Chiếc máy kéo chạy đến trước cửa trường tiểu học của nông trường bộ thì bỗng dưng chết máy, chiếc rơ-móc chồm lên một cái rồi mới dừng hẳn. - Lái cái con b….! – Chú Lý nhảy ra khỏi ca-bin, đưa chân đá một cái vào chiếc bánh hơi – Cái đồ vứt đi này mà còn bắt dùng, ở nước ngoài người ta thải mẹ nó đi từ lâu rồi.
Mặt trời đã lặn hết. Vầng trăng to, tròn vành vạnh đã hiện ra trên bầu trời. Không có mây, không có ráng chiều, cũng không có một vì sao. Tôi bỗng phát hiện ra cảnh vật chung quanh còn rõ hơn cả lúc hoàng hôn. Hai bên cổng trường là hai câu ngữ lục sơn đỏ: “ Mọi công tác của nhà trường đều nhằm làm chuyển biến tư tưởng của học sinh ”. Phía bên kia là: “Đội công nhân tuyên truyền sẽ ở lại lâu dài trong trường học, tham gia toàn bộ nhiệm vụ đấu tố, phê phán và cải tạo trong nhà trường, và vĩnh viễn lãnh đạo nhà trường ”. Dưới ánh trăng lời Mao chủ tịch ngời ngời lấp lánh.
Thì ra học sinh đến trường không phải là để học kiến thức, mà là để chuyển biến tư tưởng. Hẳn là để chuyển biến “ sự hồn nhiên trong trắng thành thói gian trá đểu cáng ”? Hay là chuyển biến “ tư tưởng tư sản thành tư tưởng vô sản ”?
Trẻ con lên bảy đã có tư tưởng tư sản, và nhiệm vụ của nhà trường này là bắt chúng chuyển biến lập trường? Tôi cảm thấy một cơn gió lạnh thổi tới buốt căm căm.
Đã muộn lắm rồi. Gió lạnh từ trên vầng trăng kia thổi xuống….. Trước đầu máy kéo, chú Lý đang hổn hà hổn hển kéo dây cu-roa, hòng khởi động nó lần nữa. Trên mặt trăng kia hiện rõ từng vệt đen dài. Đó là những đại lục trên mặt trăng ư? Hay đại dương trên đó?
….Tôi như người trên cung trăng rơi xuống, đối với mọi thứ trên trái đất này đều cảm thấy ngỡ ngàng ngơ ngác. Dần dần tôi không còn hiểu biết tí gì về mọi việc trên trái đất này nữa. Và mỗi lúc cảm thấy mình đến gần mặt trăng hơn, gần thêm, gần mãi. Trước mặt tôi trăng mỗi lúc một to, mỗi lúc một rõ.
- Đ. mẹ! Đếch chạy được nữa – Chú Lý bước tới, đu người lên thành rơ-móc, thò đầu vào hỏi tôi – Làm thế nào bây giờ hả, anh Chương ơi? Tôi nằm ngửa trong rơ-móc, dưới lưng lót một chồng bao tải, rất êm, rất thoải mái. - Không chạy được thì cậu thử kéo xem – Tôi đáp, mắt vẫn không rời khỏi vầng trăng. - Đ.mẹ! Anh chỉ được cái nói kháy là không ai bằng. Anh xuống mà kéo đi xem nào? - Tớ chỉ quen ăn no vác nặng thôi, không biết lái máy kéo. Tớ mà biết lái, thì tớ đã lái béng đi cho cậu từ đời tám hoánh nào rồi. Chú Lý vẫn tần ngần bên thành xe, chép miệng liên hồi: - Chậc, chậc, làm thế nào bây giờ? Tan ca chiều bí thư Tào bảo tôi làm thêm ca đêm, theo máy kéo chú Lý ra ga xe lửa chở phân lân. - Tối nay cậu chịu khó đi một chuyến, ngày mai, ngày kia cho cậu nghỉ bù thêm hai ngày. – Tào Học Nghĩa nói – Ngày mai nông trường bộ họp đại hội cả ngày, toàn thể công nhân viên chức đều tham gia. Trên lại kêu gọi học tập lý luận chuyên chính vô sản, phê phán Tống Giang Tống Giếc gì ấy….
