Nếu đến trước lúc thi đại học mà vẫn chưa có hộ khẩu ở Thâm Quyến thì sao? – Hân Nhiên hỏi Đường Diễm Diễm đang xếp bằng tròn đôi chân trần trên xô pha.
Diễm Diễm chưa đáp thì bà ngoại Diễm Diễm đã xen ngang:
_ Thì khăn gói về quê chứ sao!
_ Bà! - Diễm Diễm đứng lên nũng nịu đẩy bà vào bếp rồi lại nhảy lên ngồi trên xô pha - Nếu vậy thì mình về Thượng Hải thi đại học!
Diễm Diễm học trên Hân Nhiên hai lớp, lớp Mười hai. Bạn cũng như Hân Nhiên, từ Thượng Hải tới, hơn nữa cha mẹ hai bạn là bạn học của nhau nên hai bạn cũng chơi thân với nhau. Một điểm chủ yếu hơn nữa là cả hai đều không có hộ khẩu ở Thâm Quyến. Không có hộ khẩu gặp nhiều điều bất tiện chẳng nói làm gì, ngay trong trường thôi cũng lắm chuyện khó chịu. Nhà trường hơi một tí là “thống kê người không có hộ khẩu thường trú ở Thâm Quyến”, lại còn yêu cầu phải giơ tay thật cao để nhìn cho rõ, đếm cho chính xác. Đếm xong lại đọc tên một lần nữa để tránh sai sót. Đáng bực nhất là vẻ mặt tựa như cười cợt của thầy cô giáo, dường như muốn “thanh lý” ra khỏi thành phố số học sinh không có hộ khẩu ở Thâm Quyến như những kẻ “ba không” – không nhà, không nghề, không hộ khẩu vậy.
Vừa khai giảng, cô Trần – nguyên chủ nhiệm lớp đã thống kê một lần rồi, như mọi bận, Hân Nhiên vừa làm bài vừa giơ tay. Bạn cố ý làm ra vẻ thản nhiên.
_ Hân Nhiên, em cũng không có hộ khẩu à? – Cô Trần có vẻ hoài nghi.
Cô giáo vừa hỏi là rất nhiều bạn ngoảnh lại nhìn Hân Nhiên, khiến Hân Nhiên ngượng ngùng lúng túng. Thật ra chẳng cần hỏi như vậy vì về cơ bản học sinh trong lớp đều là người nơi khác đến. Thường ngày mọi người hay trêu nhau, gọi những bạn từ miền Tây Bắc đến là “Chim công bay về đông nam”, gọi những bạn từ miền Tây đến là “Một dòng sông xuân chảy về Đông”, gọi những bạn từ miền Bắc về là “Nhạn về Nam”. Hầu hết đều là dân ngụ cư cả, việc gì phải ngại coi thường nhau?
Trần Minh rất không thích người không có hộ khẩu ở Thâm Quyến, cho rằng trật tự trị an ở Thâm Quyến có vấn đề, việc gì cũng do dân tỉnh khác gây nên. Nào là móc túi thó đồ, nào là chặn xe cướp bóc…, mười vụ thì có đến chín vụ do dân “ba không” gây ra. Người gốc Thâm Quyến thiếu gì tiền, họ quyết không bao giờ chịu làm những trò mạt hạng đó.
Liễu Thanh cũng quay lại hỏi Hân Nhiên:
_ Câu không có hộ khẩu Thâm Quyến à?
_ Không có! – Hân Nhiên đáp. Hộ khẩu của Hân Nhiên còn ở Thượng Hải. Nhớ hồi nào, nói câu “Người Thượng Hải” oai biết mấy, oách biết mấy, thế mà nay đã khác rồi, quả thật là “Hà Đông ba chục năm” lại đến “Hà Tây ba chục năm” (lời trong bài thơ cổ).
_ Thôi được rồi, bỏ cả tay xuống!
Cô Trần vừa dứt lời, Liễu Thanh đã thì thầm với Hân Nhiên:
_ Chẳng sao đâu! Hộ khẩu Thâm Quyến mà cũng khó khăn! Chị Hai mình muốn ra nước ngoài, thế là lấy luôn người nước ngoài, bây giờ đã nhập quốc tịch Úc. Con gái chỉ cần xinh là xong hết, cậu xinh thế kia…
Liễu Thanh chưa dứt câu, thấy Hân Nhiên trợn mắt lên nhìn đành không dám nói thêm. Bạn biết mình nói sai, vội vàng giải thích:
_ Mình không ác ý gì đâu nhé, chỉ là muốn nói cho cậu biết một biện pháp…
_ Ngớ ngẩn! – Hân Nhiên mắng thẳng thừng.
Ôi, những học sinh trung học không có hộ khẩu ở Thâm Quyến!
