Ảnh chụp hôm đi chơi trên núi Ngô Đồng đã rửa xong. Trông mình ngớ ngẩn chưa! Lẽ ra mình cười thì hơn. Mẹ bảo mình cười xinh hơn không cười. Mình trong ảnh khó coi hơn nhiều mình ở ngoài. Mình thường không chịu nổi những bức ảnh chụp mình xấu hơn ở ngoài nên đã xé bỏ raat nhiều tấm ảnh chụp xấu. Nhưng tấm ảnh này lại có thầy Giang, thầy chụp rất ăn ảnh, chỉ có điều tóc thầy làm sao lại nhô hẳn lên một đám, trông thật buồn cười. Tất nhiên mình không khi nào xé tấm ảnh này. Mình đứng bên thầy, mình bèn cắt riêng hình hai người là thầy và mình ra. Đây chẳng phải tấm ảnh chụp hai người là gì? Đương nhiên khi chụp mình đã có “âm mưu” ấy rồi, chỉ tức là trên vai mình và thầy Giang mỗi vai có một bàn tay, đấy là “móng vuốt” của Lưu Hạ, làm xấu hẳn đi. Có điều thế là mình cũng có một tấm ảnh chụp riêng với thầy Giang, nguyện vọng cũng gọi là thực hiện được. Mình kẹp ảnh vào giữa cuốn nhật ký cùng với chiếc lá ngô đồng hai hôm đi chơi núi, như thế là có ý nghĩa nào đó. Hôm nay Bối Bối bên hàng xóm đã kéo hẳn một bản nhạc, mặc dù còn rất khó nghe, song không hoàn toàn là tiếng kéo cưa i ỉ nữa. Con bé đã biết “kéo cưa” bằng một cách khác.
Ngày… tháng…
Hôm nay mình mượn quyển Ngoài song. Cô giáo trong thư viện nhìn mình qua cặp kính gác trên sống mũi, ngắm nghía mình rất dữ. Mình ghét ánh mắt xoi mói của cô. Ngoài song là một tác phẩm nổi tiếng của Quỳnh Dao. Mình đã xem mấy cuốn truyện của Quỳnh Dao, cảm thấy rất thường. Song Ngoài song thì không thường tí nào. Mình đọc, đọc mãi, thấy toàn bộ tình cảm của mình hòa tan vào tới truyện. Mình hoàn toàn hiểu được thứ tình yêu chỉ có thể chôn chặt trong lòng cùng nỗi buồn khóc không tan, không nói ra được cùng ai. Đọc xong truyện, ngẩng đầu lên nhìn ra ngoài cửa sổ, nỗi lòng đã không còn có thể hình dung được bằng những từ “thương cảm” và “buồn rầu” nữa rồi. Mưa tạt vào cửa sổ, bầu trời trước mắt trắng mênh mang một màu. Không biết nước mưa làm nhòa tầm mắt hay là mưa đã che mờ cả thế giới… Cảm giác này chỉ có khi đọc “Hồng lâu mộng”. Bảo Ngọc mất tích, một lần Giả Chính trông thấy Bảo Ngọc cùng một vị sư, một đạo sĩ, cất cao tiếng hát, đạp tuyết mà đi. Lúc ấy, khi mình đọc hết đoạn này, mình cũng có cảm giác “mây sầu không biết đâu”. Hôm nay lại để rơi biết bao là nước mắt, nước mắt rơi xuống sổ nhật ký lấm tấm ố hoen. Nam nhi có nước mắt chẳng để để rơi, còn mình là con gái, con gái đa cảm, hơn một tí là thương tâm nhỏ lệ, hẳn cũng là điều bình thường. Có điều xưa nay mình chẳng biết mình khóc vì cái gì, khóc cho ai. Sách có viết: “Biết vì sao rơi nước mắt thì dù có khóc nhiều đi nữa cũng chỉ có hạn; không biết vì sao lại khóc thì dù chỉ một giọt nước mắt cũng mang hàm nghĩa vô cùng”. Hàm nghĩa của mình ở chỗ nào? Si mê một mình với “chữ viết” ướt nhòa trên kính cửa sổ, trên đó có viết một điều bí mật mà không ai hiểu nổi.