Nếu cử một công nhân viên chức đi làm ca đêm, thì tất nhiên ngày sau anh ta không đi dự đại hội được. Còn các phần tử địa chủ, phú nông, phản động hữu phái, và phần tử xấu thì không được quyền dự đại hội; nên điều tôi đi làm thêm ca đêm là thích hợp nhất, vừa khỏi lỡ việc chăn ngựa, một mình chàng Câm chăn cũng được, lại vừa khỏi ảnh hưởng đến không khí sôi nổi của đại hội ngày mai “ một trăm phần trăm đến dự đại hội, một trăm phần trăm nhất trí hô vang ”….Về phần tôi, làm thêm một ca đêm được nghỉ bù hai ngày, thì làm quá đi chứ! Ban ngày cô ấy đi làm, tôi ở nhà một mình càng hay. - Này! – Chú Lý lượn một vòng quanh máy kéo, lại quay về bên chiếc rơ-móc, nhăn nhở bảo tôi – Thôi, anh em mình vào quách trường tiểu học tìm một chỗ ngon lành đánh một giấc đi. - Đánh một giấc? Cậu dám nghĩ như vậy à? Thế còn nhiệm vụ thì sao? - Nhiệm với chả vụ! Bỏ mẹ nó cái nhiệm vụ của anh đi nhá – Chú Lý nhẩy cẫng lên dưới ánh trăng – Máy kéo già cốc đế, như răng bà lão ấy, đáng cho vào bảo tàng từ lâu rồi. Tôi chịu thôi, ai tài giỏi thì đi mà lái. Tôi bò dậy, leo lên thành rơ-móc, nhảy xuống đất. - Thì cậu phải báo cáo lên trên chứ. Máy hỏng, chúng mình vỗ đít đánh một giấc, nhỡ thằng cha căng chú kiết nào đến gỡ hết phụ tùng thì sao? Với lại, xảy ra việc gì, người ta không truy cậu mà lại cho là tớ phá hoại máy nữa cơ. Chú Lý gãi lên mũ, mồm cứ liến thoắng: - Làm sao bây giờ? Làm thế nào bây giờ? Cậu là con trai cưng của phó chủ nhiệm Ban chính trị nông trường bộ, có cái ô to tướng, nhưng không lên mặt chuyên chính với tôi, mà còn lo thay cho tôi. - Vậy thì anh đi ngủ đi, để tôi ở đây trông máy cho. - Thế cũng không ổn. Cái máy kéo này đến sáng mai cũng không nhúc nhích được đâu, mà bí thư Tào thì cứ yên trí là chúng mình đang làm việc cơ. Tớ tính thế này nhé, cậu cứ ngủ trong ca-bin ấy, để tớ về báo cáo tình hình này. Trước là chúng mình làm cho tròn trách nhiệm, sau nữa là tớ có thể dắt hai con ngựa tới kéo khởi động máy. Cậu thấy thế nào? - Trời ơi! Thế thì khổ thân anh quá. Từ đây mà về tới đội, bỏ rẻ cũng mất hai chục cây số chứ chả ít. - Không sao, tớ đi chăn cừu quen rồi; hôm nay lại có trăng. Muộn nhất thì mười hai giờ đêm tớ cũng về đến nhà, sau đó cưỡi ngựa đến đây thì nhanh thôi. Cậu cứ ngủ đi, tớ sẽ trở lại đây kéo cậu dậy trước lúc trời sáng.
Trăng đã lên đỉnh đầu. Dưới ánh trăng, đi giữa đồng không mông quạnh tưởng chừng như đi trên mặt trăng vậy, tít tắp tới tận đường chân trời đen sẫm kia, hoàn toàn vắng tanh vắng ngắt, không một bóng người. Có cảm tưởng như đi đến đường chân trời ấy, rồi bước thêm một bước nữa thì sẽ rơi vào bầu trời mênh mông bát ngát. Lúc này tôi đã trở về với môi trường quen thuộc của tôi, bồng bềnh trong trạng thái không trọng lượng, toàn thân lâng lâng, bước chân thoăn thoắt. Tôi rất thích ban đêm một mình đi bách bộ dưới trăng. Thì ra, con người ta đi từ thế giới này sang một thế giới khác không có gì khó, bất quá chỉ là trái đất từ phía này quay sang phía kia mà thôi. Khoảng hơn mười một giờ đêm, tôi về tới đội sản xuất. Cái xóm nhỏ tôi đã êm đềm ngủ say trong ánh trăng. Từng dãy nhà đất màu vàng khè, giờ đây nằm dài ngay ngắn đều đặn giữa đồng ruộng, cũng một màu vàng đất ấy. Hệt như những người nông dân lam lũ sau một ngày làm lụng cực nhọc. Trong giải rừng bên kia, tôi thấy dãy nhà đầu tiên có hai ngọn đèn sáng chói. Một ngọn là văn phòng của đội sản xuất, còn một ngọn nữa là nhà kho của đội sản xuất trước đây, nay là nhà tôi. Khuya thế này rồi mà cô ta vẫn chưa đi ngủ, một tình cảm ấm áp, một nỗi niềm xót thương bỗng dâng lên dào dạt trong tôi.
Đến văn phòng đội báo cáo với Tào Học Nghĩa đã chăng? Hay là về nhà thăm cô trước đã, bảo cô đi ngủ đi kẻo muộn? Tôi rời đường cái, đi vào con đường mòn xuyên qua giữa rừng dương thưa thớt. Cành lá dương khô mục rụng xuống từ năm trước xào xạc dưới chân tôi. Gió đêm mát lạnh lùa trên những ngọn cây, nghe rõ tiếng chim non giật mình kinh hãi chiêm chiếp liên hồi trên các tổ chim gi, chim sẻ.
Xung quanh rừng dương là một dãy liễu quế hương. Liễu quế hương là giống cây đặc sản vùng tây bắc, vỏ cây nâu sẫm như cây me, thân cây cong queo đầy gai; lá tro mốc thếch, nhưng hoa vàng lấm tấm như những hạt gạo, lại có hương thơm ngào ngạt lạ thường. Giống cây này mọc được cả vùng đất mặn cằn cỗi, không đòi hỏi thiên nhiên phải cung cấp nhiều mưa, lại hào phóng hiến dâng hương thơm cho đời không chút dè sẻn.
