Tiêu Dao và Vương Tiếu Thiên cũng đi xe đạp ra khỏi cổng trường, hai người bao giờ cũng rủ nhau cùng đi. Vương Tiếu Thiên không bao giờ hết chuyện. Từ trường về, cần phải đi qua trạm xe buýt đường 13. Lại trông thấy cô ấy - Mỗi lần Tiêu Dao đi qua bến xe đều trong thấy cô bé mặc chiếc áo màu đen. Trong ấn tượng của Tiêu Dao, ngoài màu đen cô bé không bao giờ mặc màu khác. Cô bé rất gầy, tóc để dài, buộc gọn bằng một dải lụa nhỏ cũng màu đen, đến là độc đáo dễ ưa. _ Nhìn gì đấy? – Vương Tiếu Thiên hỏi? _ À, xem, xem cái bảng hiệu! Vương Tiếu Thiên không nói gì, chỉ cười vẻ bí hiểm, cái cười thật khó hiểu, giống như muốn nói: “Thật không ngờ cậu lại thế”. Cái cười của Tiếu Thiên làm cho Tiêu Dao phát hoảng. _ Cô ta ở lớp Mười 3, cũng họ Tiêu giống như cậu. _ Cũng họ Tiêu? – Tiêu Dao không tin. _ Cha mẹ cô ta cũng ở nước ngoài như cha mẹ cậu. _ Cũng ở nước ngoài? – Tiêu Dao lộ vẻ vui mừng - Ở nước nào? _ Giống như cậu học lớp Mười 4, cô ta học lớp Mười 3, cha mẹ cậu ở nước Anh, cha mẹ cô ta ở nước Pháp. Vương Tiếu Thiên rất tài kéo những sự việc xa lơ xa lắc lại với nhau bằng cách dùng một loạt từ “cũng như”. Khi Tiêu Dao quay đầu nhìn lại thì cô bé đã lên xe rồi. _ Tiêu Dao, tớ hỏi cậu: kiss là động từ, danh từ hay là loại từ nào khác? – Vương Tiếu thiên vừa hỏi vừa nhếch miệng cười. _ Động từ! – Tiêu Dao đang để tâm trí ở chuyện khác trả lời đại đi. _ Sai! – Vương Tiếu Thiên lớn tiếng phủ định. _ Là danh từ. _ Sai! – Trình độ tiếng Anh của cậu như vậy đấy à? _ Thế là loại từ gì? Tớ không biết, cậu nói đi. Vương Tiếu Thiên cười ha hả: _ Liên từ ạ! Tiêu Dao kết luận: Vương Tiếu Thiên hỏi cái gì thì ngàn lần đừng có trả lời, nếu trả lời là rơi vào bẫy của cậu ta. Nghĩ đến cô gái Tiêu Dao rất muốn tìm hiểu hơn nữa về hoàn cảnh của cô song lại ngại, chỉ hàm hồ hỏi qua miệng Tiếu Thiên. _ Cô ta làm gì? _ Làm lớp trưởng, không đúng à? Căng thẳng đến nỗi tiếng Trung Quốc cũng không biết nói. _ Đâu có, tớ… tớ - Tiêu Dao vội vàng giải thích nhưng càng giải thích càng rối mù, Vương Tiếu Thiên lại đùa nói: _ “Cẩn thận sinh bạc đầu”. “Đáng cười, ta đa tình, đầu sớm bạc!” _ Cô ta rất “quây hoa” (Dịu dàng và xinh đẹp) – Tiêu Dao nói. _ “Quây hoa”, nghĩa là gì? Tiêu Dao nhìn Tiếu Thiên cố làm ra vẻ bí mật: _ Về nhà mà tra từ điển. Vương Tiếu Thiên hỏi đột ngột: _ Muốn làm quen không? _ Tớ không phong lưu lãng mạn như cậu. Vương Tiếu Thiên cười lớn. Cái cười làm cho Tiêu Dao phát tức, vì hình như cậu ta định nói: “Cậu giả dối, Tiêu Dao ơi”. Tiêu Dao không dám nhìn bạn, Vương Tiếu Thiên nói tiếp: _ Cô ta chỉ cách một bức tường, rất dễ làm quen. _ Cậu nói gì? – Tiêu Dao buột miệng hỏi nhưng lập tức cảm thấy không ổn, song không thể thu lại được nữa. Vương Tiếu Thiên vội chộp ngay lấy “tẩy” của cậu ta: _ Thế là đúng rồi! Muốn làm quen thì nói ra! Tiêu Dao bị bạn xoay cho dở khóc dở cười, làm ra vẻ lơ đãng nghe tiếng Tiếu Thiên tiếp tục nói: _ Chẳng hạn làm ra vẻ quên sách, sang lớp bên kia hỏi mượn sách cô ấy, một lần mượn một lần trả vị chi là hai