Ngày… tháng…
Kể với Hân Nhiên về truyện “Ngoài song”, Hân Nhiên nói: “Cậu thấy hay lắm à?”. Cái giọng nói ấy khiến mình rất ngỡ ngàng. Hân Nhiên bảo không thích loại sách ấy, nào là tình yêu thầy trò, chẳng trong sáng tí nào. Nhật Bản thật lắm truyện về tình yêu thầy trò nên Hân Nhiên rất phản cảm với những truyện ấy. Hoàn toàn là thứ tâm lý khác thường. Trời ơi, đêm hôm qua biết bao nhiêu nước mắt của mình, biết bao nhiêu tình cảm nồng đậm của mình đều trả giá cho “tình yêu không trong sáng” và “tâm lý bất bình thường” hay sao? Sao Hân Nhiên lại có thể dùng những chữ như thế để hình dung về nó? Nghe bạn nói thế, mình buồn xỉu đi. Người khác nói không kể làm gì, đây lại chính Hân Nhiên nói mà Hân Nhiên lại là bạn thân nhất của mình. Còn mình, mình cảm thấy tình cảm của mình rất tốt đẹp, rất thuần khiết, hoàn toàn không phải như lời Hân Nhiên nói. Một lúc lâu mình chẳng nói câu gì, lẳng lặng đi bên trái Hân Nhiên. Kể cũng lạ, hễ mình đi cùng Hân Nhiên là bao giờ mình cũng đi bên trái bạn ấy là tại sao? Mình bèn hỏi khéo: _ Hân Nhiên này, theo bạn thì người bạn trai thế nào là tốt? _ Mình thích bạn trai nào tốt về năng lực và tính cách – Hân Nhiên không nghĩ ngợi nói luôn. Ngay sau đó, bạn đỏ mặt rồi lè lưỡi, nhìn mình cười… Mình không ngờ bạn thoải mái và thẳng thắn đến thế. _ Còn cậu? _ Mình… mình không biết – Mình nói – Nhưng mình thích người chín chắn hơn. Nhưng thầy Giang ấy là rất hay. Lời vừa ra khỏi miệng mình đã hối, vội vàng nói chữa: _ Ý mình định nói là… Song không kịp nữa rồi, Hân Nhiên vớ ngay lấy: _ Chín chắn hay là chín nục? _ Chín nục!... – Mình lặp lại. Về nhà, mình cầm cuốn “Ngoài song” lên, lòng thấy nao nao không hiểu vì lẽ gì. Mẹ cũng hỏi mình, phải chăng có chỗ nào trong người khó chịu mà suốt ngày hoảng hốt không yên?
Ngày… tháng…
Khi đến thư viện trả sách, cô trông thư viện lại ngắm nghía mình từ trên xuống dưới một lượt qua cặp kính dầy như trôn chai rượu của cô. Chắc là để nhớ kỹ mình. Trong con mắt cô, nhất định mình là đứa con gái hư hỏng chỉ mê truyện tình. Đáng giận thật! Mình bèn cố ý nói to: _ Em muốn mượn cuốn bài giải những đề khó về vậy lý! Quả nhiên cô ta gật gù vừa lòng. Mẹ hôm nay lại bảo mình hồi mình còn nhỏ, hễ có việc gì dù chỉ nhỏ bằng móng tay cũng kể cho mẹ nghe, bây giờ thì… Tự mình cũng cảm thấy lạ. Bây giờ không hiểu tại sao hễ trong lòng có nỗi buồn, niềm vui nào cũng không muốn kể cho mẹ nghe nữa, chẳng những thế còn muốn né tránh mẹ, dường như mẹ không còn an ủi được mình nữa. Mình chợt nhớ ra một việc. Lúc ấy nhà mình ở Hàng Châu, một hôm đến nhà bạn chơi thấy cây xương rồng trông rất ngộ. Kết quả là gai li ti đâm đầy tay, mình khóc chạy về nhà. Mẹ lấy nhíp nhổ từng cái gai một, lúc ấy mẹ là cây cao bóng cả của mình, là bến bờ của mình. Tối về nhà, mình nhắc lại câu chuyện hồi nhỏ đó cho mẹ nghe. Mẹ vừa sắp thức ăn vào bát cho mình, vừa hỏi: _ Chuyện hồi nào thế nhỉ? Mẹ đã quên hết rồi. Người mẹ là như thế, yêu con bằng tình yêu vô tư mà không cần đền đáp. Nhưng con cái lẽ nào lại có thể không đền đáp? Con bé Bối Bối khổ thật. Từ hôm nó sang nhà mình chơi bị mẹ nó thấy, nó càng bị quản chặt. “Mày còn đi lung tung, coi chừng tao đánh gãy chân!”. Mình nhìn thấy Bối Bối đang nhoài người trên thành ban công bèn gọi: “Bối Bối ơi, lại bị mẹ đánh đấy à?” nó đỏ mặt lên, gật đầu. “Sang bên này chơi với chị đi!”. Mình đưa tay vẫy nó, nó liền đáp: “Không được đâu! Mẹ em đánh đấy!”. Những bà mẹ bây giờ sao mà quá quắt, lúc nào cũng dạy ngay từ nhỏ, chỉ muốn dạy nên được thần đồng!
