Barley đã đóng trại ở phía đầu kia gian phòng, càng xa chúng tôi càng tốt. Ngồi ngất ngưởng trên một chiếc ghế học trò không tiện nghi, ông ta cầm ly rượu uýt-ki trong hai tay và ngắm nghía ly rượu, đầu nghiêng nghiêng như một triết gia hay nói đúng hơn là một nhà tư tưởng tự do cô đơn, vì thực tế ông ta nói với chính mình, với một giọng vừa khoa trương vừa sâu sắc, chỉ ngừng để uống một ngụm rượu hay gật đầu khi nhấn mạnh một chi tiết cá nhân và thường là tối nghĩa trong chuyện kể của ông ta. Ông ta kể với vẻ quan trọng của một nhân chứng hay ngờ vực của một thảm kịch, thí dụ một sự chết chóc hay một tai nạn xe hơi: tôi ở đây, ông đứng đầu kia, và kẻ đi đến từ phía này.
- Tại hội chợ triển lãm sách vừa qua ở Matxcơva, một ngày Chủ nhật. Không phải Chủ nhật trước, mà là Chủ nhật sau, - Barley kể.
- Một chủ nhật của tháng chín – Ned nhắc.
Barley quay đầu về phía Ned và nói đôi lời cám ơn, như thể ông ta tán thưởng sự trợ lực của Ned. Rồi ông ta kể tiếp:
Chúng tôi mệt lử. phần nhiều các người có sách trưng bày, ngày thứ sáu đã sắp xếp hành lý để ra về. Chỉ còn lại một nhóm nhỏ những người có những hợp đồng cần điều chỉnh, và những ai không có một lý do nào đích xác để trở về nước sớm. Tối thứ bảy, chúng tôi dự một buổi tiệc ăn uống say sưa, và Chủ nhật đi đến Peredelkino, trong chiếc xe của Jumbo.
Bỗng nhiên hình như ông ta nhớ lại là ông ta có một thính giả.
- Peredelkino là làng của các nhà văn Liên Xô. – Ông ta giải thích như thể chứng tôi chưa bao giờ nghe nói đến làng ấy. – Người ta cấp cho họ một số datcha (1). Hội Nhà văn quản lý ngôi làng.
- Jumbo là ai thế? – Ned hỏi.
- Jumbo Oliphant, giám đốc Nhà xuất bản Lupus Books. Ông ta là người AiLen và là một nhân vật quan trọng của Hội Tam Điểm. Ông ta có thẻ vàng.
Chợt nhớ ra có mặt Bob ở đây, Barley quay đầu về phía Bob và nói:
- Không phải thẻ vàng của American Epress, mà là thẻ vàng của hội chợ triển lãm sách ở Matxcơva. Có thẻ vàng ấy, Jumbo được cấp miễn phí một chiếc xe, một phiên dịch, một phòng khách sạn và một hộp cavian, Jumbo đã sinh ra với một thẻ vàng trong nôi.
Bob mỉm cười một cách cởi mở để chứng tỏ rằng mình cũng thích đùa.
Barley tiếp tục kể:
- Thế là tất cả chúng tôi đã đi thăm làng của các nhà văn Liên Xô, Oliphant của nhà sách Lupus; Emery của Bodley Head; và một cô của Penguin mà tôi không nhớ tên. À, nhớ ra rồi: Magda. Quỉ tha ma bắt, làm sao tôi lại có thể quên cô ta được? Và Blair của A and B. Chúng tôi có ý định đi tham quan ngôi nhà cũ và mộ của Pasternak (2). Lúc khởi hành, Jumbo Oliphant không biết Pasternak là ai, nhưng Magda đã nói nhỏ “Tác giả quyển tiểu thuyết Bác sĩ Jivago mà ông ta có xem phim rồi đó”.