_ Có lẽ mình sẽ không phải về Thượng Hải! - Đường Diễm Diễm ngước mắt nhìn lên trần nhà – Ba mình bảo hộ khẩu của mình sắp được chuyển về đây rồi.
_ Thế à?
_ Ừ. Bây giờ mình chỉ đành đi được bước nào hay bước đó - Diễm Diễm thở dài, quay sang hỏi Hân Nhiên – Còn cậu?
_ Mình không biết. Ba mình bảo cơ quan ba mình năm nay sẽ có chỉ tiêu, có thể đến lượt gia đình mình, song cũng rất khó nói.
Câu “song cũng rất khó nói” mà Hân Nhiên bổ sung chỉ là để khỏi lộ “tính hơn hẳn” của mình trước Đường Diễm Diễm, bởi bạn biết vấn đề chuyển hộ khẩu của gia đình mình hiện nay đã chắc chắn như “con ốc trong ba ngón tay”. Ấy là mẹ bảo thế.
_ Thế thì hay quá. Trong chốc lát làm sao nổi, cậu cũng đừng lo nữa. Dù sao cậu còn nhỏ, hai năm nữa mớ phải thi đại học, còn mình thì nước đến chân rồi.
_ Chúng mình nói chuyện khác đi! – Hân Nhiên nói. Bạn cảm thấy lần nào chuyện trò với Diễm Diễm đều mở đầu bằng chuyện hộ khẩu, thật là chán!
_ Thế thì nói chuyện thi đại học vậy - Diễm Diễm vẫn ngó lên trần nhà – Mình không sốt ruột vì hộ khẩu thì lại phát rầu vì lo thi đại học. Cuộc sống bây giờ của mình chỉ có hai chuyện đó thôi.
Diễm Diễm từng nói nếu trước khi thi đại học mà chưa chuyển được hộ khẩu thì bạn phải trở về nơi có hộ khẩu là Thượng Hải để thi đại học. Thi đỗ đại học rồi thì phải chuyển hộ khẩu vào trường đại học nơi mình có hộ khẩu, thế là không được chuyển hộ khẩu theo cha mẹ về Thâm Quyến nữa bởi người tỉnh khác không thể ghi tên thi vào trường đại học Thâm Quyến và đại học Thâm Quyến cũng không chiêu sinh là người tỉnh khác.
Hân Nhiên rất hiểu tâm sự của Diễm Diễm. Đến Thâm Quyến đã bốn năm mà chưa giải quyết được hộ khẩu, sao lại không sốt ruột cho được?
_ Bây giờ đầu óc cậu có căng thẳng không? – Hân Nhiên biết hỏi thế cũng bằng thừa, song trong một lúc không tìm được đầu đề khác dù rất muốn chuyển đầu đề câu chuyện.
_ Mình sắp chết chìm rồi! - Diễm Diễm đáp.
_ …?
_ Sắp bị bài thi và sách vở nhấn chìm rồi!
_ Cậu thi vào trường đại học nào?
_ Chưa biết, nhưng mình muốn thi vào đại học Hàng hải, đánh bạn với biển. Đánh bạn với người chán chết đi được! Cậu không hiểu được đâu, mới mười sáu tuổi, còn là tuổi hoa, còn tuổi của chúng mình đã sang tuổi mưa rồi! - Diễm Diễm lại cười buồn. Tuy chỉ hơn Hân Nhiên có hai tuổi song Diễm Diễm thích lên mặt chị.
_ Thế người khác thì thế nào?
_ À, Tô Lạp nhé, người cậu quen ấy mà! Cậu còn nhớ Tô Lạp không?
Đương nhiên Tô Lạp thì làm sao quên được. Năm Hân Nhiên vừa đến Thâm Quyến học trung học cơ sở năm thứ hai thì nhận được lá thư “tình” của Tô Lạp. Bạn rất lo sợ, liền mách với cha mẹ. Rắc rối nảy sinh từ đây, mẹ bạn đến gặp thầy chủ nhiệm của Tô Lạp… may mà thầy cô giáo ở Thâm Quyến tương đối thoáng, không có trách mắng gì Tô Lạp cả. Sau đó Hân Nhiên rất hối hận, cảm thấy không phải với Tô Lạp, còn mỗi lần gặp Hân Nhiên, Tô Lạp cũng lạnh lùng nghiêm nghị.
_ Tô Lạp có thể được gửi thẳng lên đại học Thâm Quyến, sống thế mới thú vị chứ, đâu có như mình… À này, Tô Lạp hỏi muốn sách học tiếng Anh trung học cơ sở, cậu có không?
_ Sách của mình đều đưa cho cậu mượn hết rồi mà! – Hân Nhiên đáp.
_ Thế thì cậu giúp hộ đi, mượn của các bạn cậu giùm?
_ Để mình hỏi thử xem sao.