Ngày… tháng…
Hân Nhiên gọi điện đến báo tuần sau cả lớp đến đảo Cô Đơn tập quân sự. Mình nửa tin nửa ngờ. Nghe các bạn mấy khóa trước kể tập quân sự rất vui. Mình ngưỡng mộ đã lâu, một tuần liền không phải sờ đến đám sách vở phiền lòng, thật sung sướng biết mấy, để chứng tỏ độ tin cậy của tin đó, mình cố ý nói: _ Tuần sau phải kiểm tra lý toán cơ mà! _ Bây giờ mọi việc đều phải nhường cho tập quân sự. Chắc dạ rồi, mình lại hỏi: _ Thầy Giang có đi không? _ Tất nhiên. Thầy chủ nhiệm của lớp đương nhiên phải đến thăm đám lính tò te của ông chứ! Lòng mình mừng khấp khởi. Ngày… tháng… Đã thông tư, thông tri về việc tập quân sự, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến các thứ ăn vặt, quà bánh. Hôm nay phát quân phục, mũ đội. Về đến nhà, mình chỉ muốn mặc thử ngay. Mình phát hiện ra cô nàng Lâm Hiểu Húc mặc quân phục trông rất oai. Mình đã nhìn vào trong gương để chào cô nàng đến mấy lần. Mẹ bảo: “Học sinh trung học các con bây giờ nên tham gia tập quân sự. Cũng không chỉ tập quân sự mà bây giờ nếu còn phải lên núi, về nông thôn thì mẹ sẽ là người đầu tiên ghi tên cho con đi. Các con rất cần phải rèn luyện”. TẬP QUÂN SỰ TRÊN ĐẢO CÔ ĐƠN Đối với lứa thiếu niên, tập quân sự là một hoạt động cực kỳ có ý nghĩa sâu xa. Địa điểm tập quân sự trên đảo Cô Đơn, chính là đảo Linh Đinh mà xưa kia Văn Thiên Tường, nhà yêu nước đời Tống viết hai câu thơ bất tử: “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”. Có điều lúc bấy giờ Văn Thiên Tường không gọi đảo mà gọi là biển Linh Đinh (Cô Đơn). Từ khu thành phố Thâm Quyến đến đảo Cô Đơn phải trải qua con đường dài và vượt qua mặt biển rộng. Khi các học sinh xuống thuyền để lên đảo, người sĩ quan quân đội ra đón họ nhìn quét một lượt với ánh mắt nghiêm nghị rồi lạnh nhạt nói: _ Các cô cậu lên đây thăm phong cảnh và du lịch phải không? Bất giác các bạn nhìn nhau: tuy đều mặc quân phục song người thì đội mũ lệch, người còn đeo kính râm, lưng còn giắt theo Walkman, cổ đeo máy ảnh, túi hành lý nào cũng căng phồng ngả nghiêng khoác trên vai… Ai nấy đều ngượng ngùng, cúi đầu nín thinh. _ Thứ hỏi có ra dáng quân nhân không? – Viên sĩ quan đi đi lại lại – có mang theo đồ ăn vặt không đấy? Tất cả im lặng. _ Bỏ ra đây! Bỏ hết ra đây! Dưới ánh mắt nghiêm nghị của giáo viên quân đội, các bạn đứng thành hàng lần lượt bỏ đồ ăn, thuốc lá và bài tú lơ khơ ra. _ Hừ! – Giáo viên lại cười nhạt - Chạy quanh thao trường mười vòng! _ Trời ơi! - Tiếng ca thán nổi lên. _ Ai kêu ca nữa, chạy hai mươi vòng! – Giáo viên quét ánh mắt khắp lượt chạy! Chạy hết mười vòng, không còn ai muốn cựa quậy, kháo chuyện nữa; ai nấy chửi thầm thái độ “tráo trở” của viên sĩ quan, phải chăng ông ta cố tình ngược đãi. Tới giờ ăn cơm, giáo viên vẫn chưa buông tha, vẫn nghiêm túc giảng giải: _ Các em không nên cho tôi là sai, cho rằng chỉ là chuyện vặt, tập quân sự chẳng