Mười sáu năm chỉ là cái nháy mắt so với lịch sử, mười sáu tuổi bước vào tuổi hoa vừa kịp đón nhận tuổi hoa của thành phố Thâm Quyến, nơi tràn trề sức sống mới khiến cải cách xã hội biến đổi từng ngày.
Tuổi hoa có bao nhiêu ước mơ, tâm tư cùng nhận xét về thầy cô giáo và phụ huynh. Đặc trưng cá tính lứa tuổi cho thấy có khoảng cách về nhận thức so với người lớn mà những ai đọc cuốn tiểu thuyết của tác giả mười sáu tuổi này hẳn phải giật mình suy nghĩ lại…MẶT TRỜI NGÀY NÀO CŨNG MỚI
Trời chưa sáng, chuông đã reo. Mới năm rưỡi sáng, Hân Nhiên tắt chuông, trở mình ngủ tiếp. Bạn có thói quen thích vặn chuông sớm hơn một chút để sau khi chuông reo, còn được ngủ thêm một lúc nữa. Lần thứ hai tỉnh dậy đã là sáu giờ kém mười. Hân Nhiên vừa trở dậy là cả nhà cũng dậy theo.
Hôm nay phải ra báo bảng của trường. Hoa tay viết, vẽ của Hân Nhiên nổi tiếng toàn trường, do đó nhiệm vụ làm báo bảng tất nhiên được giao cho bạn.
Chải đầu rửa mặt thật nhanh, Hân Nhiên xách cặp ra đi.
_ Ra báo bảng hả con?
_ Vâng ạ.
_ Không ăn sáng ư?
_ Con ra phố ăn.
_ Ngoài phố không sạch sẽ đâu. Không nghe bản tin Thâm Quyến tối qua à? Bây giờ có nhiều xưởng chế biến “bí mật” lắm, bẩn ghê gớm, lợn ốm, lợn toi đem bán tuốt…
Không biết từ khi nào mẹ Hân Nhiên thích nói nhiều khiến bạn phát ngán. Có một lần bạn đọc quyển tạp chí, người ta bảo đó là thời kỳ mãn kinh của phụ nữ.
Hân Nhiên khoác cặp ra khỏi cửa, để lại nhà những lời ca cẩm của mẹ.
Phong cảnh trên đường thật đẹp. Thâm Quyến phủ xanh khá thật, không khí cũng trong lành. Hân Nhiên từ Thượng Hải tới nên cảm nhận thấy ngay. Không khí ở Thượng Hải tệ hại lắm, từ sáng sớm, các ông bà già về hưu chỉ còn có cách ôm lấy cây, “trao đổi khí oxy và carbon” với chúng. Thâm Quyến tốt hơn nhiều. Mỗi lần bình xét “thành phố mười tốt về vệ sinh”, bao giờ Thâm Quyến cũng đứng đầu. Hai bên đường phố là những bức tường bằng cây bách được xén tỉa ngay ngắn. Vì không khí không bị ô nhiễm nên lá bách tươi xanh láng mượt, cỏ trồng xung quanh cũng non biếc một màu. Gió ban mai nhẹ nhàng thổi tới chẳng khác nào bàn tay bé thơ sờ lên mặt bạn.
Mặt trời đằng trước mặt rực hồng. Hân Nhiên thích mặt trời và mặt trời cũng thích Hân Nhiên. Mỗi sáng mặt trời mọc, mỗi chiều mặt trời lặn đều có sức hấp dẫn không sao cưỡng nổi. “Mặt trời ngày nào cũng mới”, Hân Nhiên thích câu nói này lắm.
Phải đi qua quảng trường rất rộng mới tới trường trung học Số Chín. Quảng trường lúc này vắng vẻ. Quảng trường là nơi người Thâm Quyến tổ chức các họat động như triển lãm sách hoặc làm các việc khác. Đối diện với quảng trường, ở tận cùng vườn vải xanh um có một nhà gác cao, cửa sổ bằng nhôm hợp kim, đó là lầu khoa học kỹ thuật của trường. Mái lầu nhọn cho cảm giác “vươn đến đỉnh tri thức hiện đại”. Chỉ riêng khoản máy tính thôi, nhiều trường đại học trong kia còn đang mơ mà chưa có được.
Trước cổng lớn của trường có một vườn hoa. Bức tượng thiến niên thiếu nữ đứng cao chót vót giữa làn nước phun. Ý chí nhiệt tình tư thái như muốn ẩn giấu ở hình tượng sống động ấy làm phấn chấn lòng người.
Học sinh kí túc tại trường đang chạy theo tiếng hô “mốt hai mốt” của thầy giáo dạy thể dục. Từ rất xa, Hân Nhiên đã nhận ra Liễu Thanh của lớp mình. Liễu Thanh người múp míp; đối với bạn ấy, chạy bộ quả là sự vận động rất tốt để giảm béo.
_ Liễu Thanh! - Hân Nhiên chỉ định chào một tiếng rồi thôi, nhưng vừa nghe gọi, Liễu Thanh đã nói gì đó với thầy giáo rồi chạy ra khỏi hàng.
_Hân Nhiên! Gọi mình đấy à?
_ Ừ! - Hân Nhiên do dự - Bọn mình ra báo đang thiếu người, cậu giúp một tay nhé!
_ Tớ làm được à? - Liễu Thanh mừng quá, hai mắt chỉ còn như hai sợi chỉ - Tớ thay quần áo là tới ngay!
Nói xong Liễu Thanh đã chạy, dường như một nhiệm vụ vô cùng quang vinh đang đợi, thiếu bạn ấy là không xong.
