Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trinh Thám, Hình Sự >> Đợi chờ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1985 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đợi chờ
John Le Carré

Chương 9

Những người Mỹ mới của nhỏ Ned, trong lúc chúng tôi ngồi quanh chiếc máy thu phát âm của Brock.
Đồng hồ Luân Đôn chỉ sáu giờ. Băng ghi âm đã đến đây nửa giờ trước, sau khi đến Helsinki bằng vali ngoại giao, rồi đến Northolt bàng chuyên cơ.
Ngồi tại bàn làm việc của mình, Ned ký tên vào phía dưới một tài liệu mà ông ta che lại với bàn tay trái. Ông xếp tờ giấy đút vào một phong bì và dán lại, trước khi giao cho Emma, một trong hai phụ tá của ông.
Sau đó Ned mới trả lời tôi:
- Những người mới từ Langley tới để xem xét công việc của chúng ta.
Nơi máy thu phát âm, chúng tôi nghe tiếng bước chân đi lên một cầu thang bằng gỗ, rồi sau đó là tiếng chửi thề của Barley. lại, tiếng chân bước đi khi hai người leo lên mái nhà.
Người ta có thể cho đây là một cuộc chiêu hồn, tôi nghĩ thầm khi nghe Barley và Katia trao đổi với nhau những lời đầu tiên.
Brock cho chúng tôi nghe tất cả những gì diễn ra trên mái nhà, rồi sau đó là những gì diễn ra trong bữa ăn tối.
- Yakov Yefremovich, họ là gì chưa biết, là một nhà vật lý học. Năm 1968, ông ta ba mươi tuổi, như thế là sinh vào năm 1938 - Ned tuyên bố là lấy một tập ấn chỉ in sẵn trong cái đống giấy tờ trước mặt ông ta để ghi chép gì đó - Wanter, ông có đề xuất gì khác không?
- Yelfrem, chuyên gia nghiên cứu khoa học người Nga, những tên khác chưa biết. Bố của Yakov Yefromvitch chết năm 1952 trong một vụ nổi loạn tại Vorkouta, Wanter đọc thuộc lòng không cần nhìn sổ tay.
- Và ông, Johnny? - Ned hỏi.
- Ned, tôi bỏ phiếu cho Boris, những tên khác chưa biết, góa vợ, giáo sư khoa học nhân văn Viện đại học Leningrad, khoảng 70 tuổi, có một con gái tên : Ekaterina, Johnny nói:
Ned ghi vào một tấm phiếu khác.
- Palfrey, ông có tham gia không?
- Đối với tôi, đó sẽ là các tờ báo của Leningrad. Tôi muốn biết các thí sinh dự thi môn toán năm 1952. Và huy chương giáo dục mà Yakov đã đoạt được.
Ned đưa mắt tìm Emma để bảo đem các tấm phiếu đến phòng lưu trữ tài liệu. Nhưng Walter đã đứng dậy, bước đến gần bàn giấy của Ned và nói:
- Tôi đích thân phụ trách tất cả công việc sưu tra. Trận này quá quan trọng, không thể giao phó cho các bà ở phòng lưu trữ được.


