Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Tuổi hoa tuổi mưa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14104 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuổi hoa tuổi mưa
Úc Tú

Chương X

Dạy học là một nghệ thuật, ai không biết biểu diễn sẽ là thầy giáo trung học tồi.
Thầy giáo Giang mặc một bộ âu phục mới mua tâm tư khoan khoái, tinh thần phấn chấn như thường ngày hy vọng sẽ dạy tốt buổi học này, thầy sẽ không phải trông thấy một khuôn mặt nào thờ ơ, một đôi mắt lộ vẻ sốt ruột nào. Thầy hy vọng sau tiết học, học sinh sẽ tiếp thu được một điều gì đó.
Thầy Giang vừa vào lớp, bỗng cả lớp “a” lên một tiếng rồi tiếp theo là một tràng vỗ tay:
_ Thưa thầy, thầy mặc bộ quần áo mới này tôn người lên đấy ạ!
_ Thưa thầy bộ này vừa vặn người thầy quá!
Thầy Giang cười, cái bọn học sinh này thế đấy!
Tiết học hôm nay thầy giảng một đoạn trong phần kiến thức đơn nguyên và huấn luyện để chữa một bài làm văn. Giờ học bắt đầu được một lúc thì Vương Tiếu Thiên giơ tay xin phát biểu.
_ Thưa thầy, em thấy bài văn này sửa không được hay. Nhất là đoạn kết đem lời nói mộc mạc của người thợ khâu giầy “các em dành tiền mua mấy quyển bài tập, đấy cũng coi là tâm nguyện của tôi” cố sửa thành “Các em để dành số tiền này mua mấy quyển bài tập, học thêm chút kiến thức, mai này làm tốt việc xây dựng bốn hiện đại hóa, đó cũng là tâm nguyện của chúng tôi!” sẽ làm cho người ta cảm thấy lời nói không thực.
Thầy Giang ngẩn ra, học sinh ngồi bàn dưới cũng xôn xao bàn luận.
_ Người thợ giày biết nói như thế sao?
_ Đúng là ngôn ngữ của người thợ giày cần phải mộc mạc.
_ Bài giảng đã chọn vào sách giáo khoa, theo tớ là không thể sai được.
_ Sách giáo khoa cũ quá rồi, mấy chục năm chẳng thay đổi gì cả, vẫn nội dung ấy.
_ Viết như thế là hay lắm rồi, phải viết tính ưu việt không có gì so sánh nổi của chủ nghĩa xã hội, chứ cả đất nước là một màu rực đỏ một giọng nói đáng ghét cất lên.
Theo kế hoạch, tiết học này phải giảng xong bài nhưng xem ra không thể xong được rồi. Thầy Giang ngẫm nghĩ rồi gấp sách lại:
_ Thế này  nhé, giờ học này các em tự do phát biểu, chúng ta bàn về cách nhìn nhận tác phẩm văn học.
Nghe thầy giáo nói thế, tiếng ồn ào trong học sinh lặng hẳn, không một ai nói gì nữa:
Chẳng phải các em vừa bàn bạc rất sôi nổi đó sao? Nào chúng ta khiêng bàn xếp thành vòng tròn, như thế không khí thảo luận sẽ hay hơn.
Sau khi đã tay năm tay mười kê bàn thành vòng tròn, đám học sinh ngồi đối diện nhau, ai nấy đều cười. Lâm Hiểu Húc đại diện cho khoa văn nói trước tiên:
_ Tôi bắt đầu nhé! Tôi cảm thấy bây giờ các đầu đề làm văn đều giống nhau cả, chẳng hạn như “người không thể quên” “một việc nhỏ có ý nghĩa lớn” “lần thứ nhất…” từ khi bắt đầu học tiểu học đến giờ cũng chỉ mấy đề mục ấy, đổi qua đổi lại… Thầy giáo còn nói “mấy bài ấy làm rồi, bây giờ làm lại để xem xem trình độ của mọi người có nâng cao được chút nào hay không?” Nhưng một đề bài đã làm qua một lần lại làm lần thứ hai, thứ ba ai còn hứng thú làm nữa, thế thì nâng cao sao được?
Lâm Hiểu Húc vừa nói xong, Tạ Hân Nhiên liền nói:
_ Chúng ta làm những bài văn ấy đều theo một hình mẫu đã định sẵn. Viết về một người bạn tốt thì nhất định phải là đoạn đầu bạn tốt như thế nào; đoạn giữa thế nào cũng phải nảy sinh mâu thuẫn như làm hỏng một vật gì mà bạn yêu thích, bạn bắt ta đền làm ta hiểu lầm lòng tốt của bạn, đoạn kết luận  bạn sắp chuyển đi nơi khác, trước khi đi đem tặng ta một vật lưu niệm thế rồi ta hối hận sâu sắc và luôn luôn nhớ đến bạn. Viết về một sự việc chẳng hạn, làm một việc tốt thì nhất định ta ban đầu không muốn làm việc đó như thế nào nhưng lúc ấy khăn quàng đỏ trên ngực đón gió bay phơi phới khiến ta nghĩ mình đã là một đội viên thiếu niên…, sau đó “ta” làm việc tốt và thấy lòng thư thái hẳn, như thế nếu  như hôm đó ta không quàng khăn đỏ thì lẽ nào ta lại không làm việc tốt đó sao! Chúng ta từ nhỏ đã viết như thế, nhất là khi học tiểu học đúng là nghìn bài như một. Học sinh nước ngoài làm văn không có trình độ cao, ý nghĩa cũng không nhất định phải sâu sắc nhưng văn chương họ viết ra đều rất chân thực, đều có cái riêng của mình.