_Thầy giáo thể dục có cho phép không? - Hân Nhiên hỏi với theo nhưng có lẽ chạy đã xa nên Liễu Thanh k hông nghe tiếng. Hân Nhiên lắc đầu, cái lắc đầu tựa hồ tư thế của thầy đối với trò.
Liễu Thanh là người rất nhiệt tình, bất kể ai hễ nhờ là được đáp ứng. Chỉ có điều hơi “E.T” một chút, nghĩa là hơi người ngòai hành tinh một chút. Đấy là cách bình phẩm của bọn con gái trong lớp. Cả bọn không thích chơi với bạn ấy, cảm thấy kém giá khi đi cùng với Liễu Thanh. Lưu Hạ còn tặng cho biệt hiệu “Em gái Trư Bát Giới”, nhưng khi phân tích tư cách, phẩm hạnh của bạn ấy thì lại chẳng chê được một điều gì.
Thay quần áo xong, Liễu Thanh sung sướng chạy tới nơi làm báo bảng. Bạn ấy xin phép thầy giáo thể dục là: “Trưởng ban tuyên huấn của hội học sinh cần em hỗ trợ một việc!”. Thực ra việc Liễu Thanh hỗ trợ được chỉ là giúp Hân Nhiên căng một sợi chỉ lăn qua bột phấn rồi bật khẽ trên mặt bảng đen bóng loáng cho lưu lại đường thẳng mờ mờ để khi viết chữ khỏi xiêu hàng; việc nữa là đưa khăn lau bảng. Nhưng Liễu Thanh đã thấy phấn khởi lắm, thỉnh thoảng lại gợi chuyện:
_ Hôm nay bao nhiêu độ nhỉ?
_ Bạn ăn sáng chưa?
_Hân Nhiên vừa vẽ vừa nghe Liễu thanh lải nhải một mình:
_ Nghe nói thầy giáo mới hơn bốn chục tuổi đấy!
Hân Nhiên không bắt lời, chỉ hỏi:
_ Chữ này đã ngay ngắn chưa?
_ Ngay ngắn lắm rồi!
_ Thật không? - Hân Nhiên không yên tâm, vẫn tụt khỏi ghế ngắm nghía - Chưa ngay ngắn!
Nói xong, xóa đi, viết lại. Trên tấm bảng đen bằng kính bóng loáng Hân Nhiên vẽ một nhóm nhân vật: thần Ái tình Jupiter, thần của cái đẹp Venus… Tiêu đề là: “Xin cho biết đây là những ai”.
_ Hân Nhiên, bạn vẽ đẹp quá, giỏi thật! - Liễu Thanh vỗ tay khen.
Tài viết chữ vẽ tranh của Hân Nhiên thì ở trường này còn ai không biết? Hồi học cấp một, Nhiều bức thư pháp của bạn đã vượt biển sang dự triển lãm ở Nhật. Được Liễu Thanh khen, Hân Nhiên cười đắc ý.
_ Nhưng mà này…, sao cô gái kia lại không mặc quần áo thế?
Câu hỏi này của Liễu Thanh súyt nữa khiến Hân Nhiên chết sặc vì cười. Lúc này, các bạn đã lục tục đến trường, Hân Nhiên phát hiện ra rằng các bạn chỉ khen mình vẽ sinh động, còn nội dung của bức tranh thì chẳng ai để ý.
_ Hân Nhiên! - Một bạn gái để tóc dài đi tới - Hân Nhiên, mình có việc muốn tìm bạn. Tối qua mấy lần gọi điện tới nhà cậu mà máy đều bận.
Bạn này tên Đường Diễm Diễm, học lớp mười hai. Ở trường, Hân Nhiên rất nổi tiếng nên hầu như chẳng ai không biết bạn, bạn ấy cũng quen rất nhiều bạn học ở lớp trên.
_ Khoan đã, bạn hãy đoán xem nhóm nhân vật này là những ai!
_ Ôi dào, chúng mình đã lớp mười hai rồi. Một lô nhân vật lịch sử cỡ bự còn chưa nhớ nổi tên, hơi đâu mà đoán đám nhân vật nhỏ bé này của bạn? Này, bạn còn sách địa cấp phổ thông cơ sở không?
Hân Nhiên thở dài:
_ Còn. Cần dùng để ôn tập à?
_ Ừ. Tất cả sách vở cũ mình để lại tất ở Thượng Hải, không đem theo. Bạn có thì hay quá, cho mình mượn nhé!
_ Được, để mình tìm rồi cho bạn mượn.
Gia đình Hân Nhiên từ Thượng Hải chuyển đến Thâm Quyến hầu như không đem theo một đồ vật gì. Tất cả thứ phải vận chuyển là mười mấy hòm sách của cha, trong đó có cả một giá sách của Hân Nhiên. Mặc dù có nhiều quyển chẳng dùng tới nữa nhưng cha không cho vứt lại. Ông tuân thủ câu cách ngôn:
“Có quý sách mới hiểu được ý nghĩa của việc đọc sách”.
CÂU CÁCH NGÔN THÍCH NHẤT
Đi qua chỗ báo bảng, Lâm Hiểu Húc giơ tay làm hiệu cho Liễu Thanh: đặt ngón trỏ lên môi, rồi nhón chân đi tới giơ tay bịt mắt Hân Nhiên đăng chăm chỉ viết. Bạn này giật mình kêu “Á!” lên:
_ Ai đấy, ai? Hiểu Húc, nhất định là cậu rồi! - Hân Nhiên vừa quơ tay vừa đoán. Hiểu Húc bật cười buông tay ra, hỏi:
_ Thế nào? Lại chưa ăn sáng chứ gì? Kỳ báo bảng này làm cậu đói đến ba buổi sáng thôi! Buổi sáng không ăn gì có hại cho sức khỏe đấy. Bữa ăn này quan trọng lắm. Mình mang cho cậu hai miếng bánh gato đây. Cậu xem, tớ hầu cậu chu đáo chưa?
