31.Thạch Đào thiết kế chống ngoại xâm,
Vào sát sinh, Thái sang lo ngại. Đã khuya rồi. Ai về nhà nấy, ngủ ngon? Họ có bốn ngày sửa soạn xây dựng hệ thống phòng thủ, chiến đấu, theo như kế hoạch đã định…Tôi ngủ lại công quán, con tim rung động nhìn em Cúc Xuyên của tôi lên ngựa về La trang. Tôi lại nhớ cái cửa sổ phòng tôi ở La trang, nhìn ra Thanh Thiên hồ, và tường Xích Bích những đêm trăng tỏ…nhưng phòng tôi gần phòng Cúc Xuyên quá…
Tôi, (Nguyên Thái) đang sửa soạn vào phòng ngủ thì La bản trưởng vỗ vai tôi:
- Hiền điệt hãy cùng tôi ra ngoài hàn huyên mươi phút.-
Tôi theo ra sân, chờ đại bá ngập ngừng. Sau vài phút đại bá nói:
- Hiền diệt, tôi lĩnh hết trách nhiệm lừa lọc của kế hoạch. Tôi đã giết sứ giả, dù chẳng phải sứ giả, nhưng họ đã tin tôi mà trúng kế. Đáng lẽ chúng ta phải cho họ cơ hội tự vệ? Không, tôi đã giết họ một cách hèn nhát…-
Ngừng vài giây, đại bá thêm:
- Còn mặt mũi nào gặp các hiệp sĩ khác trong thiên hạ?-
Tôi biết đại bá có vấn đề lương tâm cắn rứt, vì trong khi trình bày kế hoạch trong cuộc họp cơ mật, đại bá cứ nhìn tôi, coi tôi như người chỉ đạo lương tâm.
Cái tình trạng lương tâm ấy, tôi thông cảm, chính tôi cũng đang suy nghĩ mung lung, mấy ngày nữa bàn tay trong sạch của tôi cũng nhuộm máu con người…
Chúng tôi ngồi xuống ghế dài bên cột cờ…Theo gió mới nổi, ngọn cờ màu thanh thiên, phất bay, ẩn hiện ba chữ vàng chói:
An Nam Quốc, Thạch Sơn châu, Thạch Đào bản…
Tôi nhìn ngọn cờ, lưu ý từ lâu, không ghi Trịnh, không ghi Lê mà cũng chẳng ghi Nguyễn…
Tôi lãnh vai thuyết khách:
- Theo thiển ý, chúng ta, mỗi người có hai nhiệm vụ, một theo danh nghĩa hiệp liệt, bảo kệ kẻ yếu chống lại cường quyền, bất công, tàn ác…đó là những động tác cá nhân lẻ loi…chúng ta phải có những cử chỉ anh hùng, hiên ngang, thẳng thắn, không qua mưu kế lọc lừa,….nhưng nhiệm vụ thứ hai, mỗi khi lãnh trách nhiệm chia xẻ với đồng bào bảo vệ đất nước, …chúng ta đi vào phạm vi quân sự…thì lo bày mưu kế chỉ là thi hành chiến thuật chiến lược. Bằng mọi cách, chúng ta phải thắng địch quân mà không hao tổn sinh linh, quân đội…trong việc này, chúng ta không mảy may tội lỗi, những hành động chúng ta đều là tự vệ…Địch gây tội ác, ta chống đối bằng mọi cách…chúng ta chỉ làm nhiệm vụ con dân của chúng ta…-
Chẳng hiểu có thuyết phục được không? Chính tôi cũng không tin tôi. Đại bá cám ơn ra về. Trách nhiệm tinh thần của kế hoạch phần lớn về tôi còn nặng hơn. Tôi (Nguyên Thái) vào phòng, không sao chợp mắt, sau cùng cho là không thể nào làm khác. Thạch Đào không có điều kiện giam giữ sáu tù binh võ nghệ cao cường, hung hãn…
Tôi nhắc đi nhắc lại: « Vì quả địch chúng, quả địch chúng » rồi tôi chũng đi vào giấc ngủ an lành.