Từ nhà Diễm Diễm trở về, đến nhà đã là sáu giờ rưỡi chiều. Vừa vào nhà, Hân Nhiên đã cảm thấy không khí không ổn. Ba ngồi ở đầu xô pha đằng kia với vẻ rất ấm ức, còn mẹ ngồi ở đầu xô pha đằng này.
_ Sao thế ba, mẹ?
_ Hỏi ba con ấy!
_ Sao thế ba? Xảy ra chuyện gì vậy?
_ Ba… ôi dào!
_ Anh nói đi, cứ nói đi, để cho con nó biết anh đã phát huy phong cách đến mức nào! - Mẹ lại lên giọng the thé.
_ Hân Nhiên, ba nhường chỉ tiêu hộ khẩu cho người khác rồi.
_ Hân Nhiên, con có nghe ba con nói gì không?
Hân Nhiên chỉ “A!” một tiếng, không biết là tỏ ý kinh ngạc hay tỏ vẻ hoài nghi, hoặc chỉ là một tiếng đáp lại. Tự bạn cũng không tin tiếng đó phát ra từ miệng mình nên hỏi thêm:
_ Thật thế sao?
_ Thật đấy, ba nhường cho bác Lý sắp về hưu – Ba cũng có phần biết lỗi – Bác Lý sắp về hưu ngay rồi, nếu không nhận được hộ khẩu thì sau này không có dịp nào nữa.
_ Chỉ mình anh tích cực, muốn làm cá nhân xuất sắc hay muốn làm chiến sĩ thi đua? Bao nhiêu là đảng viên, bao nhiêu là cá nhân tiên tiến, làm sao chỉ mình anh đạo đức cao thượng đến thế? - Mẹ vừa nóng nảy vừa cáu giận.
_ Không thể nói như thế được, lãnh đạo có cái khó của lãnh đạo chứ…
Ba lúc nào cũng rộng lòng vị tha. Một lần ba đi cắt tóc, tai bị thợ cạo rách một vết phải xé mảnh giấy con con dịt vào đấy cho cầm máu. Vừa về đến nhà mẹ đã nhìn thấy, hỏi ba làm sao nên nông nỗi, ba liền giải thích: “Cô thợ cắt tóc ấy nói đã từng cắt tóc cho bao nhiêu người nhưng chưa từng làm sứt da một ai cả!”. Mẹ cười dở khóc dở bảo: “Lẽ nào người ta lại thú nhận với ông lần ấy là lần thứ chín đã rạch mặt khách hàng nữa sao?”
Đấy, ba là một người như thế. Hân Nhiên nghĩ: “Hỏng rồi, mình rồi đây cũng như Diễm Diễm là khăn gói về quê mất thôi”.
_ Anh đã bao giờ nghĩ đến tôi chưa hả? Anh chưa chuyển được hộ khẩu thì tôi cũng chưa được điều về. Cái đất này làm sao mà chính sách lại quỷ quái đến thế? Nam có hộ khẩu đã rồi mới nghĩ đến nữ. Mong chờ mãi mới có dịp thì anh lại phát huy phong cách! Lần này chờ thì nào biết phải chờ bao nhiêu năm? Anh không nghĩ cho tôi thì thôi, cũng phải nghĩ cho Hân Nhiên và Hạo Nhiên chứ?
Hạo Nhiên là anh Hân Nhiên, con của ba và người vợ trước, hiện ở quê của ba, một vùng nông thôn tỉnh Quảng Đông. Anh sống cùng ông bà nội, rất ít khi tới thăm gia đình Hân Nhiên nên anh em mà như người dưng. Ba mẹ cũng chỉ gửi sinh hoạt phí vào một ngày nhất định hàng tháng, song từ tháng chín năm nay, mẹ không đồng ý gửi tiền cho anh nữa bởi anh đã tròn mười tám tuổi.
Ba vẫn ngồi một góc xô pha trông thật đáng thương, tay ôm lấy đầu như con dâu đời xưa. Cuối cùng, mẹ dồn tất cả sự bất mãn và oán hận vào một câu:
_ Anh ấy à, bị thịt hết chỗ nói!
Mẹ nói xong, quay người đi vào bếp. Đột nhiên, Hân Nhiên nói to:
_ Bánh mì rồi sẽ có, nhà ở rồi sẽ có, tất cả rồi sẽ có!
Tuy nói vậy song Hân Nhiên chưa hẳn đã nghĩ như vậy. Chỉ tiêu hộ khẩu chẳng chắc như ba ngón tóm con ốc đó sao? Làm sao con ốc đó còn tuột ra khỏi tay được? Nếu đúng như mẹ nói lần này không biết phải chờ bao nhiêu năm nữa thì làm sao đây? Hân Nhiên lại nghĩ, không biết ngày nào, có thể ngày kia mà cũng có thể ngày mai thôi, thầy giáo lại muốn thống kê số người không có hộ khẩu và bạn lại phải giơ tay. Thâm Quyến hiện tại không thuộc về Hân Nhiên, còn mai sau thì thế nào?
