Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Tuổi hoa tuổi mưa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 14067 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuổi hoa tuổi mưa
Úc Tú

Chương III

Chỉ trong có mấy ngày, thầy Giang vừa chuyển tới đã để lại ấn tượng rất tốt đẹp cho Lâm Hiểu Húc, bởi vậy bạn hay tới bàn làm việc của thầy. Lâu nay nếu nộp bài tập muộn thì người ấy phải tự đến nộp tại phòng làm việc của thầy nhưng bây giờ Lâm Hiểu Húc đều đi nộp hộ các bạn.
_ Thưa thầy, đây là bài tập Văn hôm nay ạ.
_ Cám ơn em, em để bài tập ở chỗ này - Thầy Giang vẫn tiếp tục chấm bài.
_ Thưa thầy, bài kiểm tra Văn lần trước đã trả được chưa ạ? Nhiều bạn muốn hỏi lắm!
_ À - Thầy Giang ngẩng lên - Sáng mai phát vậy. Hiểu Húc này, em thấy đề bài Văn lần trước có khó không?
_ Đề bài “Câu cách ngôn mà em thích nhất” không khó, còn dễ hơn đề bài thi lên lớp đấy ạ.
_ Hay lắm - Thầy giáo gật gù - Muộn thế này em chưa về nhà sao? Mẹ em hẳn sốt ruột lắm đấy!
_ Thầy cũng chẳng chưa về nhà là gì?
_ Ừ, thầy cũng về đây!
Khi họ đi qua lớp học, thấy trong lớp vẫn còn sáng thế là mở cửa vào. Trong lớp chỉ có mỗi một bạn đang làm bài. Hiểu Húc gọi:
_ Trần Minh, thầy giáo đến đấy!
Trần Minh ngẩng đầu lên, tóc rối bù. Bạn nhổm người lên chào “Thầy ạ!” rồi lại cắm cúi làm tóan.
_ Trần Minh, muộn rồi em chưa về sao?
_ Thưa thầy bây giờ là giờ tan tầm, người đông lắm ạ.
Thầy giáo gật đầu. Hiểu Húc biết thầy giáo còn muốn nói chuyện với Trần Minh, mình ở lại làm trở ngại nên lễ phép nói:
_ Thưa thầy, em có việc phải về trước ạ. Bai bai bạn Minh!
Nói rồi Hiểu Húc nhẹ nhàng khép cửa lại.
Trong lớp chỉ còn thầy giáo và Trần Minh. Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, lớp được sửa sang lại nên vẫn còn thoang thỏang mùi sơn. Trần Minh tiếp tục làm bài Đại số. Thầy Giang nhìn cậu học trò muốn thành “người trên người” ngồi trước mặt, lại nhìn sách Đại số lớp mười một trong tay cậu ta, bảo:
_ Trần Minh này, nếu có thời gian ta nói chuyện một lúc.
_ Sao ạ, nói chuyện gì ạ? - Trần Minh đặt bút xuống.
_ Tùy ý, nói gì cũng được?
_ Thưa thầy, Thâm Quyến có câu “Thời gian là tiền bạc”, em không quen chuyện phiếm ạ - Trần Minh vẫn dán mắt vào sách, mép hơi rung rung.
Thầy Giang ngẩn ra. Quan niệm về thời gian của người Thâm Quyến rất mạnh mẽ, bên đường chỗ nào cũng thấy bảng tuyên truyền to tướng “ Thời gian là tiền bạc, hiệu suất là mạng sống”. Phòng làm việc của trường cũng treo khẩu hiệu “Điện thọai riêng không quá ba phút”, cửa phòng làm việc của hiệu trưởng treo biển “Đến hỏi han không quá mười phút”. Nhưng trong trường hợp này, câu nói ấy lại được nói từ miệng một học sinh như thế khiến thầy Giang hơi kinh ngạc và cũng có chút bẽ.
_ Trần Minh, em có thể nói cách hiểu của mình về câu “Chịu được khổ trong khổ, mới thành người trên người” được không? - Thầy Giang không chịu bỏ qua, tới bên Trần Minh hỏi.
Trần Minh ngẩng phắt đầu lên, há miệng ra nhưng không thành tiếng. Ngay tức khắc, bạn lại cúi đầu xuống. Thầy Giang nói:
_ Lúc nào em muốn nói chuyện với thầy thì đến tìm thầy. Thầy lúc nào cũng hoan nghênh.
Trần Minh vẫn không lên tiếng, lẳng lặng ngồi im, ngay cả thầy giáo ra khỏi lớp lúc nào cũng không biết. Lâu lắm bạn mới liếc mắt về phía cửa, mặt thoáng vẻ ngạo đời rất khó nắm bắt.
Trần Minh là người Thâm Quyến chính gốc. Giống như đại bộ phận người dân địa phương, nhà Trần Minh rất giàu, nhà ở là một tòa biết thự bốn tầng, đằng trước đằng sau nhà đều có vườn hoa, tiền gởi ngân hàng kể từng bảy con số một. Năm xưa cha Trần Minh cũng buôn lậu hàng gì đó, sau kiếm bộn tiền thì rửa tay không làm nữa, mở một công ty. Trên Trần Minh là ba chị gái đều đã có gia đình. Trần Minh là út, lại là con trai nên được quý như vàng. Song Trần Minh không thích cách sống của cha mẹ và các chị, cảm thấy sống như thế rất nông can. Ngay từ nhỏ bạn đã học giỏi. Sau những năm 80, người nội địa đổ về Thâm Quyến, trong lớp hầu như ngày nào cũng có học sinh mới đến. Thầy giáo báo cho cả lớp biết bấy giờ có nhiều học sinh giỏi đến học, đến từ những trường trọng điểm của nhiều thành phố lớn, học giỏi lắm. So với họ, thanh thiếu niên Thâm Quyến như ếch ngồi đáy giếng, muốn thi đua với họ, ắt phải nỗ lực gấp đôi. Lời thầy giáo in một dấu ấn thật sâu trong tâm trí non nớt của Trần Minh. Mới đầu, bạn chỉ định giành thể diện cho đám trẻ bản địa, sau dần dần bạn thực sự rất ham học, nhất là toán, lý, hóa. Những công thức, định lý, định luật khô khan vô vị đến thế khi học lại trở nên rất thần diệu khiến con người thành thạo hẳn lên. Ở trên lớp, thầy giáo phải chiếu cố đến đại đa số học sinh, chỉ có thể giảng theo giáo án nên Trần Minh luôn cảm thấy thòm thèm. Bạn đã tự mua nhiều sách tham khảo để học. Có người phát hiện hầu như mỗi ngày Trần Minh đổi một quyển sách tham khảo, mắt kính cận cũng tăng lên từng số, từng số một. Trời phú cho trí thông minh, bạn lại rất chăm chỉ, so với cả lớp, thành thích của bạn cứ vượt xa tít tắp. Điểm số trên sổ học bạ mỗi học kỳ là niềm an ủi lớn nhất đối với bạn, là vòng hào quang sáng chói của bạn.
