Rốt cuộc, con Xám đã bị người ta bán mất. Không phải cái ông cán bộ công xã tôi đã từng tiếp chuyện ấy, mà là người của công xã khác, nghe đâu ở miền núi ở tận phía Nam lên. Họ đến cả thảy bốn người, toàn nông dân, mua sạch cả hai mươi tư con ngựa.
Một ngày âm u, ngày âm u đầu tiên kể từ khi sang đông, nhưng xem ra chưa có vẻ gì là sắp có tuyết cả. Gió buốt căm căm, mà lại hanh. Cát bụi, lá vàng, cọng rơm vụn và cứt ngựa khô nát bay tơi tả, quẩn quanh trên đường cái, trên sân bãi bỏ không, trong các góc tường, các xó nhà, không tìm được nơi yên nghỉ. Trên bầu trời xám ngoét màu chì, thỉnh thoảng một vài con quạ vội vã bay qua. Cánh đồng mới vào nước vụ đông lấp xấp đã bắt đầu đóng băng, co rúm nứt nẻ. Mặt đất một màu trắng xanh lạnh lẽo. Tất cả mọi cành cây đều đã đổ hết lá, trơ khốc, trong phút chốc già cỗi đi bao nhiêu! Chỉ trên một đôi cành liễu quế hương, còn lác đác một vài trái cây run rẩy lẩy bẩy trong gió. Những ngày âm u, những ngày mùa đông ảm đạm thế này đem lại cho người ta cái cảm giác là mọi thứ đều đông cứng lại, kể cả hồi sức và ước mơ, dường như từ khi con người ta sinh ra thì trời đất đã như vậy rồi, và trời đất cũng như vậy mãi chẳng bao giờ biến hoá đổi thay.
Con Xám đã bị lùa đi cùng các bạn của nó trong một buổi tiết trời như vậy. Ra khỏi tàu ngựa, bước đi trên con đường mòn quen thuộc rồi rẽ ngoặt ra đường cái, nó còn dừng lại một lát, quay đầu lại đưa mắt nhìn tôi, như có ý ngạc nhiên sao tôi không cùng đi với chúng. Nhưng một người nông dân đã tiện tay quất cho nó một roi, nó giật bắn mình lên, lắc lắc cái đầu, cuối cùng lầm lũi đi về phía người nông dân dẫn lối. Phía cuối đường cái mờ khuất đi, nơi chân trời màu xám. Sau lưng đàn ngựa, bụi đất vàng nặng nề cuộn lên chầm chậm. Thôi vĩnh biệt chú Xám của ta! Chú mày biết rõ bao điều thầm kín của ta, ta đã thố lộ với chú mày biết bao tâm sự! Chú mày đã cùng ta trải qua những giờ phút ưu phiền, chú mày đã chứng kiến cái phút ta trở lại làm một con người ra sao. Chú mày đi rồi thì có lẽ ta cũng sắp đi đây. Ta không thể như chú mày chờ người ta đem roi đến lùa vào trại giam lần nữa, mà mọi thứ triệu chứng đều cho thấy rằng cái giờ phút như vậy lại sắp đến rồi. Một thời kỳ hoà hoãn cực kỳ tạm bợ đã sắp đến giờ chót.
Tiễn chú Xám xong, trên đường về đại đội, tôi đi qua chuồng cừu. Bên cạnh đàn cừu sắp hành quân lên núi, tôi gặp Chu Thụy Thành - Ngựa bán hết rồi, thì cậu nhẹ nhõm quá nhỉ?