lần. Lại giả vờ nhận lầm người, gọi cô ấy là “em”, khi cô ấy quay đầu lại thì cậu nói: “Xin lỗi nhé! Tôi nhận lầm người rồi, nhưng mà cô giống em gái tôi thật đấy…” _ Cách làm quen của cậu quê đến thế cơ à? _ Lại còn quê à? Thế thì cậu lấy trộm của cô ta một vật gì đó song phải là vật quan trọng mà cô ta rất thích, rồi khi cô ta cuống cuồng đi tìm thì đem trả, nói là nhặt được, vẫn đợi người đánh rơi và đã đợi hai ngày nay. Nhất định cô ấy sẽ cảm động. _ Làm thế có quá đáng không? _ Nếu vậy cậu dùng chiêu tuyệt cú mèo này: chẳng quân ba bảy hay mười một gì ráo, cậu tiến đến vỗ vai cô ta: “Em ơi! Anh đây chẳng có một trinh, Bao giờ đến lúc ta mình theo nhau!” Vương Tiếu Thiên vừa nói vừa làm đủ điệu bộ, đổi cả giọng nói, theo đúng làn điệu mà biểu diễn, lấy làm đắc ý lắm, đến nỗi Tiêu Dao sợ bạn ngã nhào từ xe xuống. Tiêu Dao bật cười nói: _ Thế cậu “chài” Lưu Hạ bằng cách này đấy à? _ “Chài”? Sao ăn nói khó nghe thế? Lưu Hạ… Vương Tiếu Thiên không giận một chút nào. Bạn rất ít khi nổi cáu bao giờ cũng cười, để lộ hai lúc đồng tiền nho nhỏ. Thảo nào các nữ sinh rất thích bạn. Hễ nhắc tới Lưu Hạ, hễ nhìn thấy Lưu Hạ là bạn vui mừng liền. Vương Tiếu Thiên chọn bạn gái đơn giản: một là nói chuyện hợp được với nhau, hai là tốt nết, ba là xinh đẹp. Lưu Hạ là một thiếu nữ xinh xắn, cởi mở, không kiêu căng, không làm bộ, hễ nói chuyện với bạn bè là cảm nhận được sự chân thành. Một lần, Vương Tiếu Thiên vòng vo thử xem cảm giác của Tiêu Dao đối với Lưu Hạ để biết ấn tượng của các bạn nam khác đối với người bạn gái của mình ra sao. Tiêu Dao trả lời thẳng thắn không chút hàm hồ: _ Lưu Hạ thật tốt! Vương Tiếu Thiên không hiểu: _ Hử? Tiêu Dao giải thích: _ Bao giờ cũng vậy, Lưu Hạ muốn khóc thì khóc, muốn cười thì cười, mừng và giận hờn đều hiện trên nét mặt. Mọi ý nghĩ của bạn ấy dường như đều có thể tìm thấy đáp án trên nét mặt. Tiếu Thiên nghe xong vui mừng vô kể, vui hơn khi chính mình được khen. Bạn chỉ muốn thứ gì mình thích và đang có đều được mọi người tán đồng song lại không muốn ai ai cũng có thứ đó. Có điều, hình ảnh thực sự khiến Tiếu Thiên hồi hộp rung động hoặc có thể nói là “đổ gục”, lại chính là bóng dáng xinh đẹp của Lưu Hạ trong phòng đàn. Hôm ấy Tiếu Thiên đi qua phòng đàn, trong lúc vô ý ngẩng đầu lên bắt gặp Lưu Hạ đang tựa cửa sổ kéo đàn. Lưu Hạ mặc bộ váy áo màu trắng, một dải lụa trắng kết thành hình bướm rủ dài xuống đuôi tóc, hình dáng thật thanh nhã đáng yêu. Trong tiếng nhạc du dương uyển chuyển, hình dáng ấy chẳng khác gì vị thần âm nhạc của đất nước âm nhạc. Vương Tiếu Thiên ngây người ra nhìn. Lần đầu tiên bạn cảm thấy một vẻ đẹp, vẻ đẹp của thiếu nữ. Vẻ đẹp đó khiến Tiếu Thiên cảm động, sau đó Tiếu Thiên mới biết khúc nhạc Lưu Hạ đàn hôm ấy có tên là Lời cầu nguyện của thiếu nữ. Từ đó Tiếu Thiên nhớ kỹ khúc nhạc này. Tất nhiên những điều ấy Tiếu Thiên không hé lộ ra với ai, cũng không nói cho Lưu Hạ biết. Bạn cần phải giữ kín điều bí mật cùng cảm xúc ấy cho riêng mình. Đến ngã tư, Tiêu Dao và Tiếu Thiên chia tay nhau