Mùa này hoa liễu quế hương đã tàn, trên cành lúc lỉu những chùm quả xanh non. Sang thu cả tán cây sẽ là một màu vàng óng ả. Tôi đi qua dưới từng cây liễu quế hương, sắp đến cuối rặng cây thì thấy đèn văn phòng chợt tắt. Có cảm tưởng như cái xóm nhỏ của tôi bỗng nhắm lại một mắt. Từ văn phòng một bóng người đi ra, dưới ánh trăng vằng vặc, tôi nhận ngay ra là Tào Học Nghĩa. Anh ta không đi về phía nhà anh ta ở dãy sau, mà nhắm về phía nhà kho, tức là nhà tôi. Giữa lúc tôi đang ớ ra vì kinh ngạc, thì anh ta đã đẩy cửa đi lọt vào nhà tôi. Ánh đèn trong cửa vụt hắt ra, một vệt sáng dài loé ra tận ngoài đồng. Nhưng loáng cái, cửa đã đóng lại.
Tôi tiến thêm mấy bước nữa, trong nhà đèn cũng tắt phụt. Trước mặt tôi giờ đây, cái xóm nhỏ của tôi đã nhắm nghiền cả hai mắt.
Cả cái xóm nhỏ đều đã ngủ say. Tôi đã bị gạt bỏ lại bên ngoài, chỉ một mình tôi thức.
Cái việc ấy rốt cuộc đã sảy ra.
Chân tôi bủn rủn, tôi ngồi bệt xuống gốc cây liễu quế hương. Tôi nghe rõ tiếng vỏ cây đầy gai cào sồn sột lên chiếc áo choàng bằng vải bạt của tôi, nhưng lưng tôi chẳng còn mảy may tri giác.
Nhớ lại những nỗi nhục nhã đã từng nếm chịu, và đem so với mọi cảnh bất hạnh của mọi kẻ bất hạnh. Duy có nỗi nhục nhã này, tôi chưa từng nếm mùi bao giờ khiến tôi kinh ngạc, cảm thấy không ngờ, không tin rằng số phận lại hậu hĩ với tôi như vậy. Dường như trời sinh ra tôi là đã định sẵn rằng tôi phải nếm trải mọi nỗi đau khổ, phải đi xuyên suốt toàn bộ hoả ngục đày đoạ dựng lên bằng nước và lửa, bằng gươm đao và rắn độc. Mấy hôm nay, tôi bắt đầu dự cảm lờ mờ rằng cái ngày tôi phải chịu đựng nỗi nhục nhã đó e chừng sắp đến.
Từ lâu tôi đã như con chó đói bị dồn đến chân tường co lưng, quắp đuôi, hai mắt đỏ ngầu tia máu tuyệt vọng nhìn lên cây gậy đã giơ cao, đớn hèn bất lực chờ cái giây phút nó sẽ giáng xuống đầu mình. Duy chỉ cầu mong có một điều là nó đừng đập vụn xương tôi ra, để cho tôi còn bò lê được, còn ăn được, còn băng bó vết thương được, may ra còn khỏi được.
Đến giờ phút này, cái gậy đã rốt cuộc giáng xuống.
Tôi lại một phen nghiệm thấy được trực giác của mình.
Tôi rã rời đổ xuống dưới gốc cây liễu quế hương, hai tay tôi điên dại vầy vò lớp vỏ cây đầy gai, lòng bàn tay rách bươm toé máu, dường như tôi làm thế là để phục hồi lại tri giác, đặng kiểm tra mức độ tổn thương của mình. - Này, cớ sao ngươi lại nằm đây? - Bỗng nhiên một bóng ma từ trên không trung lướt tới, đá vào lưng tôi một cái – Hãy đi cầm lấy cái rìu đẵn củi! Sau cánh cửa nhà các ngươi vẫn có một cái đấy thôi? Trong túi ngươi có sẵn chìa khoá, mở toang cửa ra mà xông vào. Đại trượng phu đứng trong trời đất, há có thể chịu được nỗi ô nhục nhường kia ư?!
Tôi ngẩng đầu lên. Bóng ma mặc quan phục nhà Tống, da ngăm ngăm đen, vóc người lùn béo, mắt phượng mày ngài. Bóng ma khe vuốt chòm râu, bảo: - Anh em của ta quyết không bao giờ đớn hèn như nhà ngươi, như đại ca Võ Nhị Lang có biệt hiệu là “ đinh ba tấc ”, còn quyết liều sống chết với loài gian phu dâm phụ, huống chi nhà ngươi thân cao bảy thước, sức dài vai rộng, đường đường một đấng tài trai. Nhà ngươi nín nhịn mối nhục tày trời đó thì mặt mũi nào nhìn thấy cha mẹ nhà ngươi nơi chín suối?