_ Thật là mẹ hiền dâu thảo! - Hân Nhiên cầm lấy bánh, nói đùa.
_ Cút cậu đi! Mà này, cậu vẽ đẹp đấy chứ! - Hiểu Húc luôn miệng khen bức tranh nhân vật của Hân Nhiên.
_ Thử đoán xem những ai nào?
_ Mình chỉ biết đây là Vênus, Jupiter, Assilo ngoài ra không nhận được là ai! - Hiểu Húc tỏ ra áy náy.
Cả Hiểu Húc cũng không biết hết khiến Hân Nhiên rất buồn.
_ Hân Nhiên, cậu vẽ đẹp lắm! Người nào cũng có hồn. Sao cậu vẽ đẹp được đến thế?
_ Mình cho rằng phong cách là điều mấu chốt của họa sĩ. Có người vẽ rất đúng công thức, vẽ cây thì cây nào cũng thẳng và tươi, vẽ núi thì ngọn nào cũng cao và hùng vĩ, vẽ người thì người nào cũng xinh tươi, như thế là phỏng theo chứ đâu phải sáng tác?
_ Tớ thấy trở thành thư pháp gia dễ hơn trở thành họa sĩ. Vẽ phỏng theo tranh của người thì gọi là bắt chước, còn viết đúng theo nét chữ của người thì lại được coi là thư pháp gia!
Hân Nhiên và Hiểu Húc chỉ chú ý chuyện trò với nhau. Không muốn mình trở thành thừa, Liễu Thanh nói xen một câu:
_ Thầy giáo mới hơn bốn mươi thôi…
_ Thế à? - Hân Nhiên và Hiểu Húc cùng hỏi.
Cuối cùng đã tìm được dịp nói chuyện, Liễu Thanh bèn dốc tuốt tuột những mẩu vặt vãnh nghe lỏm được khi đi qua phòng làm việc của các thầy ngày hôm qua ra:
_ Nghe nói - Liễu Thanh nhấn mạnh hai chữ này, nếu tình hình có gì không đúng hẳn cũng dễ bề thoát thân - Nghe nói thầy giáo mới hơn bốn chục tuổi, được điều từ một trường trung học trọng điểm ở Tây An đến đây…
_ Hơn bốn mươi tuổi? Mình chỉ mong được thầy cô trẻ hơn nữa, thầy trò nói chuyện được với nhau - Hân Nhiên nói.
_ Tớ lại thích thầy nhiều tuổi, có thế mới có kinh nghiệm. Tốt nhất là thầy đã có con gái lớn như chúng mình - Hiểu Húc nói.
Vừa lúc đó Lưu Hạ tất tưởi chạy đến:
_ Hân Nhiên, ông “Đồ Cổ“ tìm cậu đấy!
Hân Nhiên buông phấn, vội vàng lướt qua bên cạnh Lưu Hạ nói khẽ câu cám ơn rồi chạy tới phòng giáo vụ.
Trên hành lang, Hân Nhiên súyt nữa đâm sầm vào Tiêu Dao và một cán bộ của Hội học sinh. Bạn vội vàng dừng chân nói:
_ Xin thông cảm!
_ Này Hân Nhiên, bọn mình đã liếc qua báo bảng của bạn. Vênus, Jupiter, Prômêtê, Asilo bạn vẽ giống lắm lại có thần nữa! - Tiêu Dao khen.
Hân Nhiên cười phấn khởi. Tiêu Dao hiểu. Những nhân vật mình vẽ bạn ấy đều hiểu, cám ơn bạn. Tiêu Dao còn khen mình nắm được cái thần, có nghe thấy không? Không khen “đẹp”, “đáng yêu” mà là “có thần”! Cô gái nào chẳng thích được khen, nhất là lời khen hàm súc triết lý?
Những gì bực dọc từ nãy đến giờ tiêu tan hết cả, Hân Nhiên thong thả bước tới phòng làm việc của thầy trưởng phòng Giáo vụ. Những hình ảnh vừa nãy vẫn hiện đi hiện lại trong đáy lòng.
Cửa phòng làm việc của thầy trưởng phòng Giáo vụ chỉ khép hờ. Thường ngày, rất ít khi học sinh đến đây, mà dù có phải đến thì cũng bước nhẹ nhàng nên ở đây rất yên tĩnh.
_ Thưa thầy Cổ, thầy cho gọi em?
_ Tạ Hân Nhiên đấy à! Có mấy việc muốn trao đổi với em!
Thầy Cổ từng dạy toán cho Hân Nhiên ở cấp hai. Viên phấn trong tay thầy đánh nhoàng một cái đã thành vòng tròn, thật tròn. Thầy vốn là giáo sư đại học trong đất liền, đến Thâm Quyến chỉ dạy trung học, hai năm nay mới làm trưởng phòng Giáo vụ. Theo thống kê, những trường hợp như thầy nhiều lắm. Ai cũng đổ cả về Thâm Quyến, nhân tài đông đúc, cạnh tranh kịch liệt. Những ai muốn trong thời gian ngắn nhất được nhận thì biện pháp tốt nhất là dạy cấp Hai, cấp Ba.