_ Chúng ta rất thích viết được chút gì đó của chính mình. Hồi học phổ thông cơ sở có một lần, thầy giáo cho làm một bài văn đề tài tự do, kết quả lần ấy chất lượng cao hơn hẳn mọi lần khác – Lâm Hiểu Húc lại nói tiếp - nếu muôn nâng cao trình độ làm văn thì không thể hoàn toàn dựa theo bài học ở nhà trường.
_ Các bạn còn nhớ bài Chiếc áo quý giá mà chúng mình đã học không? Tôi có cảm giác là người ta đã viết rất to tát về một vấn đề rất nhỏ. Thủ tướng làm rách của người ta một chiếc áo nên đền chiếc khác, đó là việc rất bình thường và nên làm có gì mà phải làm ầm ĩ lên!
Nói thật nhé, tôi cảm thấy giáo trình của chúng ta rất “tả”. Tuy nhiên đã sửa rất nhiều lần nhưng chỉ là thay thang chứ không thay thuốc. Bây giờ tất cả đều là kinh tế thị trường, thế mà sách giáo khoa chính trị vẫn viết là kế hoạch kinh tế có như thế cũng là không theo kịp thời đại, huống nữa sách còn bình luận về chủ nghĩa tư bản quá phiến diện.
Dần dần đầu đề phát biểu nhảy ra khỏi sách giáo khoa học sinh lại bàn đến những tác giả, tác phẩm mà mình ưa thích.
_ Tôi không thích thơ mông lung (Một thể thơ hiện đại, chữ trong bài dễ hiểu nhưng ý trong bài không phải ai cũng hiểu được), tôi nhớ có một nhà thơ từng đăng một bài nhan đề là Lưới. Suốt cả bài thơ dày đặc chỉ một chữ lưới, như thế mà gọi là thơ? Chẳng hóa ra cũng rất mông lung đó sao? Tiêu Dao nói.
Tiêu Dao từ nhỏ đọc qua không ít thơ cổ, bạn sùng bái Lý Bạch, và cũng thích Đỗ Phủ, nhưng thích nhất là Lý Hạ “có tài như quỷ”. Bạn nói tiếp:
_ Tôi cho rằng thơ dài và từ (Thể thơ chữ dài ngắn không đều, vốn là lời những khúc hát) Tống rất hay, như là câu: “Bãi lớn khói vươn thẳng, sông dài mặt trời tròn”.
Lại còn câu “Lưu lạc thành bùn, nghiền thành bụi, chỉ hương thơm như cũ” đều là những câu thơ tuyệt vời, thơ hiện đại xuất hiện rất nhiều ngày nay không thể nào so sánh được. Thơ hiện đại có những bài không đọc đủ ba lần thì không hiểu tác giả nói gì nhưng đọc đủ ba lần rồi mới hiểu tác giả chẳng nói gì cả!
_ Thơ cổ cũng như thơ hiện đại mỗi thứ đều có giá trị trường tồn cả đọc không hiểu  mới thú vị chứ!
_ Thơ mông lung cũng không đến nỗi tối ý lắm đâu.
_ Lỗ Tấn đã từng nói: nếu như anh không có tài hoa phi phàm thì tốt nhất đừng làm thơ. Thơ hay người đời Đường đã làm hết sạch rồi.
_ Tác phẩm của La Lan rất hay, viết nhàn nhạt thôi nhưng ý tứ thì đậm đặc!
_ Sách viết cho học sinh trung học ngày nay rất dở. Nguyên do là trước kia không có người viết, còn bây giờ thì ùa nhau viết, không yêu sớm thì mâu thuẫn thế hệ, làm như học sinh trung học ngoài chuyện yêu sớm, hoặc cãi lại thầy giáo và bố mẹ ra chẳng còn biết đến điều gì khác nữa. Kỳ thực học sinh trung học bây giờ khát vọng rất cao.
_ Trái lại tôi cho rằng học sinh trung học bây giờ chẳng có điều gì đáng viết cả, bằng phẳng nhạt nhẽo, chỉ có học và học tập nhà văn cũng chẳng lấy tài liệu đâu mà viết.
_ Nói tóm lại: sinh viên đại học là con cưng của trời, học sinh tiểu học của tổ quốc. Còn học sinh trung học ư? Còn có mỗi một chuyện yêu đương sớm đem ra mà nói thôi. Đây không phải là ý kiến của tôi đâu, mà là những điều báo chí viết cả đấy. Có điều chuyện yêu đương của học sinh trung học cũng nghiêm trọng thật đấy. Dư Phát vừa nói vừa liếc nhìn Vương Tiếu Thiên và Lưu Hạ.
_ Nhưng đấy không phải là vấn đề chủ đạo của đời sống học sinh trung học – Hân Nhiên nói.
_ Người không yêu đương sớm vẫn nhiều hơn chứ!
Liễu Thanh nói:
_ So sánh ra thì nữ sinh trung học còn may mắn hơn. Nào là Tuổi xuân muôn năm, Đậu khấu tuổi hoa, Thiếu nữ áo hồng, Nữ sinh trung học mất tích, tất cả đều viết về con gái. Còn con trai ư?
_ Có một bộ Tội phạm thiếu niên đấy, - có tiếng cắt ngang nói. Tất cả cười ầm lên.
_ Điều đó nói lên cái gì? Vương Tiếu Thiên lại nói - Điều đó nói lên rằng cuộc sống của nam học sinh trung học không phải nhờ viết mà phải dựa vào hiểu biết.
Nam học sinh vỗ tay đôm đốp hưởng ứng lời Vương Tiếu Thiên.
Lập tức có một nữ sinh nói:
_ Đúng là chưa một lần được uống rượu bồ đào thì nói rượu bồ  đào chua.
