hiểu phải cho nàng uống hay ăn thứ cỏ ấy. Chạy kiếm chung quanh, cả trong miếu cổ, chum nước đã bị bọn cảnh vệ đập tan. Cấp tốc, quá cấp tốc, chàng chợt nghĩ ra, vội chạy về ra hiệu hỏi nữ lang. Chàng cuộn mấy nhánh cỏ Hồng Thiên vào miệng nhai hồi lâu cỏ tan vào nước miếng, chàng mớm cho nữ lang. Xong chàng nói:
- Xin lỗi, xin lỗi, nam nữ thụ thụ bất thân, tôi đã phạm tội, nhưng nhớ lại bài học của Sư mẫu Đào Ngọc Thanh, về phần cấp cứu ! Tôi biết làm thế nào khác ? -
Thứ cỏ này quả nhiên công hiệu. Mươi phút sau, nữ lang đã cử động được chân tay, tuy còn yếu đuối. Chàng hỏi có phải nhai cỏ lần thứ hai, nàng khẽ gật đầu. Chàng thi hành. Chừng mươi phút sau nữa, nàng ngồi dậy, khẽ nói:
- Khẩn cấp, khẩn cấp, xin tráng sĩ giúp tôi -
Chàng dìu nữ lang ra đặt nàng lên ngựa. Vì chỉ có một con, nàng ra hiệu chàng lên sau lưng nàng. Giục ngựa qua quãng ruộng khô, sang bên kia đường cái quan. Đến một lạch khô sau bụi cây: Một thiếu phụ y phục nâu sống, ôm chặt đứa con mới sinh vài tháng, nét mặt vô cùng sợ hãi.
Nguyên Thái hiểu ngay nữ lang muốn cứu hai mẹ con người này, thành ra tự mình hy sinh làm bọn cảnh vệ lạc đường.
Không có thì giờ hỏi han chi tiết, lật lại cỗ xe lưu ly (con tử lưu đã chạy đi đâu mất), buộc tạm vào xe con ngựa tịch thu của bọn cảnh vệ. Chàng giục ngựa kéo đến Từ Sơn.
Đến nơi, nữ lang đã tạm thâu hồi sức khoẻ. Nàng dẫn cả ba người đến tiệm thuốc Lương Sinh Đường. Chủ nhân như có hẹn trước, ra đón hai mẹ con thiếu phụ vào nhà trong. Dọc đường, thiếu phụ không nói lời nào, vẽ mặt nửa đượm buồn nửa vui mừng vừa thoát được một tai ương. Hồi lâu sau, một bọn năm người, ba thiếu phụ và hai thiếu nữ đến nhận hai mẹ con dẫn đi. Nguyên Thái lịch sự không hỏi han gì thêm, chàng định cáo từ thì nữ lang và chủ nhân ngỏ ý muốn giữ Nguyên Thái ở lại dùng cơm tối. Chàng đành ở lại. Vả lại chàng cũng muốn biết tình trạng sức khoẻ của nữ lang. Nàng phải tĩnh dưỡng trên lầu sau khi bịt thuốc các vết thương.
Chủ nhân Lương Sinh Đường họ Lương tên như tiệm, búi tó đỉnh đầu và bộ râu va chòm trắng như tuyết, phản tương với màu da hồng hào. Tiên phong đạo cốt. Nguyên Thái nhìn lão y sĩ, liên tưởng đến ngày về sau này, có thể thân phụ chàng cũng sẽ như hình ảnh lão trượng ngày nay.
Nguyên Thái nói với lão y sĩ chàng vô tình cứu được nữ lang và thiếu phụ bồng con. Chàng lại nhắc đến cách thức đặc biệt cho nữ lang uống thuốc giải độc, cần chờ nàng hoàn toàn hồi phục để xin lỗi. Lão y sĩ vuốt râu cười nói:
- Ngu lão rất bái phục cái nhanh trí khôn của hiền điệt. Hiền điệt như vậy đã cứu sống được cháu ta. Không thể nào làm khác trong trường hợp này. Tại sao cháu ta nhiễm độc, và những hành động của cháu ta, chính cháu ta sẽ nói với hiền điệt, ta không có quyền bộc lộ một chuyện bí mật của phái Song Lưu…Nay ta chỉ nói về phương diện dược học. Cháu ta bị nhiễm độc bởi thứ cỏ đặc biệt. Ăn thứ cỏ này, thân thể, trí óc đều đi dần vào tình trạng vô cảm giác, các cơ quan trong thân thể như đi vào một giấc mê tê liệt. Nếu không có giải độc, trong hai ba giờ, cháu ta thành người thiên cổ. Trong trường hợp này, mớm thuốc là cách duy nhất, bởi vì nước miếng của người lành mạnh có nhiều chất dược, hòa với cỏ giải độc, thành ra hữu hiệu mau chóng hơn. Nếu cháu đi tìm ra nước để hòa với cỏ thì quá muộn. vậy hành động như thế là phải. Tuy nhiên ta nói thêm để cháu biết rõ. Khi ấy cháu ta, huyết áp, hơi thở đều xuống thấp, quá thấp. Nếu sau khi cho thuốc, cháu nới rộng xiêm y, rồi cháu nắm tay cháu ta đưa lên hạ xuống nhịp nhành để giúp đỡ nhịp thở, tuần hoàn cũng được giúp theo. Cứ thế làm, tới khi lại tĩnh thì thôi !-