DAO CÓ KỀ CỔ CŨNG KHÔNG ĐI! Anh Hạo Nhiên gửi thư đến, nội dung chính là mong ba nể tình người mẹ qua đời đã sinh ra anh, nể tình cha con mà giúp anh chuyển hộ khẩu tới Thâm Quyến. Thư viết rất khách sáo, dường như là người trong họ nhờ vả vậy. Cũng chính vì giọng khách sáo đó mà áp lực lại càng mạnh hơn. Vì chuyện này mà ba đau cả đầu.
Hạo Nhiên suy nghĩ quá đơn giản, anh tưởng đâu Thâm Quyến kiếm tiền dễ ợt, tưởng đâu hộ khẩu là chuyện dễ dàng như hai cộng hai là bốn.
Còn ba thì cô đơn, chẳng có ai giúp đỡ.
Ba cảm thấy có lỗi rất nhiều với anh. Hạo Nhiên muốn đến Thâm Quyến làm thuê, còn ba lại không kiếm nổi giấy tạm trú cho anh. Không có một lô giấy tờ như giấy tạm trú, chứng minh thư, bằng tốt nghiệm lớp mười hai, giấy chứng nhận chưa kết hôn, giấy chứng nhận chờ việc làm… thì chẳng vào được nhà máy. Người cha cũng mong con trai trở về với mình để thỏa tâm nguyện bao năm nay, song lần này… người cha bất lực ngồi trong góc ghế buồn thiu, không biết nên giãi bày thế nào với con trai.
_ Nay anh Tạ, bệnh viện chỗ em gần đây có một ông lớn lắm đến nằm viện, ông là Cục trưởng Cục công an đấy. Người hòa nhã lắm, mới ra viện hai hôm nay thôi. Anh xem có thể nhờ ông ấy giúp được chăng? – Sau khi suy tính một hồi, mẹ nêu một đề nghị.
_ Ôi, sao có thể được kia chứ? – Ba lắc đầu – Không được đâu!
_ Anh chỉ được cái… Dào, cả đời chỉ được cái… - Mẹ cũng lắc đầu – Bây giờ là thời đại nào rồi mà anh vẫn chưa mở mang đầu óc ra thế hả?
_ Biếu xén xin xỏ! Đến nay tôi còn chưa biết làm điều đó như thế nào kia!
_ Thế anh tưởng không làm thế là thanh cao hẳn? Người ta chỉ cho anh là đồ dở hơi! - Mẹ hăng lên – Anh bây giờ ở cơ quan cũng gọi được là cán bộ trụ cột, chuyện hộ khẩu rốt cuộc rồi cũng được giải quyết thôi. Bây giờ nhờ người, tranh thủ trước đi một chút, thế thì đã sao? Em chỉ nói đến đây thôi, còn anh làm thế nào thì tùy. Hạo Nhiên là con anh, em không biết.
Ba là người có lòng tự trọng rất cao, không quen mặt dạn mày dầy. Xưa nay ông chưa từng nhận lễ của ai và cũng chưa từng đến biếu xén ai. Bất kể việc lớn đến đâu đều một mình đương đầu, song bây giờ dù sao đã lớn tuổi, ông mong con trai trở về để không xa cách ông nhiều đến thế. Một trong những mục đích ông quyết định đến Thâm Quyến là muốn gần gũi con trai, đền bù những thiếu sót hơn mười năm qua. Việc này mẹ Hân Nhiên nói là bà để mặc ông, song Hân Nhiên biết bà miệng cứng lòng mềm. Cuối cùng, ba Hân Nhiên quyết định ngày chủ nhật sẽ tới nhà ông Cục trưởng. Ông hỏi Hân Nhiên đi cùng ông có được không?
Hân Nhiên ghét những chuyện đó lắm bở bạn mới mười sáu tuổi. Bạn mong cuộc sống của mình luôn là những mảng sáng đầy nắng mà không hề có một phần bóng tối nào. Song bạn lại rất thương cha và cũng thông cảm với anh nên đành miễn cưỡng nhận lời.