Nhưng có một việc làm chấn động không nhỏ tới Trần Minh.
Kỳ thi chuyển cấp kết thúc, nhiều học sinh như trút được gánh nặng. Bất kể thi tốt hay không, dù sao cũng đã đi thi hộ bố mẹ rồi. Tục ngữ có câu: “Tháng bảy thi học trò, tháng tám thi phụ huynh.” Vào trường thi là nhiệm vụ của con cái, thi đỗ hay trượt, vào trường trung học nào là việc của mẹ cha. Ba năm học phổ thông cơ sở, kỳ nghỉ hè tiếp theo là kỳ nghỉ hè thoải mái nhất. Chẳng ai bố trí bài làm cho họ. Cũng chẳng ai đòi hỏi phải vào lớp học thêm, họ được giải phóng hoàn toàn triệt để đến hai tháng trời.
Trần Minh không muốn bản thân được thả lỏng, bạn là học sinh được nhà trường tiến cử lên thẳng.  Dù danh sách lấy vào học cấp trên chưa niêm yết song bạn biết rất rõ mình sẽ là học sinh của trường phổ thông trung học Số Chín. Bạn muốn mua ít sách tham khảo để học trước trong thời gian nghỉ hè. Nhiều thầy cô lo học sinh mua sách tham khảo sẽ không chịu nghe giảng ở trên lớp nữa. Thực ra có khá nhiều học sinh đã làm bài xong đâu đấy mới đem đối chiếu với đáp án trong sách giáo khoa. Trần Minh là một người trong số đó.
Trên đường tới hiệu sách, Trần Minh gặp Dư Phát. Cả hai cùng một thôn, hai nhà ở rất gần nhau. Cha mẹ hai bạn cùng đầu tư buôn bán, lại là bạn đánh bài của nhau, quan hệ giữa người lớn với nhau khá đặc biệt. Lẽ ra nếu Trần Minh và Dư Phát không là bạn chí cốt thì cũng là bạn thân trong học tập, song lạ thay, Trần Minh coi Dư Phát không ra gì, còn Dư Phát cũng xem thường Trần Minh.
Trong con mắt Trần Minh, Dư Phát là đứa bí bét. Thường ngày, bạn không nói thừa một câu với Dư Phát, nhưng bây giờ, Trần Minh nảy sinh niềm thông cảm “một lần thi chuyển cấp sắp chia hai đứa thành hai đẳng cấp” nên bạn mỉm cười với Dư Phát.
_ Minh ơi, đến hiệu sách đấy à?
_ Ừ, xem sao!
_ Học sinh được trường tiến cử cũng có khác!
Trần Minh mỉm cười với vẻ thỏa mãn hơn hẳn:
_ Còn cậu, có học nữa không?
_ Không may bị cậu nói trúng, như cậu thôi!
_ Như tớ thôi? - Trần Minh không hiểu nói thế là có nghĩa gì.
_ Cha tớ mua cho tớ “học vị“ ở trường  phổ thông trung học Số Chín. Chuyện như vậy đấy!
Trần Minh biết tác dụng của tiền bạc bởi câu chuyện trong gia đình bạn đều không tránh khỏi dính líu đến tiền và bởi nhà bạn rất giàu có. Song bạn chưa bao giờ ngờ rằng uy lực của đồng tiền lại thần kỳ đến vậy. Những tờ bạc mới cứng lại có thể đổi lấy bao năm học tập gian khổ? Trần Minh cười nhạt. Hôm ấy bạn không mua sách, một mình ra đảo Lênh Đênh ở cửa Xà để thể hội nỗi lòng của Văn Thiên Tường ngày xưa.
Sự việc này chấn động mạnh đến Trần Minh. Lên đến phổ thông trung học, ngoài học ra vẫn là học, dốc hết tinh lực và thời gian vào việc học. “Học vị” phổ thông trung học mua được, vậy đại học thì thế nào? Thạc sĩ, tiến sĩ cũng mua được sao?
Thế là mục tiêu của Trần Minh càng rõ rệt: phải vào được trường đại học nổi tiếng, theo học nghiên cứu sinh, tiến sĩ, trên tiến sĩ… Bạn phải lên thẳng, phải giành được hoa tặng, phần thưởng và những tràng vỗ tay nhiệt liệt. Lòng tự tôn của bạn mách bảo bạn chỉ có thể làm như thế. Ý thức lúc đầu còn mông lung mơ hồ ấy dần dần rõ ra theo sự tăng trưởng số tuổi.
Trần Minh dán trên đầu giường của mình câu châm ngôn “chịu được khổ trong khổ, mới thành người trên người”. Bạn tin tưởng thuyến “Tự cổ anh hùng nhiều gian khổ“. Bài làm của Trần Minh đều xuất sắc, cả lớp biết điều đó song trong đó có bao nhiêu gian nan thì chỉ mình bạn biết. Nghỉ hè, nghỉ đông là dịp để học sinh “nạp điện” để rồi sinh sôi nảy nở, Trần Minh không bao giờ thả lỏng mình trong những dịp đó. Thời gian ở trên lớp lại càng không phải nói, nếu không vì vạn bất đắc dĩ, không khi nào bạn chơi bời với các bạn khác. Khi các bạn gọi nhau í ới đi dạo phố, vào siêu thị là lúc Trần Minh đang nhẩm các từ đơn làm bài tập ngoại ngữ, thật là một điển hình, đi về chỉ có một mình như ngựa trời bay trên không trung. Trần Minh chưa bao giờ suy nghĩ kỹ xem mình làm như thế tốt hay xấu, đúng hay sai mà chỉ quyết cho trở thành “người trên người” và chịu mọi “khổ trong khổ“. Đương nhiên, khái niệm chịu khổ ngày nay đã khác xa xưa kia, huống hồ bạn lại sống ở đặc khu. Cái khổ “gân cốt rã rời, hình hài ốm o” thì Trần Minh không bao giờ phải nếm trải. Nếu ở những gia đình có một con duy nhất, con ấy được coi là “vua con” thì ở nhà, Trần Minh được coi là “thái thượng hoàng”. Cái “khổ“ của bạn chỉ là nhịn xem phim, nhịn chơi trò chơi điện tử, nhịn truyện phiếm với bạn bè, tự giam mình trong phòng mà thôi. Tuy nhiên cũng phải nói lại, một cậu con trai mà tự quản mình chặt chẽ đến như vậy thì quả đã có tinh thần chịu khổ rất cao rồi. Cho nên hôm làm văn, cô giáo ra đề cho các bạn viết về câu cách ngôn khuyên răn mà mình yêu thích nhất, tất nhiên là Trần Minh đã viết về câu cách ngôn treo trên đầu giường đó.