Nguyên Thái ngập ngừng muốn nói, Lương y sĩ gạt đi nói tiếp:
- Ta hiểu cháu ngại chuyện nam nữ thụ thụ bất thân...Cái phong tục tập quán ấy không có giá trị gì trước việc cấp cứu một sinh mạng! -
Chàng trai vẫn còn vần đề lương tâm, ngước nhìn lão trượng:
- Nhưng cháu đã hy sinh bốn nhân mạng để cứu một! -
Lão trượng:
-Đó là số mệnh của hiệp sĩ muôn đời...trong hành động phải biết chọn tốt trừ xấu. Đoàn cảnh vệ chính trị Dũng Hầu nổi tiếng tán ác, châm ngôn là « mục tiêu trước hết, sinh mạng không cần »! Vả lại cháu quên rồi hay sao? Bọn họ vừa thủ tiêu hai người, ông chủ từ và bà chủ quán trọ…Nếu cháu không võ nghệ cao cường, cháu cũng đã đi theo hai người kia và cháu ta! Gieo gió gặp bảo, cháu ơi! Họ đã gieo gió -
Lão trượng vừa nói, vừa ngập ngừng, như một thuyết khách muốn thuyết phục ngay chính mình. Chắc hẳn trong cuộc đời lương y cũng có xảy ra một vài trường hợp lương tâm?
Quý độc giả hẳn muốn biết chuyện nữ lang và thiếu phụ bồng con, chúng tôi trích mấy trang trong « Viễn Trình Nhật Ký » của Nguyên Thái sau đây:
« Tôi (Nguyên Thái) hàn huyên hồi lâu cùng lão y, cảm thấy tinh thần mỏi mệt, xin phép ngả lưng. Lão y gọi gia nhân thu dọn cái tràng kỳ trong phòng sau. Lim dim đôi mắt, nhưng không ngủ say. Cảm tưởng như được luồng gió ấm bao bọc xung quanh người. Khi thức tỉnh hẳn, cái mệt mỏi của trận chiến tiêu tan, trên mình đắp một chăn lụa hồng, hương lan nhè nhẹ. Chưa bao giờ chàng thấy tâm thần sảng khoái như lúc ấy, hé mắt nhìn. Một nữ lang xiêm y màu hồng ngư, thắt lưng và đôi giày cùng màu huyết dụ. Dáng điệu duyên dáng, nhan sắc tuyệt vời. Tôi nhận ra nữ lang chỉ vì nàng còn mấy vết thương trên mặt và đôi cổ tay. Nếu không có dấu vết ấy tôi không thể nhận ra. Đúng vậy. Nàng đã hóa trang trước đây. Một bài học cho tôi sau này, trong nhiều hành động.»Thấy tôi thức tỉnh, nàng lại gần, đem theo một hương thơm hoa lan như mảnh chăn lụa. Tôi nhận ra ngay nàng đã đắp lên cho tôi chăn lụa của nàng. Tôi vội vàng đứng lên, định gấp mảnh chăn, thì nàng đến trước tôi, quỳ xuống. Lòng tôi thật bối rối trước thái độ bất ngờ ấy. Tôi vội vàng bất chấp lễ nghi, cầm đôi tay nàng kéo đứng dậy, tôi nói nhanh trước:
- Tôi Nguyên Thái, họ Trần, xin bái yết cô nương! -
Cái bối rối của tôi làm tôi không quên rời tay nàng. Nàng cũng không rút tay về:
- Tiện muội, Bạch Ngọc, họ Hoàng, đội ơn tôn huynh cứu mạng, không biết làm thế nào đền ơn tái sinh. -
Tôi vội vàng nói:
- Xin cô nương không nên để ý, hãy quên chuyện đã qua. -
Tôi nói «
chuyện đã qua » để bao gồm cả việc tôi bắt buộc phải dùng cách đặc biệt cho nàng uống thuốc… tôi vẫn e ngại lời trách móc của nàng.
Nàng hiểu ý, tế nhị trả lời, với những danh từ thân mật hơn:
- Xin anh cho em không quên…không quên bất cứ chuyện gì? Nhờ có anh mà ngày mai, ngày kia…và những ngày mai kia tiếp theo, em lại được trông thấy bình minh soi sáng non sông đất nước. -
Thanh âm rung động làm tôi cảm xúc. Lời nói văn chương làm tôi thêm kính mến.
Vẫn chưa hết ngạc nhiên vì cái thay hình đổi dạng của nàng, tôi mải mê chiêm ngưỡng, không biết là Lương danh y vừa trở lại phòng trong.
