La Tông Kỳ rút trong ngăn kéo ra mấy tờ giấy trắng, đẩy tới trước mặt tôi. - Cậu thật là kỳ quặc vô cùng! Vẻ mệt mỏi, anh dựa lưng trên chiếc ghế mây, đưa mắt nhìn tôi: - Tớ là người đảng viên cộng sản, tớ làm sao có thể cấp giấy giới thiệu khống chỉ cho cậu được?
Trên giấy trắng, con dấu đỏ chói đã đóng sẵn ở góc dưới bên phải theo đúng quy cách. Cái tiêu đề trên đầu tờ giấy viết thư cũng như con dấu ở phía dưới đều là của cái nông trường do anh lãnh đạo. Mấy tờ giấy trắng kia vì đã có sẵn con dấu đỏ roi rói kia mà trở nên vô cùng quý giá. Từ trên bàn viết, tôi cầm mấy tờ giấy lên, gập lại cẩn thận, đút vào túi ngực trong chiếc áo bông, ý tứ trả lời: - Cậu không cho tớ cũng chẳng sao. Thời buổi bây giờ nhân viên điều đi chuyển lại khắp cả gầm trời này, cái thứ giấy giới thiệu khống chỉ này thì đầy ra đấy, nhặt ở ngoài đường cũng có. Nhà anh vẫn như một năm về trước, mom không khác mấy, duy có gian bếp anh chái thêm năm ngoái thì đã có phần cũ nát, vách đất dạo mưa to ấy đã bị xói trơ cả rơm ra. Trong nhà, tuy đồ đạc bày biện vẫn thế, không giảm bớt cái thứ gì, nhưng trong con mắt tôi, dường như tiêu điều xơ xác đi nhiều lắm. Bức chân dung thủ tướng Chu Ân Lai do một phóng viên I-ta-li chụp năm xưa treo trên tường nhà phía bắc, trên khung ảnh thắt một băng lụa đen, hai đầu buông rũ xuống, quét trên chiếc bồn trong có một khóm trúc hoa võ vàng mất hết sinh khí. Chiếc sô-pha tự tay anh căng đệm lấy, đã mất hết sức đàn hồi từ bao giờ, tôi ngồi lên đó mà như ngã xuống hố đất. Còn bản thân anh thì cũng gầy rộc hẳn đi so với một năm về trước, hai mai đã mọc đấy tóc bạc, đã thế anh lại ngồi trên chiếc ghế mây cót ca cót két, càng gợi trong tôi một cảm giác lạnh lẽo thế nào ấy. Đã sang xuân rồi, mà khắp nơi, đâu đâu cũng đem lại cho người ta một cảm giác lạnh lẽo băng giá. Diễn xong màn kịch trên đây, anh nói: - Thư cậu gửi cho tớ, mất năm hôm mới tới nơi. Chỉ có bốn mươi dặm đường, mà làm sao đi lâu thế? Tớ cầm lấy phong bì xem đi xem lại, chỉ sợ thư đã bị kiểm duyệt rồi – Anh cười với một nét mặt thật khổ sở - Cậu đừng thấy tớ bây giờ đã là trại trưởng, thật ra vẫn suốt ngày lo ngay ngáy, chẳng khác gì khi còn ở trong tù…. - Thì chúng mình từ trước tới nay có ra khỏi nhà tù bao giờ đâu – Tôi nói. - Đúng thế - Anh thở dài đau xót - Mấy năm nay, tớ cũng đã thành kẻ thối mồm mất rồi, cứ nói gở câu nào là y như rằng đúng câu ấy; còn có nói câu nào mong muốn điều tốt lành thì cấm có được thực hiện bao giờ! Cậu có nhớ những gì tớ nói với cậu năm ngoái không nào? - Sao lại không nhớ! Có điều là sự việc ập tới sao mà chóng thế? - Cậu còn cảm thấy chóng ư? Tớ cảm thấy lâu quá là đằng khác – Anh nói giọng ngao ngán - Mấy năm nay, đất nước chúng mình cứ như tảng đá lăn xuống dốc, càng về sau càng lăn nhanh. Tớ xem ra bây giờ coi như đã lăn xuống đến vực rồi.