 
DANH NGÔN CỦA ANHXTANH
 
Ngày hôm sau trả bài, Trần Minh không nhận được bài trả bèn hỏi Lâm Hiểu Húc, bạn này nói bài còn ở chỗ thầy Cổ, trưởng phòng Giáo vụ.
Trần Minh ý thức được việc gì đã xảy ra với bài làm văn của mình.
Bất kể học trường nào, kết quả học tập của Trần Minh đều vào loại xuất sắc; bạn là đối tượng bồi dưỡng của trường trọng điểm và các trường này đều đưa bạn tới vị trí mẫu mực. Trần Minh quả thật không xoàng, ba lần nhận giải thưởng của thành phố, ba lần nhận giải thưởng của tỉnh, hai lần nhận giải thưởng toàn quốc. Nếu là người khác ắt sẽ thỏa mãn hoặc kiêu ngạo còn bạn lúc nào cũng như cây sung căng thẳng. Thực hiện được điều này đâu phải dễ? Song có ai hiểu cho bạn không?
_ Bước này mình đi sai rồi chăng?
Hết giờ học buổi sáng, Trần Minh lên văn phòng nhà trường. Thường ngày Trần Minh rất ít khi tới đây. Lẽ ra, ủy viên học tập nên thường xuyên tới văn phòng gặp gỡ các thầy mới phải, nhưng Trần Minh thì không. Bạn không muốn để các bạn có cảm giác mình là học sinh giỏi suốt ngày quẩn quanh bên các thầy. Văn phòng lúc này chỉ có một mình thầy Giang, dường như thầy nán lại cốt để chờ bạn đến.
_ Thưa thầy, em không nên viết về câu ấy, câu ấy không đúng ạ! - Chưa vào tới nơi, Trần Minh đã tự kiểm thảo.
_ A, Trần Minh, em vào đây đã!
Trần Minh bước vào, thầy Giang ôn tồn bảo:
_ Em nói xem, câu đó không đúng ở chỗ nào?
_ Tất nhiên là không đúng ạ. Nếu đúng thì thầy Cổ đã không giữ bài làm của em lại.
Thầy Giang cảm thấy học sinh trung học những năm 90 khác hẳn học sinh trung học thời ông. Học sinh trung học những năm 50, 60 được giáo dục tương đối đơn nhất, tư tưởng cũng tương đối đơn thuần. Thầy cô nói sao thì tin tưởng vậy, chú trọng vì người khác, vì xã hội, cá nhân không tách rời tập thể; Có thành tích thì quy công cho Đảng, cho nhân dân, cho tập thể. Còn học sinh trung học những năm 90 tiếp thu sự giáo dục đa dạng, tiếp thu thông tin nhiều chiều. Thâm Quyến lại là nơi giao hội giữa văn hóa Đông Tây nên nền giáo dục mà các bạn tiếp thu là tập thể. Chẳng hạn ở mẫu giáo đã dạy tiếng Anh một số sách giáo khoa do HỒng Kông soạn, vì vậy là nền giáo dục theo lối lẩu thập cẩm kết hợp giữa Đông và Tây. Học sinh trung học bây giờ không hoàn toàn tin bất cứ một ai, họ có ý thức tự ngã và quan niệm cạnh tranh rất mạnh mẽ. Họ cho rằng phải có tài, có thực lực, có tài thì không bị đào thải, thành tích của họ do họ tự phấn đấu mà có. Chính vì có sự phấn đấu của họ, sự tự hoàn thiện không ngừng của họ mà xã hội mới tiến bước và lịch sử mới tiến bước được. Cùng lúc với sự phấn đấu đó, hiện tượng tự tư và “ta là trung tâm” cũng trở nên nghiêm trọng. Chẳng riêng Thâm Quyến mà thanh niên của Trung Quốc và cả thế giới cũng đều có hiện tượng đó. Các nhà giáo dục phương Tây đã bắt đầu lấy tư tưởng “tập thể chủ nghĩa” của Trung Quốc để “làm gương”, vậy thì khi giáo dục học sinh các thầy cô giáo Trung Quốc nên làm thế nào? Đây là một vấn đề mới mẻ.
            Thầy Giang vẫn cười hòa nhã. Ông biết học sinh ở tuổi này đã có những cách nhìn của mình đối với xã hội và nhân sinh, mặc dù còn chưa chín chắn nhưng các em rất cố chấp. Thầy Giang kéo ghế cho Trần Minh ngồi:
_Minh này, bây giờ chúng ta không phải thầy trò nữa mà là bạn. Bạn bè tâm sự với nhau là điều tự nhiên mà!
Cái cách vào đề cố làm ra vẻ thoải mái, thân mật ấy thường báo trước câu chuyện tiếp theo hoàn toàn không thoải mái, thân mật tẹo nào, Trần Minh nghĩ như vậy.
_ Thưa thầy, xin thầy trả lại bài làm cho em, em viết lại bài khác. Lần này câu cách ngôn mà em thích nhất là “Chăm chỉ học tập, ngày ngày tiến lên” ạ!
_ Minh ạ, thầy không biết phải khen em học giỏi như thế nào - Thầy Giang chân thành, nghiêm túc nói – Khi thầy nhận lớp này, người đầu tiên lãnh đạo trường nhắc tới là em. Trong phòng truyền thống nhìn thấy phần thưởng của em để tại đó, thầy Cổ đã chỉ cho thầy và bảo đó là phần thưởng của em, của cả lớp em. Em là một học sinh cần mẫn, hoàn cảnh cũng tốt. Song nhược điểm của em là nhìn không được xa.