qua chỉ có một tuần, đến nếm mùi quân đội cho biết. Hôm nay các em đã mặc quân phục thì cũng phải cho ra dáng quân nhân. Mục đích tập quân sự không phải chỉ nhằm học tập kiến thức quân sự, nắm vững yếu lĩnh quân sự, mà quan trọng hơn là nhằm bồi dưỡng cho các em ý thức kỷ luật chặt chẽ và tác phong tư tưởng mạnh mẽ. Tất cả những điều đó sẽ có ích cho các em suốt đời và cũng là điều bảo đảm căn bản cho đợt tập quân sự này thành công. Nào chúng ta hãy tập hô… _ Một, hai, ba, bốn! _ Không được, tập lại! _ Một, hai, ba, bốn! _ Không được, hô lại! _ Một hai ba bốn! _ Hô không đúng không được ăn cơm! _ Một! Hai! Ba! Bốn! _ Tốt, như thế mới mạnh mẽ. Nhưng khi vào đến phòng ăn, không ai còn sức ăn cơm nữa. _ Chẳng thích thú tẹo nào! _ Cứ như ngồi tù! Mấy nữ sinh đều tiếc rẻ những món quà vặt mang theo phải nộp, chỉ riêng Liễu Thanh nghĩ vui: _ Thì cứ tạm cho là có dịp giảm béo đi! Vương Tiếu Thiên cũng nghĩ thoáng: _ Mình cũng chẳng sao, chẳng qua mấy thứ trong nhà mình đều do người ta biếu cả. Câu nói này của Tiểu Thiên khiến Hân Nhiên đang ăn cơm phải giật mình, đánh rơi cả đũa xuống bàn. Trong lúc hoảng hốt, Hân Nhiên nhìn Tiếu Thiên, thấy Tiếu Thiên cũng đang nhìn mình. Sau lúc bốn mắt chạm nhau, Hân Nhiên càng thêm lo lắng trong lòng. _ Không được nói chuyện! – Không biết từ lúc nào, thầy giáo sĩ quan đã đứng ngay sau lưng họ.
Lúc rửa bát, Tiếu Thiên đứng ngay cạnh Hân Nhiên. Hân Nhiên ngượng, Tiếu Thiên hỏi trước: _ Hân Nhiên này, lần này lớp mình có mấy người được xét duyệt đoàn viên? _ Có đến mấy bạn ấy. _ Có mình không? _ Có. _ Cám ơn bạn. Hân Nhiên thấy lòng xốn xang, nghĩ tới bạn bè Tiếu Thiên từng bênh vực mình, từng giơ bàn tay bè bạn giúp mình khi leo núi, Hân Nhiên thấy rất cảm kích bèn nói: _ Thực ra, thực ra mình cũng nên cảm ơn bạn. _ Cảm ơn mình? Cảm ơn về cái gì? Hân Nhiên cười, từng có lúc bạn đã rất muốn làm rõ xem Tiếu Thiên nhìn nhận mình như thế nào, nghĩ về mình như thế nào. Tại sao trong giờ tự học, Tiếu Thiên lại tranh luận với bạn bè về vấn đề chỉnh đốn tác phong? Tại sao Tiếu Thiên lại nói Hân Nhiên đem bài tập đến cho mình trong lúc bạn đến để biếu đồ? Tại sao Tiếu thiên lại… Bây giờ Hân Nhiên cảm thấy thanh thản và thông thoáng hơn nhiều. Chỉ cần tự hỏi lòng mình không có gì đáng xấu hổ, thì hà tất phải để ý đến thái độ của người khác? Rửa bát xong, Hân Nhiên đi trước. Nhìn theo bím tóc đuôi ngựa vắt vẻo của Hân Nhiên, nhìn theo bóng dáng xa dần của Hân Nhiên, Tiếu Thiên thầm nghĩ đáy là một cô gái cực kỳ hiếu thắng, tự tôn. Người như thế làm sao mang quà đến biếu xén được? Không biết cha bạn ấy có nỗi khổ gì? Nhà Vương Tiếu Thiên vẫn luôn có “nguồn quà biếu” của khách khứa. Bất kỳ họ biếu vì lý do gì, Tiếu Thiên đều xem thường. Nhìn bộ dạng thiểu não và cung kính mang dáng đồ lễ mà cuối cùng không đạt được mục đích, Tiếu Thiên còn thích chí “trước