29.Cùng Cúc Xuyên điều tra thích khách,
Nán hành trình ở lại vườn đào. Nguyên Thái về La Trang sửa soạn lên đường. Mọi người tỏ vẻ luyến tiếc, duy Cúc Xuyên, rực rỡ trong bộ võ y màu hồng, tránh nhìn Nguyên Thái, xịu mặt không trả lời khi chàng chào từ biệt. Lão bà sắp mắng cháu lại thôi khi bà gặp ánh nhìn van xin của chàng.
Đại Hoành tặng chàng một tuấn mã, nhưng chàng lễ phép từ chối.
Chàng không muốn đổi cách phiêu du, quen chân nhiều năm đi bộ.
Chàng chỉ nhận số lương khô mà chính lão bà sửa soạn mấy ngày trước.
Đang bịn rịn thì có tiếng gõ cổng cấp bách. Một thanh niên võ y gọn gàng vòng tay trước Đại Hoành:
- Thưa bản trưởng, Đỗ quái kiệt bị thương nặng. Con giác mã vừa chạy về công quán. Đỗ tuần trưởng hãy còn trên lưng giác mã, chúng tôi không dám khiêng xuống.-
La bản trưởng ra lệnh báo động bằng một hồi chuông chùa. Theo như ước định mọi người có mặt ở sân công quán. Đỗ tuần trưởng mê man bất tỉnh trên lưng con giác mã, mà con vật thì đứng yên không nhúc nhích. Con vật tinh khôn, nó tự động mang chủ về. Hai sừng giữ chủ không rơi xuống đất. Nguyên Thái theo La lão bà đến cạnh Đỗ quái kiệt. Bà kết luận Đỗ quái kiệt bị độc, thứ thuốc độc biến chế bằng một loại cây rừng, độc từ từ xâm nhập cơ thể. Nếu không có thuốc giải, nạn nhân không thể nào cứu thoát sau bốn năm tiếng. Chẩn mạch, lão bà kết luận phải cho uống ngay thuốc giải độc.
Bà quay lại hỏi Cúc Xuyên. Không thấy bóng dáng cô cháu gái, bà lo sợ cuống cuồng, hỏi Nguyên Thái. Nguyên Thái lắc đầu. Thì ra Cúc Xuyên giận dỗi bỏ đi đâu từ lúc trước.
- Con Cúc Xuyên và ta thí nghiệm thuốc giải độc mới tìm ra ít ngày trước đây thôi. Cúc Xuyên cất giữ bình thuốc ở đâu ta không biết. Vậy phải tìm ngay nó về đây.
Lão bà nói xong, lên ngựa về nhà thử tìm kiếm.
Nguyên thái đến an ủi cô giáo Thanh Duyên đang tần ngần lo lắng bên giác mã. Bồng chàng nhớ một chi tiết, chàng đoán Cúc Xuyên bỏ đi vườn đào vì không muốn nhìn chàng rời Thạch Đào. Sau khi cùng Thanh Duyên sai người gượng nhẹ khiêng quái kiệt vào công quán, chàng mượn tuấn mã phóng như bay đến vườn đào.