Chu Thụy Thành mỉm cười chào hỏi tôi. Cái cười của anh là cái cười gượng, cái cười xin xỏ của kẻ hành khất. Đã lâu lắm không để ý nhìn anh ta, hôm nay gặp lại, phát hiện ra rằng anh ta đã già yếu nhiều. Khoác cái áo ngoài bằng da dê đã sờn, cái lưng anh ta khòng khòng, người như gập một nửa xuống đất. Tôi bất giác đi đến bên anh ta, ngồi xổm xuống cùng anh dưới chân tường phía kín gió của chuồng cừu. - Cái áo này là cái áo tớ mặc năm ngoái đấy – Tôi lật cái vạt áo của anh ra xem – Năm nay lên núi muộn hơn. Năm ngoái ở tầm này, chúng tớ đã cắm trên núi được hơn một tháng rồi. - Đúng thế. Chỉ vì không tìm được người. Chẳng có ai chịu lên núi. Năm nay thế là cậu thoát được rồi, bởi vì cậu đã có gia đình. Năm nay đến lượt tớ với chàng Câm lên núi. - Không sao đâu – Tôi an ủi anh – Trên núi kể cũng khí buồn và vắng vẻ, chứ thật ra sinh hoạt rất khá, thịt cừu chén thoải mái….. - Hì hì! Cuộc sống há lại chỉ có chén thịt cừu thôi ư? – Cái mồm chuột chù của anh chẳng ra cười cũng chẳng ra mếu. Tôi sững cả người, cái giọng này xem ra không giống kiểu giãi bày tâm sự thường ngày. Tôi hiểu ý, vỗ một cái lên đầu gối anh - Thì cậu xách cái nhị lên, lúc nào buồn tình thì cũng có nó giải khuây. Mùa đông sẽ qua nhanh thôi mà. - Đúng là mùa đông sắp qua đến nơi, nhưng mùa xuân thì sẽ chẳng bao giờ tới nữa. Tôi lại càng kinh ngạc, đưa mắt liếc anh một cái. Qủa thật là “ Sĩ biệt tam nhật đương quát mục dĩ đãi ” kẻ sĩ xa nhau ba hôm là phải nhìn bằng con mắt khác! Tôi chợt lý giải được hàm ý trong cái cười gượng như kẻ hành khất của anh: anh muốn tôi cùng anh chuyện trò chốc lát. Tôi móc thuốc ra, châm lửa, nhả một hơi khói, hỏi anh: - Đơn từ khiếu nại của cậu có kết quả không? - Vứt mẹ nó đi nhá! – Khác hẳn với thái độ thường ngày, anh bỗng chửi đổng rất tục – Còn khiếu nại cái con mẹ gì? Bây giờ tớ thực sự hối hận! Cậu vẫn chưa biết gì ư? Bắc Kinh lại triển khai cái gọi là “ phản kích luồng gió lật lại vấn đề ” gì đấy? Bắt đầu là từ giới nhà giáo. Cậu vẫn chưa rút được kinh nghiệm ấy à? Phong trào gì gì thì cũng khai đao nơi văn hoá giáo dục trước, sau đó mới chém giết toàn bộ. “ Chém giết ”! Anh lại dám dùng đến cái động từ máu me ròng ròng nhưng vô cùng chuẩn xác ấy ư? Tôi bất giác xích lại gần anh thêm, để anh khỏi hét toáng lên. - Cứ như cậu thế mà lại hay – Anh nói tiếp - Dốc đến tận đáy nhá, cứ dứt khoát là đi lao cải, chụp luôn mũ cao lên, chẳng còn nghĩ cái quái gì nữa, chẳng thèm hy vọng cái đếch gì nữa, trong lòng lại hoá ra thảnh thơi dễ chịu.Chứ như tớ: cứ lửng lơ lơ lửng, chân không bén đất, cật không đến trời, giở cái chính sách cái gậy với củ cà rốt ra với tớ, cuối cùng là tớ mới vỡ nhẽ là rỗng tuếch, là tay trắng tuốt! Cậu bảo thế tớ có đau không cơ chứ?! Bây giờ tớ mới hiểu ra một điều là họ phát minh ra thuật ngữ chính trị thật thâm thuý, họ bảo: ” chính trị quải soái ”, “ quải ” có nghĩa là treo, có nghĩa là họ muốn bắt người ta treo cổ lên xà nhà!
Một cảnh ngộ tồi tệ đọa đày đến mấy rồi cũng có người ao ước, đó chính là nét đặc sắc trong đời sống đương đại của chúng ta! Nhưng anh đến tận bây giờ vẫn cứ nghĩ rằng tôi “ không nghĩ cái quái gì, chẳng thèm hy vọng đếch gì ”, điều đó có nghĩa là từ trước tới nay, trước mặt anh tôi đã nguỵ trang rất khéo, vậy thì lúc này tôi cũng chẳng việc gì phải bỗng chốc phơi bày gan ruột ra với anh. - Đừng nên nghĩ vậy – Tôi nói rất ngay ngô thật thà - Cậu dẫu sao cũng đã từng lập công! Thế nào rồi người ta cũng có ngày nhớ ra cậu và sẽ giải quyết vấn đề cho cậu.
- Cứt – Anh nhổ đánh toẹt một bãi nước bọt ngay trước mặt. Con người này phút chốc đã biến đổi đến kỳ lạ, so với trước kia có thể nói đã là một con người khác hẳn. Anh nói - Lập công cái con mẹ gì, chỉ có những thằng ngốc si, ngốc sứt như tớ mới làm cái trò như vậy! Chúng nó ép kiệt hết mọi điều tớ biết, cho tớ mắc tội khắp lượt với mọi người, rồi thì quẳng tớ vào đây như một cục bã đậu, chẳng thèm đoái hoài gì nữa.