* * *


- Chúng ta hãy đi hưởng một chút không khí trong lành ở đồng quê, Ned đề nghị với tôi theo đường dây nội bộ một giờ sau, khi tôi vừa tới văn phòng làm việc của tôi ở Tổng Cục. Hãy nói với Clive rằng tôi có việc cần đến anh.
Chúng tôi dã mượn nơi ga ra của cơ quan chiếc Ford chạy nhanh, Ned lái và đưa cho tôi một hồ sơ, bảo tôi đọc. Xe chạy nhanh như gió, băng qua cánh đồng vùng Berkshire, đến một ghetto (1) ở cách xa Luôn Đôn sáu mươi lăm cây số về phía Nam.
Một người đàn ông mặc áo vét thể thao mà hạt dẻ, mở cửa xe cho Ned một cách rất lễ phép. Một đồng nghiệp của ông ta đút một cái máy rà vào dưới khung xe, và một cách hết sức lịch sự; họ sờ soạng vào người chúng tôi từ trên xuống dưới dể soát xét.
Một chiếc xe màu xanh lục, phía sau xe có một tấm bảng: " HÃY ĐI THEO TÔI", một con chó berger nhìn chúng tôi với vẻ dữ tợn qua tấm kính sau xe được gia cường bằng song sắt. Qua khỏi cổng mở bằng cảm ứng điện từ, chúng tôi đi vào trong khuôn viên ghetto. Chiếc xe màu xanh lụt mà chúng tôi phải đi theo, chạy chậm như xe đám ma. Đến một chỗ đường ngoặt, chúng tôi thấy có những sân quần vợt. Chiếc xe màu xanh lụt dẫn đường đưa chúng tôi đến một ngôi nhà gạch, trên cửa có tấm bảng "Quản đốc ". Một người đàn ông lực lưỡng, mặt một áo nỉ màu sắc sặc sỡ, có kẻ sọc dài, bước ra đón tiếp chúng tôi.
- Các ông là người của Hãng? Tốt lắm. Tôi là O Mara - Tôi đã nói với ông ta đợi trong phòng thí nghiệm.
O Mara có mái tóc màu hung, một giọng nói hách dịch. ned đã có nói trước với tôi: O Mara giám sát các nhà nghiên cứu khoa học. Hắn ta một nửa là người của cơ quan An ninh"!. Chúng tôi ngồi trong những chiếc ghế bành để thưởng thức rượu gin-tonic với rất nhiều nước đá.
- Tôi mới từ Hoa Kỳ về - O Mara nói với chúng tôi để giải thích sự vắng mặt của ông ta.
O Mara đưa ly lên uống.
- Các ông có thường sang bên đó không?
- Khi nào có dịp - Ned đáp.
- Thỉnh thoảng tôi có đi- Tôi nói - Khi công vụ đòi hỏi.
- Người ta gửi sang bên đó nhiều nhà nghiên cứu của chúng ta. Lẽ tất nhiên là tạm thời. Đến Oklahoma, Nevada, Utah. Phần nhiều họ thích sống ở đó, nhưng có một số nhớ quê hương.
O Mara nhấm nháp một cách chậm rãi một ngụm rượu, rồi nói tiếp:
- Tôi có đi thăm phòng thí nghiệm vũ khí của họ ở Livermore, bang California. Một địa điểm thú vị, với một ngôi nhà xinh đẹp dành cho khách tham quan. Bên đó thiếu gì tiền bạc. Họ đã mời chúng tôi dự một tuần lễ hội thảo về cái chết. Thật là khủng khiếp, thật là ghê tởm khi người ta nghĩ đến điều đó, nhưng các nhà tâm lý học cho rằng điều đó sẽ có ích cho tất cả mọi người. Và là còn có những thứ rượu hảo hạng. Tôi tưởng tượng rằng nếu người ta dự định hỏa thiêu sơ sơ một phần nhân loại, thì biết được điều đó tiến hành như thế nào cũng là một điều tốt.
O Mara lại uống chầm chậm một ngụm rượu nữa, rồi giải thích với chúng tôi:
- Wintle là một anh chàng ma lanh muốn lòe người, muốn tỏ ta đây là ngon lành. Anh ta mê chủ nghĩa xả hội, sau đó mê chúa Giesu, và bây giờ lại dấn thân vào sự trầm tư mặc tưởng thuyết tiên nghiệm. May thay, anh ta có vợ! Anh ta đã thôi học sau khi tốt nghiệp trung học, nhưng anh ta nói năng trôi chảy. Anh ta còn ở đây ba năm nữa.
Có tiếng gõ cửa và Wintle đi vào. Đó là một người đàn ông có vẻ thư sinh, năm mươi bảy tuổi, cao lớn, lưng còng, đầu luôn luôn nghiêng về một bên. Ông ta mặc áo khoác đan bằng len, quần rộng và mang giày da mềm. Wintle ngồi, hai đầu gối khép lại với nhau, tay cầm ly uýt- ky rất cẩn thận, như thể nó là một cái bình cổ cong để làm thí nghiệm hóa học.
- Chúng tôi đang nghiên cứu về một số nhà bác học Liên Xô - Ned nói với giọng hết sức bình thản. Chúng tôi xem xét hệ thống phòng thủ của họ đến tận các chi tiết nhỏ nhặt nhất.
- Các ông làm việc cho cơ quan tình báo - Wintle nói - Tôi nghi lắm nhưng không dám nói.
- Lạy chúa! Anh hãy nhớ cho kỹ rằng điều đó không can hệ gì đến anh - O Mara khuyên Wintle cũng với một giọng dịu dàng - Họ là người Anh và họ có công việc của họ, cũng như anh có công việc của anh.
Ned rút ra vài tờ giấy đánh máy và đưa cho Wintle. Ông ta đặt ly rượu xuống để cầm các giấy tờ ấy. Sau mỗi cử động, ông ta lật ngửa hai bàn tay lên, các ngón tay co quắp lại như một tù nhân cầu khẩn người ta thả mình ra.
- Chúng tôi có ý đánh giá lại một số tài liệu cũ lâu nay bị bỏ quên, Ned nói. Đây là một thí dụ : bản báo cáo của ông sau khi ông ở Akademgorodok (2) trở về nước, tháng tám năm 1963. Ông có còn nhớ một đại tá nào đó tên là Vauxhall không? Lẽ tất nhiên bản báo cáo ấy không phải là một kiệt tác văn học, nhưng trong đó ông có nêu tên của hai hay ba nhà bác học Liên Xô mà chúng tôi muốn cập nhật hóa các phiếu lưu trữ.