Barley ngừng lại một lát rồi kể tiếp:
- Mộ của Pasternak ở trên một ngọn đồi. Ngày hôm ấy, với không khí tự do mới mẻ của thời mở cửa, khi chúng tôi đến nơi, đã có trên vài trăm người hâm mộ đủ mọi thành phần tụ tập chung quanh mộ của nhà văn. Tấm bia biến mất dưới những bó hoa chất chồng càng lúc càng cao. Người ta phải chuyển các bó hoa từ tay người này sang tay người khác, qua trên đầu họ, để có thể đặt bó hoa lên chóp đống hoa. Rồi để tỏ lòng tôn sùng Pasternak, người ta trích đọc các tác phẩm của nhà văn. Một người đàn ông nhỏ thó, đọc thơ của Pasternak. Một cô gái mập mạp đọc văn xuôi. Tiếp đến, có một người nào đó cất tiếng hát to. Các người khác đồng thanh hát lại các điệp khúc và cảnh trạng chung quanh ấy đã có không khí như một lễ hội. Tiếng hát càng lúc càng to hơn và cũng huyền bí hơn. Tôi biết được năm ba chữ tiếng Nga, các người khác thì còn biết ít hơn nữa.. nhưng điều đó không thể ngăn cản chúng tôi cùng tham dự lễ với họ. Điều ấy cũng đã không ngăn cản Magda khóc như một Madeleine, và Jumbo tuyên bố với giọng nghẹn ngào rằng, có Chúa Trời chứng giám, ông ta sẽ xuất bản toàn bộ tác phẩm của Pasternak từ chữ đầu đến chữ cuối, và ông ta hứa sẽ xuất tiền túi để in ấn ngay sau khi về đến nhà. Jumbo thỉnh thoảng có những lúc bồng bột như thế.
Barley mỉm cười ngừng kể, nhăn mày một lần nữa, cất kính mắt rồi nhìn đăm đăm chúng tôi hết người này đến người khác như thể nhớ lại tình hình hiện tại trước khi kể tiếp.
- Chúng tôi đang tiếp tục từ trên đồi đi bộ xuống, thì cũng người Nga nhỏ thó đó vội vã chạy tới phía chúng tôi, tay cầm một điếu thuốc ngang mặt như cầm một ngọn nến và hỏi chúng tôi có phải là người Mỹ không.
Clive ngắt lời Barley và hỏi:
- Cũng người Nga nhỏ thó ấy? người Nga nhỏ thó nào? Cho đến bây giờ chúng tôi có nghe ông nói đến đâu.
- Ôi, lạy Chúa! Thì là cái ông đã ngâm thơ của Pasternak ở bên mộ ấy. Tôi đã nói rồi mà. Ông không nhớ sao mà còn hỏi. Chính ông ấy đã hỏi chúng tôi có phải là người Mỹ không. Và tôi đã trả lời là không phải, cám ơn Chúa, chúng tôi là người Anh.
Tôi nhận thấy Barley đã đóng vai trò phát ngôn viên của đoàn, chứ không phải Oliphant, Emery hay Magda.
Barley chuyển sang cuộc đối thoại ttrực tiếp. Nhờ có tài bắt chước giọng của người khác, Barley nói giọng Nga khi đóng vai người đàn ông nhỏ thó và nhại giọng Ailen khi đóng vai Oliphant.
- Các ông là nhà văn? – Người đàn ông Nga nhỏ thó hỏi (do miệng của Barley nói giọng Nga).
- Không, chúng tôi chỉ là những nhà xuất bản – Barley trở lại giọng của chính mình để trả lời.
- Những nhà xuất bản Ăng-lê?
Chúng tôi tham dự hội chợ triển lãm sách ở Matxcơva. Tôi cai quản một nhà xuất bản nhỏ có tên là Abercrombie and Blair. Còn ông này chính là giám đốc của nhà xuất bản Lupus Books. Một người rất giàu. Một ngày nào đó ông ta sẽ đứng ra bảo trợ cho các nhà văn. Thẻ vàng và tất cả những gì nữa. Không phải sao Jumbo?
Oliphant trách Barley lắm điều. Nhưng người đàn ông nhỏ thó muốn biết thêm.
- Tôi xin hỏi các ông đã làm gì bên phần mộ của Pasternak?