Đàn cừu thấy người chăn vẫn chưa cất bước, bèn nằm hết ra cả đất, hoặc kiếm một xó xỉnh nào kín gió nằm trầm tư mặc tưởng. Hôm nay chuẩn bị lên núi, sáng sớm đã cho chúng ăn rồi nên chúng chẳng vội gì. Một chú cừu già nhìn tôi với cặp mắt lưu luyến, có lẽ nó nhận ra tôi chắc?
Chu Thụy Thành nhíu chặt đôi lông mày, ánh mắt u ám, cái mồm chuột chù khẽ động đậy! Anh đã chìm đắm hẳn vào trong hồi ức xa xăm. - Cậu tưởng tớ sung sướng lắm sao? Bắt đầu từ năm 51, có phong trào “ trung thành thú nhận ” là tớ lập tức biết gì nói nấy, biết đến đâu nói đến đấy, nói bằng hết mới thôi, cho mãi đến thời “Đại cách mạnh văn hoá ”, nào kiểm điểm ư, nào vạch trần ư! Thoạt tiên là nộp cho lãnh đạo, sau đó là nộp cho phái tạo phản….Tớ bảo thật cậu, thằng đi tố giác, còn khổ gấp mấy thằng bị tố giác…. - Cái đó thì tớ không đồng ý! Tôi vội vàng tranh cãi. Trong vấn đề này tôi không được phép giả ngô giả ngọng. - Thì cậu hẵng nghe tớ nói đã – Anh đặt tay lên bàn tay cầm thuốc lá của tôi, tôi cảm thấy rõ tay anh đang run lên - Thằng bị tố giác chỉ khổ trong giây phút mà tài liệu tố giác được phơi bày trước mặt nó thôi, chứ còn thằng tố giác thì bắt đầu từ cái phút nó viết bản tố giác trở đi là nó mất hết thanh thản. Tớ viết bản tố giác hết lần này đến lần khác, một đời tớ, tớ đã viết bao nhiếu bản tố giác tớ cũng không nhớ được nữa. Chỉ biết rằng lãnh đạo biết rằng tớ vâng lời, lại biết nhiều chuyện, nên cứ bắt tớ viết, viết hoài, viết mãi. Cứ bỏ rẻ cứ mỗi lần có một phong trào chính trị nào đầy, tớ viết năm chục bản đi, thì tính ra đến nay tớ đã viết cả thảy năm trăm bản rồi. Cứ mỗi lần viết xong bản tố giác, thì tâm lý tớ lại nhận thêm một tầng sức ép. - Cậu Chương này, tớ bảo thật cậu, hồi trẻ tớ là một con người như thế nào cậu biết không? Tớ sôi nổi lắm, hoạt bát lắm, thú vị lắm! Nào nhị, nào ắc-coóc, nào vi-o-lông, thứ nào tớ cũng biết kéo, kèn cũng thổi được vài bài, sân bóng rổ không chiều nào vắng mặt tớ, cây bỏ rổ làm bàn! Tớ còn biết nhảy giao tế vũ cơ! Thế nhưng mỗi bản tố giác viết xong, lại tước đi của tớ một phần sức sống. Để mong cứu lấy bản thân mình, để mình được sống phẳng lặng yên ổn, tớ đã vứt mất cái quý giá nhất trên đời, để bây giờ đến nông nỗi này, người chẳng thành người, quỷ chẳng ra quỷ. Sớm biết nông nỗi này, thì tớ dí b… vào, đếch viết những bản tố giác kia! Cùng lắm bất quá cũng đến nước này thôi chứ gì…..