_ Nói đến các nhà văn nữ như Quỳnh Dao, Nghiêm Tấm ư? Họ từ lâu đã không được ưa thích nữa rồi, toàn là chuyện giai nhân tài tử, nội dung cũng đại đồng tiểu dị mà thôi. Truyện của Sầm Khải Luân lại càng là như thế; nhân vật nam thì chủ yếu là con em các nhà giàu, trai thì tuấn tú phóng khoáng, nữ thì tiểu thư ngàn vàng, xinh đẹp siêu phàm. Trên đời này làm gì có nhiều chuyện tốt đẹp như thế!
_ Trái lại tác phẩm của Tam Mao (Nữ văn sĩ nổi tiếng Đài Loan) lại hay. Ở đâu có cuộc sống mưa thuận gió hòa, có những cuộc đời “lên voi xuống chó” có nhận thức cảm tính về cuộc sống và cũng có những khám phá lý tính về cuộc đời. Ngoài ra Tam Mao có một câu mà tôi rất tin phục, đó là “giả sử không thành công thì cũng không đến nỗi mất trắng”. – Lâm Hiểu Húc vốn là một người sùng bái Tam Mao.
_ Tôi thường xuyên nghe nói về Tam Mao và tác phẩm của cô nhưng tôi chưa đọc. Sau khi cô tự sát, tôi mới đọc tác phẩm thì thấy rằng cô ấy rất nhiệt tình với cuộc sống, có thể tả cuộc sống đơn điệu vô vị, gian khổ ở sa mạc thành cuộc sống đầy sinh khí. Thế nhưng vì sao cô ấy suy sụp đến tự sát nhỉ, Lưu Hạ hỏi.
_ Cũng có thể khi đạt được tới mức độ tư tưởng như cô ấy thì sống chết đã chẳng còn giới hạn nữa, sinh chính là tử, tử chính là sinh.
_ Nói như thế chẳng có ý nghĩa gì và cũng là vô trách nhiệm.
Đám nữ sinh bàn về các nhà văn nữ Tam Mao, La Lan, Tịch Mộ Dung, Quỳnh Dao, chỉ cá biệt mới nhắc đến nhà văn đại lục. Các nam sinh thì bàn về Dương Sóc và “Văn học vô lại” (Tên gọi bắt nguồn từ nhân vật được cho là vô lại trong truyện). Bàn về Nietzsche (F. Wilhelm Nietzsche, nhà triết học Đức thế kỷ XIX) và tác phẩm siêu nhân, bàn đến Kim Dung, Lương Vũ Sinh và tiểu thuyết võ hiệp.
 
Mỗi học sinh phát biểu, đều bộc lộ rõ nhận thức của mình đối với vấn đề. Mười sáu tuổi là lứa tuổi đáng được coi trọng, bất kể rằng thể xác và tinh thần của họ đều chưa định hình.
“Khuynh hướng đọc sách của một người là biểu hiện bên ngoài của hoạt động tâm lý” thầy Giang nhìn đám học trò sôi nổi đầy khí thế mà như lần đầu tiên mới quen biết họ.
“Cơn sốt Kim Dung”, “Cơn sốt Uông Quốc Chân” là xâm nhập vào nhà trường; tên văn của Lương Thực Thu và Lâm Ngũ Đường luôn ở trên tay, Giên Ero và Hồng Lâu Mộng được trao đổi nhau đọc, các tập tranh châm biếm của Thái Chí Trung cũng được yêu thích. Người thời đại trước không thể hiểu thấu đáo những suy nghĩ trong lòng người thời nay nhưng học sinh trung học không nghĩ thế. Các em tự tìm niềm vui, các em làm theo ý mình, tiếng đọc sách vẫn vang vang và vẫn sôi nổi nhiệt tình.
Lúc ấy đã quá giờ tan học, hứng thú của mọi người chưa giảm, vẫn bàn luận say sưa, từ thơ ca đến tiểu thuyết, từ văn học Trung Quốc đến tác phẩm nước ngoài, từ văn học cổ điển đến “dòng ý thức” (Một trào lưu sáng tác thuộc trường phái hiện đại). Đề tài không ngừng thay đổi, sinh động.

Thế đấy, một bài học không chỉ cần cung cấp cho học sinh tri thức mà còn cần phải trang bị cho họ phương pháp đọc sách nữa. Nếu bản thân thầy giáo là người tình cảm nhạy bén biết gợi mở thì có thể đạt được kết quả đó. Do vậy, thầy Giang trong lòng vui vẻ tự tin đợi buổi dạy ngày mai.
KHÔNG PHẢI BỘ ÓC NGƯỜI MÀ LÀ BỘ ÓC ĐIỆN TỬ
Giờ toán, cô giáo Tôn đã chú ý đến Lưu Hạ. Cha mẹ Lưu Hạ liền mấy hôm nay đưa nhau ra tòa, vì thế trong đầu bạn lúc nào cũng đầy ắp chuyện buồn ấy. Bấy giờ Tạ Hân Nhiên ngồi bên cạnh lén đưa cho mảnh giấy.
_ Cẩn thận! Cô giáo đã chú ý đến cậu từ lâu lắm rồi đấy! Cô đang giảng đến trang 102: đường huyền bằng cân hai của tổng bình phương hai cạnh.
Lưu Hạ giật mình, vội vàng sửa áo ngồi ngay ngắn lại rồi lập tức lật sang trang đó; vừa mới tìm được công thức, cô giáo đã gọi.
Lưu Hạ đứng dậy, cô giáo quả nhiên hỏi ngay vấn đề vừa mới giảng.
Nguy hiểm thật. May mà Lưu Hạ đã liếc qua nên trả lời được liền một mạch. Cô giáo gật đầu, bạn ngồi xuống ngầm đưa mắt cho Hân Nhiên, ánh mắt thần bí và hiểu lòng nhau.