Mấy hôm sau, trong bản tấp nập sôi động, voi cái Thạch Đào cùng voi con chuyên chở vật liệu…ai nấy tận tâm hết sức…ngày thứ tư, coi như công việc xong. Mọi người tập trận, theo chương trình.
Tôi đã bố trí toàn vẹn địa điểm tôi phụ trách ở hòn Hùng.
Tôi lại lãnh thêm nhiệm vụ cùng Thanh Duyên đi kiểm tra các địa điểm, khi đến địa điểm chính hòn Hắc Báo, Thanh Duyên âu yếm nhìn Đỗ quái kiệt …Chàng phàn nàn đáng lẽ phải lãnh nhiệm vụ chỉ huy đoàn binh trung ương, là binh đoàn sẽ đụng độ nhiều nhất với địch quân, nay phải giữ cửa khe đánh tập hậu. Chàng nói La bản trưởng cần hơn chàng cho Thạch Đào. Quân lệnh, chàng phải tuân. Trong trận này, La bản trưởng tổng chỉ huy. La bản trưởng ngại Đỗ quái kiệt chưa hoàn toàn phục hồi.
Bản trưởng La Đại Hoành, từ ngày xảy ra thảm kịch vì người em, tính tình thay đổi, học hỏi võ nghệ, binh pháp, mấy ngày định bỏ nhà đi theo chú La Hùng và đi tìm Kim Chi. Đến Thạch Đào mấy năm, dân Thạch Đào quý mến. Có lần chỉ huy làng đánh tan bọn cướp rừng, đuổi bọn tàn quân đến tận sào huyệt, bên kia dãy núi Thiên Thanh. Bản Thạch Đào và các bản chung quanh được thái bình, phồn thịnh. Bản Thạch Đào bầu làm bản trưởng, rồi bản Trà Sơn, cách khoảng năm dặm, cũng muốn giao phó số phận. Đại Hoành làm chánh cố vấn của Trà Sơn. Hai bản liên minh trong tổ chức chính trị, quân sự và kinh tế. Hai bản hùng mạnh, quan tri châu không hài lòng vì từ ngày Đại Hoành nắm chính quyền, hắn ta mất hết khoản «đút lót» thường xuyên. Tin Thạch Đào sắp bị đánh đến Châu, hắn ta không cho quân binh giúp sức.
Bản Trà Sơn định cử binh sang Thạch Đào, nhưng theo chiến lược đã định, Trà Sơn phải sửa soạn phòng thủ tại chỗ, nếu Thạch Đào thất trận, khi quân địch đang vui chiến thắng thì lúc đó Trà Sơn mới đánh úp Thạch Đào. Vì thế, hai cánh quân Trà Sơn đã đóng sẵn rừng núi Hắc Báo và Thanh Thiên. Án binh bất động, kể cả lúc chiến trận cao độ ở khe Âu Lạc và đường đi Thạch Đào.
Tôi nhắc lại chi tiết ấy dể chứng tỏ mưu kế « dụ hổ vào hang ».
Trong trận này, chỉ có một cánh quân chủ soái là La Đại Hoành gồm 27 người giáp lá cà với địch quân, còn các cánh quân khác đều dùng cung tên, nỏ sắt Giang Thiên Cước, xì đồng kim tiêu, dây móc sắt ném xa, và giáo ném. Đó cũng là võ khí của cánh nữ quân Cúc Xuyên và Thanh Duyên, còn nữ quân bơi lội của Nguyệt Hà, võ y thủy chiến, chỉ dùng dao găm bén sắt.
