Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Trinh Thám, Hình Sự >> Đợi chờ

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1809 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Đợi chờ
John Le Carré

Chương 1

 
 
Tại lầu chót của một khách sạn kiến trúc kiểu Staline, nằm trên một đại lộ ở Matxcơva, hội chợ audio đầu tiên được British Council tổ chức để quảng bá văn hóa nước Anh, sắp bước vào giai đoạn bế mạc. Lúc 17 giờ rưỡi. Hôm ấy là một ngày mùa hè, thời tiết thay đổi một cách kỳ cục: suốt buổi sáng, những trận mưa rào lớn đã đổ xuống thành phố, nhưng bây giờ ánh mặt trời lấp lánh trong các vũng nước và hơi nước nhè nhẹ bốc lên từ các lề đường. Khách bộ hành trẻ tuổi mặc quần jean và mang giày thể thao, trong khi những người lớn tuổi hơn thì thu mình trong những bộ đồ ấm.
Gian phòng do British Council thuê, giá không lấy gì làm đắt, và cũng không thấy thích hợp đối với cuộc triển lãm này. Các gian hàng của các nhà trưng bày sản phẩm tập trung trong phần tầng lầu được xây nhô ra ngoài, trông như các phòng của một ngôi đền, nơi người ta mưu mô sắp đặt những điều bí mật.
Dù sao thì hội trợ triển lãm cũng đã được tổ chức. Dân Matxcơva, những người có giấy mời, đã đến dự. Họ đến dự có thể vì phép lịch sự, vì tò mò, hoặc vì để được nói chuyện với người nước ngoài, hay đơn giản chỉ để là có đến dự. Tối hôm ấy, ngày thứ năm và cũng là ngày chót, có tổ chức một bữa tiệc lớn, chia tay giữa các nhà có sản phẩm trưng bày với các khách mời. Một số cán bộ của cơ quan văn hóa Liên Xô đang đứng tập trung dưới chùm đèn treo bằng pha lê: các bà đầu tóc chải một cách cầu kỳ, mặc áo dài vải hoa, các ông mặc complê sang trọng cắt may theo kiểu Pháp. Duy chỉ có các vị khách người Anh của họ là mặc những bộ complê xám bình thường. Tiếng chuyện trò mỗi lúc một râm ran, trong lúc các nữ tiếp viên mặc tạp dề mời các quan khách dùng bánh xăng-uých và rượu vang trắng hâm nóng. Một nhà ngoại giao Anh cấp cao nhưng không phải là đại sứ, bắt tay các cán bộ quan trọng hơn hết, miệng luôn luôn nói: “Rất hân hạnh”.
Chỉ còn một mình Niki Landau không tham dự bữa tiệc. Cúi xuống trên chiếc bàn trong gian hàng trống trải của mình, anh ta cộng sổ các đơn đặt hàng và kiểm tra các chi phí, vì phương châm của anh là không bao giờ đi vui chơi trước khi hoàn tất công việc.
Liếc mắt, anh ta chợt thấy loáng thoáng hình bóng một phụ nữ người Nga bận áo dài xanh và vẻ bồn chồn. Vẫn cặm cụi làm việc, anh ta nghĩ: “Chỉ thêm phiền phức về sau. Nên tránh thì hơn”.
Mặc dù là người thích ăn chơi tiệc tùng, nhưng không khí hôm nay đã không hấp dẫn Landau. Trước hết anh ghét các nhà chức trách người Anh kể từ khi bố anh bị cưỡng bức phải trở về Ba Lan. Sau này Landau có nói với tôi rằng người Anh nói chung là những người đáng được tôn kính. Bản thân Landau cũng đã nhập quốc tịch Anh và anh đã tỏ ra không thể lay chuyển được sự tôn kính ấy, nhưng anh ta xếp riêng đám người ở bộ Ngoại giao ra. Các người này càng tỏ ra ta đây, làm điệu làm bộ, hay nhướng chân mày lên một cách ngu ngốc, Landau càng ghét họ thêm khi nghĩ đến bố mình. Vả lại, nếu việc này chỉ quan hệ đến một mình Landau thôi, thì anh đã không bao giờ đến tham dự hội chợ audio này, và đã ở lại Brighton trong tổ ấm với Lydia, cô bạn gái nhỏ nhắn, xinh đẹp và ngoan ngoãn của mình.
Landau đã khuyên các đồng nghiệp trong công ty: “Tốt hơn là chúng ta nên dành nỗ lực để tham dự hội trợ triển lãm sách tại Matxcơva vào tháng Chín tới. Này Bernard, anh thấy đó, người Nga thích sách, còn thị trường audio làm cho họ sợ, và họ chưa sẵn sàng để tiếp nhận. Nếu dấn thân vào hội chợ sách, chúng ta sẽ thành công lớn. Nếu lăn vào hội chợ audio, chắc chắn sẽ thất bại”.
Nhưng các đồng nghiệp của Landau còn trẻ và khá giàu, họ không tin là sẽ thất bại
***
Tối hôm ấy, khi thoáng thấy thiếu phụ áo xanh người Nga, Landau đã không muốn để ý đến cô ta. Anh nôn nóng đáp máy bay trở về Luân Đôn ngay ngày hôm sau. Và nếu người thiếu phụ Nga áo xanh ấy vẫn kiên trì lôi kéo sự chú ý của anh trong lúc anh bận kết thúc sổ sách kế toán, thì chắc chắn anh sẽ nói với cô ta một điều gì đó bằng tiếng Nga mà cả hai sẽ hối hận suốt đời.
Cô ta mang nơi cổ tay một cái túi lưới bằng chất dẻo, thường dùng để đựng đồ khi đi mua sắm. Cô ta đến đứng cạnh bàn nơi Landau đang làm việc, thở dài tỏ vẻ nôn nóng và lên tiếng hỏi:
- Xin ông thứ lỗi. Ông có phải là người Nhà xuất bản Abercrombie and Blair không?
