Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Kiếm Hiệp >> Thương Giang Diễm Sử

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 36333 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Thương Giang Diễm Sử
TIÊU NƯƠNG và TRÚC VIÊN LANG (Bùi Văn Nhẫm)

Chương 35.

 
35. Miền Hắc Y Vân Anh đột nhập,
Về Kẻ Chợ Thái gập Vi Linh.


 
     Như đã nói, Nguyên Thái muốn rút ngắn thời gian để về Trấn Bắc sớm hơn, chàng bỏ đường bộ, lên Bạch Đằng 82, theo ông bà Ngô Tôn Ích về Kẻ Chợ. Ngô thuyền chủ mến phục chàng trai, rất hân hạnh đón chàng lên thuyền. Phó trưởng đoàn Vũ Tấn ở lại Trà Lương để bảo vệ Diệu Hồng và Vân Anh. Nhưng khi Vân Anh và Diệu Hồng chia tay, Vũ Tấn ngập ngừng… sau cùng chọn cùng đường với Diệu Hồng, vì nàng chỉ còn một mình. Vân Anh cùng em Thi Thi ngược Bắc rồi phía Tây thẳng tiến, mục tiêu là cửa Linh Nam, vùng Hắc y giáo chủ. Đưa Diệu Hồng về Tuy Hòa xong, Vũ Tấn lên đường đuổi theo hai tên tòng phạm của Mã Đức Kiếm…gặp hai người này ở Phú Giang, Vũ Tấn đã hạ sát cả hai, nhưng bị thương phải về điều trị chùa Tuy Hòa…(việc này Nguyên Thái ghi vào Viễn Trình Nhật Ký ba năm sau).

Trên thuyền xuôi, những đêm trăng sao, tựa mạn thuyền, Nguyên Thái nghĩ đến hôm chia tay cùng hai gia nhân Vân Anh và Diệu Hồng. Nghĩ ra thực thương xót Diệu Hồng, nhưng vô cùng lo ngại cho Vân Anh: Vì dự định của Vân Anh hết sức nguy hiểm có thể không có ngày về…

Trong quán trọ, Vân Anh kể riêng với Nguyên Thái:

-Đội ơn Trần quân cứu mạng, cho nên em phải nói với Trần quân một việc quan trọng của em. Em và Thi Thi sẽ đi đến một nơi chỉ có vào mà không có ra, chỉ có đi mà không có về.  Em không tin có thể cứu được bố mẹ và hai em, vì trong vùng ấy, mạng người không đáng kể…em cũng không biết bố mẹ và hai em còn toàn tính mạng, dù sao em cũng phải đến tận nơi, tự mình đến tận nơi, không thể để ai thay thế. Thôi để em kể đầu đuôi:

 Em và gia đình nguyên quán ở Giao Linh trong vùng Hắc y, đối diện với Lam Hà. Ở vùng này song thân em có một trại nhỏ, và gần hai chục mẫu thượng đẳng điền. Trại và ruộng ngày đây vẫn giao cho người bác họ trông nom thâu huê lợi…Em và gia đình đều ở phường Hồng Mai gần Tả Nhất, Kẻ Chợ.

 Thân phụ em, tự Khắc Thụy, và anh cả em, tự Khắc Tích, có nghề chuyên môn làm bút, mọi thứ bút lông, và mực pha sẵn không phải mài. Anh Khắc Tích lại chế ra thứ bút bằng trúc nhỏ, để thay thế bút lông ngỗng của người Tây phương. Thứ bút này được mọi người ưa thích vì mực đựng trong ống bút (có thể như bút máy ngày nay). Ngòi bút gọt bằng trúc già, viết chữ quốc ngữ mói rất đẹp, nên ai cũng ưa thích, kể cả ngoại nhân đến mua cũng nhiều. Em cũng vào nghề từ lúc 11, 12 tuổi…rồi em hòa hợp Tây Đông, em cũng dùng lông ngỗng, nhưng lông ngỗng gắn chắc chắn đầu cán trúc đựng mực. Thứ bút mới của em, viết chữ quốc ngữ mới hay hán tự, dễ và đẹp ngang nhau, vì cái mềm dẻo của lông ngỗng…