- Ồ chỉ là ngẫu nhiên thôi, - Oliphant nhanh nhảu đáp – Một điều hoàn toàn ngẫu nhiên. Chúng tôi thấy có đám đông, nên đã đến xem việc gì đang xảy ra. Quả thật chỉ là hoàn toàn ngẫu nhiên. Thôi, chúng tôi đi đây.
Nhưng Barley không hề có ý định bỏ đi. Những lời lẽ và cử chỉ của Oliphant làm cho ông ta bực tức, và ông ta không muốn để cho một anh chàng tỉ phú Ailen mập ú đối xử với người đàn ông nhỏ thó kia như thế.
- Chúng tôi đã làm như tất cả các người ở đây đã làm – Barley đáp – Chúng tôi đã đến đây để ngưỡng mộ một nhà văn lớn. Chúng tôi đã vô cùng tán thưởng những bài thơ mà ông đã đọc. Thật là cảm động. Ông đã trích đọc một đoạn rất hay. Thật tuyệt vời.
- Ông khâm phục Pasternak chứ?
Oliphant một lần nữa lại xen vào (cũng do Barley nhại giọng của Oliphant để nói).
- Chúng tôi không có một quan niệm nào về Boris Pasternak hay bất cứ một nhà văn Liên Xô nào khác. Chúng tôi đến đây với tư cách là khách được mời. Và chỉ với tư cách là khách được mời. Chúng tôi không có ý kiến về các vấn đề nội bộ của Liên Xô.
- Chúng tôi nhận thấy Pasternak là một thiên tài – Barley cắt ngang – Ông là một ngôi sao có tầm cỡ thế giới.
- Nhưng vì sao? – Người đàn ông nhỏ thó hỏi.
- Chúng tôi trân trọng tài năng nghệ thuật của Pasternak. – Barley đáp. – Trân trọng lòng nhân ái và nhất là khả năng của Pasternak làm xúc động trái tim của dân chúng Nga.
- Nếu các ông có long kính trọng Pasternak đến như thế, các ông hãy đi với tôi, và tôi sẽ giới thiệu với các ông những người bạn. – Người đàn ông nhỏ thó gợi ý. – Tất cả chúng tôi đều là nhà văn. Chúng tôi có một cái Datcha. Chúng tôi sẽ rất hân hạnh được đàm luận với những nhà xuất bản Ăng-lê có nhân quan.
Theo Barley, Oliphant hốt hoảng khi nghe người đàn ông nhỏ thó nói những lời đầu tiên. Ông ta sợ bị gài bẫy, bị lôi cuốn vào việc mua bán ma tuý…. Hơn nữa, ông ta đang cố gắng ký một hợp đồng liên doanh xuất bản qua trung gian của VAAP.
Barley bảo Oliphant, Emery, và Magda lên xe về trước. Còn ông ta đi theo người đàn ông nhỏ thó.
- Nejdanov! – Đột nhiên Barley reo lên. – Bây giờ tôi nhớ lại tên ông ta rồi. Nejdanov. Một nhà viết kịch.
- Này ông bạn thân mến bây giờ là một anh hùng. Ba trong các vở kịch một hồi của ông sắp được diễn tại Maxcơva trong năm tuần liền và mọi người đều nô nức sẽ đi xem cho bằng được.
Lần này là lần đầu tiên kể từ khi ông ta gặp Barley, gương mặt ông ta rạng rỡ một niềm hân hoan mãnh liệt, và đột nhiên tôi có cảm tưởng đó là bản chất sâu kín của con người ông ta.
- Thế thì tuyệt vời! – Barley reo lên với vẻ thích thú chân thực của một người biết tán thưởng sự thành công của người khác. – Tuyệt vời. Cám ơn ông đã cho tôi biết điều đó. – Barley nói thêm với vẻ như đột nhiên trẻ trung lại.
Nhưng chẳng mấy chốc nét mặt ông ta lại sa sầm, và ông ta nhấp giọng rượu uýt-ki trong ly.
- Nói tóm lại, có rất đông người. Người ta càng điên, người ta càng vui cười. Tôi giới thiệu với ông, đây là người em họ của tôi. Ông hãy dùng một cái bánh hot-dog đi cho nóng.
