Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Một nửa đàn ông là đàn bà

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21928 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một nửa đàn ông là đàn bà
Trương Hiền Lượng

P5 - Chương Hai

Trong chuồng ngựa có một người lạ mặt, dáng chừng là cán bộ công xã, khoác một chiếc áo cánh kiểu Trung Quốc bằng vải xanh đã ướt sũng, đang đứng dựa vào lan can chuồng ngựa cùng với Tào Học Nghĩa.
- Đã về đấy à, ướt sũng hết rồi chứ? – Tào Học Nghĩa cười tít cả mắt, lên tiếng chào tôi.
Tôi cứ phớt lờ anh ta, lùa cả đàn ngựa vào trong cái chuồng đẫm nước, giúp chàng Câm buộc từng con ngựa một vào bên máng.
Tào Học Nghĩa cùng người cán bộ công xã kia bước lại.
- Đây, tất cả đây, có hai mươi tư con ngựa cả thảy – Tào Học Nghĩa nói với người kia - Bác xem đi.
Người kia vẻ rất sành sỏi ngắm nghía từng con ngựa, thành thạo đưa tay vạch mõm từng con ra xem răng, vừa xem vừa lắc đầu chép miệng:
- Chẳng ra làm sao, con nào cũng kém!
- Ông làm gì thế? – Tôi hỏi – Mua ngựa phải không?
- Phải - Người cán bộ công xã ngước mắt nhìn tôi.
- Thôi đi ông ơi! – Tôi nói - Ở nông thôn các ông có ngựa như thế này không? Ngựa ở làng thì toàn là giống ngựa “ ba nhanh nhạy cả thôi ”. Một là ngã xuống nhanh hơn đứng dậy, hai là ỉa chảy nhanh hơn kéo xe, ba là sống lưng nhạy sắc hơn cả dao dầu. Ông xem con ngựa này đây! – Tôi vỗ vỗ vào bụng chú Xám – Ông có muốn mua tôi cũng không bán đâu!
- Thôi được rồi – Tào Học Nghĩa nói – Xem ông ta ưng con nào thì để cho ông ta con nấy, nếu ưng tất thì lùa đi tuốt.
- Sao? – Tôi kinh ngạc hỏi – Nông trường không cần ngựa nữa ư?
- Hì, hì! – Tào Học Nghĩa hất hàm – Trên cho biết năm 1980 toàn quốc thực hiện cơ giới hoá nông nghiệp, ở dưới còn hăng hơn nhiều, mục tiêu định ra là hoàn thành trước thời hạn ba năm. Bây giờ chưa khoanh xong một nửa con số 8, thì đã bắt đầu giết thịt ngựa rồi. Tao xem, đ. mẹ nó, hết 5 năm có thực hiện nổi cơ giới hóa hay không?….Nhưng mà, đến lúc đó, chúng ta lại vào công xã xin mua ngựa chứ lo gì. Với lại, đẩy tới, đẩy lui rồi cũng là tiền của nhà nước cả, lo đếch gì!
- Thôi được.