- Tôi còn nhớ trong cuộc họp ấy, đại tá Vauxhall đã lấy dah dự mà hứa rằng tất cả những gì tôi nói ra sẽ được giữ bí mật hoàn toàn - Wintle nói một cách cứng cỏi - Vì thế tôi hết sức ngạc nhiên thấy tên tôi và những lời tôi dã nói còn được lưu trữ và đem ra khai thác hai mươi lăm sau.
- Này ông bạn của tôi ơi, chắc chắn đó là cơ hội duy nhất của ông để biết rằng mình là người bất tử. Nếu tôi là ông, tôi sẽ im lặng và lợi dụng cơ hội ấy - O Mara khuyên Wintle.
Tôi phải đứng ra hòa giải và gợi ý Wintle mô tả rõ ràng các nhà bác học Liên Xô được nêu ở trang cuối, và luôn tiện cho thêm vào điều chỉ dẫn về ê - kíp Cambridge.
- Tôi thiết nghĩ từ "ê -kíp" không thích đáng, xin ông ghi rõ trong bản biên thảo cho - Wintle bắt bẻ - Những người trong một ê - kíp phải có một mục đích chung. Lúc bấy giờ chúng tôi là một đoàn Cambrige, đồng ý. Một ê - kíp, thì không. Một số làm như thế chỉ cho vui, một số khác làm vì danh tiếng. Như giáo sư Callow. Chỉ có một thiểu số rất nhỏ thật sự vì lý tưởng. Họ tin rằng khoa học không có biên giới, tự do trao đổi với nhau những khám phá khoa học để phục vụ toàn thể nhân loại.
Trong cuộc hội nghị ấy có người Pháp, nhiều người Mỹ, người Thụy Điển, người Hà Lan, và có cả một hai người Đức. Tất cả đều tràn trề hy vọng hơn các người khác.
Lúc bấy giờ là thời kỳ Khrouchtchev cầm quyền ở Liên Xô, chắc các ông còn nhớ. Kennedy một bên, Khrouchtchev một bên. Một thời đại hoàng kim đang mở ra. Lúc bấy giờ; người ta nói đến Khrouchtchev cũng như bây giờ người ta nói đến Gorbatchev. Nhưng tôi phải thú thật rằng sự hân hoan của chúng tôi lúc bấy giờ còn nhiệt thành, còn bồng bột hơn cả sự hân hoan hiện nay.
O Mara ngáp dài và nhìn tôi với một đôi mắt ngơ ngác.
- Chúng tôi nói với họ những gì chúng tôi biết và họ cũng làm như thế với chúng tôi. Chúng tôi đã đọc các luận đề của họ. Tôi phải thú thật rằng giáo sư Callow đã không làm cho người ta khâm phục lắm. Nhưng chúng ta đã có Panson với đề tài điểu khiển học, ông ta đã bảo vệ màu cờ sắc áo của chúng ta. Và còn có cả tôi nữa.Tôi phải nói là sự đóng góp khiêm tốn của tôi là một thành công. Các rào cản tan rã nhanh đến nỗi người ta nghe được tiếng chúng sụp đổ trong phòng hội nghị. " Tự do đi lại " là một uyển ngữ, khi người ta nghĩ đến những bữa tiệc khuya trong đó người ta uống Vodka như uống nước, khi người ta nghĩ đến gái! Người ta có quyền vui chơi trước khi từ giã nhau. Có một số người không thích điều đó. Nhưng không có tôi trong thiểu số ấy.
Lẽ tất nhiên đó là sở thích của Wintle, và ông ta ngồi một cách khoan khoái trong chiếc ghế bành để ban cho chúng tôi những điều mà chúng tôi cần biết.
Wintle nói tiếp:
- Tôi cũng muốn nói thêm rằng, người ta có một quan niệm sai lầm về cơ quan KGB của họ. Theo nguồn tin bảo đảm, tôi biết cơ quan KGB đã thường xuyên che chở một số phần tử trí thức Liên Xô.
- Có gì lạ đâu , anh không biết ở đất nước chúng ta cũng như thế sao? - O Mara kêu lên.
- Ngoài ra, tôi tin một cách tuyệt đối rằng, các nhà chức trách Liên Xô đánh giá đúng rằng người ta có lợi hơn có hại trong một cuộc trao đổi những hiểu biết khoa học với phương Tây.
Wintle muốn hỉ mũi, và để làm việc đó, trước hết ông ta phải trải khăn tay của ông ta ra, làm thành một lỗ hõm cần thiết, rồi mới hỉ mũi vào đó.
Thừa dịp, Ned gợi ý:
- Có lẽ chúng ta có thể nhìn sơ qua một chút các hồ sơ của các nhà bác học Liên Xô mà ông đã nêu tên với thiếu tá Vauxhall.
Cuối cùng, cái lúc mà chúng tôi chờ đợi từ đầu đã tới, và trong bốn người ngồi trong phòng khách này, chỉ có một mình Wintle không biết điều đó.
Ned bắt đầu với các hồ sơ không quan trọng mà ông ta đã đánh dấu bằng một chữ thập nhỏ màu xanh lục. Hai trong số các nhà bác học ấy đã chết, một người thứ ba đã thất sủng. Ned trắc nhiệm ký ức của Wintle mà ông ta chuẩn bị cho vấn đề đích thực như thế.
- Serguei? - Wintle kêu lên - Lạy Chúa! Đúng là Serguei! Nhưng Serguei gì nhỉ? À ... Popov? Popovitch? Không phải , đây rồi: Protopopov! Serguei Propopov, chuyên viên về nhiên liệu.
Ned khích lệ Wintle một cách kiên trì. Ba tên rồi, một tên thứ tư nữa. Ông hướng dẫn ký ức của Wintle, bắt nó làm việc.
- Hãy suy nghĩ thêm một giây nữa về cái tên này trước khi qua tên thứ tư? Không à? Được rồi. Saveleiev.
- Ông vui lòng lập lại?
Tôi đã nhận thấy rằng, cũng như đa số người Anh, Wintle khó nhớ được họ của người khác trong lúc tên tục của họ thì dễ nhớ hơn.
- Saveleiev - Ned lặp lại.
Ned liếc nhìn sơ qua bản báo cáo ông ta đang cầm và nói tiếp:
