Liên Mạng VietNam || GiaiTri.com | GiaiTriLove.com | GiaiTriChat.com | LoiNhac.com Đăng Nhập | Gia Nhập
Tìm kiếm: Tựa truyện Tác giả Cả hai

   Tìm theo mẫu tự: # A B C D E F G H I J K L M N O P Q R S T U V W X Y Z Danh sách tác giả    Truyện đã lưu lại (0
Home >> Truyện Ngắn >> Gọi người đã chết

  Cùng một tác giả


  Tìm truyện theo thể loại

  Tìm kiếm

Xin điền tựa đề hoặc tác giả cần tìm vào ô này

  Liệt kê truyện theo chủ đề

  Liệt kê truyện theo tác giả
Số lần xem: 1368 |  Bình chọn:   |    Lưu lại   ||     Khổ chữ: [ 1, 2, 3

Gọi người đã chết
John Le Carré

Chương 1

* John Le Carré tên thật David Cornwell; người Anh, sinh năm 1931. Học Đại học Berne, Oxford. Dạy học tại Eton, sau làm Bộ Ngoại Giao, vì vậy không được dùng tên thật. Bút hiệu Le Carré (tiếng Pháp, có nghĩa là hình vuông), do ông tình cờ đọc trên cửa kính một tiệm ở London.