_ Cô chủ nhiệm của các em đi chữa bệnh rồi, Tiêu Dao cũng chuẩn bị tham gia cuộc thi, cho nên những việc này phải giao cho em phụ trách - Thầy chiêu một ngụm trà, nói tiếp - Em phải hiệp đồng làm tốt công việc nối tiếp giữa cô chủ nhiệm và thầy chủ nhiệm mới. Nhật ký công việc hàng ngày của lớp phải chỉnh lí lại, thời gian biểu kiểm tra cũng cần chỉnh lí, thứ hai giao cho thầy chủ nhiệm mới. Thầy giáo họ Giang, nổi tiếng trong ngành giáo dục. Buổi họp lớp hàng tuần vào tiết thứ tư, thầy sẽ giới thiệu vắn tắt với các em về thầy chủ nhiệm mới.
Thầy Cổ có khuôn mặt to, cằm có đến mấy lớp. Hồi đầu năm học, trong một bài văn, Lâm Hiểu Húc từng tả một người hói đầu như sau: “Khoảng giữa là sân trượt băng, xung quanh là lan can sắt cuốn”. Ai nấy đều khen hình ảnh này rất tuyệt nên lan truyền đi rất nhanh. Vì vậy thầy Cổ cũng nhạy cảm với cái đầu hói của mình. Hễ gặp ai, là thầy bất giác đưa ngón cái lên miết mấy sợi tóc lơ thơ, dùng cách đó để “địa phương chi viện Trung ương”.
_ Nhưng thưa thầy, nhật ký công việc của lớp và thời gian biểu kiểm tra lâu nay đều do Tiêu Dao phụ trách, em không nắm rõ tình hình. Huống hồ, thi báo tường vào ngày quốc khánh mồng một tháng mười sắp tới… - Hân Nhiên hơi bối rối.
_ Tiêu Dao chỉ mải lo tham dự thi thôi, chẳng lòng dạ nào lo nữa! - Thầy Cổ nói với giọng hơi bực bội.
Thấy thầy nói thế, Hân Nhiên đành không tiện thoái thác nữa. Thời gian này Tiêu Dao đang bận tham gia cuộc thi kiến thức của học sinh trung học toàn thành phố nên nếu có thể làm việc gì thay cho bạn ấy cũng coi như là giúp đỡ bạn mình. Có điều, thái độ của thầy Cổ hơi khó hiểu.
_ À này, còn điều nữa - Thầy đứng lên sắp xếp lại giấy tờ trên bàn - Trần Minh là người thế nào nhỉ?
Hân Nhiên càng khó hiểu. Sao đột nhiên thầy lại hỏi thế nhỉ? Bạn suy nghĩ giây lát, đáp:
_ Bạn ấy là ủy viên học tập của lớp em, thành tích đứng đầu trong cả năm, năm cuối cấp phổ thông cơ sở dự thi Toán toàn tỉnh đọat giải nhất và giải nhì cuộc thi lập trình cho máy tính, được vào thẳng trường trung học Số Chín…
_ Những điều ấy thầy biết cả rồi - Là chủ nhiệm chỉ đạo, tất nhiên thầy Cổ biết rõ những điều đó - Thầy muốn biết tư tưởng em đó ra sao.
_ Tư tưởng? - Hân Nhiên nhắc lại theo bản năng.
_ Tư cách cùng cách xử thế, quan hệ với các bạn?
_ Bạn ấy không thích qua lại chơi bời với các bạn khác, cũng rất khó gần, lại còn… Em không hiểu bạn ấy lắm.
Đó là câu trả lời rất thật. Hân Nhiên không hiểu biết mấy về Trần Minh song điều chủ yếu là bạn không quen đánh giá người khác.
_ Lớp trưởng mà lại không hiểu biết gì về một nhân vật điển hình của lớp, như thế là công tác còn thiếu sót nhiều đấy! - Thầy Cổ liếc nhìn Hân Nhiên với ánh mắt không bằng lòng.
_ Lớp phó thôi ạ - Hân Nhiên lí nhí cải chính.
Thầy Cổ bỏ kính xuống, lại liếc nhìn Hân Nhiên cái nữa, tỏ ra không vui:
_ Đề thi Văn lần này của các em là “Câu cách ngôn mà em thích nhất”, bài của em viết như thế nào?
Hân Nhiên chưa kịp đáp, thầy lại hỏi:
_ Em thấy câu “Có chịu khổ trong khổ, mới thành người trên người” ra sao?
Có chịu khổ trong khổ, mới thành người trên người! Hân Nhiên suy nghĩ rồi đáp:
_ Em… em không biết. Có vẻ rất đúng, đương nhiên… Em không biết nói thế nào.
Thầy Cổ đeo kính lên, bảo:
_ Thôi được, em về đi!
Hân Nhiên cảm thấy thầy Cổ rất không vừa lòng với biểu hiện của mình ngày hôm nay. Bạn cũng không hiểu tại sao thường ngày mình mồm mép lanh lợi như thế mà hôm nay lại phản ứng chậm chạp, thậm chí không nói được câu nào cho hoàn chỉnh.
NHỮNG GÌ NGHĨ TỚI ĐỀU LÀ ĐIỂM TỐT
Nhật ký của Hiểu Húc
Ngày… tháng…
Cô Trần nằm viện rồi. Con người thật kỳ lạ. Khi sớm tối ở cùng nhau thì chẳng cảm thấy gì, nhưng vừa xa nhau thì những gì nghĩ tới đều là những điểm tốt của người ấy.