bởi Tiêu Dao sực nhớ phải nhận một bưu kiện, bèn ngoặt xe đi tới bưu điện. Người đến nhận bưu kiện ở bưu cục quốc tế không đông, Tiêu Dao đi thẳng vào. Chợt bạn phát hiện cô gái áo đen đang rời khỏi quầy, tim bạn đập thình thịch. Lúc ấy cô gái đã đi qua bên bạn. Tiêu Dao chú ý nhìn cái gói trong tay cô, quả đúng là bưu kiện từ nước ngoài gửi về, hẳn là mẹ cô ở Pháp gửi đồ về cho cô. Tiêu Dao chăm chăm nhìn phía sau lưng cô, rồi tự thấy lạ cho mình: _ Mình làm sao thế nhỉ? Từ đó Tiêu Dao càng chú ý để tâm đến cô, bất kể khi đến trường hay khi tan học, chỉ cần đi qua bến xe đó là Tiêu Dao cho xe đi chậm lại. Mỗi khi chuông báo giờ ra khỏi vừa vang lên, thế nào Tiêu Dao cũng ngẩng đầu nhìn ra cửa sổ, bởi học sinh lớp 3 muốn ra sân chơi phải đi qua cửa lớp 4. Cũng vì cô, Tiêu Dao hay sang lớp 3, song không mượn sách gì đó như gợi ý của Tiếu Thiên. Tiêu Dao chỉ muốn khoảng cách giữa bạn và cô gái gần lại. Cô gái không đẹp song rất khiến người khác phải để ý. Trong một đám con gái, chỉ cần nhìn lướt qua là nhận được ra cô, Tiêu Dao cũng không rõ tại sao. Bây giờ đang thịnh dùng hai chữ “khí chất”, có lẽ chính là do khí chất của cô ấy. Tóm lại, mỗi khi Tiêu Dao đi tập thể dục buổi sáng, bạn thế nào cũng tìm ngay được cô ấy trong số rất nhiều nữ sinh của khối. Dần dần, cô bé cũng phát hiện ra Tiêu Dao. Mặc dù hai người chưa hề nói chuyện với nhau nhưng hầu như đã đạt tới sự hiểu ngầm. Họ gật đầu với nhau để chào nhau và mỗi lần như thế Tiêu Dao lại nghĩ nếu có dịp nào đấy, thế nào bạn cũng nói chuyện với cô gái. NẾN HỒNG CÙNG VỚI LÒNG SON. Nôen là tết của các nước Phương Tây nhưng nay đã được “nhập khẩu” Thâm Quyến làm cho mọi người cảm thụ mạnh mẽ không khí của ngày Chúa giáng sinh đó. Rất nhiều cửa hàng bầy cây thông Nôen, ông già Nôen, các tủ kính đều có viết dòng chữ “Merry Christmas And Happy New Year!” bằng các kiểu chữ đặc biệt, trông tựa như tuyết đọng lại mà thành. Thường những nơi nào không có tuyết, bao giờ người ta cũng tìm hàng trăm cách để cảm thụ về tuyết. Rất nhiều cửa hàng lớn phát những tờ giấy báo tin bán giá ưu đãi cho khách hàng nhân dịp Nôen; trên đường phố có thể bắt gặp những đôi vợ chồng trẻ thân mật cùng bê chậu thông vui sướng trở về nhà; đầu đường còn có nhiều người chào hàng mặc quần áo ông già Nôen phân phát quà lưu niệm cho các bạn nhỏ… hầu như Nôen trở thành một ngày tốt đẹp đáng được ca ngợi và cảm ơn. Những người bán hàng nhỏ bán những chiếc thiếp chúc mừng Nôen khiến khách hàng tầm tầm vừa ý. Học sinh nào có chút đầu óc kinh doanh và biết nguồn hàng cũng ngầm bán những tờ thiếp đó, chỉ trong vài hôm đã có trăm bạc trong tay. Thiếp Nôen hầu như năm nào cũng đổi mới, mỗi năm một đẹp hơn, người thành thạo vừa nhìn thấy đã biết ngay: “Loại thiếp này của năm ngoái, hết mốt rồi!”