Lược sử George Smiley
Khi phu nhân Ann Sercomb kết hôn với George Smiley, vào cuối cuộc chiến, bà mô tả ông, trước vẻ sững sờ của bạn bè khu thượng lưu Mayfair, thằng chả cù lần hết thuốc chữa. Hai năm sau, khi bỏ ông theo tay đua xe hơi người Cuba, bà úp mở tuyên bố, nếu lúc này mà không rứt ra thì sẽ không bao giờ làm nổi. Và nam tước Sawley đã làm một chuyến viếng thăm đặc biệt câu lạc bộ của ông, chỉ để đưa ra nhận xét: con mèo đã ra khỏi cái bị.
Nhận xét này, có một dạo, được coi là một câu nói dí dỏm, chỉ những người nào biết Smiley mới hiểu. Thấp, mập, bản tính trầm lặng, ông có vẻ như tốn quá nhiều tiền, cho mớ quần áo thật tậu lệ: chúng như được khoác lên một cái khung lùn, giống như da một con cóc lịch bịch. Thực sự là, Sawley đã tuyên bố trong buổi lễ cưới, “Sercomb đã lấy nhầm một con cóc đực phải gió”. Và Smiley, chẳng biết gì về một hình ảnh như vậy, lịch bịch bước xuống hành lang nhà thờ, đi tìm nụ hôn biến ông thành hoàng tử. Ông giầu hay nghèo, nhà quê hay tu sĩ? Bà moi hắn ở đâu ra vậy? Sự bất xứng đôi lại càng nổi bật, vì nét đẹp lồ lộ của phu nhân Ann; bí mật cuộc hôn nhân càng tăng thêm, do cô dâu chú rể không môn đăng hộ đối. Nhưng những lời ngồi lê đôi mách vốn chỉ nhìn người trong cuộc đen ra đen trắng ra trắng, gán cho họ những tội lỗi, những động cơ dễ loan truyền theo kiểu nói vắn tắt. Thế là, Smiley, không trường lớp, không cha mẹ, không nghề ngỗng, không tài sản hoặc khố rách áo ôm, kẻ du hành không nhãn hiệu, trong toa lính hầu, trên chuyến xe tốc hành xã hội, chẳng mấy chốc trở thành món đồ thất lạc, và khi vụ ly dị xẩy ra, trở thành vô thừa nhận, trên giá bụi, của bản tin ngày hôm qua. Khi phu nhân Ann theo ngôi sao của mình đi Cuba, bà có chút suy nghĩ về Smiley. Miễn cưỡng thán phục, bà thừa nhận với lòng mình, nếu có người đàn ông độc nhất trong đời, Smiley chính là người đó. Hồi tưởng lại, bà hài lòng, vì đã nói ra điều này, bằng một thánh lễ hôn nhân.
Hậu quả của việc ra đi của phu nhân Ann, đối với người chồng cũ, xã hội chẳng quan tâm. Tuy nhiên, cũng lý thú, nếu biết được, Sawley và đồng bọn đã nghĩ gì, về phản ứng của Smiley (khi vợ bỏ theo trai), về bộ mặt đẫy đà với cặp kính, hằn hẳn lên, ngố hẳn ra, do quá tập trung, mỗi lần ông say sưa đọc những nhà thơ người Đức, không phải thứ số một; đôi tay mũm mĩm, ướt nhẹp nắm chặt lại dưới tay áo lòng thòng. Nhưng thừa dịp, Sawley nhún nhẹ vai, buông một câu: “Đi, là chạy ở trên đường, một tý “. Ông dường như không hay, cho dù phu nhân chỉ chạy đi, một chút con người Smiley thực sự đã chết. Phần sống sót ở trong Smiley cũng chật chìa so với bề ngoài, như tình yêu, hay thú thưởng ngoạn những nhà thơ không được người đời biết tới: đó là nghiệp vụ của ông, một viên chức tình báo. Ông thích nghề đó, một nghề đã ban cho ông, như một ân sủng, những đồng nghiệp tính khí và gốc gác cũng mù mờ như mình. Nó cũng ban cho ông, điều một thời ông yêu nhất trong đời: dạo chơi như một học giả, trong cõi bí ẩn là hành vi con người; và ứng dụng vào thực tế, những diễn dịch của riêng mình.
Trong thập niên 1920, vào một lúc nào đó, khi Smiley rời ngôi trường không tăm tiếng của ông, mắt nhắm mắt mở lần theo những hành lang âm u của Học viện Oxford chẳng gây một ấn tượng, ông mơ ước làm một nghiên cứu sinh, và dâng hết đời mình cho những nhà văn u tối thế kỷ 17 của nước Đức. Nhưng ông thầy phụ đạo, biết Smiley rõ hơn, đã khéo léo kéo ông ra khỏi những thành đạt văn chương, chẳng chút hồ nghi, sẽ thuộc về ông. Thế là một sáng đẹp trời, vào tháng Bẩy năm 1928, một anh chàng Smiley khá hồng hào, ngơ ngác ngồi trước ban phỏng vấn của Hội đồng hải ngoại về nghiên cứu