Không có nghiệp vụ gián điệp nào đôi lúc không trở thành một trò hề, như chúng tôi, những người lão luyện trong nghề thường thích đùa với nhau. Và sự việc càng quan trọng, tiếng cười càng giòn giã không dứt. Cuộc săn lùng trong một tuần lễ để tìm kiếm Bartholomew, bí lanh Barley, Scott Blair là một việc đáng ghi nhớ trong cơ quan, vì nó phát sinh một sự hăng say nhiệt tình và những trò lừa gạt ly kỳ đến nỗi nó phải huy động đến một tá mạng lưới tình báo. Những anh lính trẻ tò te mới vào nghề như Brock, ác cảm ngay với Barley khi còn chưa hề thấy mặt ông ta.
Sau năm ngày tìm kiếm, người ta đã biết được tất cả về Barley ngoại trừ chỗ ông ta đang ở. Người ta biết ông thuộc dòng dõi những người vô tín ngưỡng, và các cuộc nghiên cứu tốn kém của ông ta, cũng như các chi tiết không mấy rõ ràng về cuộc hôn nhân của ông ta, tất cả đều đổ vỡ. Người ta dò la được tại Camden Town, tiệm cà phê nơi ông ta đánh cờ với bất cứ một người nhàn nhã nào.
Người ta đã hỏi các nhạc sĩ của một dàn nhạc jazz nghiệp dư, trong đó Barley thỉnh thoảng có chơi kèn saxo. Người ta đã hỏi vị mục sư nhà thờ tại Kentish Town, nơi ông ta hát giọng cao tuyệt vời trước sự ngạc nhiên của mọi người.
Người ta cũng tìm được dấu vết của ông ta trong các hồ sơ lưu trữ của chúng tôi. Người ta gửi tên của Barley qua New York để kiểm tra, chiếu theo một hiệp định an ninh song phương. Brock bất bình, đòi hỏi sở lưu trữ phiếu lý lịch trung ương phải thẩm tra lại một lần nữa. Nhưng cũng chẳng có kết quả.
Một sự thất vọng khác: cảnh sát tìm thấy xe của Barley đậu trong Lexham Gardens, vè xe bên trái bị móp méo vì bị húc mạnh, một bằng lái xe đã quá hạn và nửa chai Scotch trong cái hộp để găng tay cùng với những bức thư tình do chính tay ông ta viết.
Cảnh sát trưởng gọi điện thoại cho Ned, hỏi:
- Cho xe đến kéo nó đi, hay bán nó cho một người buôn sắt vụn?
- Thôi, ông đừng quan tâm tới nữa – Ned trả lời, giọng chán nản.
Ned và Brock vội vã đến đó để xem qua một chút, với hy vọng tìm ra một điều chỉ dẫn. Các bức thư tình được gửi cho một bà ở khu phố ấy, bà ta đã gửi trả lại cho Barley. Bà ta khai không biết hiện giờ ông ta ở đâu.
Đến thứ năm, sau khi kiểm tra một cách cẩn thận các bản lược kê hàng tháng các tài khoản của Barley, Ned để ý đến các khoản chuyển ngân một trăm đồng bảng ba tháng một lần cho một công ty kinh doanh bất động sản ở Lisbonne, công ty Real Limitada. Nhìn tên của công ty này với con mắt ngờ vực, chăm chú một lúc rồi trái với thói quen của ông ta, Reg buông một tiếng chửi thề. Lập tức ông ta gọi điện thoại cho hãng hàng không dân dụng, yêu cầu họ kiểm tra danh sách hành khách trên các chuyến bay đến Gatwich và Heathrow ở Lisbonne.
Khi nhận được câu trả lời, ông ta lại chửi thề một lần nữa. Cuối cùng, họ đã thành công sau bao ngày dài tìm kiếm không có kết quả. Merrdew đã tìm thấy Barley đang ngồi nơi quầy rượu của một khách sạn, ngất ngưởng trên một chiếc ghế cao. Ông ta đang bô bô nói chuyện với một thiếu ta pháo binh lưu vong, sau mèm, tên là Graves, thiếu tá Arthur Winslow Graves. Barley quay cái lưng dài thượt về phía cửa mở trông ra một cái sân lát đá, Merridew mới ba mươi tuổi mà đã béo phì, anh ta đang lấy lại hơi thở trước khi trổ tài phỉnh gạt khéo léo của mình. Anh ta đã đuổi theo Barley suốt nửa ngày trời, nhưng ở đâu anh ta cũng tuột sẩy mất và mỗi lần thất bại, anh ta lại nổi giận thêm một chút.
Tại thư viện, một nhân viên đã cho Merridew biết Barley đã chúi mũi suốt buổi chiều vào các quyển sách, điều đó có nghĩa là Barley đã say túy lúy.
Trong một tửu lầu kiểu Tudor ở Estoral, Barley và các bạn của ông ta đã ăn một bữa ăn tối toàn thức ăn lỏng, và đã rời nơi này chưa đầy nửa giờ trước.