Quả nhiên, Cúc Xuyên đang tựa gốc Đào, ngồi ủ rũ. Nguyên Thái gọi mấy câu, nàng lặng thinh. Sau cùng ghìm cương nhảy xuống, chạy đến trước mặt nàng kể lại tình hình, nàng không mảy may phản ứng. Nguyên Thái đành cúi xuống cầm hai tay nàng, kéo nàng đứng dậy. Bỗng nàng ôm chầm Nguyên Thái, nước mắt vòng quanh:
- Em không muốn anh đi…anh ở lại Thạch Đào với em-
Tiến thoái lưỡng nan, chàng không dám gỡ đôi tay ngọc, chàng cảm thấy con tim Cúc Xuyên rộn đập qua mảnh vỏ y hồng, rồi chính con tim chàng bắt đầu sôi động. Mùi hương phấn và hơi thở đượm mật ong của người đẹp làm chàng say sưa choáng váng. Việc cấp bách, chàng khẽ gỡ vòng tay:
- Cúc Xuyên em, bà cho anh đi tìm em về lấy thuốc giải độc cứu Đỗ tuần trưởng…khẩn cấp…khẩn cấp…-
Cúc Xuyên không nói năng, âu yếm nhìn chàng, nhảy lên ngựa, cùng nhau phi bay về La trang. Trên đường từ La trang đến công quán, Cúc Xuyên giải thích, thuốc chống độc mới trong thời kỳ thí nghiệm, nên phải giấu kỹ. Thuốc mới thử trên con khỉ bị trúng độc, ăn lầm phải lá cây ấy. Con khỉ sống sót, khoẻ mạnh được thả về rừng rồi. Mong công hiệu cho Đỗ quái kiệt. La lão bà đi cùng đôi trẻ nhắc lại họ La không giữ bí mật gia truyền. Trái lại những thuốc hiệu nghiệm đều được phổ biến.
Đỗ quái kiệt vẫn mê man trên giường. Thanh Duyên ngồi ghế cạnh, lo lắng. Nguyên Thái cố sức mở miệng bệnh nhân, Cúc Xuyên và Thanh Duyên đổ thuốc. Mọi người yên lặng đợi chờ, không ai nói với ai một lời. Thỉnh thoảng lão bà chẩn mạch.
Hồi lâu mọi người thở dài nhẹ nhõm. Quái kiệt mở mắt, nhìn thấy Thanh Duyên định đứng dậy, La lão bà bắt nằm xuống. Mạch gần mức độ điều hòa. Quái kiệt đi kiểm tra thường lệ các đồn canh, bị trúng ám khí nơi cổ bên phải, trên đường về.
Nguyên Thái quan sát bản đồ Thạch Đào. Suy luận nơi quái kiệt bị ám khí, cách đồn canh cuối cùng chừng một dậm. Trên đường về nơi ấy có một khu rừng nhỏ, còn bên trái, cánh đồng không. Chàng đưa mắt cho Cúc Xuyên. Nàng theo chàng ra cửa. Hai người lên ngựa phi thẳng đến nơi ấy. Cúc Xuyên đã trở về bình tĩnh, bẽn lẽn nhìn Nguyên Thái; chàng hiểu ý cười nói như không, nói cần phải tìm ra ngay hung thủ để trừ hậu họa. Biết Cúc Xuyên thông minh tột bực, mà điều cần thiết là phải xử dụng cái thông minh đặc biệt ấy. Nguyên Thái thực tâm lý, chàng đã đề cao Cúc Xuyên trong nhiều trường hợp. Lần này, chàng đặt câu hỏi để Cúc Xuyên tìm thấy trả lời.
Đến quãng đường ven rừng, hai người xuống ngựa. Nguyên Thái:
- Đỗ tuần trưởng trúng ám khí trên đường về, bên phải cổ, có nghĩa là…là…chàng ngập ngừng.
Cúc Xuyên vội tiếp lời:
- Nghĩa là hung thủ nấp trong khu rừng này -
Nguyên Thái sung sướng cởi mở được cách suy luận của cô bạn, trong khi nàng tiếp tục:
- Ám khí chỉ là mũi kim tiêu nhỏ, mũi kim tiêu từ cổ quái kiệt rơi ra, hẳn còn trên khúc đường này -
Nguyên Thái:
- Anh xin đồng ý với cô em gái, chúng ta tìm ám khí.-
Hai người chia nhau tìm kiếm. Khoảng mườI phút sau, Cúc Xuyên sung sướng tìm thấy. Cúc Xuyên để nguyên ám khí tại chỗ, kéo Nguyên Thái đến nơi.
