Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Tiểu Thuyết >> Một nửa đàn ông là đàn bà

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 21942 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Một nửa đàn ông là đàn bà
Trương Hiền Lượng

P2 - Chương Hai

  Chàng Câm đã lùa cừu về. Nhập chuồng đếm đầu, cho uống nước, chia ngăn. Chuồng cừu vắng lặng bỗng chốc ồn ào khác thường. Nhưng không có người chỉ có cừu đang ầm ĩ - cừu chen cừu, cừu húc cừu, cừu con tìm cừu mẹ, chỉ có những ông cừu già ốm yếu nhìn đồng loại với ánh mắt của những người theo chủ nghĩa bi quan, lạnh lùng không hề nói năng gì cả. Xong rồi, tổng cộng hai trăm bảy mươi nhăm con, không thiếu, dĩ nhiên không thể thừa ra được.


Cừu đã lùa về chuồng rồi, thì chàng Câm cũng xong việc. Không phải không có việc cho anh làm, mà là ngoài việc chăn cừu ra, anh không làm việc gì khác nữa, cừu cũng không đếm, anh chỉ có độc một vai trò chăn cừu. Khi ấy anh lẳng lặng ngồi ở chân tường, đầu gục xuống, mắt nhìn đôi dép leo núi làm bằng lốp ô tô dưới chân mình. Tôi vừa xua cừu, vừa gọi anh:
- Này, anh về đi thôi!
- Về đi thôi!
-Tôi bảo anh về ăn cơm đi!
- Về ăn cơm đi!


Thôi cũng đành chịu! Anh ta nói, tất cả đều như tiếng vọng hồi âm, ai nói gì anh ta nhắc lại nguyên si. Tôi đành mặc anh ta, một mình bận bịu với công việc.


Lát sau vợ chàng Câm đến. Chị là một phụ nữ có đôi bàn chân to bè người Nội Mông, khuôn mặt bẹt xỉn vàng; khi mọi người ở đây đều mặc quân phục xanh, riêng chị vẫn mặc áo to vạt kiểu cũ. Chưa tới chuồng cừu, hãy còn trên con đường nhỏ, chị đã chửi toáng cả lên:
- Bà đã bảo sao mày không chết đi cho rồi. Ôi! Đồ gấu xám vô phúc! Ngày nào bà cũng phải ra lôi mày về, không lôi mày về, thì ngay cổng nhà ở đâu, mày cũng không mò ra được! Mày chết đi cho bà được nhẹ mình.
Tôi bảo:
- Đừng chửi nữa chị ơi. Anh ấy còn sống, thì tháng nào cũng còn đem về cho chị ba mươi ba đồng đấy. Đừng thấy anh ấy không mò ra cổng nhà mà coi thường, chăn cừu anh ấy còn giỏi hơn cả chó…..
Ba mươi ba đồng bạc ấy, báu lắm đấy! - Người đàn bà chân to lạch bạch bước vào trong chuồng – Cái đồ gấu xám này có đúng là vô phúc không? Ai bảo nó đem hơn một vạn đồng nộp lên trên cơ chứ? Mà đã nộp rồi thì thôi, chứ lại còn tiếc của, đến nỗi mang tật vào thân. Này! Cậu Chương, tôi ngẫm nghĩ mãi không ra được, con nguời này là thế nào nhỉ? Ôi! Cậu nói xem, con người này là thế nào nhỉ? Cậu học hành nhiều như vậy, cậu ngẫm nghĩ thấu đáo về con người được chứ….?


Chị ta đặt trọng âm vào từ << con người >>. Chứng tỏ rằng điều chị ngẫm nghĩ không phải chỉ là chồng chị. Chị đang ngẫm nghĩ về bản tính của con người, bản chất của con người, ý nghĩa của con người. Ngày nay khi người ta, chỉ chú ý thuộc tính giai cấp của con người, thì người đàn bà chân to sống trên hoang mạc này, xem ra suy nghĩ còn sâu sắc hơn cả người chuyên viết nhưng bài văn phê phán lớn.
Nữ triết gia bất hạnh ấy lấy roi chăn cừu của chồng vụt cho chồng mấy cái. Chàng Câm bừng tỉnh, lẳng lặng bước theo sau chị, theo con đường nhỏ về nhà.


Cừu kêu be be ầm ĩ, nơi công nhân ở đã có những nóc nhà toả khói lam chiều. Rất nhiều nhà đun bằng cỏ bông, khói bốc lên có khi chợt vút thẳng lên cao, y như có ma quỷ trong đó.