Thầy Giang vừa nói xong, Trần Minh đã đứng bật dậy:
_ Thưa thầy, có lẽ em có nhiều nhược điểm đấy song thầy bảo em nhìn không được xa thì em chưa chịu. Hồi học tiểu học, em đã đọc Truyện Anhxtanh. Con người cần theo đuổi cái gì? Cần theo đuổi khoa học chứ không thể là những điều tầm thường. Lúc ấy em đã thề em sẽ phải có những cống hiến như của Anhxtanh. Thưa thầy, cách nhìn đó có thiển cận không ạ?
Thầy Giang cũng hơi mất bình tĩnh:
_ Em nói rất đúng. Thầy đồng ý con người cần vươn tới khoa học và thầy cũng tin vào lời thề của em. Song em còn bỏ sót một điểm. Sở dĩ Anhxtanh có được những cống hiến lớn lao chẳng những vì ông theo đuổi khoa học mà ông còn theo đuổi cả tới tầm tư tưởng cao. Em đã đọc một câu cách ngôn cho lớp thanh niên đi tìm giá trị của cuộc đời, câu đó là: giá trị thực sự của một con người trước hết quyết định ở sự giải phóng ra khỏi tự ngã với mức độ và ý nghĩa như thế nào của người đó. Ý nghĩa cuộc đời không chỉ là khám phá mà còn là dâng hiến. Minh này, theo em, phải chăng điểm nền của em nên nâng cao hơn nữa?
Trần Minh lạnh nhạt đáp:
_ Sao thầy không nói thẳng em là một đứa tự tư tự lợi cho rồi?
_ Trước đây hơi quá nhấn mạnh sức mạnh tập thể và giá trị xã hội, bây giờ lớp thanh niên lại quá chú ý đến cái tôi, tự ngã. Thầy luôn cho rằng hai điều ấy không thể tách rời nhau mà thống nhất với nhau một cách biện chứng, nếu không thì kết quả sẽ chỉ như vỏ trứng, không thể chịu đựng, vượt qua được cái gì hơi cứng rắn đâu.
Một lúc lâu, không ai nói gì với nhau.
_ Có thể điều đó là đúng, song thầy không thuyết phục nổi em đâu. Những gì em đã nghĩ, người khác không thay thế được.
_ Có thể cách nói chuyện của thầy, em khó tiếp thu được ngay, thầy nói cũng hơi nặng, nhưng em nên hiểu thầy cô nào cũng chỉ mong học trò thành tài, mong các em tấn tới.
Lát sau Trần Minh mới mím chặt môi, gật đầu.

 
BẠN ẤY KHÔNG CHO PHÉP MÌNH THẤT BẠI.
 
Trần Minh đang làm bài tập Hóa ở trong lớp.Bạn tự yêu cầu mình phải làm hết bài làm ngay tại trường để khi về nhà dành thời gian học ôn và học trước. Bạn quả là một học sinh chuyên cần, nỗ lực, điều đó có ánh đèn mỗi chiều tối bầu bạn làm chứng. Bạn muốn mình làm xong bài trước các bạn bởi có nhiều người sẽ hỏi bài bạn. Tuy không phải Trần Minh muốn giúp các bạn song rất thích không khí vở bài làm của mình được các bạn chuyền tay nhau xem và mình được các bạn xúm xít xung quanh.
Sự tín nhiệm và kỳ vọng của các thầy, sự nuông chiều và mong đợi của gia đình, lòng hâm mộ xem đố kỵ của bạn học, tất cả khiến Trần Minh nảy sinh lòng tự tôn và cảm giác hơn hẳn mọi người rất mạnh mẽ. Bạn không cho phép mình thất bại, dù chỉ là một bài nghe viết rất ngắn ở trên lớp thì bạn vẫn phải cố gắng để được nhất, huống hồ ở trường trung học Số Chín, áp lực đối với bạn rất lớn. Chẳng hạn như Trịnh Tân, tốt nghiệp hết cấp xong là đỗ đầu môn Lý, bây giờ bạn ấy đi học chỗ khác rồi song ảnh vẫn treo cao trên tường phòng truyền thống của nhà trường. Trịnh Tân đã trở thành ngôi sao và Trần Minh muốn mình phải vượt bạn ấy. Ngay ở trong lớp, Trần Minh cũng phải chịu áp lực, đó là Tiêu Dao. Thường ngày Tiêu Dao không hay nói song tài thao thao bất tuyệt trên bục diễn và khả năng tổ chức quản lý khiến Trần Minh ngỡ ngàng, không biết tính sao. Tiêu Dao từ miền Bắc xuống, lại từng đi du lịch rất nhiều nơi. Phiả biết rằng sự từng trải của một người có khi trở nên tài năng của người đó. Còn Trần Minh chăng khác nào con gái thời trước, ở tịt trong nhà, ít khi ra ngoài. Mãi mới có một lần đi dự thi, rời khỏi nhà thì thầy cô giáo theo sát từng giây từng phút như cô giữ trẻ, chỉ trừ phòng thi là không cùng vào. So với Tiêu Dao, Trần Minh cảm thấy hơi tự ti; dù lâu nay bạn không chịu thừa nhận, song trong thân tâm bạn không thể phủ nhận điều đó.
Học sinh bây giờ có thể chia thành mấy loại. Loại thứ nhất chỉ biết khắc khổ học tập mà không hỏi han tới một việc gì khác; loại thứ hai học tập rất khá lại cũng thích tham gia hoạt động xã hội; loại thứ ba chẳng tha thiết với bất cứ việc gì, được chăng hay chớ, bị thịt vô tích sự.
Nếu ai nói Trần Minh thuộc học sinh loại thứ nhất thì lớp trưởng Tiêu Dao thuộc loại thứ hai.
Lúc này Tiêu Dao đang tham gia cuộc thi kiến thức của học sinh trung học toàn thành phố. Địa điểm cuộc thi đặt tại trường trung học Số Chín vì trường này có hội trường lớn được trang bị vào loại nhất thành phố.