Cái này có thể thử được đấy! Cái hôm cưới, ở trên tường đã chẳng ngổn ngang xác chết đó sao? Phải chăng là điềm báo trước? Nhưng…. - Tống đại ca ơi! – Tôi kêu lên – Nhưng mà, thời đại đã đổi khác. Đại ca giết Diêm Bà Tích mà vẫn nhở nhơ ngoài vòng pháp luật, chứ còn tôi? Ngày nay chẳng có Lương Sơn Bạc…. - Theo ta, thời buổi này của các ngươi cũng chẳng khác thời Tuyên Hoà là mấy - Tống Giang nói – Chúa thượng hôn dung, sói hùm chắn lối, bậc trung lương bị hãm hại, lúc này không dựng gậy làm cờ mà nổi lên thì còn đợi đến lúc nào? Lương Sơn Bạc thì cũng do các hảo hán lập ra đấy chứ…. - Thưa đại ca, mỗi thời một khác – Tôi vội thưa - Tập đoàn lãnh đạo hiện nay phức tạp hơn thời xưa của đại ca lắm lắm. Ngay nội bộ tập đoàn ấy đã có biết bao nhân vật yêu nước thương dân, họ đang làm việc trong cảnh gian nan, mong đưa nước nhà lên con đường chính đáng. Dân chúng bên dưới dẫu có liều lĩnh làm bừa thì thật ra cũng chẳng ích gì. - Thiển cận quá, thiển cận qúa! - Tống Giang cười ha hả - Trên dưới kết hợp, nội công ngoại kích, trong triều ngoại nội cùng lo thì mới mở ra được cái mà nhà ngươi gọi là con đường chính đáng. Nếu không có lực lượng phía dưới, lực lượng ngoại kích, lực lượng ngoại nội, thì những bậc khanh sĩ trong triều yêu nước thương dân, mà nhà ngươi nhắc đến trên kia cũng sẽ lâm vào cảnh đơn thương độc mã, một bàn tay vỗ sao kêu được, cuối cùng sói hùm dọn sạch, tống vào ngục trời. Nhà ngươi mau mau tập hợp lấy một cánh quân, chi viện các bậc trung lương trong triều, để “ thanh quân tróc, chính triều cương ”, lọc sạch tả hữu của nhà vua, sửa ngay cương kỷ của triều đình. - Thưa đại ca, cánh quân mà đại ca nói đó, ngày nay chúng tôi gọi là “ tổ chức cách mạng ”. Bộ máy chuyên chính thời nay nhân danh giai cấp vô sản lập lên, không giống như bọn sai dịch ở nha môn thời đại ca đâu! Ngay từ khi những “ tổ chức cách mạng ” như vậy chưa kịp hình thành, thì chúng nó đã ra tay trước. Hành động vây bắt của chúng còn nhanh hơn cả hành động của tổ chức mình. Hơn mười năm nay, chúng nó thà bắt nhầm hàng nghìn người chứ không để bỏ xót một người. Năm 1968, tôi vừa mới ra khỏi đội lao cải, chẳng biết mô tê gì cũng tưởng là có một “ bộ tư lệnh Lưu - Đặng ” thật, bèn liều mạng lao đi tìm, nhưng chẳng những không được ích gì, mà còn bị chụp mũ tống vào trại giam ngay. Đại ca tưởng dễ lắm sao? Chẳng hạn như đại ca đấy, qua đời mấy trăm năm nay, mà chúng vẫn cứ lôi đại ca ra mà phê mà đấu đấy thôi. May mà đại ca không hiện về ban ngày đấy, nếu không cũng bị bắt trói ngay tại chỗ rồi. - Ôi! Thật đúng là mỗi thời mỗi khác! - Tống Giang ngửa mặt than dài - Kể nói như thế, thì một con kiến mối như nhà ngươi quả không có cách nào cứu nguy cho xã tắc. Vậy thì cắt quách cổ đôi gian phu dâm phụ kia đi, rồi sau tự sát, cũng là một cách răn đe trừng phạt những quân gian ác trên đời. - Đấy tuy đáng kể là một cách sửa chữa thói đời, nhưng Tống đại ca còn chưa biết đấy thôi, tôi với cô ta tiếng là vợ chồng, song thực ra chẳng phải vợ chồng gì, tôi cũng chả bỏ liều tính mạng mình với chúng, dẫu rằng tôi chẳng còn mảy may luyến tiếc cuộc sống hôm nay…
Một trận gió ù ù nổi lên, cành lá các cây liễu quế hương, cây dương thảy đều vật vờ nghiêng ngả. Những cái bóng lờ mờ của chúng in trên mặt đất giờ đây rối tung lên, thành một đám khói đen mù mịt. Trên không trung lại vang lên giọng bi thiết của một u hồn khác. - Chỉ tại cái mặt trăng kia đi chệch quỹ đạo, đi sát địa cầu hơn thường ngày, bởi thế làm cho loài người đều điên rồ hẳn đi – U hồn này có bộ mặt đen sì, khoác chiến bào của quân nhân Vơ-ni-dơ thời cổ đại. Thì ra là u hồn của Ô-ten-lô xứ Mô-rơ. Ông ta lướt đi giữa sương mù đen đặc, đôi mắt đờ đẫn, dáng vẻ tự nhiên như không biết có ai khác – Dũng khí của ta cũng bỏ ta mà đi. Kẻ hèn nhát yếu đuối nào cũng có thể cướp được gươm ta. Nhưng một khi gian ác đã thắng được chính trực, thì làm gì còn có vinh dự được nữa. Hãy để cho tất cả đều quy về hủy diệt. Ở dưới địa ngục ông ta đã bị giày vò đến phát điên. Cái giày vò ông ta chính là lương tâm và lòng hối hận. Giọng nói sắc lạnh của ông như có ý răn đe, bất cứ kẻ nào mưu toan giết vợ rồi tự sát.
Sương mù dần dần tan đi, hai u hồn đều đã biến mất, không còn bóng dáng đâu nữa.
