Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Tuổi hoa tuổi mưa

  Cùng một tác giả
Không có truyện nào


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 13205 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Tuổi hoa tuổi mưa
Úc Tú

CHƯƠNG XXV
Trên sân vận động của trường trung học Số Chín có tới gần ngàn học sinh, họ ở đó không phải để tập thể dục thể thao mà là để học nhảy các điệu giao tiếp.
Thầy giáo dạy nhảy hướng dẫn trên bục còn học sinh tập ở dưới. Ai cũng bảo học sinh bây giờ tân tiến, nhưng ban lãnh đạo trường học còn tân tiến hơn. Họ thống nhất sau khi tan học cho học sinh ở lại trường học nhảy những điệu giao tiếp. Thầy giáo còn chêm câu hài hước: “Đây là nhiệm vụ chính trị!”. Đầu tiên đám học trò còn ngượng ngịu, dần dần trong tiếng nhạc vui tươi thúc giục, cả đám học sinh đã bắt đầu nhảy, vui vẻ, cười đùa.
Rất nhiều thầy cô tham gia học nhảy. Cô giáo người nước ngoài, cô Bạch, lại cả cô giáo dạy Chính trị suốt ngày làm mặt nghiêm cũng tham gia. Đám học trò vô cùng ngạc nhiên khi thấy hôm nay cô giáo dạy Chính trị mặc váy. Trước kia không thấy cô mặc váy bao giờ, học trò đều chế cô là “Bà già mồng Tám tháng Ba”. Hôm nay cô mặc chiếc váy hoa nhỏ màu sẫm. Đám học trò vừa nhảy múa vừa quây lấy cô, ngắm nghía hết bên phải lại bên trái.
_ Thưa cô, cô nên mặc váy ạ. Chân cô thon dài thế kia, không mặc váy thì phí lắm ạ!
_ Thưa cô, hôm nay cô xinh ghê! Sao trước đây cô lại không mặc váy ạ? Chúng em lại cứ tưởng chân cô không được đẹp!
_ Thưa cô, hôm nay cô đẹp lắm. Vừa trẻ trung vừa rực rỡ.

Cô giáo được khen nhiều quá đến phát ngượng song khuôn mặt đầy nếp nhăn của cô rạng rỡ như một đóa hoa cúc:
_ Có thật không?
_ Thật đấy ạ. Cô đẹp không tả được!
_ Mọi người hãy nhảy đi, lát nữa còn chấm điểm. Các bạn nam mời các bạn nữ nào! – Tiêu Dao vẫy vẫy Hân Nhiên – Tôi mời bạn nhảy được không? Chúng mình dẫn đầu nhé!
Đang nhảy điệu “Hai mươi bốn bước” với Hiểu Húc, nghe thấy Tiêu Dao mời, Hân Nhiên vui vẻ nhận lời:
_ Phải đấy!
Đôi dẫn đầu này đã thu hút được các bạn cả lớp.
Khi ấy cô Bạch đi đến gọi:
_ Hân Nhiên, cô có chút việc nhờ em.
Hân Nhiên ngừng nhảy, cô giáo kéo tay bạn vào chỗ bóng cây. Trông họ thân thiết như chị em chứ không phải thầy trò.
_ Hân Nhiên à, cô nói cho em chuyện này nhưng em phải hứa trước là không được sụt sịt đấy.
Hân Nhiên thấy lo lo:
_ Chuyện gì ạ?
_ Cô sắp đi rồi.
_ Đi đâu ạ?
_ Đi làm ở công ty. Cô chuyển ngành, không làm cô giáo nữa.
_ Làm cô giáo không tốt sao? Sao cô lại có thể bỏ đi được ạ?
_ Hân Nhiên, nghe cô nói đây. Thực ra làm giáo viên ở Thâm Quyến lương khá hơn nhiều so với ở nội địa, chỉ vì cô…, nói theo cách của các em là thế giới bên ngoài rất sinh động, cô muốn ra ngoài xã hội học hỏi thêm đôi điều.
Hân Nhiên dẩu môi, tỏ ý không vui.
_ Hân Nhiên, đừng làm bộ dạng ấy. Cô sắp đi rồi, em cũng chẳng chịu cười lên để cho cô có ấn tượng tốt sao? – Cô Bạch nói như là chị gái.
_ Khi nào cô đi ạ?
_ Tuần sau. Cô cũng định nói trên lớp cơ. Nhưng sắp thi rồi, sợ ảnh hưởng đến tư tưởng các bạn. Khi nào thi xong nhờ em nói với các bạn cho cô xin lỗi.
_ Như vậy có thể gọi là “xuống biển” không ạ?
Cô Bạch ngẫm nghĩ một lúc mới nói:
_ Cứ coi như thế đi. Nhưng việc cô “xuống biển” thực ra không có ý nghĩa của việc làm kinh tế như thường nói. Cô nghĩ là mình hãy còn trẻ, cần phải có thêm kinh nghiệm sống. Nếu có sự rèn luyện phong phú một chút thì khi lớn tuổi rồi cái “vốn” của cô mới kha khá. Chẳng phải bây giờ người ta hát “bình bình thường thường mới là thật” sao? Thực ra đấy là công việc của những người có tuổi, còn theo cô nghĩ con người ta phải sống một cuộc sống cho ra sống, sống oanh liệt. Những điều bình thường đơn giản không xứng đáng với cả một quãng đời đẹp như vậy. Ít nhiều gì thì cũng nên thể hiện được giá trị của một con người!
Hân Nhiên gật đầu:
_ Cô ơi, cô phải viết thư cho em đấy!
_ Ở cuối thư cô sẽ viết: “Cô giáo và bạn thân của em”.
Thật khó có được tình nghĩa thầy trò như thế.
_ Hân Nhiên à, cô có một bài văn rất hay. Có thể nói khi cô quyết định rời xa thành phố lớn để tới thị trấn nơi biên thùy là nhờ bài văn này khích lệ cô. Trong những lúc gian khổ, khó khăn cô thường đem nó ra xem. Giờ cô ra đi cô tặng lại em. Hy vọng nó sẽ giúp đỡ em.