Chàng Câm thực ra không câm. Những năm trước đây. Khi đang bừng bừng phong trào học thuộc << ba bài cơ bản >> anh tuy chỉ lõm bõm vài chữ, nhưng nói như bà con ở đây, thì lại thuộc vanh vách như nước chảy. Anh xuất thân bần nông, năm đời liền, lý lịch trong sạch không một vết nhơ. Đi bộ đội, phục viên về nông trường này, vì không có văn hoá, nên không làm lãnh đạo đại đội như Tào Học Nghĩa được, chỉ vớt vát được tý tiểu đội trưởng mà thôi. Mà lại tiểu đội trưởng chăn cừu chẳng ma nào muốn làm cả. Anh xưa nay vui vẻ lạc quan tính tình dễ dãi, tám năm cầm súng cũng không thay đổi được thói quen nông dân của anh.


Nhưng thời kỳ đấu tranh bằng vũ lực sôi động ( vũ đâu ), thì anh đã từng sùi bọt mép nhảy thẳng lên đài ra sức đấu đá. Anh căm thù lũ ma vương quỷ sứ ấy hoàn toàn xuất phát từ một niềm thành kính với cách mạng: lãnh đạo đã bảo là bọn xấu thì chúng chắc chắn là bọn xấu! Thái độ căm thù của anh được hoàn toàn quần chúng ủng hộ; thái độ sùng bái cấp trên của anh được lãnh đạo yêu mến, cho nên năm nào anh cũng được bầu là phần tử tích cực học tập << trước tác Mao Trạch Đông >>.


Mùa thu ba năm về trước, theo lệ thường, cừu của nông trường dồn lên thả ở bãi cỏ rộng sườn núi. Anh dẫn bốn người của các đại đội tập hợp lại đi chăn cừu. Chuồng cừu xây bằng đá ở bên đường cửa khẩu thông qua Nội Mông, chính là chỗ cách đây không lâu, tôi đã ở đấy trở về. Sườn núi toàn đá sỏi, những đường mương thoát lũ tự nhiên do nước lũ xói mòn, cũng toàn là đá xám đen. Nhưng cỏ mọc rất tốt, nghe nói, cừu ăn được thứ cỏ mọc ở kẽ đá đó sẽ rất khoẻ mạnh, vì cái hồn thiêng ngoan cường dẻo dai của cỏ sẽ chuyển sang cho cừu. Đấy là nguyên nhân mỗi năm một lần, chúng tôi phải lùa cừu lên núi đá. Một hôm người tiểu đội trưởng chưa trở thành << chàng câm >> ấy, lùa hơn hai trăm cừu lên chăn ở sườn núi hoang, đang đi, chợt anh phát hiện thấy trên đá sỏi, một bọc vải bạt màu xanh bộ đội căng phồng, mở ra xem, thì toàn là tiền nhân dân tệ mới cứng buộc từng bó tướng. Ở chốn hoang vu như đại lục trên mặt trăng, thì gói tiền đó chỉ có thể là từ trên trời rơi xuống mà thôi.


Suốt cả buổi chiều anh ngồi trên sườn núi, người run lên, đếm mãi cũng không rõ bao nhiêu tiền nữa. Chỉ biết là nhiều, nhiều lắm! Về tới chuồng cừu cất giấu bọc tiền xong, anh lăn ra ốm, khi thì luôn miệng lẩm bẩm một mình, khi thì lắp bắp môi mà không ra tiếng, cứ như là đang lẩm nhẩm đọc hàng chuỗi con số thiên văn. Cừu dĩ nhiên là anh không chăn được nữa, nhưng anh là tiểu đội trưởng, nên người khác phải chăn thay anh.


Ít lâu sau, phòng Công an huyện cho người đi dò xét khắp nơi, cuối cùng cũng lần tới chuồng cừu này. Hoá ra là tiền của người Mông Cổ đánh rơi, họ lùa một bầy ngựa đem bán ở vùng ven sông Hoàng Hà, bán được tất cả hơn một vạn đồng. Trên thảo nguyên bao la này không có bưu cục, họ buộc gói tiền mặt vào sau yên ngựa để mang về. Nhưng cả đám người Mông Cổ này đều say rượu tí bỉ, khi đi ngang qua cửa khẩu, gói vải bạt bị rơi lúc nào họ cũng không biết. Công an huyện căn cứ theo con đường họ trở về, điều tra từng chặng từng chặng một, cuối cùng thì khẳng định rằng những người sống ở chuồng cừu, giữa một vùng rộng lớn mấy chục dặm không một bóng người này là khả nghi hơn cả.