Cô Trần thật tốt song các bạn lại không thích cô. Nếu cô không ốm kỳ này thì cả lớp vẫn gọi cô là “bà già Trần”. Bây giờ bọn mình thích thấy cô như thế nào thì ngay bọn mình cũng không nói cho rõ được. Phải hoạt bát phóng khóang chăng? Phải tài ba muôn vẻ chăng? Phải ăn nói giỏi giang chăng? Phải ân cần chăm chỉ chăng? Hay là… Tốt nhất là tất cả những ưu điểm đó được tập trung vào một người, mà không, không, nếu thực sự như thế thì e rằng học trò kính trọng đấy nhưng không gần được.
Bây giờ phim thiếu nhi chán hết sức. Mình chỉ có thể dùng từ “sách thiếu nhi” để hình dung những tác phẩm viết về học sinh phổ thông trung học. Thế nào cũng có vài học sinh tốt , vài học sinh kém, mấy học sinh từ kém trở nên tốt. Đó dường như là cái khung của mọi truyện. Tình tiết cũng nhàm hết chỗ nói, chẳng qua là có một học sinh mắc lỗi lầm, rất nhiều thầy cô chẳng làm gì nổi cậu ấy; thế rồi có một cô giáo rất tốt theo kiểu mẹ hiền xuất hiện, tiếp theo là một lọat công tác cảm hóa của cô này, để như ốm vẫn lên lớp, bỏ thuốc vào mồm uống ngay trên lớp; đội mưa đến nhà học sinh nghỉ học để dạy bù, bỏ mặc đứa con mình đang cảm sốt, trưa học sinh không có cơm ăn, nhường luôn hộp cơm của mình cho cậu ấy… Sau đó, cậu học sinh vừa tỉnh ngộ, trở lại làm người từ đầu. Cô giáo dùng “tình thương của mẹ hiền cảm hóa được trái tim băng giá của các em học sinh đó” (câu vốn có trong tiểu thuyết). Những lọai truyện như thế chẳng có ý nghĩa gì.
Mình không hiểu tại sao sự tích của các nhân vật tiên tiến đều là “vì sự nghiệp” chẳng kịp về nhà, chẳng kịp ăn tết, bố mẹ ốm nguy kịch chẳng đến được bên giường, con mới chào đời cũng bỏ mặc… Lẽ nào họ không nghĩ rằng bản thân họ còn có trách nhiệm phải làm người con tốt, người chồng tốt, người cha tốt hay sao? Tuy họ đáng được khen thật nhưng mình vẫn thấy ở họ còn thiếu sót một cái gì đó.
Học sinh trung học bây giờ tư tưởng phức tạp hơn trước, đâu có dễ chỉ cho ăn một bữa cơm, dạy bù tiết vắng mặt là đã cảm hóa được? Như Tiêu Dao, Trần Minh, Dư Phát, Vương Tiếu Thiên đấy, những bạn này đâu có thuần nhất như sách viết ra? Còn mình, Hân Nhiên, Lưu Hạ, Liễu Thanh thì bọn này càng không thể chỉ khái quát trong vài ba câu là xong.
Không hiểu thầy giáo mới thế nào nhỉ?
Không biết ông ấy sẽ “giáo dục” bọn này ra sao?…
Ngòai kia có tiếng cò cưa i ỉ, con bé Bối Bối nhà bên cạnh lại đem đàn viôlông ra tập rồi! Nghe ngán quá! Tập có đến nửa năm rồi mà vẫn cứ cò cưa như thế. * * *
Chuông chuẩn bị vào lớp vừa vang lên, cô Trần giáo viên dạy văn đã bước vào lớp Mười. Cô vung vẩy tập giấy kiểm tra trên tay, nói:
_ Từ hôm khai giảng đến nay đã được hai tuần rồi, hôm nay kiểm tra sau khi học hết một phần. Trên mặt bàn, ngoài bút và bút xóa ra, các em cất hết mọi thứ khác đi.
_ Lại tập kích bất ngờ!
_Chết rồi, chết rồi! Chết là cái chắc!
Những tiếng cằn nhằn quen thuộc vang lên. Nhưng khi tay vừa nhận tờ giấy kiểm tra thì chỉ còn tiếng rào rào như tằm ăn rỗi. Đề bài của cô Trần bao giờ cũng chắc nình nịch, không nắm vững thời gian thì khó mà làm xong bài, cho nên cắm cúi mà làm là hay hơn cả.
Nhưng sau ba mươi phút, một số bạn bắt đầu ngọ nguậy, chẳng khác nào những nguyên tử không an phận trong phản ứng hóa học. Cái “phao” Dư Phát nghĩ đến trước tiên là Vương Tiếu Thiên. Cậu ta liếc nhìn cô giáo, cô giáo đang nhìn qua cửa sổ như đang mải ngắm cái gì đó. Dư Phát yên tâm viết câu hỏi vào một mảnh giấy, vo tròn, ném cho Vương Tiếu Thiên ngồi bàn cuối lớp.
Đúng lúc đó, cô giáo quay người lại, song khéo thay, viên giấy vừa vặn rơi tọt vào bồ rác đặt ở cuối phòng. Cô Trần nhíu mày song không lên tiếng, vẫn cúi xuống chữa bài tập của lớp khác. Nhanh như chớp, Dư Phát ném tiếp viên giấy nữa. Cô giáo đi xuống nhặt lên. Thấy là một mảnh giấy trắng, cô trở lại bục, bảo:
_ Trong lớp không được ném giấy lung tung!
Tuy cầu cứu không thành, song cô giáo cũng không bắt được quả tang, Dư Phát thầm đắc ý: “Cô chọi sao nổi với học trò cơ chứ!”.