Sau bữa cơm, nàng Hoàng Bạch Ngọc và tôi ở lại sảnh đường.
Nàng nói:
- Bây giờ đã cuối Tuất, sắp sang Hợi. Em tin là cung phi Trúc Dung và hoàng tử Duy Thành đã đến nơi an toàn. Em xin kể từ đầu câu chuyện. Vì cứu em anh đã vô tình nhúng tay vào một việc quan trọng quốc gia… Bọn cảnh vệ chính trị phủ Trịnh sẽ không để anh an toàn. Anh có quyền biết chuyện bí mật này. -
Hoàng Bạch Ngọc tiếp tục:
- Thân sinh em tên Lương Thức họ Hoàng, cũng như Hải Thượng Lãn ông, trong ngành y dược. Hải Thượng tiên sinh có nhiều dịp vào Phủ Trịnh, thì thân sinh em cũng có nhiều dịp vào cung Lê. Em là học trò của thân sinh em. Vì là con gái nên dễ dàng hơn, thường xuyên ra vào cung Lê, nên vô tình được biết nhiều bí mật nội cung. -
Em tên Bạch Ngọc, quán ở Thổ Hiên bên bờ sông Thương. Từ khi còn nhỏ bốn năm tuổi, em đã học lặn dưới nước, bắt trai tìm ngọc, cho nên người ta gọi em là Thương Giang Tiểu Minh Châu. Tên ấy vẫn theo em tới ngày nay ở các bến sông Thương. Không phải tìm ngọc để làm đồ trang sức mà dùng vào y dược.
Có nhiều người già trẻ lớn bé, kể cả sơ sinh mắc chứng đau mắt. Thứ bệnh đặc biệt, khi lộn mí mắt coi thấy nhiều đốm trắng. Bênh nhân lúc nào cũng như bị nắng chói, không mở mắt được, và mắt lúc nào cũng đỏ như chảy máu (ngày này người ta gọi là đau mắt hột – trachome). Có nhiều xã bị đau gần hết làng.
Ngọc trai, mới đầu, thân sinh em mài ra pha nước đun sôi để nguội, nhỏ vào mắt, người không đau mắt nói rằng, sau khi được nhỏ, mắt trong lên, sáng hơn. Thân sinh và em chưa tin, cho là tự kỷ ám thị mà thôi. Ít lâu sau nghĩ lại. Thì ra bột ngọc trai tán nhỏ ra bột li ti có công dụng khá lớn. Em thí nghiệm lần đầu cách đây hai năm ở xã Thổ Hiên. Dùng vải mỏng quấn vào đầu ngón tay, nhúng vào nước bột, lộn mí mắt bị đau, dùng ngón tay bọc vải ấy chùi sạch những đốm trắng. Bệnh nhân không mấy đau đớn, trái lại, như người được trừ vết ngứa. Lại khám phá đó là một bệnh dễ lây. Em khuyên mọi người không dùng khăn mặt chung, chỉ rửa mắt bằng nước đun sôi để nguội…bệnh không tái phát.
Đó là mặt y dược của chuyện này. Em thường xuyên ra vào cung Lê vì em phải chữa bệnh đau mắt ấy cho một số cung nhân, kể cả vài cung phi.
Đời sống trong cung không vui tươi sáng sủa như mọi người tưởng. Số cung phi, ngoài chánh cung và mấy ái phi, khá đông. Đề phòng, cạnh tranh, chống đối, xoay sở với sự cộng tác của nội giám là việc xảy ta thường xuyên. Nội giám thì quá nửa là tay sai của phủ Trịnh.
Người người nhắc lại lời của nhà vua rằng sở dĩ có tình trạng này là do chúa Trịnh…cho nên ai cũng thù ghét họ Trịnh. Cái thù ghét ấy ăn sâu vào sương tủy bọn trung Lê. Bọn Trung Lê luôn luôn tìm cách liên minh với bọn phản Trịnh.
Một cuộc chém giết hãi hùng sẵn sàng xảy ra bất cứ lúc nào giữa cung Lê và phủ Trịnh. Theo ý em, cái tàn vong của Trịnh về kể cả của vua Lê sắp đến nơi rồi!
Nhà Lê thì sợ mất cái ngai vàng nên cố sinh thực nhiều hoàng tử. Có những hoàng tử sinh ra đời chẳng được bao lâu đã mệnh một không phải vì bệnh tật mà vì cạnh tranh nội bộ. Lại có hoàng tử được mang ra khỏi cung bí mật nuôi nấng bên ngoài…để dù có biến chuyển ở cung Lê, thì vẫn có con cháu nhà Lê nối nghiệp.
Xin anh đừng tưởng cung phi Trúc Dung và hoàng tử Duy Thành thuộc vào trường hợp em vừa nói: trốn ra ngoài để sau này nối nghiệp. Nếu như thế thì em không bao giờ nhúng tay giúp đỡ.