Cô Bạch nói xong liền rút từ trong túi đeo vai ra một quyển sổ bìa đỏ rất quê, sản xuất từ mấy năm trước, trong đó có kẹp một tờ giấy. Cô đưa tờ giấy cho Hân Nhiên:
_ Bây giờ đừng xem vội, đi ra nhảy đi đã, nếu không nhỡ nhà trường kiểm tra lớp, em lại bị trừ điểm đấy.
Hân Nhiên đón lấy bài văn, rưng rưng suýt khóc nhưng cố nén:
_ Cô ơi, cô còn nợ em một cái bánh gato nữa đấy! - Định nói câu này cho không khí dịu nhẹ đi một chút, nào ngờ nói xong lòng càng nặng trĩu.
_ Nhớ chứ, lại là Socola nữa chứ!
Các bạn đang nhảy hết sức cao hứng, vui ghê. Chẳng có ai biết cô Bạch sắp ra đi. Mọi người nhảy hết mình, múa hết mình.
Hôm nay Trần Minh cũng phá lệ khiến cho mọi người vô cùng ngạc nhiên. Cậu ta ăn mặc rất diện, hợp thời trang. Nhưng trong ý thức chung cậu ta khác hẳn mọi người. Cậu ta mà chịu học nhảy thì đúng là “Mặt trời mọc hướng tây”.
_ Nhảy đi nào, nhảy đi nào. - Lớp trưởng lại hô hào.
Từng đôi từng đôi bạn lại bắt đầu nhảy. Lâm Hiểu Húc đứng ngay trên đầu đội hình với dáng ngượng ngùng dịu dàng.
Trần Minh vượt qua mọi người lách lên trên đầu:
_ Lâm Hiểu Húc, tôi mời bạn nhảy được không?
Câu mời đột ngột của Trần Minh khiến Hiểu Húc giật nảy người. Bạn không ngờ Trầnh Minh lại mời mình.
_ Tôi… tôi nhảy không thạo lắm - Hiểu Húc đáp.
_ Tôi cũng có biết nhảy đâu.
Trong tiếng nhạc du dương dìu dặt, Trần Minh bỗng chú ý đến người bạn nhảy: Nước da trắng muốt, đôi mắt nhỏ dài, đôi môi sắc nét mang một vẻ đẹp thật cổ điển. Nhưng Trần Minh không bị xúc động lắm. Cậu ta biết kìm chế từng lời nói và hành động của mình.
Trần Minh vừa cần sự thân ái vừa cần thông cảm. Bất kể một người nào dù tự giác hay không tự giác cô lập mình, kiềm chế mình, bất kể một người nào dáng vẻ cô độc lãnh đạm thì trong lòng người ấy bao giờ cũng cần sự quan tâm và săn sóc.
Lần đầu tiên Trần Minh tự cởi bỏ “vỏ bọc”, xuất hiện trước tất cả mọi người với vẻ chân thực của chính mình. Thật là thoải mái.
Ngược lại Lâm Hiểu Húc lại cúi gằm mặt xuống, cẩn thận đi từng bước sợ giẫm phải chân Trần Minh. Bất ngờ, ngẩng mặt lên Hiểu Húc bắt gặp đôi mắt trai trẻ rừng rực của Trần Minh giống như mắt của một con tuấn mã sung sức. Đó làm một đôi mắt hoàn toàn khác với mắt thầy Giang. Bạn cảm thấy bối rối hoảng sợ.
Hai người hết sức cẩn thận chăm chú với đôi chân mình.
Trần Minh hôm nay rất chủ động, cậu ta hỏi:
_ Lâm Hiểu Húc à, bạn chọn khoa văn hay khoa lý?
_ Mình… mình vẫn chưa quyết định - Rồi hỏi lại - Thế còn bạn?
_ Khoa lý.
_ Nói chung ai học giỏi đều chọn khoa lý cả.
Trần Minh cười. Trông cậu ta cười thật hiền.
_ Bạn thi vào Thanh Hoa à?
_ Ừ! - Trần Minh gật đầu.
_ Trường ấy tốt lắm. Ba mình tốt nghiệp Thanh Hoa đấy. Tiếc là mình học lý không được giỏi lắm nên không thi vào Thanh Hoa được.
Nghe câu nói đó Trần Minh vui lắm.
_ Chẳng phải bạn rất thích khoa văn sao? Sao lại không thi ngành văn.
_ Mình… - Hiểu Húc ngập ngừng không biết trả lời sao – Mình…
_ Con người ta ai cũng phải có lý tưởng và mục tiêu. Vào trường Thanh Hoa là mục tiêu của mình. Nếu như khi còn trẻ mà không thực hiện được điều đó, thì lúc nào mới thực hiện được đây?
Lâm Hiểu Húc sững sờ, thong thả ngước mắt nhìn bạn: “Đúng là một con Thiên lý mã sắp bay cao đây!”
_ Bạn học văn thì rất hợp! - Trần Minh nói.
Hiểu Húc gật đầu, rất ngạc nhiên vì sao Trần Minh lại biết được niềm say mê của mình.
_ Nào cùng nhảy 24 bước nhé! – Tiêu Dao phát huy tài tổ chức xuất sắc của mình - Nhảy cho đều bước, cùng hô nhé!
Một hai ba bốn, hai hai ba bốn…
Trong tiếng nhạc thúc giục, tiếng hô đánh nhịp sôi nổi, các bạn học sinh bước đều tăm tắp, vỗ tay nhịp nhàng, dốc hết nhiệt tình cao độ. Đối với thanh niên thì đây đúng là một dịp hưởng thụ tuổi xanh xuân của mình.
Ngẩng nhìn bầu trời cao trong sáng, mây trắng trôi trên nền trời xanh mênh mông, thoáng đãng thật trữ tình biết bao. Hân Nhiên nhớ tới bài thơ của Tịch Mộ Dung:
Trời xanh như thế!
Cây biết như thế!
Cuộc sống vốn có thể
Tươi đẹp như thế.

