- Phải, - đột nhiên Barley nói – Phải, phải, họ che chở ông ta. Đúng như thế. Đây là câu lạc bộ của những người hâm mộ ông ta nhiệt liệt.
- Vì sao họ che chở ông ta?
Barley lại tạm ngừng.
- Có thể vì ông ta không phát biểu ý kiến. Lúc đó tôi cũng không có ý nghĩ như thế, nhưng bây giờ thì có.
- Và vì sao ông ta muốn tránh phát biểu ý kiến? Ông có thể cung cấp cho chúng tôi một lý do, mà lý do đó không phải do ông bịa ra không? – Clive nhấn mạnh, rõ ràng là để chọc giận Barley.
Nhưng Barley không tỏ vẻ bực tức.
Tôi không bao giờ bịa đặt, - ông ta đáp.
Barley lại im lặng. Rồi nhăn mày, ông ta lẩm bẩm vài lời nguyền rủa, và đột ngột cười lên một tiếng, rồi nói:
- Tôi giật mình thức dậy lúc nửa đêm. “Lạy Chúa, tôi đang ở đâu thế này?” Tôi đang ở trong một mái hiên, nằm trên một cái ghế dài, đắp một cái áo choàng. Thoạt tiên tôi tưởng mình đang ở bên Mỹ. Vì bên đó tại một số bang, có mái hiên tương tự. Nhưng tôi không hiểu sao tôi lại có thể đi đến Mỹ nhanh như thế sau một bữa ăn trưa ở Peredelkino. Và rồi tôi sực nhớ ra họ đã thôi không còn nói chuyện với tôi nữa, và tôi đã đâm ra buồn chán. Chẳng có gì bất lịch sự cả. Đơn giản chỉ vì họ quá chén và tôi cũng đã ngán nghe những lời lẽ của những người say rượu. Thế là tôi đi ra ngoài mái hiên với một chai uýt-ky. Một người nào đó đã đắp cho tôi một cái áo choàng để che sương. Chắc là ánh trăng rằm đã đánh thức tôi dậy. Và tôi nghe có tiếng người nói với tôi. Vẻ nghiêm chỉnh. Tiếng Anh rất sỏi. Lạy Chúa, tôi tự nhủ, giờ này mà còn có khách khứa. “Này ông Barley, có những sự đau đớn cần phải có. Nhưng cũng có những sự đau đớn khác tai hại hơn cần thiết.” Ông ta trích dẫn những gì tôi đã nói trong bữa ăn trưa, một câu mà tôi đã trích dẫn trong bài diễn thuyết của tôi về vấn đề hoà bình trên thế giới. Tôi không nhớ chính tôi đã trích dẫn câu nói ấy của ai. Tôi nhìn ông ta gần hơn, và tôi đã thấy con diều hâu nhiều râu kia, một chai rượu vodka cầm tay, tóc tung bay trước gió. Ông ta ngồi gần bên tôi, và đã rót rượu đầy ly. “Chào Goethe”, – tôi nói – “Ông còn chưa chết? Nhờ đó mà tôi có cái thú được gặp ông”.
Nhìn nét mặt ông ta đột nhiên sa sầm, Barley hình như có vẻ khó chịu, rồi kể tiếp:
- Và ông ta lại nêu ra một câu khác trong những câu châu ngọc mà tôi đã nói trong bữa ăn trưa: “Tất cả các nạn nhân đều bằng nhau. Không ai hơn ai”. Tôi đã cười, nhưng không cười nhiều. Tôi cảm thấy hơi bực dọc. Tôi có cảm tưởng bị người ta theo dõi. Lão ta đã ngồi lỳ trong suốt cả bữa ăn ấy, say tuý luý, không ăn, không nói một tiếng nào. Và đột nhiên, mười giờ sau, lão ta tuôn ra những lời tôi đã nói như một cái máy ghi âm. Thật là khó chịu.