Người tham gia rất đông. Học sinh trường Số Chín ai tự nguyện thì tham gia, các trường khác có thể phải lựa chọn kỹ rồi có xe đưa tới. Nhìn dòng người đổ vào cổng trường, Tiêu Dao bất giác cảm thấy hơi ngợp. Trông thấy Vương Tiếu Thiên, Lưu Hạ cùng một số bạn khác, bạn biết họ đến cổ vũ cho mình. Vương Tiếu Thiên còn giơ cao tay phải lên, ngón trỏ và ngón giữa tánh thành hình chữ V có ý chúc Tiêu Dao chiến thắng. Tiêu Dao vung bàn tay nắm chặt thành quả đấm song trong lòng hơi bối rối. Dù sao đây cũng là một dịp thi, là cuộc so tài giữa mấy trường trung học, ai mà chẳng mong mình chiến thắng?
Ngồi cùng hàng đầu với Tiêu Dao là một số người dự thi của trường khác. Bạn thấy thái độ, sắc mặt của họ dường như không phải đến dự thi mà là đến xem thi;, ai cũng thản nhiên thoải mái. Thấy thế, Tiêu Dao càng thêm căng thẳng.
Đúng lúc ấy có người vỗ vai Tiêu Dao, bạn ngoảnh lại thấy đó là thầy Giang. Tiêu Dao mừng rỡ:
_ Thầy…
_ Có căng thẳng không?
_ Hơi run ạ.
_ Không sao đâu! Vừa nãy thầy nghe các em trường khác đến dự thi kháo nhau: “Bọn trường Số Chín giỏi lắm, mình cảm thấy lo!”. Thấy chưa, em căng thẳng thì các em khác còn căng thẳng hơn em - Thầy Giang động viên.
Một hồi chuông vang lên. Vừa mừng vừa lo, Tiêu Dao theo các bạn bước tới bàn thi ở trên khán đài.
Gần đây, Tạ Hân Nhiên cũng bận bù đầu. Theo ý thầy Cổ, bạn đã chỉnh lý lại nhật ký của lớp, lại bận ra báo bảng toàn trường để đón chào quốc khánh mồng một tháng Mười. Một tuần gần đây còn tìm tư liệu cho Tiêu Dao và giúp bạn luyện lời hỏi đáp… Cuộc thi chung kết chiều hôm nay, tất nhiên Hân Nhiên muốn có mặt. Nhưng cũng đúng chiều nay, thầy giáo chấp hành Đoàn trường lại triệu tập lớp phó các lớp để họp bình xét báo bảng.
Khi Hân Nhiên ra khỏi văn phòng trường, cuộc thi chung kết đã bắt đầu được hơn một giờ. Hân Nhiên bực bội giậm chân rồi chạy thẳng đến hội trường. Khi đi qua lớp, bạn nhìn thấy Trần Minh đang ngồi làm bài trong đó, nghĩ tới lần thầy Cổ từng thăm dò mình về “’tư tưởng” của Trần Minh, Hân Nhiên bèn vào lớp rủ bạn cùng đi xem thi.
_ Trần Minh ơi, chăm thế? Ở hội trường đang thi chung kết kiến thức đấy, bạn cùng đi với mình nhé!
Hân Nhiên nói với Trần Minh theo giọng Quảng Đông. Giọng Quảng của bạn nói rất chuẩn. Trần Minh nhíu mày:
_ Mình không thích. Mình cho rằng đó chỉ toàn loại kiến thức biết mà chơi, phù phiếm không thiết thực. Chẳng lí thú gì mà đi.
Hân Nhiên sững sờ kinh ngạc. Anh chàng tài giỏi này sao lại nhìn vấn đề như thế được? Có một nhà văn nói: khi con người với con người không hiểu nhau thì trái tim họ xa cách nhau càng lớn. Trần Minh và Tiêu Dao đều là học sinh loại ưu, song hai người có khoảng cách thật xa. Hân Nhiên cảm thấy rõ ràng mình nghiêng về phía Tiêu Dao hơn. Nghĩ thế song bạn không nói gì Khắc khổ học tập dù sao cũng là việc tốt.

 
TƯỞNG THẮNG HÓA THUA TRONG HỘI THI
 
Khi Hân Nhiên tới được hội trường thì vòng thi thứ hai vừa kết thúc. Bạn không làm kinh động đến ai, lẳng lặng kiếm một chỗ ở phía dưới ngồi xuống.
Sáu bạn dự thi đang ngồi ngay ngắn, chờ đón vòng thi tiếp theo với thái độ khác nhau. Máy tính điểm tự động đặt trên bàn có ghi số điểm của từng người qua hai vòng thi đấu.
Số 1: 120 điểm; Số 2: 90 điểm; Số 3: 100 điểm. Số 4: 170 điểm; Số 5: 110 điểm; Số 6: 170 điểm.
Số 6 là Tiêu Dao, hiện bạn đang cùng số 4 dẫn đầu. Vòng thi thứ ba mớ là mấu chốt. Tiêu Dao hít thật sau rồi từ từ thở ra. Nỗi thấp thỏm và lo sợ lúc nãy đã tan biến, chỉ còn lại niềm háo hức và tỉnh táo để vượt lên trước.
Trước đó, trải qua hai vòng thi loại, Tiêu Dao càng được nhiều người ở trường trung học Số Chín biết đến. Bây giờ có hỏi thầy cô nào hay bạn học nào rằng “Tiêu Dao ở đâu?” thì đều được chỉ bảo chính xác Tiêu Dao đang ở đâu.
Nửa tháng nay, Tiêu Dao ngụp đầu trong thư viện, lật phiếu sách tìm tư liệu, ghi ghi chép chép, tất cả chỉ vì vòng thi chung kết hôm nay.
Một điệu nhạc vang lên trong hội trường. Người chủ trì tuyên bố vòng chung kết bắt đầu.
Lần này là tự chọn câu hỏi để trả lời. Đề nhóm A khó nhất, 30 điểm. Đề nhóm B không khó mấy, 20 điểm. Đề nhóm C tương đối dễ: 10 điểm.
Hình thức cho điểm này vừa được tuyên bố, khán giả lập tức sôi động hẳn. Ai cũng lo thay cho bạn mình. Số bạn dự thi càng căng óc lên để dự tính. Việc gì cũng vậy, có dự tính thì nên, không dự tính thì hỏng. Việc đã tới khâu quyết định, không thể sai sót được.