Cô giáo mang một cặp kính to màu sẫm. Học sinh thường cả quyết với nhau rằng cô thiếu mất giây thần kinh cười, nét mặt lúc nào cũng lạnh lùng, nghiêm túc và thản nhiên. Không ai đoán được tuổi tác của cô, dường như cô không có tuổi trẻ, và cũng vĩnh viễn không già.
Cô giáo Tôn thấy vẻ lo lắng của cả lớp liền viết lên bảng đen một đề toán:
_ Đây là một đề phụ, hơi khó, tôi gọi các em lên bảng giải.
Cô giáo Tôn chỉ nhìn vào Trần Minh. Từ trước đến nay cô vẫn rất tin tưởng Trần Minh, vừa sắp đặt bút chấm tên Trần Minh thì bỗng nhiên Tạ Hân Nhiên giơ tay.
Cô giáo Tôn nhìn em gật đầu.
Hân Nhiên lên bảng viết lia lịa dày đặc gần kín cả mặt bảng. Cô giáo khe khẽ gật đầu.
Dư Phát ngồi dưới trông thấy cô giáo gật đầu, vội vàng phụ họa theo:
_ Tạ Hân Nhiên tinh mắt thật! Cậu làm giống y như tớ!
_ Đúng, đúng, làm đúng rồi!
Cô giáo Tôn gật đầu liền liền và cô hơi mỉm cười. Cô vừa kiểm tra lại vừa nói:
_ Kiến thức cơ bản rất vững, chứng tỏ em nắm rất chắc những kiến thức đã học; tư duy rất chặt chẽ, lý giải rất rành mạch. Cô cho rằng không ít em giải theo cách này.
Cô giáo nhìn cả lớp một lượt, phát hiện ra Trần Minh ngồi tựa lưng vào ghế, mắt vừa nhìn bài toán bạn giải trên bảng đen nhưng chốc chốc lại nhìn cô giáo, ánh mắt tỏ ra rất tự tin, lại như có vẻ khiêu khích. Cô giáo hỏi:
_ Trần Minh em có giải như thế không?
_ Không ạ!
_ Không à? – Cô giáo ngạc nhiên nhìn Trần Minh, các bạn cũng nhìn Trần Minh.
_ Em lên bảng làm theo cách của mình! – cô giáo nói, đồng thời cầm viên phấn đưa cho Trần Minh.
Trần Minh đi lên bảng, cầm viên phấn từ tay cô giáo và không một chút do dự viết “lách cách lách cách” trình bày bài giải, chỉ hơn mười hàng là xong. Không đợi các bạn hiểu hết em đã xuống bục. Cô giáo gọi lại bảo:
_ Đây không phải là trình độ của học sinh lớp Mười mà em đã sử dụng tri thức của lớp Mười hai. Em học qua rồi sao?
Khóe môi Trần Minh khẽ nhếch lên:
_ Lúc em rỗi em tiện tay giở sách giáo khoa của lớp Mười hai thôi ạ. Cô giáo Tôn biết rằng Trần Minh tuyệt đối không phải tiện tay giở sách lớp trên đơn giản như thế. Bạn khiến cô rất vui mừng.
_ Giỏi, giỏi! Rất giỏi! Cách giải này đơn giản mà rất rõ ràng.
Các bạn trong lớp đều tấm tắc khen, Dư Phát giơ cả ngón tay cái, nói rất dõng dạc:
_ Bộ óc điện tử! Không phải bộ óc người mà là bộ óc điện tử!
Các bạn đều cười. Vương Tiếu Thiên nói kháy:
_ Dư Phát, lần này người ta không làm giống cậu nữa à?
_ Khác một chút, khác một chút, Dư Phát không hề đỏ mặt.
Trần Minh ngoài vẻ không thèm để ý đến sự thán phục của Dư Phát, trên nét mặt bạn rất khó tìm thấy một biểu hiện nào của nội tâm; vẻ mặt bạn vẫn bình thản như cũ, đúng là một tài năng luôn luôn ưu tú thì mới có được thái độ đó.
Cô giáo Tôn nhìn Dư Phát rồi lại nhìn Trần Minh cô nói:
_ Em chỉ cần có được một nửa của Trần Minh là cô sẽ thắp hương rập đầu vái em rồi.
Dư Phát gãi gãi sau gáy:
_ Thế thì em ngượng lắm, em không dám. Để cô vái thì em chịu sao nổi, xin cô miễn cho ạ!
_ Các em cần phải học tập Trần Minh nhiều. Không dễ đâu! Quả thật không dễ đâu! – Cô giáo vừa nói vừa gật gật đầu.
Trần Minh là một học sinh giỏi toán nhất lớp, luôn luôn được cô giáo Tôn khen là một học sinh anh tài, thế mà đến giờ chính trị thì lại bị phê bình.
LẠC ĐÀ GIỮA BẦY DÊ
Trần Minh từ trước vẫn không học cẩn thận môn chính trị, bạn coi thường nhất là bài học môn này. Người ta nói “yêu nhà thì yêu cả con quạ đậu trên mái”, vậy nếu ghét ngôi nhà thì cũng ghét lây cả con quạ, Trần Minh cũng thế, bạn không thích luôn cả cô giáo môn này mà bạn gọi là “bà già Mác Lê”.