Tôi đã nói với lão ta: “Goethe, ông là ai? Ông làm gì trong đời khi ông không uống rượu và không nghe người khác nói?”
“Tôi là một người đứng ngoài vòng pháp luật về mặt tinh thần. Tôi nghiên cứu những học thuyết lớn có tính thế tục”.
“Gặp được một tác giả luôn luôn là điều thích thú đối với tôi. Lúc này ông đang viết những gì?”
“Mỗi loại một ít. Những tiểu luận lịch sử, những vở kịch, những chuyện hư cấu, giả tưởng, những chuyện tình.”
“Rồi ông ta chọc quê tôi: “Này ông Barley. Ông là nhà xuất bản. Sao ông không hỏi tôi đã tìm ý ở đâu?”
“- Barley. Tôi tìm ý, thứ nhất…” và ông ta đếm trên các đầu ngón tay của ông ta.
Barley duỗi thẳng các ngón tay của mình ra để bắt chước Goethe và đổi giọng sang giọng người Nga, nói:
“Tôi tìm ý của tôi… một, trên các khăn bàn ăn bằng giấy của các quán cà phê ở Berlin trong các năm của thập niên 30”. Goethe uống một hớp vodka, rồi ợ lên: “Hai, trong các sách, báo xuất bản của những người giỏi hơn tôi. Ba, trong các dự định hay ước mơ bỉ ổi của các tướng lãnh hay chính trị gia của tất cả các nước. Bốn, trong giới chuyên viên khoa học bị bọn phát xít cưỡng bức làm việc cho chúng. Năm, trong dân chúng Liên Xô. Và sáu, trong những dịp rất hiếm có, trong tài trí của một nhà trí thức xuất sắc của phương Tây, đột ngột xuất hiện trong đời tôi. “Rõ ràng là ông ta muốn ám chỉ tôi, vì ông ta nhìn tôi đăm đăm để dò phản ứng của tôi. Và bỗng ông ta thay đổi thái độ, ông ta có vẻ nghi ngờ”. Trong bữa ăn trưa, ông đã đóng kịch rất khéo. Bằng cách nào ông đã thuyết phục Nejdanov mời ông đến dự với chúng tôi?” “Thật chua cay, chẳng khác nào ông ta nói: Tôi không tin ông”.
“- Tôi đã không thuyết phục Nejdanov . Đó là ý của ông ta. Thật sự ông muốn nói bóng gió đến điều gì?”
“Ý ấy không của ai hết. Chính ông đã nhồi nhét ý ấy vào trong đầu óc của Nejdanov. Ông là một người có thủ đoạn. Ông giỏi lắm, hoan hô!”
Và thay gì tiếp tục tuôn ra những lời lẽ chế giễu có tính cách xúc phạm tôi, Goethe bám vào vai tôi như một người sắp chết đuối. Tôi sợ ông ta có thể nôn ra trên người tôi. Tôi cố giúp đỡ ông ta, nhưng không biết phải làm gì. Ông ta nóng hừng hực, mồ hôi toát ra như tắm… Tôi tự nhủ phải mở nút cổ áo sơ mi của ông ta. Và sau đó tôi nghe tiếng ông ta nói ngay trong lỗ tai tôi. Mới đầu tôi không hiểu ông ta nói gì, vì ông ta đứng quá gần. Tôi thụt lùi, nhưng ông ta vẫn bám sát vào tôi.
Ông ta đã thì thầm: “Tôi tin từng lời ông đã nói ra. Các lời ông nói đã đi thẳng vào trái tim tôi. Ông hãy hứa với tôi rằng ông không phải là một điệp viên Ăng-lê, và tôi sẽ hứa với ông rằng tôi không phải là một điệp viên của Nga.” Ông ta đã nói câu ấy từng chữ một như thể ông ta lấy làm xấu hổ. Ông ta nhớ từng câu tôi đã nói. Và tôi, tôi cũng nhớ từng lời ông ta đã nói.