tai nạn” của người khác. Hôm ấy bạn thấy bạn mình cùng người cha có dáng trí thức trăm phần trăm đến nhà đưa lễ, xin xỏ, Tiếu Thiên đã động lòng cảm khái. Sau nghe Lưu Hạ nói Hân Nhiên không có hộ khẩu ở Thâm Quyến. Hồi tốt nghiệp cấp hai, Hân Nhiên vốn được vào thẳng trường trung học Số Chín. Chỉ vì không có hộ khẩu nên nhà trường do dự. Thấy nhà trường còn có điều suy nghĩ, Hân Nhiên chủ động xin từ bỏ, bởi không muốn mình bị nhìn với ánh mắt khác lạ. Trong mục nguyện vọng xin thi chuyển cấp, Hân Nhiên chỉ ghi tên mỗi một trường: trung học Số Chín. Nguyện vọng thứ nhất: Số Chín, nguyện vọng thứ hai: Số Chín, nguyện vọng thứ ba cũng vẫn Số Chín. Dù học giỏi như Trần Minh cũng chẳng dám bạo phổi như thế nữa là! Cô giáo Lan nhìn nguyện vọng ghi trong đơn, lại nhìn vẻ mặt rắn đanh của Hân Nhiên thì biết là bạn đã quyết tử chiến phen này, cô không nỡ nói thêm gì nữa. Còn Hân Nhiên cũng biết nếu lần này thi trượt không vào được trường Số Chín thì hoặc phải nghỉ học, hoặc phải đóng góp cho nhà trường một khoản tiền lớn, hoặc phải trở về nội địa. Hân Nhiên đánh cuộc bằng cả tiền đồ của mình. Tính cách tự tôn, hiếu thắng mách bảo bạn, bạn không có cách lựa chọn nào khác. Trong tình hình chỉ có một lối thoát, tinh thần liều chết phấn đấu của người ấy tất nhiên phải khác người thường. Hân Nhiên cũng không ngoại lệ. Mặc dù học rất giỏi song Hân Nhiên vẫn phấn đấu theo kiểu “treo tóc lên xà, sẵn dùi đâm vế”. Mẹ Hân Nhiên xót xa quá bảo bạn nghỉ giây lát. Hân Nhiên không ngửng đầu lên, chỉ thuận miệng đáp: _ Con học thế này cũng vì muốn đỡ cho gia đình một khoản tiền! Người mẹ ngớ ra rồi tiếp đó thở dài thườn thượt. Thì ra tránh để khỏi phải làm “học sinh cao giá”, Hân Nhiên là cô gái không có khái niệm về tiền, xưa nay không nhiệt tình tham gia tán gẫu với bạn bè về những đồ dùng danh tiếng hoặc cách tiêu xài. Một đứa trẻ như thế mà nay biết lo lắng về học phí thì quả là Hân Nhiên đã trưởng thành rồi. Kiểu trưởng thành đó nên mừng hay nên lo là điều cha mẹ thường không kịp nghĩ tới, song bà mẹ Hân Nhiên cảm thấy mình có lỗi trước tiên. Cuối cùng ba ngày “u ám” cũng qua đi. Rất nhiều người lo lắng hỏi Hân Nhiên: _ Thi thế nào? Có chắc đỗ không? Hân Nhiên vẫn không tỏ vẻ gì. Ai nấy tưởng bạn trượt, song sự thật hoàn toàn trái lại. Hân Nhiên làm rất tốt, hơn cả mức bình thường. Có điều bạn rất mệt, chẳng hứng thú đâu ứng đáp những câu hỏi thăm hoặc chân thành hoặc giả ý. Cuối cùng, tờ thông tri nhận vào học cũng gửi đến. Hân Nhiên đến trường được chúc mừng hết nhẽ. Cô Lan cầm tay Hân Nhiên chỉ chực khóc. Hân Nhiên vẫn không nói gì. Trong tiếng cười nói của mọi người, bạn không sao rặn nổi một nụ cười. Bạn quá mệt. Bạn khóc đến mấy lần song không bao giờ cho ai được thấy. Một cô gái quật cường đến thế, nếu không phải vạn bất đắc dĩ, làm sao lại chịu đưa lễ đi biếu xén? Một nơi xưa nay