- Không phải ở đây, người đẹp ạ - Landau trả lời mà không ngước lên nhìn
Vì cô ta nói tiếng Anh, nên Landau cũng trả lời bằng tiếng Anh, theo thói quen.
- Ông có phải là ông Barley không?
- Không, không phải là Barley mà là Landau.
- Nhưng đây là gian hàng của ông Barley.
- Không, không phải là gian hàng của Barley. Mà là gian hàng của tôi. Gian hàng Abercrombie and Blair ở kế bên.
Vẫn không ngước mắt lên nhìn người đối thoại, Landau đưa cây bút chì lên lắc lắc chỉ về phía một gian hàng trống ở bên trái, nơi có một tấm panô màu xanh lục ghi bảng hiệu “Nhà xuất bản Abercrombie and Blair” bằng chữ vàng.
- Nhưng gian hàng ấy bỏ trống – Thiếu phụ phàn nàn – Chẳng có ai trong đó cả. Ngày hôm qua cũng bỏ trống như thế.
- Đúng. Hoan hô! – Landau nói cụt lủn, tỏ vẻ không muốn bị quấy rầy thêm nữa.
Và anh ta lại cặm cụi làm việc, chờ cho cái bóng hình áo xanh biến đi. Anh ta biết mình đã tỏ ra thô lỗ, nhưng sự kiên trì của người thiếu phụ Nga đã làm cho anh càng thô lỗ hơn.
Cô ta không bỏ đi. Cô hỏi:
- Nhưng ông Scott Blair ở đâu? Cái ông mà người ta gọi là ông Blair ấy ở đâu? Tôi cần gặp ông ấy. Có việc rất khẩn cấp.
Landau bắt đầu gắt gỏng một cách vô lý. Anh ta ngẩng đầu lên một cách đột ngột và nhìn thẳng vào mặt người thiếu phụ. Anh ta nói:
- Thưa cô, ông Scott Blair mà các bạn thân thường gọi là Barley, vắng mặt và không xin phép. Nói cho rõ hơn, ông ta đã đào nhiệm. Thật thế, công ty của ông ta đã đăng ký một gian hàng. Tuy là chủ tịch, làm giám đốc, là tổng quản lý và theo chỗ tôi được biết, là người nắm giữ độc quyền công ty suốt đời, nhưng Scott Blair đã không đặt chân đến gian hàng của ông ta…
Trong lúc nói những lời mỉa mai trên, Landau bắt gặp cái nhìn của người thiếu phụ và bắt đầu thay đổi thái độ. Anh ta nói:
- Xin người đẹp thông cảm, số là tôi phải ra sức làm việc vì sinh kế, tay làm hàm nhai mà, chắc cô cũng đồng ý về điểm đó, phải không nào? Tôi không làm việc cho ông Barley Scott Blair, dù tôi rất hâm mộ ông ấy.
Nói đến đây, Landau ngừng hẳn lại, sự  giận dữ lúc ban đầu bây giờ đã đổi thành sự ân cần của một trang nam nhi hào hoa phong nhã, vì thấy người thiếu phụ run run. Anh nhận thấy điều đó trước hết là hai bàn tay cô bóp chặt cái túi lưới, rồi đến cái cổ áo đăng ten của chiếc áo dài xanh phập phồng nơi cổ cô, và sau nữa là làn da cô đột nhiên trở thành trắng bệch. Nhưng miệng cô và quai hàm cô cắn chặt, biểu lộ một ý chí mãnh liệt.
- Xin ông vui lòng, ông hãy tỏ ra tử tế với phụ nữ một chút. Ông hãy giúp tôi – Cô ta van lơn, như thể không còn cách nào khác.
Landau có biệt tài am hiểu nữ giới.
“Harry. Đàn bà, đó là trò tiêu khiển của tôi lúc nhàn nhã, là đề tài nghiên cứu và là sự đam mê của tôi”. Một hôm Landau đã tâm sự với tôi như thế với một niềm tin cũng trịnh trọng như một hội viên hội Tam Điểm tuyên thệ. Anh ta hân hoan thú nhận rằng anh ta đã chiếm được trên một trăm người đàn bà và không một người nào trong số đó có chút lý do gì để hối tiếc đã thí nghiệm chung sống với anh ta. Không ai biết những gì anh ta nói đúng được bao nhiêu phần trăm, nhưng cũng không ai có thể nghi ngờ những kinh nghiệm anh ta đã thu thập được trong tình trường mà đã giúp anh ta hình thành một ý kiến về người thiếu phụ này.
Cô ta thật trang nghiêm, thông minh, cương nghị và lo sợ, song trong đôi mắt u sầu của cô ánh lên một tia hài hước sáng ngời. Cô có cái phẩm chất hiếm có mà Landau, với ngôn ngữ hoa mỹ của mình, thích gọi là “Cái phẩm chất mà chỉ một mình Mẹ Thiên Nhiên mới có thể ban cho”. Nói cách khác, cô ta có cái vẻ thanh cao và cương nghị. Landau nhận thức được tất cả các điều đó chỉ trong phút chốc, và đã tự kiềm chế khi người thiếu phụ lại bắt đầu nói.
Sau một tiếng thở dài, cô ta nói:
- Một trong những người bạn của tôi có viết một tác phẩm văn học. Đó là một cuốn tiểu thuyết lớn. Thông điệp của nó quan trọng đối với toàn thể nhân loại.
Cô ta ngừng lại, vì không tìm thêm được những luận cứ nào khác.
- Một cuốn tiểu thuyết sao? – Landau hỏi, rồi hỏi tiếp – Tên quyển tiểu thuyết ấy là gì, cô bé của tôi?
Landau nghĩ rằng mãnh lực toát ra từ người cô ta không phải là do sự khoác lác hay sự vô ý thức, mà là do niềm tin của nàng.
Landau nhấn mạnh:
- Thế thì thông điệp của nó là gì, nếu nó không có tên?