- Đúng, Saveleiev ( ông đánh vần từng chữ). Trẻ trung, lý tưỏng chủ nghĩa, hùng biện, tự nhận mình là người theo học phái nhân văn, nhà vật lý học. Đó là những lời của chính ông trong bản báo cáo. Theo nhận xét của đại tá Vauxhall, trong đó có những sự phô trương! Có điều gì cần thêm không? Thí dụ như ông có còn liên lạc với ... với cái ông Saveleiev ấy mà.
Wintle mỉm cười, vẻ hả hê.
- Saveleiev? Tôi không hết ngạc nhiên. Đối với tôi, ông thấy đó, ông ta luôn luôn vẫn là Yakov.
- Đúng, Yakov Saveleiev. Ông có nhớ họ của ông ta không?
Wintle lắc đầu.
- Không thêm gì nữa?
- Một anh chàng rất mẫn cảm. Yakov không dám đặt câu hỏi trong các buổi họp. Ông ta chờ đến cuối buổi mới kéo tay áo người ta để hỏi: "Ông thứ lỗi cho tôi, tôi muốn biết những gì ông nghĩ về vấn đề này hay vấn đề kia".Xin chú ý, luôn luôn là những vấn đề đích đáng. Một con người rất tài hoa, theo như người ta nói. Trong các buổi họp, Yakov luôn luôn đi đến hết nhóm này đến nhóm khác. Ông ta nghe rất nghiêm túc tất cả những cuộc thảo luận, nhưng không phát biểu. Có một sự bí mật về bố ông ta, nhưng tôi không bao giờ biết gì về vấn đề đó. Chỉ biết bố ông ta cũng là một nhà bác học.
- Yakov có cho tôi một hòn đá - Wintle nói tiếp. Và tôi thấy bàn tay của ông ta để ngửa trên đầu gối, mở ra rồi nắm lại, như thể trong đó có hòn đá mà ông ta nói.
- Một hòn đá? - Ned ngạc nhiên hỏi.
- Yakov? Ông muốn nói một mẩu đá địa chất học, phải không?
- Lúc chúng tôi từ giã Akadmegorodok, chúng tôi đã để lại tất cả những gì chúng tôi có. Ông không thể hình dung nhóm chúng tôi ngày chót như thế nào đâu. Chủ, khách khóc ròng, ôm hôn nhau. Các xe ca đầy hoa. Ngay cả giáo sư cũng không cầm được nước mắt ,nói thế thì ông đủ biết! Và chúng tôi đã cho tất cả những gì chúng tôi có. Sách, báo, bút máy, dao cạo, kem đánh răng ... đến cả bàn chải răng! Các cuốn băng, áo lót, cà vạt, giày dép, sơ mi, bí tất, nói tóm lại tất cả. Và đâu có phải chúng tôi đã bàn bạc với nhau trước. Đây là một cử chỉ tự phát. Có những bạn làm hơn thế nữa, nhất là người Mỹ. Tôi nghe nói có một chú Sam đề nghị kết hôn ngay với một thiếu nữ thích đi nước ngoài bằng mọi cách. Tôi, tôi không làm điều đó. Tôi không thể làm. Tôi là một người yêu nước.
Và tôi có cho ông ta vài thứ. Ông biết không, anh chàng Yokov đứng ở tận phía sau và đã lôi kéo sự chú ý của tôi với thái độ rụt rè của ông ta. Tôi đã nói với ông ta:" Này, ông bạn Yakov, bạn làm gì mà quá nhút nhát thế! Tôi có cái này biếu bạn để làm kỷ niệm".Một dao cạo điện với pin và một cái sạc điện, tất cả để trong cái hộp thật xinh. Nhưng Yakov không lấy gì làm thích thú lắm. Ông ta để cái hộp xuống một góc bàn và tiếp tục đi chung quanh tôi với vẻ lưỡng lự. Thấy thế, tôi hiểu rằng ông ta cũng muốn tặng tôi một cái gì đó: một hòn đá gói trong mảnh giấy báo. Ở bên kia, lẽ tất nhiên không có giấy gói hoa hòe hoa sói. " Đây là một mảnh của đất nước tôi - ông nói - để tỏ lònh cám ơn về bài diễn văn của ông ". Ông ta muốn tôi yêu mến những gì tốt đẹp của đất nước ông ta. Ông ta nói tiếng Anh còn hay hơn cả chúng tôi. Tôi phải thú thật là tôi hơi lúng túng. Tôi đã giữ hòn đá đó rất lâu, mãi cho đến khi vợ tôi liệng nó đi trong một dịp dọn dẹp, tổng vệ sinh nhà cửa vào mùa xuân. Nhiều lần tôi định viết thư cho Yakov, nhưng rồi tôi không viết. Ông ta kiêu ngạo theo cái lối của ông ta, cũng như nhiều người khác. Nhưng tất cả chúng tôi, họ và chúng tôi, đều tin rằng khoa học sẽ chi phôi thế giới. Điều đó bây giờ đã thành hiệu lực, nhưng không giống như chúng tôi quan niệm lúc bấy giờ.
- Yakov có viết thư cho ông không? - Ned hỏi.
- Tôi biết trả lời ông như thế nào đây! - Wintle trả lời sau khi suy nghĩ kỹ - Tôi làm sao biết được ông ta không viết hay có viết, mà thư không đến được với tôi vì đã bị tịch thu. Chỉ có điều là tôi không nhận được bức thư nào của ông ta cả.
Tôi lấy ra một tập ảnh và đưa cho Ned. Ned đưa cho Wintle. Wintle ngắm nghía từng tấm ảnh một và đột nhiên kêu lên:
- Đúng là ông ta rồi! Đúng là Yakov rồi! Người đã tặng tôi hòn đá.
Ông ta trả lại tấm ảnh cho Ned và nói:
- Ông hãy nhìn đi. Nhìn kỹ đôi mắt ấy. Và sau đó, ông có dám nói với tôi rằng đó không phải là một người trầm tư mặc tưởng?
Chụp lại trong tờ báo chiều của Leningrad, số ra ngày 5 tháng giêng năm 1954 do ban chụp ảnh của chúng tôi làm. Tấm ảnh đúng là ảnh của Yakov Yefremovitch Saveleiev, một thiên tài.
Có những tấm ảnh khác mà Ned kiên nhẫn đưa cho Wintle nghiên cứu để đánh lạc hướng ông ta, cho đến khi ông ta chắc chắn rằng trong đầu óc của Wintle, Saveleiev cũng chỉ là một cái tên trong biết bao nhiêu cái tên khác mà thôi.
- Tài thật, các ông đã dấu rất khéo con chủ bài của các ông ở giữa đống bài - O Mara đã nói với chúng tôi như thế khi tiễn chúng tôi ra xe một lát sau đó.