Những năm năm mươi, sáu mươi quay cóp là chuyện cực xấu; sang những năm tám mươi, chín mươi, học sinh coi chuyện đó là “hành vi đáng được đồng tình”. Ai mà chẳng vậy, ngày thường không chịu học thì muốn vớt vát cho đủ điểm trung bình; học lực trung bình thì muốn điểm khá hơn, đã học khá rồi thì lại muốn đứng đầu lớp. Đám học trò không cho quay cóp là điều nhục nhã, ngược lại, coi đấy là “đối sách” đối phó với thi cử và là chuyện bí mật công khai. Bởi vậy trước khi có thi cử, các cô cậu thường nửa đùa nửa thật bảo nhau:
_ Này cậu, lần thi này giúp đỡ nhau đấy nhé!
_ Nhớ thả phao đấy!
_ Phải biết do (tiếng Anh trong nguyên bản) mới được!…
Tuy vậy, lúc này Dư Phát không dám khinh suất hành động. Cô Trần có vẻ chăm chú chấm bài song thực tế là làm cả hai việc một lúc. Thỉng thoảng cô đưa mắt quét một lượt khắp lớp, khiến cho ai muốn chuyển giấy, giở sách, nhòm bài bạn đều không sao thực hiện được, đành chỉ liều làm bài của mình mà thôi.
Trước dễ sau khó, cách ra đề thi cơ bản này Dư Phát hiểu lắm chứ, nhưng chọn đi chọn lại, cậu ta tìm không ra một đề nào dễ làm. Xem ra đành nhờ vận may bằng cách bắt thăm để chọn đề vậy. Viết giấy vo viên lại rồi bốc thăm hẳn là không được. Cô giáo thấy trong tay có viên giấy hẳn sẽ cho là "phao" của bạn nào đó ném cho. Chỉ có thể dùng cách "bói". Phát ngồi thẳng người lên, tay phải nắm bút, chăm chú đặt lên tờ giấy thi; tay trái nắm thành nắm đấm, những đốt xương gồ lên ở ngón trỏ, ngón giữa, ngón đeo nhẫn, ngón út lần lượt thay cho ABCD, sau đó mồm lẩm nhẩm bài hát trẻ con và đưa mắt theo; bài hát dừng lại ở ngón nào thì ghi chữ cái đó vào đề lựa chọn. Cô giáo từ trên cao nhìn xuống, chỉ nhìn thấy Dư Phát đang cắm cúi suy nghĩ nghiêm túc để làm bài.
Một học sinh đứng lên:
_ Thưa cô, cô thêm cho tờ giấy ạ.
Vừa nghe đã biết ngay bạn đó là người Quảng Đông. Người Quảng Đông nói như thế. “Cho thêm tờ giấy” thì nói thành “thêm cho tờ giấy”.
Bạn ấy tên Trần Minh, tóc hơi bù rối, không biết là kiểu tóc đặc biệt hay là do không chải đầu. Cậu ta là ủy viên học tập của lớp, là một người mà dùng cách gọi phổ biến nhất trong trường là very cool (rất nhạt nhẽo, thờ ơ). Vương Tiếu Thiên cùng lớp từng nghĩ sẽ viết một truyện gì đó lấy đề tài là cậu ta. Đầu đề truyện là lạ một chút: “Thật là một nhân vật!” chẳng hạn.
Cô giáo lấy một tờ giấy từ bục giảng đi xuống ngó qua bài làm của Trần Minh, rồi lại ngó bài làm của mấy bạn khác để so sánh xem ai hơn ai kém. Trên mặt cô thoáng một nụ cười.
Thấy thế, cả lớp đều ngước mắt nhìn Trần Minh, có ánh mắt cảm phục, có ánh mắt ghen tị: thằng này lại muốn đứng đầu lớp đây!
Bạn gái đeo kính luôn tay xoa dầu Vạn Kim lên đầu là Lâm Hiểu Húc. Bất kể thi học kỳ hay kiểm tra, bạn ấy đều xoa dầu. Hễ vào lớp thi là Hiểu Húc thấy nhức đầu, mặc dù thi môn sở trường là môn văn.
Tạ Hân Nhiên ngồi ở vị trí giữa lớp, đang cân nhắc giữa mấy nhà văn. Tác giả bài Ba ngày trên Trường Giang: A. Lý Kiện Ngô; B. Lưu Bạch Vũ; C. Ngô Bá Tiêu; D. Trịnh Chấn Đạc. Hình như Lưu Bạch Vũ là tác giả mà Lý Kiện Ngô có vẻ đúng hơn! Hân Nhiên do dự. Trước ngày kiểm tra, rõ ràng mình đã lật xem bài này, làm sao bây giờ lại quên khuấy đi? Mình làm sao thế?
Trong lúc bối rối, Hân Nhiên quay sang nhìn Tiêu Dao. Bạn này đang viết lia lịa. Trước ngày thi, ai cũng nói: “Tớ đã học được gì đâu!”, “Tớ chẳng học thuộc được!”, “Tớ chẳng nhớ được gì!”, “Chắc tớ toi mất!”, nhưng khi thi thật thì người này làm nhanh hơn, trả lời được nhiều hơn người khác. Xem ra học sinh trung học cũng dối trá phải biết!
Hết giờ!
_ Thu bài thôi, hết giờ rồi!
_ Cô ơi, cô đợi em chút nữa, em chưa làm xong mà!
Mấy bạn cùng kêu lên, dường như cô giáo vặn cho kim đồng hồ chạy nhanh vậy.
_ Hết giờ rồi. Thôi dừng tay, nộp bài đi!
_ Cô cho thêm ít phút nữa đi!
_ Không được! Các tổ trưởng thu bài!
Tiếng oán thán vang lên khắp nơi:
_ Sao đề thi lần này khó thế?