Tôi (Nguyên Thái) chỉ huy 11 ngườI ở hòn Hùng, chúng tôi dùng 20 nỏ sắt, đặt sẵn ven rừng, thành hàng. Giác độ bắn tên đã định sẵn…mũi nỏ đều chúc xuống giữa đường Khe Âu Lạc. Bảy người chuyên giương nỏ lắp tên, chỉ có ba người bắn…Công tác phân chia máy móc. Đường chạy bắn nỏ được san bằng hết vấp váp. Tôi và một chiến sĩ chờ pháo lệnh đóng cửa khe.
Đêm thứ tư, tôi cùng Thanh Duyên thi hành nhiệm vụ kiểm tra đòn lũy. Đỗ quái kiệt ngủ tại chỗ, hòn Hắc Báo. Thanh Duyên buộc một giải lụa hồng nhỏ vào áo bào quái kiệt, nàng khẽ nói:
- Em mong Đỗ huynh thận trọng…chiều mai chúng ta dự tiệc khải hoàn nhé…thanh âm rung động lo âu.-
Đỗ quái kiệt xúc động định cầm tay Thanh Duyên, nhìn sang tôi, rụt tay lại.
Tôi thoái thác đi coi chiến tuyến nội vi, chừng mươi phút sau, trở lại cùng Thanh Duyên sang vị trí Cúc Xuyên.
Cô Cúc Xuyên của chúng ta, không nằm gai nếm mật mà lại nằm trên võng đắp chăn bông sung sướng ngủ lì. Đến gần mươi bước, tôi gọi. Không thấy động tĩnh, Thanh Duyên và tôi lại canh, thì cánh chăn tung lên không, nữ lang Cúc Xuyên hươi đôi đoản kiếm, lăn dưới đất như con báo, bắn ra xa đứng dậy.
Cúc Xuyên cười nói:
- Chị Thanh Duyên và anh tưởng em chểnh mãng canh phòng? Nhầm rồi ! nhầm rồi ! Nều là người lạ thì không toàn tính mạng, 5 ngọn trúc đao này để chơi phải không?-
Dứt lời, nàng bắt chước tiếng chim oanh…Tức thì bốn nữ chiến sĩ như bay lên từ hầm hố cá nhân, chung quanh chúng tôi, và mười mấy nữ chiến sĩ khác từ trên cành cây nhảy xuống…
Tôi thực tâm khen nàng tổ chức ngụy trang toàn vẹn.
Cúc Xuyên nói:
- Em nhờ chị Thanh Duyên ở lại, để em tiếp tục cùng đi với anh Nguyên Thái…-
Thanh Duyên xuôi tai, muốn « trả ơn » tôi tránh mặt ở hòn Hắc Báo, tôi vội vàng:
- Không được! không được! chúng ta không thể phạm quân lệnh! -
Cúc Xuyên phụng phịu không nói gì, lúc sau:
- Thế thì em đưa anh chị ra khỏi « địa phận » của em.-
Nhân dịp Cúc Xuyên vào tuyến nội vi, báo cho phó tướng nàng rời chỗ, tôi ghé tai Thanh Duyên:
- Chị Thanh Duyên không được rời em phút nào cho tới khi xong nhiệm vụ, đó là quân lệnh!-
Thanh Duyên mỉm cười:
- Chị tuân lệnh em! Em sợ địch phải không? Hàng đi cho xong chuyên!-
Tôi định trả lời, thì Cúc Xuyên trở lại. Ba chúng tôi lên đường. Cúc Xuyên cố tình đi sát bên tôi. Thâm tâm tôi sung sướng, hít thở lại cái hương vị đặc biệt của da thịt Cúc Xuyên, không sao quên được từ hôm ở vườn đào, tim đập rộn ràng, cổ như khô cạn. May có Thanh Duyên! May có Thanh Duyên, Cúc Xuyên và tôi, đôi bên cùng kìm hãm.