* * *


Cờ nước Anh treo một cách buồn bã trong sân trước của tòa đại sứ Anh Quốc. Nơi cửa ra vào, hai cảnh sát viên Nga xét giấy thông hành của Barley mặc một cái áo mưa màu hạt dẻ, dầm dề nước mưa.
- Ôi, thời tiết khắc nghiệt thật!- Một phụ nữ mặc váy kiểu Xcốtlen thật đẹp kêu lên. Cô ta đứng đợi Barley trong tiền sảnh - Chào ông. Tôi là Felicity. Và thưa ông ... Ông đúng là người tôi đang đợi, phải không? Thưa ông Blair, ông tùy viên kinh tế đang chờ ông.
- Tôi tưởng phòng kinh tế ở lầu bên kia.
- Không, bên đó là phòng thương mại.
Barley đi theo cái váy phấp phới của cô ta trong cầu thang. Ông tùy viên kinh tế, người Xcốtlen, tên là Craig.
- Ông Blair! Ông có mạnh khỏe không? Mời ông ngồi. Ông dùng trà hay cà phê?
Craig lấy cái áo mưa của Blair, treo lên một cái giá. Trên bàn giấy của ông ta có treo ảnh của Nữ hoàng mặc đồ cưỡi ngựa. Felicity đem đến nước trà và bánh quy. Craig nói chuyện một cách hăng hái như thể ông muốn gấp rút nói cho ông những tin tức mà ông đang nắm giữ
- Tôi nghe nói mấy tên găngxtơ ở cơ quan VAAP đã làm trở ngại công việc của ông . Ọng đã biết họ muốn gì hay không muốn gì chưa? Ông đã đạt được điều gì chưa, hay họ còn làm khó dễ, để buộc ông phải làm theo ý họ? Ở đây người ta rất quan liêu, thích làm oai, làm phách. Rất ít khi người ta đạt được một sự giao dịch đích thực. Lợi nhuận là một khái niệm mà họ không hề biết đến cũng như sự nhanh chóng trong công việc. Tất cả đều tiến triển chậm như rùa bò. Một sự trì trệ nan y cộng thêm những dự định không tưởng. Làm sao họ có thể thoát khỏi vòng khó khăn với một nền kinh tế căn cứ trên sự trì trệ, lối sống tập đoàn và nạn thất nghiệp được che dấu? Câu trả lời: Họ không thoát khỏi vòng khó khăn được. Hỏi: Khi nào họ quyết định thoát khỏi vòng khó khăn? Câu trả lời: Chỉ có Trời mới biết!
- Tôi cám ơn ông đã nói cho tôi biết ý kiến về công việc của tôi ởn đây- Barlay nói - Cái điều rủi ro mà người ta phải ganh chịu trong cái nghề của tôi là thấy mình bị cắt các nguồn trợ cấp. Ông có bằng lòng cho tôi giới thiệu ông một chút với tất cả mọi người ở đây hay không? Nếu không, người ta sẽ không bao giờ tha thứ cho tôi tại Bộ Tư Pháp.
Với một cái gật đầu ra hiệu, Craig kéo Barley đi dọc theo một hành lang dài, đến tận một cánh cửa sắt. Cửa mở ra và đóng lại sau khi hai người đã vào bên trong.
" Craig là liên lạc của ông", Ned đã nói với Barley như vậy.