Cách đây mấy năm, đạo Hồng y tuyên truyền ráo riết ở Kẻ Chợ. Người bác họ biên thư giới thiệu hai thợ làm bút…thì ra hai người này là giáo cán truyền đạo.Hắc Y. Thân sinh em bùi tai nhập đạo. Anh cả Khắc Tích và em không bằng lòng, nhưng đã quá muộn. Thân sinh thành ra ngoan đạo, cách đây mấy năm mang mẹ và hai em về Giao Linh, dự tiệc thi đua tăng gia thực phẩm.

Song thân va hai em đi được mấy năm thì mới đây xảy ra vụ đêm kinh hoàng do gián điệp Hắc y bên Trịnh phụ là An Cực Hầu tổ chức… An Cực Hầu định đảo chính, nhưng việc không thành…từ ngày đó, anh cả Khắc Tích và em nhận được toàn tin xấu của gia đình…Song thân em bị liệt vào đối nghịch Song thân bị người bác họ tố cáo mọi tội, hiện nay bị câu thúc ngay trong gia trại trong một góc nhỏ gần chuồng trâu, không ai được trông nom, thăm hỏi…Họ hàng, hàng xóm quen thuộc đều biến hết, hoặc ngoảnh mặt làm lơ. Lại có người nhổ nước bọt, chửi bới to tiếng để các giáo cán nghe thấy. Hai đứa em một trai một gái, năm nay đứa 11, đứa lên 9, không được học hành…không được ra khỏi ngõ…Gia đình em không biết hiện nay sống chết ra sao…

Anh Khắc Tích đã có vợ, hai con nhỏ, phải tiếp tục nghề nhà…không thể làm gì. Em còn son trẻ, phải gánh vác nhiệm vụ thăm dò, xem có thể cứu bố mẹ và hai em ra không ?

Giáo cán Hắc y rất tàn ác, nếu em có mệnh hệ nào…em xin anh vì tình bạn, báo cho anh Khắc Tích ngày giỗ tết nhớ cho em vài nén hương để linh hồn em được yên tĩnh nơi suối vàng…-

Trương Vân Anh vừa nói vừa khóc, muốn gửi Thi Thi lên thuyền Bạch Đằng về Kẻ Chợ, nhưng em Thi Thi khăng khăng không chịu, em nói:

- Em chẳng còn cha mẹ, anh chị, em chỉ biết chị thôi…Chị đã nhận em từ 6, 7 tuổi…chị đi đâu em đi đó, dù có sao, em cũng vui lòng bên cạnh chị. -

Nguyên Thái giàu tình cảm, không giấu nổi xúc động, nhưng cũng không biết can ngăn thế nào, trước lòng hiếu đễ của con người. Nếu chàng ở vào tình trạng ấy, chàng cũng phải làm như vậy. Nghĩ ra, Hắc y Đạo thực khôn ngoan, bao giờ cũng biết lợi dụng tình cảm con người.
Đã có lúc muốn cùng Trương Vân Anh và Thi Thi vào Hắc y địa, nhưng nghĩ lại chưa phải lúc, cho nên chỉ nói.

- Hai em Vân Anh và Thi Thi hãy thận trọng, khôn khéo giữ gìn, Nguyên Thái tôi, muốn gặp lại hai em…nếu có thể cho Nguyên Thái này biết tin tức hãy gửi tới trường Trấn Bắc…Không có tin gì, trong vài năm nữa Nguyên Thái này cũng vào Hắc y địa xem sao?  -

Hôm sau, tiễn đưa Vân Anh, Thi Thi lên đường. Nhìn hai người cải dạng nam trang ngược Bắc, chàng bỗng nghĩ đến người xưa tiễn Kinh Kha sang Tần làm thích khách diệt bạo tàn.