Phải công nhận ba là người an phận thủ thường. Năm 1983, Thâm Quyến cần gấp một số cán bộ nghiên cứu khoa học. Có người tiến cử ông, ông nghĩ nếu thay đổi chỗ làm thì tất cả lại phải làm lại, mất rất nhiều thời gian, thế là ông cảm ơn ý tốt của người kia. Năm 1986, ba mẹ đến Thâm Quyến đón ông ngoại từ Đài Loan qua Hồng Kông để về đại lục; thấy Thâm Quyến kiến thiết cực nhanh, ba đã nao núng, song nghĩ mình chẳng còn là lứa thanh niên khí huyết đang thịnh, nay dắt díu vợ con thì lắm phiền phức, nên lại do dự. Sau đó sở dĩ ông đến Thâm Quyến thì lại do chuyện bầu bán chức danh đánh vào cả gia đình ông một đòn quá mạnh. Cả cơ quan có hơn bốn chục người, chỉ có bốn người được bình xét. Kể bề dày nghiên cứu, kể thâm niên công tác, ba Hân Nhiên đều xứng đang được bầu, song kết quả thật bất ngờ, ông lại không đủ phiếu. Mẹ bất bình lắm, nói:
_ Bạn của anh đều đã là giáo sư cả rồi, anh thì chỉ mỗi cái phó giáo sư cũng không trúng. Người hiểu anh thì bảo anh quá thật thà, người không hiểu thì tưởng anh chẳng làm được tích sự gì. Cơ quan như thế mà anh cũng định bám lấy đến chết à?
Mẹ lập tức quyết định đi Thâm Quyến, ba vẫn còn do dự. Mẹ bảo:
_ Tới Thâm Quyến là gần cha mẹ, con trai anh hơn đấy!
Nghe câu này, ba mới hạ quyết tâm. Song lần này không được như hai lần trước: không thể giải quyết ngay vấn đề hộ khẩu. Không chuyển được hộ khẩu kéo theo một lô vấn đề phiền toái như nhà ở, khí đốt, nhập học .v.v…, kể cả vấn đề của Hạo Nhiên nữa. Mẹ luôn trách móc ba không tới Thâm Quyến sớm hơn, để cho bây giờ tiến thoái lưỡng nan. Đứng trước một số vấn đề mà nửa năm, một năm nữa cũng chưa giải quyết nổi, ba cũng rất đau đầu. Nếu nói hai lần trước không chuyển đến là sai lầm, là lỡ thời cơ, thì lần sau đến phải chăng cũng là sai lầm?
_ Hân Nhiên, Cục trưởng Vương vừa mới ra viện, con phải có lễ phép đấy nhé! – Ba căn dặn song bản thân ba cứ lắc đầu hoài.
_ Ba, ba hối rồi à?
_ Hối cái gì?
_ Hối nhường chỉ tiêu nhập hộ khẩu cho người khác ấy!
Ba nghĩ giây lát, đáp:
_ Cũng có hối chút ít đấy, nhưng mà… nếu thời gian quay ngược lại ngày hôm ấy, chắc ba vẫn nhường chỉ tiêu cho bác Lý.
_ Tại sao ạ?
_ Đạo làm người mà… Không thể tự tư tự lợi quá đáng.
Hân Nhiên bối rối. Ba là người đạo đức cao thượng hay là “bị thịt”, không dám giành lấy cho mình như mẹ nói chăng? Hân Nhiên không biết nữa. Bạn cảm thấy dường như mình càng lớn càng chẳng hiểu biết hơn. Hồi nhỏ, xem phim, xem ti vi, bao giờ bạn cũng có thể chỉ ra ai là người tốt, ai là kẻ xấu; bây giờ có rất nhiều sự việc, bạn đều cảm thấy không phân biệt được rành rẽ, ít nhất thì trong một lúc cũng không nói được rõ, chẳng khác gì phân biệt trời với biển. Có lẽ biển và trời vốn không ranh giới, và thế là Hân Nhiên có thêm câu nói đầu miệng: “Không nói rõ được!”. Hân Nhiên nghĩ, có lẽ ai lớn lên cũng bối rối như vậy cả.
Đấy là khu nhà ở cao cấp có cái tên rất đẹp: “Di Tâm hoa viên”. Những người ở đây đều tai to mặt lớn cả. Hân Nhiên đã thấy khu nhà ở này trên ti vi trong tiết mục “Cửa sổ hy vọng – Thâm Quyến ở Trung Quốc”. Hôm nay bạn mới được nhìn tận mắt và cảm thấy tòa nhà còn đẹp hơn trong ti vi. Nhà Cục trưởng họ Vương ở trong khu này.
Tới cửa nhà Cục trưởng, người ba đã đẫm mồ hôi. Ba vội vàng lau khô. Vào đến nhà, ba trò chuyện với người ta đủ điều song ngượng ngùng không dám vào đề câu chuyện chính. May ông Cục trưởng mới hỏi ba đến có việc gì. Lúc ấy ba mới nói, lúng túng lộn xộn; nói xong vội vàng chuyển ngay sang chuyện khác, chỉ sợ người ta từ chối lắp tự:
_ Nhà tôi nói bệnh của Cục trưởng cần chú ý nghỉ ngơi mới được.
Cục trưởng im lặng, ba cũng không tìm được câu chuyện gì khác, chỉ ngượng ngùng ngồi đó, rất không tự nhiên. Đột nhiên ba đưa mắt cầu cứu con gái song Hân Nhiên tránh ánh mắt của ba và quay đầu đi nơi khác như hoàn toàn không hiểu tí gì.