tự hào về văn minh, khai thác, sáng tạo cái mới như Thâm Quyến làm sao có thể nhẫn tâm để cho một nữ sinh trung học phải vạn bất đắc dĩ đến thế? Vương Tiếu Thiên bất bình thay cho Hân Nhiên. KHÔNG THẸN LÀ NGƯỜI ĐÁNG YÊU NHẤT Vừa đặt mình là ngủ như chết! Qua được một ngày thật mệt hết sức. Cứ nằm ngay trên ván cứng cũng ngủ ngon được như thường . Đột nhiên, một tràng còi xé tai làm mọi người choàng tỉnh. Lật mình trở dậy mới thấy đôi chân cứng đơ. Hôm qua chạy mười vòng quanh thao trường tuy vất vả nhưng chưa thấy đau buốt. Hôm nay trở dậy phải nâng một chân đặt xuống trước rồi lai nâng chân kia đặt xuống sau. Ngay sau đó là cảnh hoảng loạn nhốn nháo. Các bạn vẫn chưa tỉnh ngủ hẳn, dơ tay giụi đôi mắt ngái ngủ, tóc để rối bù đi rửa mặt. Từ tiếng còi báo thức cho đến lúc ra đi thao trường chỉ có năm phút. Người nào chậm chạp thì khi tới thao trường giầy chưa kịp buộc dây, mũ còn cầm trên tay, chẳng còn kip rửa mặt đánh răng nữa. Quân Nhân rất coi trọng tốc độ. Sau lúc nhốn nháo là yên tĩnh trở lại. Mấy trăm người trên thao trường mà đến im hơi lặng tiếng. Lúc này mới khoảng năm rưỡi sáng, trời mới tờ mờ sáng. Trước hết là biến đổi hàng ngũ, tiếp theo sau là chạy bộ, thoạt đầu, ai nấy đều rất vui: Một biển màu xanh lá cây nhô lên hạ xuống theo hiệu lệnh oai nghiêm. Nghe bước chân của mình hòa vào bước chân của mấy trăm người khác, trong lòng ai nấy bất giác trào lên cảm xúc tự hào. Nhưng sau mấy vòng là bắt đầu loạc choạc. Nhìn thao trường to rộng mà thấy mênh mông như cánh đồng, bước chân càng ngày càng chậm, miệng há càng ngày càng to. Nhìn mấy sĩ quan thầy giáo chạy dẫn đầu, chẳng thấy họ có ý dừng lại. Mọi người đều tự nhủ thầm: “Vòng này là vòng cuối cùng, vòng này là vòng cuối cùng!” Nhưng họ vẫn chạy hoài, chạy mãi. Cuối cùng thì cũng dừng lại. Hai chân lúc này đã hầu như không phải là chân mình nữa rồi. Chỉ muốn nằm xoài ra hoặc ngồi xuống cũng được song mọi người vẫn phải đứng nghe giáo viên nói về nội dung huấn luyện hôm nay… Nghỉ tập là ăn cơm sáng. Trước khi ăn cơm còn phải hát. Bụng sôi ùng ục là để đệm cho tiếng quân ca! Hôm này tì vị mọi người tốt phải biết. Để tranh thủ thời gian các bạn gái hãy vứt bỏ hết vẻ duyên dáng, nhỏ nhẻ. “Không được ghé tai trò chuyện, không được bỏ thừa cơm canh, không được gù lưng ăn cơm”. Các bạn học sinh ra sức ăn, các sĩ quan thầy giáo ra sức nhắc nhở, thế là ai nấy phải ưỡn thẳng lưng lên, cầm lấy bát, xúc đầy miệng mà nhai nuốt cho đến lúc vét trơ đáy bát. Ai nấy đều thầm kêu: “Làm lính mất hết tự do, đến ăn cơm cũng không được tùy ý”. Nhưng quân nhân là quân nhân, tác phong tốt đẹp của họ là do luyện tập với yêu cầu nghiêm khắc như thế mà có. Ngày đầu tiên học cách ăn cơm, cách gấp chăn, cách sắp xếp phòng ở. Những việc ai ai đều biết ấy, đến đây phải học lại từ đầu. Nhìn các giáo viên xếp vuông vắn tấm chăn cuộn trên