Câu chuyện vừa rồi của Tào Học Nghĩa dường như đã rút ngắn khoảng cách giữa tôi với anh ta.
Về đến nhà, thì vợ chồng Đen và chàng Câm cùng người đàn bà chân to đã lục tục kéo đến.
- Cậu Chương này, đ.mẹ nó! Tớ vừa về đến nhà là bắt luôn tớ viết bài phê phán ngay – Đen nói – Bí quá! Cậu viết hộ vợ chồng tớ mỗi đứa một bài vậy nhé.
- Cả vợ chồng tôi cũng thế! - Người đàn bà chân to vùng Nội Mông cũng nói – Các ông các bà nói thử xem thế nay là thế nào? Lại bắt cả chàng Câm cũng phê phán Tống Giang, mà Tống Giang là ai thế nhỉ? Chả biết mắc phải sai lầm gì?
- Tống Giang là Phó chủ tịch trung ương đảng đấy – Đen vỗ vỗ vào vai người đàn bà chân to – Sai lầm của ông ta thì cũng y hệt như chàng Câm nhà bà vậy, suốt ngày câm như thóc.
- Ủa! Câm như thóc suốt ngày cũng là sai lầm ư? - Người đàn bà chân to cầm trong tay một thếp giấy trắng. Đó là giấy của tiểu đội chăn nuôi phát cho bà ta để viết bài phê phán. Giấy viết bài phê phán có khuôn khổ và mẫu mã thống nhất phải nộp đúng kỳ hạn, giống như nộp thóc thuế vậy.
- Chứ lại không ư! – Đen nói rất nghiêm chỉnh – Nói quá nhiều và câm như thóc đều là sai lầm. May cho chàng Câm nhà bà chỉ là một thắng chăn ngựa hôi rình, chứ nó mà làm quan, thì chúng lôi ra phê phán một mẻ đấy!
Người đàn bà chân to nửa tin nửa ngờ, lầu bầu trong miệng:
- Cái thời buổi gì mà kỳ cục, thật không còn biết làm thế nào mà sống nổi nữa?….
Hà Lệ Phương hôm nay vừa tắm gội xong, trông trắng trẻo nõn nà hẳn ra. Cô ta cười bảo:
- Thôi đi! Anh Đen đừng thấy bác ấy thật thà mà đùa dai mãi. Bác ơi, đem giấy của bác góp vào đây, mỗi người chúng mình đều góp một tờ.
Nói đoạn, giằng lấy thếp giấy trắng trong tay người đàn bà chân to.
- Ngần này đủ chưa? Ngần này đủ chưa?
Người đàn bà chân to có ý tiếc rẻ.
- Bà cứ tưởng, đ. mẹ nó, phải viết tràng giang đại hải như Diêu Văn Nguyên ấy sao? – Đen trả lời - Mỗi người góp mẹ nó một tờ, để mà che mắt cấp trên là được rồi!
- Còn em nữa chứ, để dành cho em một tờ với – Hương Cửu đang bận làm cơm, bây giờ mới xen vào được một câu - Ở tiểu đội em, họ cũng bảo em viết đấy. Thế mà em quên không bảo anh Chương. Cứ như anh Chương nhà này với bà Mã mà lại hay, đang có mũ trên đầu thế là khỏi phải phê phán Tống Giang Tống Giếc…
Tôi rửa mặt xong bước đến bên bàn nói:
- Ừ! Phải đấy, cô thì quả nên phê phán Tống Giang, bởi vì Tống Giang đã giết mụ vợ lẳng lơ đĩ thõa của ông ta đấy.
Hương Cửu lẳng lặng véo trên lưng tôi một cái nên thân.
Hà Lệ Phương mím môi, ném cho Đen một cái nguýt thật sắc.
Anh chàng Đen thật thà phổi bò so với trước khi đi Bắc Kinh, trông có đẫy ra. Anh ta bò người qua bàn ăn thầm thì bảo tôi:
- Ở Bắc Kinh, đ. mẹ nó, lắm tin vỉa hè thế, không biết được! Nghe đâu phê Chu Công, phê Tống Giang gì gì đó…đều là đánh vào Chu thủ tướng và Đặng Tiểu Bình đấy.
- Hả? – Tôi ngước mắt lên nhìn.
- Chứ lại không à! Rồi cậu xem, cuộc “Đại cách mạng văn hoá ” này còn chưa kết thúc, thì cứ gọi là không làm cho thiên hạ đại loạn, trời đất tối mù, tan nát tơi bời ra thì chớ kể tớ là người!
Tôi trải giấy trắng lên bàn, thận trọng nói:
- Chúng mình viết nhé. Trước khi tơi bời tan nát, thì cậu vẫn cứ phải tuân theo ý họ mà phê phán đi đã chứ!
- Ừ, đúng thế! – Đen móc túi ra hai tờ báo – Đây, cho cậu làm tài liệu tham khảo. Cậu cứ theo đó mà chép lại là được. Nhưng đừng có chép tờ nào cũng y hệt nhau, cái đó thì cậu thừa khả năng chứ gì, câu sau đảo lên trước, câu trước ngoặc ra sau……Đây, cậu xem câu ngữ lục này: “ Tống Giang đầu hàng, tức là thi hành chủ nghĩa xét lại ”. Thế này là cái chó chết gì? Ngay cả tớ cũng biết, mẹ nó chứ, rằng ở cái thời Tống Giang thì chủ nghĩa Mác cũng còn chưa ra đời, đào đâu ra chủ nghĩa xét lại? Thế chẳng phải là chỉ gà mắng chó, chặt bụi tre nhè bụi chuối ư?….
Tôi cười bảo:
- Cậu biết rõ thế thì để tớ viết theo ý cậu, đảm bảo là sẽ có một bài phê phán cực hay.
- Ấy chớ, ấy chớ…. – Đen làm ra vẻ khiếp hãi, đoạn thích chí cười hì hì - Người dân Bắn Kinh họ bảo, trên thực hành “ chính sách ngu dân ”, thì ở dưới này chúng mình lại thực hành “ chính sách ngu trên ”; quanh đi quẩn lại thì cũng là ông cai bịp tớ, tớ lại bịp giả lại ông cai thôi! Có ai nói thật với ai đâu!
- Trời! – Tôi nhấc bút lên, vừa viết vừa nói – “Đại cách mạng văn hoá ” trước hết không phải làm tan nát nhà nước, mà là làm bại hoại đạo đức của dân tộc Trung Hoa chúng ta. Đúng là sẽ di họa cho con cháu không biết mấy trăm năm!