“- Không, Goethe thân mến, tôi không phải là một điệp viên. Tôi chưa bao giờ là điệp viên và sẽ không bao giờ là một điệp viên cả. Ông thích chơi cờ chứ? Chúng ta hãy nói chuyện chơi cờ đi”.
Hình như ông ta không nghe câu tôi hỏi. Vì ông ta hỏi tôi: “- Và ông không phải là điệp viên của Mỹ chứ? Ông không phải là điệp viên của bất cứ ai, ngay cả của Nga cũng không?”
“- Này Goethe, hãy nghe tôi nói đây. Không giấu gì ông, tôi bắt đầu bực mình rồi đấy. Tôi không phải là gián điệp của bất cứ ai. Tôi là tôi. Thế thì, hoặc là chúng ta nói chuyện chơi cờ, hoặc là ông đi gõ một cánh cửa khác, đồng ý không?” Tôi tưởng ông ta ngậm tăm, nhưng tôi đã lầm. Ông ta rất thạo môn cờ, và đã nói với tôi rằng: “mỗi tay chơi cờ có chiến lược của mình, và nếu tay này không đoán được chiến lược của tay kia, hay lơ là không chú ý một chút thì tay kia thắng. Trong cuộc cờ, lý thuyết là sự thật. Nhưng trong cuộc đời, ít ra là trong một số trường hợp, người ta có thể ở trong một tình thế mà một tay chơi cờ có những ý tưởng kỳ cục về tay kia đến nỗi cuối cùng anh ta tự tạo cho mình kẻ thù mà anh ta cần. Không phải sao?” – “Vâng, Goethe, tôi hoàn toàn đồng ý”. Và Goethe đột ngột thanh minh như tất cả những người đã uống quá chén thường làm. Vì sao ông ta còn sống trên đời? Độc nhất chỉ để tôi nghe ông ta? Ông ta nói rằng ông ta sinh ra với hai linh hồn, như Faust (1), vì thế mà người ta gọi ông là Goethe. Ông ta kể với tôi về gia đình của ông ta, về cuộc đời của ông ta và cuối cùng ông ta nói ông ta muốn hứa với tôi một điều, rằng ông ta khâm phục người Anh. Người Anh có đạo đức hơn hết ở châu Âu, là những máy điều hoà kín đáo, những người làm thống nhất ý tưởng lớn của châu Âu. Còn người Mỹ thì đã đầu độc thế giới với lý luận thực dụng của họ. Nếu người láng giềng của tôi có một chiếc xe, tôi phải có hai chiếc. Nếu người láng giềng của tôi có một khẩu súng lục, tôi phải có hai khẩu. Nếu người láng giềng của tôi có một trái bom, tôi phải có một trái to hơn và nhất là nhiều hơn, ngay cả nếu chúng được thả xuống không trúng đích. Thế là tất cả những gì tôi phải làm, đó là tưởng tượng ra khẩu súng của người láng giềng của tôi và chế tạo ra một khẩu súng giống như thế, bằng lập luận ấy, tôi biện minh tất cả những gì tôi chế tạo là chính đáng. Không phải sao?
Vladimir Petcherine. Ông ta muốn tận tâm phục vụ nhân loại. Ông ta đã đi tu và trở thành giáo sĩ. Petcherine yêu Chúa nhưng ghét khoa học, ngoại trừ nếu khoa học chú trọng đến linh hồn con người. Tôi đã hỏi ông ta bao nhhiêu tuổi. Tuổi của Goethe, chứ không phải của Petcherine. Vì lúc ấy, người ta có thể nói ông ta mới lên bảy hay đã bảy mươi bảy cũng được. Và ông ta đã nói với tôi rằng ông gần đất xa trời rồi. Ông ta năm mươi tuổi, nhưng vừa mới được sinh ra.