giường. Dư Phát buột mồm nói: _ Xếp cẩn thận như thế để làm gì? Tối lại chả phải tung ra đắp hay sao? _ Thế cậu ăn cơm làm sao lại phải rửa bát sạch sẽ? Bữa sau chả phải lại dùng ăn cơm hay sao? Ai nấy đều cười. Chăn gấp thế nào, gối để ra sao, khăn mặt treo làm sao, rồi cốc đánh răng đặt ở đâu, bàn chảy đánh răng hướng phía nào v.v… đều có quy định rõ ràng. Sắp xếp lại theo yêu cầu là lập tức đổi thay liền, bộ mặt doanh trại đổi mới hẳn. Khó chịu đựng nhất là hai ngày đầu, xương cốt như rã rời cả ra. Một số bạn còn mắc chứng “mẫn cảm với tiếng còi” bởi vì hễ còi vang lên là phải tuyệt đối phục tùng. Mọi người mất quyền chi phối thời gian của mình. Ngắm nghía kỹ càng trong gương bộ mặt rám đỏ vì cháy nắng hay tắm cho thỏa thuê đã là những ý tưởng vượt ngoài thân phận. Còi vừa thổi lên là phải bỏ hết mọi việc trong tay, hướng về phía tiếng còi ấy mà chạy. Mao Chủ tịch có câu thơ khen nữ dân quân: Súng dài năm thước hiên ngang, Đẹp thay nắng rọi thao trường hôm mai. Chị em Trung Quốc mới tài, Hồng trang chẳng thích thích hoài vũ trang. Các nữ dân quân sao mà đẹp và hào hùng đến thế! Ai nấy cũng muốn thử một chuyến xem sao. Qua thực tiễn mới biết cây súng năm thước ta trong huấn luyện đâu có nhẹ nhàng thoải mái như trong điệu múa? Một cây súng nặng 3,85 kg, muốn cầm chắc đã khó khăn, nếu muốn thao tác thành thạo trong tay thì không kể những nữ sinh yếu đuối như bọn Hiểu Húc, mà ngay “cánh đàn ông” như Vương Tiếu Thiên cũng chẳng dễ gì, không nghiến răng thì giơ sao nổi! Khó hơn nữa phải kể bước thẳng chân và đứng nghiêm. Bước thẳng chân phải chia từng động tác ra mà tập, hơn nữa mỗi động tác phải giữ được trong thời gian dài. Trước hết chân giơ thẳng ra phía trước, thành một góc khoảng 45 độ với thân người, sau đó cứ giơ mãi như thế, không đổi khẩu lệnh thì quyết không được đổi tư thế. Giơ lâu chân run lên, vừa luyện đứng một chân được ít phút thì bước tiếp theo càng khó hơn, có khi phải buộc cả gạch vào chân để tiếp tục tập, còn động tác đứng nghiêm là tư thế đứng thẳng trong thời gian lâu trong hàng quân. Đó là một mục huấn luyện xem ra không khó nhưng tập lại khó muốn chết. Trong hai mươi phút, bạn phải đứng ngay như bức tượng, không được động đậy. Ruồi muỗi cắn không được đập, da đầu ngứa không được gãi, mồ hôi chảy không được lau, thậm chí mắt cũng không được chớp loạn lên, phải học cách mười lăm phút trở lên mới được chớp một lần. Tập xong chân đau lưng ê ẩm, cơm cũng chẳng buồn ăn. Song các bạn không còn ca thán rầm trời như hai ngày đầu nữa, mọi người đều đã hiểu: tiểu đội trưởng Quân giải phóng dạy được cho các bạn một động tác thì cả làm mẫu và tập theo, anh ấy còn mệt còn vất vả gấp mấy lần các bạn. Khi mọi người đã thích nghi thì một tuần huấn luyện cũng kết thúc. Cảm xúc về tuần này thật khó nói ra cho hết. Từ “quân nhân” bao giờ cũng khiến người ta liên tưởng rất