học thuật (the Overseas Committeee for Academic Rechearch), một tổ chức, thật vô lý, ông chưa hề nghe nói tới. Jebelee, ông thầy phụ đạo, mơ hồ một cách thật lạ lùng, trong lời giới thiệu: “Smiley, hãy để cho họ thử, có thể họ sẽ nhận, và trả khá hậu hĩ, đủ bảo đảm cho anh một cõi giao du thanh lịch”. Nhưng Smiley thấy không ham, và nói ra luôn. Ông băn khoăn, Jebelee vốn rất chính xác, sao lại lơ tơ mơ như vậy. Trong một thoáng bực bội, ông đồng ý hoãn trả lời học viện Chư Linh (All Souls), cho tới khi gặp “những con người bí ẩn” của Jebelee. Ông không được giới thiệu với Uỷ ban, nhưng đã biết, theo kiểu nhìn thấy mặt, phân nửa những thành viên. Có Fielding, thuộc Đại học Cambridge, chuyên về thời kỳ Trung cổ ở Pháp; Sparke, của Trường Ngôn ngữ Đông phương; và SteeđAsprey, có mặt tại Bàn Danh Dự trong bữa dạ tiệc của Jebelee mà Smiley là khách được mời. Ông phải thú nhận, đã xúc động. Khoan nói tới Cambridge: Fielding phải rời những căn phòng của ông ta, nội chuyện đó thôi đã là một phép lạ. Sau này, Smiley vẫn nghĩ, cuộc phỏng vấn giống như một điệu múa quạt, từng cá nhân bộc lộ, những phần khác nhau, của một toàn thể bí mật. Sau cùng, SteeđAsprey, hình như là Chủ Tịch, vén màn cuối, và sự thực sừng sững hiện ra trước mắt Smiley, với tất cả sự trần trụi chói loà của nó. Ông được đề nghị, một chức việc, trong một bộ phận, do SteeđAsprey không làm sao chọn được một cái tên tốt đẹp hơn, đã đỏ mặt diễn tả: Cơ quan Mật vụ.
Smiley xin có thời gian suy nghĩ. Họ cho một tuần. Chẳng ai đề cập chuyện lương lậu.
Đêm đó, ông trọ ở London, tại một nơi khá sang, và đóng bộ tới kịch viện. Ông cảm thấy lâng lâng lạ thường, và điều này làm ông lo lo. Ông biết rõ, mình sẽ nhận, mình có thể làm vậy, ngay tại cuộc phỏng vấn. Chỉ là cẩn thận theo bản năng, và có lẽ, một ham muốn khả dĩ tha thứ được: chơi trò đỏng đảnh với Jebelee; do vậy mà ông không nhận lời ngay. Sau nhận, tới huấn luyện: những căn nhà vô danh ở đồng quê, những huấn luyện viên vô danh, những chuyến đi, vô kể số, và một triển vọng diệu kỳ, ngày càng lộ rõ, về một việc làm đơn độc.
Nơi công tác đầu tiên khá dễ chịu: hai năm giảng viên Anh ngữ tại một Đại học Đức ở tỉnh lẻ. Những buổi thuyết giảng về thi sĩ Keats, và những kỳ nghỉ, trong những quán trọ dành cho dân săn bắn, tại vùng Bavaria, cùng những toán sinh viên Đức, đạo mạo và lang chạ một cách thật là trang trọng. Cuối mỗi kỳ nghỉ dài, ông đem vài sinh viên trong số họ về Anh, và sau khi đã nhắm sản những kẻ xài được, ông chuyển đề nghị bằng những phương pháp lén lút, tới một địa chỉ ở Bonn; trong suốt hai năm trời, ông hoàn toàn mù tịt, về những đề nghị của mình, được chấp thuận hay bị bác bỏ. Thực tình, ông chẳng có cách nào hay được, những thông điệp của ông có tới nơi nhận hay là không, và khi ở Anh, ông không hề liên lạc với Bộ. Những tình cảm ý nghĩ của ông, trong khi thi hành công tác, thật lộn xộn, không sao hoà nhập. Công việc gây tò mò ở nơi ông, khi phải đánh giá, từ một vị trí biệt lập, điều ông được học: một cái gì như là “tiềm năng điệp viên” ở mỗi con người; khi nghĩ ra những trắc nghiệm chi li, về tính tình và hành vi, từ đó ông biết được phẩm chất của một ứng viên.