Thực ra “bà già Mác” dạy chính trị có thể nói là chẳng có điều gì đáng phải xấu hổ. Cách ăn mặc của “bà” đúng tiêu chuẩn của một giáo viên dạy chính trị. Mái tóc rẽ ngôi theo tỉ lệ 3/7, phần lớn hơn được gom lại phía sau tai bằng một chiếc cặp tóc to đúng hệt kiểu tóc của cán bộ hội liên hiệp phụ nữ những năm 70, váy thì chưa bao giờ mặc, dù trời nắng nóng đến mấy vẫn mặc chiếc quần tây ống đứng đến nỗi khiến người ta ngờ rằng lông chân “bà” quá dài hay có sẹo gì đó. Lối ăn mặc thì ở Thâm Quyến này ngoài một vài trường hợp có thể gặp bất chợt trong nhà trường, trên phố chẳng mấy khi trông thấy.
Mọi người đều coi trọng giờ giảng của “bà già Mác” nhưng số người trong lớp chú ý nghe giảng lại không nhiều. Thành tích điểm học chính trị cao phần lớn đều nhờ vào việc trước giờ kiểm tra vội vàng học ứng phó mà có.
_ Hôm nay chúng ta học đến bài thứ chín, cô giáo viết to đề bài lên bảng đen, sau đó giở đến trang 78 rồi bắt đầu lý luận đi lý luận lại.
Trần Minh thản nhiên mở sách tham khảo đại số không biết có được từ đâu bắt đầu giở bài tập.
Dư Phát chỉnh lý ngay tình hình cổ phiếu nghe trên máy BP vào một quyển vở Dư Phát so sánh, tính toán chuẩn bị sau khi tan học đi mua cổ phiếu. Bây giờ không giống như thời kỳ đầu, người ta hoàn toàn không cần đến sở giao dịch chứng khoán mà có thể tự ủy thác mua bán qua điện thoại, chỉ cần một cú điện thoại là xong, rất tiện lợi. Nhìn thoáng vẻ cậu ta chăm chú, tưởng đâu như đang ghi chép vậy.
Vì mong buôn bán cổ phiếu, lúc nào Dư Phát cũng mang theo máy điện thoại, đôi khi quên khóa, bất chợt giữa giờ học máy bỗng nhiên kêu vang, mọi người đều không bằng lòng. Lưu Hạ cười nói:
_ Cậu tưởng đeo máy BP là oai à? Mọi người đều bảo có máy BP nếu không là lái xe thì cũng là gái gọi, cậu là thứ gì nào?
Dưới sổ ghi chép của Liễu Thanh lại có mấy tờ giấy viết thư, bạn cầm cây bút máy vàng Liễu My mua cho viết: “Chị hai thân yêu, chào chị!” một lúc sau lại đổi cây bút bi ghi một vài điều gì đó ở trên bảng đen. Mỗi lần viết vài dòng thư lại dịch vở lùi xuống che trang giấy viết thư đi che tai mắt mọi người, thỉnh thoảng lại ngước nhìn cô giáo để quyết định bước tiếp theo là viết thư hay ghi chép. Như vậy hết giờ học, vừa ghi chép đầy đủ bài vở vừa xong thư, có thể gửi đi được.
Cô giáo dạy chính trị cũng biết những tình hình bên dưới có chiều không ổn, cô nói:
_ Đừng coi giờ chính trị là không cần thiết. Các em nghĩ xem học sinh nội địa học như thế nào? Trong các em có không ít người từ nội địa tới, chắc hẳn còn nhớ không khí học tập ở nội địa chứ? Các em ấy à, so với họ thì trình độ còn thua xa! Hơi một tí cô giáo chính trị lại nói như thế, lại kể chuyện học trò cô ở nội địa giỏi giang ra sao, đa số học sinh đều nghe lời cô và thu hoạch được rất nhiều. Nhưng Trần Minh phản cảm với điều đó. Bạn không chấp nhận được: Ở nội địa hay ho như thế sao cô không ở đấy mà lại chạy đến Thâm Quyến? Vì tiền, vì được đãi ngộ cao chăng? Toàn nói xạo! Lời lẽ của cô khiến cho người ta thấy rằng cô coi thường học sinh Thâm Quyến, nhất là học sinh người địa phương. Những điều đó càng khiến Trần Minh nảy sinh tình cảm đối lập với cô.
Lát sau cả lớp náo loạn lên. Cô giáo gọi:
_ Dư Phát, em nói cho lớp nghe: tệ nạn thứ nhất trong bảy tệ nạn là gì?
Đây là một “tuyệt chiêu” của cô giáo và cũng là cú “sát thủ giản” (Giản: một loại roi có góc cạnh thời cổ) của nhiều thầy cô khác để đối phó với tình trạng mất trật tự của học sinh.
Đang lúc Dư Phát để hết tâm trí vào tình hình thị trường cổ phiếu thì nghe cô giáo gọi tên mình, cậu ta vội cất máy BP vào ngăn bào ra bộ điềm tĩnh đứng dậy, nhưng hai mắt không ngừng liếc phải ngó trái cầu cứu. Các bạn biết cô giáo đằng đằng sát khí nên không ai dám động tĩnh gì cả.
_ Vấn đề này ở…
Dư Phát làm ra vẻ thông hiểu, cậu ta cố sức nhấn từng chữ, trong khi đó liên tiếp đá vào chân ghế của Tiêu Dao:
_ Ở trong sách là… Dư Phát cố ý phá quấy khiến cả lớp cười ầm lên. Đúng lúc đó cứu tinh đã tìm ra lời đáp ở đoạn 3 trng 80. Dư  Phát tìm được trang sách bạn chỉ, lập tức đọc dõng dạc:
_ Mại dâm, chơi gái!
_ Em ngồi xuống!
Cô giáo biết câu trả lời không phải chính Dư Phát nghĩ ra nhưng không bắt bẻ được điều gì nên chỉ trợn mắt nhìn cậu ta, ngụ ý bảo phải chú ý. Đối với Trần Minh, cô giáo biết rõ cậu ta đang làm gì, chỉ không muốn nói mà thôi. Loại học sinh này, đành chỉ nhắm một mắt, mở một mắt bởi dù thế nào Trần Minh cũng đổ đầu.