NHẤT ĐỊNH PHẢI ĐỖ ĐẠI HỌC
Đã hai tuần nay Liễu Thanh không về nhà. Liễu Thanh không thích về. Thực ra nhà cũng không xa trường là mấy nhưng Liễu Thanh muốn ở lại trường và nói là để “tiết kiệm thời gian, dành sức cho việc học”. Trong lòng Liễu Thanh cũng hiểu rõ rằng có ở trường cũng không tiết kiệm được thời gian. Ra nhà ăn để ăn cơm cũng phải xếp hàng, thay ra một đống quần áo cũng phải tự tay giặt. Nhưng bạn thích thế bởi ở lại thì đỡ phải nghe bố mẹ cãi nhau.
Hôm nay lại một ngày chủ nhật nữa. Học sinh nội trú hầu hết về nhà. Giờ này khu nhà tập thể trống vắng hẳn, khác hẳn cảnh người đông lao xao vào giờ này thường ngày. Liễu Thanh nằm giường trên. Cô tựa người vào gối, tay cầm cuốn sách tiếng Anh. Cái quạt máy kêu vù vù bên cạnh.
“Tri tri… tri tri… tri tri…”
Ngoài cửa sổ chỗ cây ngô đồng vang lên tiếng hát rất tự tin của chú dế mèn. Đám học sinh ngồi dưới gốc cây đang vùi đầu đọc sách. Cho dù ai đó xuất sắc nhất, giỏi giang nhất thì trong thời khắc mấu chốt sắp tới kỳ thi này cũng chẳng dám thốt lên hai chữ: “tri tri” (biết rồi)
Liễu Thanh càng không dễ dàng gì. Trong gia đình, bạn là người có trình độ văn hóa cao nhất. Sinh viên tương lại còn gì! Vào được trường trung học Số Chín đã coi như bước một chân vào cổng trường đại học rồi, bởi không phải dễ mà thi đậu vào trường này. Bạn không thể so sánh được với Trần Minh. Tuy nhà Trần Minh cũng không phải có trình độ văn hóa gì cao lắm, nhưng ở nhà cậu ta được coi như “con giời”. Cha, mẹ, chị đều sợ cậu ấy. Cậu ấy có hoàn cảnh học tập cực kỳ yên tĩnh. Liễu Thanh chẳng những không được sống trong không khí trí thức mà còn chẳng có chỗ dành cho việc học tập. Ở lớp Chín, để thi vào lớp trọng điểm của trường trung học này bạn phải học trong hoàn cảnh lúc nào trong nhà cũng ầm ĩ, liệu có dễ dàng không? Suốt ngày ba mẹ bàn luận nào là cổ phiếu, nào là tiền, đâu có để ý gì đến bạn! Chẳng những không quan tâm đến con gái, bố mẹ còn phản đối Liễu Thanh thi vào trung học phổ thông, bảo là: “Ăn no sinh lắm chuyện!”. Đi học cả ngày, về nhà Liễu Thanh còn phải nấu cơm để đón tiếp bậc “công thần” là mẹ trở về tự một Sở giao dịch cổ phiếu nào đó. Có lẽ bởi Liễu Thanh không được xinh đẹp như hai chị gái cho nên bạn chăm chỉ hơn các bà chị. Vừa rời chân khỏi một trường bình thường nọ là bước ngay sang một trường trọng điểm của thành phố…
Có lẽ là trường trọng điểm mà bản thân dốc sức liều chết thi vào được, bây giờ buộc phải thôi học nên bạn vô cùng đau lòng. Nghĩ tới những điều đó, Liễu Thanh cảm thấy thật chua xót. Đối với việc xuất ngoại, Liễu Thanh cũng có nhận thức riêng. Bạn không được tự tin như Tiêu Dao, không có can đảm như Tô Lạp, không có sắc đẹp như chị gái nên ý nghĩ đầu tiên của bạn khi nghĩ đến việc ra nước ngoài là “Sợ”. Xuống máy bay rồi đi thế nào đây? Mình nói tiếng Anh người ta có hiểu không? Làm thế nào để sinh sống? Gặp người xấu thì giải quyết thế nào?... Người đẹp như Liễu Mi còn sống không ra gì nữa là người không được đẹp như mình? Từ khi Liễu Mi về nước lần thứ hai, Liễu Thanh luôn cảm thấy sợ hãi. Nhưng hễ cứ thấy người ta ra đi là bạn lại ngứa ngáy. Việc Tiêu Dao không xuất ngoại, Liễu Thanh đã biết, cô rất cảm động. Ở trên lớp, Tiêu Dao đã từng nói về những suy nghĩ của mình. Câu cuối cùng của bạn ấy gây ấn tượng thật sâu sắc với Liễu Thanh. Tiêu Dao bảo: “Nếu một người trong các bạn đang phải chuẩn bị lao vào trận lốc của những người xuất ngoại thì nhớ phải lượng sức mà làm. Hãy nghĩ xem bản thân mình liệu có đủ tài lực, tinh lực, trí lực hay không!”. Liễu Thanh cảm thấy câu nói đó là dành cho mình. Bạn không thể không cân nhắc sức lực của mình. Bạn nghĩ ít ra cũng phải thi tốt nghiệp trung học phổ thông đã rồi mới tính.

Tiếng gõ cửa dồn dập, liên tiếp không ngớt. Liễu Thanh không vui hỏi:
_ Ai đấy?
_ Liễu Thanh, mẹ đây!
Sao mẹ lại đến tìm nhỉ? Có chuyện gì chăng? Liễu Thanh vội nhổm dậy tụt xuống đất. Vừa trả lời mẹ vừa vội vàng dọn dẹp căn phòng rồi mới ra cửa đón mẹ.
Mẹ đứng sững trước cửa như một cây cột, tay cầm cái túi nilong lớn, mặt bực dọc:
_ Làm cái gì mà lâu thế?
Nói rồi mẹ bước vào phòng, ngắm nghía xung quanh. Một căn phòng kí túc sáng sủa nhưng bừa bộn. Trên bàn còn bừa bãi vỏ dưa ăn tối qua, những chiếc bát vương mì ăn thừa, góc bàn là một đống sách tham khảo.
_ Có giỏi thì cả đời đừng về nhà nữa nhé!