(Đến dòng này của Viễn Trình nhật ký, mấy năm sau, Nguyên Thái có viết thêm ngoài lề: Cúc Xuyên và tôi, dục tình được ngăn chặn trong vòng lễ giáo. Thời ấy, chúng tôi còn là đôi trẻ ngây thơ, nếu nay chúng tôi gặp nhau, không biết lễ giáo còn kiềm hãm nổi chúng tôi được nữa không? Ngày nay, con tim tôi vẫn rung động mỗi khi nghĩ đến đêm « Tống tửu » ấy. Nguyên Thái muốn nói đến đêm « Tống tửu Đan Hùng Tín » trước khi ra trận. Nguyên Thái quên chăng? Hôm sau, chàng và cả Cúc Xuyên ra trận, làm gì có « Tống tửu »…Nhưng không quan trọng…quan trọng là cái kỷ niệm tươi đẹp trong sạch của Nguyên Thái !)
Ba người chúng tôi đến đầu mỏm đá thì chia tay. Chúng tôi hẹn nhau bữa tiệc khải hoàn đêm sau.
Cúc Xuyên trở gót vài bước, bỗng quay lại, buồn rầu nói:
- Anh Nguyên Thái, nếu em mệnh hệ nào, xin nhớ đến em một chút nhé! Nếu cả hai hy sinh, anh đừng ruồng bỏ em ở Tuyền Đài !-
Nói xong chạy lại định ôm lấy tôi, tôi sắp tiến lại phía nàng, nàng ngừng lại, rút khăn tay chùi nước mắt.
Mắt tôi mờ lệ, chỉ muốn ôm em Cúc Xuyên vào lòng…nhưng may quá, Thanh Duyên ôm chầm Cúc Xuyên, đặt ngón tay lên miệng em:
- Cúc Xuyên, chị không muốn em làm nhụt nhuệ khí của ba quân!
Chúng ta quyết thắng mà! quyết thắng! và tối mai gặp nhau!-
Cùng Thanh Duyên về công quán tường trình công tác, gặp Bản trưởng đang thảo luận với ban chỉ huy Trà Sơn. Tôi về tới đơn vị thì đêm đã sang giờ Tí.
Đứng trên mỏm đá hòn Hùng, dùng viễn kính nhìn xa thấy góc Nam hồ Thanh Thiên phẳng như gương, phản chiếu bầu trời xanh thẳm, lấp lanh muôn vì sao nhân đôi. thầm phục tài thiên văn học của bộ ba Đình Quý, Thanh Duyên, Nguyệt Hà.
Đêm sao mùa này báo hiện ngày mai nóng bức trở lại và sương mù sẽ đúng hẹn ở trận địa.
Kế hoạch toàn vẹn giữ được bí mật. Canh phòng cẩn mật, Thạch Đào không ai ra khỏi bản. Hai phường buôn người Thổ vô tình qua bản đều bị tạm giữ ở Trà Sơn để thẩm vấn. Trà Sơn chỉ thả họ khi trận chiến xong xuôi.
51 người trong đoàn quân Hàn Duệ được lệnh chủ tướng nhổ trại ngược về đón Đại quân. Họ gặp đại quân giữa đường, trình mật thư nội dung, đại khái, Hàn Duệ và phó tương Phan Thế ở lại Thạch Đào để tổ chức an ninh doanh trại, sẽ nghênh tiếp chủ soái ở cửa bản, bữa cơm trưa dân làng sửa soạn đâu đấy, không cần ngừng lại dọc đường…
Lẽ dĩ nhiên, quân lệnh nhổ trại và mật đều giả, chỉ có ấn tín Hàn Duệ là thực. Chính tôi bắt chước tự dạng Hàn Duệ viết những tài liệu này.
Kiêu ngạo của con dân một cường quốc vĩ đại, cái kiêu ngạo đưa đến tật khinh chiến, trúng kế chúng tôi từ mấy ngày rồi, không lẽ ngày mai họ tỉnh ngộ?