Trúc Dung và em là bạn thân từ hai năm nay. Một ngày vua đến cung Trúc Dung, rồi không bao giờ trở lại. Cách đây hai tháng nàng sinh con trai. Trúc Dung ngỏ ý chán ghét cuộc đời cung điện, lại thêm vô cùng lo lắng. Con trai hai lần như bị trúng độc được em cứu thoát. Một thái giám nhớ ơn cha em chữa bệnh, cho người báo cho em biết chính em cũng có thể bị thủ tiêu. Đúng thế, một hôm em chưa ra khỏi cửa Chiêu Dương thì một thanh gỗ nặng từ cao rơi xuống. May em nhảy tránh được. Trúc Dung ngỏ ý muốn trốn khỏi cung Lê, mang đứa con trai đi theo, bỏ hết tính danh, trở thành thường dân. Em hỏi nghĩ kỹ chưa? Nàng nói: «
Giang sơn tổ quốc, thiên hạ dân gian không thuộc quyền sở hữu của Lê hay của Trịnh, của Mạc hay của Nguyễn! Để con em sau này lên ngai vàng rồi lại tiếp tục những trang sử đen tối. Không đời nào! Em muốn đổi hẳn cuộc đời của em và con em. Ra gánh vác quốc gia sẽ là người tài đức khác, người tài đức mà thiên hạ đồng tình chọn lựa. Vua và em không tình mà cũng chẳng nghĩa. Đối với ông, em chỉ mà con nái để đẻ con, thế thôi…»Em xuôi tai nên mới báo cho Song Lưu biết mà đón nhận hai mẹ con đến nơi an toàn. Sáng hôm nay em cho con trai Trúc Dung vào rổ dược thảo. Trúc Dung cải trang thôn quê gánh ra khỏi cửa Chiêu Dương.
Trót lọt. Sang đến quán trọ Bến Sông như hẹn, Trúc Dung và em đốt hết giấy tờ chứng nhận Duy Thành là một hoàng tử nhà Lê. Hai người thành thường dân họ Vũ.
Yên trí công việc thanh thoả. Nào ngờ chưa đến Từ Sơn, nơi hẹn với Song Lưu thì bị bọn chính trị cảnh vệ đuổi theo. Công việc đã nhận đối với Trúc Dung em phải vẹn toàn dù phải hy sinh tính mạng. Trong khi giục ngựa kéo xe chạy trốn, có nhìn thấy anh nhưng chưa chắc đâu đã là đồng minh. Em cố giục ngựa chạy đến quãng đường cong. Dừng xe, mang mẹ con Trúc Dung giấu vào bụi rậm, rồi tiếp tục lên xe giục ngựa. Muốn dẫn xe qua ruộng khô tới nơi nào có thể chống cự thì chẳng may xe lật. Biết khó toàn tính mệnh, em ngậm trong mồm thuốc độc. Hy vọng bọn này thấy em chết rồi, không dám làm nhơ nhuốc thân em. Tuy nhiên chưa nuốt, em đã rút kiếm chống cự. Hồi lâu chúng vây quanh, tấn công ào ạt, em nuốt thuốc ngã xuống đất. vẫn còn tỉnh táo, còn thấy bọn cảnh vệ giết thủ từ rồi trói em vào cột cờ.
Rồi em nhìn thấy một cảnh vệ phóng kim tiêu hạ mấy người, rồi cảnh vệ ấy tấn công bọn cảnh vệ kia (cảnh vệ ấy là anh giả trang). Em trông thấy hết mà không còn sức lực làm gì được. Hy vọng trở lại. Em cố bám víu vào sức sống còn lại, rồi anh vác em lên vai mang giấu vào bụi rậm. Em biết hết nhưng lúc đó chân tay em đều nặng ngàn cân…Chỉ còn dồn hết sinh lục vào ánh mắt. Anh đã hiểu được ánh mắt em…nên em được tái sinh!
Tôi (Nguyên Thái) nghe Bạch Ngọc nói chuyện, không khỏi liên tưởng đến câu chuyện tâm tình của Bố Y Quái Khách: Chúa Trịnh Sâm còn đang tìm cách ổn thỏa để bỏ Khải, con Dương phi để lập con Đặng Phi là Cán…mà Cán mới có ba bốn tuổi! Thì ra đời đời, mấy chục ngàn năm, những chính khách của ta đặ quyền sở hữu lên trên mọi thứ. Cái giang sơn gấm vóc của đất nước là của họ, tất cả con dân cũng là sở hữu của họ. Rồi đã bỏ lỡ một cuộc thay đổi chính trị lớn lao từ Trịnh Kiểm. Nhà vua chỉ còn là biểu hiện tượng trung sự đoàn kết chung quanh của toàn dân. Chính trị quản lý quốc gia vào tay một người tài đức như chức vụ Thừa tướng. Nếu việc quản lý không thành công, một thừa tướng khác sẽ lên thay. Nhưng Trịnh đã xưng chúa, rồi ngôi chúa ngang ngôi vua, lại truyền tử nhượng tôn…Tiếc thay! Tiếc thay!