_ Con sắp thi học kỳ!
_ Mày thôi học rồi còn gì nữa!
Liễu Thanh giảu môi, ngồi trong góc giường tầng dưới, không nói gì. Mẹ mở túi ni lông vừa mang tới, dịu giọng lại:
_ Đây là quần áo sạch.
Liễu Thanh có vẻ ngượng:
_ Cái này cho con đây! - Mẹ đưa túi hoa quả.
Liễu Thanh lại càng ngượng. Do dự mãi bạn mới cầm một quả vải bóc vỏ, cảm thấy cổ họng nghèn nghẹn. Đã quen với cảnh “bị bỏ quên” nay bỗng dưng nhận được “ơn huệ” Liễu Thanh lại cảm thấy thiếu tự nhiên.
Người xưa nói: nước chảy xuôi chứ nước có chảy ngược bao giờ! Quả đúng thật.
Liễu Thanh chợt cảm thấy mắt mờ đi, bạn bỏ miếng vải vào mồm không thấy ngọt như trước mà sao cứ đăng đắng! Mẹ đang thu dọn quần áo bẩn của Liễu Thanh cuộn thành một cục nhét vào túi. Được chiều mà bạn lại thấy khó xử. Mẹ là người như thế đó. Đứa con nào ở liền bên thì mắng đứa ấy, đứa con nào đi xa lại thương nhớ đứa ấy.
_ Mẹ ơi, con tự giặt được mà!
Mẹ không nghe cứ nhặt nhạnh quần áo:
_ Thế cuối cùng con đã nghĩ kỹ chưa hở Liễu Thanh?
Liễu Thanh không nói gì, cũng không động đậy.
_ Sao con cứ như người gỗ thế. Mẹ cho con biết… đừng có hối hận đấy. Con xem hai chị con giỏi giang bao nhiêu. Còn con? Thi đại học, liệu có đỗ không? Hơn nữa, đại học là cái gì? Ra nước ngoài mới oách chứ! Đồ ngốc ạ, sao lại chậm hiểu thế. Sao không biết kiếp trước tôi mắc tội nợ gì mà kiếp này lại có đứa con dại khờ thế!
Mẹ lại mắng mỏ rồi. Liễu Thanh không giận mẹ nhưng bao nhiêu cảm giác có lỗi lúc nãy giờ đã bay biến cả. Bị mắng thế nhưng Liễu Thanh lại cảm thấy bình tĩnh hơn, dễ chịu hơn. Chẳng ai nợ nần ai cả.
_ Con nghĩ lại đi, mẹ về đây!
Còn nghĩ gì nữa. Từ trước tới giờ mẹ toàn thiên lệch, thấy các chị mình cái gì cũng tốt, còn mình cái gì cũng dở. Liễu Thanh quyết làm được cái gì đó cho mọi người thấy. Mẹ quá thiên lệch. Mẹ bảo khi sinh chị Liễu Diệp mẹ mơ thấy hoa hồng, sinh chị Liễu Mi mơ thấy hoa phượng hoàng, còn sinh mình thì thấy cỏ đuôi chó. Thế mà gọi là mộng à? Liễu Thanh không phục.
_ Con học tiếng Anh cho tốt nhé, mẹ đi đây!
Liễu Thanh tiễn mẹ xuống nhà. Trên hành lang lung tung hàng đống rác, nhà vệ sinh bốc mùi hôi nhức mũi. Chị lao công dọn nhà vệ sinh chê tiền lương ít nên đã bỏ việc đi buôn bán rồi.
_ Chúng mày ở bẩn kinh! Nếu không hẹn với Trương Thái đi xem đồ trong nhà thì tao cũng chẳng tiện đường mà thăm mày đâu con ạ!
Hóa ra là thế! Hôm nay đến trường thăm mình chẳng qua là mẹ “tiện đường” mà thôi!
_ Cổ phiếu lại lên rồi, hơn 270 điểm - Mẹ vô cùng sung sướng nói.
Liễu Thanh nhìn mẹ ra về, lòng xót xa. Sự lên xuống của cổ phiếu tác động trực tiếp đến thái độ của mẹ đến thế!
“Nhất định mình sẽ thi đỗ đại học bằng chính sức lực của mình!” - Liễu Thanh tâm niệm.

NGƯỜI XA NHÀ CÓ TIỀN ĐỒ NHẤT. CHÚC BẠN THÀNH CÔNG
Ở nước Anh người ta từng thống kê, những người giàu ý thức sáng tạo và tinh thần sáng tạo phần lớn là những người sinh trưởng ở nơi khác tới. Người Mỹ nổi tiếng có tinh thần “sáng tạo” thì rất khó kiếm được một nơi sống cố định suốt đời, vì thế người ta gọi dân tộc American là dân tộc “mất gốc”.
Sau cải cách ở nông thôn Trung Quốc, trong số nhiều nông dân giàu phất lên có không ít người hay đi đây đó và cả những quân nhân phục viên. Họ có tầm nhìn rộng, có phản ứng nhạy bén với các chính sách của Đảng, lĩnh hội mọi việc rất nhanh. Có thể thấy những nhân tài sáng tạo chỉ có thể xuất hiện trong một xã hội lưu động. Người hiện đại chỉ có thể hình thành trong sự lưu động ấy. Đó không phải chỉ là suy luận logic mà chính là sự thực lịch sử.
Một người được coi là sáng tạo nhất thiết phải có được ba tố chất căn bản thức, đảm, tài.
“Thức” chỉ nhãn lực, có khả năng quan sát sự vật và có tính nhạy bén. “Đảm” chỉ lòng dũng cảm, dám có tinh thần mạo hiểm. “Tài” chỉ trí tuệ, có trình độ văn hóa, có tay nghề, có phương pháp, cả ba yếu tố đó phải dựa vào nhau không thể thiếu bất cứ điều nào. Sự hình thành cả ba tố chất ấy thường quyết định ở mức độ rất lớn nơi lượng tin của người ấy, mà lượng thông tin nhiều hay ít lại có quan hệ chặt với tính lưu động, điều kiện nơi ở và hoàn cảnh công tác của người đó.