Cái chuồng cừu lẻ loi heo hút; xưa nay chưa bao giờ đông người đến như vậy. Cảnh sát mặc sắc phục gọi từng người chăn cừu tới bên chiếc xe giép để xét hỏi. Chàng Câm là tiểu đội trưởng, bần nông chính hiệu năm đời thứ thiệt, lại đang mắc một chứng bệnh quái đản, chẳng ai nghi cho anh ta cả. Nhưng vừa trong thấy người cầm súng, anh ta đã tái mặt sợ hãi người run như cầy sấy, chưa ai hỏi đến, anh ta đã tự phun ra hết. Mấy người cảnh sát moi gói vải bạt của người Mông Cổ vùi trong đống phân cừu ra, đếm lại thấy không thiếu một xu.


Chàng Câm chỉ trong một đêm thành nhân vật nổi tiếng. Ngoài danh hiệu phần tử tích cực học tập << trước tác Mao Trạch Đông >> anh đã trở thành nhân vật điển hình ngành nông trường toàn tỉnh, chiến sĩ thi đua, đảng viên cộng sản ưu tú. Khi cán bộ tuyên huấn về giúp anh viết bản thành tích, anh cười hề hề bảo:
- Tiền nhiều quá! Giá chỉ độ mấy trăm thôi thì tôi đã giữ lại để tiêu rồi.
Không có tiền trong tay, thì bệnh anh cũng hết, và anh nói đúng sự thật. Cán bộ tuyên huấn tất nhiên không thể viết đúng như anh kể, mà trái lại viết cho anh một bài phát biểu hoa hoè hoa sói xúc động lòng người bằng những lời lẽ sẵn có trên báo chí. Thế là chàng Câm được về Bắc Kinh, tham dự một cuộc đại hội đại biểu những nhân vật tiên tiến toàn ngành nông trường, lại còn được gặp các vị thủ trưởng cỡ bự ở trung ương nữa kia.


Ở Bắc Kinh về, gặp ai anh cũng bảo, trước kia mình thật là ngốc, cứ nghĩ có tiền thì chẳng biết tiêu như thế nào, đến Bắc Kinh mới biết tiền mua được mọi thứ; ở bách hoá đại lầu phố Vương Phủ Tỉnh, muốn mua gì có nấy. Có tiền thì cuộc đời mới sung sướng được. Chuyện đến tai lãnh đạo nông trường, anh bị gọi lên chỉnh cho một trận, bảo rằng nếu anh còn tiếp tục nói lung tung bậy bạ nữa, thì sẽ quy kết là << kẻ thù giai cấp >>. Rời nông trường bộ ủ rũ ra về hôm trước, thì hôm sau anh lập tức trở chứng thành kẻ lú lẫn ú ớ như bây giờ.


Thoạt đầu người ta tặng anh biệt hiệu chàng Ngốc nhưng khi ấy << chàng Ngốc >> lại chính là từ khen ngợi biểu dương đầy vinh dự, chẳng hạn như nhân viên kỹ thuật thủy lợi tài giỏi hơn người, sáng tinh mơ hôm nào cũng dậy quét dọn sạch sẽ nhà xí, khốn khổ lắm mới trút bỏ cái vỏ << trí thức >> giành được danh hiệu vẻ vang << chàng Ngốc >>, và được vào đảng. Thế nên mọi người cảm thấy gọi anh << chàng Ngốc >> là không thoả đáng, về sau theo đặc điểm bệnh trạng của anh mới đổi thành << chàng Câm >>.


Anh cứ lì lợm lầm lũi như vậy, chẳng ai biết được anh đang nghĩ gì? Còn mọi người cứ gặp anh là lập tức cảm thấy bóng đen dày đặc choáng ngập tâm hồn. Bi kịch của người khác đều do các phong trào đấu tố chính trị gây ra, riêng bi kịch của anh lại chẳng dính dáng gì với các phong trào chính trị. Điều đó khiến người ta chợt nhận ra rằng dưới lớp vỏ bọc của khẩu hiệu chính trị, trong lòng những con người bình thường nhất, vốn sẵn có một thứ dục vọng ích kỷ dễ sợ, khao khát cuộc sống sung sướng, mà chính trị không thể nào chinh phục được.