* * *


Mới đầu, Barley có cảm giác như đang ở trong một phòng giam kín tối mò, rồi nghĩ rằng đó là một phòng tắm hơi, vì chỉ có một chút ánh sáng, nơi một góc sàn, và trong không khí có phảng phất mùi nhựa thơm, cảm thấy có một sự chòng chành dưới chân mình, ông nghĩ rằng phòng tắm hơi đưọc cất trên cột trụ nhà sàn.
Barley ngồi rất cẩn thận trên một cái ghế, và nhìn thấy có hai bóng đêm ở phía sau một cái bàn. Bên trên cái bóng thứ nhất có treo một bức ảnh vẽ một hiệp sĩ cầm kích trực trước cầu Luân Đôn. Bên trên cái bóng thứ hai là hồ Windermere trải rộng đìu hiu dưới ánh tà dương.
- Chào ông Barley, ông giỏi lắm! - Có tiếng một người Anh kêu lên mạnh mẽ giống như tiếng của Ned. Tôi tên là Paddy, nhưng tên thật của tôi là Patrick và đây là Cy, đồng nghiệp người Mỹ của tôi.
- Chào ông Barley - Cy nói.
- Chúng tôi chỉ là những nhân viên tạp vụ ở đây - Paddy nói- Công việc chín của chúng tôi là mang đến thuốc hút và thức ăn nóng. Ned gửi lời thăm hỏi ông, và Clive cũng thế. Nếu họ đã không mệt nhừ, thì họ sẽ đến đây chia sẻ những lo âu phiền muộn với chúng ta rồi. Đó là những mối nguy hiểm của nghề nghiệp. Điều đó có thể đến với tất cả chúng ta - Tôi được giao nhiệm vụ hỏi ông tiếp tục muốn theo đuổi cuộc phiêu liêu không? - Paddy nói nhứ thể đây là một trò đùa - Nhưng nếu ông muốn rời thuyền, đó là quyền của ông, và sẽ không có oán trách gì nhau đâu. Ông muốn bỏ cuộc hay muốn ở lại?
- Zapadny sẽ giết tôi mất! - Barley nói.
- Vì sao?
- Tôi là khách của ông ta. Ông ta trả tiền chi phí cho tôi và ông ta vạch chương trình cho tôi. Tôi sẽ ăn nói với ông ta thế nào đây? Dù sao đi nữa tôi cũng không thể chuồn lẹ như thế này được. bái bai, tôi đi Leningrad ! Ông ta sẽ nghĩ rằng tôi điên điên tàng tàng.
- Ông nói chắc chắn là đi Leningrad? Chứ không phải đi Luân Đôn sao?
- Tôi phải nói chuyện với ông ta - Barley nói như thể đó là một lý do đầy đủ.
- Với Zapadny?
- Không, với Goethe. Nhất thiết tôi phải nói chuyện với ông ấy. Tôi sẽ không lừa dối ông ta.
- Nhưng có sao đâu. Ned muốn một sự họp tác, chứ không phải một cái bẫy sập.
- Chúng tôi chúng thế - Cy khẳng định.
- Tôi không muốn dùng mưu mô quỷ quyệt với ông ta, tôi sẽ nói chuyện một cách hết sức thành thật, hoặc là sẽ không nói gì hết.
- Đó đúng là điều Ned mong muốn, Paddy nói quả quyết. Chúng tôi muốn cho Geothe tất cả những gì ông ta muốn.
- Chúng tôi cũng thế - Cy nhấn mạnh thêm.
- Potomac Boston đang hợp tác với ông. Người phụ trách công việc xuất bản là ông Henziger. Phải không?
- J.P Henziger - Barley đáp.
- Ông biết ông ta?
- Chỉ biết tên trong hợp đồng mà thôi.
- Đó là những gì ông biết về ông ta?
- Chúng tôi nói chuyện với nhau vài lần bằng điện thoại. Ned cho rằng để người ta nghe chúng tôi nói chuyện với nhau trên đường dây xuyên từ Đại Tây Dưong là một điều tốt.
- Nhưng ông không hình dung được ông ta là người như thế nào, phải không? - Paddy hỏi với cái lối của ông ta là buộc người đối thoại trả lời một cách thật rõ ràng, minh xác.
- Tôi chỉ biết tên của ông ta, biết ông ta có một tài khoản vững vàng trong nhà băng, ông ta có văn phòng ỏ Boston, và biết giọng nói của ông ta ở đầu kia đường dây. Tất cả chỉ có thế.
- Và ở đây, trong lúc ông nói chuyện với những người khác, thí dụ Zapadny, ông đã không tả J.P henziger như một thứ quái vật chứ? Ông đã không hóa trang cho ông ta với một bộ râu giả, một cái chân giả chứ?
Barley suy nghĩ một lát, nhưng hình như thật sự không hiểu câu hỏi.
- Không? - Paddy cố hỏi cho bằng được.
- Không. Barley lắc đầu đáp.
- Nếu thế thì, đây là sự dàn cảnh: ông J.P. Henziger, nhà xuất bản Potomac Boston, trẻ trung năng nổ, nhiều tham vọng, nhân dịp đi du lịch Châu Âu với vợ ông ta. Hai vợ chồng đã đến Helsinki (3) ở tại khách sạn Marski. Ông biết khách sạn Marski?
- Tôi đã có uống rượu ở đó - Barley thú nhận với vẻ ngượng ngập.
- Và với tính hân hoan của người Mỹ, ông bà Heiziger chợt có ý nghĩ làm một chuyến tham quan chớp nhoáng tại Leningrad. Cy, bây giờ đến lượt ông.
Cy mỉm cười, nói:
- Hai ông bà Henziger sẽ tham quan Leningrad ba ngày, có hướng dẫn viên đi theo. Họ sẽ có hộ chiếu nhập cảnh tại biên giới Phần Lan, cùng người hướng dẫn, xe ca và đám người đi theo. Họ là những người rất giản dị, và chân thật. Đây là lần đầu tiên họ đến Liên Xô. Chính sách Glasnost (4) là một sự mới lạ lớn đối với nhà xuất bản của họ ỏ Boston. Henziger đã xuất tiền đầu tư vào nhà xuất bản củ aông. Biết ông ở Matxcơva đang tiêu xài số tiền ấy, ông ta yêu cầu ông ngừng lại mọi công việc, đến gặp ông ta tại Leningrad để xách vali cho ông ta và báo cáo công việc của ông ở đây đã đến đâu rồi. Đó là lối làm việc thông thường của một nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư ấy lại là một nhà triệu phú. Ông có điều gì bắt bẻ? Có điều gì không vừa ý, cứ cho biết .
- Không, không. Tôi phải vừa ý tất cả, nếu các ôngt đã vừa ý.
- Tốt. Vào lúc một giờ sáng nay, giờ Luân Đôn. J.P gọi cho văn phòng ông tại Luân Đôn, từ khách sạn Marski, nhưng ông đang ở nơi thiết bị tự động nối với máy nói, và J.P không nói với thiết bị ấy. Thế là ông ta gửi cho ông một télex, nhờ Zapadny ở VAAP chuyển, và bản sao cho Cragi ở sứ quán Anh quốc tại Matxcơva. Trong télex ấy, ông ta yêu cầu ông gặp ông ta tại khách sạn Evropeiskaia ở Leningrad.
Zapadny sẽ phản đối, làm ầm lên. Nhưng vì J.P là người chi tiền cho ông, chúng tôi biết chắc Zapadny sẽ phải chịu nhượng bộ trước những điều bắt buộc của hợp đồng. Hợp lý không?
- Hợp lý - Barley thừa nhận.
Padny nói tiếp đoạn sau của sự dàn cảnh:
- nếu có một chút lý trí; Zapadny sẽ có thể giúp ông đổi hộ chiếu. nếu không, Wicklow lập tức chạy tới OVIR, ở đó người ta sẽ đổi cho ngay.
- J.P Henziger là người của họ - Cy giải thích - Ông ta là sĩ quan hạng ưu. Bà vợ ông ta cũng thế.
Cy ngừng lại ngay, vì Barley chỉ tay vào ngực Paddy, như một trọng tài vừa thấy được một lỗi.
- Khoan! Dù hai vợ chồng ông ta là sĩ quan ưu hạng đi nữa, thử hỏi họ làm được trò trống gì, nếu cứ lượn quanh Leningrad suốt ngày với chương trình tham quan có hướng dẫn viên.
Paddy nói:
- Cy, hãy giải thích cho Barley rõ đi.
- Ngay sau khi đến khách sạnEvropeiskaia tối thứ năm, bà Henziger đột ngột đau bụng. Đó là điều thường xảy ra. Lý do: vì có sự thay đổi thức ăn ... Và ông J.P không có lòng dạ nào đi tham quan thành phố để bà vợ xinh đẹp của ông ta ở nhà một mình với bệnh tiêu chảy.
Paddy đưa đèn tới gần bản đồ thành phố Leningrad. Ba địa chỉ do Katia cho, được vòng lại bằng bút chì đó.