Nếu như ai đó sống mãi một thời gian dài, trở đi trở lại với hoàn cảnh gần như không đổi, không có lượng thông tin kích thích anh ta suy ngẫm, so sánh thì rất dễ bị xơ cứng về mặt tư tưởng, lại càng khó có năng lực dự đoán tương lại. Ngược lại một người khác thường sống trong một môi trường khoáng đạt luôn thay đổi, một không gian mênh mông, tiếp xúc nhiều thông tin mới thì phương pháp “ma sát sinh ra nhiệt” chắc chắn sẽ phát huy tác dụng tốt. Lối suy nghĩ của anh ta sẽ được mở rộng, tất cả những điều quan sát được trong những hoàn cảnh khác nhau ấy sẽ được so sánh, tìm ra qui luật và từ đó dự đoán được tương lai, tìm ra được “xu thế lớn” của xã hội. Bởi xã hội luôn nằm trong sự vận động cân bằng, nên ngày hôm nay ở nơi này rất có thể sẽ là ngày mai ở nơi khác.
Một con người cứ sống dựa mãi vào bố mẹ, nói câu nào là phải nhìn ánh mắt người xung quanh, nhất là phản ứng của cha mẹ đối với mình thì điều đó khiến anh ta gặp việc gì cũng thận trọng do dự, làm việc gì cũng phải theo đúng qui củ.
Ngược lại, nếu sống trong một thế giới luôn rộng mở, anh ta sẽ dám nghĩ dám làm, sẽ dám khiêu chiến với những quan niệm truyền thống, dám mạo hiểm, dám sáng tạo.
Một người đi khắp bốn phương sẽ gặp nhiều vấn đề mới cần phải giải quyết, cần phải thích ứng với hoàn cảnh mới, điều đó sẽ kích thích lòng ham hiểu biết của anh ta. Học, học nữa, học mãi sẽ trở thành một thiên chức. Cùng làm việc với những người có kiến thức phong phú, có thể anh ta sẽ được rèn luyện khả năng cạnh tranh, chí tiến thủ, lòng hiếu thắng, sẽ liên tục theo đuổi không mệt mỏi, sẽ có được năng lực vượt qua người khác. Đi sâu hiểu biết tri thức mới không chỉ làm tăng vốn kinh nghiệm của anh ta mà còn làm cho những kiến thức vốn có của anh ta sinh ra “phản ứng hóa học”, làm tri thức anh ta ngày càng mở rộng. Việc giao tiếp rộng ngoài xã hội làm cho tư duy anh ta mở mang hơn, luôn muốn tiếp thu cái mới. Sự thay đổi của công việc, nghề nghiệp và nơi ở sẽ làm tăng tính thích ứng với hoàn cảnh của anh ta có lợi cho khả năng phản ứng đối với một xã hội luôn biến đổi. Xa bố mẹ, anh ta sẽ mất đi chỗ dựa dẫm, tạo lập cuộc sống độc lập, có lợi với việc rèn luyện năng lực giải quyết công việc và tính quyết đoán, sự tự do lựa chọn công việc được tăng lên có lợi cho một sở trường nào đó, phát huy những ưu thế của bản thân mình.
Trong xã hội hiện đại, đánh giá một người có tài không chỉ nhìn vào lượng tiềm tàng tri thức của anh ta mà điều quan trọng ấy là sức sáng tạo của người đó. Nếu như một người không đem kiến thức đã nắm được của mình ra làm nguồn sáng tạo thì đối với xã hội anh ta chỉ là một tài năng bỏ đi.
Trong tương lai, chúng ta không thể sống mãi dưới sự bảo trợ của cha mẹ. Cái nhau thai nối quan hệ huyết thống không đem đến cho chúng ta những chất liệu nuôi dưỡng cuộc sống, địa vị gia đình không quyết định được địa vị của bản thân chúng ta, phao cứu sinh không phải là mạng lưới quan hệ. Không nên tự giam cầm trong bầu không khí ấm áp của gia đình, không nên kiêu ngạo hay tự ti vì xuất thân của mình. Thế hệ chúng ta nên chuyển trọng tâm tình yêu từ gia đình ra ngoài xã hội.
Hãy đột phá mọi trói buộc của những quan niệm hẹp hòi, hãy đến những nơi tổ quốc cần để lập sự nghiệp!
Chúc các bạn thành công!
Bài văn này là món quà cô Bạch tặng cho học sinh. Đọc xong Tạ Hân Nhiên thấy đó đúng là một sự giúp đỡ động viên lớn đối với tuổi học trò. Suốt đêm đó bạn đã dùng bút lông chép lại trên một tờ giấy lớn, sáng hôm sau đem dán lên báo tường. Không hẹn mà nên một lát sau, các bạn đã kéo đến xem, người đứng kín trước tờ báo tường. Nhìn những mái đầu đen nhánh của các bạn, Hân Nhiên cảm thấy mình đã làm tròn trách nhiệm với cô giáo Bạch.

BÌNH CHỌN HỌC SINH ƯU TÚ ĐẶC BIỆT
Trong giờ học, Trần Minh vẫn ngồi trên ghế. Cậu ta lại trở nên trầm mặc lãnh đạm như trước. Có khi nào đó một bạn nhắc đến chuyện tập nhảy hôm nọ, cậu ta chỉ cười, cứ như là chưa hề có chuyện gì xảy ra. Các bạn đều khen ngợi tố chất tâm lý của Trần Minh, không phải ai cũng có được ý chí chuyên chú như vậy.
Những khi ấy Trần Minh chỉ chăm chăm nhìn lên bảng, giống như không làm gì, không nghĩ gì chỉ dưỡng thần mà thôi.
_ Trần Minh, cậu làm gì thế? Luyện khí công à? – Dư Phát đùa.
Trần Minh cười. Cậu ta hiểu mình không luyện khí công, cũng không dưỡng thần mà đang học. Đề toán trên bảng chưa xóa, cậu ta luyện cách giải bằng tính nhẩm. Trần Minh luôn tận dụng từng giây từng phút thời gian, thậm chí tận dụng không gián cách phút nào.