_ Mại dâm, chơi gái là chỉ… - cô giáo đang định giải thích thì nghe có tiếng cười lớn, liền hỏi tránh đi:
_ Các em hiểu cả chứ?
Thực ra đó là câu hỏi không cần trả lời, không ngờ có người lại lên tiếng rất rõ ràng:
_ Hiểu ạ!
Người đó là Dư Phát, cậu ta vừa bị cô giáo hỏi, muốn tỏ ra là mình đang chăm chú nghe nên đáp rất to.
Cô giáo đi lại phía bạn nửa đùa nửa giễu:
_ Ôi chà! Đến cô còn chưa hiểu, thế mà em  đã hiểu à?
Bấy giờ cả lớp giống như cái chảo đang sôi được mở vung, những ai trước còn cười dè dặt thì lúc này tất cả cười phá lên, có học sinh thừa cơ gào lên, Dư Phát vốn chẳng biết đỏ mặt là gì cũng bị các bạn cười cho đỏ rừ cả mặt.
Giảng bài xong, cô giáo ra bài tập, bảo học sinh làm. Mọi người cất hết sách giấy viết thư, bắt đầu làm bài, riêng Trần Minh vẫn tiếp tục giảng đại số.
Cô giáo đến gần gõ gõ vào bàn nhắc nhở nhưng không nói gì, nói chung đối với loại học sinh giỏi thầy cô giáo thường nể mặt.
Trần Minh vẫn không nhúc nhích.
_ Tại sao em không làm bài tập?
Bị cô giáo hỏi, đứt mạch suy nghĩ, Trần Minh bực mình đáp cộc lốc:
_ Em không làm được.
Cô giáo ngạc nhiên, bình thường Trần Minh nói năng rất thận trọng, không hiểu sao hôm nay lại thế, cô ôn tồn hỏi:
_ Vậy thì trên lớp em cần phải nghe giảng chăm chú.
_ Em không hiểu.
Trước môt học sinh vô lễ và ngạo mạn như thế, cô giáo rất tức giận, cô cười nhạt bảo:
_ Em ngạo mạn quá đấy! Những học sinh như em tôi đã gặp không ít đâu, chẳng qua em chỉ là con lạc đà giữa đàn dê mà thôi, có gì ghê gớm đâu, so với học sinh nội địa em chỉ là con ếch ngồi đáy giếng, em có biết những học sinh giỏi ở Bắc Kinh nói về kỳ thi đại học năm nay thế nào không? “Đề thi dễ quá, thực là không có cơ hội cho chúng ta trổ tài”. Các em có ai dám nói như thế không? Ở nội địa, tôi đã dạy biết bao học sinh giỏi và tài ba hơn các em nhiều, nhưng không có ai ngông cuồng tệ hại đến như em…
MỘT THẾ HỆ LÀ MỘT TẦNG TRỜI
Trước hai lời nhận xét khác nhau về một em học sinh thầy Giang chẳng biết phải trả lời thế nào. Trước tiên cô dạy đại số hết lời khen ngợi Trần Minh: “Ngày nay một học trò thực sự ham học như thế hiếm lắm!” Sau đó cô giáo chính trị lại tức giận nói: “Thật là chẳng ra làm sao! Mới hơn người được một chút mà học cái thói xem người bằng nửa con mắt, như thế sau này ra đời sẽ ra sao”.
Thầy Giang quyết định phải tìm Trần Minh nói chuyện. Bây giờ tan học rồi, Trần Minh nhất định đang còn ở trong lớp. Thầy Giang đi đến cửa lớp học, quả nhiên thấy Trần Minh đang ở trong đó. Ông do dự một chút, quay đầu định bỏ đi.
_ Thưa thầy Giang ạ! Trần Minh goi thầy Giang ngoảnh đầu lại.
_ À Trần Minh, em chưa về nhà ư?
_ Thầy tìm em ạ?
Thầy Giang hơi lấy làm lạ, hỏi:
_ Nói như vậy là em đang chờ tôi?
_ Em đoán vậy. Cô giáo chính trị đến tìm thầy phải không ạ?
_ Thế em cũng đoán cô giáo dạy chính trị có đến tìm tôi chứ?
Trần Minh ranh mãnh cười:
_ Thế tại sao thầy lại bỏ đi ạ?
_ Sợ nói chuyện cũng chẳng đi đến đâu - thầy Giang cố ý dùng mấy từ “nói cũng chẳng đi đến đâu” của tiếng Quảng Đông để biểu thị ý chuyện trò không kết quả gì.
_ Thầy không hiểu em! - Trần Minh kết luận dứt khoát.
Thầy Giang cảm thấy chút ấm áp trong lòng, không ngờ mấy từ “không hiểu em” lại do Trần Minh nói ra. Thầy luôn cảm thấy ở học sinh “xuất chúng” này có một khiếm khuyết nào đó. Thầy thường nghe các thầy cô và học trò bàn tán Trần Minh là người quá chín chắn, nhưng thầy Giang cho rằng chính những điều đó lại chứng tỏ Trần Minh không chín chắn. Tuy nhiên thầy cũng thừa nhận rằng đó chỉ là cảm giác, thầy chưa hiểu được Trần Minh.
Có lẽ do cách ứng xử của em, nhưng em không giả dối, em không muốn lợi dụng ai nhưng cũng không muốn bị lợi dụng.
Trong con mắt của Trần Minh giữa người và người chỉ có một quan hệ lợi dụng và bị lợi dụng. Học trò lợi dụng thầy để học tri thức, thầy lợi dụng trò để được trả lương.