. Tất nhiên giá tiền mỗi năm một đắt. Bây giờ không như mấy năm trước, không mấy ai còn bình luận việc gửi thiếp qua lại cho nhau là nên hay không nên nữa, hầu như việc đó đã trở thành một cách thức giao tế rồi. Trước ngày lễ Nôen một hôm, phố lớn phố nhỏ treo đầy những thiếp thơm, thiếp có nhạc, thiếp có hình biến ảo, thiếp cho hình tập thể, trông mà rối mắt. Nhiều người bán hàng rong nhạy bén còn bày hàng trước cổng trường, tan học là nhiều học sinh xúm xít vây quanh. Mẹ Lưu Hạ nói, đừng vội gửi thiếp đi, chờ người ta gửi đến rồi mình gửi lại cũng không muộn. Cha Tiêu Dao thì nói, vô tích sự, gửi đi gửi lại, chỉ tổ tốn tiền của cha mẹ. Hầu hết học sinh đều không cho người nhà biết, chỉ ngầm mua, ngầm gửi đi. Rõ ràng cùng một trường với nhau mà phải mất một hào tem để gửi bưu điện.Trên tấm thiếp, các bạn viết ngay ngắn và nghiêm trang những câu mà mình nghĩ nát ra mới xác định được, cố viết sao cho có ý thơ, có tính triết lý hoặc hài hước, sau đó viết những câu chúc mừng bằng tiếng Anh đại loại Merry Christmas And Happy New Year, Best Wishes For New Year. Không riêng gì thiếp mừng Nôen mà cả lịch treo, quà Nôen lúc này cũng biến dạng để bán được chạy. Hàng năm, lịch treo nhà Vương Tiếu Thiên đến nỗi thành tai họa, bởi ba bạn là một quan chức. Tất cả những cuộc họp mặt bạn bè, thăm người thân, nhờ vả hoặc tiến hành công việc đều tổ chức trước hoặc sau ngày lễ Nôen. Ngoài những món quà rất đẹp ra, thế nào cũng phải có một cuốn lịch treo. Lịch treo nhiều quá, làm thế nào đây? Ba Tiếu Thiên tặng lại chú Mã lái xe một lúc đến mười cuốn lịch treo, bảo chú “phân phối lại”. Mẹ nói, để cho Tiếu Thiên tặng các thầy cô cũng được, chất ở trong nhà cũng bằng thừa. Bạn nói ngay: _ Đừng có dính đến con. Tặng thầy này mà không tặng thầy kia rồi thầy kia lại có ý kiến. _ Vậy con tặng tất cả các thầy cô đi. _ Làm vậy các thầy cô lại tưởng nhà mình buôn lịch.Vả chăng nếu có để các bạn con trông thấy, chúng nó tất cười con. Con không chịu “giải quyết hậu quả” kiểu ấy đâu. Từ nhỏ đến lớn, Vương Tiếu Thiên rất ít khi tặng ai cái gì, nhất là thầy cô giáo. Bạn cho rằng người khác tặng quà cho thầy cô là điều có thể hiểu được, còn nếu Tiếu Thiên tặng thì sẽ gây hiểu lầm. Hơn nữa tặng phẩm trong nhà bạn đều là của người ta đem biếu, nay chuyển qua biếu lại thầy cô thì có phần thiếu tôn trọng, chẳng khác gì bọn buôn bán nước bọt, buôn bán trao tay! Không biết là hơn hết. Lâm Hiểu Húc định tặng thầy Giang một tấm thiếp. Chọn đi chọn lại mãi, bạn mới chọn được tấm thiếp có hình cây nến đỏ. Bạn nhờ cô bán hàng gói hộ, cô bán hàng chọn một túi ni lông có hình trái tim hồng rồi bỏ tấm thiếp vào. Lâm Hiểu Húc đỏ mặt: _ Tặng cho… tặng cho thầy giáo cơ mà! _ Tặng cho thầy giáo mới càng phải có ý thơ. Tấm thiếp đẹp như vầy phải đi đôi với cái túi đáng yêu này, nến hồng cùng với lòng son mà! Có thế mới tỏ lòng yêu quí trăm phần trăm chứ! Cô xem có đẹp không này – Cô bán hàng giơ cao tấm thiếp đã được gói ghém, quả nhiên đẹp hơn thật. Hiểu Húc không biết vào đề viết như thế nào. Sau chữ “Thưa thầy” nên thêm bổ ngữ gì. Hiểu Húc nghĩ mãi nghĩ mãi, nghĩ đến rất nhiều hình dung từ, trong đó có cả chữ “thân yêu”, song đều thấy không thích hợp, không xác đáng, không đúng mức và chuẩn xác. Bạn viết tất