Đám học sinh ra sức học thuộc lòng, ra sức viết bởi sắp thi cuối kỳ rồi. Sự nỗ lực ấy đều dành cho cuộc thi học kỳ, cao nhất là giữ được đến lúc thi đại học. Còn Trần Minh bước đầu tiên là thi đại học. Trong xã hội hàng hóa này, trong thời đại biết bao người thờ phụng “bốn đời nguyên lão” (Tờ giấy 100 nhân dân tệ) này, một thanh niên con nhà chài lưới lại cho rằng: “chỉ có đọc sách là cao” và vui vẻ tự tin bơi lội trong cái biển mà các học sinh khác cho là biển khổ thì quả thực là điều mới mẻ. Có rất nhiều người cảm thấy không thể hiểu được điều đó, Trần Minh cũng không cần có người hiểu mình, thậm chí cậu ta còn nghĩ rằng người khác không lý giải được thì điều đó càng làm cho mình khác biệt với mọi người. Nếu mà mọi người đều hiểu cả thì cậu ta lại thấy mình bình thường quá.
_ Trần Minh, Tiêu Dao, thầy giáo gọi các cậu lên văn phòng!
Trong văn phòng, Thầy Giang nói với họ:
_ Người đạt học sinh ưu tú đặc biệt năm nay sẽ được chọn là một trong hai em – Ý ngầm của thầy là “Hai em hãy thi đấu với nhau”.
Trần Minh và Tiêu Dao cùng nhìn nhau. Chọn học sinh ưu tú đặc biệt là điều rất khó. Nếu chỉ có tài năng thôi hoàn toàn không dễ đạt được điều ấy. Phải qua nhiều lần sàng lọc mới lọt lại hai người, mà lại cùng trong một lớp nữa. Cả hai cậu học trò này đều là học sinh ưu tú.
Cả hai bạn đều không nói, song đều hiểu.
Đặc biệt, ra khỏi văn phòng, Trần Minh không nhắc đến chuyện học sinh ưu tú nữa mà lại nói đến một chuyện thoạt nghe tưởng như chẳng liên quan gì đến chuyện ấy. Trần Minh hỏi:
_ Có phải cậu cũng định thi vào Thanh Hoa không? – Có lẽ cậu ta nghe các bạn nói chuyện.
_ Chắc thế!
Trần Minh gật đầu cảm thấy hơi buồn. Thế đấy, lại thêm một đối thủ cạnh tranh thi vào đại học. Nhưng nghĩ thêm chút nữa, cậu ta lại nghĩ thoáng hơn. Là một thằng con trai, ai lại nhỏ nhen như con gái thế. Ừ, Tiêu Dao cùng học lý, cũng thi vào Thanh Hoa, điều đó ít nhiều cũng là áp lực, là cạnh tranh đối với Trần Minh. Có áp lực, có cạnh tranh, mới có phấn đấu tiến lên. Trần Minh xưa nay vô địch, giờ còn Tiêu Dao, Trần Minh còn phải phân cao thấp với cậu ta. Thật hay đấy.
_ Tớ cũng thi Thanh Hoa!
_ Ừ, cùng phấn đấu nhé! - Cả hai trái tim cùng ngầm hiểu nhau và bắt đầu tiến gần đến với nhau.
Ai mà chẳng muốn sẽ xuất sắc hơn người? Ai chẳng muốn sẽ vượt lên mọi người?
Hân Nhiên cho rằng thực lực của Tiêu Dao mạnh hơn Trần Minh.Trần Minh có cơ sở bền vững. Tiêu Dao thì có sức dẻo dai hơn. Tính về mọi mặt thì người đi sau lại đến trước. Chắc là Tiêu Dao sẽ trở thành học sinh ưu tú đặc biệt năm nay, sẽ được hưởng bao nhiêu là sự ưu đãi của nhà trường: miễn học phí, được thưởng tiền, ưu tiên sử dụng các thiết bị dạy học của trường…
Một dịp ngẫu nhiên, Hân Nhiên lên văn phòng chợt nghe thầy Giang nói TiêuDao đã xin không dự thi giành danh hiệu học sinh ưu tú đặc biệt nên lẽ đương nhiên Trần Minh sẽ trở thành học sinh ưu tú đặc biệt của năm học này.
Hân Nhiên sững người. Bạn vô cùng ngạc nhiên và lấy làm tiếc. Vì sao Tiêu Dao lại làm thế? Nhất định là sợ thua rồi. Học kỳ trước đã thất bại trong cuộc thi kiến thức nên cậu ta không còn dũng khí mà tiếp tục cạnh tranh với người khác nữa rồi! Thật vô dụng! Tiêu Dao, bạn không thể như thế được!
Bạn ấy đã từng làm Hân Nhiên khâm phục và mê mẩn biết bao! Vậy mà giờ sao bạn lại như vậy?
Không biết động cơ nào thúc đẩy, Hân Nhiên quyết định gặp Tiêu Dao nói chuyện, bạn cần phải nói chuyện với bạn ấy. Nhưng mấy ngày liền đều chẳng có cơ hội nào thích hợp.
Hôm nay, Tiêu Dao dắt chiếc xe đua ra khỏi nhà để xe.
Hân Nhiên đứng ở cửa, thấy Tiêu Dao, cô chào đón trước.
_ Tiêu Dao, bạn bỏ không dự tuyển nữa à?
Hân Nhiên nói rõ ràng. Bạn tự ngạc nhiên vì sao trước kia khi nói chuyện với bạn ấy mình lại cứ xấu hổ thế.
_ Sao bạn biết?
_ Xem ra đúng là vậy rồi! Bởi vì học kỳ trước bạn thất bại trong cuộc thi kiến thức nên bạn… - Hân Nhiên vẻ bực tức – Mình biết bạn không ham số tiền ấy.
Tiêu Dao đánh trống lảng:
_ Mình sẽ tham gia thi kiến thức trong học kỳ tới.
_ Có thế thôi à? – Hân Nhiên vẫn chưa hài lòng.
_ Sau này bạn sẽ biết! – Tiêu Dao không giải thích nhiều, nhảy lên xe – Bai bai!