Anh ngẩng đầu lên, hai mắt ngước nhìn lên trần nhà, cánh mũi mấp máy, dường như ngửi thấy cái mùi gì ở đâu bay đến. Trong cặp mắt anh là cả một nỗi chán chường bi đát, đúng dáng vẻ của một người đã trải qua nhiều cay đắng, đã chịu quá nhiều giày vò của những lần hy vọng mà cuối cùng mất hết. Tôi hiểu được nỗi lòng đó.
- Đúng là sắp đến tận đáy rồi – Tôi đáp – Có điều là, tôi cảm thấy sẽ còn một phong trào nữa, một cuộc vận động thực sự thuộc về nhân dân. - Còn có một phong trào nào thực sự thuộc về nhân dân đâu? – Anh cáu kỉnh xoay mình trên chiếc ghế mây – Bao nhiêu năm nay chúng ta đều đã vận động quần chúng, nhưng lại nói là phong trào quần chúng. Một phong trào thực sự thuộc về nhân dân ư? Thế thì lại sẽ bị quy chụp cho là sự kiện “ phản cách mạng ”! Cậu không tin thì rồi chúng mình sẽ cùng xem. - Dù cho có bị quy chụp là sự kiện gì đi nữa, nhưng một phong trào đích thực của nhân dân nhất định sẽ đến! – Tôi đã nói ra được những điều mấy ngày nay vẫn ấp ủ trong lòng – Chu thủ tướng đã qua đời, Đặng Tiểu Bình lại bị hạ bệ rồi, kế đó là triển khai cuộc “ phản kích làn gió hữu khuynh lật lại vấn đề ”, hết loạt này đến loạt khác những người thuộc phái dân chủ như cậu đều sẽ đổ hết. Những lớp bình phong che chắn cho nhân dân đều đã sụp đổ cả rồi, giờ này đây nếu như nhân dân Trung Quốc vẫn không tự mình đứng ra lên tiếng, không bước lên tuyến đầu tranh đấu, thì một nghìn triệu người Trung Quốc sẽ không còn tư cách để sinh tồn trên trái đất này nữa! Thì chúng ta đúng là dân tộc khiếp nhược nhất, yếu hèn nhất, kém cỏi nhất trên thế giới này! – Nói đến đây, mắt tôi không nén nổi những giọt lệ trào ra – Chúng ta đã bị sỉ nhục mười mấy năm, bị bỡn cợt mười mấy năm nay, lẽ nào đến cái lúc thí nghiệm thất bại và ném chúng ta vào cái chỗ chết, mà chúng ta cũng không kêu lên được một tiếng “Ôi đau quá! ” hay sao? Con người mà tê liệt đến nỗi không kêu lên được một tiếng “ đau ” nữa, thì thực sự quả là con người chết cũng đáng kiếp!…
Cổ họng nghẹn tắc lại, tôi ngồi đờ ra trong cái hố của chiếc sô-pha tự tạo. Anh cũng ngồi im không nhúc nhích trên chiếc ghế mây. Cả căn nhà phút chốc yên tĩnh lạ thường. Nhưng những đợt sóng cồn tình cảm đã trào dâng, ầm ầm chuyển động. Một hồi lâu, anh mới đắn đo hỏi tôi: - Vậy thì, cậu định làm gì nào? Đi ư? Đi tới đâu? - Tớ vẫn chưa có kế hoạch nhất định – Tôi cố hết sức lấy lại bình tĩnh, cười lạnh lùng – Đây là những năm tháng rối ren, đến cả nước cũng không có kế hoạch, chứ đừng nói cá nhân! Tớ chỉ biết rằng, ở đây thì không thể nào nán thêm được nữa. Cả hai khái niệm “ hữu ” và “ lật lại vấn đề ” đều liên quan đến tớ, hễ phong trào mà thâm nhập, thì tớ sẽ là thằng đầu tiên bị tống giam vào ngục y như cái năm 70 ấy thôi. Để cho ngọn lửa sinh mệnh dần dần lụi tàn đi trong tù ngục, thì sao bằng chịu cho gió bão dập vùi trong một cơn giông tố! Mặt khác cậu biết đấy, hồi năm 68 