Ba càng mất tự nhiên, lúng búng nói:
_ Thôi Cục trưởng nghỉ ngơi đi ạ, chúng tôi xin cáo từ.
Nói xong đứng dậy. Cục trưởng Vương cũng đứng lên, chỉ vào gói quà biếu mà ba lẳng lặng đặt bên cạnh bàn nước từ lúc nào:
_ Đồng chí mang về đi!
_ Một chút lòng thành thôi mà! – Ba tuy nói thế song trong lòng hẳn là không nghĩ thế.
_ Mang về đi, mang về đi! - Cục trưởng Vương xách túi quà ấn trả lại cho ba.
_ Cũng chỉ có một chai rượu với mấy gói trà sâm thôi mà! – Chai rượu ngoại mác mình người đầu ngựa và hộp trà sâm Hoa Kỳ hiệu Con Ó của Mỹ này là mua biếu riêng Cục trưởng.
Cục trưởng Vương nửa đùa nửa thật bảo:
_ Thế nào? Còn định muốn làm tôi xuất huyết não lần nữa phải vào nằm viện hay sao?
Ba như hình ảnh được ngừng lại trên phim, tay cầm gói quà, đưa biếu cũng dở mà thu về cũng dở, môi mép cứng đơ, chẳng ra cười cũng không ra mếu.
Hân Nhiên lạnh lùng nhìn hai người. Thấy bộ dạng ba ngớ ngẩn vụng về, không biết làm sao cho thích hợp, bạn vừa thương vừa bực.
Hân Nhiên rất thất vọng. Hình tượng cao cả của ba trong mắt bạn vụt tan biến. Bạn luôn sùng bái ba, coi ba như thần tượng trong sự nghiệp, thế mà bây giờ tất cả đã sụp đổ. Bất giác bạn liếc nhìn ba với ánh mắt coi thường.
Đúng lúc đó, cửa nhà Cục trưởng Vương xịch mở, cậu con trai bước vào kêu: “Ba!”
Vừa nhìn thấy là Vương Tiếu Thiên, Hân Nhiên suýt ngất xỉu. Trời ơi! Bạn đã đi cửa sau đưa lễ đến nhà một bạn học cùng lớp!
Chỉ tại năm học mới, chưa hiểu biết nhau bao nhiêu! Hân Nhiên đâu có biết Vương Tiếu Thiên là “công tử” của Cục trưởng Cục công an? Nếu biết, thì dù dao có kề cổ, bạn cũng chẳng chịu đi, mà cũng không để ba đi. Xấu hổ, mất mặt! Hân Nhiên thầm rủa. Các cô gái vào tuổi này đều hết sức nhạy cảm, lòng tự tôn rất mạnh. Hân Nhiên gục đầu xuống cho thật thấp, thật thấp. Nếu lúc này đất nứt ra một lỗ nẻ thì nhất định bạn sẽ chui luôn xuống.
Trái lại, Vương Tiếu Thiên rất nhiệt tình:
_ Hân Nhiên đấy à?
Hân Nhiên càng xấu hổ, bạn sượng sùng ngẩng đầu lên, gượng cười với Vương Tiếu Thiên rồi vội vàng lại cúi đầu xuống.
Lúc này ba Hân Nhiên đã thừa cơ đặt đồ lễ vào một góc, miệng nói:
_ A! Quý công tử quả là nhân tài, ha ha… Hân Nhiên, con quen à?
_ Là bạn học cùng lớp ạ! - Tiếu Thiên hoa tay về phía Hân Nhiên, nói tiếp với cha bạn – Thưa chú, chú nói chuyện ạ, cháu phải đi đây!
_ Được, được! – Ba đáp.
Hân Nhiên kín đáo giật mạnh góc vạt áo ba, ba lập tức hiểu ý:
_ Thôi thôi, chúng tôi cũng xin về thôi. Cục trưởng chú ý dưỡng bệnh, ngày khác xin lại đến viếng thăm.
Ra khỏi cửa, Hân Nhiên hà một hơi rõ mạnh. Mặt trời giữa trưa chói chang khiến người váng vất. Dưới ánh nắng, Hân Nhiên nhắm mắt lại còn ba luôn tay lau mồ hôi trán.
_ May mà con trai ông ấy về, chứ không, chẳng còn biết kết thúc ra sao. May mà con trai ông ấy về, chứ không, chẳng còn biết rút lui cách gì?
Hân Nhiên bực mình, cắm cổ đi một mạch như thi đi nhanh vậy.
_ Hân Nhiên, đừng đi nhanh quá thế, đợi ba chút nào…
Ba gọi ở phía sau. Hân Nhiên vẫn rảo chân bước thật nhanh, sau đó sải chân chạy. Dần dần tiếng ba xa vời rồi mất hẳn.