Một ngôi nhà thật lớn đầy dẫy những xó, những góc, Barley diễn tả theo kiểu văn điện tín mà ông ta đã chọn. Tường lát ván xéo chồng nhau. Những mái hiên một khu vườn, một rừng phong. Nhiều ghế dài, một bếp di động đun bằng than. Khoảng ba mươi người ở trong vườn, phần nhiều là đàn ông, người ngồi, người đứng, người đang nấu nướng, người đang uống rượu. Đậu dọc theo đường là những chiếc xe cũ giống như xe Ăng-lê trước khi Thatcher lên cầm quyền. Những người này mặt mày khả ái, nói năng một cách thoải mái. Tất cả đều thuộc giới văn nhân thi sĩ. Nejdanov đi đến, Barley đi theo sau.
- người tiếp đãi chúng tôi là một nhà thơ nữ - Barley nói – Tamara gì đó. Lesbienne, mỹ miều. Chồng là chủ bút một tạp chí khoa học. Nejdanov là em rể của ông ta. Ở đây ai cũng là anh hay em rể, anh hay em vợ của một người khác.
Barley kể với chúng tôi rằng ông ta đã cùng với Nejdanov đi đến với nhóm này, nhóm khác, rồi sau đó một mình vừa uống rượu vừa nói chuyện với bất cứ ai nói chuyện với ông ta.
- Khi đến giờ ăn trưa – Barley kể tiếp. – Chúng tôi ngồi chung quanh một cái bàn gồm một tấm ván kê trên những con ngựa gỗ. Tôi ngồi một đầu, Nejdanov ngồi ở đầu bên kia, trên bàn có những chai rượu vang trắng, sản phẩm của Géorgie, mọi người đàm luận bằng tiếng Anh về chính sách Perestroika.
Clive lại ngắt lời Barley. Ông ta không muốn nghe những chi tiết vô ích, ông muốn biết tên những người nói chuyện với Barley.
- Clive, ông muốn biết tên, thì đây. Một người là giáo sư đại học quốc gia ở Matxcơva, nhưng tôi không nhớ tên ông ta. Một người khác quản lý các kho hoá phẩm, đó là người anh em cùng cha khác mẹ của Nejdanov, và họ gọi ông ta là dược sư. Cũng có một người khác nữa, tên là Grégor, nhưng tôi không biết ông ta họ gì. Chỉ biết ông ta là viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
- Có phụ nữ cùng ăn không? – Ned hỏi.
- Có. Có hai người, nhưng không có Katia, - Barley đáp.
- Nhưng cũng có một người khác nữa phải không.
Barley từ từ ngửa đầu lên để uống rượu, rồi kẹp cái ly vào giữa hai đầu gối, cúi xuống nhìn vào đó như thể để tìm nơi đó một câu trả lời thận trọng.
- Đúng như thế, luôn luôn phải có một người nào khác. Nhưng không phải là Katia.
Giọng nói của Barley đã thay đổi, mặc dù tôi không đủ khả năng để phân tích nó thay đổi như thế nào. Có thể là ít lanh lảnh hơn, với một chút luyến tiếc hay ân hận.
- Tôi cũng như những người khác, chúng tôi chờ đợi, vì chắc chắn chúng tôi đã cảm thấy có một điều gì đó khác thường đang lộ ra nơi chân trời.
- Một người nhiều râu – Barley nói tiếp, đôi mắt nhìn vào bóng tối lờ mờ như thể cuối cùng ông ta chợt nhận ra người kia. – Cao lớn, mặc một bộ đồ màu sẫm và đeo cà vạt đen. Mặt hốc hác. Chắc chắn đó là lý do vì sao ông ta nhiều râu. Tóc đen. Say rượu luý tuý.
- Ông ta có một cái tên chứ? – Ned hỏi.
Barley luôn luôn thám xét trong bóng tối lờ mờ, tả người mà không một ai trong chúng tôi có thể nhìn thấy.
- Geothe. – cuối cùng Barley trả lời – Họ gọi ông ta là Geothe (3). Tôi giới thiệu với các ông nhà văn đại tài của chúng ta, Geothe. Ông ta trông có vẻ như đã năm mươi tuổi hay mới mười tám đôi mươi.