Cái phần này ở trong ông thật vô tình và tàn nhẫn: Smiley trong vai trò này, là một tên đánh thuê quốc tế chuyên nghiệp, vô đạo đức, và không hề có một động cơ nào, ngoài chuyện thoả mãn cá nhân, cốt sao đạt được việc của mình. Ngược lại, ông buồn rầu chứng kiến, khoái lạc tự nhiên cứ thế chết dần, ở trong ông. Bản chất luôn khép kín, ông thấy mình lúc này co rúm lại, trước những cám rỗ của tình bạn, và lòng chung thuỷ của con người; ông cảnh giác hết mình, trước những phản ứng mang tính bộc phát. Bằng sức mạnh của lý trí, ông ép mình vào chuyện quan sát nhân gian, với sự khách quan lâm sàng [của một ông thầy thuốc), và, bởi vì không bất tử, và chắc chắn, không thể không lỗi lầm: ông thù ghét và ghê sợ sự giả trá của đời mình. Nhưng Smiley là con người tình cảm, và nỗi xa xứ ngày càng làm mạnh tình yêu sâu thẳm của ông với nước Anh. Ông ngấu nghiến những hồi ký về Oxford; vẻ đẹp, sự phóng khoáng trí tuệ, tính chậm chạp chín mùi trong những phán đoán của nó. Ông mơ những ngày nghỉ lộng gió mùa thu ở bến Hartland Quay, những chuyến tản bộ dài trên những vách đá ở Cornall, mặt trơn láng, nóng bỏng trước gió biển. Đây là một cuộc sống thầm kín khác của ông, và ông ngày càng thù ghét sự xâm nhập tục tằn của nước Đức mới, những bước giậm chân và những tiếng la hét của sinh viên trong bộ đồng phục, những khuôn mặt sẹo, kiêu căng, và những câu trả lời hạ cấp của họ. Ông cũng căm tức, cái thói Phân khoa xía vô môn dậy của ông - nền văn học Đức yêu dấu của ông - Và rồi một đêm, cái đêm khủng khiếp của mùa đông năm 1937, khi Smiley đứng ở cửa sổ phòng mình, ngắm một đám lửa trại nơi sân trường Đại học: vây quanh ngọn lửa, hàng trăm sinh viên, mặt hồ hởi, bóng nhẫy dưới ánh lửa bập bùng. Và họ ném hàng trăm cuốn sách của họ vào ngọn lửa ngoại đạo. Ông biết tác giả những cuốn sách: Thomas Mann, Heine, Lessing, và hàng loạt người khác; và Smiley, bàn tay ẩm ướt khum khum quanh đầu điếu thuốc, ngắm nhìn và thù hận, hả hê trong nỗi chiến thắng vì đã nhận diện ra kẻ thù của mình. 1939, ông có mặt ở Thuỵ điển, nhân viên được bảo chứng của một hãng chế tạo vũ khí nhẹ nổi tiếng của Thuỵ sĩ; mối làm ăn được ghi lùi ngày tháng, cho thuận tiện. Cũng để cho thuận tiện, tướng mạo ông phần nào biến cải, bởi vì Smiley khám phá ra một điều, ông có tài nhập vai, hơn hẳn mấy cái trò thô thiển như thay đồi mái tóc, hoặc thêm một hàng ria mép nho nhỏ.
Trong bốn năm đi đi lại lại giữa Thuỵ sĩ, Thuỵ điển, và Đức, ông không ngờ bị hoảng sợ lâu đến thế. Ông mắc chứng kích giật nơi mắt trái, muời lăm năm sau vẫn còn; sự căng thẳng vạch những đường hằn trên đôi má phính. Ông học được, làm sao để có thể không bao giờ ngủ, không bao giờ xả hơi, làm sao cảm thấy nhịp đập hoài hoài của trái tim, của chính mình, bất kể ngày đêm, làm sao với tới những cực điểm của nỗi cô đơn, và sự thương thân, làm sao nhận ra cơn dục thật bất thần, không đắn đo, một người đàn bà, một ly rượu, một vận động, và thuốc, bất kỳ thứ thuốc gì, nếu có thể bứng đi, sự căng thẳng của đời mình. Trên cái nền đó, ông làm doanh thương thứ thiệt, và làm gián điệp. Theo thời gian, mạng lưới mỏ rộng, và những quốc gia khác chỉnh đốn dần sự thiếu hụt, về tầm nhìn xa, và công tác chuẩn bị.
Năm 1943, ông được gọi về. Trong sáu tuần lễ, ông chỉ mong quay lại, nhưng chẳng bao giờ họ cho ông đi. “Anh hết thời rồi.” SteeđAsprey bảo ông. “Huấn luyện người mới. Nghỉ ngơi thôi. Lấy vợ chẳng hạn. Hưởng nhàn.
Smiley ngỏ lời với cô thư ký của SteeđAsprey, phu nhân Ann Sercomb. Chiến tranh chấm dứt. Họ trả lương thôi việc, ông đưa cô vợ đẹp về Oxford để đắm mình vào trong những áng văn tối tăm của nước Đức thế kỷ 17. Nhưng hai năm sau, phu nhân Ann ở Cuba, và từ một tiết lộ của một thư ký chuyên về mật mã ở Ottawa, phát sinh yêu cầu mới đối với những người có kinh nghiệm như Smiley. Công việc mới mẻ, mối đe doạ: mơ hồ, thoạt đầu, ông thích. Nhưng đám trẻ nhẩy vô, đầu óc tươi tắn hơn, có lẽ vậy. Smiley không phải là thứ tài nguyên để thăng tiến, điều này cứ thấm dần, và Smiley bước vào quãng trung niên của cuộc đời mình mà chưa từng hay, rằng mình đã có thời trẻ tuổi; và ông - qua cung cách lịch sự nhất khả dĩ có được - bị xếp xó.