tớ ở đội lao cải ra đã từng ngây ngô khờ khạo đi tìm kiếm bộ tư lệnh Lưu - Đặng, tất nhiên lúc đó thì chỉ có thể kết thúc bằng thất bại mà thôi. Nhưng còn bây giờ, tớ nghĩ, nếu như những người thuộc phái dân chủ các anh mà không đưa con mắt nhìn vào quần chúng nhân dân, vẫn chờ để chịu đòn như lâu nay, chờ người ta tóm cổ các anh tống hết vào tù, còn các anh thì cứ chổng mông lên cúi đầu nhận tội, thì những người thuộc phái dân chủ các anh có chết rục chết mòn cũng là đáng kiếp!… - Ờ! – Anh giơ tay một cánh lên, cười gượng - Cậu đừng có viết chúng tớ như vậy chứ, tớ ít ra cũng đã tạo cho cậu một chút phương tiện nào đó…. - Đúng! - Một cách tiềm thức, tôi sờ lên ngực – Chính vì cậu đã tạo cho tớ một chút phương tiện, cho nên chúng mình có thể tưởng tưởng mà xem: trong cái lúc hai đứa chúng mình đang ngồi ở đây, thì cả đất nước này cũng đang âm thầm tiến hành biết bao công việc giống như hai chúng mình đang làm đang nói ở đây! Chúng mình không thể là những hiện tượng ngẫu nhiên cô lập. Một đảng viên cộng sản và một phần tử phái hữu, đã hai chục năm nay ai đi đường nấy, thế mà rồi về sau lại đi đến những số phận và tâm tình na ná như nhau, ngồi kề vai dốc bầu tâm sự với nhau ở đây, nếu không thừa nhận là do lịch sử tạo nên, thì làm sao có thể giải thích nổi? Cho nên tớ cảm thấy, không khí cả toàn Trung Quốc hiện nay đang thai nghén một cuộc vận động thực sự của nhân dân. Đất nước chúng ta và Đảng cộng sản Trung Quốc chỉ có thể bắt đầu cuộc sống mới qua cuộc vận động đó.
Cặp mắt sâu thẳm của anh bỗng nhiên nhìn xoáy vào tôi một cách cảnh giác: - Cậu đã chuẩn bị xong rồi ư? Có….có liên hệ với ai chưa? - Không – Tôi cười thản nhiên – Làm sao mà có liên hệ gì được? Liên hệ với ai? Cố gắng lớn nhất của chúng ta mười mấy năm nay không phải là cải thiện mối quan hệ giữa người với người, mà là cắt đứt mọi sự qua lại chiều ngang giữa con người với con người. Thậm chí tớ cho rằng đó là điều tai họa lớn nhất mà chúng đã gây ra. Chúng đã phá hoại sạch trơn mọi thứ tin cậy, thiện ý, nhân đạo và nghĩa hiệp khí khái giữa con người với con người, đã biến con người thành cáo và chó sói. Tình trạng đạo đức suy đồi ấy cũng chỉ có thể gột sạch trong một phong trào nhân dân chân chính, xây dựng nên mối quan hệ mới giữa con người với con người….cho nên cậu không phải sợ, không phải lo rằng tớ hiện đã có mối liên hệ với người nào. Cậu đi làm cách mạng mấy chục năm, giữa cậu với các chiến hữu cũ trước kia, hiện có mối kiên hệ riêng tư nào không? Có thể phơi bày gan ruột với nhau được không? - Không – Anh thừa nhận – Toàn là “ người xa, trà nguội ”, đã đi là thôi hết! – Anh thở dài một tiếng, đầy cảm khái – Cũng đừng nên nói là không có đi lại, đi lại thì có đấy, nhưng toàn do người ngoài giật dây cả thôi. Một số chiến hữu lâu năm bẵng tin của tớ, thế rồi phải qua miệng người khác mới biết được ở đâu, giờ đây đang có vấn đề gì….