_ Lẽ nào ngoài điều đó ra không còn tình cảm tốt đẹp nào nữa chăng? - thầy Giang hỏi.
_ Cũng có thể có. Nhưng em chưa cảm thấy. Trần Minh lại nhớ tới những câu cô giáo chính trị thường hay nói trong lòng em dấy lên mối ác cảm. Mối ác cảm này được chất chứa trong người, ngày thường những lời ngợi khen của các thầy, kể cả của cô giáo dạy chính trị, và các bạn khiến nó nén xuống; một khi không được khen nữa, mối ác cảm chất chứa bấy lâu liền bùng ra. Bạn không thích thậm chí còn ghét cả những lời tán dương, khen ngợi quá với sự thực, nhưng bạn lại không cam lòng nhận lời chê trách của người khác. Trong tâm tư Trần Minh đầy những mâu thuẫn, điều đó dẫn đến thời điểm tỏ thái độ “bất phục tòng”. Nỗi bất mãn và phản kháng có nhu cầu phát lộ ra, dù chỉ là một khoảnh khắc rất ngắn, cũng giúp cho tâm lý bạn trở lại căng thẳng.
Hình như có ai đó đã từng nói: “Cái nhìn của người khác làm ta suy sụp. Bao nhiêu lý tưởng, tình cảm tốt đẹp bị cái nhìn của người khác giết chết, nhưng cũng biết bao hư vinh, bao cái tốt giả nhờ ánh mắt của người khác mà dần dần thăng hoa”. Nói như thế không phải là không có lý.
_ Trần Minh, vì sao em nhìn nhận vấn đề thấu đáo đến thế? - thầy Giang cười nói.
_ Tại vì con mắt em nó khác lạ! - Trần Minh ngạo mạn nói tiếp - Người ta nhìn thấy mặt trời màu hồng rực rỡ còn em thì thấy cái nhân đen trong mặt trời.
Trần Minh nhún vai thay cho ý câu chưa nói hết, thật có chút ý vị “mọi người đều say riêng mình ta tỉnh” sau đó cũng như mọi khi bạn ngẩng đầu ra về.
Từ nãy đến giờ thầy Giang rất lưu ý đến những  điều vừa nghe. Thế giới nội tâm của học sinh thật phong phú và cũng phức tạp, muốn hiểu họ phải thâm nhập vào thế giới nội tâm của họ mới được.
Thầy Giang hy vọng Trần Minh còn nói nữa, còn cởi mở hơn, sẽ tự nói ra những điều mình buồn vui yêu ghét, nhưng không đợi thầy tiếp cận cậu học sinh “mũi nhọn” này đã đóng chặt cánh cửa tâm hồn vừa mới hé ra. Thế hệ học sinh thời đại này không giống với thế hệ các thầy trước. Thời đại mới đào tạo nên một học sinh mới cho thời đại mình. “Một thế hệ là một tầng trời”. Trong khoảnh khắc lúc này thầy Giang trong lòng ngổn ngang bao thứ không biết là mùi vị gì song thầy biết rõ rằng nếu hiểu hết học sinh thì đó là sai lầm lớn. Bởi vì học sinh trung học tính cách còn chưa hoàn toàn ổn định, có thể buổi sáng em nói là ban ngày nhưng đến buổi chiều em lại cố chấp nói là đêm đen!
“SỐNG LÀ THẾ NÀO?”
Từ trường trung học Số Chín đến thôn Cổ Thúy phải đi qua một chiếc cầu vượt và một cái chợ bán nông sản rất to.
Tháng mười hai ở Thâm Quyến rất ấm, ở Thâm Quyến không có mùa đông. Người Thâm Quyến gọi mùa đông là “mùa thu vàng”. Trần Minh mặc chiếc áo giắc két da. Chiếc áo này là của bà cô ở Hồng Kông gửi cho. Nhìn quần áo thì bạn có vẻ rất hợp trào lưu nhưng tư tưởng thì…
Hôm nay Trần Minh đối đầu với cô giáo chính trị không một chút khách khí, tất cả các bạn cùng học đều nói: Trần Minh thường khi thận trọng tinh tế “minh triết bản thân” (Sáng suốt giữ mình) sao bỗng nhiên hôm nay lại “nhọn hoắt” như thế? Giống như môn bóng đá của người Anh, khi đá cầu thủ rất dũng mãnh nhưng lúc thường thì rất lịch sự phong nhã, lễ độ, thực ra Trần Minh cũng tự hỏi trong giờ chính trị ấy có đúng là mình không?
Chiều muộn nhưng chợ rau quả vẫn đông nghịt người. Khoảng sau năm, sáu giờ chiều, thịt cá rau quả đều phải bán rất rẻ, dân bản địa vốn kén ăn không bao giờ thèm hỏi tới. Những người đi mua lúc này phần đông là dân mới “di cư”.
Trong chợ người chen vai thích cánh, Trần Minh đành xuống dắt xe đi bộ. Nhưng đi trong đám người náo nhiệt ấy chẳng dễ chút nào. Trần Minh không ngừng bấm chuông, tưởng như xông pha giữa đám đông để tìm ra “con đường sống”.
Đột nhiên tiếng chuông xe của Trần Minh lặng tắt, em vừa thoáng thấy cô giáo dạy chính trị ngồi xổm bên bà bán rau mặc cả:
_ Rau tươi này hôm qua có một đồng hai, sao hôm nay lại hét tướng lên đến đồng sáu?
_ Mỗi ngày một khác chứ, sángnay còn hai đồng rưỡi kia!
_ Đồng ba bán không?
_ Không bán được, rẻ cũng phải đồng rưỡi.
Nói qua nói lại một hồi, người bán bằng lòng với giá một đồng tư.