cả những hình dung từ đó ra trên giấy rồi so sánh cân nhắc nhiều lần, cuối cùng bạn quyết định vẫn dùng từ “kính yêu”. Bạn cảm thấy chỉ có từ này mới biểu đạt được tình cảm của mình, thế là bạn viết ngay ngắn mấy chữ đó lên thiếp để tặng cho thầy giáo kính yêu của mình. Trước và sau ngày Nôen, tấm bảng đen đặt trước cửa phòng báo tin viết kín tên học sinh có thư. Cuối cùng Tiêu Dao đã nhìn thấy cô thiếu nữ ấy đến nhận thư; người nóng hẳn lên. Tiêu Dao đi theo cô gái. Thực ra trên tấm thiếp chúc mừng lễ Nôen, Tiêu Dao không viết gì nhiều, chỉ viết “Chúc Nôen vui vẻ, gắng học tập tiến bộ”, không gì đơn giản hơn nữa, đơn giản đến mức như một cốc nước trong. Tiêu Dao không biết nên viết những gì, viết câu này e “miệng còn hơi sữa”, viết câu kia lại e cô gái cho mình là bỡn cợt, thế là dứt khoát chỉ viết câu “đem đi bốn biển đều chuẩn”. Tiêu Dao nhìn thấy cô gái mở phong thư lấy tấm thiếp ra xem. Tim Tiêu Dao đập rộn lên… Cô gái đã lên xe buýt, Tiêu Dao đạp xe đua nhìn lên xe nhìn thấy cô gái, mắt hai người chợt gặp nhau, cô cười nói với bạn , vẫy vẫy bàn tay có cầm tấm thiếp. Lần đầu tiên Tiêu Dao thấy cô cười. Trong ký ức của Tiêu Dao không có nụ cười của cô. Bạn thấy cô bé cười rất xinh, rất đáng yêu, nhưng chỉ chốc lát xe đã chạy xa không còn thấy bóng dáng đâu nữa. Tiêu Dao vẫn còn xúc động, nghĩ bụng, ngày mai phải nói chuyện với cô. Tấm bảng đen ghi tên người có thư đặt trước cửa phòng báo tin hầu như ngày nào cũng có ba chữ “Tạ Hân Nhiên”, thường xuyên có mấy thư trong một ngày. Hân Nhiên có lúc cũng cảm thấy không cần thiết phải gửi qua gửi lại nữa, tuy vậy vẫn phải tiếp tục gửi. Cần gửi cho bạn cũ ở Thượng Hải, không gửi thì các bạn lại nghĩ mình cao ngạo; các thầy cô cũng phải gửi thiếp chúc mừng như cô Lan – cô giáo chủ nhiệm trước đây và cô Vân – cô giáo dạy được hơn nửa tháng hồi mới khai giảng rồi phải đi nằm viện, anh trai cũng phải gửi, đó là quy củ do Hân Nhiên đặt ra. Lại còn bạn ở lớp mười hai nữa… Thôi quyết định, mua luôn một lúc hai chục tấm thiếp, gửi đi cho từng người. Hân Nhiên bận mất một buổi tối, ngày hôm sau gửi luôn một lúc mười hai thiếp, còn lại là của người trong trường như Đường Diễm Diễm, Tô Lạp… Bạn chỉ sợ bỏ quên ai đó, song bạn cùng lớp thì không gửi cho ai cả. Bạn đã hẹn Lâm Hiểu Húc là không ai gửi cho ai, bạn thân với nhau mà gửi thiếp thì chẳng có ý nghĩa gì. Còn Tiêu Dao, có nên gửi không nghỉ? Hân Nhiên do dự, hẳn là mình không nên chủ động gửi. Chỉ có một trường hợp ngoại lệ là Tô Lạp, Tô Lạp ở lớp mười hai. Năm nào Hân Nhiên cũng gửi cho bạn ấy chẳng khác gì năm nào cũng gửi cho anh trai ở dưới quê. Hân Nhiên không giải thích nổi vì sao lai như thế, nhưng có một điểm này là có thể giải thích được. Ấy là vì không phải thích Tô Lạp rồi gửi thiếp mà vì… có lẽ vì cảm thấy không phải với Tô Lạp. Chính vì không thích nên năm nào Hân Nhiên cũng gửi thiếp, không chút đắn đo. NGÀN LẺ MỘT LẦN CÓ LỖI Giờ nghỉ giữa giờ, Hân Nhiên cầm hai tấm thiếp chạy lên lầu sáu, đấy là lớp của khối Mười Hai. Một thiếp