Lát sau, trăng lại tỏ, bầu trời lại sáng trong. Cơ thể tôi cỡi trên ánh mắt tôi, xuyên qua bầu trời xanh đen đi ngao du bốn cõi. Dưới gốc cây liễu quế hương này, tôi dường như có thể đối thoại trực tiếp với bất cứ thiên thể nào trong vũ trụ. Hơn thế nữa, tôi vươn tay ra hoặc giơ chân lên đều là ở trong vũ trụ bao la đó. Tôi đã lao mình vào trong vũ trụ. - Ôi! – Tôi gào thét vào bầu trời thăm thẳm - Mạnh Tử bảo rằng: trời sắp giao trách nhiệm lớn cho người nào thì tất trước làm cho gân cốt người ấy phải mệt, cơ thể người ấy phải đói, tâm trí người ấy phải khổ, công việc người ấy phải loạn. Mệt, đói, khổ, loạn tôi đều đã nếm trải, nhưng biết đến lúc nào mới coi là kết thúc? Nếu như mọi thứ từng trải ấy không có một mục đích, thì tôi thà kết liễu cái sinh mệnh của mình ngay tại đây còn hơn. Đây cũng có thể coi là một kiểu kết thúc…. - Với con cá sống dưới đáy giếng không thể luận bàn về biển cả, ấy là vì hạn chế bởi không gian; con sâu mùa hạ không thể đàm đạo về băng giá, ấy là vì bị chế ước về thời gian; với gã thư sinh quê mùa không thể bàn đạo lý lớn, ấy là vì anh ta bị ràng buộc bởi lễ giáo – Trên trời cao có một giọng nói sang sảng trả lời tôi - Giờ đây, ngươi đã khỏi sông và nhìn thấy biển cả, biết được cái xấu xa của chính ngươi, như vậy mới có thể cùng ngươi luận bàn những đạo lý lớn lao. - Vâng ạ, mong tiên sinh chỉ giáo. Con xin vâng mệnh – Tôi biết người đang nói chuyện với mình là Trang Tử, mặc dù không nhìn thấy hình thể Người. - Lời nói ấy của Mạnh Kha, có điều bất thông là ở chỗ ông ta cho rằng tạo hoá luôn có mục đích định trước. Ta từng nghe người có thành tựu lớn nói rằng: kẻ tự khoe mình thì chẳng có công tích gì, kẻ đã thành công mà không biết thoái lui thì sẽ rơi vào thất bại, kẻ tiếng tăm hiển hách ắt sẽ bị tổn thương. Người nào biết vứt bỏ công danh mà trả lại chúng nhân, đạo lớn lưu hành mà không khoe khoang công mình, đức hạnh đầy đủ mà không cầu tiếng tăm, thì mới có thể không cầu xin gì ở người khác, người khác cũng không cầu xin gì ở mình. Mệt, đói, khổ, loạn của ngươi chính là đã tham dự vào công việc tạo hoá của trời đất. Bậc chí nhân không cầu mục đích, không cầu tiếng tăm, cớ sao ngươi lại ham thích nó mà chăm chăm tìm kiếm? - Đạo lý của tiên sinh cực kỳ sâu sắc – Tôi nói – Nhưng không khác với con lắm. Con không hề coi tiếng tăm hiển hách là mục đích của mệt, khổ, đói, loạn. Con biết rằng tiếng tăm hiển hách có thể mang lại nỗi đau buồn mới. Con chỉ mong làm nên được một chút gì đó…. - Ha! Ha! – Trang Tử cả cười – Ngươi phải biết rằng không làm gì cả thì mới có thể làm nên được một chút gì đó, mà không làm gì chính là không có cái gì không làm. Người tù khổ sai đã không kể gì sống chết cho nên leo lên cao mà không sợ sệt, bị đe doạ trả thù mà vượt lên trên sự phân biệt mình với người khác . Mà vượt lên trên sự phân biệt mình với người khác, tức là đã đạt tới cõi “ thiên nhân hợp nhất ”.
Cho nên con người như vậy có thể đạt tới chỗ được người ta sùng kính mà không hớn hở vui mừng, bị người ta khinh nhờn mà không oán hờn giận dữ. Chỉ có hợp với trạng thái hoà khí của tự nhiên mới có thể được như vậy. Khí giận tuy phát sinh nhưng không phải là cố tình tức giận, vậy thì khí giận phát sinh ở vô tâm; làm được một chút gì trong tình trạng vô vi, thì làm việc đó chính là không làm gì cả. Muốn yên tĩnh thì phải giữ cho khí được bình, muốn dốc lòng chăm chú thì phải giữ cho tâm được thuận, có làm mà muốn đắc đạo thì phải gửi gắm ở điều bất đắc dĩ, đối với việc bất đắc dĩ mà thuận ứng với việc tạo hoá của trời đất, chính là đạo của thánh nhân đó.