Ngoài số 4 ra, những số khác chọn đề nào đều không khiến Tiêu Dao quan tâm, bởi dù họ có chọn đều nhóm A và trả lời đúng thì tổng số điểm của họ cũng không vượt được Tiêu Dao. Bạn chỉ quan tâm tới số 4, một nữ sinh trường trung học thực nghiệm. Bạn này ghê gớm thật, chỉ riêng mình ngang điểm với Tiêu Dao.
Số 1 có tổng số điểm là 120, loại trung bình cho nên bạn vui vẻ duy trì hiện trạng, chọn đề nhóm B và trả lời đúng.
Số 2 có tổng số điểm thấp nhất, bạn chọn đề nhóm A, hiển nhiên là “quyết sống mái một phen”. Tiếc rằng lại sai, không khỏi xếp loại bét.
Số 3 có tổng số điểm là 100 vì vậy bạn hơi do dự. Một giây trước khi chọn đề còn chưa dứt khoát được, rồi hồ đồ thế nào lại chọn đề nhóm A. May sao trả lời đúng, tổng số điểm vọt nâng lên 130 khiến bạn vui mừng như bắt được vàng.
Đến lướt số 4. Cô nữ sinh xem ra rất tự phụ, trán dô và bóng rành riêng cho loại con gái bướng bỉnh. Việc cô này chọn đề nhóm nào, được bao nhiêu điểm đều có ảnh hưởng trực tiếp đến Tiêu Dao.
Người điều khiển cất cao giọng:
_ Tiếp theo, số 4 chọn đề!
Số 4 không vội chọn đề ngay. Cô chớp chớp đôi mắt sáng quắc nhìn chằm chằm vào Tiêu Dao với vẻ thách thức. Tiêu Dao không nhìn lại song bạn cảm thấy má bên trái nóng bừng.
Người điều khiển nhắc lại:
_ Tiếp theo là số 4 chọn đề!
Số 4 trấn tĩnh, rồi ngẩng đầu lên:
_ Ai cũng biết số điểm của tôi ngang với điểm bạn số 6. Người này chọn đề nhóm nào đều ảnh hưởng trực tiếp tới người kia, cũng có nghĩa là người chọn đề sau có lợi thế hơn người chọn đề trước. Thưa ban giám khảo, nếu các thầy cho phép, em xin hỏi số 6 chọn đề nhóm nào ạ.
Cả hội trường xôn xao. Người điều khiển hội ý với ban giám khảo rồi trở về nói qua micro:
_ Yêu cầu của em số 4 vừa nãy vi phạm quy tắc cuộc thi. Tiếp theo vẫn là số 4 chọn đề thi.
Số 4 gầm ghè nhìn Tiêu Dao rồi khe khẽ nhả ra hai chữ “nhóm B”. Hiển nhiên cô này không chịu phục.
Người chỉ trì lấy phong bì đặt dưới bảng đề chữ B:
_ Đề nghị số 4 trả lời: Thiên vương của Thái Bình Thiên Quốc là Hồng Tú Toàn, còn Đông vương, Nam vương, Tây vương, Bắc vương và Dực vương là những ai?
Số 4 mím chặt môi, nhíu lông mày, nhăn cả mũi, trông thật khó coi. Song cô ta không để ý, chỉ chăm chăm tìm lại trong trí nhớ rồi dướn cổ lên đáp:
_ Đông vương là Dương Tú Thanh, Tây vương là Tiêu Triều Quý, Bắc vương là Vi Xương Huy, Dực vương là Thạch Đạt Khai, còn Nam vương là Phùng… Phùng… - Số 4 nhíu mày, cuối cùng vẫn không trả lời được, bèn hết sức thoải mái dang tay ra – Em quên mất rồi ạ!
Người điều khiển trưng cầu câu trả lời ở khán giả. Một bạn nam trả lời đúng, được trao phần thưởng. Người điều khiển bất đắc dĩ phải trừ 20 điểm ở tổng số điểm của số 4.
Thất bại của số 4 khiến cả hội trường xao động, đồng thời ánh mắt mọi người đổ dồn vào số  6 như ánh đèn tụ quang. Đến lượt Tiêu Dao rồi.
Tiêu Dao vừa đứng lên, cả hội trường đã im lặng. Mọi người chăm chú nhìn nhân vật “quán quân” này vì số điểm của năm người trước đã được báo:
Số 1: 140 điểm. Số 2: 60 điểm. Số 3: 130 điểm.
Số 4: 150 điểm. Số 5: 130 điểm.
Lần chọn đề này hết sức quan trọng. Chọn đề nhóm C bảo đảm nhất, dù trả lời đúng hay sai thì vẫn là “quán quân”. Chọn đề nhóm B, nếu trả lời đúng thì hay rồi, được thêm 20 điểm nữa, tổng cộng là 190 điểm, Tiêu Dao sẽ đứng đầu; nếu trả lời sai, bị trừ 20 điểm thì có thể ngang hàng với số 4.
Hầu như tất cả mọi người đều nghĩ như vậy, kể cả số 4. Cô bạn này còn dẩu môi với Tiêu Dao, tỏ ý cô dự tính đúng sự lựa chọn của Tiêu Dao. Trong số người xem, chỉ Hân Nhiên là hơi lo song lo vì cái gì thì bạn lại không nói ra được. Con gái bao giờ cũng tin vào giác quan thứ sáu của mình. Tim Hân Nhiên đập nhanh dần như vừa chạy hết vòng đua 800 mét, nghe rõ cả tiếng đập thình thịch. “Thằng chết không lo, thằng khiêng lo”. Hân Nhiên tự giễu mình như vậy.
_ Tiếp theo đến số 6 chọn đề!
_ Em…
Tiêu Dao đứng giữa khán đài, mắt long lanh nhìn khắp hội trường. Bạn vừa căng thẳng vừa xúc động khi một lần nữa cảm nhận được ánh mắt của số 4. Bạn đột ngột ngoảnh mặt nhìn thẳng vào cô ta. Cô này đang nhếch mép cười châm biếm như muốn nói: “Tôi biết bạn không dám chọn đề nhóm A!”.
Tiêu Dao không chịu đựng nổi nữa. Như một con bò bị khiêu khích trên trường đấu, bạn tuyên bố chắc nịch:
_ Em chọn đề nhóm A!