* * *


Barley gọi điện cho Katia:
- Chào bà . Tối hôm qua bà về đến nhà có vất vả lắm không? Trong tàu điện ngầm, người ta có chen lấn, xô đẩy nhau nhiều lắm không?
- Không.
- Tốt. Tôi hỏ để được yên tâm. Và để cám ơn bà về buổi họp rất bổ ích tối hôm qua.
- Tôi cũng xin cám ơn ông.
- Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ có dịp gặp lại nhau. Nhưng phiền một nỗi là tôi phải đi Leningrad.
Im lặng kéo dài.
- Thế thì ông phải ngồi xuống.
Barley tự hỏi trong hai người, người nào đã đột ngột đã trở thanéh điên khùng.
- Vì sao?
- Đó là tục lệ ở đây. Khi người ta chuẩn bị đi đâu xa, người ta bắt đầu ngồi xuống. Ông đã ngồi xuống chưa?
Barley nhận thấy giọng nói của nàng vui vẻ, làm cho ông tràn trề hạnh phúc.
- Sự thật, tôi đang nằm dài trên giường. Như thế đủ chưa?
- Tôi không biết nữa. Thông thường người ta phải ngồi trên hành lý hay trên một cái ghế, thở dài một cái và làm dấu thánh giá. Nhưng tôi tưởng tưọng rằng nếu nằm dài trên giưòng, thì hiệu quả cũng sẻ như ngồi trên hành lý thôi.
- Đúng như thế.
- Sau Leningrad, ông sẽ trở lại Matxcơva chứ?
- Lần này thì không. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ đáp máy bay để trở về trường.
- Về trường nào?
- Về nước Anh ... Một trong những cách nói đùa kỳ cục của tôi đấy mà!
- Nhưng thật sự nó có ý nghĩa như thế nào?
- Những sự ràng buộc, sự thiếu chín chắn, sự dốt nát ...
- Ông có nhiều sự ràng buộc sao?
- Hàng tấn. Nhưng tôi đã học được cách chọn lựa. Ngày hôm qua tôi đã thành công nói được một tiếng "không ". Và tôi đã làm cho tất cả mọi người phải ngạc nhiên.
- Vì sao ông đã phải nói "không ". Vì sao nói "có ". Có thể họ còn ngạc nhiên hơn thế nữa đấy!
- Có thể lắm. Đó là màn kịch tối hôm qua, phải không? Tôi đã không nói được về tôi. Chúng tôi đã nói về bà, về các nhà thơ lớn xưa và nay, về ông Gorbatchev, về nghề xuất bản, nhưng người ta đã để ra một bên điều cốt yếu: đó là tôi. Tôi sẻ phải đi một chuyến nữa chỉ để làm cho bà bực mình về vấn đề đó.
- Tôi chắc ông sẽ không làm cho tôi bực mình đâu.
- Tôi có thể đem đến cho bà những gì nào?
- Xin lỗi.
- Trong chuyến đi sắp tới của tôi. Bà không bảo tôi đem đến cho bà những thứ mà bà cần sao? Một cái bàn chải điện chẳng hạn? Những cái que uốn tóc? Hoặc những tác phẩm khác của Jane Austen?
Một sự im lặng kéo dài đầy thú vị.
- Barley, tôi chúc ông lên đường bình an.