Đen giẫm chân lên một chiếc ghế đẩu, tuyên bố một cách rất tự đắc:
- Sống vô đạo đức thì dễ! Sống có đạo đức thì khó lắm!
Quả đúng như vậy!   


Tôi nhanh chóng chép xong năm bản phê phán Tống Giang, Đen hớn hở ra mặt cầm lấy hai tờ, phần của vợ chồng cậu ta.
- Được lắm! Nào các ông các bà nghe đây: “ Kết hợp chặt chẽ việc phê phán Tống Giang với nông nghiệp học Đại Trại, kiên định một lòng học tập bần nông và trung nông lớp dưới ”. Cậu Chương này, mẹ kiếp, thật là may nhờ có cậu. Đây, bà chị, của vợ chồng bà chị đây. Đến mai, em xin học tập đến nơi đến chốn cái ông anh Câm của bà chị đấy. Chàng Câm mới đúng là “ bần nông trung nông lớp dưới ” thứ thiệt.



Những người khách đều hả hê vui vẻ ra về. Cô bưng cơm lên bàn, nói với một giọng đầy tự hào:
- Anh viết nhanh thật đấy! Chứ để người khác viết ấy à, bỏ rẻ cũng phải mất hai ngày rưỡi.
Tôi lắc đầu cười cay đắng:
- Chúng ta sống thật là gian nan nhưng cũng thật là tiện lợi. Mọi thứ đều được người ta sửa soạn sẵn cho rồi, đến bộ óc của chúng ta cũng chả cần hoạt động suy nghĩ gì nữa.
Hóa ra là cô đã gửi Đen về tận Bắc Kinh mua cho tôi một chiếc máy thu thanh bán dẫn.


Cô cứ xoắn lấy tôi, bắt tôi đoán lên đoán xuống mãi, mà tôi không tài nào đoán trúng được. Có ma quỷ mới biết được những phù phép trong lòng dạ đàn bà! Đến lúc tôi đoán mãi đã chán ngấy rồi, cô mới lôi trong hòm ra.
- Anh xem cái gì đây này? – Cô cười tay nâng cao cái hộp giấy – Đen, nó bảo mất hơn một trăm đồng đấy, anh bảo có đến giá ấy không? Chớ để hắn lại úm được chúng mình!
- Đến, đến giá ấy đấy.
Đây là việc duy nhất từ trước tới nay cô làm mà khiến tôi mừng rỡ ra mặt. Tôi vội vàng tháo ngay hộp ra.
- Em xem đây này, đây là ba sóng ngắn, lại còn ăng ten cần câu này, tai nghe này…. Tốt quá! Làm sao mà em nhớ ra thế?!
- Anh đã bảo em rồi đấy thôi – Cô chồm người bíu lấy vai tôi, không nhìn vào máy, mà chỉ nhìn vào tôi – Anh nói với em câu gì rồi anh cũng quên, nhưng em thì em để ở trong lòng.
- Được rồi, được rồi! – Tôi đẩy cô ra – Đi kéo rèm cửa sổ lại.
Chẳng biết bắt đầu từ bao giờ, máy thu thanh được gắn liền với “đặc vụ ” và “ phản cách mạng ”. Ý thức đó thấm vào tận tế bào dây thần kinh của mỗi người, bất cứ nhà nào có máy thu thanh đều có thể gây ra cảnh giác đặc biệt của những người xung quanh. Một cái hộp đen bé tí xíu, vậy mà sâu thẳm không lường, chứa đựng trong đó cả một thế giới tội ác. Còn thế giới cách mạng quang minh chính đại thì chỉ tồn tại trong cái loa to đùng, mỗi ngày phát thanh ba buổi. Ngoài cái loa ấy ra, tất cả đều nói dối, đều là lời rủa nguyền của ma quỷ tuốt. Nhưng khoa học kỹ thuật vẫn ngày đêm chọc thủng mọi biên giới quốc gia nghiêm mật nhất, chọc thủng mọi giới hạn về hình thái ý thức tưởng chừng như không thể vượt qua. Bằng làn sóng vô tuyến điện mà mắt người không nhìn thấy được, nó bủa lên cả thế giới này một tấm lưới cực kỳ bền chặt, thít lại, nghiền nhét tất cả những nắm đất manh mún rời rạc khắp nơi thành một khối thống nhất.
Tôi xúc động lắp pin vào, kéo ăng ten cần câu lên, đeo tai nghe vào. Trong giây phút đó, chính bản thân tôi cũng có cảm giác phạm tội, mặc dù tôi vẫn nghĩ rằng nghe đài chẳng có gì là tội lỗi cả - đã tin mình nắm chân lý trong tay, thì việc gì còn sợ nhân dân nghe những lời nói dối – nhưng mấy đầu ngón tay tôi vẫn run như cầy sấy, không sao ngăn nổi, đầu ngón tay tôi đang dò tìm từng quãng sóng. Làn sóng điện xuyên qua bầu trời Thái Bình Dương, Địa Trung Hải, Biển Đỏ, vượt qua đỉnh cao nhất trên dãy Hi-ma-lai-ya, mang theo tiếng rú gào của bão bùng giông tố truyền đến màng nhĩ tai tôi. Đêm hôm đó, tôi nghe mãi cho đến khi tất cả các buổi phát thanh tiếng Hoa đều kết thúc.