Để vào được bên trong khách sạn, ở đó nn đang ngồi nơi quầy rượu nói chuyện với thiếu tá Arthur Winslow Graves, Merridew phải leo lên một cầu thang bằng đá. Lên đến bậc cấp trên cao và sau khi liếc mắt nhìn thoáng qua để quan sát, Merridew phải vội vã đi xuống dưới để nói với Brock: “Chạy, anh nghe cho rõ, nhanh đến quán cà phê nơi góc đường, phôn ngay cho Ned”. Sau đó anh ta lại hấp tấp leo lên cầu thang, vì vậy phải thở dốc. Mùi đá ẩm ướt và mùi cà phê mới xay, hòa lẫn với mùi hương cũng những cây có hoa thơm ngát ban đêm. Merridew thở hụt hơi nên không có cảm giác gì. Xa xa có tiếng rít của tàu điện và tiếng còi của tàu biển. Barley đang nói gì đó với Graves, nhưng Merridew không nghe rõ.
- Graves, ông bạn thân của tôi ơi, bọn trẻ con mù lòa không nhai được đâu – Barley giải thích một cách kiên nhẫn, ngón tay trỏ tựa vào lỗ rốn của viên thiếu tá và cùi chỏ vào trên quầy rượu, bên cạnh một ván cờ chưa đánh xong. – Đó là một điều khoa học Graves ạ. Bọn trẻ con mù lòa cần được người ta dạy cho chúng ăn. Hãy xích lại gần tôi và nhắm mắt lại.
Barley đưa hai bàn tay ôm đầu viên thiếu tá một cách thân thương, kéo về phía mình và hé môi đẩy một trái đào lộn hột vào miệng viên thiếu tá. – Rất tốt! Bây giờ, làm theo lệnh của tôi, nhai, nhai đi! Coi chừng cái lưỡi. Nhai! Tiếp tục nhai đi.
Thừa lúc Barley đang nói, Merridew quyết định đi vào, miệng tươi cười vượt qua ngưỡng cửa, ngạc nhiên thấy hai bên mình có hai bức tượng đàn bà lai da đen, cao to như người thật, mặc áo dài lộng lẫy, tóc màu đỏ hung, mắt màu xanh lục. Merridew nhớ lại phiếu đo vóc dáng của Barley. Một mét tám mươi ba, thon thả, mặt mày nhẵn nhụi, nói năng rạch ròi, ăn mặc kỳ quặc. Kỳ quặc? hay là ta hoa mắt? Anh chàng Merridew béo phì đang còn thở dốc nhủ thầ. Áo cộc vải lanh, quần nỉ mỏng màu xám, chân mang dép quai.
- Xin ông thứ lỗi, có phải ông là Bartholomew Scott Blair không? Đúng là ông, phải không?
Barley xoay người lại và nhìn Merridew từ cái mũi giày lên đến cái miệng đang mỉm cười.
- Tên tôi là Merridew, tôi làm việc ở tòa đại sứ. Tôi là phụ tá tùy viên thương mại. Tôi rất tiếc đã làm phiền ông, nhưng chúng tôi có nhận được một bức điện tín khẩn gửi cho ông theo tuyến của chúng tôi. Theo chúng tôi thì hình như ông phải đến nhận bức điện tín ngay lập tức. Như vậy không biết có phiền cho ông không?
Một các máy móc, Merridew có một cử chỉ mà các nhà chức trách thường làm. Anh ta trịnh trọng đưa bàn tay lên vuốt tóc như thể để xem tóc tai mình có đàng hoàng không. Cái cử chỉ ấy làm cho Barley bối rối một cách lạ lùng. Ông ta hỏi:
- Có phải ông bạn muốn nói cho tôi biết có một người nào vừa chết phải không?
- Thưa ông Barley kính mến, không phải như thế. Đây là một áp phe thương mại, nếu không thì nó đã không được chuyển qua cơ quan của chúng tôi.
Nhưng Barley không tin một chút nào. Linh tính cho ông ta biết có điều gì đó quan trọng đã xảy ra. Ông ta hỏi:
- Tốt, thế thì thật sự người ta muốn cho tôi biết chuyện gì nào?
- Dạ, đó là một bức điện tín khẩn gửi theo đường ngoại giao.
- Ai đánh giá sự khẩn cấp ấy?
- Không ai cả. Tôi không thể cho ông biết các chi tiết ở chỗ công cộng. Đây là điện tín mật. Tối mật.
Họ đã quên nói cho mình biết về cặp mắt kính của ông ta, Merridew nghĩ thầm khi nhìn thẳng vào mặt của Barley. Mắt kính tròn, gọng đen, quá nhỏ đối với ông ta, mà ông ta để cho nó tụt xuống đầu sống mũi khi ông ta đăm đăm nhìn người đối diện với vẻ cau có.
- Một món nợ nhỏ, rất có thể để đến thứ hai sẽ hay – Barley dõng dạc nói và xoay người trở lại về phía viên thiếu tá – Ông Merridew, hãy cứ để yên đó đi, có sao đâu. Hãy uống một ly với bọn hạ cấp chúng tôi đã.
Merridew không phải là kiểu người yếu mềm, nhưng anh ta có thủ đoạn, có thể vận dụng trăm phương nghìn kế để trấn áp đối phương.
- Scott Blair, ông hãy nghe tôi nói đây. Công việc của ông không liên can gì đến tôi. Tôi không phải là một công tố viên, nhưng tôi cũng không phải chỉ là một người đưa tin tầm thường. Tôi là một nhà ngoại giao, và tôi có một địa vị xã hội nào đó chứ. Tôi đã mất cả nửa ngày nay để tìm kiếm ông rồi. Tôi có một chiếc xe và một người phụ tá đang đợi ở bên ngoài. Tôi cũng có việc của tôi. Rất tiếc đã phải làm phiền ông.