Mọi chuyện đổi thay. SteeđAsprey đi rồi. Ông chạy trốn thế giới mới, qua Aán độ truy tìm một nền văn minh khác. Jebelee chết. Ông đáp xe lửa tại thành phố Lille, năm 1941, cùng một hiệu thính viên trẻ, người Bỉ; và người ta không còn được tin tức gì về họ. Fielding ăn nằm với mọt luận án về nhà văn Romain Rolland - chỉ Maston là còn. Maston, kẻ chuyên nghề hoạn lộ, được tuyển một trong thời chiến, Cố vấn tình báo của Hội đồng Bộ trưởng. “Người, - Jebelee nói - chơi quần vợt quyền lực ở sân Wimbledon”. Liên minh Bắc Đại Tây Dương, những biện pháp tuyệt vọng được người Mỹ để ý tới… đã làm toàn bộ bản chất điệp vụ của Smiley trở nên lỗi thời. Những ngày tháng với SteeđAsprey đã xa khuất mù, cái thuở bạn không chừng đã nhận lệnh qua ly rượu mạnh, trong những căn phòng của ông ta ở Magdalen; chất tài tử ngẫu hứng của một dúm người đầy tài năng, lương bổng chẳng màng, đã nhường chỗ cho tính hữu hiệu, chất thư lại và thật bè phái của một nha sở thuộc cỡ nhà nước - thực tình đều nằm trong vòng thao túng của Maston, với những bộ dồ đắt tiền, tước phong quý tộc, mớ tóc xám uy nghi, mớ cà vạt mầu ngân nhũ; Maston, kẻ nhớ cả sinh nhật cô thư ký của mình; một người mà phong thái được truyền tụng giữa mấy bà mấy cô tại văn phòng tiếp tân; Maston xin lỗi về việc mở rộng giang sơn của mình, ân hận phải rời tới những căn phòng rộng rãi hơn nữa; Maston chủ toạ những bữa tiệc thanh lịch, tại nhà nghỉ ở Hentley, và ngấu nghiến thành công của thuộc hạ. Họ đã đem ông vô, trong thời chiến, người công chức chuyên môn của một nha sở chính thống, một người lo giấy tờ và hoà nhập sự xuất sắc của nhân viên, với guồng máy quan liêu nặng nề. Thật an tâm cho mấy ông lớn, khi xử sự với một người mà họ rành rẽ, một người có thể giản lược mọi mầu thành mầu xám, một kẻ biết những ông chủ của mình, và có thể thông thuộc đường đi nước bước giữa họ. Và ông làm điều đó thật khéo léo. Họ thích lối hạ mình của ông, khi bảo vệ những hoang đàng của thuộc hạ, lối uốn éo khi hoạch định những cam kết mới. Ông ta cũng không chê lợi lộc của một tay áo chùng, dao găm bất đắc dĩ (malgré lui); áo chùng cho quan thầy, còn dao găm cho đệ tử. Chức vụ của ông được nguỵ trang thật kỳ cục. Không phải Giám đốc sở trên danh nghĩa, mà là Cố vấn tình báo cho Hội đồng Bộ trưởng; và SteeđAsprey đã mô tả ông ta, một lần cho mọi lần: quan Tổng quản Thái giám. Đây là một thế giới mới đối với Smiley: những hành lang sáng choang, những người trẻ tuổi thông minh. Ông thấy mình quê mùa, cổ lỗ; thấy nuối tiếc căn nhà ọp ẹp khu Knighsbridge, nơi mọi chuyện bắt đầu. Bộ dạng ông như phản chiếu sự thiếu thoải mái này, dưới dạng suy nhược thể chất, khiến cho ông, hơn bất cứ lúc nào, ngày một thêm lọng cọng, giống y chang một con cóc. Ông nhấp nháy con mắt nhiều hơn, và mang thêm biệt danh “Chuột nhũi”. Nhưng cô thư ký mới vào nghề khâm phục ông, và luôn gọi ông là “Gấu cưng của tôi”. Smiley lúc này đã quá tuổi đi công tác nước ngoài. Maston thật rõ ràng trong chuyện này: “Bạn ơi, dù sao, không nhiều thì ít, bạn cũng đã bị lôi cuốn vào tất cả những chuyện xục xạo trong cuộc chiến rồi. Tốt nhất, nên nằm nhà, ông bạn già ạ, và giữ cho bếp lửa cháy đều”. Điều này phần nào giải thích, cảnh Smiley ngồi ghế sau một chiếc tắc xi ở London, vào lúc hai giờ sáng bữa Thứ Tư, ngày mồng Bốn, Tháng Giêng, trên đường tới Gánh Xiệc Cambridge

<< Chương 2 |


Dành cho quảng cáo

©2007-2008 Bản quyền thuộc về Liên Mạng Việt Nam - http://lmvn.com ®
Ghi rõ nguồn "lmvn.com" khi bạn phát hành lại thông tin từ website này - Useronline: 765

Return to top