Kết quả khiến tôi thất vọng.


Bọn tây đầm thừa ăn thừa mặc ở bên trời Tây kia, ba chục năm nay hình như chẳng tiến thêm được một chút nào, chẳng hề trưởng thành chín chắn được tí gì. Cái con người máy móc đồ sộ ấy, nếu đem so với chúng ta những con người từng trải hết mọi lo âu hoạn nạn, nếu đem so với những con người khổng lồ trưởng thành lên trong khổ nạn này, thì đầu óc chíng trị của hắn chẳng qua chỉ ở trình độ vườn trẻ mẫu giáo. Đối với cái chính trị thần bí chủ nghĩa dưới sự chỉ đạo của huyền học phương Đông, đối với cái tâm lý quanh co vòng vèo và cả phương thức biểu hiện vòng vèo quanh co của những con người được tạo thành trong môi trường chính trị ấy, họ mù tịt chẳng hay biết gì cả, cũng giống như người dân Trung Quốc chịu không tài nào hiểu nổi vì sao một ông tổng thống nước Mỹ lại chỉ nghe trộm một cuộc nói chuyện của người khác lại bị la ó hạ bệ như vậy.


Họ bình luận tình hình Trung Quốc, chỉ có thể xuất phát từ trật tự hiện hành và bằng cách đưa tin được gọi là khách quan mà thôi. Và cái thứ khách quan ấy, thì chính là hiện tượng có tính chất bề ngoài hơn cả, còn chưa sâu sắc bằng nhận thức của Đen và Tào Học Nghĩa. Tuy nhiên, buổi phát thanh hôm nay của đài trung ương ở Bắc Kinh lại tiết lộ một tin rất quan trọng. Trong một bài ký tên Trì Hằng, với tiêu đề “ Kết hợp bình luận Thủy Hử, học tập lý luận sâu sắc hơn nữa ”, có nói “ Phái đầu hàng, đường lối theo chủ nghĩa đầu hàng, trên lịch sử đã từng có, thời hiện đại đang có, và sau này vẫn sẽ có ”. Hai tiếng “ sau này ” ấy rõ ràng không phải là vu vơ, mà là bắn tên có đích đấy….
- Mẹ kiếp!
Tôi gỡ bỏ tai nghe, mệt mỏi vứt chiếc máy bán dẫn ra giường.
- Sao thế?
Bên cạnh tôi, cô cựa mình, mơ mơ màng màng hỏi tôi
- Chả đáng! – Tôi đáp

<< PHẦN NĂM - Chương Một | P5 - Chương Ba >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 652

Return to top