Walter hạ thấp giọng hỏi như đang ở trong một nhà thờ:
- Vì sao ông lại hỏi tuổi của Goethe, trong lúc có biết bao nhiêu câu hỏi mà đáng lẽ ông phải đặt ra hơn? Trong một lúc như thế, biết lão ta có mấy cái răng phỏng có ích lợi gì?
- Bởi vì, thật là khó hiểu. Mặt ông ta không có lấy một nếp nhăn, trừ khi ông ta nhíu mày.
- Và ông ta nói “khoa học”? Không nói “vật lý”, khoa học, phải không?
- Phải. Khoa học. Ông ta dùng danh từ: khoa học. Ông ta nói “Petcherine cũng mê say nước Anh như tôi. Nước Anh, cái nôi của công lý, của chân lý và của tự do.
- Còn tôi, - Barley kể tiếp, - lúc ấy tôi chỉ mong muốn một điều: đó là ông ta hãy để cho tôi được yên. Tôi bắt đầu sợ. Nhưng trái lại, ông ta ép sát người vào tôi, mặt hầu như dính vào mặt tôi. Ông ta thở như một con bò, tim đập thình thịch như muốn vỡ ra.. Ông ta trố cặp mắt màu nâu, nhìn tôi. Tôi hỏi ông ta: “Goethe, ông đã uống gì? Uống cortisone(2) phải không?”.
“- Ông biết những gì ông đã nói trong bữa ăn trưa không?” – Goethe hỏi lại tôi .
“- Không biết gì cả. Tôi không có mặt trong bữa ăn trưa. Đó là người anh em sinh đôi với tôi”. Nhưng một lần nữa Goethe không nghe tôi nói.
“- Ông đã nói: “Trong thời đại chúng ta, phải suy nghĩ như một người anh hùng để rồi hành động như một con người xứng đáng với danh xưng ấy:.
“- Điều đó chẳng có gì mới mẻ lắm. Tất cả những gì tôi đã nói cũng thế thôi. Không phải do tôi sáng tác. Mà đó là những điều tôi đã đọc, nơi này nơi kia. Thế thì bây giờ ông quên đi những gì tôi đã nói và ông trở về với bạn bè của ông đi”. Nhưng Goethe vẫn không chịu nghe lời tôi. Ông ta nắm cánh tay tôi. Ông ta có hai bàn tay như con gái, nhưng nắm tay cứng như thép. Ông nói với tôi: “Hãy hứa với tôi đi, nếu tôi tìm được can đảm để suy nghĩ như một người anh hùng, thì ông sẽ hành động như một con người xứng đáng với danh xưng ấy”.
“- Này Goethe, hãy nghe lời tôi. Chúng ta hãy quên tất cả những điều đó, và chúng ta đi tìm một cái gì để ăn đi. Có xúp ở trong nhà. Tôi nghe có mùi thơm đấy. Ông thích món xúp phải không? Món xúp nóng?”
Tôi không thật sự nghĩ rằng lão ta khóc, nhưng khuôn mặt lão trắng bệch, ướt đẫm. Hình như lão ta toát mồ hôi vì đau đớn. Lão bám chặt vào tôi như vào một người mà lão có thể tỏ bày tâm sự được. Lão nói: “Hãy hứa với tôi điều đó đi!”
“- Lạy Chúa! Nhưng tôi biết hứa gì với ông đây?”
“- Hãy hứa rằng ông sẽ hành động như một nhà quý tộc!”
“- Tôi không phải là một nhà quý tộc. Tôi là một nhà xuất bản”.
Và thế là Goethe phá lên cười. Lần đầu tiên. Cười oan oan. Lão tuyên bố: “Ông không thể biết khi ông từ chối thì tôi lại tin cậy ông đến mức nào”.