Cuộc đấu khẩu có thể tiếp tục không biết đến bao giờ mới chấm dứt, nếu thiếu tá Graves không đột ngột tỉnh rượu. Ông ta vươn vai, duỗi thẳng hai tay, đứng nghiêm ra vẻ tôn kính và hét to:
- Lệnh của Nữ Hoàng, Barley! Tòa đại sứ, đó là điện Buckingham nhỏ. Một giấy mời là một mệnh lệnh. Không được cưỡng lại lệnh của Nữ Hoàng.
- Ông này không phải là Nữ Hoàng. Ông ta không đội vương miện – Barley phản đối một cách bình tĩnh.
Merridew tự hỏi có nên gọi Brock lên trợ lực hay không. Anh ta cố mỉm cười khuyến dụ Barley nghe theo mình, nhưng Barley tránh không nhìn Merridew mà nhìn về phía buồn ngủ nơi đó có một chậu hoa héo che cái lò sưởi trống trơn. Nhưng cố nài:
- Xong rồi phải không? Chúng ta đi chứ? – Anh ta nói như nói với vợ, hãy mau lên kẻo trễ bữa ăn tối do bạn mời.
Nhưng Barley, vẻ lơ láo, cứ nhìn đăm đăm các bông hoa khô héo, như thể chúng biểu hiện cả cuộc đời của ông ta, mỗi khúc quanh thất bại, mỗi bước vấp ngã suốt dọc đường đời. Và rồi đúng lúc Merridew không còn hy vọng gì nữa, Barley vơ các đồ vật của mình và đút vào các túi áo một cách tuần tự như thể ông ta đi tham gia một cuộc săn thú dữ ở Bắc Phi châu: cái ví da đã sờn, đựng đầy ngân phiếu không ký chuyển nhượng, giấy hộ chiếu đã nhòe vì mồ hôi của quá nhiều cuộc hành trình, quyển sổ tay và cây bút chì để ghi nguệch ngoạc những lầm lẫn kỳ cục khi say rượu, để rồi suy ngẫm trong những lúc uống rượu có chừng mực hơn. Rồi ông ta liệng lên trên quầy một tờ giấy bạc có giá trị lớn với vẻ thờ ơ của một người không cần đến tiền bạc trong một thời gian lâu dài.
- Manuel, anh hãy đưa thiếu tá ra tắc xi. Hãy đỡ ông ta xuống cầu thang, đỡ ông ngồi vào ghế sau, trả trước tiền xe cho tài xe, còn thừa bao nhiêu anh giữ lấy. Graves, tớ xin từ biệt và cảm ơn nhé. Cả hai chúng mình đã vui cười hả hê rồi.
Bên ngoài đã có sương rơi. Trăng non treo lơ lửng trên bầu trời đầy sao. Barley và Merridew đi xuống cầu thang. Merridew đi trước, dặn Barley coi chừng các bậc cấp. Hải cảng lung linh ánh đèn chiếu sáng. Một chiếc xe hơi mang bảng hiệu ngoại giao đoàn đợi sẵn dọc theo lề đường, và Brock lặng lẽ canh chừng trong chỗ tối gần đó. Một chiếc xe cải dạng thành loại xe bình thường đậu xa hơn ở phía sau.
- Đây là Eddie – Merridew chỉ Brock giới thiệu – Tội nghiệp cho Eddie đã phải chờ đợi lâu. Chắc anh đã gọi điện thoại rồi chứ?
- Dạ rồi – Brock đáp
- Ở nhà, mọi người đều thường cả chứ, Brock?
Mấy đứa nhóc ngủ cả rồi, phải không? Và bà xã của anh không đợi anh với cán rulô cán bột chứ?
- Mọi sự đều tốt đẹp, mọi sự đều tốt đẹp – Brock đáp.
Barley ngồi vào hàng ghế trước, ngả đầu lên cái giá tựa đầu và nhắm mắt lại. Merridew cầm tay lái, Brock ở hàng ghế sau, ngồi yên một chỗ và lặng thinh. Chiếc xe thứ hai rồ máy và chạy từ từ ở phía sau, hộ tống một cách kín đáo.
- Ông chạy theo đường này để đến tòa đại sứ sao? – Barley hỏi, vì ông ta chỉ giả vờ ngủ thôi.
- Không, nhưng gã bảo vệ trung thành đã mang bức điện tín về nhà gã – Merridew giải thích một cách ân cần – Ông thấy đó, cuối tuần chúng tôi phải đặt chướng ngại vật phòng vệ tòa đại sứ, đề phòng người Ailen.
Merridew mở radio. Tiếng một nữ ca sĩ hát giọng cổ đang ngân nga trầm bổng một ca khúc trầm buồn, tuyệt diệu.
- Un fado – Merridew bình phẩm – Tôi mê lối hát fado.
Anh ta đưa tay đánh nhịp, nhại cử chỉ của một nhạc trưởng với cái bàn tay rảnh.
- Chính người nhà của ông đã đến quấy rầy con gái tôi để hỏi hàng đống câu hỏi kỳ cục – Barley hỏi.
- Ồ, người nhà chúng tôi, họ chỉ sắp xếp lo toan các công việc thương mại – Merridew đáp.
Nhưng trong lòng anh ta rất dao động, thấy Barley đã biết rõ đến như thế.