_ Rõ ràng là có hai cân hai sao nói hai cân rưỡi? – Cô giáo chính trị lấy chiếc cân treo trong giỏ cân lại, nói.
Cô giáo và người bán hàng cãi cọ, mấy người đang mua hàng bên cạnh mắng mấy người bán hàng cân thiếu:
_ Cân nhà chị điêu toa ma mãnh, chúng tôi gọi nhân viên công thương đến bây giờ.
Người bán hàng biết mình đuối lý, “cuốn cờ dẹp trống” lặng lẽ bù hàng vào cho đủ.
Trong con mắt Trần Minh cô giáo chính trị nên là người không dính vào chuyện quá trần tục. Vì mấy đồng tiền bọ mà cãi cọ với người bán hàng đến đỏ mặt tía tai thì dù chỉ có những tiểu thị dân mới nhiệt tình đến thế. Vẻ trang nhã ôn hòa thường ngày của cô giáo trong lúc này chẳng còn mảy may.
Cô giáo cầm mớ rau đứng dậy, Trần Minh vội lách sang chỗ khác. Bạn sợ bắt gặp cô giáo lúc này thì khó xử cho cả hai bên.
Khi phát hiện ra khía cạnh thế tục trong tính cách của cô giáo dạy chính trị, Trần Minh tự nhiên lại thấy gần gũi cô hơn. Bạn thấy vui vui, thì ra vốn dĩ người với người là giống nhau cả. Thầy giáo không chỉ có đứng trên bục giáo huấn học sinh mà họ cũng còn phải sống, cũng phải bôn ba vì “muối dầu gạo củi”.
 
Nghĩ lại việc đối đầu với cô giáo trong giờ chính trị mà Trần Minh cảm thấy áy náy. Tình cảm ấy tuyệt đối không phải vì những bài thuyết giáo dài dòng của cô giáo chính trị hay các thầy khác làm nảy sinh ra được.
Cô giáo chính trị lại ngồi xổm trước bà bán hàng, chọn mua những cây rau cải xanh giá rẻ vì không còn tươi. Lúc này mối thông cảm trong lòng Trần Minh đã thay thế cho niềm oán hận trước kia.
Trần Minh bỗng nhiên cảm thấy mùa đông ở Thâm Quyến cũng rất lạnh, bất giác bạn dựng đứng cổ áo giắc két lên, dắt xe đi tránh sang lối khác.
Phía trước là một nơi trưng bày ảnh, người đứng vây quanh khá đông. Trần Minh đi qua thấy thế dừng lại. Có một tấm ảnh nghệ thuật hấp dẫn bạn: một bé trai mặc quần thủng đít đứng dưới bầu trời màu lam, một tay cầm cung, một tay ngậm trong mồm, đôi mắt to tròn khổ não nhìn mọi người. Dưới bức ảnh đề “Cuộc sống là gì?” Đúng vậy, cuộc sống rốt cuộc thế nào? - Trần Minh tự hỏi.
Hôm trước mừng thọ ba ngũ tuần, nhà mời rất nhiều người, đặt tiệc ở phòng lớn, lại nắm tay đánh đố và mời rượu rất náo nhiệt. Trần Minh một mình nằm dài trên giường, mắt nhắm, đầu óc rối bời.Người ta sống để làm gì nhỉ? Mục đích của đời người rốt cuộc là gì? Phút chót của cuộc đời là thế nào? Sống là thế nào? Trần Minh suy nghĩ mông lung về những câu hỏi đó, rất lâu, rất lâu mà cũng chẳng hiểu ra làm sao, chỉ thấy đầu óc trống rỗng. Thế giới của tuổi mười sáu là mùa xuân ấm áp hoa nở, chim hót hoa thơm, nhưng bạn thì không. Trần Minh không có bạn, không biết tự bạn xa lánh cả lớp hay cả lớp xa lánh bạn. Bạn học không thân với bạn, họ chỉ nói chuyện với bạn khi hỏi về bài vở. Bạn không đến nhà một bạn học nào, cũng không mời ai đến nhà mình chơi. Ngoài những hoạt động do lớp tổ chức, bạn chưa từng tham gia một hoạt động dân dã nào cùng bè bạn. Chị gái lấy làm lạ hỏi:
_ Minh này, em không có bạn à? Khi chị còn đi học, chị có rất nhiều bạn chí cốt.
Chưa bao giờ ôm điện thoại nói chuyện lâu, các bạn gọi điện thoại thì 99% là hỏi bài vở. Hỏi xong, không phải bạn mà chính là đối phương chủ động “bai bai” rồi gác máy. Lâu dần, Trần Minh và các bạn chẳng biết nói chuyện gì khi ở bên nhau.
Trần Minh ngẫm nghĩ cảm thấy mình chẳng có ý chí tiến thủ gì cả, cứ chìm chìm như vậy. Bạn muốn làm nên sự nghiệp. Bạn muốn được như Lôi Chấn Tử “Một khắc mây bay và gió nổi, sấm vang chớp giật khắp hoàn cầu”. Bạn lại rất tự phụ lại cũng rất tự ti. Cũng có thể tự ti là chính.  Alder (Viktor Adler, Nhà xã hội dân chủ nước Áo 1852- 1918) từng cho rằng cá tính con người hình thành đều có nguồn gốc từ sự tự ti. Trần Minh đồng ý, bạn cho rằng toàn bộ văn hóa nhân loại  đều lấy mặc cảm tự ti làm cơ sở.
Trần Minh cứ đứng ngây ra, cũng rầu rĩ nhìn tấm ảnh em bé trai: “Cuộc sống là gì?” Lẽ nào như thế này là sống? Thầy Giang, cô giáo chính trị có cuộc sống ra sao? Các bạn có cuộc sống ra sao?

<< Chương IX | Chương XI >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 275

Return to top