Bỗng nhiên một nỗi buồn sâu lắng không sao ngăn được, bất thần ập đến hai chúng tôi. Hoá ra chúng tôi đang sống giữa một bãi sa mạc, một bãi sa mạc tự nó đang bị vùi dập, và cũng đang vùi dập chúng tôi, mà chúng tôi hoàn toàn bất lực trước nó. Lúc đó, bên kia tường, bên ngoài mảnh sân nhỏ nhà anh, có một người nào đó cất giọng hát lên một cách cô quạnh: “ Gió đông thổi. Trống trận ầm ầm bên tai. Cõi đời hôm nay, rồi ai phải sợ ai…”. Chúng tôi yên lặng lắng nghe, tưởng chừng như sẽ nhận được một điều gợi ý nào đó từ trong lời ca. Nhưng chẳng có điều gợi ý nào hết. Thời buổi này, phàm những tiếng nào gào lên được, hát to lên được thì đều chẳng có nội dung gì, chẳng có ý nghĩa gì sất.
Trầm mặc hồi lâu, anh nói tiếp: - Có điều là, tớ phải bảo cậu, cái điều mà cậu nghĩ đó…sẽ không có kết quả tốt đẹp nào đâu. Bởi vì – Anh giơ một ngón tay chỉ lên phía trên – Ông cụ hãy còn. Một khi mà ông cụ còn sống, thì mọi thứ đừng hòng thay đổi.
Tôi hiểu – Tôi ngả người trên sô-pha, than thở - Nhưng Chu thủ tướng đã từng nói “ Nhân sinh nan đắc kỷ hồi bác ”, cuộc đời khí được vật bao keo. Toàn bộ tình thế hiện nay đều đã quyết định tớ phải đi vật một keo đây. Người khác có thể chờ đợi, tớ cũng muốn chờ đợi, thế nhưng tớ thì trong ổ cũng không thể ngồi yên được nữa rồi, gậy sắp choảng vào giữa ổ rồi, làm sao còn chờ đợi được nữa? Với những người phái dân chủ như cậu, thì có muốn làm thẳng tay đi nữa, chúng nó cũng còn phải dán mấy tờ báo chữ to lên đã, còn phải phát động quần chúng một chút, còn phải gây thanh thế một tẹo. Chứ còn muốn trị tớ thì những trò hình thức bề ngoài ấy cũng chả cần đến, chúng cứ việc xách cái còng xích tay đến là xong. Mười năm nay, hạng người như tớ bao giờ cũng được dùng làm nền cho hạng người cậu, mà là để đánh đòn phủ đầu.
- Hừ, hừ! – Anh cười gượng gạo - Đấy gọi là trước tiên quét sạch vòng ngoài. Tôi cũng cười: - Cũng có thể gọi là trước tiên đập tan cơ sở xã hội của bọn cậu! Mười mấy năm nay tớ vô cùng vinh hạnh được làm cơ sở xã hội của rất nhiều hạng người khác nhau. Trước hết là cơ sở xã hội của bộ tư lệnh Lưu - Đặng, sau đó là cơ sở xã hội của 16 tháng 5, rồi đến cơ sở xã hội của Lâm Bưu và lão hai Khổng. Bây giờ lại vòng trở lại, là cơ sở của “ làn gió hữu khuynh lật lại vấn đề ”, nghĩa là vẫn của Đặng Tiểu Bình. May mà cái lưng tớ luyện mãi bây giờ đã dày như mu rùa, chứ không thì đã bị đạp bẹp dúm. Nhắc đến “ rùa ”, tôi hơi bị chạm nọc, bất giác đỏ bừng cả mặt. Vừa may lúc đó Chu Thục Quân đã bưng mâm vào, mời chúng tôi ăn cơm. Trên gương mặt chị có một nét bồn chồn lo lắng cố kìm nén và cả một bóng đen sầu khổ. Không khí hồ hởi một