Tôi đứng lên. Từ từ để khỏi làm cho Goethe sợ. Và lão ta vẫn bám chặt vào tôi. Lão nói: “Tôi có tội với khoa học mỗi ngày. Tôi cải tiến những lưỡi cày thành gươm giáo. Tôi lừa gạt các bậc thầy của chúng tôi. Tôi tiếp tục lừa gạt không ngừng. Mỗi ngày tôi ám sát nhân tính mà tôi mang trong người tôi. Ông hãy nghe tôi”.
“- Này ông bạn Goethe thân mến, bây giờ tôi phải đi. Chắc các bà gác cổng khách sạn đang đợi tôi và lo lắng cho tôi. Ông vui lòng buông tôi ra, ông bẻ gãy cánh tay tôi rồi đây này!”.
Goethe ôm chặt lấy tôi. Tôi có cảm tưởng tôi là một người to lớn đồ sộ, còn lão ta thì nhỏ thó ẻo lả. Tóc tai, râu ria lão ướt nhèm. Người lão nóng hừng hực.
“- Hãy hứa với tôi điều đó đi!”
Lão ta đã giựt được ở tôi lời hứa của lão. Bằng sự nhiệt tình của lão. Tôi chưa bao giờ thấy một điều như thế. Lão nói: “Hãy hứa đi! Hãy hứa đi!”
Tôi đã nói: “Đồng ý. Nếu bao giờ ông đạt đến mức là một anh hùng, tôi sẽ là một con người xứng đáng với danh xưng ấy. Hợp đồng đã được ký kết. Đồng ý? Bây giờ hãy ngoan ngoãn nào, và hãy để cho tôi đi”
“- Hãy hứa đi đã!” Goethe lặp lại.
“- Tôi hứa với ông điều đó”, tôi vừa nói vừa gỡ tay Goethe ra.
Barley vừa nói dứt lời, Walter vội xen vào. Không một lời can ngăn của chúng tôi, hoặc một nét nhìn giận dữ nào của Ned, của Clive hay của chính tôi có thể kềm chế ông ta lâu hơn.
- Barley, nhưng ông có tin lão ta không? Có phải lão ta đang phỉnh gạt ông không? Ông là một người khôn ngoan. Ông có những cảm nghĩ như thế nào?
Im lặng. Im lặng kéo dài. Và cuối cùng, Barley nói:
- Lão ta say như chết. Tôi cũng đã say nhừ tử như thế đôi ba lần. Lão ta đã nốc rất nhiều rượu vodka suốt cả ngày, và luôn luôn uống cả ly đầy như uống nước. Nhưng lúc đó lão ta có được một lúc minh mẫn. Tôi đã tin lão ta. Lão không phải là loại người không đáng tin.
- Nhưng ông đã tin cái gì? – Walter hỏi một cách giận dữ - theo ý ông, lão ta đang nói gì với ông? Ông nghĩ như thế nào về những việc lão ta làm? Một tràng diễn thuyết về những gì mà nhắm mắt trật đích, lừa dối các bậc thầy của lão ta và của cả ông nữa, môn cờ không phải là một trò chơi mà là một cái gì khác? Ông biết suy nghĩ chứ? Vì sao ông đã không đến gặp chúng tôi? Tôi, tôi biết vì sao! Ông rúc đầu vào trong cát như một con đà điểu. “Tôi không biết bởi vì tôi không muốn biết.” Ông giống con đà điểu như đúc!
Và những gì người ta nghe được sau đó trên băng từ là Barley đi thật mau trong gian phòng, vừa đi vừa rủa: “Cút! Cút! Cút!” Barley thì thầm không ngớt cho đến khi có tiếng của Clive bảo ông ta thôi đi. Nếu bao giờ có một ngày nào đó Clive ra lệnh huỷ diệt vũ trụ, ông ta sẽ dùng cái giọng nói ấy…
Tôi lấy làm tiếc phải báo cho ông biết rằng chúng tôi sắp rất cần đến sự giúp sức của ông.
Chú thích:
(1) Faust: Nhân vật chính trong tác phẩm của Goethe.
(2) Cortisone: kích thích tố ở tuyến thượng thận.