Họ đã thuê nhà của một nhân viên cũ của cơ quan, một chủ ngân hàng người Anh có ngôi nhà phụ ở Cintra “Ông già Palfrey” đã ký hợp đồng thuê mướn. Họ muốn tránh không dùng các trụ sở cơ quan, để khỏi lưu lại dấu vết về sau. Merridew kéo chuông, Brock canh chừng phía sau.
- Xin chào. Mời ông vào – Ned vừa nhã nhặn nói vừa mở cửa.
- Còn tôi, tôi xin từ giã – Merridew vừa nói vừa rút lui ra xe.
Một lúc lâu, Brock thấy Ned và Barley đánh giá nhau. Hai người có vóc dáng bề thế như nhau, đẳng cấp như nhau và ngang tàng như nhau. Vì có đủ những điểm giống nhau để nhận biết nhau. Có những tiếng đàn ông thì thầm sau cánh cửa đóng kín, nhưng Ned giả vờ không nghe. Ông ta dẫn Barley đi dọc theo hành lang đến phòng thư viện.
Để Brock đứng lại trong tiền sảnh, Ned nói với Barley:
- Mời ông vào đây. Ôg có uống nhiều rượu lắm không? – Ned hạ giọng hỏi và đưa cho Barley một ly nước đá lạnh.
- Tôi chẳng uống một chút rượu nào. Những người bắt cóc tôi là ai, và sự thật đã xảy ra chuyện gì?
- Tôi tên là Ned. Tôi sẽ nói cho ông biết sự thật. Không có điện tín. Công việc của ông không có gì không tốt. Và người ta đã không bắt cóc ông. Tôi là người của cơ quan tình báo Anh quốc, cũng như những người đang đợi ông trong phòng bên cạnh. Trước kia ông có yêu cầu được cộng tác với chúng tôi. Bây giờ ông có dịp giúp chúng tôi rồi đấy.
Im lặng. Ned đợi Barley trả lời
- Tôi không biết gì cả.
- Chúng tôi mong ông có thể khám phá ra điều gì.
- Các ông hãy tự tìm lấy.
- Không thể được. Không thể được nếu không có sự giúp sức của ông. Vì lý do ấy mà chúng ta gặp nhau ở đây.
Barley bước vào phòng thư viện, nghiêng đầu liếc nhìn nhan đề các cuốn sách trong lúc uống ly nước đá. Ông ta nói:
- Trước tiên, các ông nói là nhân viên phòng thương mại, và bây giờ các ông hóa ra là nhân viên tình báo.
- Ông nên trao đổi đôi lời với ông đại sứ.
- Nó là một thằng khốn nạn. Nó là bạn của tôi ở Cambridge.
Ông ta cầm lên một quyển sách và nhìn xem nhãn sách.
- Chẳng ra cái quái gì cả - Ông ta nói một cách khinh khi – Chắc chắn các sách này được mua cân kilô. Ai là chủ nhân?
- Ông đại sứ ra bảo lãnh cho chúng tôi. Nếu ông đề nghị thứ năm chơi với ông ta một ván golf, ông ta sẽ trả lời: không trước năm giờ.
- Tôi không chơi golf – Barley vừa nói vừa cầm lên một quyển sách khác – Sự thật, tôi không chơi gì cả. Tôi đã bỏ, không còn chơi môn gì nữa hết.
- Trừ môn cờ tướng – Ned vừa nói vừa đưa cho Barley xem cuốn niên giám điện thoại đã mở ra ở trang cần thiết.
Barley nhún vai và quay số. Nghe giọng nói của ông đại sứ, Barley cười một cách chế giễu.
- Tubby hả? Barley Blair đây. Thứ năm chơi một ván golf chứ? Chơi môn này tốt cho gan đấy.
Có tiếng trả lời, giọng chua cay rằng “người ta” bận cho tới năm giờ.
- Không, không phải lúc năm giờ - Barley nói – Người ta sẽ chơi trong đêm tối mà. A, cái thằng khốn nạn này đã cúp máy rồi – Barley vừa càu nhàu vừa lắc lắc cái ống nghe.
- Ông thấy đó, không phải là một chuyện đùa – Ned nói – Việc rất nghiêm trọng.
- Biên giới quả thật rất nghiêm trọng và quả thật rất kỳ cục, mà cũng quả thật là rất mỏng manh – Barley nhận xét.
- Thế thì chúng ta hãy vượt qua biên giới. Ý kiến ông thế nào? – Ned đề nghị.
Các tiếng thì thầm sau cánh cửa đã im lìm. Barley vận tay nắm và bước vào. Ned đi théoau. Brock đứng trong tiền sảnh để canh cửa. Chúng tôi đã nghe được tất cả những gì họ nói qua máy tiếp phát.
Nếu Barley tự hỏi điều gì có thể xảy đến với ông ta ở trong phòng này, thì cúng tôi cũng băn khoăn lo âu như ông ta. Thật là một trò kỳ cục khi lục lọi cuộc đời của người mà ng ta chưa bao giờ gặp mặt. Barley tiến vào chầm chậm, bước tới vài bước và đứng lại, trong lúc Ned đã đến nửa đường, giữa cửa và cái bàn, giới thiệu với Barley những người ngồi nơi bàn.
- Đây là Clive, Walter, đây là Bob và Harry. Thưa quý ông, đây là Barley.
Barley chào sơ qua từng người, tin vào con mắt nhận xét của mình hơn là những gì người ta nói với mình.