- Nó đề cao sự hành động chứ không phải diễn văn. Nó than phiền sự chậm chạp của Perestroika. Nó đòi hỏi sự hành động và bác bỏ mọi thay đổi có tính cách hoàn toàn hình thức.
- Tuyệt! – Landau nói một cách xúc động.
“Harry, cô ta nói như mẹ tôi không bằng. Cô ta hắt cằm lên và vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt tôi”
- Dù có glasnost và đường lối tự do trong chính sách đổi mới, quyển tiểu thuyết của bạn tôi chưa có thể xuất bản tại Liên Xô, được ông Scott Blair đã nhận xuất bản quyển tiểu thuyết ấy một cách thận trọng và kín đáo.
- Thưa cô – Landau nói một cách nhã nhặn – Nếu quyển tiểu thuyết của bạn cô được nhà xuất bản đáng kính Abercrombie and Blair ấn hành, thì việc giữ bí mật, xin cô hãy tin ở tôi, cô sẽ không bị thất vọng đâu.
Anh ta đã nói như thế vì thích đùa, nhưng cũng vì linh tính của anh nhắc anh phải làm cho cuộc đối thoại bớt căng thẳng, để nó bớt khả nghi nếu có người đang theo dõi. Mà dù có hiểu hay không câu nói đùa ấy, người thiếu phụ cũng mỉm cười, một nụ cười mỉm thoáng hiện trên gương mặt cô và cô đã lấy lại được can đảm, đó là dấu hiệu cô đã chiến thắng sự lo sợ
- Thế thì thưa ông Landau, nếu ông là người yêu chuộng hòa bình, thì tôi xin ông hãy mang bản thảo này sang nước Anh, và giao nó ngay lập tức cho ông Scott Blair. Giao tận tay cho ông ta. Đó là một bằng chứng cho sự tín cẩn.
Những gì xảy ra sau đó cũng mất rất ít thì giờ, chẳng khác nào một sự điều đình nơi góc đườn giữa một người bán dốc lòng bán và một người mua dốc lòng mua. Trước tiên, Landau liếc mắt nhìn ngang qua bên trên vai người thiếu phụ, đơn giản đó chỉ là biện pháp đề phòng cho cả hai người. Như anh ta đã nhận xét được, mỗi khi người Nga trù hoạch một mưu mô gì, luôn luôn có những người canh chừng theo dõi đâu đó. Nhưng phần này của gian phòng vắng tanh và các gian hàng trong hành lang chìm trong bóng tối lờ mờ. Cuộc tiệc đang giữa lúc náo nhiệt nhất tại trung tâm gian phòng. Còn ba nhân viên an ninh mặc áo vét da, thì đang trò chuyện với nhau, trông có vẻ cau có.
Quan sát tình hình xong, Landau đọc tên người thiếu phụ trên cái bảng tên bằng chất dẻo ghim nơi ve áo của cô ta, điều mà lẽ ra anh đã làm sớm hơn, nếu đôi mắt màu nâu đen của cô đã không làm anh mê mẩn. Ekaterina Orlava. Và ngay bên dưới là chữ “Tháng Mười” bằng tiếng Anh và tiếng Nga, tên của một trong những nhà xuất bản quốc doanh ở Matxcơva chuyên dịch các sách của Liên Xô để xuất bản chủ yếu là sang các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Sau đó, hay có thể là trong lúc đọc bảng tên, Niki Landau giải thích cho người thiếu phụ những gì cô ta cần phải làm. Là một kẻ thành thạo, Landau biết phải dàn cảnh như thế nào. Đánh giá theo những gì đã biểu lộ ra ngoài, chắc chắn thiếu phụ này cũng gan dạ bằng sáu con sư tử, nhưng cô ta không có vẻ gì là một kẻ có mưu mô. Thế là anh ta không do dự che chở cho cô gái và ngỏ lời với cô như với bất cứ người đàn bà nào cần đến những khuyến cáo thực tiễn của anh ta, đại loại như tìm ở đâu phòng khách nơi anh trọ, hay nói ngon nói ngọt như thế nào với ông chồng khi về đến nhà.
- Thế người đẹp của tôi có mang theo bản thảo đến đây không? – Landau hỏi, miệng mỉm cười thân thiện và liếc nhìn cái túi lưới.
- Dạ có
- Ở trong đó phải không?
- Dạ phải
- Tốt, hãy trao tất cả cho tôi, như một món quà mọn – Landau nói và nhắc cho người thiếu phụ lần lượt làm theo những điều chỉ dẫn của anh ta. Sau khi thiếu phụ trao cái túi lưới cho Landau, anh ta nói tiếp:
- Như thế đó. Bây giờ cô hãy ôm hôn tôi như một cách ngoan ngoãn theo kiểu Nga. Một cái hôn hình thức. Tuyệt vời. Cô đã mang đến tặng cho tôi một món quà chia tay, một món quà xã giao trang trọng. Một món quà sẽ thắt chặt các quan hệ Anh – Xô. Làm như thể chỉ là một việc bình thường. Hôm nay tôi đã phải nhận hơn nửa tá những món quà thuộc loại này.
Vừa nói với cô gái, Landau vừa cúi xuống, rút gói đồ bọc trong giấy kraft ra khỏi cái túi lưới và xoay người đút lẹ vào trong cái cặp đựng giấy tờ của anh. Rồi anh hỏi người thiếu phụ:
- Katia, cô có chồng chưa?
Cô ta không trả lời, có thể cô không nghe. Hay là cô quá bận nhìn anh ta.
- Chính chồng cô đã viết quyển tiểu thuyết, phải không? – Landau hỏi, không nản lòng vì sự im lặng của Katia.
- Có thể nguy hiểm cho ông đấy, thưa ông – Katia nói khẽ - Nhưng nếu ông tin tưởng ở những gì ông làm, mọi sự sẽ tốt đẹp.