* * *


Trong bữa tiệc trưa cuối cùng của Barley với Zapadny, khách tham dự là những người thích đùa giỡn một cách vui nhộn. Họ gồm có mười bốn người, trong một phòng ăn rộng lớn tại lầu của một khách sạn mới xây cất chưa xong. Không có gì để uống cả.
Zapadny tỏ vẻ bất bình:
- Barley, ông biết không? Người ta đã tổ chức một cuộc tiếp tân lớn để biểu dương ông. Vassíli sẽ mang tới toàn bộ nhạc khí của anh ta, và một người bạn đích thân sản xuất rượu đã hứa sẽ mang đến cho chúng ta sáu chai. Sẽ có những họa sĩ và những nhà văn đến tham dự. Tất cả những món cần thiết cho một cuộc chơi bời mà người ta nhớ mãi không quên. Hãy bảo thằng cha khốn khiếp của nhà xuất bản Potomac Boston cút đi. Ở đây người ta không thích thấy ông nghiêm chỉnh đến thế.
- Alik, các tay triệu phú của chúng tôi ngang hàng với các nhà chức trách của ông. Nếu đối đãi với họ một cách khinh rẻ, thì chỉ thiệt hại và nguy hiểm cho chính mình . Như ông đó.
Zapadny mỉm cười.
- Người ta tưởng ông đã say đắm một trong những giai nhân lừng danh của chúng tôi ở Matxcơva chứ. Nàng Katia mỹ miều không thuyết phục nổi ông ở lại sao?
- Katia nào? Barley hỏi và tưởng trần nhà đổ ụp xuống đầu mình. Ông thấy tất cả mọi người thì thầm với nhau một cách rất vui thích.
Zapadny nói với vẻ thích thú ranh mãnh:
- Barley, người ta đang ở Matxcơva. Không có điều gì xảy ra mà người ta không biết. Giới trí thức là một thế giới thu nhỏ. Không ai có thể ăn tối với Katia Orlova trong một quán ăn thân mật và mỹ lệ mà ít nhất mười lăm người trong nhóm chúng tôi không biết tin ngay vào sáng hôm sau.
- Chỉ là một bữa ăn để bàn tán công việc mà thôi.
- Thế thì vì sao ông đã không mời Wicklow cùng đi để cùng bàn bạc công việc?
- Anh ta còn quá trẻ tuổi - Barley đáp và câu nói ấy làm cho mọi người phá lên cười một cách thích thú.


* * *


Chuyến tàu đêm đi Leningrad rời Matxcơva vài phút trước nửa đêm. Trong một phòng gồm bốn giường nằm, Wicklow và Barley đã lấy hai giường dưới, nhưng một bà mập tóc hung yêu cầu Barley đổi giường với bà ta. Giường thứ tư là của một ông rất kín đáo, có vẻ là nhà giàu, nói tiếng Anh rất điêu luyện và có vẻ buồn rầu. Đến cả cái nón đội trên đầu, bà tóc hung cũng không chịu cất đi trước khi ba người đàn ông đi ra ngoài hành lang. Một lát sau bà ta mới cho phép chúng tôi vào lại và bây giờ bà ta đã mặc một bộ pyjama, choàng thêm một cái áo màu hồng với những trái ngù hoa hòe ở vai. Bà ta mời chúng tôi ăn bánh ngọt mà bà ta nói là đã làm ở nhà. Khi Barley lấy ra chai rượu uýt- ky của mình, bà ta xúc động đến nỗi đã mời chúng tôi ăn cả xúc xích và nâng ly chúc sức khoẻ của thủ tuớng Thatcher.
- Ông từ đâu đến đây? - Cái ông có vẻ mặt buồn rầu hỏi Barley khi hai người sửa soạn đi ngủ.
- Từ Luân Đôn.
- Luân Đôn, bên nước Anh? Không có trăng cũng không có sao? Từ Luân Đôn bên nước Anh, thật vậy sao?
Và rồi hình như ông ta lập tức ngủ ngay được, còn Barley thì thao thức mãi. Vài giờ sau, khi tàu ngừng lại ở một nhà ga, ông ta lại nói chuyện tiếp mà chẳng cần biết Barley đã thức hay còn ngủ.
- Ông có biết bây giờ chúng ta đang ở đâu không?
- Này, nếu Anna Karenine (5) cũng đi đêm nay trong chuyến tàu này, thì chính tại chỗ này nàng đã vĩnh biệt Vronsky



Chú thích:

(1) Ghetto: Nơi mà một số người bị bắt buộc phải sống biệt lập, cách ly với xã hội bên ngoài - ND
(2) Akademgorodok: Thành phố ở vùng Sibérie của nước Nga, nơi có các Viện nghiên cứu Khoa Học - ND
(3) Helsinki: Thủ đô nước Phần Lan. N;D
(4) Glanost: Chính sách cở mở, tiếp theo chính sách cải tổ ( Perestroika) tại Liên Xô từ năm 1985.
(5) Anna Karenine: Nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết mang tên nàng của Lev Tolstoi, văn hào Nga ( 1828 - 1910 )

<< Chương 8 | Chương 10 >>


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 319

Return to top