nhiều đến sự tôn nghiêm, sự sống chết, tổ quốc… là những từ bi tráng, tốt đẹp và chứa chan tình cảm. Nhưng là một quân nhân thường chỉ có nghĩa là dâng hiến và luyện rèn. Họ không thẹn là những người đáng yêu nhất! Ngày cuối cùng đợt huấn luyện, thầy chủ nhiệm tới đảo Cô Đơn. _ Em đã biết gấp chăn thành góc rồi! _ Em đã biết đi trong hàng thế nào! _ Em đã biết… Đương nhiên những câu “đã biết” này còn phải thêm ở đằng sau một bổ ngữ cực kỳ quan trọng, đó là “như bộ đội”. Thầy Giang cười ha hả, hài hước bảo: _ Thầy vui mừng lắm, thế gọi là “vật này có vật khác trị”. Thầy không quản được các em nên các em mới phải bị đưa tới cho bộ đội giáo dục chứ! CÁC ANH BỘ ĐỘI GIỎI MỌI MẶT
Nhật ký của Hiểu Húc
Ngày… tháng…
Tập quân sự xong về nhà, câu đầu tiên mẹ nói là: “Hiểu Húc, ba lô của con ngay ngắn lắm, xem ra tập quân sự có ích đấy chứ!” Tối hôm sắp sửa ra về, bọn mình cùng sĩ quan và binh lính đóng ở đảo tổ chức buổi liên hoan và xem phim, phim cũ Đội du kích đường sắt. Nghe lời hát lúc bấy giờ, âm điệu thật mạnh mẽ nhưng mình vẫn thích nghe bài hát thịnh hành bây giờ. Điều đó chứng tỏ mình thiếu kiên cường, chỉ thích tình cảm quyến luyến. Xem phim xong, chúng tôi cất cao tiếng hát bài quân ca. Thoạt đầu Lưu Hạ lĩnh xướng: “tôi là một người lính”. Lưu Hạ bắt đầu bằng nốt cao quá lại kéo dài giọng ra, không còn chút khí phách nào. Đại đội trưởng nói: _ Cô này hát theo cách hát tình ca phải không? Ai nấy đều cười. Bọn mình lần đầu tiên mới nghe đại đội trưởng nói đùa, thường ngày ông thầy này hung dữ lắm. Sau đó đại đội trưởng lĩnh xướng: “tôi là một người lính”. Quả nhiên hiệu quả khác hẳn. Tối hôm ấy mọi người vui như điên, các anh bộ đội còn phấn khởi hơn cả bọn mình, nào disco, nào chacha, mặt nào cũng giỏi. Xem ra bọn này có phần đề cao các anh ấy quá. Ánh đèn nêong chiếu trên những khuôn mặt trẻ trung vui tươi, hăng say, tràn trề sức xuân. Cuối cuộc vui, đại đội trưởng xách ra một túi xách thật to. Lúc đầu bọn này cứ tưởng sẽ phân phát vật kỷ niệm nào đó. Đợi đến khi mở túi ra, tất cả mới ngớ ra: Trong túi là đủ thứ đồ ăn vặt mà bọn này bị tịch thu hôm trước. Bọn này từng đoán số đồ này có lẽ đã bị các lính xơi hộ mất rồi. Ý nghĩ của bọn này thật ti tiện, thuần túy là lòng dạ của kẻ tiểu nhân. Đại đội trưởng cười bảo: _ Vật về chủ cũ đây nhé! Sáng tinh mơ ngày hôm sau, đúng năm giờ rưỡi, còi lại vang lên. Mấy trăm người cùng khối lớp mười lại ra thao trường. Trên thao trường mấy chục thầy giáo sĩ quan đã đứng sẵn, họ nghiêm chỉnh kính chào bọn này, bọn này cũng đứng nghiêm trả lễ. _ Phục vụ nhân dân! Bọn này dị khẩu đồng thanh hô. Câu này không bao giờ lỗi thời. Bọn mình lên tàu thủy nhưng không vào khoang mà đứng trên mui, lòng quyến luyến không muốn rời. Các thầy cô giáo sĩ quan ra sức vẫy tay, chúng tôi cũng ra sức vẫy lại. Tạm biệt đảo Cô Đơn! Tạm biệt đợt tập huấn quân sự!