Đang suy nghĩ thì nhận được của Bùi Hiệp sĩ một số ống bương ngắn, một nửa đầu « thầu dầu » thứ nhẹ trộn một phần rượu trắng cao độ, đầu này có ngòi ngắn, còn đầu kia đầy thuốc súng. Đó là võ khí cuối cùng mới thí nghiệm xong. Quân lệnh cuối cùng nhắc ba quân phải thận trọng tính mệnh, không được liều mình, và phải tìm đủ mọi cách tránh hỏa lực địch – ưu tiên diệt đội pháo thủ địch kéo một thần công lợi hại, trên hai bánh xe…
Chúng tôi thay nhau ngủ nhưng không ai nhắm mắt nổi. Cho tới khi bình minh lấp ló đầu núi bên Trà Sơn, chúng tôi ai nấy sẵn sàng túc trực nơi chỉ định.
Cuối Thìn, tiền quân Hàn Duệ và phó tướng hiện ra ở khe cửa Ân Lạc cùng bốn vệ sĩ Mãn Thanh, oai nghi bệ vệ trên đầu dốc, ngọn cờ lệnh theo gió nhẹ phất phới. Coi như oan hồn tử sĩ Hàn Duệ, Phan Thế hiện về…không nói chắc độc giả cũng biết đó chỉ là người Thạch Đào ngụy trang.
Cuối Tị, trời ngưng gió. Mặt trời gần đỉnh…hơi nước Thổ Lục và Thổ Hồng bốc lên…
Thám thính viên phi ngựa rạp đất báo địch đến gần …một dậm…nửa dậm…một phần tư dậm. Tiền quân nhìn xa thấy chủ tướng phất cờ chờ đợI, bình tĩnh tiến bước…Hàn Duệ (chúng ta cứ gọi như vậy), ra hiệu thẳng tiến. Tiền quân vang lệnh theo chủ tướng cùng 5 người đi vào khe Âu Lạc. Bên ven rừng, nơi an toàn, nổi lên tiếng đàn và tiếng trẻ hát ca vui chơi…
Đằng sau bọn tiền quân tiến trước, bỗng nghe thấy loa lệnh ngừng quân, chúng tôi hồi hộp. Chừng vài giây sau, nghe tiếng Châu Tín, tùy tướng của Bành Đức hô tiến quân như kiểu biểu diễn tuần hành. Bộ binh đi hàng sáu, sau đến kỵ binh hàng hai, kỵ binh mà tôi đếm qua viễn kính, khoảng sáu chục, Bành Đức cùng hai tùy tướng tả hữu dẫn đầu. Sau kỵ binh là đoàn pháo thủ kéo xe thần công và xe thuốc súng cùng đạn tròn…gần hai trăm súng trường, còn thì giáo mác gươm đao…Tôi ra mật hiệu qua ống viễn kính của Đỗ quái kiệt bên hòn Hắc Bác…
Chúng tôi hồi hộp, nhưng ai náy sẵn sàng ra tay.
Đoàn quân chưa vào hết khe Âu Lạc thì sương mù bắt đầu xuống nhiều, nhưng cả đoàn quân vẫn theo sau ngọn cờ tiền phong Hồ Duệ như có những oan hồn đi theo xúi giục.
Bành Đúc, trong sương mù mỗi lúc càng dày đặc, giật mình hô lớn ngừng quân…quá muộn rồi. Đạo quân Bành Đức đã lạc vào một mệ hồn trận.
Nghe tiếng Bành Đức hô ngừng, tôi bắn pháo lệnh, Đỗ quái kiệt, chặt đứt dây thừng giữ đá, gỗ, cành gai ở sường hòn Hắc Bào. Tức thì như sấm nổ, bao nhiêu tảng đá, gỗ nhọn, cành gai, rơi lấp kín cửa che, đè bẹp bọn hậu quân…Hai tên bị thương nhẹ, bên ngoài khe, đứng lên định tẩu thoát, tôi và phó đội trưởng giương nỏ thép. Phó đội trưởng hạ một, tôi ngập ngừng, vài giây rồi mới bấm cò, xúc động nhìn tên ngã lăn trên vệ đường…Không có thì giờ nghĩ ngợi tốt xấu, tôi ra lệnh châm ngòi ống bương ném xuống đường khe…lúc ấy hãy còn nhìn thấy khẩu thần công…Đội tôi và Đỗ huynh bắn chéo xuống. Pháo thủ tử thương một nửa, một nửa kia bình tĩnh nạp đạn, châm ngòi. Tiếng hò reo vang âm sườn núi, át cả tiếng thần công. Một gia cư trong bản bốc cháy. Chúng tôi thay nhau dùng nỏ sắt bắn từng loạt xuống đường khe, giác độ xạ kích tính trước phỏng chừng vì không nom rõ địch quân đang kêu la tán loạn. Loạt ống bương vừa ném, bốc cháy tới thuốc súng, nổ vang, địch quân, quần áo bốc cháy.