Khắp người tôi sởn gai ốc, mồ hôi lạnh toát ra đầm đìa: - Đa tạ tiên sinh đã chỉ giáo. Con đã hiểu được đại thể đạo lý làm người của tiên sinh. Con nhất định sẽ không mừng rỡ, không giận dữ, muốn có được sở vi thì nên có sở bất vi, tức như tiên sinh vẫn dạy “ tiểu bất nhẫn tất loạn đại mưu ”, không chịu nhẫn nhục điều nhỏ, thì sẽ làm hỏng cả mưu đồ lớn. Tuy vậy con vẫn mong tiên sinh dạy thêm, cho một đôi điều đạo lý cụ thể nữa, có được không ạ? Tiếng Trang Tử từ vũ trụ vọng xuống: - Rùa thần có thể báo mộng cho Nguyên Quân, nhưng lại không thể thoát khỏi lưới đánh cá của Dư Khả; Cơ Trí biết bói bẩy mươi hai quẻ, không quẻ nào là không ứng nghiệm, nhưng lại không thoát khỏi cái vạ khoét ruột. Xem như thế thì Cơ Trí cũng có lúc khốn, thần linh cũng có chỗ bất cập. Dẫu cho có mưu trí cao siêu nhất thì cũng cần có chúng nhân cùng mưu hoạch. Cá không biết sợ lưới mà sợ chim cốc; người ta có thể bỏ điều hiểu biết nhỏ mà điều hiểu biết lớn tự khắc sáng ra, vứt thói tự cho là thiện thì điều thiện tự nó tỏ rõ. Trẻ con sinh ra chưa có thầy dạy bảo thì đã biết nói, là vì ở cùng với người biết nói. Ta chuyên nghiên cứu đạo trời nên ít chú ý người. Ngươi muốn biết đạo lý cụ thể việc người, thì hãy tìm bậc đạo sư am hiểu phương diện đó mà thỉnh giáo. Giọng nói của Trang Tử biến mất giữa bầu trời. Giữa bầu trời treo một vầng trăng vằng vặc, bóng cây chập chờn, muôn vật trở lại thanh tịnh như cũ. Bỗng từ vầng trăng vành vạnh, Các-Mác thong thả bước ra. - Con ơi, ta đã nghe tiếng lòng con thổn thức – Mác thọc một ngón tay vào túi áo gi-lê – Nhưng e rằng về phương diện này ta không giúp gì được cho con. Con biết đấy, Jen-ni là người đàn bà mà ta yêu quý, ta là người đàn ông nàng quý nàng yêu, lẽ tất nhiên ta không có kinh nghiệm xử lý loại vấn đề mà con đang vấp phải… - Kính thưa bậc thầy vĩ đại, con xin không thỉnh giáo ngài về việc đó. Vấn đề ấy, tự con nghĩ đã thông suốt. Con sẽ bình tĩnh ôn hoà giải quyết, không để tổn hại đến đạo đức của mình. Điều con muốn thỉnh giáo ngài là nước nhà của chúng con, xã hội của chúng con, tức là rồi đây về phương diện con người sẽ ra sao? Bởi vì…. - Ha, ha! – Mác phá lên cười thoải mái – Con ơi, con nói rằng con nghĩ đã thông suốt, thật ra là con chưa thông. Điều căn bản của triết học nhân sinh phương Đông là tu thân dưỡng tính, vươn tới sự hoàn chỉnh của đạo đức, trả con người về với tự nhiên, tức là giao lưu với tinh thần của trời đất, đạt tới chỗ “ thiên nhân hợp nhất ”. Theo ta, con nên suy nghĩ kỹ về phía đó, đối xử với người khác bằng thái độ bình đẳng và tôn trọng. Quan niệm phương Tây là tự do bình đẳng, quan niệm phương Đông là đạo đức và danh dự. Ở đây ta không muốn phân tích quan niệm nào hơn quan niệm nào, chúng thuộc về những thời kỳ lịch sử khác nhau. Hơn nữa, theo sự phát triển xoáy trôn ốc của lịch sử, triết học phương Đông của các người rồi sẽ được phát huy rực rỡ trên thế giới. Ở đây ta chỉ muốn vạch ra rằng, con với cô ta là vợ chồng, nhưng con đã không hoàn thành nổi nghĩa vụ làm chồng, thì con có quyền gì ngăn trở cô ta đi tìm khoái lạc trong chốc lát? Con tưởng rằng con đã tha thứ cho cô ta, là con khoan dung độ lượng về đạo đức, nhưng thật ra ngay cả cái quyền tha thứ cho cô ta con làm gì có? Cái kiểu tự phong thánh thiện ấy cũng không hợp với đạo của thánh nhân theo quan niệm phương Đông đâu. - Vâng ạ - Tôi bây giờ mới vỡ lẽ ra, cảm thấy mọi điều đều sáng tỏ lạ thường – Kính thưa thầy, xin ngài hãy dạy tiếp. - Được – Mác vén vạt sau của chiếc áo đuôi én lên, ngồi xuống gốc cây đối diện tôi – Trước hết, ta yêu cầu con đối với ta phải giữ thái độ bình đẳng, để hai con người hai thời đại khác nhau nói chuyện với nhau như những người bạn. Ta sở dĩ gọi con là “ con ”, chỉ vì dẫu sao tuổi tác của ta hơn con nhiều lắm. Ở đây không có bậc thầy, không có đạo sư. Xưa nay ta không hề tự phong cho mình như vậy, ta cũng không chủ trương bịt miệng đời sau, đó chính là điều khiến ta khổ não mãi nơi thiên đường. Vĩ nhân sở dĩ là vĩ nhân, chính là vì tự ta quỳ xuống. Ta nhớ rằng từ lâu ta