Cả hội trường sôi động. Hiển nhiên không hiểu được tâm tư của Tiêu Dao, thầy điều khiển hỏi:
_ Em có thể nói vì sao lại chọn đề nhóm A không?
_ Nếu chọn đề nhóm C hoặc nhóm B thì nhiều người sẽ bỏ về ngay ạ!
Thầy điều khiển khen:
_ Chúng ta hãy vỗ tay ngợi khen khí phách của số 6 nào!
Lập tức tiếng vỗ tay rào rào vang khắp hội trường và kép dài có đến mấy phút. Tiêu Dao hiểu hàm nghĩa trong tiếng vỗ tay, bạn biết lúc này cả hội trường đều nhìn mình, bạn cảm nhận được cả tiếng vỗ tay và ánh mắt cháy bỏng của số 4. Lần này Tiêu Dao không còn kích động nữa, bạn gật đầu với tất cả mọi người cứ như phong độ của một thân sĩ.
Lúc này, trong đám người xem, Hân Nhiên chỉ muốn nhảy lên hoan hô Tiêu Dao. Bạn nghĩ tới Trần Minh lúc này vẫn ngồi làm bài trong lớp, Trần Minh với mái tóc bù xù kiểu nghệ sĩ và cái đầu lúc nào cũng ngẩng cao. “Người với người cũng khác hẳn nhau!”, Hân Nhiên thầm nghĩ. Bạn nam mà Hân Nhiên thích phải là người có tài và mạnh bạo như…
_ Hỏng rồi, số 6 thua rồi! - Một bạn gái ngồi phòng trên kêu lên…
Hân Nhiên lúc này mới tỉnh lại. Cái gì? Trả lời sai à? Bị trừ 30 điểm à? Trời ơi, chỉ còn có 140 điểm. Thật là không có duyên với danh hiệu quán quân!
Hân Nhiên đờ người. Mọi người rời khỏi hội trường trong tiếng bàn tán còn Hân Nhiên vẫn ngồi bất động.
Lễ trao giải diễn ra trên khán đài, nhạc vang lên điệu tiến hành khúc. Mấy người dự thi bắt tay nhau. Số 4 chân thành bước tới gặp Tiêu Dao, giơ tay cho bạn:
_ Bạn không thua đâu!
Tiêu Dao ngẩn người. Tuy bạn có đọc A. Q chính truyện song chưa học được cách thắng lợi tinh thần của A.Q. Tiêu Dao do dự rồi cũng giơ tay ra. Cô bạn số 4 nói thêm:
_ Tôi tên Lý Trại Nam, lớp 1 khối Mười trường trung học thực nghiệm. Kết bạn với nhau, được không?
_ Tôi tên Tiêu… - Trước cô bạn phóng khoáng, Tiêu Dao mất cả tự nhiên.
_ Không phải tự giới thiệu nữa, tôi biết rồi, bạn là Tiêu Dao, lớp 4 khối Mười, có đúng không? – Cô bạn cười rất tự tin.
_ Bye, bye! – Tiêu Dao ra cửa hội trường.
Trông thấy Hân Nhiên, Tiêu Dao mỉm cười với bạn, coi như một lời chào. Hân Nhiên toan nói mấy câu an ủi song lúc này vốn nhanh mồm nhanh miệng như bạn cũng cảm thấy khó, môi mấp máy mấy cái mới thốt lên được mấy tiếng:
“Không sao đâu!”. Tiêu Dao lại cười song Hân Nhiên nhận ra bạn cười rất gượng gạo.
_ Hân Nhiên này, cám ơn nhé! Vừa nãy đề thứ nhất vòng một là nhóm nhân vật trên báo bảng của bạn đấy!
Hân Nhiên cũng nhớ sự việc bên tờ báo bảng và tiếc đã không đến được sớm hơn để xem Tiêu Dao trả lời. Song câu “cám ơn” của Tiêu Dao dường như khiến khoảng cách giữa hai người xa hơn ra.
Tiêu Dao ra khỏi hội trường, Lưu Hạ trông thấy toan gọi song Vương Tiếu Thiên đứng cạnh vội ngăn lại:
_ Đừng gọi!
Hân Nhiên ra về. Tiêu Dao không vui nên Hân Nhiên cảm thấy cũng không vui.
Qua cửa lớp học, đèn lớp 4 khối Mười còn sáng, Trần Minh vẫn còn học trong đó.
Dưới ánh đèn đường hắt xiên xuống, Hân Nhiên di chân thành những vòng tròn trên đất.

 
ĐÁNG NHỜ CẬY NHẤT LÀ ĐÔI TAY CỦA CHÍNH MÌNH
 
Tiêu Dao đẩy chiếc xe đạp có thể thay đổi tốc độ ra khỏi nhà để xe. Nhà để xe rất rộng, xe của thầy và trò trong toàn trường đều để ở đây, có đến mấy trăm cái. Có điều muốn phân biệt xe thầy và trò chẳng có gì khó. Cái xe nào mới, kiểu cũng mới là xe của trò; xe nào cũ, kiểu cũng cũ, bộ phận nào cũng kêu trừ cái chuông thì chắc chắn là xe của thầy.
Tiêu Dao chuyển tốc độ đi trung bình. Xưa nay bạn chỉ thích xe chạy nhanh, nhưng hôm nay không biết vì sao, chân như đổ chì, nhắc lên nặng nhọc.
Tiêu Dao đã trải qua những quãng đời không tầm thường. Trong số bạn cùng tuổi hầu như lớn lên từ hũ mật, cuộc đời Tiêu Dao quả có chút “gập ghềnh”. Bạn sinh ra trên sa mạc Taklamacan, mẹ không có sữa, bạn lớn lên nhờ uống sữa ngựa. Khi ấy cha đang học đại học. Lớn hơn một chút, bà nội ở Bắc Kinh đón Tiêu Dao về. Năm 1986, cả nhà bạn chuyển tới ở Thâm Quyến, ít lâu sau, cha mẹ được cử sang Anh. Tiêu Dao không rõ thời gian bạn sống cùng cha mẹ cộng lại có được một năm hay không bởi bạn không nhớ được khuôn mặt của cha mẹ. Nếu gặp ở giữa đường, bạn sẽ chỉ nhìn thật lâu mà không dám gọi, chỉ sợ nhận lầm người.