gửi Đường Diễm Diễm, một thiếp gửi cho Tô Lạp. Nội dung y như nhau: “Chúc bạn thi đỗ đại học”. Đường Diễm Diễm nhận thiếp mở ra coi, dùng tiếng Thượng Hải khen: “Đẹp quá nhỉ?...” Khi thấy lời chúc trong thiếp của Hân Nhiên là “Chúc bạn thi đỗ đại học” thì Diễm Diễm không nói gì, gấp thiếp lại bỏ vào phong bì, khóe miệng vương nụ cười buồn. _ Diễm Diễm, khi nào bạn về Thượng Hải? _... _ Đến kỳ nghỉ đông à? Mình có thể tiễn bạn không? _ Hân Nhiên, mình… - Diễm Diễm ấp úng - Để sau hãy nói! Hân Nhiên không gặng hỏi nữa, nói thêm: _ Tấm thiếp này gửi cho Tô Lạp, bạn gửi hộ mình nhé! _ Lại bắt mình gửi hộ à? Sao năm nào cũng bắt tớ phải nhận cái nhiệm vụ “gian nan nhưng vẻ vang” này thế? Năm học cuối cùng rồi, cậu tự đi gửi thôi. _ Ôi ôi! Bạn phải giúp thôi, van bạn đấy! _ Thế đền đáp gì nào? _ À, mời bạn ăn kem vậy! _ Ngày đông tháng giá, có các tiền tớ cũng chẳng thèm! _ Vậy mình mời bạn… _ Thôi được, không cần cậu mời, giúp cậu một lần nữa coi như chị gái đây “xông pha” vì cô em gái vậy! - Diễm Diễm nói – À này, một hôm Tô Lạp hỏi mình số điện thoại nhà cậu đấy! _ Bạn cho anh ấy biết rồi à? _ Chưa. Nhưng Tô Lạp thật tốt đấy, có điểm nào không xứng ý với cậu đâu nào? Tình cảm của người ta sâu nặng với cậu đến thế cơ mà! – Nói xong, Diễm Diễm cười khanh khách. _ Cút bạn đi! Đúng lúc ấy Tô Lạp từ dưới gác đi lên. Diễm Diễm gọi to: _ Tô Lạp! Hân Nhiên gửi thiếp chúc Nôen đến cho bạn đây. Bạn ấy ngượng không trao tận tay cho bạn, nhờ mình làm người trung gian chuyển cho bạn đấy! _ My God! – Hân Nhiên kêu thầm, mặt đỏ bừng. Sao Diễm Diễm lại như thế được, chỉ muốn mắng cho một trận. Diễm Diễm chuyển tấm thiếp cho Tô Lạp rồi bỏ chạy, để mặc Hân Nhiên đứng lại với Tô Lạp. Hân Nhiên luống cuống không biết giấu chân tay đi đâu, còn Tô Lạp thì tươi cười, mở phong bì ra: _ Cảm ơn Hân Nhiên nhé! Hân Nhiên rất xúc động, lần đầu tiên bạn được nghe Tô Lạp nói lời cảm ơn, không đợi Hân Nhiên bình tĩnh lại, Tô Lạp nói thêm: _ Cũng cảm ơn Hân Nhiên cho mình mượn sách giáo khoa phổ thông cơ sở để học ôn! Nghe nhắc đến “phổ thông cơ sở”, Hân Nhiên sa sầm mặt lại. Lúc ấy chuông vào lớp vang lên, Hân Nhiên buồn bã nói: _ Vào lớp rồi, tôi phải đi đây! Hai năm trước, Hân Nhiên và Tô Lạp quen biết nhau. Lúc ấy Hân Nhiên từ nội địa chuyển tới Thâm Quyến vào học lớp tám phổ thông cơ sở. Bây giờ nhìn lại, hồi ấy Hân Nhiên còn là bé gái, bé gái dại dột chưa hiểu biết gì. Một lần, khối lớp Tám ra bể bơi học bơi, vừa đúng lúc khối lớp Mười sắp hết giờ học bơi. Động tác tập cuối cùng của lớp Mười là tập nhảy cầu nhào xuống nước, các học sinh lần lượt nhảy từng người một. Vãi nữ học sinh không dám nhảy, từ cầu thang bước từng bước một xuống. Có một nam học sinh cũng không dám nhảy, cũng theo cầu thang xuống nước như nữ sinh. Hân Nhiên trông thấy nói với một bạn gái đứng cạnh: _ Cậu kia thật chẳng nên trò trống gì, không biết có còn là con trai nữa không! Câu ấy có lẽ bị bạn trai kia nghe thấy vì Hân Nhiên thấy bạn ấy trợn mắt nhìn mình một hồi. Cảm giác ấy thật khó