Đột nhiên Barley để ý đến các bàn ghế quá nhiều và mớ cây tạp nham trang trí trong phòng. Có cả một cây cam trồng trong chậu. Barley sờ một quả cam và một ngọn lá, rồi ngửi ngón tay cái và ngón tay trỏ của mình như thể để chắc chắn đích thực là mùi thơm của cam. Ông ta nén giận.
Tôi cũng nhớ hôm đó ông ta có vẻ hào hoa phong nhã. Chắc chắn không phải nhờ cách ăn mặc xoàng xĩnh của ông ta, mà trong các cử chỉ, vẻ quý phái bẩm sinh và tính nhãn nhặn tự nhiên của ông ta.
- Các ông không kiểm tra đến dòng họ chứ? – Barley hỏi sau khi quan sát hiện trường.
- Không, rất tiếc – Clive đáp
- Bởi vì tuần trước có một ông Riby nào đó đã đến nhà con gái tôi là Anthea, xưng là thanh tra cơ quan thuế, và nói là để điều chỉnh một tờ khai sai lạc. Ông ta cũng ở trong nhóm hề các ông, phải không?
- Theo sự mô tả của ông, tôi nghĩ rằng ông nói có lý – Clive trả lời với sự ngạo mạn của một người không cần nói dối.
Barley nghiên cứu Clive, bộ mặt Ăng-lê kiểu mẫu, đôi mắt thông minh, vẻ nhìn nghiêm khắc và khó dò xét. Barley quay sang nhìn Walter, thân hình tròn vo, đầu tóc rối bù, trông có vẻ vui tính. Rồi lại nhìn Bob, dáng điệu của một người có quyền lực, đã lớn tuổi, trông có vẻ hiền lành.
- Barley, tôi đã chen vào chiếm một chỗ không đáng của mình – Bob tuyên bố một cách vui vẻ với giọng kéo dài của vùng Boston – Tôi nghĩ rằng tôi là người lớn tuổi hơn hết ở đây, và tôi không muốn kéo dài sự thiếu minh bạch. Tôi năm mươi tám tuổi, đúng thế, và tôi làm cho CIA, có tổng hành dinh ở Langley, bang Virginia, như ông đã biết. Lẽ tất nhiên tôi có một tên họ, nhưng tôi sẽ không nói với ông làm gì, vì nó không có liên hệ gì với tên họ thật của tôi.
- Ông Barley, tôi rất hoan hỉ được gặp ông. Chúng ta hãy cố gắng vui đùa với nhau một chút trong khi làm việc nghề nghiệp của chúng ta.
- Ít ra điều đó có tính hữu nghị - Barley vừa nói vừa xoay về phía Ned – Thế thì chúng ta sẽ ra tay hành động ở đâu đây? Nicaragua, Chilê, Salvador, Iran? Nếu các ông muốn ám sát một nhà độc tài của thế giới thứ ba, thì tôi là người của các ông.
- Ông đừng có quá bồng bột – Clive ngắt lời Barley – Chúng ta không hơn toán của Bob và chúng ta cộng tác với toán của Bob. Chỉ có điều là chúng ta có một Điều lệ về việc giữ gìn bí mật mà họ không có, và ông sẽ ký một bản.
Nói xong, Clive bắt đầu ra hiệu cho tôi, làm cho Barley hơi để ý đến tôi. Gặp tình huống ấy, luôn luôn tôi xoay xở để tránh ra xa một chút.
- Vì sao ông đã không đi Matxcova? – Clive hỏi ngay khi Barley còn chưa ngồi vào bàn họp – Người ta đã đợi ông ở đó. Ông đã thuê một gian hàng, giữ chỗ máy bay và giữ một phòng ở khách sạn, nhưng ông đã không đi đến đó. Ông đã đi Lisbonne cùng với một người đàn bà. Vì sao?
- Có lẽ ông muốn tôi đi cùng với một người đàn ông? Tôi đi đến đó với tình nhân của tôi hay với một cô gái xinh đẹp người Nga thì việc đó liên can gì đến ông và CIA?
Barley kéo một cái ghế và ngồi xuống nói với vẻ nổi khùng.
Clive ra hiệu cho tôi và tôi bắt đầu đóng màn kịch nhỏ quen thuộc của tôi. Tôi đứng dậy, đi quanh cái bàn họp, và đặt xuống trước mặt Barley một bản của Điều lệ về việc giữ gìn bí mật. Tôi rút từ áo gilê ra một cây bút máy loại đắt tiền và đưa cho Barley với một vẻ buồn rầu như người đi đưa đám. Nhưng Barley có vẻ xa vắng, quên cuộc họp hiện tại, nhìn đăm đăm vào một góc tối mờ của mảnh vườn bí mật của ông ta, chi tiết mà tôi đã nhận thấy tối hôm đó và cũng thường thấy trong các tháng sau đó, cùng với cái lối đột ngột la hét om sòm như để xua đuổi tà ma mà chỉ một mình ông ta nhìn thấy.
- Ông sẽ ký vào văn bản ấy? – Clive nhắc lại.
- Điều gì sẽ xảy ra, nếu tôi từ chối? – Barley hỏi.
- Chẳng có gì xảy ra cả. Tôi báo cho ông biết ngay từ bây giờ, một cách chính thức và có người làm chứng, rằng cuộc họp này và tất cả những gì sẽ được nói ra ở đây phải được giữ bí mật. Harry là người của luật pháp.
- Đúng như thế - Tôi nói
- Và tôi, tôi cũng báo cho ông biết trước, nếu việc này làm cho tôi ngứa miệng quá, thì tôi sẽ leo lên các nóc nhà kêu lên thật to – Barley bình tĩnh nói và đẩy văn bản chưa được ký ra.