Khi từ Bắc Kinh tới Thâm Quyến, Tiêu Dao chỉ mới mười tuổi, đúng vào cái tuổi hiếu động ham chơi, lại thêm cha mẹ mới chuyển đến, đất lạ người chưa quen, Tiêu Dao tạm vào một trường tiểu học của ngư dân để học. Khi cha mẹ được cử ra nước ngoài, họ không yên tâm về Tiêu Dao đến nỗi suýt nữa bỏ mất một dịp tốt.
Một hôm, xe đạp của Tiêu Dao bị nổ lốp, phía trước phía sau đều không có hiệu chữa xe đạp. Tiêu Dao gọi điện thoại về nhà:
_ Ba ơi, con không vác nổi xe đâu, ba đến đón con nhé!
_ Cứ cố mà dắt về nhà, ba không thể giúp con mãi được! – Cha Tiêu Dao trả lời thản nhiên.
Tiêu Dao đành cố đẩy xe, đi bộ một giờ rưỡi mới về tới nhà. Cha gọi bạn vào phòng sách của ông, căn dặn:
_ Tiêu Dao, ba và mẹ sắp phải sang Anh, ông bà nội lại già, chẳng những không trông nom nổi con mà tốt nhất còn cần có người trông nom hai cụ. Con có thể khiến ba mẹ ở nước ngoài không phải lo lắng vì con không?
Tiêu Dao không nói gì. Ngay lúc đó bạn hiểu ra vì sao ba lại không chịu giúp bạn đưa xe đạp hỏng về nhà.
_ Không nên ỷ lại bất kỳ ai, không nên vì được lớn lên ở một gia đình khá giả, có người lo toan mọi thứ mà sinh ra lười nhác. Đôi bàn tay mình là nơi đáng nhờ cậy nhất, con nhớ nhé!
_ “Cha biết mẹ biết không bằng tự mình biết”, “Nhà có của ăn của để, không bằng nhất nghệ tùy thân”. Người đời trước đều biết phải lập thân xử thế như thế nào. Không nên vì thời đại càng phát triển thì các con lại càng thụt lùi. Con nghĩ xem nếu một ngày nào đó cha và mẹ đều phải xa lìa con, con mất đi nơi nhờ vả, thế thì làm thế nào?
_ Con nhất định phải có lòng tin mạnh mẽ vào chính mình. Ba và mẹ con đều từng sống ở Bắc Đại Hoang, ở vùng đồng cỏ miền Tây Bắc. Nhiều người cùng lứa với ba mẹ, nay có người là bộ trưởng song có người vẫn sống ở nông thôn, và sau này cũng còn mãi ở đấy. Ba không định kể cho con về những cống hiến của họ cho xã hội mà chỉ muốn nói cho con hiểu rằng con người ta cần phải phấn đấu. Đó là lý do tại sao ba và mẹ đã đứng tuổi rồi mà con đến Thâm Quyến, còn muốn ra nước ngoài. Con ra đời và lớn lên trong thời đại bình yên, có nhiều điều con còn chưa hiểu được.
_ Ba nói cho con biết những điều đó e rằng sớm quá song cha mẹ sắp phải đi xa rồi. Ba không muốn thấy con sa vào đường quanh co, lầm lạc. Tiêu Dao, ba nói với con chừng ấy, con có hiểu được không?
Tiêu Dao vẫn không nói gì. Đứa trẻ mới chục tuổi đầu quả thật khó mà hiểu nổi những điều đó, song bạn hoàn toàn hiểu được tình yêu của cha mẹ đối với mình.
_ Ba ạ, thi hết tiểu học xong, con sẽ thi vào một trường trung học trọng điểm – Tiêu Dao chỉ biết đáp lại câu hỏi của cha mình có chừng đó.
Người cha mỉm cười mãn ý.
Từ ấy trở đi, Tiêu Dao bắt đầu vùi đầu học tập. Hết tiểu học, bạn thi đỗ vào một trường phổ thông cơ sở nổi tiếng. Hết cấp, Tiêu Dao được liệt vào danh sách miễn thi, trực tiếp được đưa lên bậc phổ thông trung học của trường cũ. Song Tiêu Dao không chịu, quyết tâm xin thi để trong cuộc đua tranh toàn thành phố, thấy được thực lực của chính mình. Trường cũ sợ học trò giỏi bỏ đi hết, động viên bạn ở lại trường cũ học và cho bạn biết sẽ ưu đãi như thế nào đối với những học sinh mũi nhọn như bạn. Tiêu Dao không để ý đến sự ưu đãi ấy, bạn mong được bước vào trường trung học phổ thông trọng điểm bằng sự đua tranh. Quả nhiên bạn đã đạt được nguyện vọng là vào được trường trung học Số Chín. Thầy chủ nhiệm lớp Chín vỗ vai Tiêu Dao:
_ Em quả là một học sinh có ý chí tiến thủ. Hãy cố mà học, thầy chờ được nghe tin vui của em sau ba năm nữa!
Quả nhiên, trường trung học Số Chín mở cho bạn một khoảng trời thật rộng rãi, thiết bị giảng dạy rất tiên tiến, yêu cầu giảng dạy cũng nghiêm khắc hơn. Vả chăng trường trung học trọng điểm không phải chỉ có lăn lưng ra học như người ta tưởng tượng. Các bạn có hứng thú về nhiều mặt, yêu thích nhiều môn, có thể lấy sở trường của người này bồi bổ cho sở đoản của người nọ, thật là ích lợi không phải nhỏ.
Tiêu Dao hồi tưởng lại sự việc trước đó mười lăm phút. Nếu bạn không chọn đề nhóm A thì chắc chắn sẽ đứng đầu. Chọn đề A mà thắng thì tất nhiên mọi người sẽ cho là bạn có khí phách, có gan. Nhưng bây giờ thua rồi, không biết mọi người có cho bạn là người thích nổi, thích trội hay không? Khi bạn chọn đề nhóm A, phải chăng hoàn toàn do lí trí? Phải chăng hoàn toàn muốn chứng minh thực lực của mình?
Bất giác Tiêu Dao cười nhạt với mình.
Một trận gió thổi ào tới khiến Tiêu Dao tỉnh táo hơn song bạn vẫn không hiểu được mình là sai hay đúng? Người khác là sai hay đúng?
Thế nào cũng có chỗ đúng chỗ sai chăng?

<< Chương II | Chương IV >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 595

Return to top