Không phản ứng lại lời cảnh cáo ấy, Landau chọn trong các món hàng mẫu mà anh đã dành riêng để phân phát tối hôm nay, một cái hộp đựng bốn cuốn băng cát xét Songe d’une nuit d’été (Giấc mộng đêm hè) của hãng Royal Shakespeare Company, và đặt lên bàn thật đàng hoàng để ai cũng có thể trông thấy, trước khi dùng bút lông đề tặng trên bao bì bằng chất dẻo: “tặng Katia, nhân danh hòa bình. Niki” và ngày tháng năm. Rồi một cách trịnh trọng như muốn phô bày cho mọi người thấy, Landau đặt cái hộp đựng băng cát xét vào trong cái túi lưới. Anh ta nhập hai quai túi lưới lại với nhau rồi trao vào tay Katia vì anh ta thấy Katia tái mặt, sợ cô hốt hoảng và mất bình tĩnh. Chỉ lúc ấy, bằng cách giữ tay cô ta trong tay mình, Landau đã trấn an cô, một sự trấn anh mà hình như cô rất cần đến. Một bàn tay lạnh, nhưng xinh đẹp, Landau đã nói với tôi như thế.
Landau nhỏ nhẹ nói với Katia:
- Tất cả chúng ta một ngày nào đó đều phải làm một việc gì đó mang tính chất nguy hiểm, phải không nào? Và bây giờ chúng ta hãy đi tham dự bữa tiệc liên hoan chia tay cùng với mọi người.
- Không!
- Hay là tôi đưa cô đi dùng bữa tối với tôi ở đâu đó?
- Không phải lúc
- Tôi xin tiễn cô đến cửa?
- Nếu ông muốn như thế
- Thiết tưởng chúng ta nên tươi cười thì có lợi hơn – Landau nói với Katia và hai người đi băng qua gian phòng.
Landau luôn luôn dùng tiếng Anh để nói chuyện với Katia. Khi hai người ra đến bậc đầu cầu thang của tầng lầu, Landau bắt tay Katia và nói:
- Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở hội trợ triển lãm sách vào tháng Chín, phải không? Và xin cảm ơn lời khuyên của cô, tôi sẽ nhớ điều ấy. Nói cho cùng, điều cốt yếu, là chúng ta đã hoàn tất công việc của chúng ta. Vẫn luôn luôn thoải mái, cô có thấy như thế không?
Katia nắm tay Landau và hình như đã tìm thấy được ở đó sự can đảm, vì cô lại mỉm cười, một nụ cười e lệ, nhưng biết ơn và nồng nhiệt một cách không thể kiềm chế được.
- Bạn tôi đã làm được một việc lớn – Katia giải thích – Tôi nhờ ông yêu cầu ông Blair ý thức cho điều đó.
- Tôi sẽ nói với ông ấy như thế, cô an tâm.
Landau những muốn được hưởng thêm một nụ cười nữa của người đẹp, nhưng Katia đã không còn để ý đến anh nữa. Cô lục lọi trong ví, tìm một tấm danh thiếp để trao cho Landau, điều mà cô đã quên chưa làm cho đến lúc này. “Orlova, Ekaterina Borissovna”. Một bên in bằng mẫu tự Slave và một bên in bằng mẫu tự Rômanh. Danh từ “Tháng Mười” in cả hai mặt tấm danh thiếp cũng bằng chữ đó. Trao danh thiếp cho Landau xong, Katia đi xuống các bậc cấp, dáng vẻ căng thẳng, đầu ngẩng cao, một tay vịn lan can cẩm thạch và tay kia cầm cái túi lưới. Các nhân viên an ninh mặc áo vét da nhìn theo cô cho đến tận tiền sảnh. Đút tấm danh thiếp vào túi áo trên cùng với nửa tá danh thiếp khác, Landau để ý đến vẻ nhìn của họ và nháy mắt với họ. Họ cũng nháy mắt đáp lại sau khi suy nghĩ chín chắn. Bây giờ là thời mở cửa, nên một cặp mông xinh đẹp của một phụ nữ Nga, có quyền được người ta chiêm ngưỡng, dù đó là một người nước ngoài.
Trong năm mươi phút chót của cuộc liên hoan, Nika Landau lăn xả vào các cuộc vui chơi một cách thục mạng. Anh ta ca hát và khiêu vũ với một nữ giám đốc thư viện người Xcốtlen; kể một giai thoại chính trị đầy tính hài hước về bà thủ tướng Thatcher với hai nhân viên cục bản quyền VAAP, cuối cùng hai nhân viên này đã phá lên cười; nịnh hót ba bà cán bộ nhà xuất bản Tiến bộ và tặng mỗi bà một món quà kỷ niệm. Nhưng những sự vui đùa ấy không ngăn cản Landau liếc mắt canh chừng cái cặp đựng giấy tờ của mình. Và trước khi khách khứa ra về, anh ta đã một tay cầm cái cặp một tay vẫy chào tạm biệt. Suốt trên chuyến xe riêng đưa các đại diện thương mại về khách sạn, Landau giữ cái cặp giấy tờ trên đầu gối mình, trong lúc hát những bài hát phóng túng cùng với các người khác, được điều khiển như mọi khi bởi Spikey Morgan.
- Các bạn hãy cẩn thận, ở đây có mặt các bà đấy nhé! – Landau nhắc nhở.
Landau đứng dậy bảo các bạn đừng hát những đoạn quá suồng sã. Nhưng suốt thời gian anh ta giữ vai trò điều khiển, anh ta vẫn nắm chặt quai chiếc cặp đựng giấy tờ trong tay.
Trước cửa khách sạn là cả một đám ma cô, bọn bán ma túy và những người đổi tiền chui. Các nhân viên KGB nhìn đoàn khách nước ngoài đi vào, nhưng Landau chẳng có gì đáng phải lo âu khi thấy thái độ của họ, không quá chăm chú cũng chẳng quá lơ là. Người thương binh già canh gác hành lang dẫn đến thang máy, như thường lệ, đòi hỏi phải xuất trình giấy thông hành, nhưng khi Landau, người đã biếu cho lão hơn một trăm bao thuốc lá Marlboro, hỏi lão bằng tiếng Nga, vì sao tối nay lão không tán tỉnh cô bạn nhỏ của lão, thì lão phá lên cười và vỗ vai anh một cách thân mật.