Hân Nhiên đứng một mình trước cửa, chẳng hiểu ra làm sao. Sau đó bạn đi hỏi Vương Tiếu Thiên. Vương Tiếu Thiên và Tiêu Dao rất “Friend”, chắc cậu ấy phải biết. Vương Tiếu Thiên ậm à đến nửa ngày mới nói:
_ Hân Nhiên ạ, tớ cũng phải hỏi mãi Tiêu Dao mới chịu nói cho tớ biết. Cậu ấy bảo tớ đừng nói với người khác. Nhưng mà cậu hỏi, tớ không thể không nói được, nhưng tớ nói với cậu, cậu đừng nói cho ai nữa nhé.
Sao Vương Tiếu Thiên lắm điều như bà già thế. Nếu không vì nhẫn nại mà moi được tin tức từ miệng của cậu ta thì Hân Nhiên đã nổi cáu từ lâu rồi:
_ Được rồi, cậu nói đi!
_ Trần Minh rất coi trọng vinh dự này. Cậu ta định thi vào Thanh Hoa nhưng nhà cậu ấy không bằng lòng. Nếu như Trần Minh đạt được danh hiệu học sinh ưu tú đặc biệt nhà trường sẽ viết giấy báo gia đình, bố mẹ cậu ấy có thể sẽ đồng ý. Vì thế nên Tiêu Dao mới bỏ không dự thi. Cậu ấy muốn giúp Trần Minh. Chuyện này chỉ có ba người chúng ta biết. Cậu không được nói cho người khác. Nếu như Trần Minh biết cậu ấy sẽ giận đấy. Lòng tự trọng của cậu ấy cao lắm.
Hân Nhiên gật đầu, cô cảm thấy nặng nề.
Vương Tiếu Thiên còn dặn với thêm câu nữa rồi mới đi:
_ Nhớ đừng cho ai biết đấy!
Hân Nhiên đứng nguyên một chỗ. Ý nghĩ đầu tiên là Tiêu Dao tốt quá. Ý nghĩ thứ hai là mình đã trách nhầm cậu ấy cần phải nói lại với cậu ấy.

Tiêu Dao bỏ thi chọn học sinh ưu tú đặc biệt không phải vì sợ. Để quyết định điều đó, cậu ta đã phải trằn trọc suy nghĩ mãi. Bố mẹ cậu tuy đánh giá cao thành tích và vinh dự mà cậu đạt được nhưng còn coi trọng hơn thực lực của chính cậu.
Và thế là mọi việc lại bình thường. Đi học, đánh bóng, tan học thì giúp thầy giáo làm một số công việc của lớp, cùng chơi đùa với bạn bè, xem ra TiêuDao vô ưu vô lo chẳng có gì thay đổi hết. Nhưng ở lứa tuổi này nói rằng không thay đổi thực ra là có. Chính bản thân cũng ngày một chín chắn hơn.
Tiêu Dao đẩy xe ra khỏi nhà để xe, lại thấy Hân Nhiên. Vẫn cùng một thời gian, một địa điểm như hôm trước. Hoa phượng nhuộm đỏ bầu trời mùa hạ.
_ Hân Nhiên, cậu chưa về à?
_ Mình đến để xin lỗi bạn, hôm ấy mình quá lời.
Tiêu Dao nhớ đến chuyện Hân Nhiên nói lần trước, bèn cố ý gạt đi:
_ Thôi được rồi, con trai không chấp với con gái!
Hân Nhiên cười khanh khách.
_ Khéo tránh thế, Tiêu Dao!
_ Bạn không về Thượng Hải à?
_ Không.
_ Tuyệt đấy, chúng mình lại có thể cùng học một trường – Tiêu Dao nói làm Hân Nhiên thấy ấm lòng.
_ Này Hân Nhiên, học kỳ sau vẫn có thi kiến thức đấy. Bạn làm cổ động viên nhé!
_ Vẫn chọn đề nhóm A chứ!
_ Ừ, chọn chứ! – Tiêu Dao giữ xe bằng một tay trông vẻ thật phóng khoáng.
Đột nhiên Hân Nhiên thấy rằng trước sau vẫn thế, bạn vẫn dành toàn bộ tình cảm cho Tiêu Dao. Nếu nói bạn có cảm tình và có biểu hiện một chút gì đó thật ân cần với Tô Lạp thì đó chính là vì cậu ấy và Tiêu Dao cùng có gì đó giống nhau và Hân Nhiên coi cậu ấy như là ảnh ảo của Tiêu Dao.
_ Được, mình sẽ là bạn thi đấu của bạn! – Hân Nhiên đồng ý – Tiêu Dao vui vẻ nhìn Hân Nhiên. Ánh mắt ấy khiến Hân Nhiên tin rằng mình không phải là cô bé lọ lem trong chuyện cổ tích.
Ở lứa tuổi mười sáu này, hiện thực và mơ ước tựa như không có giới hạn..
_ Hân Nhiên à, đợt thi kiến thức tới, chúng mình không chỉ chọn đề nhóm A mà nhất định phải dành quán quân.
_ Đúng!
Hân Nhiên biết Tiêu Dao có tính cách hấp dẫn. Nói thực bạn rất thích tính cách ấy. Bạn đã từng muốn được kể cho Tiêu Dao nghe câu chuyện về cô bé lọ lem. Vậy mà giờ đây, cũng vẫn là mùa hạ vải đỏ thơm hương, cũng vẫn là thảm cỏ xanh non mềm mại, cũng vẫn là một con người ấy, Hân Nhiên lại không muốn bày tỏ gì nữa. Bạn cảm thấy mình thực sự trưởng thành. Năm học đầu tiên của bậc phổ thông trung học, Hân Nhiên thấy mình đã hiểu biết được nhiều điều.