Cả chiến trường vang dội, nào từng tràng súng nổ bắn ra từ phía, nào quân lệnh, nào tiếng kêu la đau đớn, cả tiếng Việt lẫn tiếng Tàu. Đoàn bộ binh địch chạm trán đoàn quân chủ tướng La Đại Hoành, giãn ra hai bên, một bên chạy sang đồng Thổ Lục. Bọn này chạy được chừng năm mươi thước kêu cứu, rồi không nghe thấy động tĩnh. Bị loạt tên từ hàng rào chùa Thiên Phúc bay ra tới tấp, bọn ấy không kịp mang theo đồng bạn bị thương, cùng nhau tiến vào hầm theo Tả quân Châu Tín…vì không nhìn rõ, một số quân của Bành Đức cũng theo Châu Tín qua đường hầm. Hai cửa hầm bỗng đổ sập, trong khi một tiếng nổ long trờI, tiếp theo tiếng thác đổ ào ào. Nguyệt Hà và Bùi Đình Quý, vừa làm đổ đập Xích Bích. Nước đỗ mạnh cuốn theo đá gỗ, chừng mấy phút ngập hết đồng Xuyên Thổ và cả hầm chiến đấu đầy địch quân…Khi nước bớt xói chảy và mực nước đã cao, Nguyệt Hà và đoàn Hà bá quân, nhảy xuống thanh toán địch quân đang cố bơi vào chân núi Thanh Thiên…một số địch quân lên được bờ Thanh Thiên đều ngã lăn dưới hàng loạt mũi tên của đoàn nữ binh Cúc Xuyên, Thanh Duyên. Cánh tả bị tiêu diệt, Bành Đức ra lệnh thần công bắn lên bản nhưng chẳng được trả lời. Tức thì hắn ra lệnh cho hữu quân Trương Hùng đánh vòng phía phải định bao vây bản, nhưng ngườI ngựa vừa chạy sang phải chừng hai ba mươi thước đều bị từ từ chìm sâu xuống bùn. Kêu la inh ỏi, một số nhỏ lui thoát đến gần vườn đào thị bị đoàn xạ kích của La đại thúc thanh toán. Chỉ huy hậu quân Đoàn Hà đã bị vùi thây dưới đống đá bịt cửa khe…Bành Dức nghe quân báo vậy, biết là chỉ còn đoàn quân kỵ thiệt hại ít nhất. Bành Đức hô đoàn kỵ binh thẳng tiến lên bản…chẳng ngờ ngựa chạy được vài bước thì đến đoạn đường giải rắc đá nhọn. Ngựa bị đau hí lên hất kỵ mã xuống đường. Trong cơn hoảng hốt vì không nhìn rõ, họ đã tự làm tử thương nhau số lớn…Bành Đức tiến lên không được, không còn đủ quân lực để tiến lên bản, mà rút lui không được….Con người kiêu ngạo ấy, theo tôi, cũng đúng bực anh hùng, không quỳ lạy hay chạy trốn. Sau khi ra lệnh cho tàn binh đầu hàng, hắn rút gươm tự vận. Hữu quân Trương Hùng, ra khỏi được sa lầy vì đi sau cùng…trở lại thấy soái chủ đã tự vẫn, hắn cũng làm theo.