chịu, chẳng khác gì phải chịu ướt cả đầu không được lau khô. Tan giờ học bơi, Hân Nhiên quên khuấy chuyện đó đi. Từ bể bơi trở lại lớp đi đến cửa cầu thang tầng hai, Hân Nhiên gặp lại cậu học sinh nọ. Tóc cậu ta hãy còn ướt, mắt đỏ vằn lên như con bò trên trường đấu. _ Chỗ này so với bể bơi thì thế nào? – Ngón tay cái bạn ấy chỉ ra phía cửa sổ. Hân Nhiên cúi xuống nhìn dưới sâu thấy cách đến bốn năm mét, cũng hơi ớn. _ Có dám nhảy xuống không? - Cậu ta nhướn mày lên. _ Sao lại không dám? Còn bạn? – Hân Nhiên tuy hoảng nhưng vẫn nói cứng. _ Hì hì! - Cậu bạn trai cười nhạt, liếc nhìn Hân Nhiên một cái rồi nhảy xuống. Hân Nhiên cũng lập tức nhảy theo. Cả hai đều phải đưa vào bệnh viện. Cậu bạn kia hỏi: _ Sao bạn cũng dám nhảy? _ Thì bạn chẳng nhảy đó là gì? _ Tôi nhảy cho bạn thấy. _ Tôi cũng nhảy cho bạn thấy. _ Tôi có được thấy đâu! _ Còn tôi thì được thấy! Sau đó, Hân Nhiên biết bạn kia tên là Tô Lạp, hơn nữa lại học cùng lớp với Đường Diễm Diễm. Chẳng bao lâu, Hân Nhiên nhận được thư của Tô Lạp. Hân Nhiên nhận được “bức thư tình” đầu tiên ở tuổi mười bốn, trong nỗi sợ hãi căng thẳng cũng có vài phần vui mừng. Tuổi mười bốn là tuổi được các nhà giáo dục cho là “tuổi nguy hiểm”. Ở độ tuổi này, tâm sinh lý đều có sự thay đổi rất lớn và các bạn rất cần sự giúp đỡ của người lớn. Còn phụ huynh thường hết sức chăm chút cho con lúc nhỏ nhưng đến lúc con bước sang tuổi thiếu niên thiếu nữ, tính cách sắp định hình thì họ lại thường lơ là đối với con cái. Hân Nhiên muốn kể cho mẹ nghe những xao động trong lòng, mẹ thường không có thời gian hoặc không có lòng kiên nhẫn để nghe. Mẹ nghe một hồi rồi bỗng hỏi: _ Con kể đến đâu rồi nhỉ? Hoặc bảo: _ Mau học bài đi! Mẹ thật không hiểu các con mới mười mấy tuổi đầu, không phải lo lắng cho cái ăn cái mặc, lẽ ra vô tư vô lự mới phải, làm sao cứ suốt ngày kêu ca “vắng vẻ, cô đơn” mãi không thôi? Thật là sướng mà chẳng biết sướng! Sau mấy ngày đắn đo, Hân Nhiên quyết định đem câu chuyện trên kể với mẹ. Diễm Diễm can ngăn: _ Cậu điên đấy à? Những chuyện ấy không thể kể cho cha mẹ biết được! Hân Nhiên không tin, không những kể cho mẹ nghe mà còn đưa cả thư của Tô Lạp cho mẹ xem nữa. Mẹ liền đọc to lên những đoạn mà mẹ thấy là có “giá trị” nhất: “… Tôi cảm thấy ý thích và tính tình của chúng ta đều rất gần gũi nhau, tôi mong được coi bạn là người bạn tri kỷ nhất của tôi, không biết bạn có bằng lòng coi tôi là người bạn thân nhất của bạn hay không?”… Đọc đến đây mẹ phán “vui nhỉ”. Hân Nhiên sững người, cảm thấy như bị lột hết quần áo trước mặt mẹ. Bạn hối hận đã không tin lời Đường Diễm Diễm. Mẹ đọc thư xong, tra hỏi cặn kẽ một lượt, chẳng khác nào mẹ tra hỏi bệnh tình bệnh nhân trong bệnh viện. Hân Nhiên chỉ một mực lắc đầu, mẹ nghi ngờ hỏi lại: _ Thật thế à? Hân Nhiên bật khóc, mẹ gật đầu: mẹ tin vào nước mắt. Cuối cùng mẹ đã vừa lòng và kê đơn ngay lập tức: _ Trả thư lại cho nó! Giọng nói của mẹ y như giọng chẩn đoán bệnh cho bệnh nhân, không cho phép bàn bạc g ì hết. Được sự “giúp đỡ” của mẹ, Hân Nhiên