Sau này Landau đã thuật lại với tôi như sau: “Này Harry, lúc đó tôi đã tự nhủ rằng nếu đây là một âm mưu có sắp đặt, thì họ sẽ được lợi nếu tóm cổ tôi ngay lập tức, trong khi đường dây chưa kịp nguội. Để chặn kẻ địch sau cánh cửa, người ta phải khám xét ngay, trong khi tang chứng còn trên người kẻ phạm tội”.
Lên đến cửa phòng mình, Landau phải tập trung can đảm mới đút được chìa khóa vào ổ. Anh ta nghĩ rằng bây giờ họ sẽ ra tay. Ở đây và bây giờ sẽ là lúc tốt hơn hết để họ tóm mình với tập bản thảo.
Nhưng khi anh ta vào trong phòng, mọi thứ đều ngăn nắp. Yên tâm, anh ta đặt cái cặp đựng giấy tờ lên trên giường.
Landau kéo các màn cửa lại, treo ở ngoài cửa tấm bảng “Xin đừng quấy rầy” và khóa cửa. Anh ta lấy hết đồ trong các túi bộ complê ra, kể cả cái túi trong đó anh để các tấm danh thiếp của anh. Anh cởi sao vét, càvạt, và cuối cùng cởi áo sơmi. Anh ta mở tủ lạnh, uống một chút Vodka chanh. Anh ta nói với tôi rằng, thật sự anh không phải là một bợm nhậu, nhưng ở Matxcơva nên nhâm nhi một ly nhỏ Vodka chanh để chấm dứt một ngày. Anh ta đem ly rượu vào phòng tắm, ở đó anh dành hơn mười phút để xem xét một các lo âu tóc tai mình, tìm những chân tóc bạc mà anh đã ngụy trang nhờ một tân dược thần kỳ mới. Sau khi mãn nguyện với công việc ấy, anh trùm lên đầu một khăn tắm cầu kỳ, vừa tắm vừa hát bài “I am the very model of a modern major-general”. Rồi anh ta lau mình thật mạnh để kích thích gân cốt, choàng vào người một chiếc áo rộng vải hoa đỏ rực và trở lại phòng ngủ, vừa đi vừa hát nghêu ngao.
Anh ta tuân thủ một cách đều đặn nghi thức ấy theo thói quen, mà cũng do anh ta hãnh diện đã một lần vì người đẹp mà tống khứ tính khôn ngoan thận trọng ra khỏi bản thân mình, và đã viện ra hai mươi lăm lý do để từ chối hành động, như đáng lẽ anh ta cũng phải làm vào thời kỳ đó.
“Harry, cô ta quả thật là một phụ nữ tuyệt vời, Cô ta có vẻ lo sợ và cần được giúp đỡ. Niki Landau có bao giờ từ chối một điều gì với một phụ nữ tuyệt vời như thế đâu?”. Nhủ thầm như vậy, vì trong thâm tâm anh ta lo sợ có người đặt máy nghe lén. Landau lấy món đò của Katia ra, và bắt đầu tháo sợi dây nhợ mà không cắt bỏ nó, như xưa kia mẹ anh đã bày cho anh. Người mẹ yêu dấu của anh cũng có cái vẻ sáng rỡ như Katia, anh ta nghĩ như thế  với một nỗi niềm luyến nhớ quê hương trong lúc cặm cụi tháo cái nút dây buộc. Cũng nước da Salave ấy. Cũng đôi mắt Slave ấy, và nhát là nụ cười mỉm ấy. Hai người phụ nữ Slave xinh đẹp.
Cuối cùng rồi anh ta cũng tháo được cái nút thắt, cuốn sợi dây lại để nó trên giường. Người đẹp của tôi ơi, nàng thông cảm cho tôi nhé, Landau nhủ thầm trong lòng với Ekaterina Orlova, tôi phải biết. Tôi không muốn dính dáng vào những gì không liên quan đến tôi. Tôi không thuộc loại người tò mò, nhưng tôi phải nói dối khi làm thủ tục hải quan, tôi cần phải biết cái vật mà tôi nói dối, như thế sẽ dễ dàng hơn.
Landau tháo lớp giấy kraft một cách cẩn thận để nó khỏi rách. Quả thật anh ta không coi mình là một vị anh hùng, ít ra chưa là một vị anh hùng. Những gì là một sự nguy hiểm cho một nhan sắc Nga, chưa hẳn cũng là một sự nguy hiểm đối với anh. Đúng là anh đã lớn lên trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vùng East End ở Luân Đôn không phải là một nơi sống thoải mái cho một thiếu niên di dân mới mười tuổi đầu, và Landau đã từng bị sứt môi, gãy mũi, trật khớp, bong gân và bụng trống rỗng. Nhưng nếu bây giờ người ta hỏi anh định nghĩa một người anh hùng là như thế nào, anh sẽ trả lời không một chút do dự rằng đó là người đầu tiên chuồn ra cửa sau khi người ta kêu gọi một cách tình nguyện.
Dù sao đi nữa, khi nhìn nội dung gói đồ bọc trong lớp giấy kraft, Niki cầm chắc một điều: anh cảm thấy đầy hăng hái và sẵn sàng hoạt động. Anh ta sẽ tìm hiểu lý do sau. Nhưng nếu tối nay có một việc ám muội phải làm, thì Niki Landau là người của tình thế. Bởi vì một khi cảm thấy đầy hăng hái, Harry, không ai câu cá giỏi hơn Landau, tất cả đàn bà con gái đều biết điều đó…
Điều anh thấy trước tiên: đó là một phong vì và trong phong bì là ba quyển tập, tất cả được cột lại bằng một sợi dây thun lớn bản. Phong bì màu nâu, vuông vức và dán không kỹ, anh thấy điều đó trước tiên, bởi vì nó mang chữ viết của người thiếu phụ, nét chữ rõ ràng của một nữ sinh: “Thư riêng. Kính gửi ông Bartholomew Scott Blair. Khẩn”.