năm trước đây không còn nữa. Nhất cử nhất động, chị dường như đều sợ gây nên tiếng động, làm như La Tông Kỳ sắp phải vào ngồi tù đến nơi. Thật ra, chẳng hề có việc gì sảy ra, mọi việc đều chưa sảy ra, nhưng báo đài, mọi thứ công cụ tuyên truyền đã phả luồng hơi độc đến tận từng gia đình, khiến tất cả đàn ông đều ưu tư rầu rĩ, còn tất cả đàn bà thì hồn vía lên mây. Tôi ngồi ăn món bánh rán nhân thịt nạc mà “ thực bất tri kỳ vị ”, chẳng biết mùi vị nó ra sao, chỉ một mực nghĩ thầm trong bụng: quyết tâm của tôi là đúng. Ăn xong, Chu Thục Quân thu dọn bát đĩa, băn khoăn lo lắng hỏi tôi: - Anh đi thì cứ đi, chứ việc gì phải ly hôn? Hay là cô ấy?… - Cô ấy rất tốt! – Tôi vội ngắt lời chị. Tôi không thể nói cô ta xấu, hơn nữa cũng không muốn để người khác ngờ cô ta có điều gì không tốt. Tôi lựa lời cân nhắc từng chữ: - Có những cặp vợ chồng ly hôn là vì không có tình cảm, có những cặp ly hôn lại là vì tình cảm quá phức tạp. Có thể là, dù tôi không đi, thì chúng tôi cũng phải ly hôn thôi – Tôi cười một cách nhạt nhẽo nói tiếp - Những cặp vợ chồng sống được với nhau đến lúc bạc đầu, có lẽ chính là những cặp biết điều hoà tình cảm ở mức độ thích hợp chăng?
Ngoài cổng, người đàn ông lúc nãy hát vang kia bây giờ đã quay lại, khẽ ngân nga một ca khúc cách mạng khác. Đúng là một con người vui sướng! Tôi nghĩ thế.
Với sự nhạy cảm đặc biệt của đàn bà, Chu Thục Quân dường như đã hiểu, nên không hỏi tiếp nữa. La Tông Kỳ không hiểu được, nhưng cũng không hỏi. Thế là, không khí như đông đặc lại. Tôi cảm thấy vừa đúng lúc nên cáo từ. - Tôi đi đây! La Tông Kỳ lập tức rời ghế mây, lật đật đứng dậy. Hình như anh vẫn chưa ra khỏi cảnh tưởng tượng nào đó của anh, bụng dạ vẫn để đâu đâu, cặp mắt thất thần sờ sạc. Một lúc sau, anh mới đưa tay ra, dường như rất ngượng nghịu, bắt tay tôi một cái. Lòng bàn tay anh râm rấp nóng, có lẽ là anh ốm thật rồi.
- Cậu đi nhé – Anh nói. Ra đến cổng, tôi ngoảnh lại gật gật đầu với Chu Thục Quân, thay cho lời chào từ biệt. Chị đứng giữa nhà, hết sức băn khoăn lo lắng, đưa mắt tiễn tôi ra cổng. Trong chớp mắt, tôi nhìn quanh cả ngôi nhà một lần nữa, nhìn một lần nữa cái gia đình đã cho tôi tình bạn ấy, nhìn một lần nữa cái nơi tôi được nói tất cả những gì muốn nói mà không lo bị tố giác. Có thể là từ nay về sau tôi sẽ không còn trở lại được nữa. La Tông Kỳ tiễn tôi ra sân. Bên ngoài phía trước một lối đi bằng phẳng là một hàng cây bạch dương cao lớn, đứng sừng sững như một hàng vệ binh, lớp vỏ cây màu bạc đã thấp thoáng nổi lên màu xanh lá. Bên kia hàng bạch dương, mới là con đường cái rải đá cấp phối. Tôi sẽ đi theo con đường cái đi ra cánh đồng.