đã nói với các người điều đó. Tiếc rằng, người đời sau rất ít nghe lời ta…. - Ấy chết! – Tôi sửng sốt thưa - Cố nhiên là có nhiều kẻ đã xuyên tạc học thuyết của ngài, hoặc giả núp dưới ngọn cờ của ngài để hành động theo ý riêng của họ, nhưng số người tuân theo lời dạy của ngài thì đông hơn gấp bội chứ ạ! Tại sao ngài lại cho rằng người đời sau rất ít nghe lời của ngài? Điều này quả là con không rõ lắm. - Con ơi! Đó cũng chính là điều ta hằng lo lắng ở trên thiên đường. Hạng người thứ nhất mà con nói đó, họ viện dẫn lời ta theo lối tầm chương trích cú để làm vũ khí lý luận vì lợi ích riêng của họ, hoặc để tranh dành quyền lực, hoặc để đàn áp quần chúng. Thế nên trong trí tưởng của đám quần chúng thường ít am hiểu lý luận đó, bộ mặt ta hiện ra thật là dễ sợ, bởi vì những kẻ kia đã biến ta thành ra là một người dường như ở đâu cũng đối lập với lợi ích của quần chúng. - Ôi, cứ nghĩ đến mà ta cứ giật mình kinh hoàng! Thế nhưng, những kẻ đó thường dành những thắng lợi, dẫu là những thắng lợi tạm thời thôi. Vậy thì, nguyên nhân là do đâu? Thì chính là ở chỗ chúng đã làm được công việc của chúng! Còn hạng người thứ hai mà con nói đến, họ hồn nhiên ngây thơ nhất nhất theo lời ta, thì lại thường hay vấp váp, thất bại, nguyên nhân lại chính là ở chỗ họ đã không làm được công việc của họ…
- Con có điều chưa hiểu rõ. Lời của ngài há chẳng phải là chân lý đó sao? Vì sao những kẻ không làm theo lời ngài, chỉ hành động theo ý riêng của họ thì có thể thành công, dù chỉ thành công tạm thời? Còn những ai răm rắp theo lời ngài thì thường vấp váp, thất bại? - Con đừng sốt ruột, hãy nghe ta nói tiếp – Mác đặt bàn tay rắn chắc lên đầu gối tôi – Thành quả quan trọng nhất suốt cuộc đời nghiên cứu của ta, chẳng qua chỉ có hai điều mà người bạn chí thân của ta là Ăng-ghen đã quy nạp trong bài phát biểu trước mồ ta: một là phát hiện ra nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật lịch sử, một nữa là phát hiện ra phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện đại và nhưng quy luật vận động đặc thù của xã hội tư bản do phương thức sản xuất ấy đẻ ra. Còn thế giới quan và phương pháp luận duy vật biện chứng thì đó là điều xuyên suốt toàn bộ quá trình nghiên cứu của ta. Nếu nói chân lý thì chân lý là chỗ đó. - Nhưng hai loại người mà con vừa nhắc đến thì dù thiện ý hay ác ý, họ lại đều chỉ đi tìm kiếm những kết luận có sẵn trong quá trình nghiên cứu của ta, chứ không phải là qua toàn bộ công trình nghiên cứu của ta mà đúc rút ra phương pháp luận. Ta rất tán thưởng mệnh đề “đắc ý vong ngôn ” trong triết học phương Đông của các người. Nếu như đắc cái ý tức là thấu hiểu nội dung tư tưởng của ta thì có thể vong cái ngôn tức là quên phắt đi cái vỏ ngôn ngữ của ta. Song sau khi ta và Ăng-ghen đã về thiên đàng, thì rất nhiều người chỉ đắc cái ngôn mà vong cái ý của ta. Đó chính là cái mà triết học phương Đông của các người gọi là “ tiểu trí bất cập đại trí ” đó, thế thì còn nói gì là chân lý. - Con đã có phần sáng tỏ. Thế nhưng tại sao ngài lại nói rằng “ họ làm việc họ ” thì có thể thành công được? Vậy ý nghĩa chỉ đạo của học thuyết là ở chỗ nào? - Con vẫn chưa sáng tỏ lắm - Một nụ cười mỉm thoáng hiện ra trong chòm râu rất rậm của Mác – Ta đã nói, những phát triển của ta nếu quả có ích cho hậu thế, thì chính là chủ nghĩa duy vật lịch sử và chủ nghĩa duy vật biện chứng đã nói lúc nãy. Người đời sau muốn dành được thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, ta nghĩ rằng phải nên vận dụng cái phương pháp luận đó mà làm lấy công việc của mình. - Hậu thế chúng con quyết kế thừa sự nghiệp của ngài…. – Tôi vội vàng an ủi vong linh của Mác. Mác bật lên tiếng cười trí tuệ nhìn xa trông rộng. - Con ơi, con đừng đánh giá thấp trí thông minh của ta. Ta chẳng ngốc nghếch đến nỗi tưởng rằng việc làm của hậu thế là kế thừa sự nghiệp của ta đâu. Sự nghiệp của ta đã hoàn thành năm 1883 rồi. Mỗi thế hệ chỉ làm công việc mà thế hệ mình làm nổi do lịch sử quy định. Công việc giải phóng nhân loại là sự nghiệp mà mỗi thế hệ phải phấn đấu không