Tôi mãi suy nghĩ buồn rầu, quên mất Bạch Ngọc đang chờ ý kiến của tôi. Tôi không còn biết nói gì hơn:
- Bạn em, Trúc Dung là người sáng suốt, đáng hưởng cái hy sinh cao cả của em, nếu ngu huynh ở vào trường hợp này, cũng không thể làm khác! -
Thấy nàng còn mệt mỏi, tôi xin kiếu từ, đi vào phòng trong, chiếm chiếc tràng kỷ đánh một giấc ngủ ngon. Ngủ ngon? Không ngủ ngon đâu! Trong giấc mơ, tôi thấy đoàn người cung Lê, có hậu thuẫn, gươm giáo sáng ngời, đuốc hồng sáng rực, chạy sang bên phủ Trịnh, đốt thành đống tro tàn, và họ đã giết hết cả mọi người, già trẻ lớn bé, bất cứ ai từ Trịnh Phủ chạy ra! Máu chảy thành sông, lẫn với sông Hồng, nước đang dâng lên tràn ngập thị thành. Những đám cháy đều tắt, nhưng tất cả Trịnh, cả Lê và cả dân gian đêu trôi theo dòng nước! Chỉ còn lại bãi sình lầy, không bóng dáng một ai, tới chân trời xa tắp!
(Tới đây chúng ta tạm biệt Viễn Trình Nhật Ký, cùng Nguyên Thái tiếp tục cuộc hành trình.)
Sáng hôm sau, dậy sớm, khá sớm mà đã thấy Lương tiên sinh ngồi cạnh cửa hàng đọc sách thuốc, vẻ mặt bình tĩnh như không có chuyện gì xảy ra hôm qua.
Nguyên Thái tỏ ý lo ngại, Lương tiên sinh nói:
- Cháu lo ngại là phải, nhưng ở hạt này rất an toàn, lực lượng an ninh của Trịnh và của vua Lê không dám bén mảng tới. Dân vùng này đoàn kết, anh hùng -
Lương tiên sinh nói tới đây thì Bạch Ngọc xuống. Nguyên Thái đứng dậy chào hỏi.Hoàng nương hoàn toàn tỉnh táo, xinh đẹp bội phần. Nguyên Thái nghĩ đến tấm chân dung sẽ họa vào trang giai nhân của Viễn Trình Nhật Ký. Theo ký ức chàng sẽ vẽ hai người, Bạch Ngọc hôm qua và Bạch Ngọc hôm nay, chàng nhìn nàng không chớp mắt. Bạch Ngọc đỏ hồng đôi má, e thẹn nụ cười. Lương y như không biết chuyện gì, cúi đầu trên trang sách.
Bạch Ngọc đề nghị cùng chàng đến nơi tạm trú của mẹ con Trúc Dung. Làm sao từ chối? Chàng theo Bạch Ngọc lên đường. Hai con ngựa đã thắng yên cương sẵn sàng, kèm theo bình nước, lương khô.
Dọc đường, khi tới ngã ba Cổ Lục, không thấy Bạch Ngọc rẽ trái về Từ Sơn, lại giục cương thẳng đường đến Thăng Long. Nguyên Thái vội nhắc, thì Bạch Ngọc ghìm cương nói:
- Quên không nói với anh, em cần phải trở lại hoàng cung, có việc cần phải làm tiếp đêm nay. Anh trở lại Từ Sơn, mai em sẽ về sớm bái biệt trước khi anh lên đường, ngập ngừng vài giây, nàng tiếp nếu vì lẽ gì em không trở về thì xin bái biệt anh bây giờ.-
Nguyên Thái bất ngờ, vái chào Bạch Ngọc. Nàng quay ngựa, giục cương. Rẽ trái chưa được nửa dặm, chàng vội vàng quay ngựa đuổi theo Bạch Ngọc.
- Hoàng tiểu thư – chàng nói - vừa cứu được tiểu thư hôm qua, nay lại thấy tiểu thư trở về chốn hiểm nguy, tôi không đành lòng, xin được hộ tống tới nơi, đợi xong việc, đưa về Từ Sơn rồi mới ra đi! -
Hoàng nương từ chối:
- Đó là việc em đã bắt đầu, nay phải làm tiếp. Em không muốn kéo anh vào hiểm họa.-
- Việc của em, có thể cũng là việc chung của anh hùng thiên hạ…Anh không phải anh hùng nhưng cũng biết khi nào phải nhúng tay. Xin em cứ cho biết việc gì – Nguyên Thái trả lời.
- Sự thực em cũng muốn anh giúp, nhưng không dám. Ngày mai là ngày đoàn nội giám đến khám xét cung của Trúc Dung. Hôm qua và hôm nay họ chỉ đi phía ngoài, nhìn qua cửa sổ. Cung nhân Đoàn Hạnh và hai cung nữ nhỏ giúp việc vẫn ở trong cung Trúc Dung. Đoàn Hạnh đóng giả Trúc Dung, quay lưng ra cửa sổ, đưa đẩy cái nôi đựng một hình nộm nhỏ. Nếu ngày mai, nội vụ bị khám phá, ba người này sẽ bị bắt, tra tấn rồi hành hình ngay trong nội cung. Vì vậy em phải cứu ba người đêm nay. -
Bạch Ngọc nói một mạch, Nguyên Thái suy luận tình thế. Chàng đâu có dịp nào vào Hoàng cung, thấy việc này khó khăn. Nhưng tính ưa mạo hiểm kích thích, chàng không nói gì, lặng lẽ theo nàng.