- Anh coi, em đoán không sai. Ám khí là mũi kim tiêu, nhưng bây giờ mới biết là mũi kim tiêu đặc biệt có đuôi, dùng trong ống xí đồng -
Cặp mắt sáng ngời, nàng tiếp tục suy luận:
-mà ống xì đồng thì bản này nhiều người biết dùng, nhưng biết bí mật lá độc thì chỉ có ba người không kể em và bà nội. Ba người cùng em và bà nội lên rừng hái lá. Thứ lá này dùng ít để chữa bệnh, còn nấu đặc dùng nhiều thành thuốc độc vô cùng nguy hại. Em kết luận: hung thủ thích khách là người trong bản.-..
Tú Thái đồng ý, ngợi khen em bé. Nàng đề nghị căn cứ vào ám khí bị rơi, đi thẳng vào khu rừng, có thể tìm ra ống xì đồng của hung thủ.
- Em nói đúng, nhưng anh đề nghị, chúng ta tìm cách đây mươi thước, bởi vì, bởi vì...
Chàng ngập ngừng thì Cúc Xuyên vội nói:
- Em biết rồi, anh của em cũng sáng suốt, hung thủ thổi kim tiêu. Kim tiêu trúng cổ Đỗ quái kiệt, quái kiệt bất ngờ bị đau lấy tay gạt kim tiêu, kim tiêu rơi xuống đất, nhưng từ lúc trúng đến lúc rơi, giác mã hồi tầu đã đi ít nhất mươi thước…
Tú Thái tủm tỉm, cùng Cúc Xuyên đi thêm mươi thước, mới bắt đầu tìm. Quả nhiên không thấy ống xì đồng, nhưng kiếm được một cành cây có ngạnh, hung thủ dùng làm cột giữ xì đồng. Hung thủ đã nhổ cành này lên vứt bên cạnh sau khi hành xong thủ đoạn. Cúc Xuyên và Nguyên Thái mang hai tang vật về công quán. Dọc đường, Cúc Xuyên như ham thích trò chơi mới, tiếp tục suy luận to để Nguyên Thái nghe thấy:
- Xì đồng! Xì đồng là võ khí đã lâu không dùng đến, có mười hai chiếc vẫn cất trong công quán…Những xạ thủ xì đồng, em biết hết, nhưng chúng ta chỉ thu hẹp vào ba người tình nghi, ba người biết bí mật thuốc độc. À em biết rồi anh ạ, em biết ai rồi. Đỗ quái kiệt được mọi người quý trọng trừ anh Lê Duy Trú, có thể là anh Trú, anh là một thiện xạ…Chuyện ghen tuông chăng? Anh Trú cũng si mê chị Thanh Duyên…
Tú Thái mặc cô em suy luận, thầm phục cô em đang nói năng như một người đầy kinh nghiệm, đề cập chuyện ghen tuông kia nọ … thầm phục lý luận sáng suốt của nàng..
Sợ nàng hấp tấp hỏng việc, Nguyên Thái xin nàng để chàng lo liệu cho hung thủ hết bề chối cãi. Về tới công quán, Cúc Xuyên y lời không hề hé răng, đi thẳng vào phòng bệnh. Lão bà nói Đỗ quái kiệt gần hoàn toàn bình phục, nhưng cần nằm im ít cử động để chất độc có thì giờ biến thái.
Nguyên Thái rỉ tai bản trưởng. Đại Hoành cho đánh trống tập họp quân sự. Bên cột cờ tất cả trai tráng, hơn trăm người hàng ngũ chỉnh tề. Nguyên Thái theo Đại Hoành duyệt binh. Theo như Nguyên Thái căn dặn, Cúc Xuyên vào phòng ám khí xét tất cả các ông xì đồng. Đúng như tiên đoán, ống xì đồng lâu không dùng đến, ở hai đầu đều có chất rỉ xanh. Duy có một chiếc mang vết tích mới dùng: Rỉ xanh gần mất hết.