Trong lần họp lớp thảo luận về tình yêu ấy, Tiêu Dao không nói câu nào. Cũng như các bạn khác, Hân Nhiên rất muốn biết tâm tư của Tiêu Dao. Thực ra cuộc họp lớp đã gợi mở cho Tiêu Dao nhiều điều. Như tất cả bạn học, tuổi mười sáu trôi qua với bao điều đáng nghĩ, Tiêu Dao cảm thấy mình đã lớn. Dường như mỗi sớm tỉnh dậy, Tiêu Dao lại thấy các đốt xương kêu răng rắc, dài ra, suy nghĩ cũng ngày sâu rộng hơn. Có bạn cùng tuổi đã nói về tình yêu như thế này: “Có rất nhiều việc quan trọng hơn việc một cô gái tuổi chanh cốm bước vào cõi mộng”, “một chàng trai đa tình, hồn gửi mộng mơ” ở trước mặt ta. Đó là biết tự yêu, tự nâng cao và tự mình lớn mạnh. – Tôi không muốn làm người bình thường, không muốn làm một nhà quản lý bình thường, một nhà công nghiệp bình thường. Tôi muốn được như Môda nói với Bethoven “Làm kinh thiên động địa sẽ là anh”. Tiêu Dao tán đồng quan điểm ấy.
_ Cố lên nhá! – Tiêu Dao nói, không biết là bảo mình hay bảo Hân Nhiên.
_ Ừ.
“Trái tim em, con chim hoang dại, tìm thấy bầu trời trong đôi mắt anh”. Hân Nhiên chợt nhớ tới một câu thơ nổi tiếng của Tagor.
Trên lớp các bạn bàn về Tiêu Dao. Mọi người đều không rõ do nguyên nhân nào, ai cũng ngạc nhiên: “Sao Tiêu Dao lại làm thế?” còn TiêuDao cũng thật điềm tĩnh tỏ ra như không có chuyện gì hết.
Lâm Hiểu Húc nói với Hân Nhiên:
_ Cậu biết chuyện Tiêu Dao bỏ cuộc chưa?
Hân Nhiên gật đầu.
_ Tiêu Dao kỳ thật, cậu ta không nên làm vậy chứ!
Hân Nhiên rất muốn nói cho Hiểu Húc, cho các bạn biết chuyện, nhưng bạn nhớ lời Vương Tiếu Thiên dặn dò, lời đã ra tới miệng rồi nhưng rồi kịp dừng lại.
Hân Nhiên và Hiểu Húc đứng ở hành lang, bạn thấy Tiêu Dao dắt xe đua ra. Nhìn theo bóng Tiêu Dao, Hân Nhiên gật gật đầu, cảm thấy như có sức mạnh nào đó cổ vũ mình.
Có lẽ ánh mắt của Hân Nhiên buông thả quá nên Hiểu Húc nhận ra điều gì đó, bèn cười:
_ Hân Nhiên, tớ biết bí mật của cậu rồi!
Hân Nhiên chợt đỏ mặt. Như tự nhủ với mình lại như nói với Hiểu Húc:
_ Có lẽ đó là kết cục hay nhất.
Hình như Hiểu Húc chợt bừng hiểu. Nhấm nháp mãi câu nói của bạn rồi cô gật đầu.

NGÀY MAI SẼ ĐẸP HƠN

Nhật ký của Hiểu Húc
Ngày… tháng…
Chính bản thân mình cũng hết sức kinh ngạc bởi mình đã điền vào giấy hai chữ “khoa văn” nhanh chóng và kiên quyết đến vậy, dù trong lòng vẫn do dự và băn khoăn. Nhưng mình tự hiểu rõ rằng mình rất bình tĩnh và khách quan vì đã suy nghĩ kỹ càng. Mỗi người đều có mơ ước của riêng mình. Mơ ước ấy có thực hiện được không, chẳng ai dám chắc. Nhưng bản thân người đó không bao giờ tự đi phá hỏng mơ ước của mình.
Sau này chắc không thể thường xuyên gặp thầy Giang nữa. Nhưng dứt khoác mình sẽ gửi thiếp chúc mừng giáng sinh hàng năm cho thầy mà còn lồng trong túi ni lông màu đỏ đầy tình cảm nữa. Tình yêu trên thế gian này có vô vàn cách, chỉ cần bộc lộ chân tình thì mới thật đáng quí.
Hơi vô ý, làm tấm ảnh học kỳ trước mình chụp chung với thầy ở núi Ngô Đồng, cùng chiếc lá ngô đồng rớt xuống đất mình đã nhặt lên. Trong lòng chợt trào lên cảm giác chia ly. Chiếc lá ngô đồng non mướt đáng yêu ngày ấy giờ đã vàng khô, trở thành tiêu bản. Mình chưa bao giờ quên điều gì. Mình nhớ câu này: “Cố tình quên đi để chứng tỏ bạn đang nghĩ tới”. Mình vẫn kẹp tấm ảnh và chiếc lá vào quyển nhật ký.
Đây là trang cuối cùng, mình phải thay cuốn mới thôi. Cũng như trước mình sẽ đóng bìa, gói lại và đem cất kỹ, để sau này sẽ giở ra xem. Bây giờ là lúc mình kết thúc nó rồi.
Viết hết cuốn nhật ký này - cuốn sổ ghi lại những dấu tích trưởng thành cả một quãng dài thời gian của mình. Tiện tay giở vài trang ra xem, bất giác tự hỏi: “Đây là mình sao? Mình như thế này sao?” Có những khi mình cũng chẳng hiểu chính bản thân mình.
Một quyển nhật ký đã ghi hết, chợt nhận ra mình đã trưởng thành và cũng tỉnh táo ra nhiều. Nhận thức về nhiều vấn đề cũng chín chắn hơn. Những nỗi thương cảm, sự bất lực cùng xúc cảm trước đây chỉ mới là bột phát chưa được chín chắn, lành mạnh lắm.
Nhớ rõ một câu trong bài thơ Hân Nhiên tặng: “Mai lại là một ngày”.
Dường như tất cả đều cũ. Nhưng mình biết: Mai lại là một ngày. Ngày mai sẽ đẹp hơn.
Tạm biệt những ngày đã qua. Mình tự cầu phúc cho mình.
Tạm biệt, lớp Mười của tôi.
Tạm biệt, Nhật ký của tôi.

<< CHƯƠNG XXIV | Lời cuối sách >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 248

Return to top