Tôi trở về chỗ ngồi, tay cầm cây bút máy tuyệt đẹp của tôi.
- Hình như ông cũng đã để lại một mớ việc rắc rối ở Luân Đôn - Clive vừa nói vừa sắp xếp văn bản và hồ sơ của ông ta – Nợ nần khắp nơi, không có địa chỉ nhất định, một bầy tình nhân than khóc. Chắc ông tìm cách tự hủy hoại mình?
- Tôi thừa kế những quyển sách hồng – Barley nói
- Ông nói cái gì thế? – Clive hỏi – Có phải đó là từ riêng của ông để nói các quyển sách dâm ô?
- Ông nội tôi đã kiếm được địa vị trong việc viết sách cho giới nữ hầu phòng. Thời ấy, người ta còn có những tỳ nữ hầu phòng mà. Bố tôi gọi những quyển sách ấy là “những cuốn tiểu thuyết dành cho các đám đông quần chúng”. Bố tôi vẫn tiếp tục viết những loại sách như thế.
Bob động lòng, góp vài lời an ủi:
- Kìa Barley, sao ông lên án văn chương có nước hoa hồng? Bà nhà tôi đọc hàng tấn sách thuộc loại ấy và rất khỏe mạnh chứ có sao đâu. Chúng còn hơn những thứ rác rưởi được xuất bản bây giờ.
- Nếu ông không thích những quyển sách mà ông xuất bản, vì sao ông không thay đổi chủng loại? – Clive hỏi, vì ông ta không đọc gì ngoài các hồ sơ của cơ quan và báo chí bảo thủ.
- Tôi tùy thuộc một ủy ban – Barley đáp, giọng mệt mỏi – Tôi có một hội đồng quản trị, những cổ đông trong gia đình tôi. Những bà cô thích những gì có thể đảm bảo, những gì có giá trị chắc chắn, những cuốn sách chỉ nam đủ loại, những tiểu thuyết ái tình, những vấn đề thời sự, những sách viết về các bậc kỳ tài của Đế quốc Anh… về CIA nhìn từ bên trong.
- Vì sao ông không đi dự hội chợ Matxcova? – Clive hỏi lại.
- Các bà cô của tôi đã hủy bỏ dự án ấy.
- Ông có thể giải thích cho chúng tôi biết về dự án ấy là gì không?
- Tôi đã quyết định tham dự hội chợ triển lãm audio ấy. Gia đình tôi đã phong thanh dự án và đã quyết định rằng đó sẽ là một sự sai lầm. Hết!
- Thế là ông đã tránh khéo đi nơi khác? – Clive nói – Đó là điều ông hay làm mỗi khi người ta cản trở ông, phải không? Tốt hơn là ông nên nói cho chúng tôi biết ý nghĩa của bức thư này? – Ông ta nói thêm và đẩy một tờ giấy về phía Ned.
Đây không phải là nguyên bản, nó còn lưu ở Langley để được nghiên cứu mọi mặt, từ các dấu tay đến các vết tích về các chứng bệnh của lính lê dương, nhờ có những khả năng không thể bác bỏ được của kỹ thuật công nghệ học. Chúng tôi chỉ có một phần bản sao y nguyên bản cho đến phong bì màu nâu niêm phong, trên đó có chữ do Katia tự tay viết: “Thư riêng. Gửi ong Batholomew Scott Blair. Khẩn”.
Clive đưa cho Ned, Ned trao cho Barley. Walter gãi đầu và Bob có cái vẻ cao đạo của một người tài trợ cho chiến dịch. Barley nhìn tôi như thể ông ta vừa mới quyết định chọn tôi làm luật sư của ông ta. “Tôi làm gì với cái đó? – Đôi mắt ông ta như hỏi tôi – Tôi đọc, hay liệng nó vào mặt họ?”. Tôi giữ vẻ thản nhiên.
- Ông hãy đọc một cách cẩn thận – Ned khuyến cáo.
- Ông Barley, ông cứ thong thả mà đọc – Bob nhấn mạnh thêm.
Tuần trước, tất cả chúng tôi đã đọc đi đọc lại bức thư này biết bao nhiêu lần rồi. Tôi tự nhủ khi thấy Barley xem xét cái phong bì, lật qua lật lại, đưa ra xa, đưa lại gần. Đã có biết bao ý kiến khác nhau được đưa ra, rồi bị bác bỏ. “Bức thư này đã được viết tay, trong một toa xe lửa”, sáu chuyên viên ở Langley đã quả quyết như thế. “Nằm trên giường mà viết”, ba chuyên viên khác ở Luân Đôn lại khẳng định như thế. “Viết ở hàng ghế sau của một chiếc xe hơi. Viết hấp tấp. Do một người đàn bà viết, hay do một người đàn ông viết? Do một người cầm bút bằng tay trái viết hay do một người cầm bút bằng tay phải viết? Viết bởi một người dùng mẫu tự gốc là mẫu tự của dân Slave, mẫu tự Rômanh, cả hai thứ không phải thứ này, cũng không phải thứ kia”.