Landau lấy phong bì ra khỏi dây thun và đưa soi trước ánh đèn, nhưng vì phong bì màu nâu nhạt nên anh không thấy gì ở bên trong. Xoa xoa thử giữa ngón và ngón trỏ, anh đón nó có lót một tờ giấy mỏng, hai tờ là nhiều nhất. Anh ta nhớ lại câu: “Ông Scott Blair đã nhận trách nhiệm in quyển sách này với sự thận trọng cần thiết. Ông Landau, nếu ông là một người yêu chuộng hòa bình… ông hãy trao ngay lập tức bản thảo này cho ông Scott Blair. Trao tận tay. Đó là một bằng chứng của sự tín cẩn.”
Anh ta nghĩ: Nàng cũng tin cậy nơi ta. Khi lật phong bì lại, mặt sau không có chữ.
Vì người ta không thể biết gì nhiều với một phong bì màu nâu dán kín, và vì Landau có phương châm là không bao giờ đọc thư riêng của người khác, trong trường hợp này là của Barley, anh ta mở cặp da đựng giấy tờ của mình, lấy ra từ trong một ngăn, một phong bì bằng giấy thô màu vàng có in ở góc trên bề mặt: “M. Nicholas P. Landau”. Anh lấy phong bì màu nâu cho vào trong cái phong bì màu vàng đó, dán lại và đề lên trên: “Barley”, rồi xếp vào cái ngăn mang chữ “Linh tinh” trong cái cặp. Ngăn này chứa đựng tất cả các thứ lặt vặt, từ các tấm danh thiếp mà những người không quen biết đã trao cho anh ta, cho đến những bản kê những vật dụng mà anh ta đã hứa mua cho mọi người, như một chủ Nhà xuất bản cần nhiều lố mực Parker, một cán bộ Bộ Văn hóa muốn có một cái T-shirt Snoopy cho cháu của ông ta, hay cái cô cán bộ Nhà xuất bản Tháng Mười đã đến gặp anh ta lúc anh thu xếp gian hàng của mình.
Landau có biện pháp đề phòng ấy, vì linh tính của một nghề nghiệp anh chưa bao giờ học, nhắc anh trước hết là phải xếp phong bì xa các quyển tập, càng xa càng tốt. Nếu các quyển tập có gì nguy hiểm, anh ta muốn không có điều gì có thể liên hệ giữa chúng với phong bì, và ngược lại, về điểm này anh ta hoàn toàn có lý. Các huấn luyện viên giàu kinh nghiệm hơn hết trong cơ quan tình báo, cũng không thể khuyến cáo anh một điều gì hơn.
Sau đó anh lắng nghe xem có tiếng chân đi trong hành lang hay không. Anh lấy ba quyển tập ra khỏi sợi dây thun. Ba quyển sổ tay loại giấy xấu, anh thầm nghĩ. Anh chọn quyển thứ nhất và lật một cách chậm rãi. Hai trăm hai mươi bốn trang khổ giấy in-quarto.
Cuối cùng anh ta mở quyển sổ ra và đọc trang đầu. “Con bé gàn thật” Landau nghĩ và cố nén sự bất bình của mình. “Nó ở trong tay một thằng khùng! Tội nghiệp con bé”.
Toàn là những câu vô nghĩa, viết nghuệch ngoạc không theo hàng lối, với một ngòi bút lông và mực tàu, viết ở ngoài lề, hàng ngang hàng dọc, ngay cả hàng chéo, giống như chữ viết khó đọc của bác sĩ. Tất cả đều điểm thêm những dấu than và những gạch dưới to tướng. Một phần bằng mẫu tự của dân Slave, một phần bằng tiếng Anh “Thượng đế tạo ra những Thượng đế con. Thực tại. Hư không. Phản thực tại”. Tiếp theo sau là một bài thơ kỳ cục bằng tiếng Pháp chống chiến tranh, và tiếp đó là những câu hỏi hỗn loạn không thể hiểu được. Hoan hô! Landau nghĩ và lật một trang, rồi một trang nữa. Cả hai trang đều đầy những chữ viết nghuệch ngoạc. Những câu trích trong các tác phẩm của các nhà văn Nga và châu Âu. Những lời bình phẩm về Nietzsche, Kafka và những người mà anh ta chưa bao giờ nghe nói đến. “Người già tuyên chiến, người trẻ chiến đấu. Bây giờ già trẻ đều tham gia chiến đấu”. Landau lật thêm một trang nữa và để ý ngay đến một vết tròn màu nâu. Anh đưa quyển sổ tay lên mũi và ngửi. Nó hôi mùi rượu. Hèn chi lão ta là bạn của Barley Blair, lão ta cũng là bợm rượu như Barley.
Trên trang tiếp theo là một bài thơ:
“Nó cuốn lại rồi bung ra,
Để lại dấu vết của nó trên đường.
Nhưng theo hướng nào? Đó là điều khó lường,
Mà con rắn gieo vài đám quần chúng chúng ta”.
Landau đứng dậy, giận dữ bước tới cửa sổ trông ra một cái sân đầy rác chưa được thu dọn.
“Harry, đúng là thơ của một thi sĩ gàn dở. Đó là những gì mà tôi có thể đánh giá. Một loại người nghiền ma túy mà tưởng mình là trí thức tài ba. Và con bé ngây thơ kia đã buôn mình vào vòng tay hắn”.
Cũng may cho con bé kia, vì trong phòng không có cuốn niên giám điện thoại của thành phố Matxcơva, nếu không, Landau đã gọi để cho nó biết cảm nghĩ của anh ta.