Ở góc mép anh hiện ra vết nhăn chếch xuống cằm như vệt dao chém, kiên quyết mà tàn nhẫn. Anh đang dồn hết mọi nỗi căm phẫn dồn chứa bấy lâu, chẳng phải kiếm chác sự đồng tình, nhưng tôi vẫn lật bàn tay tôi dười tay anh lên, nắm chặt lấy bàn tay gầy guộc khô đét của anh. - Đừng nghĩ thế cậu ạ! Đó đều là chuyện đã qua rồi. Theo tớ được biết, có kẻ vu cáo người khác, đưa người ta đến tù tội, thậm chí đưa người ta ra pháp trường, thế mà hôm nay kẻ đó vẫn sống nhởn nhơ, thơm tho ngọt sớt đấy! - Cậu nhầm rồi – Anh rút tay ra, vung lên một cách xúc động, nhấn mạnh thêm sự phủ định của anh đối với tôi – Như thế mà cũng có thể gọi là thơm tho ngọt sớt được ư? Tớ dám nói rằng, những kẻ ấy cũng giống như tớ, xưa nay chưa từng bao giờ được biết thế nào là niềm hạnh phúc của con người vô lo vô nghĩ, không xấu hổ với lương tâm mình. Cũng có thể những kẻ đó tự cảm thấy tốt lành, nhưng cuộc đời họ thì cũng giống như tớ là cuộc đời của những con chuột. Con chuột khi chưa bị mèo vồ, thì tự nó có lẽ cũng cảm thấy là tốt lành lắm lắm…
Lúc này chàng Câm đeo trên lưng một cái gói con, mình khoác chiếc áo choàng da dê đã cũ, lóc cóc một mình leo lên sườn dốc, vừa đi vừa ho sù sụ trước gió. Một năm nay, chàng Câm gầy rộc hẳn đi, tuy anh ta vẫn đi với tôi, nhưng tôi chẳng để anh phải làm việc nặng bao giờ. Có ma mới biết anh đang nghĩ những gì trong bụng? Giá mà anh cũng được dốc hết bầu tâm sự, thổ lộ được mọi điều uất ức dồn nén bấy lâu như Chu Thụy Thành hôm nay, thì có lẽ anh sẽ dễ chịu hơn chút đỉnh, khốn nỗi anh chưa từng học hành, nên chỉ có thể rúc mãi vào cái sừng trâu không lối thoát.
Chu Thụy Thành đứng lên, nhún vai, khoác lại ngay ngắn chiếc áo choàng trên mình. Động tác rất có phong độ quân nhân, tôi tưởng như nhìn thấy dáng vẻ anh tuấn nhanh nhẹn của anh hai ba chục năm về trước. - Chuyến lên núi này là chính tớ tự yêu cầu đấy chứ - Anh nói - Tớ vui lòng tình nguyện đi. Chưa biết chừng sau khi trở xuống thì ở dưới này đã biến thành một thế giới khác cũng nên. Chao ôi! “ Sơn trung phương nhất nhật, thế thượng dĩ thiên niên ”, trong núi mới một buổi, ngoài đời đã ngàn năm mà lại. - Thế cậu có dự đoán sẽ biến thành một thế giới như thế nào không? – Tôi nheo mắt hỏi anh. - Cậu có biết mũi giáo của họ chuyến này chĩa vào ai không? – Anh vặn lại tôi. - Không biết – Tôi muốn để tự anh nói ra trước. - Chu và Đặng! – Anh đưa tay che miệng, ho ra ba tiếng rồi bỏ tay xuống. Cặp mắt tí hí loé lên những tia buồn ảm đạm – Hai ông này mà đổ nữa, thì tia hy vọng cuối cùng của đảng cộng sản cũng tắt ngấm. Lúc đó thì cũng giống như trong Hồng Lâu Mộng đã viết: “ Tam xuân khứ hậu chư phương tận, các tự nhu tầm các tự môn ”, xuân đã qua rồi hoa rụng hết, ai ai tìm lấy chốn nương thân. - Thế cậu định thế nào? – Tôi tò mò hỏi. - Tớ thì chẳng việc đếch gì, trước mắt họ tạm thời chẳng làm gì tớ sất – Anh thẳng thắn nhìn vào tôi - Bởi vì tớ không như cậu: thứ nhất, chưa hề đi lao cải; thứ hai, tớ không có mũ; thứ ba, xuất thân dân nghèo thành thị, còn cậu là tư sản; thứ tư, cho đến giờ họ vẫn chưa tước phăng tư cách cán bộ của tớ, còn cậu thì là một công nhân nông trường hạng bét. Tớ lại đã từng học quân sự, chưa biết chừng sau này còn có đất dụng võ cơ. Còn cậu – anh lấy lại cái vẻ khiêm nhường bề trên, xỉa ngón tay vào ngực tôi - Cậu em ơi, cậu có nhớ cái hồi chúng mình ngồi tù với nhau, đội trưởng chỉ vào mũi cậu mắng như thế nào không? Lão ta bảo: Chương Vĩnh Lân, mày đừng có mà mơ trời sập, hễ ngoài kia mà có động tĩnh gió lay cỏ lướt gì, thì trước hết sẽ đem mày ra chém đầu thị chúng! - Tất nhiên, lúc đó lão ta chỉ doạ bóng doạ gió cậu một tí thế để bắt cậu ngoan ngoãn phục tùng thôi. Nhưng lão ta nói thế cũng có phần đúng đấy, cậu nên đề phòng một chút; họ quật chết cậu thì cũng như giết chết một con rệp mà thôi, chẳng cần chịu trách nhiệm trước bất cứ cơ quan nào và bất cứ ai.