Hân Nhiên đi dưới bóng cây. Ánh nắng xuyên qua kẽ lá, để rơi vàng vụn khắp đất. Hân Nhiên bước trên đám vàng vụn đó, vàng vụn vây bọc lấy bạn. “Chỉ tại đám lá cây che mặt trời đi, nếu không đã không có nhiều bóng râm đến thế! Mình chỉ cần ánh nắng thôi!” – Hân Nhiên nghĩ.
Tại sao ba mình lại phải khúm núm trước ba của người khác? Bị thịt! Hân Nhiên chợt nghĩ đến mấy chữ mà mẹ thường chì chiết ba và cảm thấy rất xác đáng. Đúng là bị thịt! Mất mặt! Vương Tiếu Thiên sẽ nghĩ sao về mình? Bạn ấy hay bô bô, lại chẳng đem chuyện kể với cả lớp? Hẳn là thanh danh uy tín của mình đổ xuống sông xuống biển! Hân Nhiên càng nghĩ càng tức, càng tức càng nghĩ.
MỘT CHÚT LÒNG THÀNH MỘT HŨ RƯỢU Hân Nhiên nghiêm túc thẩm tra đơn xin vào Đoàn của Vương Tiếu Thiên. Bạn vốn định phát triển Đoàn với Tiếu Thiên song từ khi biết tình hình gia đình của Tiếu Thiên, bạn suy nghĩ lung lắm! Có nên đưa lên trên không? Đưa lên có sợ bị nghi là vào hùa không? Không đưa lên thì vô lương tâm quá!
Nhà trường quy định sáng thứ hai hàng tuần, giờ tự học sáng sớm dành để nghe phát thanh, đọc báo và học thời sự. Trong thời gian ấy, lớp phó các lớp đều phải đứng trên bục giảng điều khiển các bạn học tập, phát biểu.
Hôm nay trên đài đang phê phán những thói tệ như mời khách, biếu đồ lễ v.v… Tiếng loa vang vang:
_ Một số người vì muốn đạt được mục đích nào đó đã hối lội những người không chịu được thử thách của viên đạn bọc đường…
Tiếu Thiên nói xen:
_ Cái thói ấy phải phê cho chừa!
Cả lớp bắt đầu bàn tán ồn ào. Người khác nghe không rõ chứ mấy chữ “hối lộ”, “đưa lễ” cứ như rót vào tai Hân Nhiên. Đứng trên bục giảng, Hân Nhiên cảm thấy mình không phải là người điều khiển mà như là người bị phê phán, mọi lời nói của các bạn dường như nhằm nói cho cô nghe, chẩng khác gì đại hội đấu tố thời “cách mạng văn hóa”. Chịu không nổi, Hân Nhiên lớn tiếng nói:
_ Đừng làm ồn nữa để nghe phát thanh!
Tiếu Thiên bật đứng lên, mắt còn ngó sững:
_ Thì đang nghe đấy chứ! Chẳng lẽ bạn không đồng ý như thế hay sao?
Hân Nhiên không nhớ mình đã đáp lại như thế nào, cũng không biết kết thúc buổi tự học này ra sao.
Khi Hân Nhiên ngồi vào chỗ của mình, bạn cảm thấy đau đầu. Lâm Hiểu Húc bước tới hỏi bạn thấy khó chịu ở đâu.
_Tim tưng tức thế nào ấy!
_ Tim à? - Hiểu Húc chớp chớp mắt, tỏ ra không hiểu – Có phải tới phòng y vụ không?
_ Không cần, mình ngồi một lát là khỏi.
Tuy gục đầu xuống bàn song Hân Nhiên vẫn cảm nhận được không khí của lớp. Vương Tiếu Thiên lại đang tán róc. Hân Nhiên cảm thấy căng thẳng: Bạn ấy nói gì nhỉ, phải chăng kể chuyện mình đến nhà bạn ấy đưa lễ? – Vương Tiếu Thiên đang nói chuyện với Lưu Hạ, nói chuyện gì mà cười thế nhỉ? Tại sao cả hai đều cười? Nhất định Tiếu Thiên mách với Lưu Hạ rồi. Tiếu Thiên hay giở cái trò đó để lấy lòng các bạn gái. Việc này Tiêu Dao đã biết chưa? Bạn ấy hẳn cho mình là bắt quàng người sang, rất tầm thường. Hân Nhiên rất chú ý xem Tiêu Dao nghĩ như thế nào, rất chú ý cách nhìn nhận của Tiêu Dao đối với mình.
Thật là một ngày thu rách việc. Hồi học tiểu học , học đến chữ sầu, thầy giảng sầu do chữ thu ở trên ghép với chữ tâm ở dưới.