Giận dữ, Landau bỏ quyển sổ tay thứ nhất xuống, cầm quyển thứ hai lên, anh ta thấm nước bọt và lật hết trang này đến trang khác một cách khinh khỉnh. Cuối cùng anh ta để ý đến các đồ họa. Đột nhiên, xung quanh là bóng tối hoàn toàn, như có một màn bạc trống trơn ngay ở đoạn giữa của cuốn phim. Anh ta tự nguyền rủa mình là một gã Slave hung hăng, nông nổi thay vì là một người Anh điềm tĩnh và phớt ăng-lê. Rồi anh ta ngồi xuống giường một cách thận trọng.
Nếu Landau khinh khi những gì mà anh ta thường cho là văn chương, trái lại anh rất quan tâm đến các đề tài kỹ thuật. Ngay cả khi anh ta không hiểu những gì anh ta đọc, anh ta vẫn đọc một cách thích thú một đề tài toán học trong suốt một ngày. Và anh ta hiểu, ngay khi mới nhìn qua, rằng những gì mở ra trước mắt có một giá trị lớn. Đây không phải là những đồ họa vẽ với những thước kẻ, nhưng các bức vẽ phác ấy gạch bằng tay, không dùng dụng cụ, lại càng thêm giá trị. Những đường tiếp tuyến, những parabol, những hình nón và ở giữa những hình ấy là những điều mô tả chi tiết như của các kiến trúc sư hay kỹ sư. Những từ như “điểm ngắm”, “khối lượng nguy kịch”, “sai số nhất định”, “trọng lực”, và “quỹ đạo”, một phần bằng tiếng Anh, một phần bằng tiếng Nga, Harry ạ.
Tuy nhiên, khi Landau so sánh nét chữ đẹp của quyển sổ tay thứ hai với nét chữ nghuệch ngoạc của quyển thứ nhất, anh ta ngạc nhiên xiết bao khi khám phá ra có một điểm tương đồng không thể chối cãi, đến nối anh ta có cảm giác như đang xem nhật ký riêng của một người mắc chứng loạn thần kinh.
Landau nghiên cứu quyển thứ ba, cũng có hệ thống và chính xác như quyển thứ hai, nhưng dưới hình một số nhật ký trên tàu thủy, thuật lại những luận lý toán học, những công thức và chữ “sai số” được lặp lại một cách thường xuyên và thường được gạch dưới, hay nhấn mạnh bởi một dấu than.
Rồi đột nhiên Landau trố mắt, bị mê hoặc và không thể không đọc tiếp. Sự tối nghĩa của những từ ẩn nghĩa được tác giả dùng, cuối cùng chấm dứt bằng một thành tích vĩ đại, cũng như những lời huyên thuyên về triết học và những đồ họa của tác giả. Bây giờ các chữ lộ ra một cách rõ ràng.
“Các nhà chiến lược Mỹ có thể ngủ yên giấc. Những cơn ác mộng của họ sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Liên Xô chỉ còn là một cường quốc hạng nhì như các nước Anh. Các ông hãy tin lời tôi”.
Landau không đi xa hơn. Một tình cảm tôn trọng người khác, cộng thêm một linh tính tự bảo vệ, khuyến cáo anh không đào sâu thêm nữa. Anh ta lượm sợi dây thun lên và buộc ba quyển sổ tay lại với nhau. Thế là xong, anh nghĩ thầm. Kể từ bây giờ tôi lo công việc của tôi và tôi làm tròn bổn phận của mình: tôi mang bản thảo này về nước Anh thân yêu của tôi và trao ngay lập tức cho ông Bartholomew biệt danh là Barley Scott Blair.
Barley Blair! Anh ta sửng sốt suy nghĩ trong lúc mở tỷ để lấy ra một cái valy lớn bằng nhôm, trong đó anh xếp các hàng mẫu. Thế thì tốt! Người ta thường tự hỏi, phải chăng người ta đã cài một điệp viên trong lòng chúng ta, và bây giờ, người ta đã biết.
Landau bình tĩnh một cách oai vệ, anh ta đoan quyết với tôi như thế. Con người Anh một lần nữa đã lại thắng thế con người Ba Lan nơi anh ta. Sau này anh ta đã nói với tôi: “Này Harry, nếu Barley có thể làm việc ấy, thì lúc đó tôi cũng đã tự nhủ rằng chính tôi cũng đủ khả năng gánh vác việc ấy”.
Anh ta để cái valy lên giường, mở khóa và lấy ra hai cái hộp đựng băng video mà các nhà chức trách Liên Xô đã ra lệnh cho anh không được trưng bày: một hộp về đề tài lịch sử mà họ cho là có tính cách tuyên truyền chống Liên Xô, và một hộp thứ hai là về đề tài thân thể con người với những hình ảnh các động tác luyện tập để cho có eo mà các nhà chức trách sau khi ngắm nghía một cách thèm thuồng người nữ huấn luyện viên trẻ trung, mềm dẻo, mặc áo nịt ngang hông xinh đẹp như một nữ thần, đã đánh giá là có tính cách khiêu dâm.
Hộp lịch sử bên ngoài giống như một quyển sách, và bên trong có nhiều cái túi đựng băng cát xét, các văn bản kèm theo, các phiếu chú thích. Landau lấy hết các thứ trong các túi ra và thử cho các quyển sổ tay vào trong đó, nhưng không có cái túi nào đủ rộng nên anh ta quyết định sửa hai cái túi thành một. Anh ta đi lấy cái kéo cắt móng tay của mình và bắt tay ngay vào việc.
Barley Blair! Anh ta lại nghĩ khi đưa mũi kéo để cắt miếng ngăn ở giữa hai cái túi. Đáng lẽ mình phải sinh nghi. Gã Bartholomew Scott Blair, hậu duệ cuối cùng của nhà xuất bản Abercrombie and Blair: một điệp viên! Anh chàng mà thành tích vẻ vang cách đây hai năm, tại hội chợ triển lãm sách ở Belgrade, là đã thắng trong cuộc thi uống rượu Vodka làm cho Spikey Morgan nhào lăn xuống bàn, và sau đó chơi kèn saxo ténor rất hay, lại là một gián điệp! Một nhà quý phái gián điệp. Và bây giờ đây tớ lại làm con chim bồ câu đưa thư cho bồ của cậu!