Khi ngừng lại bên một gốc cây, chàng bảo Bạch Ngọc theo ký ức vẽ lại bản đồ hoàng cung. Con người hành động trong chàng lại vùng lên, Nguyên Thái xin lỗi bạn, yêu cầu để chàng lãnh quyền chỉ huy từ giờ phút này. Bạch Ngọc đồng ý, lãnh nhiệm vụ dẫn đường.
Về tới Kẻ Chợ, trời đã tối từ lâu. Đúng như thường lệ, theo lời Bạch Ngọc, một nội giám xách đèn lồng ra khỏi cổng, qua cầu bắc trên lạch nước, rẽ sang dãy nhà tiếp tân tạm trú của các quan khách đợi chờ vào cung. Chờ hắn đi qua một gốc cây, Nguyên Thái theo sau, áp dụng thế võ bắt người của Vũ Tấn, tên nội giám ngã lăn bất tĩnh, chàng đỡ kịp chiếc đèn lồng không rơi xuống đất. Lột bộ áo quần nội giám, Nguyên Thái mặc trên bộ vó y lụa mỏng dùng ban đêm. Bạch Ngọc nhìn Nguyên Thái giả trang tủm tỉm cười. Nguyên Thái không trách cứ, nghĩ thầm nếu mình thành thái giám thật thì còn gì lạc thú trên đời; vừa mỉm cười vừa tiến tới cổng thành. Tên lính canh trên chòi cao nhìn thấy nội giám xách đèn lồng dẫn một người đàn bà, không hỏi han, cho mở cửa. Đội trưởng nhìn qua cửa sổ. Nguyên thái dõng dạc:
- Có lệnh Hoàng cô nương vào chữa bệnh khẩn! -
Đội trưởng không nghi ngờ ra lệnh mở cửa phía cấm cung. Không đến ba phút, qua hết những hành lang vắng tanh, hai người đến phòng Trúc Dung. Cung nhân Đoàn Hạnh hết sức mừng rỡ, hai tiểu cung nữ cố nín khóc mừng.
Cái khó khăn bắt đầu. Làm sao mang tất cả mấy người an toàn ra khỏi Hoàng cung?
Nguyên Thái để ý ngoài cửa cung cấm có xe và chuồng ngựa. Chàng vội vàng xách đèn lồng dẫn Hoàng Bạch Ngọc đến cửa sổ Đội trưởng chi huy gác cổng.
Bạch Ngọc nói:
- Bí mật, tối mật. Tôi được lệnh phải mang khỏi hoàng cung, một cung nữ mắc bệnh dịch đen rất lây phải mang ngay ra ngoài chôn cất. Không được tiết lộ để tránh náo loạn nội cung! -
Đội trưởng biết Hoàng cô nương là lương y thường trực của cung cấm, không nghi ngờ.
Hai ba phút sau, xe ngựa do Nguyên Thái nội giám cầm giây cương qua cổng. Đội trưởng ra kiểm soát, sợ sệt đứng từ xa. Nguyên Thái soi đèn lồng, đội trưởng thấy nạn nhân mặt mũi và đôi tay đen xì, vô cùng sợ hãi giục xe đi ngay. Nguyên Thái chỉ chờ có lệnh ấy, vội vàng giục ngựa kéo xe qua cầu, đi về phía nghĩa địa. Đội trưởng trông theo vẫn không nghi ngờ. Khi xe ra khỏi tầm mắt đội trưởng, Nguyên Thái ngừng xe, Bạch Ngọc kéo mền, gọi Đoàn Hạnh và hai tiểu cung nữ rửa mặt, rửa tay hết vết than củi. Nguyên Thái vứt bộ áo quần nội giám một cách thích thú, rồi giục ngựa kéo về phía bờ sông. Đò ngang giờ này không có. Đã cuối giờ Sửu. Bạch Ngọc dẫn tất cả bọn đến trạm liên lạc bí mật ở khu Ả Đào, ngay phường Hàng Giấy.
Nói khẩu hiệu, chủ nhà mở cửa đón tất cả vào trong, chia phòng ngủ. Nguyên Thái ngả lưng trên giường, vẫn mặc bộ dạ y. Quần áo ngoài đều để lại quán trọ bên kia sông Hồng. Nghĩ lại thực mừng, vì đã thành công toàn vẹn, không xảy ra thiệt hại nhân mạng. Tên nội giám đánh ngất, bây giờ chắc cũng đã hồi tỉnh.