Sau này, khi cho phát lại cuốn băng ghi âm, Ned cho biết đúng lúc ấy, nói một cách kỹ thuật, Chim Xanh cất cánh. Barley chọn lúc ấy để lên cơn hắt hơi. Mới đầu ông ta nhảy mũi vài cái cách nhau, rồi tăng dần lên đến một tràng dài liên tiếp trước khi dịu dần.
- Xin lỗi – Barley nói. Rồi ông ta kể tiếp: - Trong lúc đàm đạo, tôi nói năng lưu loát, không hề vấp váp. Tôi là nhà vô địch, là ngôi sao sân khấu và màn bạc. người phương Tây nhã nhặn và hấp dẫn. Chính vì thế mà tôi đã sang bên ấy, phải không? Chỉ có người Nga khờ khạo mới chịu nghe những chuyện ngu ngốc của tôi.
Barley lại chúi mũi xuống trên ly rượu.
- Bên kia là như thế đó. Người ta làm một chuyến đi chơi ở vùng quê, và người ta thấy mình ở trung tâm một cuộc tranh luận về tự do và trách nhiệm với những nhà thơ say mèm. Nếu bạn đi tiểu tiện trong những nhà vệ sinh công cộng, sẽ có một người nào đó nghiêng mình qua bức tường ngăn và hỏi bạn có sự sống sau cái chết hay không. Bạn là người phương Tây, bạn phải biết điều đó. Thì bạn cứ trả lời với người ấy rằng chẳng có gì mất đi hết.
- Barley, ông hãy cho chúng tôi biết những gì đã xảy ra và dành cho chúng tôi phần bình luận, ông đồng ý chứ? – Clive gợi ý.
- Những gì đã xảy ra, tôi đã tỏ ra khá xuất sắc trong lúc đàm đạo với họ. Thôi hãy cho qua đoạn này đi.
- Ông đã nói về những vấn đề gì? – Clive hỏi.
- Ôi, – Barley nhún vai – nói về chính sách Perestroika, về hoà bình tiến bộ và Glanost, về sự giải trừ binh bị ngay lập tức vô điều kiện.
- Ông có thể cho chúng tôi biết những gì ông đã nói không? – Clive hỏi.
- Tôi đã nói rằng giải trừ binh bị không phải là một vấn đề quân sự và cũng không phải là một vấn đề chính trị, mà đơn giản chỉ là một vấn đề ý chí của con người. Vấn đề là phải biết người ta sẽ gặt hái những gì mà người ta sẽ gieo.
Barley ngừng lại để phân trần với Ned:
- Tôi đã nói căn cứ theo những bằng chứng mà tôi đã đọc được nơi này một ít nơi kia một ít.
Chắc hiểu rằng chúng tôi chờ đợi một sự giải thích rõ ràng hơn, ông ta nói tiếp:
Tôi đã nói rằng tôi tin cậy ở Gorbatchev. Tôi đã nói rằng Tây phương phải có một Gorbatchev của mình và Đông phương phải hiểu sự quan trọng của ông Gorbatchev của họ. Rằng nếu người Mỹ cũng tha thiết với việc giải trừ binh bị bằng việc đưa con người lên mặt trăng, thì người ta đã có được sự giải trừ binh bị lâu rồi. Tôi cũng đã có nói rằng tội ác lớn hơn hết của Tây phương là tin rằng họ có thể phá tan hệ thống Xô Viết bằng một sự vượt trội trong cuộc chạy đua vũ trang, vì lẽ nếu xảy ra cuộc chiến tranh thế giới thứ ba,thì toàn thể nhân loại sẽ bị huỷ diệt.
Walter lấy tay che miệng cười khúc khích.