Landau lấy các cuốn sổ tay và cố nhét vào chỗ anh ta vừa làm xong, nhưng không được. Anh lại phải ghép ba cái túi thành một cái.
Landau nghĩ thầm: Barley, cậu chơi trò bợm rượu, một trò ngốc nghếch! Thế mà chúng tớ đã tin điều đó như những thằng ngu xuẩn! Cậu đã phung phí gia sản, cậu làm cho công ty càng lúc càng thêm lỗ vốn. Đúng rồi! Nhưng bằng cách này hay cách khác, luôn luôn cậu xoay xở tìm một ngân hàng lớn để rút tiền đúng lúc, phải không? Và cái lối chơi cờ của cậu… Nếu Landau biết quan sát, thì đó là chứng cớ! Làm sao một người trở thành đần độn vì rượu lại có thể thắng cờ bất kỳ ai, nếu người đó không phải là một tên gián điệp được huấn luyện kỹ lưỡng?
Ba cái túi đã được làm thành một cái, trong đó các sổ tay nhét vào được chăng hay chớ. Nhãn vẫn được ghi là “Những chú thích dành cho sinh viên”.
Ngay bây giờ Landau đã lẩm nhẩm trang đầu những gì sẽ nói với nhân viên hải quan ở phi cảng Cheremetievo: “Ông thấy đó, đây là những mục chú thích đã được ghi rõ trên nhãn”. Những mục chú thích dành cho sinh viên. Đó là lý do vì sao có một cái túi riêng dành cho các mục chú thích. Và những mục chú thích mà ông đang cầm trong tay là công trình của một sinh viên đã thật sự có theo học khóa học này. Chắc ông hiểu, phải không? Và các hình vẽ, chúng có liên hệ đến…”
Nhưng còn một đêm dài đang chờ đợi anh ta và biết đâu sáng sớm ngày mai họ lại không  đạp tung cửa, đột nhập vào phòng anh, tay cầm súng lục miệng hét lên: “Nào Landau, hãy giao các quyển sổ tay cho chúng tôi!”. Nếu xảy ra trường hợp ấy, cái hộp dán nhãn “Những mục chú thích” sẽ chẳng ích lợi gì. Landau nghĩ sẽ trả lời: “Các quyển sổ tay, thưa quý ông? Các quyển sổ tay? A, các ông muốn nói đến cái gói giấy má vô giá trị mà một thiếu phụ Nga xinh đẹp nhưng hơi vớ vẩn đã ép tôi phải nhận ở hội chợ triển lãm tối nay? Thưa quý ông, tôi nghĩ rằng quý ông sẽ tìm thấy chúng trong sọt giấy, nếu người bồi phòng chưa đem đi đổ!”.
Để đối phó với sự bất ngờ ấy, Landau dành cảnh một cách rất cẩn thận. Anh ta lấy các quyển sổ tay ra khỏi cái túi đựng cái hộp lịch sử, bỏ chúng vào trong cái sọt giấy như thể anh ta đã liệng chúng vào đó trong cơn giận dữ của mình khi mới đọc lần đầu. Để thêm phần dễ tin, anh ta cũng vào sọt giấy những tập quảng cáo thừa, cùng với một vài món quàn vô ích mà anh ta nhận được. Lại còn bỏ thêm vào cái sọt giấy một đôi tất mà chỉ một gã nhà giàu mới dám vứt đi.
Thêm một lần nữa, tôi phải thán phục cái biệt tài bẩm sinh của Landau.
Đêm hôm đó, anh ta không đi ra ngoài để vui chơi. Anh ta kiên nhẫn tự giam mình trong phòng khách sạn. Qua cửa sổ, anh ta nhìn hoàng hôn từ từ trở thành bóng tối. Anh ta pha trà và ăn một thỏi trái cây khô. Với nỗi nhớ nhung, anh ta nghĩ đến cuộc chinh phục êm đềm hơn hết trong các cuộc chinh phục các cô bạn nhỏ của anh ta. Anh ta gồng mình chịu đựng, gợi lại cuộc đời thơ ấy gian khổ của mình để tự an ủi. Anh ta kiểm điểm lại những đồ vật trong ví, trong cặp da và trong các túi của mình. Rồi anh ta nằm dài trên giường. Từng lúc, anh ta cảm thấy cảm đảm, và có những lúc khác, anh ta lại lo sợ, đến nỗi phải bấm móng tay vào lòng bàn tay để khỏi bị run rẩy.
Chỉ một lần, trong một lúc tinh thần suy nhược, Landau chợt nghĩ tới việc đến Sứ quán Anh để xin sự giúp đỡ của chiếc valy ngoại giao. Nhưng sự yếu hèn tạm thời làm cho anh ta nổi giận. “Cầu cạnh bọn người đê tiện ấy sao?” Landau tự nhủ với vẻ khinh bỉ. “Những kẻ đã trục xuất cha ta về Ba Lan sao?”
Và dù sao đi nữa thì đó không phải là cách mà người thiếu phụ áo xanh đã yêu cầu anh ta làm.
Sáng hôm sau, Landau diện bộ complê bảnh nhất của mình và cho tấm ảnh của mẹ anh ta vào trong túi áo sơmi, để linh hồn bà phù hộ cho anh thêm nghị lực đi làm nhiệm vụ.
Anh ta bước trên con đường Matxcơva ấy, dáng đi ung dung, tay xách cái valy bằng nhôm, quên tất cả những gì chứa đựng trong đó, nhưng sẵn sàng liều mình, bất chấp mọi việc có thể xảy ra.

<< Chương 17 ( Chương Kết) |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 141

Return to top