Chàng lẩm bẩm:

- Ừ Kinh Kha ! Kinh Kha đây không phải Kha, biết chắc việc sẽ không thành tựu mà vẫn cứ làm. Không biết đó có phải là cử chỉ anh hùng không ? Nếu song thân của Vân Anh, ngày nay nhìn rõ chuyện đời, con gái mình từ nơi an toàn lọt vào hang rắn có thêm lo nghĩ không.?-

Hai người đã đi lâu, Nguyên Thái vẩn đứng nguyên, tần ngần suy nghĩ…
(Xin nhắc độc giả, về sau Nguyên Thái cũng đột nhập địa hạt Hắc y gặp Vân Anh và gia đình, có thể giúp Vân Anh và Thi Thi trốn về Kẻ Chợ, nhưng Vân Anh không nỡ bỏ lại song thân và hai em, khước từ. Nếu độc giả còn nhớ…trên thuyền cùng Phan lão trượng, Bố Y Quái Khách, Nguyên Thái nhìn Thúy Quyên và Phan Vi Vi, buồn rầu nghĩ đến Vân Anh- coi mấy hồi đầu truyện)

Giang thuyền Bạch Đằng xuôi dòng, năm ngày về tới Kẻ Chợ. Nguyên Thái giúp thuyền chủ giao trà cho phường buôn, công việc hoàn tất, định cáo từ, nhưng Ngô Tôn Ích và vợ nhất định mời chàng về nhà riêng. Nguyên Thái không có cớ gì chối từ, vả lại cũng muốn giữ liên lạc với một người nhiều tuổi, khoáng đạt, hào hoa, phong nhã, anh hùng trong cuộc đụng độ ở Mã gia trang.

Tư gia của Ngô thuyền chủ thực đặc biệt. Đó là một nếp nhà khang trang ở giữa bãi Cơ xá, gò nổi giữa sông Hồng. Bãi này nhiều khi mùa nước bị ngập, cho nên nếp nhà dựng trên mấy hàng cột lim, chôn sâu dưới đất, chung quanh các cột, có kè đá tảng rất lớn. Mùa nước lên nếp nhà ở giữa khoảng mệnh mông đỏ nâu, như thách đố dòng nước lũ. Một giang thuyền lớn, lớn hơn Bạch Đằng 82, đặt tên Hồng Hà Giang Đĩnh luôn luôn túc trực bên hàng cột không đứng vững (từ nơi này qua hai nhánh sông – Đông Tây, Tôn Sĩ Nghị đã đặt hệ thống cầu phao nổi để tiến vào Thăng Long, và sau này nữa, Pháp đặt móng chân cầu Long Biên (cầu Paul Doumer).

Nguyên Thái ưa thích những kiến trúc lạ, có vẽ lại trong quyển Nhật Ký, nếp nhà đặc biệt này.

Thủy thủ buộc giang thuyền Bạch Đằng bên cột. Gia nhân đặt thang, Nguyên Thái theo ông ba họ Ngô lên nhà…

Trên hành lang, một nữ mảnh mai, y phục kinh kỳ, xiêm y lụa Hoàng Sa Dương Châu, thắt lưng bồ quân, cùng màu với đôi hải sảo, nụ cười thực duyên dáng, sắc da hơi bắt nắng, cặp mắt sáng trong, vòng tay chờ.

 Ngô thuyền chủ:

- Con gái út của chúng tôi, tên Vi Linh…và đây là Trần công tử.-
Vi Linh vòng tay cúi chào. Nguyên Thái đáp lễ theo kiểu kinh thành vòng tay cúi đầu:

- Kính chào Ngô tiểu thư, tôi, Nguyên Thái, rất hân hạnh bái yết. -

Chàng theo ông bà vào sảnh đường, Ngô Vi Linh theo sau.

Phòng ăn và sảnh đường bài trí nhã nhặn. Bữa cơm tối thịnh soạn, bà Ngô Tôn Ích đích thân chỉ huy. Nguyên Thái lên ngôi thượng khách, chàng hết sức ngại ngùng, khoé mắt trách móc ông bà. Chung thuyền xuôi, chung bao việc quan trọng, hơn cả thân tình, mà nay ông bà lại coi như tân khách. Nguyên Thái chưa hiểu ý ông bà đề cao chàng trai để lung lạc cô con gái út nổi tiếng kêu kỳ, khó tính.