Không nao núng, Barley nói tiếp:
- Có người đã hỏi tôi rằng tôi không nghĩ rằng vũ khí hạch tâm đã gìn giữ hoà bình trong bốn mươi năm hay sao? Tôi đã trả lời rằng đó là những luận điệu ngu xuẩn. Nói như thế chẳng khác nào nói thuốc súng đại bác đã gìn giữ hoà bình trong thời gian giữa Waterloo và Sarajevo. Và nói cho cùng, thế nào gọi là hoà bình? Bom đạn đã không ngăn cản được chiến tranh Triều Tiên cũng như không ngăn cản được chiến tranh Việt Nam. Bom đạn cũng đã không can ngăn được người ta đừng xâm chiếm Tiệp Khắc, đừng phong toả Berlin, đừng xây bức tường Berlin hay đừng đưa quân vào Afghanistan. Nếu gọi đó là hoà bình thì chúng ta hãy cố gắng đem lại hoà bình mà không có bom đạn. Tôi có nói điều người ta phải làm, không phải là nghiên cứu về không gian mà là về nhân tính. Rằng các siêu cường phải chung sức, phải đoàn kết để giữ gìn trật tự trên toàn thế giới. Tôi đã nói một cách say sưa.
- Và bây giờ ông tin một cách thật sự những gì ông đã nói? – Clive hỏi.
Barley không trả lời câu hỏi ấy mà nói tiếp:
- Và sau đó, người ta đã nói về nhạc jazz, Bix Beiderbecke, Louis Armstrong, Lester Young. Tôi cũng có chơi một chút.
- Ông muốn nói một người nào đó có một cái kèn saxo? – Bob reo lên một cách thích thú, - Họ có những nhạc khí gì khác nữa? Một cái trống lớn? Một cái não bạt?
Tôi tưởng Barley sắp đi ra ngoài. Ông ta đứng lên, đưa mắt tìm cửa và đi tới phía đó. Nhưng Barley ngừng lại ở giữa đường, trước một cái bàn thấp bằng gỗ chạm, cúi xuống trên cái bàn ấy và hát “pah-pah-pah-pah- pah-pah-pah”, vừa hát giọng mũi, vừa gõ gõ các đầu ngón tay để bắt chước đánh nhịp hoà theo của não bạt và trống lớn.
Bob đã vỗ tay, cũng như Walter và tôi. Ned cười. Chỉ một mình Clive là chẳng có vẻ gì thích thú.
- Sau đó có người đã hỏi tôi như thế này: “Barley, hay lắm. Giả thiết rằng tất cả đều đúng như ông nói. Ai sẽ đảm trách các cuộc nghiên cứu về nhân tính?”
- Người nào hỏi? – Clive hỏi.
Một trong những thực khách. Có gì quan trọng?
- Chúng ta hãy theo quy tắc là tất cả mọi sự đều quan trọng – Clive bắt bẻ. – Và ông đã trả lời người ấy như thế nào?
- Tôi đã trả lời: Chính các ông phải đảm trách công việc ấy. Chứ sao lại là chúng tôi. Bởi vì muốn có những thay đổi triệt để, người Nga giỏi hơn người Tây phương chúng tôi. Các ông có một giới lãnh đạo tập trung và một giới trí thức có rất nhiều ảnh hưởng đối với dân chúng. Trong một nền dân chủ kiểu Tây phương, làm cho dân chúng nghe theo là một việc khó khăn hơn nhiều.
- Này Barley – Bob nói, - đó là một quan niệm hơi trừu tượng, nhưng tôi tin rằng trong đó cũng có phần đúng.
- Ông có kiến nghị một hành động nào không? – Clive hỏi thêm.
- Tôi nói chỉ còn vấn đề lý tưởng và những gì mà hai mươi năm trước đây có vẻ như là một điều mơ tưởng điên rồ, thì bây giờ là hy vọng duy nhất của chúng ta, đó là vấn đề tài giảm binh bị, vấn đề sinh thái học, hay nói một cách đơn giản, vấn đề sống còn của nhân loại. Tôi cũng nói giới trí thức Tây phương phải lấy lại ảnh hưởng của mình, Tây phương phải nêu gương chứ không phải đợi người ta làm trước rồi mới noi theo.
- Ông muốn nói Tây phương phải đơn phương tài giảm binh bị chứ gì? – Clive nói và siết chặt hai bàn tay lại với nhau. – Thế đó. Tốt, được rồi.