Dục vọng ấy như ma quỷ náu mình trong góc chết của mỗi trái tim, bất cứ phong trào chính trị nào cũng không đụng tới nó được. Ngược lại, nó có thể bất ngờ chui ra xoá sạch sành sanh mọi ảnh hưởng mà chính trị đã tạo ra được cho con người. Qua chàng Câm mọi người tự kiểm điểm bản thân, thấy trong lòng mình ngoài tính đấu tranh << cách mạng không ngừng >> ra, dường như có một thứ gì đó không nói ra được, có khác chăng là chàng Câm thì công khai hoá nó mà thôi. Cái ý nghĩ ghê tởm nặng nề ấy, giống hệt dòng nước nhỏ chảy ri rỉ dưới tầng băng rắn, gặm nhấm dần dần tầng băng đông cứng ở trên.


Điều mà nữ triết gia chân to ngẫm nghĩ có lẽ chính là nó đấy chăng?
Chàng Câm theo thói quen vẫn cúi gầm mặt, đi theo sau người đàn bà chân to đang cầm roi trong tay. Bóng họ chìm hẳn vào trong lớp mây chiều màu xanh nhạt nơi khu nhà ở của công nhân. Sương khói ma quỷ phun ra đã bao phủ toàn bộ xóm làng. Cừu đã im lặng nằm xuống, lão cừu già theo chủ nghĩa bi quan nằm vào một xó, não nuột thở than, buông thõng bộ râu dài đầy vẻ ưu thời mẫn thế. Tôi làm xong mọi công việc phải làm, ngồi lên phiến đá ráp ban nãy bí thư Tào mài xẻng, châm thuốc hút. Một nỗi xót xa phiền muộn khó tả lại dâng lên trong lòng tôi như mọi ngày. Nỗi niềm này đến với tôi chính xác như bộ máy đồng hồ. Mặt trời lặn, hoàng hôn, cừu về chuồng, ráng chiều, gió lắng xuống, hoang mạc im lìm, cồn cát bị không khí chuyển động bào mòn, những ngọn cỏ lác trơ trọi vươn cao, những bụi gai lá cành xoắn xuýt, tất cả đều mờ dần và loãng đi.


Và tự đáy lòng tôi dần dần hiện rõ nỗi hiu quạnh cô đơn. Ngày cũng như đêm bầu bạn quanh tôi chỉ có cừu, với chàng Câm. Không gian mênh mông, không tìm đâu thấy một dẫn chứng thực tế nào để chứng minh cho những tư tưởng tôi học được trong sách vở. Đây hình như không phải xã hội loài người, mà tựa hồ như một cục bùn bé tí xíu văng ra từ xã hội loài người đang quay tít với vận tốc chóng mặt. Cục bùn ấy không còn liên hệ với xã hội loài người nữa, những vẫn mang bản chất của xã hội loài người. Trạng thái trì trệ này thường khích lệ tôi phải hành động, và cũng thường khiến tôi nản lòng thoái chí, nhưng nhiều hơn là những khi nó khiến tôi sợ hãi; năm tháng và trí lực, cứ thế lặng lẽ im lìm rữa nát hết sạch; rút cục tôi sẽ biến thành một con người vô dụng, lặng lẽ biến thành một thứ << chàng câm >> lúc nào không biết.


Anh dám bảo rằng đầu óc chàng Câm không hề suy nghĩ gì chăng? Nhưng chàng Câm chung quy cũng chỉ là << chàng câm >>. Thế giới này đúc bằng thép không còn tình cảm, không còn tri giác, không thể nào giao lưu thầm lặng với anh. Anh phải tác động tới nó, thúc đẩy nó, chí ít thì cũng phải thét lên, gào lên, dù chỉ là một tiếng gào thét đang bị bóp nghẹt.