- Cậu Chương này, tớ tặng cậu vật này nhé! – Anh đưa mắt nhìn bốn phía không có ai, chợt nhớ ra, anh cởi chiếc đồng hồ trên tay – Cái đồng hồ này, chạy vẫn rất đúng, cậu ra đi chắc chắn là rất cần đến nó. Tôi nhận lấy chiếc đồng hồ. Chiếc kim giây đang hối hả chạy, dường như phía sau có vật gì đang đuổi. Cái này quả là rất cần thiết, số phận kẻ chạy trốn thường là được quyết định ở từng giây. Tôi không từ chối, nhét nó vào túi ngực, cùng với tờ giấy giới thiệu khống chỉ. - Cám ơn cậu! - Tôi nói. Anh xua tay rối rít, miệng lẩm bẩm: - Ơn huệ gì?…Xem ra mọi thứ đều sẽ giải quyết bằng thời gian….Nếu có việc gì, nhớ viết thư nhé. - Được, nếu như tớ còn viết thư được. Tôi đi bộ mười mấy dặm trên con đường đá cấp phối, không hề gặp một chiếc ô tô nào, chỉ có mấy chiếc xe bò chạy ngược chiều, lướt qua. Mấy anh chàng đánh xe vung vẩy chiếc roi trong tay, lưng gập xuống, mặt nặng trĩu lo âu. Họ đi lên phố chở gạch, gạch vụn đỏ cả ván sàn xe. Từ đây có thể nhìn thấu cuối đường cái: một chấm đen nhỏ xíu dưới bầu trời xanh lam.
Đó là một thành phố ồn ào, huyên náo, một thành phố đang khạc lửa dữ dội vào mọi người. Lúc đầu còn dùng chữ nghĩa lời lẽ, nhưng tiếp ngay sau đó là gậy gộc và súng đạn. Phía bắc, con đường mất hút vào trong sa mạc, giống như một dòng sông, rẽ ra thành nhiều nhánh, cho nên cũng không thể nói được đâu là ngọn nguồn của nó. Hai bên đường cái, là những lối mòn nho nhỏ, người ta đi mãi thành đường, vươn dài mãi tới tận cánh đồng. Tôi đi đến một dòng muơng cái cạn nước, thì bắt đầu lên con đường nhỏ chạy về phía đại đội chúng tôi. Thảo nguyên đã bị những con người học “ Đại Trại ” phá cho tan nát. Khắp nơi trên cánh đồng trống là những thửa ruộng bị bỏ hoá, phủ dày một lớp phèn, giống như một bãi tuyết bẩn thỉu, giống như những đứa trẻ mồ côi buộc dây chuối để tang vậy. Tuy đã trải qua bao phen mưa gió dãi dầu, vẫn nhìn thấy rõ những rãnh cày chằng chịt như những vết thương rạch ngang dọc chồng chéo trên da thịt cánh đồng trống. Cả thiên nhiên lẫn con người phải chịu roi vọt: kết quả của việc học “Đại Trại ” là tạo ra thêm nhiều những bãi trọc, những khu đất chua mặn đến một ngọn cỏ cũng không mọc nổi. Gió xuân hớn hở từ trên bờ sông Hoàng thổi về, thình lình tạt xuống nơi đây nức nở, tỏ lòng đau xót cho thảo nguyên. Ôi! Đó là đồng ruộng của tôi.
Đi qua bãi đất chua mặn, xuyên qua những ao đầm đã khô kiệt, là đến một bãi cỏ đã phủ cát. Xung quanh những búi rễ cỏ niệt, đã bám đầy cát sỏi, và gió vẫn còn tiếp tục tung cát tới mãi, càng ngày càng dày, càng ngày càng cao. Thế là những sinh mệnh màu xanh lá cây ấy đã nghẹt thở, chìm lấp và chết. Màu xanh lá cây đang thu hẹp dần không sao cưỡng lại được: sự sống đang biến mất một cách yếu ớt bất lực. Xuân đã về đây. Nhưng nàng Xuân không tìm được chỗ đặt chân. Bởi thế trên mảnh đất màu vàng này không hề có mùa xuân. Tôi vẫn đi, tôi đi qua cánh đồng chua mặn, đi qua cánh đồng trống phủ cát. Tôi đã rèn luyện được đôi chân quen với những luồng cát chạy. Đôi bàn chân này lúc sinh ra vừa non mềm vừa trắng trẻo, đối với chúng, tất nào giầy nào cũng thô ráp quá, chúng chỉ có thể ủ ấm trong đôi bàn tay của mẹ, nhưng giờ đây chúng đã quen để trần bước qua sỏi đá, bước qua gai góc, lội qua đầm lầy đen nhánh, lội qua đất chua mặn vẫn thường ăn rỗ gót chân người….