Một không khí trầm lặng đè nén…chúng tôi không ai rời chỗ, đứng yên chờ đợi quân lệnh. Quân lệnh sẽ được ban ra khi nào sương mù đi bớt, lúc có thể phân biệt địch, ta. Trong khi chờ đợi, quân lệnh, là phải tiếp tục giết tất cả những ai đến gần đơn vị…Không bao giờ chúng tôi nóng ruột như khi ấy. Trận chiến quá nhanh chóng khởi đầu giờ Ngọ mà đến Mùi, chiến trường đã trầm lặng. Nghĩ đã thắng trận, nhưng vẫn lo lắng địch phản công, vì chưa biết số thiệt hại của địch.
Khoảng cuối Thân, pháo lệnh đầu của Đại Hoành, chúng tôi sẵn sàng thu quân. Tiểu đội tôi, 12 người toàn vẹn, vì chúng tôi chỉ xạ kích, ném ống nổ. Hai người bị thương nhẹ không đáng kể vì đạn địch làm văng đá vỡ trúng tay…Tôi vô cùng lo lắng cho em Cúc Xuyên. Bây giờ mới có thì giờ nghĩ đến nàng.
Gần Dậu, pháo lệnh thứ hai, lệnh thu quân. Chúng tôi rút nhanh về cửa bản. Lúc ấy đoàn quân của La bản trưởng, đoàn quân hy sinh nhất, đã kiểm điểm xong trận địa. Tôi rất vui mừng nhìn thấy Cúc Xuyên, Thanh Duyên và Nguyệt Hà dẫn đoàn nữ binh đến nơi. Nguyệt Hà khóc thương hai đồng đội bị tử thương trong thủy chiến. Tôi vội chạy đến Cúc Xuyên, tay trái băng bó, nâng tay nàng muốn coi vết thương. Cúc Xuyên cho tôi nụ cười âu yếm, nàng nói nhỏ:
- Anh đừng lo, viên đạn bay sát tay em, em như bị bỏng.-
Kiểm điểm thiệt hại, chúng tôi toàn thắng, mất 20 quân, 18 nam, 2 nữ, còn địch tổng cộng thiệt hại hơn năm trăm người, nhiều nhất ở hầm Xuyên Thổ, nước ngập, chết đuối trong hầm, một số đông chìm vào đồng Thổ Lục.
54 tù binh không thấy chúng tôi hành hung giết chóc, trái lại còn lịch sự nói chuyện, băng bó vết thương, cho ăn uống đàng hoàng, họ tỏ vẻ cảm phục. Họ tình nguyện xin ở lại ít ngày dự vào việc mở lại khe Âu Lạc và việc chính, chôn cất tử binh, công việc quá quan trọng, chúng tôi có tù binh, dân Trà Sơn công sức, hai ngày mới xong.
Một buổi tế trận long trọng, bài vị tướng sĩ địch tử trận đặt ngang bài vị tử binh Thạch Đào. Bọn tù binh càng cảm phục. Tôi nhắc lại điểm này để nói đến cá tính tự nhiên của dân tộc ta không biết thù hằn oán hận, coi trọng anh hùng, dù anh hùng là địch.
Không có tiệc mừng khải hoàn, bản Thạch Đào khóc thương âm thầm tất cả sinh linh bỏ mình nơi trận địa.