Sáng sau, Bạch Ngọc mang đến phòng chàng một bộ quần áo văn nhân Kẽ Chợ. Chàng xuống sảnh đường qua gương treo, nhìn thấy mình biến thành một thanh niên ăn chơi trác táng đêm qua. Góc sảnh đường hai ba khách làng chơi lịch sự đứng dậy chào. Chàng lễ phép đáp lại. Bạch Ngọc biến thành nữ tỳ lăng xăng xách ấm nước sôi pha trà, và xếp bánh điểm tâm. Không thấy bóng dáng cung nhân Đoàn Hạnh và hai cung nữ. Phòng xa, chủ nhân giữ ba người ở phòng riêng, trên tầng cao nhất.
Khoảng cuối giờ, « thị tỳ » Bạch Ngọc từ phường Đường Nhân về nói đêm qua Hoàng Cung phát giác cung nhân trốn khỏi cấm cung. Truy tầm đến bến sông, thấy họ bỏ xe lại. Mấy cung nhân đã trốn sang bên kia bờ sông rồi. Tuy nhiên phủ Trịnh và cung Lê hợp tác kiểm soát tất cả đường đi lại Kẻ Chợ.
Làn đầu Nguyên Thái lọt vào nơi ăn chơi sang trọng của Kinh Thành, một hồng lâu nổi tiếng, nơi mỗi tối chạm trán nhiều danh nhân Kẻ Chợ, đủ hạng, từ võ đến văn, từ trọc phú đến quý quyền. Một dịp tốt cho Nguyên Thái quan sát người đời, cho nên quyết định ở lại đêm nay có ẩn ý: đó là mấy trang tài liệu xã hội cho Viễn Trình Nhật Ký.
Nếu quý vị còn nhớ hội quán Tao Đàn của Lâm Nguyệt Ánh và Lê Thiết Lực mở ra cách đây gần ba chục năm, thì quán Thúy Vũ này to và sang trọng gấp đôi quán kia. Nghe đâu có lần chúa Trịnh vi hành đến quán.
Sảnh đường rộng rãi gần như một rạp hát vì nơi trình diễn trên bục cao, có màn gấm hồng điều che kín. Chỉ khi nào trình diễn mới mở ra. Đồ đạc trong sảnh đường thì trang trí sang trọng nhưng nhã nhặn. Trên giá gỗ gụ bóng lên nước có bầy bảo vật bằng sứ của Trung Hoa và của ta. Lại có nhiều bảo vật tặng phẩm tây phương của các khách ngoại quốc. Đặc biệt đối với đương thời, có treo trên tường một đồng hồ tây phương, cứ mười lăm phút nửa giờ, một giờ đánh hồi chuông nghe rất êm tai. Chỉ trong phủ Trịnh mới có loại đồng hồ này. Cần nói gần đây có hai ba danh kỹ theo các thuyền trưởng ngoại quốc đi tới các xứ lạ chưa thấy trở về. Cho nên việc canh chừng có phần nghiêm ngặt hơn. Nữ chủ nhân Thùy Vũ, thực ra không cản trở hôn nhân giữa danh kỹ với ngoại quốc, có thể cho phép với điều kiện là đường hoàng minh chính cưới xin.
Đêm nay, mới khoảng bảy giờ tối mà sảnh đường đã hết chỗ ngồi, tuy chủ nhân đã dự trù trên hai trăm ghế, và hơn năm mươi bàn tròn nhỏ bốn người. Hơn trăm ngọn bạch lạp quanh phòng chiếu sáng nơi ăn chơi sang trọng ấy.
Nguyên Thái được xép ngồi với ba người khác, lẽ dĩ nhiên thuộc phái của nữ chủ nhân. Đưa mắt quan sát đám quan khách: người thì vẻ văn nhân thời lưu, người thì mũ cao ái dài quan chức, người thì nhung phục đeo biểu hiện các binh chủng…bọn phú thương ta gần mấy phú thương Tàu từ phường Đường Nhân tới, áo dài, điếu thuốc bào cần dài, cầm tay. Có ba sĩ quan hải thuyền dân dụng người Bồ Đào Nha cùng thủy thủ, thông ngôn, đến dự. Khi đến quán, bọn người tây phương này cũng vòng tay cúi chào theo kiểu phương đông. Nguyên Thái lưu ý tới mấy khẩu súng ngắn họ đeo nơi thắt lưng mà chủ nhân không hề đòi cất giữ hộ, vì các võ quan ta đều đeo kiếm bên lưng.
Buổi dạ hội bắt đầu bằng bữa tiệc tối. Đoàn chiêu đãi diễm lệ đến các bàn nhận lệnh đặt món ăn. Bạch Ngọc đóng vai nữ chiêu đãi rành nghề. Đến bàn Nguyên Thái nàng trêu chọc:
- Dạ thưa Trần công tử, tiện thiếp xin nhận lệnh. Công tử chọn món ăn hay là ba vị tân khách của công tử? -
Thái đọc qua thực đơn và giá tiền hết sức lo ngại. Món ăn thì không biết chọn, vì từ ngày ra đi đến nay, đều ở những nơi có thức ăn giản dị mà chàng biết chắc là tinh khiết..