Nguyên Thái tá túc đêm ấy ở Ngô gia. Sáng sau, dậy sớm, ra ngắm sông nước thì gặp Vi Linh tựa lan can, không xuống nước. Vi Linh cúi chào:

- Tiểu muội xin kính chào tôn huynh. Tiện muội đã nghe thân mẫu kể chuyện Trà Lương. Nay mới hiểu tại sao anh trai thứ hai của tiểu muội muốn làm quen với Trương công tử mà công tử trốn tránh (nhắc lại Trương công tử là Trương Vân Anh cải trang) - rồi cười đùa – còn tiện muội, thiếu chút nữa là đã đi theo Trương công tử rồi !-

Con gái Kinh Kỳ ăn nói tự nhiên. Nguyên Thái cũng tự do câu chuyện. Được biết ba anh trai của nàng là thuyền chủ kiêm thuyền trưởng. Cả ba vắng mặt, hiện đang sông biển. Nàng cũng muốn theo nghề cha anh, nhưng ông bà không bằng lòng.

- Hay là tôn huynh nói vói song thân tiện muội cho tôn huynh một chiếc giang thuyền, thì tiện muội được phép thi đua với nam nhi. -

 Nguyên Thái trốn tránh:

- Nhưng ngu huynh thực không hiểu biết gì hàng hải. Thôi để khi hiền muội thành thuyền chủ hay thuyền trưởng, ngu huynh chỉ xin quá giang ! -

Nguyên Thái nhớ lại chuyện La Đà Đạo Sĩ La Hùng và nàng Trần Kiều Hạnh, chàng nhủ thầm:

- Đây là một thứ Kiều Hạnh ở Kinh Kỳ, hay đùa cợt, mình đường tự ái quá cao, tưởng là nàng cố tình chọn mình làm phò mã ! -

Quả nhiên Vi Linh không hề thất vọng giận dữ vì câu « chỉ xin quá giang », lại vui vẻ cười đùa, trịch thượng, trêu chọc, mà nhiều người hiểu lầm là cao kỳ, khó tính, đó là mấy người muốn thử thách trình độ tinh nhanh hài hước của đối thoại.

Vi Linh tươi cười đáp:

-  Quá giang, xin chớ hẹn hò ! Thuyền em còn đợi thăm dò nông sâu ! -

 Nguyên Thái vào cuộc:

- Thực tình, chưa biết bến đâu ? Sang sông cũng muốn, bao lâu lụy đò ? -

 Vi Linh tiếp luôn:

-  Bến đâu, xin chớ đắn đo, Thuyền em có sẵn, lụy đò em quên ! -

Nguyên Thái thầm phục con người Kẻ Chợ. Tuy sống trên sông nước mà tế nhị duyên dáng. Chàng sợ kéo dài đến những câu nguy hiểm, trói giữ, vội vàng hát:

- Quá giang là chuyện chưa nên. Đường xa chưa hết, tạm quên chuyện đò! -

Vi Linh lịch sự hiểu ý, sang chuyện khác. Nàng nhắc chàng ngày mai có cuộc bình văn ở Văn Miếu, nếu chàng ở lại đêm nay, ngày mai nàng cũng đi. Nguyên Thái hứa dù sao ngày mai sẽ gặp nhau ở văn đàn, rồi sau bữa cơm trưa, cáo biệt Ngô gia.