Để chấm dứt cái trò hề ấy, người ta đã hỏi cái ông già Palfrey. Tôi đã nói với họ: “Chiếu theo luật pháp của chúng tôi về quyền tác giả, người nhận thư là chủ sở hữu của bức thư, nhưng người viết thư là người giữ bản quyền. Tôi nghĩ rằng, không có ai sẽ kéo chúng ta ra trước các tòa án Liên Xô đâu”. Tôi không biết lời tuyên bố của tôi có làm cho họ cảm thấy nhẹ nhõm, hay càng làm cho họ lo ngại thêm.
- Barley, ông có nhận ra nét chữ không? – Clive hỏi.
Barley thò ngón tay vào phong bì, rút bức thư ra với một cái bĩu môi xem thường, như thể ông ta sắp thấy đây là một tờ hóa đơn phải thanh toán. Rồi ông ta lấy kín xuống, đặt trên bàn và kéo ghế ra xa bàn thêm một chút. Càng đọc, mặt ông càng thêm cau có. Ông ta đọc nhanh trang đầu, nhìn sơ qua trang chót để tìm chữ ký, trở lại trang thứ hai và tiếp tục đọc cho đến hết. Ông ta đọc lại một mạch toàn thể bức thư, từ câu đầu “ông Barley yêu dấu của em” cho đến câu chót “… em yêu ông. K của ông”. Sau đó, ông ta giữ bức thư trong hai bàn tay đặt trên đầu gối, và cúi xuống trước không cho chúng tôi nhìn thấy mặt. Ông ta thì thầm cầu nguyện gì đó mà chỉ một mình ông ta biết mà thôi.
- Cô ta khùng rồi! – Barley nói trống không – Thật là gàn dở, ngớ ngẩn. Ngay cả bản thân cô ta, không biết có ở bên đó không nữa.
Không ai hỏi cho rõ hơn về “ cô ta” và “bên đó”. Ngay cả Clive cũng thấu hiểu giá trị của một sự im lặng hợp lúc.
- K là chữ cái đầu của Katia, là giản từ của chữ Ekateria – Walterr nói – Họ của cô ta là Borissovna.
- Tôi không biết quen biết K, Katia cũng không, Ekaterina cũng không – Barley tuyên bố - Borissovna cũng không nốt. Tôi không bao giờ hôn hít hay chỉ tán tỉnh, cũng không cầu hôn, hay lấy làm một vợ một người nào có cái tên ấy. Tôi đã cố sức nhớ lại, nhưng đều không có. À, có!
Tất cả mọi người chờ đợi, tôi cũng chờ đợi, và sự chờ đợi ấy có thể kéo dài suốt đêm, không có một tiếng ghế kêu rắc rắc nhỏ nhặt nào của sự chuyển mình hay xê dịch, hay một tiếng ho khan trong lúc Barley lục lọi trong ký ức để tìm một người đàn bà tên Katia.
- Một con dê cái ìa ở Aurora – Barley nói – Bà ta đã tìm cách bán đổ bán tháo cho tôi những bản in khắc của những nghệ sĩ người Nga, nhưng tôi đã không dại gì để bị bà ta gạt.
- Aurora? – Clive hỏi, vì không biết đó là một thành phố hay một cơ quan của chính phủ.
- Một nhà xuất bản.
- Ông có nhớ tên khác của bà ta không?
Barley lắc đầu.
- Người ta gọi bà ta là Katia râu xồm – Ông ta nói một cách cụt lủn.
- Barley, ông muốn đọc to lên không? – Bob hỏi với giọng thân mật của một bạn hướng đạo sinh cũ – Có lẽ làm như thế, ông có thể nhớ lại dễ dàng hơn. Barley, ông hãy thử đi chứ?
Người này kêu Barley, người kia kêu Barley, tất cả mọi người đều là bạn của Barley, ngoại trừ Clive luôn luôn gọi Barley là ông Blair.
- Đúng đấy, đó là một ý kiến hay. Ông hãy đọc to lên – Clive nhấn mạnh với giọng như ra lệnh.
Tôi lấy làm ngạc nhiên vì hình như Barley cũng thấy cái ý kiến ấy hay. Ông ta ngẩng đầu lên, xoay người lại để bức thư và khuôn mặt ông được chiếu sáng hơn. Ông bắt đầu đọc to với vẻ giễu cợt.
- “Ông Barley yêu dấu của em” - ông ta hạ thấp bức thư xuống một chút, rồi đọc lại – “Ông Barley yêu dấu của em. Ông còn nhớ điều đã hứa với em vào một buổi tối ở Peredelkino, trong lúc chúngta ngồi ở hiên nhà của các bạn chúng ta, để đọc các bài thơ của một nhà thần bí học nổi tiếng người Nga rất có cảm tình với nước Anh. Ông đã hứa với em rằng ông luôn luôn coi trọng nhân loại hơn các quốc gia, và rằng khi cơ hội đến ông sẽ hành động với tư cách là một con người, xứng đáng với cái danh xưng ấy”.
Barley lại ngừng đọc.
- Tất cả các điều ấy đều không có gì đúng với sự thật cả, phải không? – Clive hỏi.
- Tôi lặp lại với ông rằng tôi không bao giờ gặp cái bà tốt bụng ấy cả!