viết một lá thư, cho vào phong bì dán kín lại rồi dán tem lên, ngay tối hôm ấy đem gửi. Tối ấy, Hân Nhiên nằm trên giường, không sao ngủ được. Cứ tưởng sau khi chuyện trò với mẹ thì vơi được tâm sự, ngờ đâu tâm sự càng nhiều thêm. Hân Nhiên hối hận đã “công khai” thư với mẹ. Đặc biệt câu mẹ phán sau khi xem thư “vui nhỉ”, khiến lòng Hân Nhiên nguội lạnh. Mỗi em gái ở tuổi dậy thì đều có cảm giác thần bí đối với cuộc sống của các cô gái đã lớn, các em hy vọng ở bên cạnh có một người phụ nữ hiểu biết để có thể đầu gối chạm đầu gối, bốn mắt nhìn thẳng vào nhau mà trò chuyện về cuộc đời về tình yêu. Đó là cách trò chuyện tâm tình theo lối hiểu của các thiếu nữ. Ôm hy vọng đó Hân Nhiên lấy hết can đảm ra kể cho mẹ nghe, mong mẹ - một phụ nữ chín chắn giúp em giải đáp những thắc mắc bằng sự từng trải của chính mình. Nào ngờmẹ là người đã được giáo dục qua bậc đại học, lại có cách giải quyết đơn giản đến vậy. Hôm sau trời chưa sáng, Hân Nhiên đã chạy đến thùng thư chờ nhân viên bưu điện đến lấy thư thì xin lại lá thư kia. Nhưng người ấy nói thư bỏ tối qua đã được lấy đi rồi. Hân Nhiên suýt nữa ngã ngất trước thùng thư. Tệ hại hơn nữa là mẹ còn dành thời giờ đến trường tìm thầy chủ nhiệm lớp Tô Lạp. Thế là thầy chủ nhiệm gọi Tô Lạp đi nói chuyện một buổi. Cũng may là ở trường trung học đặc khu này, quan niệm về chuyện đó của các thầy tương đối cởi mở, không làm to chuyện ra. Song các bạn trai thân với Tô Lạp thì căm ghét Hân Nhiên ra mặt. Ngẫu nhiên Hân Nhiên có gặp Tô Lạp trong sân trường thì Tô Lạp cũng rất lạnh nhạt. Hân Nhiên biết mình đã phạm phải sai lầm không thể tha thứ. Sau khi xảy ra chuyện, Hân Nhiên nói với Diễm Diễm: _ Xem ra bạn nói rất đúng. Nếu biết trước như thế này thì mình đã không nói cho mẹ biết. Mình cứ tưởng nói chuyện này với người lớn thì… Thôi, những chuyện như thế thật không thể kể cho người lớn được. Chẳng đúng là gì? Từ đó trở đi, hễ Hân Nhiên tham gia một hoạt động gì là mẹ đều tìm hiểu nguyên nhân hậu quả, thời gian từ mấy giờ đến mấy giờ, đi cùng với ai, lại còn cố gắng yêu cầu phải chứng thực. Mẹ còn ra quy định sau khi tan học, trước năm rưỡi chiều phải về tới nhà. Có điện thoại, mẹ cũng hỏi han cặn kẽ, làm cho các bạn nam không ai còn muốn gọi điện nữa. Hân Nhiên nhận được thư của bạn, mẹ cũng ra vào nhìn ngó khiến bạn không chịu nổi. Bạn ném thư cho mẹ bảo: _ Mẹ kiểm tra trước đi vậy! Có một tối, Hân Nhiên tham gia triển lãm vẽ tranh và viết chữ nên về nhà muộn, mẹ lập tức cảnh giác hỏi: _ Con đi đâu thế? Có phải lại cùng thằng bé đó… Mặt mẹ đầy vẻ nghi ngờ, trách móc. Hân Nhiên ngẩn người, không nói được câu nào, bật khóc tức tưởi. Đáng giận hơn nữa là mẹ thường đem nội dung lá thư ấy ra làm đầu đề câu chuyện, dẫn lời lẽ trong thư ra mà châm biếm. Việc này khiến Hân Nhiên nghĩ tới hồi “đại cách mạng văn hóa”, người chỉnh người, “nắm tóc nhau”, bêu rếu nhau. Đối với Tô Lạp, Hân Nhiên cảm thấy ngán lẻ một lần có lỗi. Từ đấy năm nào cũng vậy, hễ đến ngày Nôen, Hân Nhiên lại gửi thiếp chúc mừng cho bạn ấy.