Thế nhưng hôm nay, khi tôi ngắm nhìn mặt trời vàng vọt từ từ lặn xuống sau đỉnh núi xanh, trong cảm giác hiu quạnh và cô đơn, tựa hồ còn có một nỗi niềm khác nữa, ve vuốt nhè nhẹ khiến tôi nhồn nhột. Thế là tôi đã gặp lại cô ấy rồi! Phải chăng đây là ý trời?! Bao năm nay rồi những cô gái đã quen biết trước kia đều dần dần bị lãng quên đi. Hàn Nguyệt Bình, Mã Anh Hoa, đều không thể gặp lại được nữa, nên tôi không nghĩ nhiều đến họ nữa. Với tôi, đều đã thành hồi ức không bao giờ phai mờ. Với riêng tôi có khi nhớ lại vẫn còn thấy hoài nghi: có đúng là sự thật không nhỉ? Thế là lòng tôi trở nên khô cứng vì thiếu dòng nước mát của tình yêu. Nhưng nét khắc mạnh mẽ của cô đã để lại trên tảng đá cứng lòng tôi một dấu vết khó phai mờ. Bức tranh cho tới nay vẫn sống động tươi rói: một tấm thân trần truồng với những đường cong tuyệt mỹ, đã bao lần khơi dậy tình dục và ham muốn rất đàn ông của tôi, khiến tôi biết rằng, tôi dẫu là một thân tù cỏ vê khoác cái vỏ ngoài màu đen, màu lam. hoặc như lúc nãy đây là màu lục đi nữa thì rốt cuộc tôi vẫn là thằng đàn ông. Trong cái chung đã bóp chết mọi cái riêng, ít ra còn giữ lại được cái đặc trưng giới tính. Nét khắc mạnh mẽ ấy của cô, lời kêu gọi thầm lặng mà táo bạo ấy, và lúc ấy tuy tôi chưa có được phản ứng dũng cảm như cô, nhưng dường như tôi đã bị cô hãm hiếp rồi. Từ ấy tôi đâu còn trinh trắng nữa, mặc dầu giờ đây tôi đã ba mươi chín tuổi đầu tôi vẫn trai tơ.


Những vòng tay ôm đằm thắm, những nụ hôn nồng cháy xưa kia, đã hoàn toàn bị va đập tan nát bởi cơ thể đầy căng chỗ nào cũng rậm rật run rẩy của cô; sáng sớm đỏ tươi đã xua tan sương mai màu hồng nhạt. Từ lúc ấy trở đi, tôi biết rằng, hễ nghĩ tới đàn bà, tôi lập tức tưởng nhớ tới cô, chứ không phải ai khác nữa. Sự trinh trắng của tôi đã mất ở nơi cô ta! Tôi không tin rằng cô chỉ có thể thoáng hiện trước mặt tôi, rồi sẽ không bao giờ gặp lại bóng dáng cô nữa. Tôi mong đợi rất viển vông rằng, cô sẽ xuất hiện trong cuộc sống của tôi, và giờ đây cô đã hiện ra trước mắt tôi! Phàm sự vật xuất hiện hai lần, chắc chắn là có mang một ý nghĩa nào đó. Đấy là số phận.
Tôi cũng biết rằng, vốn không quen với những tình cảm dịu dàng thầm lặng, tôi đã sớm cầm tù bởi tình dục đầy thú tính; thay đổi lối sống sẽ làm thay đổi cách yêu đương, thay đổi ý định yêu đương và thay đổi cả quan điểm thẩm mỹ yêu đương nữa. Tôi đã giống hệt như chàng Câm, lúc nào cũng ở trong một trạng thái mâu thuẫn triền miên giữa một bên là tư duy lý tính, trung thành với đức tin, chịu sự ràng buộc kiềm chế của đạo đức văn minh, với một bên là bản năng phi lý tính, khát khao được ôm trọn một xác thịt cụ thể, tươi rói, sống động, chẳng cần biết xác thịt ấy là của ai, miễn là một kẻ khác giới – chính mắt tôi trông thấy và khơi dậy được bản năng tình dục của tôi.
Ráng chiều đã tắt hẳn….


Hút hết điếu thuốc, thì loa phóng thanh trên các nóc nhà ở của công nhân vang lên. Cái của nợ bằng tôn xám ấy, ngoác cái miệng khổng lồ đen ngòm của nó ra, giữ vai trò trung gian duy nhất nối liền anh em công nhân nông trường chúng tôi với thế giới bên ngoài. Nhưng ngày ngày nó cứ nhai đi nhai lại mãi một giọng điệu nhàm chán, chứng tỏ thế giới này hoàn toàn trì trệ. Chỉ có thời gian vẫn tiếp tục trôi, bởi thế những chiếc loa chỉ còn một chức năng duy nhất là báo giờ: đã đến giờ xuống nhà ăn lĩnh cơm rồi. Tôi đứng dậy, cuộn chăn đệm lại vác lên vai, đóng cửa và cũng chẳng nhờ người trực ca đêm nữa, tôi cắm đầu chạy thẳng xuống sườn đồi.


Mặc mẹ nó! Cần đếch gì! Cơm xong đi gặp cô ấy thôi.

<< PHẦN THỨ HAI - Chương Một | P2 - Chương Ba >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 616

Return to top