Chàng Câm đủng đỉnh leo mãi vẫn chưa hết dốc, gió thổi vạt áo choàng quá dài cứ quấn lấy chân anh ta. Chu Thụy Thành thu ánh mắt lại, nhìn tôi và nói tiếp: - Cậu không thấy ư? Hồ Thế Dân và Lý Nghĩa Quân, cứ lấy hai người ấy mà suy, đó là những thí dụ hết sức rõ ràng. Hồ Thế Dân là trưởng phòng tuyên truyền của sư đoàn bộ, tham gia công tác năm 49, không có tiền án, họ hành anh ta đến chết, thế là lúc minh oan, chẳng những làm lễ truy điệu, đền tiền xin lỗi, mà đội trưởng còn bị mất chức, không thế thì Tào Học Nghĩa đừng hòng đến được đây. Tớ nghe nói vụ kiện cáo này mãi đến giờ vẫn chưa xong đâu. Còn Lý Nghĩa Quân thì sao, chẳng qua là một công nhân nông trường như cậu, cũng như cậu vậy thôi đã từng đi lao cải, đầu có mũ cho nên họ quật chết anh ta thì thôi chứ, bây giờ có ai mở miệng ra thanh minh cho anh ta được câu nào đâu?
Cái anh chàng thường này rụt rè khép nép, im hơi lặng tiếng ấy, mà té ra cái gì cũng nhìn thấy rất rõ, cái gì cũng nhớ như in vào lòng! - Đúng thế - Tôi bóp cái đầu mẩu thuốc lá đến nát vụn - Thật ra Lý Nghĩa Quân chết còn oan ức hơn Hồ Thế Dân nhiều. Hồ Thế Dân còn có thể ít nhiều đổ cho là ốm chết, chứ Lý Nghĩa Quân thì rõ rành rành là bị họ đấu cho chết tươi. - Rất đúng. Những điều đó chẳng phải chính mắt chúng mình nhìn thấy trong nhà tù đó sao? - Thế cậu bảo tớ làm thế nào bây giờ - Con người này chắc chắn là rất nhiều mưu mẹo, tôi thật sự muốn xin ý kiến anh ta. - Này cậu em – Cái mồm anh nhọn ra đến là buồn cười, nhưng giọng nói thì hết sức thành khẩn - Thế mới biết lời Mao chủ tịch là đúng cậu em ạ: “Đừng có lo sợ vỡ mất cái chum cái vại ”. Trước kia, tớ cứ sợ đập vỡ mất cái chum cái vại nhà mình, muốn giữ cho cuộc đời yên ổn, rốt cuộc là…- Anh xoè hai bàn tay ra, và nhắc lại một câu - …đến nông nỗi này đây. Cậu là người khôn ngoan, hẳn là cậu đã biết: “ tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách ”,” cây bứng thì héo, người khéo chạy thì sống ” mà…
Chàng Câm đã đến gần, anh bỏ lửng câu nói, ra đón lấy chàng Câm, cùng chàng Câm vung chiếc roi chăn cừu, đi lùa từng con cừu một… Tôi giơ roi ngựa ra giúp họ dồn cừu vào lối đi lên núi. Lúc chia tay, tôi cười bào anh: - Cậu ở với chàng Câm thì thật là tuyệt! Thời buổi này cứ như chàng Câm là bảo đảm yên tâm nhất. - Chưa chắc – Anh ngoảnh đầu lại, lườm tôi một cái đầy ý nghĩa – Cũng sắp đến cái ngày chàng Câm mở miệng rồi.
Chú Xám đi về phía đông, đàn cừu đi về phía tây, đi về phía núi cao bao phủ lớp lớp mây mù, dọc đường rơi vãi ra bao nhiêu là phân cừu. Trong lớp không khí lạnh buốt và hanh khô, thoang thoảng mùi cừu hoi hoi, nhưng cuối cùng cái mùi hoi hoi ấy cũng loãng dần, loãng dần.
Từ nay, bóng hai người và đàn cừu, mãi mãi biến mất trong tầm nhìn của tôi.