ngừng. Bất cứ quốc gia nào, bất cứ dân tộc nào, bất cứ một đảng nào cũng không thể bao biện làm thay, chứ đừng nói chỉ một người nào. Chỉ có ai mắc chứng già lẩm cẩm thì mới dám nhận để cho người ta tôn mình làm lãnh tụ của cách mạng thế giới, và đòi hỏi hậu thế hoàn thành cái gọi là sự nghiệp của mình thôi. Hãy nhớ kỹ con ơi, Hê-ghen nói câu này rất chí lý: “ Các dân tộc và các chính phủ của họ, không hề học được điều gì trong lịch sử cả. Xét về điều này, mỗi thời kỳ đều quá ư đặc thù ”. - Có nghĩa là, mỗi một thời đại đều có hoàn cảnh hết sức riêng biệt, mỗi thời đại đều là một trạng thái hết sức đặc thù, đến mức cần phải và cũng chỉ có xuất phát từ trạng thái đó, lấy nó làm căn cứ thì mới phán đoán được thời đại đó, xử lý được công việc của thời đại đó mà thôi. Bởi thế cho nên, những kẻ trương ngọn cờ của ta lên mà “ làm công việc của họ ” lại thường có thể thành công, lý do chính là ở đó. Tuy nhiên nếu ta còn sống, nếu ta còn có quyền phát ngôn, thì ta sẽ yêu cầu kẻ ấy rằng: “ Xin lỗi ngài, ngài cứ nói bằng ngôn ngữ của chính ngài đi, có được không? Ngài cứ lấy cái ý của tôi một cách không tự giác, rồi khư khư bám lấy cái lời của tôi một cách rất tự giác, đến nỗi làm cho lời của tôi nhiều lúc tưởng đúng mà hoá ra sai, hà tất phải làm như thế? ”. Thật ra, nếu con không cho là ta huyênh hoang, ta có thể nói rằng: phàm là sự nghiệp cách mạng được thành công, thì đều là kết quả của việc tự giác hoặc không tự giác vận dụng duy vật lịch sử và duy vật biện chứng. Ví bằng chỉ khư khư bám lấy dăm câu ba chữ của ta, thì coi như bắt ta phải chết lần thứ hai vậy. Này con ơi, chết chẳng phải là điều vui vẻ gì đâu. Nhất là khi tận mắt thấy người ta đem xử tử cái tinh thần của ta, mà chẳng có cách gì làm khác được. - Vâng, chính con cũng từng có cảm giác như vậy, mặc dù con không khi nào dám so với ngài. Vậy, về quang cảnh tương lai của xã hội của chúng con, ngài có thể chỉ giáo cho con đôi điều chăng? Bởi vì vấn đề này chẳng những liên quan đến việc con đối xử với cuộc đời như thế nào, mà còn quan hệ đến kiếp sống và cái chết của con. - Kinh tế! – Mác lập tức đón lấy câu hỏi mà trả lời - Phải xét vấn đề trên phương diện kinh tế. Quan điểm lịch sử của chủ nghĩa duy vật, ta có trình bày trên những nét lớn. Đó là: sức sản xuất vật chất của xã hội phát triển đến một giai đoạn nhất định thì sẽ nẩy sinh mâu thuẫn với quan hệ sản xuất đang có, vốn cùng nó hoạt động trong xã hội ấy. Thế là những quan hệ đó từ chỗ là hình thức phát triển của sức sản xuất đã trở thành gông cùm trói buộc nó. Đó là thời đại của cách mạng xã hội. Cùng với sự biến đổi của cơ sở kinh tế, toàn bộ kiến trúc thượng tầng đồ sộ bên trên không sớm thì muộn cũng biến đổi theo. Ta phải nói cho con hay, quan điểm lịch sử đó còn có một mặt khác nữa, khi mà sức sản xuất bị suy thoái thu hẹp lại, khi đã không thể duy trì sự sống còn của xã hội nữa, thì thời đại của cách mạng xã hội sẽ đến, để cứu vãn lấy sức sản xuất đã kề miệng hố diệt vong. Và xem ra, loại cách mạng xã hội này lại bắt đầu từ kiến trúc thượng tầng trước, rồi từ biến đổi kiến trúc thượng tầng mà tiến tới thay đổi quan hệ sản xuất. Hiện nay, sức sản xuất của các người đã bị cắt cụt, ngay năng lực tái sản xuất cũng không còn nữa, nay chỉ gắng gượng thoi thóp bằng hô hấp nhân tạo kiểu hà hơi thổi ngọt mà thôi. Điều nực cười là ở cái thời đại của các người hiện nay, không phải là khối óc cũng không phải bàn tay mà chính là cái miệng mới là cơ quan đặc biệt phát triển. Con cứ nghĩ mà xem, một thời đại như vậy thì liệu còn kéo dài được bao lâu nữa?….. Mác vừa nói đến đó thì cánh cửa nhà tôi bật mở. Từ trong khung cửa đen ngòm, Tào Học Nghĩa chui ra, trên mình khoác cái áo bộ đội cũ thường ngày. Cùng một lúc chui ra, còn có con mèo mun nhà tôi, Tào Học Nghĩa vấp phải con mèo, loạng choạng mấy cái rồi cắm đầu đi vội về phía nhà anh ta. Con mun kêu lên một tiếng rõ to rồi tót lên ngay nóc nhà.
Kẻ vừa húc đầu xúc phạm vào vong linh vĩ đại kia là một đảng viên cộng sản cơ đấy! Thật không còn hiểu ra làm sao nữa.