_ Nhiều câu vượt đề cương quá!
Đứng trên bục, cô giáo cầm một tập bài thi gọi to:
_ Tạ Hân Nhiên, mau lên! Các tổ khác nộp cả rồi. Đừng viết nữa, thu bài của tổ em đi!
Hân Nhiên vứt bút đứng lên, thu bài của tổ mình đem nộp. Cô giáo vừa xếp lại bài thi vừa bảo Hân Nhiên:
_ Hôm nay em làm bài thế nào? Kiểm tra lần trước, rõ ràng em có thụt lùi. Sao thế? Có tâm sự gì thì phải?
_ Không… không có gì đâu ạ! - Đứng bên cô giáo, Hân Nhiên cao hơn cô hẳn một cái đầu.
_ Không có thì tốt! Con gái lớn lên tâm trí dễ phân tán, đừng nên cho là mình học vững mà buông lơi. Con gái chỉ lo là không có hoài bão, đừng bao giờ lơ là nhé!
Hân Nhiên thầm nghĩ mình đâu dám lơ là? Một ngày phải có ba mươi hai giờ mới đủ bởi bạn biết mình không được như các bạn khác.
- Về chỗ cả đi, các em về chỗ cả đi! Cô có chuyện muốn nói với các em. Hôm nay là lần cuối cùng cô ra bài thi cho các em. Cô sắp phải vào viện để mổ, sau khi ra viện cũng không thể dạy các em được. Từ tuần sau, có thầy giáo từ Tây An điều về dạy các em. Thầy họ Giang, giàu kinh nghiệm dạy học.
Cô chỉ có mỗi một câu muốn nói, ấy là bất cứ lúc nào các em cũng không được buông lơi mình. Đặc khu có điều kiện tốt, nuôi được người song cũng dễ hại người. Các em hãy nghĩ bạn mình ở trong kia phải cố gắng như thế nào. Hãy xem khóa học của Trịnh Tân ấy, 90% vào được đại học, còn Trịnh Tân thì khỏi phải nói, “thủ khoa” môn Lý của cả tỉnh, các em biết cả rồi đấy! Các em chớ có lơ là…
Trường trung học Số Chín ai mà chẳng biết. Năm ngoái Trịnh Tân ở lớp Mười hai lúc thi đại học, giật luôn cành quế “trạng nguyên” môn Lý của tòan tỉnh, được đăng báo, lên đài, vinh dự hết mức. Cả thầy hiệu trưởng, thầy trưởng phòng Giáo vụ, thầy chủ nhiệm lớp cùng thầy giáo dạy môn Lý cũng mát mặt theo.
_ Lần thi này đề ra có khó một chút là vì cô muốn đánh động một số em, nhắc nhở các em không nên chủ quan. Tiêu Dao, em viết báo cáo tổng kết về tình hình của lớp, chiều mai nộp cho cô! Lâm Hiểu Húc, em theo cô đến văn phòng. Hết giờ!
Cả lớp không nôn nóng chạy ra ngòai như mọi khi. Cả lớp hoặc đứng hoặc ngồi, không hẹn mà cùng ngắm nhìn cô chủ nhiệm - một “bà già” khô khan gầy gầy, đen đen và nhỏ thó mà lẽ ra họ nên chú ý từ lâu.
_ Thưa cô, cô mắc bệnh gì ạ? - Một bạn gái cao lêu đêu đứng lên, bạn tên Lưu Hạ.
_ Thưa cô, cô vào viện nào chữa bệnh ạ? Bệnh viện Nhân dân thành phố hay bệnh viện Tổng hợp ạ?
Các bạn gái mồm năm miệng mười hỏi. Cô giáo Trần tỏ ra xúc động:
_ Các em ạ, nghe các em hỏi cô rất cảm động. Cũng chẳng phải bệnh gì nặng đâu! Tuổi nhiều thì bệnh cũng lắm thôi. Các em cố gắng học tập, đó là cách động viên an ủi cô tốt nhất đấy.
Bấy giờ các bạn mới lục tục rời khỏi lớp.
_ Bà già phải mổ thật à?
_ Khổ thật đấy. Trước đây có nghe nói ốm đau gì đâu!
Dư Phát cũng thấy lòng nao nao. Đừng tưởng bạn ấy làm việc gì cũng qua loa, đại khái, không chịu chú ý. Tật quay cóp hàng ngày cũng chẳng phải chỉ mắc vài ba bận. Nhưng lần này Dư Phát không hiểu sao lòng nao nao!
Hân Nhiên đứng ngòai hành lang chờ Hiểu Húc, lòng bối rối vô hạn. Bạn lúc nào cũng tự tin, trạng thái tâm lý khi vào thi thường rất tốt, bất kỳ lần thi nào cũng bình tĩnh làm bài. Nhưng lần này… lẽ nào vì cậu bạn kia? Hân Nhiên thở dài liền mấy cái.
Ngay lúc ấy, Hân Nhiên nhìn thấy Tiếu Thiên, Tiêu Dao đang chơi bóng rổ, bạn thấy ấm hẳn lòng.
Tiếu Thiên là thành viên chủ chốt trong đội bóng rổ của trường, là một “đàn anh”. Tuy mặt bạn ấy có mấy mụn trứng cá “lấp lánh như sao” song không hề hấn gì tới vị trí “hòang tử cưỡi ngựa trắng” trong ánh mắt khá nhiều cô thiếu nữ. Bạn chơi bóng rổ rất điệu nghệ, lần nào thi đấu, động tác dẫn bóng ba bước là ném rổ rất đẹp mắt của bạn đều khiến người xem ồ lên hoan hô.