Bên kia đất chua mặn và cánh đồng trồng mới là ruộng lúa mì. Ven ruộng lúa mì, vẫn có thể thấy dấu phèn trắng xoá, cây lúa mì mọc lên thưa thớt. Đây là dải đất tranh chấp giữa cái sống và cái chết, ai thắng ai còn khó mà đoán trước được. Đi nữa vào trong, cây lúa mì mới xanh tốt hơn hẳn. Bờ ruộng đã nhú những mầm non của loài cỏ đắng, và có cả cỏ xanh mềm mại. Đất mùa xuân không cần tưới cũng vẫn ẩm ướt, mềm mại. Trong không khí có một luồng hơi thở màu xanh lá cây. Mùa xuân năm ngoái, cũng tiết này, tôi trở về đại đội cũng bằng con đường này. Cảnh sắc lúc đó so với bây giờ chẳng có gì khác nhau, dường như suốt một năm qua chẳng xảy ra việc gì hết, mọi thứ chẳng qua chỉ là ảo giác của tôi, chỉ là chiêm bao của tôi.. Trước kia, khi đứng trước tai họa thình lình ập đến không sao hiểu nổi, tôi thường hay ảo tưởng, giá mà thời gian có thể quay ngược lại được, giá có thể cho tôi được bắt đầu lại cuộc đời từ một ngày một năm nào đó, thì hay quá. Như vậy thì tôi sẽ có thể khôn hơn một chút, trốn thoát cơn tai họa hoàn toàn có thể tránh khỏi này, hoặc giả chuẩn bị được đầy đủ hơn để đón tiếp cơn tai họa không sao tránh khỏi được ấy. Vậy thì, giờ đây phải chăng vẫn để cho thời gian quay ngược lại, quay ngược về giờ này năm ngoái.
Không! Cho dù có phép thuật nào có thể giúp tôi bắt đầu lại cuộc đời kể từ lúc đó, thì sau khi đi từ đây về đại đội, tôi vẫn sẽ cầu hôn với cô ta giống như năm ngoái vậy. Một năm nay là thời gian đẹp nhất trong cả cuộc đời ngắn ngủi của tôi. Dự cảm báo cho tôi hay, tất cả mọi thứ đó sẽ không bao giờ tái diễn. Từ nay về sau tôi sẽ không còn vấp phải nỗi nhục nhã như vậy nữa, không thể chịu lại nỗi đau tinh thần như thế nữa, nhưng cũng từ nay sẽ không bao giờ sướng vui và hạnh phúc như vậy nữa.
Những cảm thụ nhất định nào đó trong cả đời người chỉ có thể có được một lần.
Tôi vẫn đi, sải những bước chân nặng nề.
Tôi đang đi về nhà. Sau khi trở về thì sẽ ly hôn, điều này cũng giống như việc trước đây chúng tôi nhất định phải kết hôn với nhau vậy, đều là có số cả. Ôi! Cánh đồng trống của ta, bãi đất chua mặn của ta, ruộng vườn đã phủ cát của ta, cao nguyên hoàng thổ bao la của ta, ta sắp phải từ biệt ngươi. Ngươi cũng như cô ta vậy, từng bị người ta vùi dập, bị người ta chà đạp, nhưng cũng đã từng mình trần như nhộng, cam tâm tự nguyện nằm dưới kẻ khác. Ngươi đã từng bất trinh với ta, từng lừa dối ta, giày vò ta, ngươi là một bãi đầm lầy khô kiệt, bao nhiêu mồ hôi ta đổ xuống tưới lên ngươi đều chẳng để lại chút dấu vết nào. Ngươi xấu xa đê tiện như vậy, nhưng lại đẹp đẽ đền gần như là thần kỳ. Ta nguyền rủa ngươi, nhưng ta lại yêu ngươi. Ngươi, đất đai như ma quỷ, và đàn bà như ma quỷ, ngươi đã hút kiệt mồ hôi ta, nước mắt ta, cũng đã hút kiệt tình yêu của ta, bởi thế, ngươi cũng đã hoá thành hồn ta rồi đó. Tôi vẫn đi, bất giác để rơi một giọt nước mắt cuối cùng, thấm vào đất đai màu vàng dưới bàn chân tôi giữa ngày xuân.