Vi Linh xin phép song thân, chèo thuyền cho Nguyên Thái sang bến.
Nguyên Thái lên bờ, quay lại vòng tay cúi chào. Vi Linh hai tay nắm cán chèo, tì cằm trên hai bàn tay, ngước nhìn tinh nghịch:

- Xin hỏi tráng sĩ có nhớ đường về?-

Nguyên Thái:

 - Xin trả lời Ngô nương tử…đường về nhà song thân vẫn nhớ. Gần đây thôi. Còn đường về đâu thì nhờ sông nước! Nếu sông Hông nhắc nhở đường về, mong rằng phù sa đừng xóa vết chân đi! -

Nguyên Thái nghĩ thầm: Sông Hồng từ nghìn xưa siết chảy, đem theo phù xa muôn kiếp, chôn trong lãng quên tất cả các vết chân đi!

Vi Linh duyên dáng cúi chào, quay thuyền về Cơ Xá. Vừa chèo thuyền, nàng vừa ca tám câu thơ đại chúng vấn đáp trên đây. Giọng oanh bay xa tới phố phường huyên náo của kinh kỳ.

Khỏi bờ đê, Nguyên Thái còn nghe tiếng ca, hay tưởng nghe thấy tiếng ca, chàng nghĩ thầm:

« Nếu ta là một bạo chúa, ta bắt hết tất cả những giai nhân đã gặp trên đường về cùng ta…»

Mỉm cười sung sướng, rồi nghĩ thêm:

« Nhưng ta chẳng bao giờ là bạo chúa. Vả lại làm sao nói lên những lời yêu thương của đáy lòng cho tất cả các người ấy? Ta không biết nói dối và không thể nói dối. Yêu thương từ đáy lòng chỉ có thể nói với một người, một người thôi ».

Lại tự nhủ: « Thôi đi, đừng gàn dở nữa, chừng một giờ nữa về tới nhà…»

Từ lâu vắng mặt Kinh Đô, ngày về chẳng thấy một chút đổi thay. Cuộc đời vẫn như Sông Hồng, thay lần liên tiếp hàng năm, cạn khô, lụt lũ. Dân tình vẫn như xưa, Kinh Đô hãi Tây, e Nam, sợ Bắc. Nhiều dấu hiệu của tranh dành Trịnh Lê ngày đêm ráo tiết. Trên đường từ bến về nhà, Nguyên Thái gặp ba vụ bắt người, hai Trịnh, một Lê. Những binh đoàn cảnh vệ đi bắt người, dù dưới dấu hiệu Trịnh phủ hay mang cờ Lê, đều hùng hổ kiêu ngạo với quyền sinh tử trong tay, còn những tội nhân bị bắt trói giải đi, không biết tội gì đều ngoan ngoãn chịu đựng, an phận không may. Chàng nhớ lại chuyện cảnh vệ đoàn đuổi bắt vợ chồng Trần Kiều Hạnh và con gái Kim Chi…Có thể trong bọn bị bắt đi đó cũng có người vào trường hợp vợ chồng Kiều Hạnh mà thôi.

Tấm lòng hiệp liệt thúc giục, chàng định can thiệp hỏi han, nhưng nghĩ thầm, thôi tạm mặc! Đó là những bài học để đánh thức con dân mà thôi.

Trần gia là nếp nhà thanh lịch cuối Hồng Mai trong một xóm nhỏ, có hồ sen, bên cạnh một gò cao, cây cối um tùm, cành lá thấp cao quanh một miếu cổ, gần miếu cổ lại có một bàn cờ bằng đá vân khá lờn, hai bên hai ghế đá chạm trổ tinh vi. Trần gia là hai dãy nhà nhỏ, dãy chính lợp ngói còn dãy phụ chỉ lợp lá gồi. Sân gạch nung Bát Tràng...vài hàng cây cảnh và một hòn non bộ rất khéo giữa bể cá vàng bơi lội tung tăng…không có tường gạch bao bọc, nhưng hàng rào xanh tơ hồng cuốn quít, cửa vào bằng gỗ, lợp ngói ống nhỏ thực mỹ thuật.