Hồi lâu sau, Bạch Ngọc mang đến cơm trắng, cá rán, gà luộc và canh cải gừng. Nguyên Thái và mấy người kia thưởng thức. Vừa ăn vừa quan sát chung quanh. Nguyên Thái học hỏi, cảm tưởng sau này, nhiều khi nhiệm vụ bắt buộc chàng phải biết hết phong tục tập quán «
giới thượng lưu ».
Phần văn nghệ được trình diễn xen vào bữa tiệc. Thực khách là khán giả. mấy nữ danh ca thay nhau trình diễn các bài ca cổ điển, và một hai bài ca ngoại quốc do vợ một thương gia Thái tây dạy ở Phố Hiến.
Đoạn chủ chốt là giọng ca đặc biệt của danh kỹ Lê Hồng Diệp.
Màn mở: Lê danh ca ngồi giữa, một bên là nàng Bùi Hiền Duyên với cây đàn thập lục, và một bên là chính nữ chủ nhân Thùy Vũ với vây đàn to, cao, bốn dây trầm, thứ đàn đỗ quái Kiệt đã dùng ở Thạch Đào.
Một ngạc nhiên đối với Nguyên Thái: Nàng Lê Hồng Diệp đeo một tấm lụa hồng che mặt, chỉ hở có trán và đôi mắt to sáng, cực kỳ linh động, long lanh ganh đua với những hạt kim cương sáng chói dưới mấy chục ngọn bạch lạo. Khăn bịt mặt như người phụ nữ Á Rập mà chàng đã gặp ở Phố Hiến.
Giọng nữ trầm trầm rung động, làm ai cũng cảm xúc. Một mối buồn man mác đè nén sảnh đường khi nàng trình bày bài Tỳ Bà Hành, theo tiếng trong thanh như giọt nước mưa của đàn thập lục, điểm tiếng trầm, thực trầm của cây đàn Thùy Vũ. Quan sát mấy khách ngoại quốc, Nguyên Thái thấy họ cũng xúc động tình cảnh tha hương, tuy chắc chắn họ không hiểu gì về bài thơ Bạch Cự Dị. Nhưng nhạc, và giọng ca của người kỹ nữ đã làm cho họ cảm thông!
Màn đóng,Bùi Hiền Duyên từ sân khấu bước xuống, đến bàn Nguyên Thái. Chàng đứng dậy, kéo ghế, mời nàng ngồi. Lịch sự Tây phương chàng đã học được của mấy sĩ quan hải thuyền dân dụng ngoại bang.
Hiền Duyên, quả nhiên, tên cũng như người, thực hiền hậu dễ thương., nàng nói:
- Chủ nhân Thùy Vũ giao Trần công tử cho tiện thiếp tới khi tiệc tàn. Ba anh ngồi đây cũng như người nhà rồi!
Chân dung Hiền Duyên sẽ là người thứ bao nhiêu trong mấy trang giai nhân của Viễn Trình Nhật Ký? Chàng tự nhủ.
Thế còn nữ danh ca Hồng Diệp? Chàng hỏi.
Hiền Duyên:
- Chị đã cùng chủ nhân Thùy Vũ lên lầu rồi, không bao giờ hai người xuống sảnh đường! -
Thái hỏi tới mảnh lụa che dung nhan, Hiền Duyên nói:
- Câu chuyện khá dài, lên phòng công tử, em sẽ kể. -
Thái nhận lời hẹn, nàng lên phòng, quên hẳn Bạch Ngọc đã đến bên tự lúc nào.
Bạch Ngọc không hài lòng lắm, bỏ lên lầu, trong khi Hiền Duyên giải thích thêm là nữ chủ nhân Thùy Vũ xếp bàn người ngồi cạnh diễn trường, vì có lần khán giả hung hãn nhảy lên sân khấu định giựt mảnh lụa che mặt chị Diệp. Đoàn võ sĩ vội phi thân lên, làm hàng rào chống đỡ để chị có thì giờ rút lui vào hậu trường.
Thái theo Hiền Duyên lên lầu. Đến nửa thang gác thí Bạch Ngọc chén trà trên tay đi xuống. Nàng «
đánh đổ » chén trà lên áo của Nguyên Thái rồi «
cuống quít » xin lỗi. Quay lại Hiền Duyên nàng nói cứ chờ ở phòng Nguyên Thái, rối kéo chàng sang nhà bếp lấy nước gột áo. Vừa gột vết chè, vừa nói khẽ:
- Sao anh không hỏi thẳng em, em cũng biết chuyện. -
Một tình thế khó xử. Nguyên Thái nể nang tất cả các giai nhân. Bỗng chàng nghĩ ra diệu kế:
- Thôi đã trót, vậy em cũng lên phòng anh, ba người nói chuyện! -
Nguyên Thái không đóng cửa phòng, khêu sáng ngọn đèn…để mọi việc được…«
minh chính»!