Trong giờ giảng, Hân Nhiên theo dõi nhất cử nhất động của Tiếu Thiên. Lúc đầu bạn nghe thấy Tiếu Thiên trao đổi với Tiêu Dao về “giảm 2 bằng 1.14159”. Bài làm gần đây không dùng tới số, họ nhắc tới số đó làm gì nhỉ? Đúng rồi, rõ ràng Tiếu Thiên còn nói: “Một chút lòng thành một hũ rượu”, hẳn là giễu mình chứ gì? Một lát sau lại nghe tiếng Lưu Hạ nói với Tiếu Thiên:
_ Tiếu Thiên, hôm qua cậu đi đâu?
_ Chẳng đi đâu cả.
_ Thế sao cậu không gọi điện cho mình? Chẳng phải đã hẹn là so bài tập sao?
_ Ừ nhỉ, hôm qua mình đi đánh bóng, về nhà thấy Hân Nhiên đến, thế là quên!
_ Cái gì? Hôm qua Hân Nhiên đến nhà cậu? Đến làm gì?
Nghe tới đây, tim Hân Nhiên thót lên tận cổ.
_ À, Hân Nhiên, bạn ấy… đến đưa bài tập toán cho mình. Tớ không biết làm bài ấy, bạn ấy bảo giúp - Tiếu Thiên đáp.
Hân Nhiên kinh ngạc. Sao Tiếu Thiên lại nói như vậy nhỉ?
_ Hân Nhiên, Tạ Hân Nhiên! – Lưu Hạ gọi.
Hân Nhiên làm ra vẻ bất chợt bị gọi chứ không phải trước đó đã nghe thấy, hỏi lại:
_ Gọi gì mình thế, Lưu Hạ?
_ Này Hân Nhiên, Tiếu Thiên hối lộ cậu thế nào mà cậu bảo hắn làm bài thế? Mình cũng kém toán, cậu chỉ giúp mình nhé!
Vừa nghe thấy hai tiếng “hối lộ”, Hân Nhiên đã căng thẳng:
_ Tớ… tớ…
Hân Nhiên không còn hiểu ra sao nữa? Rốt cuộc Tiếu Thiên là người như thế nào? Hắn diễn kịch hay là tốt bụng? Hân Nhiên cầm lá đơn xin vào Đoàn của Tiếu Thiên. Đưa lên trên hay không đây?
Từ sau ngày đến nhà Tiếu Thiên, Hân Nhiên trở nên ít nói. Nhất là ở nhà lại càng chẳng nói câu gì.
Người cha xưa nay sơ ý, vụng về dường như cũng nhận ra. Ông vẫn ít nói như trước nhưng lại muốn đón ánh mắt con nhiều hơn, song thật khó mà bắt chộp được ánh mắt của Hân Nhiên. Bạn không chịu tha thứ cho ba, không muốn giao lưu dù chỉ bằng ánh mắt với ông, không thể tiếp nhận bất kỳ một tin tức nào do mắt ông truyền tới. Bạn biết lúc này mắt ba hẳn đầy vẻ buồn rầu và tự trách song tất cả chẳng ăn thua gì nữa rồi.
Thế là Hân Nhiên bất chợt phát hiện ra một lô khuyết điểm của ba, nào nhút nhát, nhu nhược, lúc nào cũng phụ họa ý mẹ, chẳng có chủ kiến gì. Đúng rồi, ba còn biết đan áo, mấy chiếc áo len của Hân Nhiên đều do ba đan đấy thôi. Về điểm này mẹ lấy làm đắc ý lắm, còn Hân Nhiên cả khi nói đến cũng thấy ngượng. Thậm chí Hân Nhiên còn lấy làm lạ rằng sao trước đây bạn lại sùng bái ba đến thế!
Ba là người không biết biểu đạt tình cảm của mình, ông chỉ có cách cố gắng trong im lặng. Một hôm, ông bưng một đĩa bánh ga tô đến cho Hân Nhiên:
_ Đây là thứ bánh điểm tâm chính hiệu Quảng Đông, con nếm mà xem!
_ Bánh này mà cũng ăn sao?
Ba không kịp có phản ứng gì.
_ Sao không đem đi biếu ông quan lớn mà ba muốn cầu thân ấy?
Người cha sững sờ nhìn con, má giật lên mấy cái, chẳng nói được gì, chỉ thất thểu lui ra, lắc đầu lia lịa.
Nhìn theo tấm thân gầy yếu và mái tóc muối tiêu ấy, Hân Nhiên bật khóc tức tưởi, song bạn không sao nhận lỗi về hành vi vừa nãy của mình được. Hân Nhiên cũng đau lòng lắm chứ!
Chuyện đến nhà Vương Tiếu Thiên, mãi sau này Hân Nhiên cũng không làm sao quên được. Xem ra xóa bỏ sự xa cách giữa cha và con đâu phải chuyện dễ.