Kiến trúc và xếp đặt là tác ph ẩm của Trần Nguyên Chính và vợ, Bùi Thúy Phụng, song thân Nguyên Thái. Nguyên Chính, dòng dõi một danh tướng đời Trần, hiện giữ chức tham chính phủ Thừa, Trịnh chúa.
Nguyên Chính cùng là bạn thân của Cao Hùng, cận vệ chúa Trịnh Sâm. Chính Nguyên Chính đã chép và chuyển tới tay Cao Hùng tất cả những bản điều trần kêu gọi chính quyền canh tân xứ sở. Chúa Trịnh Sâm còn xếp trong văn phòng, Chưa đọc đến, chúa còn bận tâm về những tranh chấp nội cung, gây ra bởi hai phái, Đặng Phi và Dương Hậu!!!

Khi Nguyên Thái tới nhà, ông Nguyên Chính còn trong phủ Thừa, bà Thúy Phụng thấy con trai, nước mắt ngắn dài, bà thương Nguyên Thái hơn tất cả các con khác. Nguyên Thái có hai anh một chị, và một em gái. Anh cả Nguyên Trạch, võ ban, làm việc với Quận Huy, anh hai, Nguyên Ngôn, sản xuất giấy ở làng Bưởi, theo nghề nhạc phụ; chị Bích Thủy đã ở riêng; em gái Bích Hương mới mười ba. Bích Hương giỏi hội họa hơn cả Nguyên Thái, chữ rất đẹp, ăn nói nhỏ nhẹ, gia nhân rất quí mến. Cô bé được mọi người yêu chuộng. Trông thấy em gái, Nguyên Thái giật mình. Khi ra đi, Bích Hương bé nhỏ, chẳng ai để ý, nay thấy một « gần như thiếu nữ » chàng vui mừng hãnh diện: cô Trần Bích Hương sau này cũng là một trang giai nhân tuyệt thế. Bưóc đầu gặp lại, Bích Hương nhìn anh trìu mến, nhưng e thẹn, còn Nguyên Thái chẳng dám như xưa, có những cử chỉ thân mật thông thường với cô em nhỏ. Bây giờ chàng lại gần chỉ hỏi:

- Em Bích Hương đấy à? (câu hỏi hơi kỳ khôi?)

Bích Hương ửng hồng đôi má:

- Thưa anh, vâng, anh có mạnh không?-

Qua bước đầu bỡ ngỡ, hai anh em lại chuyện như pháo ran. Nguyên Thái ngập ngừng hồi lâu, sau đưa cho em món quà mua ở đường xa, nay không đúng với tuổi nhận nữa. Đó là một bộ đồ ấm chén tiện bằng gỗ nhỏ xíu, sản xuất ở Trà Lương.

Bích Hương nhận với nụ cười hiền hậu:

- Lúc nào anh em mình chơi nhé! -

 Chiều tối, Nguyên Chính về tới nhà, trông thấy con trai, ông cố giữ nghiêm trang, giấu vui mừng. Sau bữa cơm gia đình, cuộc đàm đạo của hai cha con trong văn phòng toàn màu sắc chính trị. Ông Nguyên Chính rất mừng được một đứa con trai đồng chí hướng. Về Bích Thủy, ông nói không đáng kể (vẫn trọng nam khinh nữ), còn về hai anh Nguyên Trạch, và Nguyên Ngôn, ông nói đó là những chàng quân tử Tống Nho. Ông không đả động đến bé Bích Hương (vì cái trọng nam khinh nữ cố hữu của ông), ông quên gái út ông đang sang thời thiếu nữ. Nguyên Thái ngỏ ý muốn cho em gái vào trường sư mẫu Đào Ngọc Thanh, thuộc phe Trấn Bắc, Song Lưu, ông trả lời:

- Tùy mẹ con và con định liệu. -

Sang phần chính trị quốc gia và quốc tế, hai cha con Nguyên Chính tâm đầu ý hiệp hàn huyên tới bình minh.... Nguyên Chính sửa soạn vào phủ Thừa, còn Nguyên Thái lại phải sẵn sàng đi nghe, à quên, đi coi cuộc bình văn ở Văn Miếu, như đã hứa với Ngô nương Vi Linh.

<< Chương 34. | Chương 36. >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 365

Return to top