Cúc Xuyên mang ống xì đồng ấy ra sân thì vừa lúc Bản trưởng cho giải tán quân binh, trừ đoàn xạ kỵ. Mười hai xạ kỵ đứng yên chờ lệnh. Nguyên Thái phát cho mỗi người một mảnh giấy bản, Đại Hoành ra lệnh bắt mọi người ngậm đầu giấy bản. Sau hai phút, Nguyên Thái cùng Đại Hoành thu giấy bản. Mảnh giấy thấm nước bọt trên môi không màu sắc. Khi đến lượt Duy Trú, thì nước bọt biến màu xanh nhạt, rỉ đồng còn trên hai mội theo nước bọt thấm vào giấy bản. Vừa lúc Cúc Xuyên mang ống xì đồng đến nơi, Duy Trú định chạy trốn. Đại Hoành phi thân chặn đường, bắt Duy Trú về chỗ. Mọi người ngạc nhiên không ai hiểu chuyện gì.
Bản trưởng tuyên bố:
- Duy Trú là thủ phạm định ám sát tuần trưởng!-
Dứt lời ra lệnh trói lại. Thanh Duyên nghe huyên náo, chạy ra:
- Thanh Duyên, Thanh Duyên, vì em anh mắc tội, anh không muốn mất em, anh oán giận Đỗ tuần trưởng cướp em của anh! – Duy Trú nói to về phía Thanh Duyên.
Thanh Duyên đỏ mặt:
- Anh đừng nói càn. Em có hứa hẹn gì với anh? Sao anh lại muốn giết người như vậy?-
Cúc Xuyên giận lắm, nàng nhìn Duy Trú lẩm bẩm:
- Tại sao? tại sao? Anh làm như vậy, không thể tha thứ cho anh!-
Hội đồng hương chính quyết định tống giam Duy Trú chờ ngày mai thành lập phiên tòa. Họ còn muốn suy nghĩ vì bài học Thiện Thành đang còn trong trí óc.
Lê Duy Trú, chừng 26, 27 tuổi, kể ra nguyên quán Thạch Đào, bố mẹ đến đây định cư từ lâu, tàn quân của bọn hoàng thân Lê Duy Mật chăng? Một gia đình kín đáo không tai tiếng. Duy Trú sinh tại bản này. Giết người hay định giết người tội nặng ngang nhau, nhưng hội đồng hương chính nghĩ đến tình trạng đặc biệt si tình mù quáng của Duy Trú, định trừng phạt qua loa. Bố mẹ Duy Trú, và chính Đỗ quái kiệt cũng xin tha, họ giam đêm nay, sáng mai thiết lập phiên tòa công khai, trước khi trả tự do cho tội phạm, cốt ý làm gương cho kẻ khác.
Xong xuôi, đã hết giờ Mùi, Cúc Xuyên và Nguyên Thái về La trang. Dọc đường Cúc Xuyên bẽn lẽn nhìn chàng không nói năng. Nguyên Thái làm như quên hẳn cử chỉ tự nhiên, tự do của nàng ở vườn đào. Hình ảnh Cúc Xuyên trong cử chỉ thân mật ấy cứ theo đuổi làm chàng e sợ « nguy cơ » sắp đến. Sau cùng cương quyết, nhất định sáng mai khởi hành, chàng tự hứa.
Hai người tới gần La trang thì gặp một tuần viên rạp lưng mình ngựa phóng về công quán, cờ đuôi theo hỏa tốc trên vai. Cúc Xuyên và Nguyên Thái giục ngụa theo. Quả nhiên việc khẩn cấp. Thực là họa vộ đơn chí, việc Duy Trú vừa giải quyết xong, lại đến việc này.
Tuần viên liên lạc trình Bản trưởng một bao thơ chữ Hán, nói có một đoàn người chờ trả lời ở đồn tiền phòng. Nếu cuối Dậu không có trả lời, và không có phái đoàn tiếp đón, họ sẽ tùy nghi liệu định.
Đó là một tối hậu thư của một đoàn quân tiên phong Mãn Thanh.