Rồi Barley đọc tiếp:
- “Vậy thì bây giờ em yêu cầu ông hãy giữ lời hứa, nhưng không phải bằng cách mà chúng ta đã hình dung tối hôm ấy, khi chúng ta đã quyết định trở thành tình nhân của nhau”. Tất cả đều là những điều ngu xuẩn – Ông ta lầm bầm – Cái con đàn bà đần độn này hoàn toàn điên rồi – “Em yêu cầu ông cho các người Anh đồng quan điểm với chúng ta xem quyển sách này. Hãy xuất bản quyển sách này giúp em, hãy đưa ra những lý lẽ, nhưng bằng chứng mà lúc đó ông đã dùng với biết bao nhiệt tình. Hãy đưa quyển sách này cho các nhà bác học, các nghệ sĩ, giới trí thức của các ông xem, và hãy nói với họ rằng đây là tảng tuyết đầu tiên của một trận tuyết lở trên núi xuống kéo theo đất, đá, và rằng chính họ phải ném tảng tuyết thứ hai. Hãy nói với họ rằng cái thời kỳ mở cửa hiện nay, chúng ta có thể cùng nhau phá hủy con quái vật vũ khí hạt nhân mà chúng ta đã đẻ ra. Hãy hỏi họ cái gì nguy hiểm hơn hết cho nhân loại: phục tùng như những người nô lệ hay kháng cự như những con người. Hãy hành động với tư cách là con người xứng đáng với danh xưng ấy, Barley. Em yêu nước Anh của Hezen và em yêu ông. K của ông”. Lạy Chúa, cô gái này là ai thế? Cô ta hoàn toàn điên rồ. Vả lại, cả hai đều điên cả.
Để bức thư xuống bà, Barley đi đến ẩn mình trong bóng tối mờ mờ ở đầu kia gian phòng, miệng lẩm bẩm và nắm bàn tay mặt lại, đánh vào khoảng không. Ông ta nổi khùng:
- Lạy Chúa! Người đàn bà này tìm kiếm cái gì mới được chứ? Bà ta trộn lẫn hai chuyện hoàn toàn không dính dáng gì đến nhau. Và sự thật, quyển sách ấy ở đâu?
Đột nhiên, nhớ lại sự hiện diện của chúng tôi, Barley quay mặt về phía chúng tôi.
- Quyển sách ấy đang ở một nơi an toàn – Clive nói và liếc xéo tôi một cái
- Nó đang ở đâu? Nó thuộc về tôi mà.
- Chúng tôi nghĩ rằng nó thuộc về người bạn của bà ta thì đúng hơn – Clive bắt bẻ.
- Người ta đã ký thác nó cho tôi. Ông thấy rõ những gì ông ta đã viết. Tôi là nhà xuất bản của ông ta. Vì thế nòa là vật sở hữu của tôi. Ông không có quyền gì đối với nó cả.
Ông ta đã chỉ đúng vào điểm mà chúng tôi không muốn ông ta nêu lên, nhưng Clive đã có phản ứng lại bằng cách đánh lạc hướng sự chú ý của ông ta.
- “Ông ta” nào? Ông muốn nói rằng Katia là một người đàn ông? Vì sao ông nói là “ông ta”? Thật là lộn xộn. Quả thật ông là một con người lộn xộn, làm cho người ta chẳng biết đâu mà lần.
Tôi đã đoán trước thế nào cũng xảy ra một sự bùng nổ. Cho nên khi Barley sải bước tới gần bàn họp, từ từ đưa hai bàn tay lên, tôi biết ông ta sẽ không dành cho Clive một câu trả lời từ tốn nào, nhưng tôi cũng ngạc nhiên không ngờ sự bùng nổ mạnh đến vậy.
- Ông không có quyền! – Barley quát tháo và đập hai bàn tay xuống bàn ầm ầm, đến nỗi tờ giấy tờ của tôi bay tung lên.
Hốt hoảng, Brock đột nhập vào phòng, nhưng Ned ra lệnh cho anh ta trở ra ngay ngoài tiền sảnh.
- Bản thảo quyển sách ấy là của tôi. Tác giả của nó đã gửi nó cho tôi. Để tôi xem xét nó một cách tùy nghi. Ông không có quyền chiếm đoạt nó, đọc nó và giữ nó. Vậy thì ông hãy giao quyển sách ấy ngay lập tức cho tôi, và ông hãy trở về cái hòn đảo thối nát của ông…
- Đó cũng là hòn đảo của ông – Clive nhắc khéo – Còn quyển sách, như ông nói, không phải là một quyển sách. Và không ai có quyền với nó – Ông ta nói tiếp một cách lạnh lùng và hoàn toàn thiếu thiện cảm – Nghĩa vụ nhà xuất bản của ông không quan hệ gì đến tôi. Ở đây không có ai bận lòng về việc ấy. Điều quan trọng, đó là bản tài liệu viết tay chứa đựng những bí mật quân sự về Liên Xô mà giả sử chúng ta xác thực, thì chúng quan hệ đến sự phòng thủ của phương Tây… mà ông cũng thuộc về phương Tây, nếu tôi không lầm. Ở vào địa vị của chúng tôi, ông sẽ làm gì? Ông sẽ không đếm xỉa đến tài liệu ấy chăng? Ông sẽ liệng nó xuống biển chăng? Hay ông sẽ cố tìm hiểu lý do vì sao nó lại được gửi cho một nhà xuất bản của một người Anh sắp mạt vận?
- Ông ta muốn quyển sách ấy được xuất bản. Do tôi xuất bản. Và không bị chôn vùi trong các căn phòng được phòng thủ vững chắc của các ông.
- Được – Clive thừa nhận và nháy mắt với tôi một lần nữa
- Tài liệu viết tay ấy đã được chính thức ký thác tại phòng lưu trữ hồ sơ và được xếp và loại hồ sơ tối mật.