Nguyên Thái kết thúc « Trận Thạch Đào » bằng hai câu mở đầu Truyện Hàn Môn tình sử của Lâm Nguyệt Ánh, người chịu ảnh hưởng văn chương của bà Đoàn Thị Điểm:
Còn trời đất, còn cơn gió bụi
Chỉ do người gây nỗi oan khiên…Hai câu yếm thế hợp với tâm trạng chàng trai mà trí óc vẫn còn vấn vương hình ảnh người lính xâm lăng ngã gục vì mũi tên sắt của mình…
Vài ngày sau, Nguyên Thái từ biệt Thạch Đào. Trên đường đi phía Đông, không khỏi nghĩ đến lúc chia tay vừa buồn rầu, vừa ngạc nhiên, Cúc Xuyên không ngăn cản, cũng không tỏ vẻ giận hờn, thản nhiên cho chàng một túi gấm hồng nhỏ, khẽ nói:
- Em không cản trở đường « công danh » của anh. Kỷ niệm những ngày hạnh phúc, hy sinh của chúng ta, anh hãy giữ trong người, bùa hộ thân, cái cẩm nang này, hứa với em, trước khi làm lễ gia tiên với ai, hãy mở coi.-
Như mất lý trí, chàng hứa, bỏ cẩm nang vào túi, nghĩ thầm: Em Cúc Xuyên trói buộc mình ở xa đây. Thôi được, ta hãy đi thoát đã. Có gì quan trọng, nàng sẽ quên ta…
Giữa Ngọ đến Trà Sơn, y hẹn, dùng cơm trưa với bản trưởng và tộc biểu. Đáng lẽ chàng từ chối cuộc tiếp đón long trọng này, nhưng Trần Quý Liệu, bản trưởng, nửa đùa nửa đứng đắn:
- Hiền diệt phải qua Trà Sơn mới đi được nơi khác, dự tiệc là thuế mãi lộ của bản tôi.-
Giữa tiệc, Quý Liệu đứng lên nâng chén:
- Trà Sơn xin chúc Trần Tú Tài lên đường bình an…Trần Tú Tài là Gia Cát Lượng tái sinh, kế hoạch Thạch Đào của Trần Tú Tài thành công trọn vẹn, bản ta vì thế tránh được tai họa chiến tranh. Hoan hô và cám ơn.-
Nguyên Thái giật mình, La Đại Hoành sai lời hứa. Đã đành chính chàng thiết kế từ đầu đến cuối rồi thảo luận riêng với bản trưởng, nhưng kết quả tốt đẹp do sự thi hành đúng mức. Nguyên Thái hiểu ý Đại Bá, Đại Bá chỉ hứa giữ bí mật với dân Thạch Đào thôi…Bản trưởng Thạch Đào nhờ Bản trưởng Trà Sơn cảm ơn gián tiếp…
Nguyên Thái đỏ mặt, ngượng nghịu đứng lên cố cải chính:
- Kế hoạch của toàn dân Thạch Đào, không phải của tôi -…
Trần Quý Liệu hỏi:
- Có điều thắc mắc, muốn hỏi tráng sĩ. Dụ hổ vào hang mình nguy hiểm hơn hay bịt cửa hang ta, hổ không vào được?-
Quý Liệu thực tấm lý, gợi nhược điểm của chàng trai, ưu thích giải luận:
- Tôi hiểu ý bản trưởng. Bịt cửa hang mình, hổ không vào được, nhưng hổ chờ ngoài cửa, hổ càng ngày càng lớn, cái nguy vong của chúng ta ngày càng to…Nếu chúng ta bịt cửa Khe Âu Lạc, giặc sẽ đóng binh bên ngoài, thanh thế ngày càng lớn, vì của cải, nhân lực chiếm đoạt được từ các bản đã qua…Ta sống cũng như chết. ta phải nằm yên chỗ, ăn không ngon, ngủ không yên…rồi những kẻ hai mang phản bội ngay trong hàng ngũ ta sẽ trưởng thành để ta…tự diệt. Cho nên La bản trưởng và tôi đồng ý, lợi dụng thời cơ giết giặc bằng ba vị anh hùng đến giúp cùng lúc: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa…-
Nguyên Thái chợt nghĩ ra mình nói quá nhiều, xin phép ngồi xuống, trong khi Quý Liệu nói:
- Bái lĩnh tôn ý.-
Bản trưởng đối đãi với Nguyên Thái, như với một bực lão thành làm chàng xấu hổ. Dân Trà Sơn muốn giữ lại, chàng lễ phép cương quyết ra đi vào giờ Thân.