Ông ta không nói “rồi” mà nói “rùi”, đó là lối nói của ông ta khi nghĩ một đường mà nói một nẻo.
Rồi ông ta lại hỏi thêm:
- Và trong lúc ông trổ tài hùng biện như thế thì cái ông Goethe có nói gì không?
- Không nói gì cả. Mọi người đều có phát biểu ý kiến, trừ ông ta.
- Nhưng ông ta nghe và trố mắt ra, phải không?
- Lúc ấy, người ta đang kiến thiết lại thế giới. Yalta (4), họ thân mật vỗ vai nhau lần thứ hai. Mọi người tranh nhau nói, trừ Goethe. Ông ta không ăn, không nói. Tôi không ngừng nhìn vào mặt ông ta mà phát biểu ý kiến, chỉ vì ông ta không tham gia vào cuộc đàm luận. Nhưng điều đó chỉ thúc đẩy ông ta uống rượu nhiều hơn. Cuối cùng tôi đành chịu thua.
Vẫn với giọng thất vọng bất bình, Barley nói tiếp:
Và Goethe không đưa ra một quan điểm nào. Suốt cả buổi chiều không nói một tiếng. Goethe nghe, mắt đăm đăm nhìn đâu đâu. Đôi khi ông ta cười, nhưng không bao giờ cười khi có điều gì đó ngộ nghĩnh một chút. Thỉnh thoảng ông ta đứng lên, đi thẳng tới cái bàn rượu tìm một chai vodka khác, trong lúc mọi người uống rượu vang, và trở về chỗ cũ với một cốc đầy mà ông ta chỉ uống vài hớp là cạn khi người ta đề nghị nâng ly rượu mừng. Nhưng chính ông ta thì không bao giờ đề nghị. Ông ta thuộc hạng người nhờ im lặng mà gây được một ảnh hưởng tâm lý, đến nỗi cuối cùng người ta tự hỏi rồi người ấy sẽ chết vì sinh bệnh hay đang dựng lên một dự án lớn.
Khi Nejdanov đưa tất cả mọi người vào trong nhà để nghe nhạc, Goethe lặng lẽ đi theo. Đêm đã khuya, trong lúc tôi hầu như đã quên trên đời này có Goethe, tôi mới nghe ông ta nói.
Bây giờ mới nghe Ned đặt một câu hỏi:
- Các người khác đối cử với Goethe như thế nào?
- Họ kính trọng ông ta. Họ coi ông ta là bậc thầy của họ. Họ nói “chúng ta bây giờ xem Goethe có ý kiến như thế nào về vấn đề ấy”. Goethe nâng ly lên uống chúc mừng mọi người, và mọi người đều vui cười trừ ông ấy.
- Các bà cũng có thái độ như thế chứ?
- Tất cả. Họ khâm phục ý kiến của ông ta. Có thể nói họ trải thảm đỏ để rước ông ta.
- Và không có ai nói với ông nơi Goethe ở, nơi ông ta làm việc sao?
- Không. Họ chỉ nói ông ta đến đây từ một nơi mà ở đó ông ta không thể uống rượu được, và vì thế ông ta thường đi nghỉ phép nơi này đến nơi khác để uống.
- Ông tin rằng họ che chở ông ta phải không?
Tôi có ý nghĩ rằng những lúc tạm ngừng của Barley, quả thực rất lạ lùng. Sự tiếp xúc của ông ta với môi trường chung quanh mỏng manh đến nỗi tâm trí ông ta hình như đang nghĩ gì ở đâu.
Chú thích:
(1) Datcha: ngôi nhà kiểu nông thôn ở nước Nga – ND.
(2) Pasternak: Nhà văn Nga (1890-1960), giải thưởng Nobel văn chương 1968. Bị khai trừ khỏi Hội Nhà văn Liên Xô, nhưng đã được phục hồi danh dự năm 1987. – ND.
(3) Geothe (1749-1832): Đại văn hào Đức.
(4) Yalta: tại hội nghị Yalta năm 1945, ba nước Anh, Mỹ và Liên Xô đã bắt tay nhau.