Mỗi lần như thế, Vương Tiếu thiên thế nào cũng ngoảnh lại phấn khởi chạy mấy bước, giơ nắm tay vẫy khán giả cứ như mình là vận động viên bóng rổ Gioocđan thật, đồng thời hất đầu về phía sau cho tóc xõa bay rất điệu, làm tăng thêm phần hứng thú cho đám người hâm mộ bóng đang phấn khích.
Phải nói thật không ít thiếu nữ trường trung học Số Chín thầm kín cho Tiếu Thiên điểm mười, song Hân Nhiên cho rằng con trai chỉ điển trai thôi là không đủ, còn phải có năng lực, có tài, có tính cách. Trong trái tim bạn cũng có một người điểm mười, nhưng đó là Tiêu Dao.
Tiêu Dao là lớp trưởng của họ, cha mẹ cậu ta đều là cán bộ tài mậu ở nước ngoài, chỉ mình cậu ta ở Thâm Quyến cùng với ông bà nội.
Nếu so tài hoa và điển trai ở con trai thì các cô gái dễ xiêu lòng vì tài hoa hơn. Hân Nhiên cảm thấy tình cảm ấy của mình chưa thật sâu, còn mờ nhạt song nó cứ làm bạn không thanh thản… Cảm giác ấy bạn không thể nói với bất cứ ai, kể cả Lâm Hiểu Húc, huống hồ đã có gì rõ ràng đâu mà nói.
Hân Nhiên nhìn theo lưng áo Tiêu Dao, nghĩ ngợi vẩn vơ.
Một chiếc xe máy lọai leo được núi màu đỏ sẫm lao ra khỏi cổng trường. Nhìn thoáng qua Hân Nhiên đã biết đó là xe của Trần Minh. Trong số người cùng lứa, có thể nói Trần Minh là người hơn hẳn. Bạn có nhiều thứ mà những người cùng tuổi mơ cũng khó có được. Nhiều lần Trần Minh thay mặt cho học sinh trung học phổ thông toàn thành phố tham gia các cuộc so tài cấp tỉnh và cấp quốc gia. Nhiều lần bạn đã ẵm được phần thưởng về. Ảnh của bạn được phóng to bằng màn hình 24 inch treo trong khung tủ để ở cổng trường. Bạn cùng lớp nhiều người gọi Trần Minh là “học sinh anh tài”.
Trong lớp, người có thể đọ với Trần Minh chỉ có Tiêu Dao mà thôi. Hân Nhiên cảm thấy về nhiều mặt hai bạn này rất giống nhau song cũng có nhiều điểm rất khác nhau. Về Trần Minh, Hân Nhiên cảm thấy bạn này có nhiều điểm không dễ đã hiểu được, chẳng khác nào đọc một quyển kinh vậy.
_ Hân Nhiên, đợi ai đấy! - Có ai đó vỗ vai.
Hân Nhiên ngoảnh lại:
_ A, Lưu Hạ đấy à? Chưa về nhà sao?
_ Về làm gì! - Lưu Hạ bực mình đáp.
Hân Nhiên sững người. Trong lớp đồn rằng quan hệ giữa cha và mẹ Lưu Hạ rất căng thẳng, thỉng thoảng lại nổ ra chiến tranh như Iran và Irac, xem ra chuyện đó là thật rồi. Hân Nhiên nhanh trí nói đùa theo:
_ Đúng thế, về nhà hơn quái gì, ở lại xem Tiếu Thiên đánh bóng còn hơn!
Lưu Hạ cười mắng bạn là “đồ điên”! rồi cả hai cười nói vui vẻ. Vừa lúc đó Lâm Hiểu Húc đi tới:
_ Các cậu cười gì thế?
_ Mình đang cười “đôi bạn thân” từ hồi mặc quần thủng đít đấy!
Hân Nhiên trả lời xong cũng cười xòa. Mọi người đều hiểu, chuyện của Lưu Hạ và Tiếu Thiên đang là đầu đề họ quan tâm.
Hân Nhiên kéo Hiểu Húc đi:
_ Lưu Hạ, chúng mình phải đi đây! Cậu cứ ở đây chờ bạn ấy nhé!
Đi đã xa, Hân Nhiên vòng tay thân mật ôm eo bạn:
_ Bà già bảo cậu gì thế?
_ Đừng có “bà già, bà già” nữa nhé! Khó nghe lắm. Thực ra cô Trần rất tốt.
_ Hừ, hồi đầu bà già… à cô Trần đề nghị trao nhật ký cho cô giáo chủ nhiệm, cậu là người đầu tiên phản đối cơ đấy!
_ Nhưng cũng phải nói lại rằng cô Trần rất tốt, là lọai cô giáo “dưới ánh nến” trong rất nhiều tác phẩm văn học và phim ảnh. Học trò bây giờ còn tiếp nhận, tán thành lọai thầy cô như thế hay không là chuyện khác, song bọn lớp mình đều thấy cô là người rất tốt. Vừa nãy tớ vào phòng làm việc của cô, cô còn dặn đi dặn lại là phải giúp thầy giáo mới để học được tốt môn Văn. Cô còn phải thức đêm mới chấm hết bài, ngày kia vào viện rồi. Cô giáo đáng thương thật đấy!
Buột miệng nói “đáng thương” xong, Hiểu Húc cảm thấy hối hận. Đối với học trò, “đáng thương” hầu như còn tệ hại hơn cả “cù lần”, “dở“, “kém”. Hân Nhiên nói:
_ Thế là cậu có đề tài để viết nhật ký ngày hôm nay rồi. Tha hồ mà trữ tình trong nhật ký nhé!